Bạn đang đọc Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm – Chương 56: Thịt Thỏ Cay Trộn Rau Theo Mùa
Thoáng một cái đã đến tháng bảy.
Tiếng ve trong rừng vẫn còn kéo dài, cây cối xanh tươi bên sông vẫn chưa tàn, nhưng Hà Điền biết rằng cô phải đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị cho mùa đông.
Nếu như lúc này cứ nhàn nhã tận hưởng ánh nắng và sự ấm áp, đợi đến mùa đông, có thể họ sẽ phải chịu cảnh ăn đói mặc rét.
Mỗi buổi sáng, sau khi cô và Dịch Huyền vẩy nước quét nhà làm cỏ xong, họ sẽ mang theo Gạo và Lúa Mì chèo thuyền ra ngoài để thu gom cỏ dại trên bãi sông.
Khi họ đến nơi thường là lúc mặt trời mọc, những giọt sương trên ngọn cỏ cũng đã khô.
Lúc này là lúc cỏ đang cố gắng hấp thụ ánh nắng mặt trời một cách tốt nhất nên lá cỏ có nhiều nước và có vị ngọt nhất.
Nhìn quai hàm nhai không ngừng nghỉ của Gạo là biết.
Đến cuối tháng tám các loại cỏ sẽ nở hoa và kết hạt, khi đó dinh dưỡng của cỏ không được dồi dào nữa.
Cô không biết thỏ và vịt ở nhà cần tiêu thụ bao nhiêu cỏ khô để sống sót qua mùa đông dài, vì vậy cô chỉ có thể ra sức chuẩn bị, càng nhiều càng tốt.
Cỏ mang về được cột thành bó và treo trên cọc tre để phơi khô, quá trình này mất khoảng ba ngày nếu thời tiết tốt.
Nếu trời mưa thì sẽ lâu hơn.
Nếu không đem cất kịp thời, cỏ khô bị ướt có thể bị ẩm mốc.
Cỏ đã khô được cho vào những thùng gỗ có cùng kích thước, sau đó dùng một tấm gỗ có kích cỡ nhỏ hơn thùng một chút đậy lên rồi dùng đá lớn đè lên một ngày, không khí bị đẩy ra, khối lượng giảm đi nhiều, rồi bó lại thành từng cục trông như những viên gạch lớn.
Trên sàn của nhà kho, nơi cất giữ cỏ khô được đặt một cái giá đỡ bằng tấm ván cao 10 cm, cỏ khô được chất lần lượt vào tường cho đến khi chạm tới mái nhà.
Tuần lộc hoang dã ăn vỏ cây, rễ và cành cây vào mùa đông để sống, nhưng Gạo thì thường cần cả một kho cỏ khô để làm thức ăn bổ sung vào mùa đông.
Bởi vì trái ngược với những đồng loại sống trong tự nhiên, mùa đông là mùa bận rộn nhất của Gạo.
Nó phải kéo nước, kéo xe trượt và chạy, vì vậy ngoài cành cây, nó cần thêm thức ăn để cung cấp đủ năng lượng, thỉnh thoảng Hà Điền sẽ thưởng cho nó một ít đậu nành và các loại ngũ cốc, hoặc lá bắp cải nát, v.v.
Khi bắt vịt, Hà Điền và Dịch Huyền đều nghĩ rằng bắt mấy con vịt này về, có thể nuôi được một nửa trong số chúng là đã tốt lắm rồi.
Nhưng không ngờ là bọn họ nuôi bậy nuôi bạ, vậy mà tất cả chúng đều sống sót.
Cả chục con vịt này (và cả ba con ngỗng hoang, một con nhạn) càng ngày càng lớn, mỗi ngày tiêu thụ rất nhiều thức ăn.
Bây giờ mỗi sáng chúng sẽ chủ động ra ao bơi lội kiếm ăn, nhưng đến mùa đông, suối núi đóng băng thì ao cũng sẽ đóng băng, lúc đó không thể có cá tươi hay mồi khác nên không còn nội tạng của động vật cho chúng ăn nữa, vì vậy có lẽ chúng sẽ ăn càng nhiều cỏ hơn bây giờ nữa.
