Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 76: Bánh Trung Thu Ngọt Ngào


Bạn đang đọc Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm – Chương 76: Bánh Trung Thu Ngọt Ngào


Sau đợt sương giá đầu tiên, ánh sáng ban ngày rút ngắn với tốc độ rất nhanh, nhiệt độ cũng càng ngày càng thấp.
Một tuần sau, sáng nào trên mặt đất cũng có một lớp sương bạc.
Màu sắc của lá mùa thu trong rừng cũng ngày càng trở nên rực rỡ hơn.
Vườn rau của Hà Điền hiện chỉ có cà rốt là vẫn đang phát triển.

Chúng chịu rét rất tốt.

Sau đợt thu hoạch lúc hè họ lại trồng thêm một đợt nữa.

Đến cuối thu, khi cây cỏ bên suối đều kết băng hết, còn có thể thu hoạch thêm một lần nữa.
Các loại rau khác như cải thảo, bắp cải, cải xoăn, đậu Hà Lan,…!đều sẽ bị khô héo hết, nói chi đến cà chua và dưa leo.

Bây giờ trên đất trồng cũng chỉ còn sót lại đậu nành và đậu đỏ là chưa có thu hoạch mà thôi.
Thừa dịp trời không có mưa, Hà Điền và Dịch Huyền tranh thủ dùng cào xới lại ruộng kê mấy lần, cột rơm lại thành bó rồi treo lên phơi khô, chuẩn bị thức ăn mùa đông cho gia súc.
Mùa này đối với Gạo và thỏ mà nói rất chi là tốt đẹp, những phần lá và gốc của cải thảo, bắp cải và cải xoăn còn xót lại trong đất, cũng như đậu nành, đậu Hà Lan và các loại đậu khác rơi trên mặt đất mà con người không phát hiện ra, cà chua và dưa leo đậu đũa bị dạt bỏ, đều là đồ ăn ngon cả.
Gạo nhìn Hà Điền đang hái cải thảo, liếc nhìn những con thỏ đang ăn cùng mình, nghĩ thầm, mấy đứa ngu, mấy ngày nữa ngày nào cũng sẽ có cải thảo giòn ngọt để ăn! Mấy cái cây vụn này thì tính là gì.
Khi thu hoạch cải thảo và bắp cải, không cần phải đào cả cây, chỉ cần dùng một tay giữ phần ngọn của rau rồi dùng dao cắt phần gốc là được.

Gốc và lá rau đã bung ra nằm trên mặt đất thì không cần lấy.
Cả cải thảo và bắp cải đều có thể bảo quản trong hầm như củ cải.

Củ cải thì phải vùi vào cát, còn cải thảo thì đơn giản hơn, chỉ cần trải một lớp cỏ khô lên các tấm gỗ nâng rồi chất đống là được, đậy thêm một tấm mành rơm, vậy là có thể giữ được cả mùa đông.

Lúc ăn thì lấy ra, lột bỏ lớp lá héo bên ngoài là được.

Cải thảo bảo quản trong mùa đông quan trọng nhất là phần lá, nhưng nước bên trong lá sẽ giảm dần, khi mùa xuân đến, Hà Điền cảm thấy cải thảo trong hầm còn không ngon bằng cải thảo ngâm trong chum.
Cho nên mỗi năm cô đều sẽ làm hai chum cải thảo ngâm lớn.

Ngay cả trong mùa xuân và mùa hè, vẫn có thể ăn.
Lúc ngâm cải thảo, nhân tiện cũng ngâm luôn một ít củ cải trắng.
Hà Điền và Dịch Huyền dọn hai cái chum lớn ra, rửa sạch bằng nước suối trên núi, rồi úp ngược chúng trên vài cục gạch để ráo dần.
Hà Điền dạy Dịch Huyền chọn cải thảo to mập nhất, cắt đôi từ giữa, tách lá cải ra, rồi bôi muối, đường, ớt băm và hạt hoa tiêu lên từng lớp lá một.
“Nước ướp phải bôi đều, phải bôi từng lá, như vậy món cải muối mới ngon.” Hà Điền dạy bí quyết.
Lúc trước mùa đông Dịch Huyền đều thường ăn rau trồng trong nhà kính.

Năm ngoái lần đầu tiên ăn cải thảo muối anh thấy rất thích.

