Đọc truyện Cuộc Sống Ở Bắc Tống – Chương 267: Ngoại truyện 2 : Lại làm cha mẹ
Tết Đoan Ngọ, nhà họ Trương trên dưới bận rộn chuẩn bị đón tết. Đoan Ngọ ở Đại Tống không phải ngày năm tháng năm mới bắt đầu mà từ “đoan nhất” tức ngày mồng một, mặt trời sắp lặn chợ đã bắt đầu bày bán đào bán liễu, quỳ hoa, lá hương bồ, cỏ phật đạo vân vân, hoặc tiểu thương sắp vào làn ra phố rao bán.
Ngọc Lan thèm ăn, Trương Trọng Vi cũng cần tặng lễ, Lâm Y liền bao bánh chưng trước, mặn ngọt, sử dụng vật liệu tinh tế, nấu đầy một nồi.
Nhà họ tặng lễ cũng giống các nhà khác, mồng hai tháng năm, trong nhà chất đầy bánh chưng nhà khác đưa tới, Ngọc Lan vui lắm, còn Lâm Y thì dở khóc dở cười.
Lại có viên quan chuẩn bị kinh đồng, túi phù, linh phù, tranh vẽ, xảo tống, hạ kết, đưa tặng đồng nghiệp, chức vụ của Trương Trọng Vi ở Tô Châu hết sức quan trọng, đương nhiên cũng nhận được mấy phần, nhiều đến nỗi chất không hết, Lâm Y đành phải sai người chuẩn bị một bàn hương, phàm là những vật như vậy được tặng sẽ bỏ lên.
Mồng ba, nhà họ Trương có hỉ, Thanh Miêu bôn ba từ Tường Phù xa xôi đến Tô Châu, ngàn dặm trường đưa lễ đề cao. Tập tục Đại Tống, mỗi khi phụ nữ mang thai sắp đầy tháng, sẽ có người thân từ nhà mẹ đẻ như mẹ ruột, cậu hay bác đến tặng lễ đề cao. Lâm Y cha mẹ mất sớm, người trong tộc cũng không qua lại, Thanh Miêu nghĩ cô là em gái duy nhất của Lâm Y, tặng lễ đề cao tuy không quá hợp quy cách nhưng tổng so với không có thì tốt hơn nhiều, vì thế để Thì Côn lại trong nhà chăm sóc con gái mới sinh bốn tháng, chính mình dẫn tôi tớ chạy đến Tô Châu.
Lâm Y bây giờ sắp tới kì sinh nở, nghe nói Thanh Miêu tới đưa lễ đề cao, cảm động vô cùng, tự mình ra cửa đón cô. Thanh Miêu đỡ tay nàng, cẩn thận đi vào trong, Lâm Y lại đẩy cô, cười nói. “Bảo Thanh Mai đỡ chị là được, em nhìn thử viện chúng ta đang ở, so với hậu nha Tường Phù được không?”.
Thanh Miêu đưa mắt nhìn chung quanh, tường trắng mái ngói cong cong, hòn non bộ cây cảnh kì quý, quả nhiên cảnh tượng khác hẳn Tường Phù. Bước vào đại sảnh, qua bậc cửa là một bức phù điêu chim hoa điểu ngư trùng, khiến cô kinh ngạc tán thưởng. “Sắp xếp tinh xảo như vậy, tỷ tỷ quả nhiên là đến hưởng phúc”.
Hai người an vị xuống ghế, tiểu nha hoàn dâng lễ đề cao lên, một thau bạc, một khăn cẩm tú, trên khăn có thêu đoá hoa, còn có thiệp vẽ ngũ nam nhị nữ. Lâm Y xốc khăn lên, trong thau là một túi đậu và hạt giống, nàng nhớ lúc sinh Ngọc Lan, chưa bao giờ biết đến lễ này, không khỏi trong lòng chua xót, cảm động cay sống mũi, bỏ thau bạc xuống nắm tay Thanh Miêu, lúc mở miệng lại như oán trách. “Con gái em mới bốn tháng, thật sự không nên bỏ con bé lại mà chạy tới đây”.
