Bạn đang đọc Cuộc Sống Hàng Ngày Của Một Tên Lười Không Thiết Sống – Chương 11: Giảng Dạy Về Cách Phân Ưu Với Bậc Quân Vương
Edit: Ryal
Trong ngự thư phòng nhanh chóng chỉ còn lại tiếng lật tấu chương.
Định Nam Vương liếc nhìn Ân Vô Chấp, rồi lại liếc nhìn Ân Vô Chấp.
Sau một đêm, vết sưng trên mặt hắn đã dịu xuống đến mức không nhìn kĩ thì không thấy được, nhưng vết rách nơi khóe miệng thì đâu khỏi nhanh đến thế.
Ân Vô Chấp vừa đóng dấu vừa nghe mọi người thảo luận về những sự vụ trong tấu chương, ánh mắt vừa chăm chú lại vừa nghiêm túc.
Định Nam Vương hơi nâng cằm, lặng lẽ nghển cổ nhìn vào bên trong cổ áo hắn.
Ân Vô Chấp phát hiện ra hành động ấy: “?”.
Định Nam Vương lại rụt cổ về, nghiêm mặt như muốn bù lại chút chín chắn mình vừa để mất: “Mặt con bị sao đó?”.
Ông chưa từng cố tránh hiềm nghi.
Cả triều ai chẳng biết tên hôn quân này ép đứa con trai duy nhất của ông vào cung hầu hạ, nếu có thể chứng minh Ân Vô Chấp phải chịu uất ức trong cung thì có thể nhờ các quan cùng ra mặt cứu hắn rồi.
Những người khác cũng đổ dồn ánh mắt sang phía này.
Ân Vô Chấp có sao kể vậy: “Con đẩy xích đu cho bệ hạ, không cẩn thận làm người văng ra ngoài, Diêu Thái hậu đánh con”.
Mọi người: “!”.
Sau lưng Định Nam Vương rịn một lớp mồ hôi lạnh.
Họ chưa kịp hỏi dồn thì Tề Hãn Miểu đã nói tiếp: “May là Thế tử điện hạ võ công cao cường nên đỡ được bệ hạ, người chỉ hơi sợ một chút thôi”.
Mọi người dần thả lỏng.
Định Nam Vương nghĩ mà thấy sợ, lại nhìn mặt Ân Vô Chấp, chỉ thấy ghét: “Phạt thế thì cũng không coi là nặng đâu!”.
Nếu là người khác thì có lẽ đã đầu bay khỏi cổ từ lâu rồi.
Bệ hạ vẫn còn tử tế với nhà họ Ân lắm.
Quá trưa, Khương Ngộ mở mắt trên long sàng: “Đói”.
Một bóng người xuất hiện bế y ra ngoài, lập tức có một thái giám trẻ tuổi ân cần bước tới: “Bệ hạ ơi, giờ người dùng bữa nhé?”.
“Cháo, không thích cái khác”.
Y có muốn ăn đâu, lần nào dọn mâm cũng đầy cả một bàn, vừa khổ đầu bếp vừa lãng phí.
Thái giám trẻ kia sửng sốt: “Chỉ cháo thôi ạ?”.
Chỉ chớp mắt sau, cậu lập tức cảm nhận được một ánh nhìn lạnh như băng, mới vội vã cúi đầu: “Vâng, nô tài đi chuẩn bị ngay”.
Thập Lục nhẹ nhàng đặt Khương Ngộ xuống ghế, lập tức có tì nữ giúp y súc miệng và lau mặt, còn cả một thái giám quỳ bên cạnh xoa bóp tay chân cho y với lực độ vừa đủ.
Khương Ngộ hơi nheo mắt nhìn bên ngoài, chậm rãi nói: “Hôm nay trời đẹp nhỉ”.
Mọi người bèn chuyển y từ chỗ râm mát sang nơi có nắng vàng.
Trong ngự thư phòng, Văn Thái sư là người đầu tiên không chịu được nữa: “Đã giờ Mùi rồi, bệ hạ nói muốn bàn chuyện với ta, sao người chưa tới?”.
Vì mấy ông sắp xử lí xong hết đống chuyện cần bàn rồi mà.
Ân Vô Chấp lẳng lặng đứng một bên, nghe Tề Hãn Miểu đáp: “Bệ hạ bị cảm nên thân mình không được khỏe, có lẽ người muốn ngủ thêm một lát”.
“Để lão đây đi thăm người”.
Văn Thái sư già hơn Trần Tương đến chục tuổi, là nguyên lão ba triều.
