Bạn đang đọc Cuộc Sống Hàng Ngày Của Một Tên Lười Không Thiết Sống – Chương 60: Trong Chùa Cấm Ăn Mặn
Đoàn nghi trượng hơn vạn người cuối cùng cũng an toàn tới chùa Thịnh Quốc, trên đường không có biến cố nào.
Khi đến nơi, trời đã sẩm tối.
Các hòa thượng nhận được tin báo đã đứng đợi từ lâu, dường như Thái hoàng thái hậu có quen trụ trì nên bà tự mình xuống loan giá chào hỏi, Khương Ngộ lười thì chỉ ngồi đó đợi người đưa xuống.
Có lẽ hai người đang nhắc tới Khương Ngộ, trụ trì râu bạc liếc y một cái rồi cung kính vái chào, Khương Ngộ chẳng thèm nhìn lão lấy một cái.
Thiên tử xuống loan giá, ngồi trên kiệu nhỏ bốn người khiêng, được chúng tăng đón vào chùa.
Căn phòng được sắp xếp sẵn rất rộng và sạch sẽ, nhưng rộng đến mấy cũng không thể sánh bằng điện Thái Cực.
Tề Hãn Miểu nhìn thấy cái giường trong phòng là lập tức sai người trải thêm hai lớp đệm nữa, lại còn tỏ vẻ xót xa cho Khương Ngộ: “Giường chiếu thế này thì sao bệ hạ ngủ ngon cho được”.
Y bắt đầu ngáp liên tục, ngáp mỏi cả miệng rồi tinh thần lại càng suy sụp hơn, rầu rĩ nói: “Cởi áo bào”.
Tuy người ta đã cố tận dụng mọi biện pháp giảm xóc cho xe ngựa, nhưng rong ruổi cả ngày thì sao có thể êm đềm được.
Đương nhiên chủ yếu vẫn là do bộ long bào mặc trên người Khương Ngộ thực sự nặng quá, chuỗi ngọc trên mũ miện đè nặng tới mức y không ngẩng nổi đầu lên, ngọc câu bên hông cứ có cảm giác như sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào.
Nếu nguyên nhân lớn nhất khiến Khương Ngộ không muốn vào triều là phải dậy sớm, thì nguyên nhân thứ hai chính là y không thể chấp nhận nổi bộ y phục này.
“Xong ngay thôi, xong ngay thôi ạ”.
Tề Hãn Miểu sai người đỡ y ngồi, lại đứng cạnh giục giã.
“Nhanh lên, lót thêm một lớp đệm giường nữa, các ngươi làm ăn thế nào đây, ôi trời đất ơi…”.
Lão túm vai một cung nữ kéo ra, vuốt phẳng đệm giường rồi sai người đưa Khương Ngộ nằm lên, tự tay cởi long bào giúp y: “Trong chùa đơn sơ, có lẽ bệ hạ phải chịu ấm ức đôi chút, đợi đến khi về cung là sẽ ổn cả thôi”.
Khương Ngộ nằm trên giường cảm nhận độ mềm của hai lớp đệm, thấy cũng tạm được, bèn không nói gì nữa.
Ngày mai là ngày mười lăm tháng ba, họ sẽ nghỉ ngơi trong chùa một đêm rồi sẽ đi lễ Phật.
Tề Hãn Miểu cởi long bào xong xuôi thì xoa bóp tay và mặt cho Khương Ngộ, y thực sự không chịu nổi nữa, nhắm mắt ngủ.
Ngày xưa y thấy long sàng cũng chẳng tốt lành gì, giờ đi rồi mới nhận ra mình đã sai.
Long sàng còn mềm hơn cái giường này, lúc nằm sẽ thấy hơi lún một chút; cái giường này có lót đệm rồi cũng cứng ngắc, vừa đặt lưng xuống đã thấy như thể da thịt bị đè cho phẳng lì cả ra.
“Ân Vô Chấp”.
“Bệ hạ, bệ hạ tỉnh rồi sao?”.
Tề Hãn Miểu bước lại gần.
“Thế tử điện hạ đang đứng gác cổng chùa, bệ hạ có muốn gọi ngài ấy vào không ạ?”.
Chùa Thịnh Quốc được xây giữa sườn núi, ở cổng chùa gió rất to, Ân Vô Chấp đang đeo bội đao mà tuần tra qua lại.