Nhưng thứ anh ăn là thành phẩm, vậy nên anh rất tò mò về quy trình chế biến, cẩn thận lắng nghe hướng dẫn của Hà Điền, thử làm mấy cây, trông cũng ra gì lắm.
Cải thảo đã tẩm ướp được cho vào chum, ấn một viên đá lớn, sau một tuần sẽ thấy bọt nổi lên trong chum, chứng tỏ rau muối đã được lên men thành công.
Lúc này, vớt rau ra, cho vào hũ nhỏ, thêm ít nước màu đỏ, ngâm tiếp, khi nào muốn ăn thì vớt ra, vắt bớt nước, cắt miếng nhỏ vừa ăn.
Củ cải muối cũng làm với quy trình tương tự.
Cải thảo và củ cải ngoài việc bảo quản trong hầm còn có thể đem muối, nhưng bắp cải và cải xoăn thì không có nhiều lựa chọn.
Khi hái bắp cải, nên để lại nhiều lá, cột dây và treo ngược lên trên cho khô, đảm bảo toàn bộ bắp cải khô ráo mới được cất vào hầm, nếu không sẽ sinh nấm mốc và lây nhiễm sang các đồ ăn khác trong hầm.
Vì vậy mỗi năm Hà Điền không trồng nhiều bắp cải.
Cải xoăn sau khi hái về thì cắt từng lá ra, cho vào lồng cá vừa làm, treo dưới mái hiên cho khô.

Khi nào muốn ăn thì chỉ cần ngâm với nước trước.
Lá cải xoăn tươi dùng để cuốn thịt ăn rất ngon.


Rau quả sau khi phơi khô có rất nhiều cách nấu ngon.

Ví dụ, điều mà Hà Điền và Dịch Huyền thích nhất là quét một lớp mỡ mỏng trên lá cải xoăn đã khô, cho vào khay nướng rồi nướng, kéo ra, lật ngược lại rồi nướng tiếp, khi ăn thì rắc một chút muối và mấy hạt mè lên, vừa giòn vừa thơm, lá vừa chạm vào lưỡi thì như một lớp giấy, nháy mắt tan ra ngay.
Ngoài những lá cải xoăn to, còn có rất nhiều rau củ, cỏ khô được treo dưới mái hiên; những trái ớt đỏ được cột từng chùm một bằng dây rơm rồi xâu thành chuỗi, những chùm củ hành tây còn lá chờ khô được quấn với cỏ khô và treo lên; nấm hoa và nấm hương được luồn qua phần thân bằng một sợi dây làm từ cỏ nhung; nấm mối, nấm sừng hươu cắt miếng, còn có những lát táo, khoai lang và khoai tây, tất cả đều được phơi trong lồng cá để chim chóc không ăn được.
Sau khi thu hoạch lứa cải thảo, bắp cải vừa rồi, cơ bản thì vườn rau sẽ bị bỏ hoang.
Hà Điền và Dịch Huyền thu hoạch rau xong, chất chúng sang một bên rồi xới đất lên mấy lần.
Sau đó, họ tháo hàng rào nhốt thỏ ra, đào số đất màu mỡ bên trong vào thùng đem đến ruộng rau, rắc lên đất trồng rồi xới lại một lần nữa, sau đó dùng mành rơm che lại.

Đến mùa xuân năm sau, ruộng rau sẽ lại phì nhiêu trở lại.
Đất trồng kê cũng được bón phân và che mành giống vậy.
Còn lá bị gió thổi bay đến thì không cần quản.
Vườn rau cách đây một tháng còn xanh tươi, nay chỉ còn lại màu vàng úa của lớp mành che, lập tức trở nên đìu hiu.
Trước nhà, cây táo đã thu hoạch quả xong, giờ thì lá cây cứ liên tục rụng xuống.
Những quả táo đỏ hồng chỉ sau một đêm đã biến mất, chỉ còn lại cây hồng, cây táo tàu là đang trĩu quả, nhưng cũng sẽ sớm không còn nữa thôi.
Hà Điền tìm một ngày nắng đẹp, cùng Dịch Huyền lấy sào tre đập táo tàu, những quả táo tàu xanh đỏ lăn lóc khắp sân nhà, khiến cho Lúa Mì rất thích thú.
Những quả táo tàu sau khi thu hoạch được xếp vào nia tre rồi phơi nắng cho khô.
Táo tàu xanh sau khi phơi nắng chẳng mấy chốc đã đỏ ửng lên, lớp vỏ mịn màng cũng nhăn lại.