Trước khi sự việc của Thái tử diễn ra thì lão từng làm Thừa tướng, cũng từng dạy dỗ Khương Ngộ và những Hoàng tử khác, giờ lớn tuổi rồi thì chỉ lĩnh một chức quan suông, dù không mấy khi tham gia vào chuyện triều đình nhưng vẫn rất được kính trọng.
Nghe nói ngày xưa lão rất thích Khương Ngộ, giờ xem ra lời đồn là thật.
Định Nam Vương thầm tính kế, có Thái sư ở đây thì chắc có thể nhân cơ hội thuyết phục Khương Ngộ tha cho Ân Vô Chấp.
Ông nói: “Thần cũng muốn đi thăm bệ hạ!”.
Trần Tương ngẫm nghĩ, Thái sư có danh vọng cao hơn mình, có lẽ nên đi cùng ông ấy.
Ông bèn sửa sang quần áo, chậm chạp bước tới.
Thu Thượng thư đang chìm trong đống công văn: “…”.
Nếu không đi thì liệu có bị coi là bất kính với thiên tử không? Liệu có bị hiểu lầm là vờ bận rộn để lấy lòng bệ hạ không nhỉ?
Ông đành dằn lòng thả một cuốn tấu chương xuống bàn, vội vã đuổi theo.
Khi mọi người xin gặp mặt, Khương Ngộ còn đang ăn cháo, lúc họ đã vào trong điện, Khương Ngộ vẫn đang ăn cháo.
Y mở miệng: “Bình thân”.
Văn Thái sư đứng dậy, nhìn sắc mặt y, chần chừ hỏi: “Có phải bệ hạ gầy đi không?”.
Nhắc tới chuyện này, Tề Hãn Miểu lại tỏ vẻ đau lòng: “Người chỉ ăn mỗi cháo trắng, sao mà không gầy cho được”.
Trần Tương nhìn cái bàn trống hoác, thần sắc hơi nghiêm nghị: “Người chỉ ăn có vậy thôi ư?”.
“Thưa vâng”.
“Vì sao?”.
“Bởi vì…”.
Tề Hãn Miểu đâu thể đáp là vì bệ hạ lười được, lão hơi dừng lại, rồi mới nói: “Nghe nói phía Nam đang mưa không ngừng, bệ hạ muốn cầu phúc cho dân”.
Định Nam Vương thấy hơi nghi nghi.
“Nếu chư vị không tin thì cứ hỏi Thế tử điện hạ”.
Tề Hãn Miểu nhìn Ân Vô Chấp, hắn chỉ đành ăn ngay nói thật: “Đúng thế, trừ cháo thì tối qua bệ hạ chỉ uống một bát thuốc cảm mà thôi”.
Mọi người giật mình trong im lặng.
Thu Thượng thư thở dài: “Không ngờ bệ hạ lại lấy thân mình ra để cầu phúc cho thiên hạ, chỉ tại bọn ta hẹp hòi nên mới hiểu lầm người”.
Những người khác: “?”.
Đừng nói thẳng toẹt ra thế chứ.
Khương Ngộ vẫn chẳng biết họ tới đây làm gì, chỉ chăm chú ăn.
Văn Thái sư nhíu mày nhìn học trò mình một chốc, mở lời: “Hôm nay về nhà lão cũng sẽ ăn cháo trắng, cầu phúc cho bách tính phía Nam”.
Thu Thượng thư: “Hạ quan sẽ lệnh cho cả phủ làm theo, mong có thể khiến trời cao cảm động”.
Trần Tương: “Thân là Thừa tướng, ta không thể đứng ngoài cuộc được”.
Định Nam Vương cũng dao động, khó mà nén được lòng kính nể, trịnh trọng nói: “Thần cũng vậy”.
Ân Vô Chấp bị ông túm tay, bước lên một bước: “Thằng nhãi này được bệ hạ vừa ý cho theo hầu là sự may mắn của nhà họ Ân, nó sẽ theo bệ hạ, bệ hạ ăn chay bao lâu thì A Chấp cũng ăn chay chừng ấy”.
Ân Vô Chấp: “.”.
Khương Ngộ cuối cùng cũng ăn xong, ngẩng đầu, thờ ơ hỏi: “Đã phê duyệt xong tấu chương chưa?”.
Thu Thượng thư đáp: “Đã phân loại xong cả rồi ạ, thần có lọc ra vài cuốn nhất định phải do bệ hạ tự tay đóng dấu, còn lại chúng thần đã giúp người phân ưu rồi”.
Khương Ngộ cảm giác được áp lực đã giảm xuống rõ rệt, bèn nói: “Thế thì cứ làm tiếp đi, làm nhanh nhanh rồi còn về sớm”.