Ánh nhìn của hắn thi thoảng lại lướt qua bờ tường để nhìn lên nửa vầng trăng treo giữa trời – hắn ở ngoài sân, vầng trăng kia lại ở trong sân, chỉ đành trộm ngắm từ xa xa.
Thiếu tướng trẻ rủ hàng mi, khó nén nỗi trống vắng trong lòng.
Thân phận của Khương Ngộ quá mức cao quý.
Lấy y làm trung tâm, tiểu viện là do Định Nam Vương và Tả Võ Hầu canh giữ, hai cổng trước sau chùa Thịnh Quốc là do Ân Vô Chấp và Tả Hạo Thanh trông coi, thêm cả một lớp quân nữa quanh núi, nói là ba tầng trong ba tầng ngoài cũng không quá chút nào.
Hắn chỉ được canh giữ cổng chùa, thực ra đã coi như cận thần của thiên tử rồi.
“Điện hạ, điện hạ?”.
Ân Vô Chấp đột ngột nâng mắt, thấy Tề Hãn Miểu đang vừa vẫy tay với hắn vừa tủm tỉm cười: “Bệ hạ cho mời Thế tử điện hạ”.
Bên cạnh còn có những binh lính khác, Ân Vô Chấp vô thức hỏi: “Có chuyện gì?”.
“Bệ hạ tìm điện hạ, tất nhiên là có chuyện quan trọng rồi”.
Khóe miệng Ân Vô Chấp khẽ cong, hắn cố bình tĩnh bước tới, đến tận chỗ không người mới nhỏ giọng: “Chuyện quan trọng gì?”.
Theo hắn đoán thì không phải đút cơm cũng là dỗ ngủ, chỉ là Tề công công muốn giữ mặt mũi cho y nên mới nói là chuyện quan trọng thôi.
Hắn không nhịn được cười, lại nghe người kia nói: “Dĩ nhiên là chuyện cơ mật của triều đình”.
Hai người nhanh chóng bước vào một sân viện, Tề Hãn Miểu lại nói: “Nếu điện hạ muốn vào gặp bệ hạ thì phải tháo bội đao trước đã”.
Ân Vô Chấp tiện tay tháo bội đao đưa cho lão.
Phía bên này, Khương Ngộ đang ngồi trước bàn nhìn chằm chằm bát cháo hoa.
Y chưa từng biết giữa cháo hoa và cháo hoa cũng có sự cách biệt to lớn tới vậy, cháo hoa trong cung bao giờ cũng có một lớp hồ gạo sền sệt bọc lấy những hạt gạo đã được nấu nhuyễn, thơm mềm và ngon miệng.
Nhưng cháo hoa trong chùa thì nhạt nhẽo như không, thậm chí cảm giác khi nuốt còn thấy hơi vướng họng.
Tề Hãn Miểu đi gọi Ân Vô Chấp vẫn chưa về, những kẻ khác cũng không dám đổi món cho y, dù sao ngay cả Thái hoàng thái hậu cũng ăn uống tương tự kể từ hôm nay.
Khương Ngộ muốn ăn bánh trứng.
Có tiếng động vang lên, Tề Hãn Miểu nhanh chóng bước tới, cúi sát vào tai y với gương mặt nghiêm trọng: “Điện hạ không có ở cổng chùa”.
Khương Ngộ hỏi: “Đâu rồi”.
“Binh lính nói điện hạ bị nô tài gọi đi”.
“Nô tài nào”.
“Tề Hãn Miểu”.
Khương Ngộ hiểu rồi, xem ra là mẫu thân động thủ.
Chỉ mong Ân Vô Chấp ở hiền gặp lành, nếu có thể vượt qua thì tốt, nếu không chống cự được thì rõ ràng lịch sử đã bị thay đổi hoàn toàn, Tang Phê cũng sẽ không bị ép phải sống nữa.
Y gọi: “Thập Lục, đi xem xem”.
Vừa dứt lời, một tiếng gào đau đớn bỗng vang lên ngoài kia, Khương Ngộ đè tay xuống xe lăn: “Tề Hãn Miểu”.
Lão vội vàng đẩy y ra ngoài.
Trước cửa tiểu viện, Định Nam Vương và Tả Võ Hầu đang nhéo mặt Ân Vô Chấp: “Có phải cải trang không đấy?”.