Thanh Miêu cũng xúc động lây. “Không có tỷ tỷ thành toàn, làm sao em có được ngày hôm nay, lại càng không có con bé nữa”.
Hai người ôn chuyện một lúc, Ngọc Lan học bài xong, chạy vào đại sảnh tranh công. “Mẹ, hôm nay con học được mười chữ, cha khen con thông minh, muốn dẫn con ra ngoài phố chơi”.
Lâm Y bảo Ngọc Lan hành lễ chào Thanh Miêu, cười nói. “Em nhìn xem, thật không hiểu giống ai”. Ngẩng đầu thấy Trương Trọng Vi đi theo sau Ngọc Lan, liền bồi thêm một câu. “Đều là cha nó chiều chuộng”.
Trương Trọng Vi cho rằng con gái là phải nuông chiều, nếu mình không thương con, làm sao trông cậy vào nhà chồng trân trọng? Chàng có tâm tư như vậy nên chẳng những không phản bác Lâm Y, ngược lại đắc ý dào dạt cười khì khì, bế bổng Ngọc Lan lên, hỏi hôm nay con ra phố muốn mua gì.
Thanh Miêu chào hỏi anh rể, cười nói. “Bé con nhà em, Thì Côn cũng cưng lắm”.
Trương Trọng Vi nhận cô hành lễ, cảm tạ cô đến đưa lễ đề cao, lại hỏi trong nhà có khoẻ mạnh không. Ba người lớn một nhóc tì hàn huyên một lúc, Lâm Y thấy Thanh Miêu có vẻ mệt, liền sai Thanh Mai dẫn cô về phòng nghỉ tạm.
Lúc Trương Trọng Vi đi vào, trong tay có nắm gì đó, giờ đây đại sảnh không có người ngoài, liền giơ lên trước mặt Lâm Y, mở ra, trong lòng bàn tay là một tấm “phù đề cao”.
Lâm Y cầm lấy nhìn ngắm, hỏi. “Chàng vào miếu cầu hả?”.
Trương Trọng Vi gật đầu, đeo lên cổ cho nàng, nói. “Phù hộ mẹ con bình an, nghe nói linh nghiệm lắm”. Nói thêm. “Còn có một bài ca đề cao, ta đọc cho em nghe — Một ô mai, ba bã đậu bảy hồ tiêu, bỏ hết vào đồi quết thành bột. Rượu, dấm cân bằng cho vào thành thuốc, dán lên bảo mệnh mẹ con bình an”. Đọc xong đứng dậy, nói rằng muốn điều chế thuốc dán giống như bài ca đó bày.
Lâm Y không tin bùa chú thuốc dán gì mấy, nhưng quan nhân nhà mình quan ái vợ con như vậy chẳng lẽ ngăn đón, vì vậy tuỳ ý chàng đi.
Vì Thanh Miêu đến, Lâm Y có người cùng, Trương Trọng Vi liền dẫn Ngọc Lan ra dạo phố tết Đoan Ngọ, chơi đùa đến muộn, khiêng ba cái thùng về nhà, mở ra xem, toàn là đồ chơi con nít.
Trương Trọng Vi tặng một thùng cho Thanh Miêu, bảo cô mang về cho em bé ở nhà chơi. Thanh Miêu cười nhận lấy, Lâm Y lại oán trách. “Đường xá xa xôi, để cô ấy tha một thùng đồ chơi về, chẳng phải làm khó người ta hay sao?”.
Trương Trọng Vi ngượng ngùng sờ sờ đầu, chống chế. “Dì có người hầu mà, đâu cần dì tự tay khiêng”.
Rốt cuộc vẫn là một phần tâm ý, Lâm Y cũng không nói nhiều, nhìn hai thùng còn lại, một thùng bên trong có rất nhiều búp bê gốm sứ, có cả nhà và vật dụng bằng đất, một bao điểm tâm lớn, bánh đậu xanh, kẹo bông, bánh phong đường, còn có cả một tiểu Ngọc Lan đang bám vào bên cạnh thùng, đôi mắt trông mong nhìn đồ chơi cha mua cho mình.
