Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 59: Dưa Leo


Bạn đang đọc Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm – Chương 59: Dưa Leo


Vào ngày thứ hai sau khi vận chuyển gỗ trở về, lần đầu tiên trong mùa hè này, Hà Điền và Dịch Huyền thức dậy sau khi mặt trời đã lên hẳn.
Cả hai thức dậy gần như cùng lúc, quay đầu lại nhìn, người kia cũng đang nhìn mình.
Sau khi cười với nhau, Hà Điền có chút ngượng ngùng: “Hôm qua tôi quên treo rèm.”
Dịch Huyền trở mình, nằm nghiêng nhìn cô: “Về sau cũng đừng treo nữa.”
“Hả?” Hà Điền nhíu mày, nói vậy là có ý gì?
Dưới ánh nắng ban mai, đôi mắt của Dịch Huyền vừa đen vừa sáng.

Anh nói một cách nghiêm túc: “Tôi muốn vừa thức dậy là có thể nhìn thấy khuôn mặt của cô ngay.”
Điều này, điều này có nghĩa là gì? Hà Điền cảm thấy một luồng hơi nóng từ dưới chăn chạy thẳng lên mặt, lỗ tai nóng bừng.
Cô không nói lời nào, chậm rãi xoay người lại, đưa lưng về phía Dịch Huyền.
Dịch Huyền nhìn thấy vành tai của Hà Điền đỏ như muốn trong suốt luôn rồi, biết cô đang mắc cỡ, nhưng cô không còn trừng mắt nhìn anh như ngày đầu anh để lộ giới tính nữa.
Cô nằm đó, mái tóc xõa hờ, chiếc cổ nhỏ trắng ngần lộ ra đường viền cổ áo ẩn hiện dưới làn tóc rối, bả vai thấp thoáng dưới lớp áo mỏng manh, anh rất muốn rướn người qua, đưa đỉnh cằm và sống mũi đặt ở sau gáy cô, cọ xát.
Nhưng điều này chỉ có thể tạm thời tưởng tượng ra mà thôi.
Dịch Huyền ngồi dậy, đặt chiếc cọc tre có mắc mèm vào rãnh, nằm xuống rồi thở dài, nhìn chằm chằm lên mái nhà.
Anh nghe thấy Hà Điền ngồi dậy, sột soạt thay quần áo, đột nhiên hỏi: “Chỉ treo rèm những lúc thay quần áo thôi được không?”
Anh chân thành nói: “Mỗi khi thức dậy, nhìn thấy khuôn mặt của đối phương tôi cảm thấy rất an toàn…”
Bóng dáng sau tấm rèm rung động, một lúc sau, Hà Điền ghé vào trên xà ngang nhìn Dịch Huyền: “Hay là, tôi xây một cái chòi bên đất trồng dưa nha?”
Dịch Huyền bật cười, không dám nói gì nữa, kéo chăn bông lên che mặt mình lại.
Hà Điền cắn môi, im lặng cười rồi rụt về lại bên kia tấm rèm.
Bổ sung củi xong rồi, tiếp theo cần phải chuẩn bị đồ ăn trong lúc đốt lò.

Một khi đã bắt đầu đốt, thường thì phải có hai người phối hợp với nhau làm mới được, nên sẽ không có nhiều thời gian để nấu nướng.
Trước khi bắt đầu đốt lò, họ còn phải kéo lưới một lần nữa.
Thức ăn chính được Hà Điền chuẩn bị khi đốt lò là bánh mì yến mạch.
Bột yến mạch là loại thực phẩm giải phóng năng lượng từ từ.


Yến mạch rang chín, nghiền nhỏ cho vào bột, sau đó cho một nắm óc chó, một muỗng muối, thêm nước và men vào, nhào thành bột rồi cho vào khuôn bánh mì nhôm hình chữ nhật.

Sau khi bột lên men lần hai thì cho vào khay nướng hai mươi phút.
Bánh mì nướng chín có lớp vỏ màu vàng nâu trồi lên trên mặt khuôn, rất giòn.
Khuôn được tráng một lớp mỡ ngỗng nên chỉ cần úp ngược rồi gõ vào đáy khuôn, bánh mì sẽ rơi ra khỏi khuôn.

Bánh nướng được cho vào rây tre, để nguội rồi mới đem cất vào hầm.
Trong suốt mùa hè, nhiệt độ trong hầm được giữ ở mức 0-10 độ, vì vậy bánh mì để ở trong đó vài ngày cũng không bị hỏng.
Bánh mì yến mạch sau khi khô sẽ rất cứng, nếu cầm cả miếng bánh mì gõ xuống bàn, nó sẽ phát ra tiếng đập đùng đùng, như thể đang cầm một miếng gỗ gõ xuống vậy.