“Võ Hầu không biết thì thôi đi, cha còn không nhận ra con trai cha à?”.
“Con trai ta không có lí do tới tìm bệ hạ”.
Định Nam Vương cây ngay không sợ chết đứng, thấy Tả Võ Hầu đang kiểm tra tai trái của Ân Vô Chấp thì chỉ sợ mình thua kém, bèn túm nốt tai phải hắn bắt đầu săm soi: “Hình như không có dấu vết”.
Tả Võ Hầu nghiêm mặt: “Xem đao thử đi”.
Ân Vô Chấp sầm mặt cởi đao.
Định Nam Vương nhíu mày, đang định tha cho hắn, chợt liếc thấy Khương Ngộ đi ra thì lập tức quát lên: “Cởi quần!”.
Ân Vô Chấp: “Cha đừng có khinh người quá đáng!”.
“Trên mông con trai ta có một nốt ruồi, ta biết rất rõ, cởi mau lên”.
||||| Truyện đề cử: Bạch Tiên Sinh, Tôi Muốn Ly Hôn |||||
Tả Võ Hầu cũng phát hiện thiên tử đang ra ngoài, lão nghiêm túc đế thêm: “Nghe đồn năm ngoái thiếu tướng quân từng trúng một mũi tên, đến giờ có lẽ vết thương vẫn chưa lành hẳn, cởi nốt cả áo luôn đi”.
Ân Vô Chấp nghiến răng túm chặt thắt lưng: “Đã kiểm tra tới mức này rồi mà vẫn chưa xác định được con là ai, đến lượt con nghi ngờ hai người có phải là cha con và Võ Hầu hay không rồi đấy”.
“Thằng nhãi thối nói nhăng nói cuội”.
Định Nam Vương tát vào đầu hắn một cái.
“Mày tưởng mày đang muốn gặp ai, đây chính là thiên tử Đại Hạ, dĩ nhiên cha phải phòng bị chặt chẽ rồi.
Đừng có để bụng”.
Tả Võ Hầu cũng nghiêm nghị nói: “Đó là dĩ nhiên”.
Ân Vô Chấp giận đỏ cả mặt.
“Được rồi”.
Giọng thiên tử truyền đến, hai lão thần lập tức hành lễ.
Định Nam Vương nói: “Thần tham kiến bệ hạ”.
Tả Võ Hầu cũng nói: “Lão thần vừa kiểm tra đối tượng khả nghi nên không biết bệ hạ đã tới đây, quả thực đáng chết”.
Định Nam Vương: “.”.
Không hổ là kẻ làm quan trong kinh thành, sau này ông phải chăm học hỏi hơn mới được.
Ân Vô Chấp thả tay xuống khỏi thắt lưng, ngước nhìn Khương Ngộ.
Y cất lời: “Ân Vô Chấp nói rất đúng”.
“Một Thế tử mà các ngươi cũng phải kiểm tra lâu đến vậy, các ngươi là thật hay sao”.
Thôi xong, thể hiện hơi quá rồi.
Định Nam Vương còn đang suy nghĩ xem nên nói thế nào: “Ơ…”.
Tả Võ Hầu đáp gọn: “Lão thần biết tội.
Lão thần đã lớn tuổi, không dùng được, lão thần muốn đề cử Tả Thị lang tới canh viện cho bệ hạ, trước đây nó vừa cùng Ân Thú tới đất Tề nên có thể đảm nhận trọng trách”.
Định Nam Vương nhanh chóng phân tích trọng điểm.
Câu này đúng là thuận nước đẩy thuyền, vừa giải vây cho mình vừa tiến cử được con trai tới trước mặt thiên tử, quả thực rất kì diệu.
Khương Ngộ nói: “Ngựa già chệch vó, sao có thể tới lượt ngựa non”.
Tả Võ Hầu: “…”.
Định Nam Vương rút lại phân tích sai lầm phía trên.
“Tra rồi vào”.
Hai lão thần còn chưa kịp phản ứng lại thì Khương Ngộ đã quay vào bên trong.
Ân Vô Chấp buộc lại thắt lưng cho cẩn thận, nghiêm mặt nói: “Bệ hạ bảo thần điều tra thân phận của hai vị, xin đắc tội”.