Y lại liếc Ân Vô Chấp: “Mấy hôm nay trẫm không được khỏe, những chuyện còn lại sẽ do Ân Thú thay mặt xử lí, mong chư vị chỉ dạy cho hắn”.
Thấy mọi người lộ vẻ mặt quái dị, Khương Ngộ bèn ho khan hai tiếng rồi thở nhè nhẹ, không quên cam kết: “Sau này trẫm sẽ đích thân kiểm duyệt lại, niêm phong rồi cất vào kho”.
Bản thân y đã muốn chết, giờ lại tỏ vẻ ốm yếu với gương mặt trắng bệch, càng nhìn càng giống sắp sửa gần đất xa trời.
Vành mắt Văn Thái sư bỗng đỏ ửng, lão cúi đầu giấu nỗi buồn thương: “Lão thần đã rõ”.
Lão dẫn đầu bước ra ngoài, Trần Tương theo sát phía sau, lo lắng mở lời: “Lão Thái sư, ngài thấy liệu Ân Thú có…”.
“Đúng là ông trời ghen tị với người tài”.
Văn Thái sư ra ngoài rồi mới lặng lẽ lau nước mắt: “Chỉ mới không gặp hơn một tháng, sao bệ hạ lại gầy thế kia”.
Không ăn cơm thì gầy là đúng rồi.
Ân Vô Chấp bị bỏ rơi phía sau, sắc mặt lạnh lùng.
Trần Tương nói: “Dạo gần đây chúng ta chỉ thấy bệ hạ ở điện Thừa Đức vài lần, ta còn thầm trách người chưa lên ngôi được bao lâu đã đi không vững, ngủ gật trên ngai vàng…!Hóa ra ta nhầm rồi”.
Thu Thượng thư cũng nói: “Xin Thừa tướng đừng tự trách.
Long ỷ cách chúng ta quá xa, mọi người lại không dám nhìn thẳng vào thiên tử, không ai phát hiện ra người gầy đi cũng là chuyện bình thường”.
Định Nam Vương yên lặng gật đầu.
Thái sư dừng bước, đôi mắt già nua ửng đỏ nhìn thẳng vào Định Nam Vương rồi lại nhìn Ân Vô Chấp: “Thực không dám giấu, lúc trước lão cũng nghi ngờ bệ hạ gọi Thế tử vào cung tất có mưu đồ.
Nhưng có lẽ người chỉ coi trọng năng lực của Thế tử, và cũng không muốn người khác biết được tình trạng cơ thể mình mà thôi”.
Tuy không ai chỉ rõ, nhưng nói ra nói vào một hồi, ai cũng nghĩ Khương Ngộ bị bệnh nặng.
Một bàn tay già nua đè trên tay Ân Vô Chấp, Văn Thái sư nhìn hắn: “Nếu bệ hạ đã coi trọng cậu đến thế thì nhất định đừng phụ lòng người”.
“…”.
Ân Vô Chấp hờ hững: “Dạ”.
“Mấy bộ xương già chúng ta không thể thường xuyên ở bên bệ hạ, thiên hạ sau này cũng thuộc về đám trẻ các cậu, đúng không Trần Tương”.
“Ừm”.
“Con trai ông đang làm việc ở bộ Hộ nhỉ?”.
Văn Thái sư nói.
“Ông phải chỉ bảo cho cậu ấy nhiều hơn, sau này thằng bé và Ân Thú chính là những phụ tá đắc lực của bệ hạ đấy”.
“Vâng”.
“Được rồi”.
Văn Thái sư vui vẻ vỗ tay Ân Vô Chấp.
“Cậu tới đây, xem mấy bộ xương già này làm việc giúp bệ hạ thế nào nào”.
Lần thứ hai Ân Vô Chấp ngộ ra điều gì đó.
Đây cũng là tính toán của hôn quân.
Y biết người biết ta đến thế, có khả năng không trâu bắt chó đi cày thật ư?
Bao nhiêu tấu chương thế kia, chắc chắn không thể xử lí xong hết trong một ngày.
Có lẽ cái dáng vẻ sắp chết của Khương Ngộ đã khiến mọi người sợ hãi, nên ngay cả Định Nam Vương cũng không hề keo kiệt mà mất một lúc để giảng cho Ân Vô Chấp cách phân ưu với bậc quân vương.
Tề Hãn Miểu phát hiện, mấy vị quan già này, kể cả Định Nam Vương, lúc dạy mà bực thì sẽ dùng thứ gì đó mình đang cầm trong tay mà quật học trò.
Lão đành vờ như không nhìn thấy gương mặt lạnh như băng của Thế tử Ân Vương.