Khi ăn thì phải dùng dao răng cưa cắt bánh thành từng khoanh dày, xếp thịt, rau củ hoặc phết mứt lên.
Dịch Huyền nói bánh mì này nếu ăn với phô mai sữa dê thì nhất định rất ngon, nhưng Hà Điền chưa từng ăn phô mai sữa dê, nên cô chỉ có thể tự mình hình dung ra mùi vị của nó mà thôi.
Nếu vẫn còn trứng cá muối thì đem phết lên bánh mì yến mạch ăn cũng rất ngon.
Vẫn còn một hộp trứng cá muối nhỏ mà Hà Điền đã làm lần trước.

Tuy nhiên, bánh mì yến mạch cô làm lần trước được nhào thành hình bầu dục nhỏ hơn lòng bàn tay một chút nên sẽ mềm hơn.
Ngoài bánh mì yến mạch, Hà Điền còn làm bánh yến mạch.
Bột làm bánh yến mạch là bột đã nấu chín.

Xay yến mạch đã rang thành bột, trộn với bột mì và muối, không thêm men, thêm nước sôi vào, vừa khuấy vừa thêm nước, đợi bột nguội thì nhào thành một cục tròn, để yên một lúc, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ, nặn rồi cán thành hình tròn, phết chút mỡ vào giữa miếng bột, rồi xếp hai miếng bột lại, ấn chặt mép, cho lên chảo, chiên trên lửa nhỏ.

Sau khi chiên được một phút, bánh sẽ phồng lên, trông giống như một con cá nóc giận dữ vậy.

Dùng muôi gỗ lật mặt bánh lại rồi chiên mặt còn lại.
Sau khi chiên, bánh lại xẹp xuống, khí nóng giữa hai lớp bánh đều thoát ra hết.
Bánh yến mạch chiên cũng được đặt trong hầm, có thể bảo quản lâu hơn bánh mì.


Khi muốn ăn, chỉ cần nhẹ nhàng xé mép, bánh sẽ tách ra, giống như ếch đang há miệng, lúc này có thể cho thịt và rau yêu thích vào rồi cầm ăn.
Đã đốt lò rồi thì cũng đã biết chắc là sẽ không đảm bảo được bữa ăn thường ngày, không có thời gian sơ chế, làm thịt, làm rau nóng hổi.

Vì vậy Hà Điền làm một ít sốt thịt.
Nước sốt thịt tốt nhất là làm bằng thịt đỏ.

Thịt cá thì hoàn toàn không ngon, quá dễ hỏng.
Vì vậy, cô sử dụng thịt thỏ.
Thỏ sau khi lột da và rửa sạch, lấy thịt ức và đùi, băm nhuyễn, nêm muối, đường hoặc tương đậu, xào với hành tây thái nhỏ rồi cho vào niêu đất đậy kín nắp, khi ăn thì múc một muỗng phết trên bánh hấp hoặc bánh mì.
Hiện tại dưa leo trong vườn rau đều đã thu hoạch được, Hà Điền và Dịch Huyền hái rất nhiều dưa leo đem cất vào hầm để ăn từ từ.
Dưa leo giòn và ngon ngọt được cắt thành sợi hoặc lát, kẹp chung với nước sốt thịt trong bánh mì, nó trung hòa vị mặn của nước sốt thịt và mang lại vị tươi ngon hiếm có cho món ăn khô này.

Nếu thời gian eo hẹp, vậy thì một tay này cầm dưa leo, tay kia thì cầm bánh, cứ vậy mà ăn.
Tất cả đều đã chuẩn bị xong xuôi, đồ gốm trong xưởng gốm cũng đã khô hoàn toàn, chọn ngày nắng ráo là có thể bắt đầu nung.
Trước đó, các khay gốm phải được đặt vào lò nung từng cái một.
Chọn một vài tấm gỗ dày vài chục cm và gạch men để làm giá đỡ trong lò.

Sau đó đặt các đồ dùng lớn như bồn nước ở giữa, loại nhỏ thì đặt ở phía trên.

Cần phải giữ khoảng cách của mọi thứ để nhiệt độ trong lò tỏa đều.

Sau đó chất củi xung quanh phong tỏa lại.
Lò gốm của nhà Hà Điền cao hai mét, sâu một mét, rộng một mét, nếu cẩn thận sắp xếp thì có thể xếp được hai dãy kệ.
Vì không có nhiều nhu cầu về vẻ đẹp của đồ dùng nung nên cũng không cần quan tâm đến hướng của ngọn lửa, có thể làm cho lò nung thay đổi hay không và đồ gốm nung xong có bắt màu hay không, v.v…!Những điều này trong sách đều có đề cập đến, nhưng người cần quan tâm đến những yếu tố này là nghệ nhân chứ không phải người miền núi.
Đặt tất cả những thứ cần nung vào, sau đó quan sát xem có khoảng trống nào không, có thể đặt những đồ vật nhỏ vào như lược gốm, hộp nhỏ, dĩa nhỏ, bát hương, chuông gió nhỏ, và những thứ tương tự.

