Đọc truyện Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80 – Chương 9
Biên tập: Sabi
Beta: Qin Zồ
Chẳng mấy chốc, tiếng chuông leng keng quen thuộc đã vang lên từ dưới tòa nhà gia đình Tôn Biền ở. Tôn Ký vịn cửa sổ nhìn ra bên ngoài nãy giờ vẫy tay về phía dưới, sau đó chạy sang phòng báo cáo: “Mẹ ơi, cậu đã đánh xe tới đón chúng ta rồi.”
Mẹ Tôn nghe thế liền kéo con gái từ trong phòng ra ngoài, dẫn các con đến cửa thay giày. Còn Tôn Biền thì thoải mái hơn nhiều, cô đã đổi giày ngay trong phòng rồi, giờ chỉ cần đi thẳng ra ngoài là được. Bố Tôn chủ động nhấc bao bố đựng đồ mà vợ đã thu dọn xong. Cả gia đình sợ cậu cả đứng chờ sốt ruột nên vội vàng đóng cửa đi xuống.
Đến nơi, cậu cả Điền đang ngồi xổm dưới bóng cây liễu lớn trước tòa nhà hút thuốc. Thấy cả nhà em gái đã tới, ông mới đứng dậy ngậm điếu thuốc đón mọi người.
“Cả nhà xuống nhanh quá nhỉ, ủa, cái bao bố này là thứ gì đây? Thục Phân nhờ em mang nhiều vậy à?”
Cậu cả vừa hỏi vừa nhận lấy bao tải trên tay ông em rể. Thu xếp ổn thỏa trên xe lừa của mình, chờ em gái, cháu trai và cháu gái đều lên xe rồi ông mới hỏi em rể đứng cạnh xe: “Thúc Minh, sao cậu còn chưa lên xe?”
“Anh không cần để ý tới ảnh đâu, chồng em không đi được. Con trai út của ông trưởng ban Bảo vệ xưởng bọn em cũng kết hôn vào ngày mai, mà đã thông báo sớm với Thúc Minh luôn rồi, để ảnh tới giúp ghi danh sách quà mừng của khách mời.” Điền Thục Lệ ngồi trên xe, vừa giúp con gái chỉnh lại váy vừa nói chuyện với anh trai.
“Ừ cũng đúng, chữ Thúc Minh rất đẹp, ai cũng hợp nhãn hết. Sau này con anh lấy vợ cũng phải phiền em viết danh sách quà mừng giúp rồi.”
“Anh cả, Vĩnh Phúc nhà anh có tin gì rồi à?”
Cậu cả Điền ngồi vào chỗ đánh xe, cười lớn ha ha bảo: “Không gấp, không gấp, nó chỉ mới là một thằng ranh con to xác thôi, vẫn nên học tay nghề cho tốt đã. Đợi đến khi có bản lĩnh kiếm tiền nuôi gia đình rồi hẵng nghĩ tới chuyện cưới vợ. Thúc Minh, bọn anh đi đây.”
Sau khi chào hỏi em rể xong, cậu cả kéo phanh xe, vung roi da lên quất, xe lừa lập tức chậm rãi chuyển động.
Xe lừa nhà cậu cả chính là loại xe kéo kiểu xưa chủ yếu cấu tạo từ gỗ. Ngoại trừ bánh xe, lốp xe và một vài bộ phân then chốt là làm bằng đồng, thì những vị trí còn lại khác đều làm từ gỗ. Dù xe kéo xài được rất lâu rồi, nhưng kể cả sử dụng hay bảo dưỡng thì cậu cả Điền vô cùng chú tâm, đến độ hai chiếc xe này tới tận bây giờ vẫn còn như mới, dùng tốt lắm.
Ngày mùa hè luôn dài, bình thường phải đến hơn bảy giờ chiều trời mới tối, dù trời đã chẳng còn nắng nữa nhưng thời tiết vẫn cứ oi bức.
Đoạn từ bên nhà máy điện cho đến thôn nhà họ Điền đều là đường đất, chẳng những hẹp mà còn nhiều ổ gà xóc nảy. Dù có ngồi trên đệm cói thật dày thì lúc gặp phải chướng ngại vẫn xóc lên xóc xuống. Có điều người ngồi trên xe cũng đã sớm tập thành quen đối với chuyện này, Tôn Ký còn thích thú hát vang với điệu lên lên xuống xuống này nữa.