Ngoài ra, còn phải chuẩn bị một số thức ăn nhiều protein cho chúng.
Nghĩ đến điều đó, Hà Điền cảm thấy rằng họ cần phải trồng nhiều đậu nành hơn.
Về phần thỏ, Hà Điền dự định để lại một cặp thỏ, những con còn lại thì đợi mùa đông đến sẽ làm thịt hết.
Nhưng dù thế nào đi nữa, họ vẫn cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Những cây sậy mang về nhà lần trước đã được phơi khô, và những khúc gỗ trôi mà họ kéo về khi con sông đóng băng vào mùa xuân cũng vậy, vậy nên họ sẽ dựng thêm một cái kho chứa.
Hà Điền dự định xây một cái kho có kích thước tương tự dựa vào một bức tường của một cái kho ban đầu, dài bốn mét, rộng bốn mét và cao ba mét.
Dựng kho cũng giống như làm nhà gỗ, đầu tiên phải đặt bốn khúc gỗ trên mặt đất bằng phẳng, hai đầu khúc đều được đục lỗ, các lỗ có kích thước và hình dạng như nhau, song song và vuông góc.
Sau khi được gắn chặt tương đối, nó trở thành một hình tứ giác, dùng búa gõ cho khớp, vậy là hình tứ giác đã bị khóa lại.
Đóng đinh cột vào bốn góc, rồi đóng đinh bốn khúc gỗ đã được làm thành hình tứ giác giống vậy vào để tạo thành cấu trúc hình khối, sau đó đóng đinh những tấm ván có cùng kích thước vào khung gỗ trên tường để chia tường thành dạng khung dọc, tiếp đến là đóng đinh một lớp ván gỗ theo khung dọc từ dưới lên trên, bịt kín một mặt tường, nếu để cửa và cửa sổ trên tường thì cưa khung và ván gỗ theo ý muốn rồi đóng vào.
Cách lợp mái cũng tương tự như vậy, lúc này nếu có người giúp đỡ thì sẽ dễ dàng hơn.
Một người đứng trên nóc khung gỗ, một người khác chuyền cây gỗ lên, để cho người đó đóng những tấm ván dày vào khung nhà gỗ làm khung mái.
Sau đó dựng các thanh xà để làm mái dốc, đóng ván gỗ lên, vậy là xong.
Sau khi lợp mái nhà bằng gỗ thì có thể làm sàn, cũng giống như tường, đóng đinh những tấm ván dày với khoảng cách đều nhau rồi lát thêm một lớp ván nữa.
Muốn làm hầm nhỏ trong kho thì cũng giống như làm cửa sổ, cưa ván gỗ làm khung phía dưới, đóng đinh rồi đào một hố sâu hình vuông, đem toàn bộ hố lát ván gỗ hết, vậy là đã có được một tủ đông tự nhiên.
Trên hầm làm một cái nắp và đóng đinh một miếng da làm tay cầm.
Sau khi lát sàn xong thì có thể trang trí nội thất bên trong.
Để giữ ấm và đẹp, vách trong có thể đóng một lớp gỗ lên.
Tất nhiên, nếu tất cả các bức tường đều được phủ bằng gỗ tròn thì có thể bỏ qua bước này, miễn là các khe hở trên bức tường bên ngoài được bịt kín bằng bùn trộn với mùn cưa và rêu khô là được.
Làm kho đơn giản hơn nhiều so với làm nhà gỗ, dù sao thì nó cũng chỉ là một cái kho.
Vì vậy, Hà Điền và Dịch Huyền đã dựng nhà kho này chỉ trong ba bốn ngày.
Kho đặt cỏ khô này không có cửa sổ, mái và tường không được lát ván mà dùng lau sậy khô.
Cành sậy sau khi tuốt lá phơi khô sẽ chuyển từ màu xanh lục sang màu vàng nâu, trải xuống đất và đan thành kích thước mong muốn như mành rơm, sau khi cắt tỉa cả hai mặt thì có thể dùng làm vách, lợp mái.