Thùng còn lại, Lâm Y không hiểu lắm, bên trong vừa có búp bê gốm sứ y như của Ngọc Lan, còn có cả thuyền gỗ, ngựa tre, có cả trống bỏi, kiếm gỗ, thương gỗ linh tinh.
Trương Trọng Vi vừa đùa với Ngọc Lan, vừa cười giải thích. “Bầu lần này không biết là trai hay gái nên đồ chơi bé gái bé trai thích ta đều mua, để tránh quên”.
Nghe thật là hợp lý, nhưng Lâm Y vẫn nghi hoặc. “Đồ chơi cho bé gái, thùng của Ngọc Lan có rồi mà, cần gì mua y đúc?”.
Trương Trọng Vi trách cứ nàng. “Nếu thật sinh thêm bé gái nữa, cũng là con chúng ta giống như Ngọc Lan, làm sao nặng bên này nhẹ bên kia, để con chơi đồ chơi cũ của tỷ tỷ”.
Thanh Miêu nghe xong, cảm thán. “Cứ nói Thì Côn nhà em chiều đứa nhỏ, em thấy không bằng một phần anh rể nữa”.
Lâm Y thấy Trương Trọng Vi làm như vậy, mặc dù ngoài miệng trách chàng lãng phí, trong lòng vẫn cao hứng, nhân cơ hội dạy dỗ tiểu Ngọc Lan tương lai nhất định phải ngoan ngoãn hiếu thuận cha.
Lâm Y xem đồ chơi xong, sai người thu hồi, lại phân phó phòng bếp bày cơm, chuẩn bị ăn tết. Đoan Ngọ là tết lớn của cả quốc gia, người đương thời cực kỳ coi trọng, màn đêm buông xuống, vẫn có người bán hàng rong đứng ngoài cửa rao hàng, Trương Trọng Vi hảo tâm sai người hầu ra mua giúp một ít, để bọn họ sớm về nhà đoàn tụ. Lâm Y được Thanh Miêu đỡ, ra cửa đứng nhìn cây niêu phe phất trong gió, kể cho Ngọc Lan nghe điển cố về tết Đoan Ngọ.
Đồ ăn bày ra, mọi người ngồi quay quần bên nhau, nghĩ đến ai cũng có cuộc sống mỹ mãn, ăn bánh chưng thấy hương vị phá lệ thơm ngon. Trăng sáng nhô lên cao, Trương Trọng Vi uống hai chén rượu, hứng làm thơ trồi lên, rung đùi đắc ý, khiến Lâm Y và Thanh Miêu cười trộm khúc khích, bồi cùng chàng vui đùa đến tối muộn.
Ngọc Lan sớm thức không nổi nữa, được vú nuôi bế đi ngủ, Lâm Y cũng thấy mệt, đang định nghỉ tạm, lúc đứng dậy lại đau bụng, dấu hiệu sắp sinh.
Tuy tới đột nhiên nhưng là đủ tháng, hơn nữa bọn họ đã sinh con một lần, bởi vậy không hề kinh hoảng, Trương Trọng Vi ôm Lâm Y vào phòng sinh, Thanh Miêu lo phân công công việc, phái người đi mời bà mụ, sai phòng bếp nấu nước nóng, chuẩn bị canh bổ.
Bà mụ đã mời đến từ sớm, nhưng hôm nay Đoan Ngọ cho bọn họ về nhà ăn tết. Bọn họ đều là người có kinh nghiệm, biết Lâm Y sẽ sinh ngay trong mấy ngày nay, bởi vậy chỉ cần người nhà họ Trương đến kêu, lập tức lên đường, rất nhanh đã có mặt tại phòng sinh.
Trương Trọng Vi không phải lần đầu làm cha, nhưng cảm giác khẩn trương lo lắng chưa bao giờ thuyên giảm, đi tới đi lui bên ngoài phòng sinh, rất là hồi hộp. Lâm Y đưa vào non nửa canh giờ, trong phòng liền truyền ra tiếng kêu đau, tiếng bà mụ chỉ huy, Trương Trọng Vi lửa đốt trong lòng, chạy đến cạnh cửa, vỗ ván cửa gọi nàng.“Nương tử, nương tử yên tâm đi, cho dù em sinh con gái nữa, ta tuyệt đối sẽ không nạp thiếp, em chớ sốt ruột, cứ từ từ sinh”.