Cuối cùng, phần đáy của kệ, cạnh nền đất, là nơi đặt những viên gạch nung.
Gạch nung đều được làm bằng vữa đúc, mỗi viên dài 25 cm, rộng 10 cm, dày 10 cm, sau khi để khô một chút thì dùng ống tre, đường kính khoảng 2,5 cm chèn hai lỗ ở giữa rồi lấy đất trong lỗ ra.
Bếp và ống khói trong căn nhà gỗ của nhà Hà Điền đều được xây bằng loại gạch rỗng ruột này.

Vì gạch dày, rỗng nên khả năng chịu nhiệt của nó tốt, sau khi đốt nóng sẽ tỏa nhiệt từ từ, vào mùa đông lạnh giá có thể giữ ấm được cả đêm.
Trong rừng, gạch đất sét không phải là vật liệu xây dựng tốt nhất, mà là gỗ.

Các bức tường được xây bằng gạch dễ bị biến dạng và nứt vỡ khi lạnh giá.

Nếu là căn nhà không quá cao trên mặt đất thì không sao, nhưng nếu ở dưới lòng đất thì tuyệt đối không được.
Hà Điền nung gạch là vì muốn làm một vườn ươm.
Sau khi mùa đông bắt đầu, cây trồng có thể kéo dài thêm một hoặc hai tuần nữa nếu chúng được trồng trong vườn ươm.

Nếu có thể thêm một lớp che phủ ấm áp cho vườn ươm, chẳng hạn như hàng rào và mành cỏ, cây bên trong có thể sống thêm một hoặc hai tuần.
Bằng cách này, cây có thể phát triển lâu hơn gần một tháng.
Đừng đánh giá thấp một tháng này.

Nếu như có thể phát triển lâu hơn bốn tuần, một củ khoai tây có kích thước bằng quả óc chó có thể lớn bằng một nắm tay lận đó!
Khi đào ao vẫn còn rất nhiều đất nên sau khi bàn bạc với Dịch Huyền, cô quyết định nung thêm vài viên gạch để làm hàng rào, xây gạch bên trong và dựng hàng rào tre cố định xung quanh.
Đất sét dùng làm gạch cũng không cần phải rửa nhiều lần, sau khi sàng xong thì cho vào thùng dự phòng của máy giặt quần áo rồi thêm nước, cát và tro thực vật, để Gạo xoay trong nửa tiếng là dùng được.
Gạch gốm rỗng rất thích hợp làm vườn ươm cho hoa, nó có tác dụng duy trì nhiệt độ của đất, thông khí, phân tán lượng nước dư thừa.

Muốn tháo dỡ hay mở rộng thêm cũng rất dễ dàng.
Bên trong xưởng gốm có một chiếc xe cút kít nhỏ, gốm được chất lên xe, lần lượt chở vào trong lò.

Dựa theo kích cỡ lớn nhỏ chuyển vào xong, tiếp đó dùng những viên gạch cũ đóng kín lò lại, chỉ chừa một cái lỗ để đốt lửa.
Trên lối vào của nơi đốt lửa có treo một tấm sắt nặng, được kéo bằng một sợi dây gai to, sau khi lửa trong lò đã nóng hoàn toàn thì cứ chốc lát lại phải chất đầy củi vào.
Khi cho củi vào, quan sát màu sắc của ngọn lửa cho đến khi ngọn lửa có màu vàng cam, sau khi quan sát vài giây, nhắm mắt lại, trước mắt vẫn còn dư âm của màu đó, nghĩa là nhiệt độ của ngọn lửa đã gần bằng một ngàn độ.
Lúc này, phải hết sức cẩn thận.
Từ lúc đó trở đi, dù cho có gió chướng hay mưa to, sấm chớp không ngớt, cũng vẫn phải tiếp tục thêm củi để giữ lửa ở nhiệt độ này.
Nếu nhiệt độ trong lò giảm xuống, đồ gốm trong lò có khả năng sẽ đi tông, khi mở lò ra có thể chúng vẫn còn nguyên vẹn, nhưng vừa lấy ra thì sẽ nghe một cái “tách”, vỡ làm đôi.

Trong ba ngày đốt lò, gần như cả ngày Hà Điền và Dịch Huyền đều ở bên lò lửa.