Định Nam Vương đá hắn một cú, Tả Võ Hầu khinh bỉ liếc xéo hắn một cái.
Ân Vô Chấp rầu rĩ quay về bẩm báo với Khương Ngộ: “Đều là thật cả”.
Y nhìn gương mặt bị nhéo đỏ ửng kia: “Ban nãy có chuyện gì”.
“Là Thái hoàng thái hậu, bà ấy tìm người cải trang để xem thần có thể đối phó với Diêu Thái hậu hay không”.
Hiển nhiên Ân Vô Chấp bất mãn vì bị đùa bỡn.
“Ban đầu thần còn nghĩ tại sao Diêu Thái hậu lại xuống tay nhanh đến thế”.
Khương Ngộ: “.”.
Sao ai cũng chán ngắt vậy.
Giải quyết xong xuôi hai chuyện này, Khương Ngộ nhìn bát cháo trên bàn, Ân Vô Chấp cũng nhìn theo: “Làm sao bệ hạ có thể ăn loại gạo chưa được xát kĩ thế này”.
Tề Hãn Miểu thở dài: “Ba vị quý nhân khác cũng ăn những thứ tương tự”.
“Các bà ấy là các bà ấy, bệ hạ là bệ hạ”.
Ân Vô Chấp nói.
“Ta đi nấu cho bệ hạ chút đồ ăn”.
Khương Ngộ nhìn hắn.
Ân Vô Chấp khựng lại, hỏi: “Bệ hạ còn gì muốn căn dặn?”.
“Giường”.
Tề Hãn Miểu vội nói: “Từ thời Thái Tông, long sàng đã được các thợ thủ công thiết kế rất đặc biệt.
Đệm giường làm bằng vải bố do hơn trăm cung nhân dệt thành, bên trong được nhồi đầy tơ vàng, mỗi lần một vị đế vương mới lên ngôi là tơ vàng sẽ được lấy ra, tiêu hủy rồi đổi mới, vì thế nên rất mềm mại”.
Tơ vàng rất mềm, vải bố cũng rất mềm, khó trách ngày thường y ngủ thoải mái tới vậy.
Ân Vô Chấp thử nhìn giường: “Vật lớn thế này thì sợ là khó đổi”.
Khương Ngộ cụp mắt.
Ân Vô Chấp lại nói: “Nhưng thần có cách, để thần nấu chút đồ ăn cho bệ hạ trước đã”.
“Bánh trứng”.
Tề Hãn Miểu nhắc: “…!Trong chùa cấm ăn mặn”.
Khương Ngộ chỉ nhìn Ân Vô Chấp.
Hắn đáp: “Thế, thế để thần thử tìm xung quanh xem có gà không, có gà thì sẽ có trứng, có trứng thì sẽ có bánh trứng”.
Khương Ngộ: “Ừm”.
Ân Vô Chấp đi nhanh mà về cũng nhanh, ấp a ấp úng: “Có gà, nhưng mà là gà trống”.
Tề Hãn Miểu thở dài: “Đây là chốn chùa miếu, không thu nhận nữ nhi, sao có thể nuôi gà mái được”.
Khương Ngộ: “.”.
Ân Vô Chấp nói: “Để thần xuống núi tìm thử xem”.
“Tối”.
“Thần không sợ tối, thần sẽ về nhanh thôi”.
Tang Phê ngồi trên ghế tựa mềm mà ngủ.
Dạo này Ân Vô Chấp thường cho ăn rất đúng giờ nên y gần như quên cả cảm giác đói, đến lúc cái bụng kêu ùng ục, y mới chầm chậm mở mắt.
Khương Ngộ ngơ ngác nhìn cửa một chốc, cuối cùng cũng nghe được động tĩnh.
Ân Vô Chấp cầm theo một hộp đựng thức ăn nhỏ, nhảy qua cửa sổ chui vào, Tề Hãn Miểu đang gật gù lập tức trở nên hoạt bát: “Điện hạ về rồi”.
“Ừm”.
Hắn bước nhanh tới trước mặt lão, bưng bát bánh trứng ra: “Vừa mới hấp xong, vẫn còn nóng, để thần đút cho bệ hạ”.
Khương Ngộ ngửi mùi dầu vừng thoang thoảng, Tề Hãn Miểu thì lại mở cửa sổ rồi quạt gió ra ngoài không ngơi tay, chỉ sợ bị phát hiện.