“Cuộc sống ngọt ngào, cuộc sống ngọt ngào tốt quá trời, khúc ca hạnh phúc, khúc ca hạnh phúc…”
Chuyện khác không bàn, chứ riêng thằng nhóc này trời sinh có chất giọng rất tốt. Cho dù là bài hát nào đi chăng nữa, đến miệng cậu cất lên chẳng những không lệch tông, mà khúc hát còn mang một phong vị rất riêng. Mọi người thưởng thức cũng vui tai, không kìm được mà khen một tiếng nghe hay quá.
Từ nhà máy điện đến hướng đại đội thôn nhà họ Điền chỉ có một con đường đất này dễ đi, bởi thế dọc đoạn đường có không ít nhóm người lui tới.
Bọn họ có người chạy xe đạp mang theo cái sọt, có người vác cuốc trông như mới từ dưới ruộng lên, còn có người đang gánh sọt phân lắc lư đi chầm chậm trên đường.
Ba đời nhà họ Điền đều là thợ mộc có tay nghề. Người trong thôn, trên xã hay thậm chí ở thị trấn, chỉ cần nghĩ tới người làm nghề mộc thì nhất định sẽ nhớ đến nhà bọn họ đầu tiên. Làm việc nhiều thì đương nhiên người biết đến sẽ càng nhiều hơn. Thế nên dọc theo đoạn đường này bọn họ luôn có thể đụng mặt người quen.
Nếu vừa dịp tiện đường thì cậu cả Điền nhiệt tình còn mời người ta lên xe lừa rồi chở đi luôn. Không tiện đường cũng sẽ tán gẫu vài câu, một vài người trẻ tuổi còn tò mò quay đầu nhìn những người ngồi trên xe.
Có cả con trai lẫn con gái đều nhìn sang, cũng không phải có ý xấu gì, mà chỉ là với người trong thôn luôn dùng vải thô, vải bố màu xanh da trời, trắng, xám, thì kiểu váy với màu sắc xinh đẹp và kẹp tóc kia luôn có khả năng thu hút ánh mắt người khác rất lớn.
Xe lừa chầm chậm lái đến thôn ngoại, nhà ông ngoại Tôn Biền nằm ở góc tận cùng trong thôn. Căn nhà cũ có một cái sân rất lớn, chính nơi này là chỗ con cháu nhà họ chạy nhảy mà lớn lên. Nhà cũ có tổng cộng sáu gian phòng, bốn gian nhà chính, hai gian mái đông. Nhà chính cho mọi người ở, trong hai gian mái thì một gian nối với phòng lớn, chuyên để cho đàn ông trong nhà sử dụng khi làm việc.
Đối diện nhà mái đông là chuồng gia súc. Xe kéo và con lừa đến nhà rồi thì đều phải đỗ ở bên kia. Chuồng gà và chuồng heo nằm kế chuồng lừa, mấy con gà mái và heo mập đều thư thả sống trong đấy.
Vì gia đình nuôi gia cầm và gia súc, nên vào mùa hè, mùi hương trong sân có hơi khó chịu. Chẳng qua mợ cả là một người chịu khó, cả cái sân lớn là thế mà ngày nào bà cũng quét sạch hai bên, chỗ chuồng gia súc chỉ cần có thời gian là dọn dẹp luôn. Lại thêm bà ngoại trồng mấy loại hoa tươi, bạc hà… bên cạnh chuồng và ở trong sân, chẳng những cho hương thơm nồng đậm, mà còn là loại thực vật có công dụng đuổi muỗi hiệu quả. Toàn bộ sân lớn nhà họ Điền trông vô cùng sạch sẽ.
Khi cả bọn Tôn Biền vào nhà thì cụ ông đi vắng rồi, cụ bà đang tưới nước cho dưa leo ở vườn rau nhỏ phía đông sân. Bên tường gạch phía đông có một cái cửa nhỏ, sau khi mở ra là bước vào vườn rau xanh trong nhà. Bên cạnh cửa gỗ nhỏ của vườn chính là giếng cổ nhà họ Điền, nước giếng không sâu lại còn vừa mát vừa ngọt.
Bà lão Điền tai thính mắt tinh, nghe được tiếng xe lừa nhà mình về, lập tức lấy tạp dề bọc tận mấy trái dưa leo đi từ vườn rau ra ngoài. Bà kêu con dâu cả tới nhận dưa leo mang đi rửa sạch để chốc nữa ăn, còn mình thì bước sang chỗ con gái, cháu trai và cháu gái.