Chỉ khi buổi tối mới thay phiên nhau ngủ một giấc, nếu mà mệt quá thì sẽ nằm trên giường tạm trong xưởng một lúc.
Thêm củi, chẻ củi, hay cho củi vào lò, đều phải cần một người kéo tấm sắt lên, người kia thì nhanh chóng dùng kẹp sắt để gắp củi và cho vào, đưa củi vào càng sâu càng tốt.

Mỗi khi thêm củi, lỗ chân lông trên mặt và cánh tay đều nóng ran lên, mồ hôi vừa đổ ra cũng liền khô ngay lập tức.
Mấy ngày nay trong mộng của hai người cũng đều không ngừng mơ thấy quá trình thêm củi, chẻ củi, vận chuyển củi, cảnh trong mơ lúc nào cũng có màu đỏ cam.
Vào sáng ngày thứ tư, Hà Điền nói có thể tắt lò.
Ngoài lỗ thông củi được che bằng tấm sắt, trên đỉnh lò còn có một lỗ thoát khí để ôxy vào, sau khi hai lỗ thông này được bịt kín bằng gạch ở nơi lò lưu thông thì lửa sẽ tắt dần.

Bước cuối cùng của việc nung gốm cũng là bước thay đổi hóa học tuyệt vời nhất, màu đỏ cam tươi sáng sẽ dần dần biến mất trong bóng tối.
Lúc này đây, cuối cùng họ cũng đã có thể nghỉ ngơi và đánh một giấc ngon lành.
Sau khi đóng cửa lò, lò sẽ nguội dần trong vòng vài ngày, quá trình làm nguội này không nên quá nhanh, nếu không sẽ chỉ nhận được những món đồ gốm hỏng mà thôi, tuyệt đối đừng vội mở lò.
Hà Điền và Dịch Huyền về đến nhà, cảm giác cứ như bị sấy nướng hết một lớp da, tóc khô như cỏ khô, ngay cả Lúa Mì ngày ngày đi theo cùng bọn họ, lông từ đầu đến chân đều dựng đứng cả lên, sờ vào rất khô ráp.
Hà Điền nấu một nồi nước, cùng Dịch Huyền nấu mì ăn, đơn giản ăn với nước lả luôn, mặc kệ tất cả, ngủ một giấc đã rồi tính sau.
Họ ngủ một giấc đến tận giữa trưa.
Dịch Huyền tỉnh dậy, thấy Hà Điền đang hấp cơm.
Cơm được đặt trong hộp tre, có hạt dẻ, đậu đỏ và một cái đùi vịt.
Khi cơm đã hấp chín, lại hái hai trái dưa leo còn cuống hoa vàng nhỏ về, rửa sạch, đập dập trên thớt, cắt thành từng khúc cho vào một cái tô lớn, thêm muối, đường và nước tương, ăn cùng với cơm.
Bữa ăn này không hề rườm rà, nhưng lại rất bổ dưỡng, có thịt có rau, màu sắc cũng rất tươi sáng, chân vịt hồng đậm, hạt dẻ vàng, cơm trắng óng ánh, đậu đỏ ngọt đỏ sẫm, dưa leo xanh mềm, hương vị cũng coi như không tệ.
Đây cũng là bữa cơm nóng hổi đầu tiên họ được ăn trong những ngày này.
Trong lúc ăn cơm Hà Điền lại nấu một nồi nước lớn, họ cần tắm rửa sạch sẽ để rửa sạch mùi khói lửa.
Đêm qua, cô chọn hai cây mướp, cắt bỏ phần ngọn, cho những dây mướp bị đứt vào ống trúc nhỏ, nước cung cấp cho cành và lá nhỏ của dây mướp đều nhỏ vào ống tre nhỏ, lúc này lấy về, nước trong ống cũng đã đầy.
Đổ nước tắm vào thùng gỗ, pha nước nóng lạnh cho thích hợp, đổ một nửa nước mướp trong ống tre vào, rồi ngâm một miếng gạc vào trong ống tre, đợi cho nó thấm nước rồi đắp lên mặt.

Cái này là mặt nạ nước mướp đó!
Ngâm mình thư giản trong nước nóng với nước mướp, dựa vào thùng gỗ, liên tục vỗ nước mướp lên miếng gạc trên mặt, da và tóc khô đều được dưỡng ẩm.

Nước mướp có tác dụng dưỡng ẩm, mùi thơm của nó thoang thoảng, nếu bỏ thêm vài lá bạc hà vào trong thùng gỗ thì sẽ còn có tác dụng giảm mệt mỏi nữa.
Sau khi tắm rửa bằng cách này, cả người Hà Điền phơi phới hẳn lên, cô cảm thấy cuối cùng thì mình cũng đã sống lại..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.