Cây sậy nhẹ hơn nhiều so với gỗ, sau khi đan thành mành có thể cuộn lại thành cuộn lớn, hai người có thể dễ dàng khiêng vào kho.
Đặt nó lên tường rồi dùng những dải gỗ rộng 6, 7 cm và dày 1 cm đóng cố định lên, sau khi đóng đinh từng lớp bên trong và bên ngoài, đã có thể lót cỏ khô lên tường.
Mái nhà cũng làm như vậy.
Phần tam giác giữa mái và hai bức tường bên cũng được lợp bằng lau sậy, lúc này chỉ cần tỉa tấm mành đã đan thành hình tam giác là được.
Kho sậy thông thoáng, chịu được gió và tuyết nên rất thích hợp làm kho chứa đồ.
Kho đã được làm xong, tất nhiên là không có lý do gì để nó trống không cả.
Hà Điền dự định lấp đầy cỏ khô trong nhà kho mới.
Người ta thường có câu, lo trước khỏi họa.
Thế nhưng ở trong rừng rậm, dường như không ai có thể chuẩn bị hoàn hảo tất cả mọi thứ.
Nếu mùa đông này đặc biệt đến sớm thì sau trận tuyết đầu tiên, tất cả cỏ cây đều sẽ trở nên nát bấy.
Mùa đông có thể đến sớm, và mùa xuân cũng có thể sẽ đến muộn.
Vậy nên việc tháng sáu vẫn có tuyết rơi không phải là việc lạ lùng gì cả.
Nhân lúc thời tiết vẫn còn đang tốt, họ có thể bắt đầu làm đồ gốm.
Hà Điền và Dịch Huyền sử dụng một chiếc xe bốn bánh nhỏ để kéo một thùng gỗ chứa đầy đất sét đến một cái kho.
Thiết kế của kho này khác với các kho khác là lớn hơn nhiều so với kho thông thường, hai vách hai bên cửa có thể mở được hoàn toàn.
Vách của hai bức tường này được làm từ những mảnh lau sậy đan thành.
Đóng đinh hai miếng tre rộng bằng ngón tay vào bốn mặt của vách sậy, sau đó đóng đinh những đoạn tre thành hình chữ X, vậy là vách tường vốn không quá cứng cáp đã được cố định chắc chắn.
Các thanh tre hai bên và đáy vách được đục lỗ, dùng dây cột cố định vào khung gỗ hai bên, khi muốn mở vách thì tháo dây ra và dùng cọc tre chống đỡ, nhà kho liền trở nên rộng rãi sáng sủa hẳn lên.
Tất cả dụng cụ làm đồ gốm đều ở đây cả.
Nơi đây thật ra là một xưởng gốm.
Vì đã nhiều năm không sử dụng nên các dụng cụ đều được che bằng mành cỏ, nhà xưởng phủ đầy mạng nhện, trong bẫy chuột trong góc còn có một con sóc chết thảm.
Sau khi quét dọn sạch sẽ, Dịch Huyền đi xách hai xô nước đổ vào hai chum nước trong góc.
Thùng gỗ đựng đất sét cũng được chuyển vào trong nhà xưởng, sau đó họ lấy một cái rây có lỗ chỉ lớn hơn hạt kê một chút đặt trên một thùng nước trống đã được rửa sạch, cho một ít đất sét vào trong rây, lại rây một lần nữa.
Lúc này đất sét đã chuyển từ màu nâu đen khi mới đào sang màu vàng đất, rất mịn.
Đặt một mảnh vải thô lên một tấm phên tre, đổ đất sét gốm lên đó, vắt bớt nước rồi cho vào một cái thùng gỗ nhỏ để dùng sau.
Hầu hết đồ gốm của nhà Hà Điền đều được làm bằng khuôn.
Khuôn được làm bằng gốm nung, đều lấy dây rơm buộc lại và chất thành đống.