“Bà ngoại.”
“Bà ngoại.”
“Bà ngoại~~~”
Thấy bà Điền, ba anh em lập tức loi choi nhảy tới như khỉ, vừa kêu bà cụ vừa tíu tít vây quanh. Trong đó người cười nói vui mừng ngọt ngào nhất, giọng còn ngân dài chính là Tôn Ký.
“Mấy con khỉ nhỏ này, đừng nghịch nữa, mau giúp mẹ mấy đứa mang đồ vào trong nhà đi.” Bà cụ được các cháu xúm quanh thì rất vui, đến nếp nhăn trên mặt cũng như bật cười.
Tôn Tuấn phụ mẹ đỡ bao bố đựng đồ đưa vào trong phòng lớn phía đông chỗ ông ngoại ở. Chưa được bao lâu, mợ cả đã rửa sạch một chậu hoa quả đưa tới.
Tôn Tuấn: “Chào mợ.”
Tôn Biền: “Chào mợ.”
Tôn Tuấn: “Con chào mợ ạ.”
Mợ cả bị Tôn Ký chọc cười ha hả, kín đáo nhét cho cu cậu quả mận to nhất trong chậu rồi bảo: “Thằng nhóc này miệng ngọt nhất đấy.”
Nói xong lại nhìn sang hai đứa kia nhà họ Tôn, không thể không tấm tắc: “Tiểu Biền, bộ váy này trông tuyệt ghê, con cũng xinh xắn nữa, sao đẹp thế được nhỉ? Tiểu Tuấn mặc đồng phục nhân viên nhà máy điện đấy hả? Con đã vào làm việc luôn rồi sao?”
Khi bọn nhỏ nhất nhất giải đáp bản lĩnh tra hỏi của mợ, thì mẹ Tôn đã móc ra hết hơn phân nửa đồ vật trong bao bố.
“Mẹ, đây là sữa lúa mạch nguyên chất mà con mang về cho bố mẹ, hai người cứ dùng trước đi, hết con lại mua thêm. Anh, này là trà Thúc Minh đi công tác từ tỉnh lị mang về, em đem đến cho anh. À cả chị dâu, chị đừng giỡn với bọn nhỏ nữa, xem em cầm về mấy mét vải đường vân ngang nè, đủ cho chị cắt được vài bộ quần áo đó. Không phải chị đã sớm bảo muốn làm cho bọn Vĩnh Phú mấy bộ áo kiểu Trung Quốc à? Chị tới mà xem phải cắt làm sao đây?”
Mợ cả lập tức tới ngay, xúm lại một chỗ bàn bạc với cô em chồng chuyện cắt may vải vóc. Chẳng bao lâu sau, Điền Thục Phân nghe bọn họ đã tới thôn thì lập tức đi đến. Đây chính là cô dâu mới uốn một đầu tóc xoăn hợp mốt, chân bước gấp gáp tiến vào cửa.
“Chị Thục Lệ, chị đã về rồi, em nhớ chị muốn chết.”
“Hì hì, không phải là cô dâu mới của nhà ta đây sao? Sao đi vội thế này? Chị thấy em không phải nhớ chị đâu, mà là nhớ đôi giày da đỏ chị mang về thì có. Sốt ruột gả chồng thế này cơ à? Quả nhiên trong nhà không giữ được rồi.”
Mọi người ngồi nghe vậy cười ầm ra tiếng, Điền Thục Phân bị trêu mặt đỏ bừng bừng, chu miệng tỏ ý không chịu trả lời: “Chị lại trêu em rồi, thấy em không cù chị nhờn hả.”
Điền Thục Lệ sợ nhất là bị cù lét, lập tức vừa cười vừa xin tha, hai chị em ầm ĩ một lúc, Điền Thục Lệ mới tìm một hộp giày đưa sang: “Nè cho em, kiểu mới có bên tỉnh lị luôn đấy, chị đặc biệt dặn người ta giữ lại giúp. Em mau thử xem có vừa chân không.”
Điền Thục Lệ đương nhiên biết là có vừa hay không, lúc mua bà đã cố ý lấy lớn hơn một số. Dù sao thì mấy loại như giày, lớn hơn còn có thể nhét vào vài thứ ở mũi rồi mang như bình thường, nhỏ thì coi như vô phương cứu chữa.