Nhưng đồng thời, độ ngọt của chúng cũng tăng lên.
Táo sống là táo tàu chưa phơi khô, ăn trực tiếp rất ngon, nhưng không được ăn nhiều nếu không sẽ bị tiêu chảy.
Hà Điền rất thích táo tàu đỏ, vì vậy khi phơi nắng cô rất cẩn thận, cô để Dịch Huyền cứ cách hai tiếng lại di chuyển nia tre lớn phơi táo tàu một lần, sau đó lật táo tàu lại để chúng khô đều.
Đối với các loài động vật nhỏ, táo tàu đỏ khô là một sự cám dỗ khó lòng mà cưỡng lại được.
Hà Điền ngồi ở bên cửa sổ, nhìn thấy một vài con sóc trên ngọn cây đang rình rập, còn có một con lớn gan nhảy khỏi cây chạy về phía cái nia tre.

Lúa Mì đang nằm ở trước hiên nhà gầm gừ lao ra, mấy con sóc liền bỏ chạy tứ tán.
Kết quả là con sóc dạn dĩ nhất đã bị cắn chết.
Hà Điền đưa con sóc cho Dịch Huyền, để anh ngồi ở hiên nhà, cầm một cái chậu, thử lại kỹ thuật lột da.
Hà Điền đã nếm qua thịt sóc, ​​món này hơi giống thịt gà rừng có bỏ thêm lá thông.
Bởi vì nhìn không ngon nên cô và Dịch Huyền cũng không thích ăn.
Sau khi Dịch Huyền thực hành kỹ thuật lột da, phần thịt sóc còn lại được nướng trên bãi đất trống, và nó được đưa cho Lúa Mì.
Sau khi táo tàu được phơi nắng và nhăn lại, thật ra trong đó vẫn còn khá nhiều nước, có thể đem phơi thêm một lần nữa cho khô.
Hà Điền lấy hai chiếc túi vải làm từ vải xô ra, bỏ táo vào đó rồi treo chúng dưới mái hiên.
Táo tàu đỏ phơi khô có thể bảo quản được rất lâu.

Cô vẫn còn rất nhiều táo tàu đỏ được thu hoạch hồi năm ngoái.
Hà Điền rửa những quả táo tàu đỏ từ năm ngoái này rồi ngâm trong chậu.

Sau khi ngâm chúng có hơi đàn hồi lại.

Khi thịt quả đã mềm, để ráo nước rồi cho vào tô gốm.

Khi nấu cháo cho bữa tối, để táo vào lồng hấp rồi đặt lên nồi hấp trong mười phút.
Đồng thời, cô cũng cho một củ khoai tây vào lồng hấp.
Sau bữa tối, khoai tây táo tàu cũng đã nguội, cô và Dịch Huyền ngồi vào bàn, mỗi người một chén nhỏ và một lát tre mỏng, cẩn thận gọt bỏ vỏ táo tàu, bỏ hạt, phần cùi táo tàu còn lại thì dùng muỗng gỗ tán nhuyễn, rồi cho thêm một ít mỡ heo vào và tiếp tục khuấy đều.
Sau đó, bẻ khoai tây thành hai nửa, dùng muỗng nạo lấy phần thịt ở giữa rồi cũng nghiền mịn, trộn với táo tàu đã nghiền.
Đương nhiên là Dịch Huyền đã ăn món bánh có nhân thịt với táo tàu rồi, nhưng anh không ngờ rằng bánh nhân táo tàu lại được làm như thế này: “Sao còn trộn với khoai tây nghiền?”
Hà Điền liếc anh một cái, mím môi cười: “Vậy là anh không biết rồi, bánh trung thu anh ăn, nhân táo tàu nghiền, nhân đậu đỏ, rồi nhân trái cây, tất cả đều có khoai tây nghiền.”
Anh lấy một cái muỗng nhỏ nếm thử, mềm mịn tinh xảo, thật sự không thể nếm được vị của khoai tây trong đó.

Anh suy nghĩ một lúc thì nói: “Vậy, bánh nhân sen có phải cũng không chỉ có hạt sen thôi, đúng không?”
“Điều này thì em thật sự không biết.