Sau khi cùng thưởng thức bữa “ngự thiện của bệ hạ”, Tề Hãn Miểu chu đáo phái người đưa các quan về nhà.
Ân Vô Chấp bị ép học tập cả ngày nay lập tức đi khỏi ngự thư phòng không chút do dự, sải bước tới tẩm điện của thiên tử.
Khương Ngộ đã tắm xong, đang nằm im cho cung nữ dùng bếp lò hong khô tóc.
Hai người bốn mắt nhìn nhau, Ân Vô Chấp lạnh giọng: “Thần cũng muốn về nhà”.
“Họ dạy ngươi chưa?”.
“Dạy rồi”.
Ân Vô Chấp nói.
“Thần phải về nhà”.
“Ngươi học chưa?”.
“Học rồi”.
Ân Vô Chấp nói.
“Thần phải về nhà”.
“Vì sao?”.
“Vì đây là việc của bệ hạ.
Hôm nay mọi người đã giúp bệ hạ xử lí rất nhiều tấu chương rồi, nhưng đó không phải chuyện đương nhiên, việc của ai người ấy nên tự hoàn thành”.
Giọng Ân Vô Chấp nghe rõ u ám.
“Với lại, bệ hạ thích ăn cháo không có nghĩa là người khác cũng thích”.
Khương Ngộ đáp: “Ngươi có thể ăn món khác mà”.
Định Nam Vương đã nói phải học theo thiên tử thì Ân Vô Chấp cũng chẳng muốn cãi lời cha, hắn chỉ tiếp tục kiên trì: “Thần phải về nhà”.
“Ngươi nhớ mẹ à?”.
Ân Vô Chấp buồn bực hỏi: “Rốt cuộc người có hiểu hay không, việc của người mà, tại sao thần lại phải làm thay?”.
Khương Ngộ hiểu rồi.
Ân Vô Chấp giống y, không muốn phê tấu chương.
Y ngẫm nghĩ một chốc, thành thật mà nói, nếu là Ân Vô Chấp thì y cũng không muốn làm việc hộ người khác đâu.
Khương Ngộ hỏi: “Ngươi muốn làm công việc thuộc về mình à?”.
“Thưa vâng”.
Thấy hôn quân cuối cùng cũng hiểu, Ân Vô Chấp bình tĩnh lại: “Vi thần muốn quay lại trong quân, rèn binh luyện ngựa, chống giặc ngoại xâm cho bệ hạ”.
Khương Ngộ nhớ ra Ân Vô Chấp vào cung trên danh nghĩa thị tẩm, cứ bắt người ta xử lí công việc giúp y thì đúng là không tốt, phải để hắn làm chuyện cần làm thôi.
Y nói: “Đi tắm đi”.
Ân Vô Chấp: “?”.
“Thời tiết thế này, ba ngày không tắm chắc khó chịu lắm”.
Ân Vô Chấp là một người rất giỏi thích ứng hoàn cảnh, khi có điều kiện thì mỗi ngày tắm một lần cũng được, lúc hành quân không có điều kiện thì một tháng tắm một lần cũng chẳng sao.
Mấy hôm nay hắn cứ quay mòng mòng quanh Khương Ngộ chẳng khác nào một nô tài, giờ cuối cùng cũng được nhìn nhận như con người rồi à?
Ân Vô Chấp mím môi, hỏi với vẻ không chắc chắn: “Tắm xong bệ hạ sẽ cho thần về à?”.
“Đi đi”.
Khương Ngộ không muốn nói nhiều, Ân Vô Chấp chỉ đành tuân lệnh: “Vâng”.
Đây có lẽ là đêm cuối cùng hắn ở lại trong cung rồi.
Ân Vô Chấp ngâm mình trong ao, nhìn cái đầu rồng nổi trên mặt nước.
Năm ngón tay thon dài khua làn nước, trắng trẻo nhưng mạnh mẽ.
Có thể do hơi nóng hun váng người, có thể do khoảnh khắc này quá thư thái…
Mà giữa một thoáng ngẩn ngơ, dường như trong ao có người xuất hiện.
Đêm hôm ấy, Khương Ngộ được cung nữ chầm chậm dìu vào trong ao, nước ngập chưa đến eo y, hai hõm eo xinh đẹp quyến rũ lộ ra trên làn nước.
Người trong ao nghiêng đầu nhìn hắn, đôi ngươi trong trẻo nổi bật giữa hơi nước mờ mờ, thanh khiết như thể không vướng lấy một hạt bụi trần.
Màu mắt Ân Vô Chấp đậm lại, rồi bỗng ngụp cả đầu xuống nước.
…!Qua tối nay là hắn có thể thoát khỏi tên quỷ lười kia rồi..