Quả nhiên Điền Thục Phân mang đôi giày da đỏ xinh đẹp, đi vài vòng trên nền gạch trong phòng rồi bảo: “Có hơi rộng, nhưng mà không sao, về nhà tìm ít bông nhét lên mũi là đi được rồi.”
Mợ cả nghe thế mới nói: “Lớn thì tốt hơn, có tăng cân vẫn mang được. Mà đây còn là giày cho mùa xuân và mùa thu nữa, chờ tới khi trời trở lạnh đeo thêm tất và đế lót nữa thì không lớn đâu.”
Hiện tại kết hôn đang thịnh hành mang giày da, đáng tiếc là giày sandal da đỏ không quá phổ biến trong các cửa hàng, còn giày sandal nhựa đỏ có không ít.
Thế nên dù cho đang mùa hè, các cô dâu cũng sẽ mang giày kiểu búp bê, có gót hoặc không gót đều được, chỉ cần màu đỏ là tốt rồi.
Điền Thục Phân xỏ giày mới đắc ý đi qua đi lại, càng đi càng thấy thích, đôi giày da này tốt thật đấy, đi đường không sợ vấp chân, lại còn thoáng khí, trời nóng thế này mà không thấy bí tẹo nào.
“Chị, chị mua đôi giày này chuẩn ghê, hết nhiêu vậy để em trả.”
Điền Thục Lệ cười một cái đáp: “Không cần đâu, xem như là quà tân hôn chị với anh rể tặng em.”
“Chị đừng có như vậy mà, em nhờ chị mua đồ cũng không có ý này. Một đôi vậy có thể tốn tận mười mấy đồng, thôn mình làm gì có quà mừng lớn thế chứ?”
Đám cưới hiện tại cũng chú trọng quà cáp, nhưng mà số tiền cũng không lớn, năm hào, một đồng, quan hệ thân cận hơn một chút thì mới có thể lên hai đồng tiền. Suy cho cùng thì tiền lương của mọi người cũng thấp, mỗi tháng chỉ được mấy chục đồng.
Hơn nữa phần lớn người đi tiền đều là nam giới, còn các chị em sẽ góp tiền lại với nhau rồi mua món đồ thực dụng nào đó cho đôi vợ chồng mới cưới, chẳng hạn như là vỏ chăn vỏ gối, hoặc là thau rửa mặt, ống nhổ. Tóm lại phụ nữ cho rằng tặng mấy thứ này càng có lòng hơn so với đưa tiền trực tiếp.
Nhưng dù cho hai nhà hợp lại cùng đưa, thì một đôi giày da mười mấy đồng này cũng được xem là món giá trị. Sở dĩ hai chị em nhà họ Điền tặng một phần lễ lớn vậy cho cô em họ không cùng chi là để trả ơn chú hai.
Thôn nhà họ Điền có truyền thống như thế này, trong gia đình nếu có sinh thêm con, cho dù là trai hay gái thì ông bố cũng sẽ phải gieo mấy hạt ở trước nhà, sau nhà cho đứa bé, để có thể trồng cây nên người. Đợi đến khi con cái trưởng thành, tới lúc cưới gả thì sẽ chặt những cây lớn đã trưởng thành kia. Con trai thì đem làm xà nhà cho phòng tân hôn, con gái thì làm đồ nội thất hồi môn.
Nhớ hồi ấy chị em họ Điền đi lấy chồng ngay đúng năm sau khi mất mùa, trong nhà vốn có trồng mấy loại cây cho bọn họ, nhưng đã sớm bị chặt đem đổi lương thực. May mà nhờ có chú hai đốn cây nhãn lồng sau nhà làm đồ cưới cho.
Hai chị em họ vẫn khắc ghi cảnh tượng chú hai chặt cây năm nào, cũng luôn muốn dùng một phương thức gì đó để báo đáp. Nhưng khi anh họ và em họ nhà chú kết hôn thì còn đang trong thời thế loạn lạc, nhà nhà nghèo như nhau nên dù có tâm cũng không có sức.
Giờ tặng đôi giày da cho cô em họ nhỏ này, chẳng qua cũng chỉ là chút tấm lòng của hai chị em thôi. Chỉ hy vọng đối phương khi lấy chồng có thể nở mày nở mặt hơn, như vậy chú hai chắc chắn cũng sẽ vui vẻ.
Hết chương 9.