Mọi người bên trong bên ngoài phòng sinh cười vang, tiểu nha hoàn bưng nước ấm vào phòng run tay, đổ nửa chậu nước ra sàn; bà mụ cười gập cả người, quên mất dặn hít hơi như thế nào; Lâm Y đang dùng sức rặn, miệng phì cười, mất hết lực.
Bà mụ nhìn không xong, vội đi ra chống hông đuổi Trương Trọng Vi ra xa chút, chớ quấy rối. Thanh Miêu vội vàng rời khỏi phòng sinh, kéo Trương Trọng Vi ra ngoài sân, giải thích cho chàng biết lợi hại như thế nào.
Trương Trọng Vi nghe nói sinh con đều là dạo bước qua Quỷ Môn quan, không nỡ đánh nhiễu, sợ quá không dám vào viện nữa, đành phải đứng nép ngoài cửa nách, thò đầu vào nhìn xung quanh, đột nhiên nghe được có tiếng người nghị luận, bảo rằng “Sinh mồng năm tháng năm, nam khắc phụ, nữ khắc mẫu”. Đây là cách nói lưu truyền ở Đại Tống, ý rằng đứa nhỏ sinh ra vào vào ngày năm tháng năm, nếu là bé trai sẽ không hợp mệnh cha, nếu là bé gái sẽ không hợp mệnh mẹ.
Trương Trọng Vi bị những lời đó làm phân thần, thầm nghĩ chính mình không ngại sinh trai hay sinh gái, nhưng nếu sinh con gái khắc mẹ, vì an toàn cho Lâm Y, cứ sinh con trai thì hơn.
Chưa đợi chàng miên man suy nghĩ xong, phòng sinh đã vang lên tiếng khóc oe oe, đứa nhỏ ra đời. Trương Trọng Vi lập tức phấn chấn tinh thần, chạy vội qua, vọt vào phòng sinh, gạt bà mụ sang một bên, thẳng đến khi tới được giường sinh mới ngừng lại. Chàng nhìn Lâm Y đầu đầy mồ hôi, tươi cười mệt mỏi, quên hết tất cả mồng năm tháng năm khắc phụ khắc mẫu không còn một mảnh, tiến lên cầm khăn lau, tìm nước, lại hỏi đứa nhỏ ở đâu.
Bà mụ ôm em bé nằm trong tã lót, đứng bên cạnh chờ, nghe hỏi liền cúi người lớn tiếng báo tin vui. “Chúc mừng Trương thông phán, là một tiểu thiếu gia”.
Trương Trọng Vi lòng đầy vui mừng, lại thoải mái, ôm con trai hôn hôn, cưng nựng. “Mặc kệ khắc cha hay khắc mẹ, cha sẽ cân tất”.
Bà mụ nghe hiểu ý chàng, cười nói. “Trương thông phán nói lầm rồi, bây giờ đã là cuối giờ Tý, đầu giờ Sửu, tiểu thiếu gia sinh mồng sáu tháng năm, không khắc cha mà cũng chẳng khắc mẹ, có phúc khí lắm”.
Trương Trọng Vi nghe xong mừng rỡ, trọng thưởng bà mụ.
Lâm Y chẳng hiểu gì, nhưng nghe sinh được con trai nàng cũng cao hứng, tuy rằng nàng không trọng nam khinh nữ, nhưng trong hoàn cảnh xã hội này, có con trai bàng thân ổn thoả hơn nhiều, vừa khiến Trương Đống và Dương thị an tâm, vừa chặt đứt cớ để Phương thị đưa thiếp.
Thanh Miêu mừng cho vợ chồng họ, cố ý vào miếu thắp nén nhang, lại ở lại chăm sóc Lâm Y mười ngày sau mới lên đường quay về Tường Phù.
Trương Trọng Vi và Lâm Y từ đó gái trai đủ đầy, thấu làm một chữ “Tốt”, cảm giác sâu sắc cuộc đời này đã trọn vẹn, không còn gì sở cầu.