Y bắt đầu há miệng ăn bánh trứng, hết nửa bát bèn hỏi: “Nếu bị người trong chùa phát hiện thì sao?”.
“Còn sao nữa, cùng lắm bị chụp mũ bất kính với Phật Tổ thôi”.
Ân Vô Chấp cẩn thận thổi bánh cho nguội rồi đưa tới bên miệng y, Khương Ngộ chậm rãi ngậm vào, hỏi: “Bất kính thì sao”.
“Không sao cả”.
Hắn đáp.
“Mọi thứ đều do thần làm, bệ hạ không cần lo Phật trách tội đâu”.
“Trách ngươi thì phải làm sao”.
“Trách thì trách thôi, thần không tin Phật”.
Ân Vô Chấp đút nốt một miếng bánh cuối cùng, Khương Ngộ không thích ăn vụn, hắn bèn vét ăn cho sạch rồi lau miệng giúp y: “Được rồi, thần đi làm giường cho bệ hạ nhé”.
Chẳng biết Ân Vô Chấp kiếm dây thừng từ đâu.
Hắn đóng đinh sắt và móc sắt ở hai bên tường, lại bảo Tề Hãn Miểu đục lỗ ở bốn góc đệm giường rồi xỏ dây thừng qua, một cái võng thô được làm thủ công nhanh chóng xuất hiện trước mắt Khương Ngộ.
Trong ánh nhìn đầy thán phục của Tề Hãn Miểu, Ân Vô Chấp khiêm tốn nói: “Tuy vẫn không bì được với trong cung, nhưng thần đã cố hết sức rồi”.
Dứt lời, hắn thử ngồi xuống, chắc chắn sẽ không có vấn đề gì xảy ra mới ôm Khương Ngộ thả vào, trong mắt đầy mong đợi: “Sao nào, có dễ chịu hơn không?”.
“Ừm”.
Khương Ngộ còn đang nghĩ về những gì hắn nói ban nãy.
“Ân Vô Chấp, không tin Phật”.
Ân Vô Chấp nhắc lại: “Không tin”.
“Cũng không tin đạo”.
“Không tin”.
“Chưa bao giờ tin”.
“Chưa bao giờ tin”.
Ân Vô Chấp nhìn cái vẻ ngoan ngoãn nằm gọn trong võng của Khương Ngộ thì không nhịn được mà giơ tay chọt chọt má y: “Sao vậy, bệ hạ sợ Phật sẽ trách thần ư?”.
Chuyện này không giống với Ân Vô Chấp mà Khương Ngộ biết trong lịch sử.
Ân Vô Chấp trong lịch sử có một đặc điểm nổi bật nhất là tin Phật và tin đạo.
Nghe nói cả đời hắn kiếm tìm thuật trường sinh, vó ngựa của Hậu Hạ trải dài đến đâu là chùa miếu và đạo quán mọc lên đến đó – tuy mấy ngàn năm sau thì chúng đã bị phá hủy rất nhiều.
Hắn còn nuôi một đám đạo sĩ và hòa thượng, nhiều lần nghiên cứu cách tu tiên, cũng chính vì thế nên địa vị của đạo sĩ và hòa thượng dưới thời hắn còn cao hơn một số đại thần, đây cũng là sự kiện bị người đời sau lên án nhiều nhất.
Khương Ngộ hỏi: “Sao lại không tin”.
Ân Vô Chấp cứ ngỡ y vẫn còn đang băn khoăn chuyện mình bị trách tội, bèn an ủi: “Chẳng phải Phật đã nói chúng sinh bình đẳng hay sao? Vậy thì thần cũng bình đẳng với Phật, Phật có quyền gì mà trách thần?”.
“Sau này sẽ tin”.
“Không biết được”.
Ân Vô Chấp nói như chuyện được nhiên.
“Phật và đạo đều chỉ tồn tại để thỏa mãn những vọng tưởng cầu không được của con người…”.
Hắn liếc nhìn Tề Hãn Miểu đang bắt đầu đốt huân hương để xua đi mùi dầu vừng, hôn chóc một cái lên khóe môi Khương Ngộ thật nhanh, nhỏ giọng: “Thần thì lại chẳng có chuyện gì cầu không được”..