Thật ra, nhân bánh trung thu được trộn với khoai tây nghiền là vì để làm cho nhân bánh dẻo và ngon hơn.” Hà Điền điều chỉnh vị của nhân thịt và táo tàu xong còn phải cho vào chảo xào với mỡ heo, vậy thì nhân mới thơm hơn.
Cô cũng làm nhân đậu đỏ, tất nhiên là không thể thiếu lòng đỏ trứng muối.
Trứng rùa đã muối xong rồi, tuy lòng đỏ hơi nhỏ nhưng ăn rất ngon.
Hà Điền luộc một nồi trứng muối, để cho Dịch Huyền tách phần lòng đỏ ra.
Hà Điền đã chuẩn bị sẵn bột làm bánh trung thu, phủ một lớp vải lên trên, để trong chậu khoảng hai tiếng.
Khuôn bánh trung thu nhà cô được tạc bằng gỗ, hơi giống chiếc vợt bóng bàn nhưng mặt vợt dày bằng ba ngón tay, bên trong đục một rãnh tròn có khắc hoa văn.

Hoa văn rất đơn giản và ngộ nghĩnh, tất cả đều là đường vòng cung, có thỏ đang nhảy múa trên mây trong ánh trăng tròn, nhưng cũng có cái là một cặp thỏ, ôm ấp, nheo mắt không biết xấu hổ, hôn lên cái miệng nhỏ của nhau.
Dịch Huyền đã rất vui khi nhìn thấy khuôn bánh này, anh kéo lấy Hà Điền đặt cô lên đùi mình, vòng tay ôm cô, đầu tiên là hôn lên đôi tai nhỏ của cô, sau đó trán kề trán hỏi cô: “Em nói xem hai con thỏ này, con nào là con đực, con nào là con cái?”
Hà Điền cười gian: “Có khi đều là con đực cũng không chừng.”
Dịch Huyền giỡn với cô một hồi lâu mới chịu buông ra, cả hai tiếp tục làm bánh trung thu.
Bánh trung thu và bánh bao, bánh hấp thật ra cũng đều giông giống nhau, nhân được nặn thành từng viên rồi gói bột lại, tuy nhiên bánh trung thu có thêm công đoạn ép khuôn, bột gói xong phải cho vào khuôn và nén chặt, sau đó úp khuôn gỗ xuống, dùng sức đập xuống bàn, bánh trung thu rơi ra, mặt trên là hình hoa văn trong khuôn.
Nhưng nói thì dễ hơn làm, Dịch Huyền đã thử mấy lần, anh dùng sức quá mạnh, bánh trung thu rơi xuống bàn không ra hình thù gì, phải làm đi làm lại, sợ đến mức không dám dùng sức, bánh trung thu lại dính chặt vào khuôn không rơi ra ngoài.
Hà Điền dạy anh kỹ thuật: “Anh rắc một ít bột nếp vào, thổi một cái, bột lan đều, bánh sẽ dễ dàng rơi ra.”
“Vừa rồi anh có rắc rồi.”
“Vậy thì…!Anh thử thêm vài lần nữa xem, chỉ cần kiểm soát lực của tay là được.”
Dịch Huyền nhanh chóng tìm được cách, anh nghiêng khuôn gỗ, bang bang bang gõ lên bàn vài cái, sau đó dùng tay đập vào mặt sau khuôn gỗ, chiếc bánh trung thu cuối cùng cũng rơi xuống bàn một cách hoàn hảo.
Hà Điền cười không nổi nữa: “Thảo nào người ta gọi làm bánh trung thu là đập* bánh trung thu.

Thì ra phải đập như vậy mới ra!”
*打: đánh, đập, cũng có nghĩa là làm.
Dịch Huyền cắn môi, kéo Hà Điền ôm vào lòng xoa nắn.
Lúa Mì nằm bên bếp lửa thờ ơ lạnh nhạt nhìn, nếm mùi cay đắng của một con chó độc thân.
Những chiếc bánh trung thu đã tách khuôn được đặt vào khay nướng đã phết mỡ và nướng trong vòng hai mươi đến ba mươi phút thì chín.
Vỏ bánh vàng óng và mềm, nhân đậu và lòng đỏ trứng là món yêu thích của Dịch Huyền, nhưng sau khi nếm một nửa bánh lòng đỏ trứng táo tàu, anh phải thừa nhận rằng bánh trung thu nhân táo tàu ngon hơn.
Nhân bánh trung thu đều là nhân ngọt, tất nhiên là có đường trong bột bánh, dù có trung hòa được vị mặn của lòng đỏ trứng thì vẫn có chút ngọt và béo; nhân táo tàu có vị hơi đắng nhẹ, cân bằng lại vị ngọt.
Trong nhà tràn ngập hương bánh trung thu ngọt ngào, giữa trời thu là ánh trăng tròn tựa như tảng băng..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.