Một số được sử dụng để làm dĩa, một số thì làm chén và ly nước.
Vì vậy cho nên có rất nhiều khuôn.
Nồi đất cũng có thể được làm từ khuôn làm chậu đựng nước, chỉ cần đổ khuôn và thêm hai tai vào hai bên thành chậu là đã được một cái nồi, việc làm nắp lại càng đơn giản hơn, chỉ cần lật úp dĩa gốm lại rồi gắn một tay cầm vào là được.
Thoạt nhìn thì có vẻ dễ dàng, nhưng bắt tay vào làm thì lại không dễ như đã nghĩ.
Ví dụ, để làm một cái chén gốm thì phải cần đến ba khối khuôn, khối dưới cùng có dạng chén úp, ở giữa có một lỗ nhỏ, tiếp đó là hai khối đối xứng nhau trông như cái chén bị cắt đôi.
Sau khi chấp lại, có hai lỗ tròn ở giữa, một lớn và một nhỏ.
Gắn chúng vào khối khuôn phía dưới rồi dùng một sợi dây da cột cố định khuôn lại.
Sau khi đổ đất gốm vào xong, tạo hình của chén mới hoàn chỉnh.
Đất gốm cũng phải được pha cho phù hợp, loãng quá đất sẽ nhanh trôi đi, không tạo hình được thân gốm, đặc quá thì còn chưa chạm đến đáy thì đất đã khô lại rồi.
Trong xưởng có một vài chiếc ghế bằng gỗ rất mỏng và dài, được dùng để đặt đồ gốm đã hoàn thành.
Sau khi các khối khuôn được siết chặt, đặt một tấm gỗ phẳng lên hai băng ghế, họ sẽ để khuôn lên đó, giữa tấm gỗ có một số rãnh để tạo điều kiện cho đất thừa chảy đi.
Gắn một cái vòi bằng tre hình chữ V vào một bên của thùng gỗ nhỏ có chứa đất gốm loãng, đất gốm sẽ từ đây chảy xuống và đổ vào lỗ lớn hơn phía trên khuôn, tốc độ đổ phải đều, nếu không sẽ sinh ra nhiều bọt, khi nung sẽ làm gốm bị nứt.
Khi đất gốm nổi lên từ một lỗ nhỏ khác phía trên khuôn, điều đó có nghĩa là không gian bên trong khuôn đã được lấp đầy.
Lúc này, có thể đổ tiếp vào khuôn khác.
Đồ gốm làm bằng khuôn thường phải đợi khoảng hơn mười đến hai mươi phút mới có thể tháo khuôn và lấy ra.
Chỉ cần phôi gốm còn nguyên vẹn, không thiếu hụt chỗ nào hết, hoặc không có bong bóng lớn thì được coi là thành công.
Đồ gốm được làm bằng khuôn thường sẽ có một cạnh xuất hiện bởi khe hở nơi các khuôn được nối với nhau.
Điều này và các khuyết điểm nhỏ khác có thể được sửa chữa từ từ, bởi vì khuôn gốm có thể phải mất đến vài ngày mới khô hoàn toàn.
Khi chúng đã hơi khô thì cũng sẽ không dễ dàng bị biến dạng bởi một cú chạm nhẹ.
Mọi người có thể cạo, gọt, cắt, mài, và thậm chí là dùng các dụng cụ bằng tre để chỉnh sửa.
Muốn chạm khắc hoa văn cũng được.
Muốn gắn một vài chi tiết trang trí lên cũng được luôn.
Khi Hà Điền còn bé, cô thích nhất là gắn lá và hoa lên đồ gốm.
Khi đất gốm vẫn còn mềm, còn có thể thay đổi một chút hình dạng của thân sản phẩm.
Lần Dịch Huyền được cứu sống, khi lần đầu tiên tỉnh dậy, anh đã từng nhìn thấy một chiếc bình có miệng cong vẹo, có lẽ nó được làm ở chỗ này.
truyện ngôn tình
Ngoài khuôn đúc, nhà của Hà Điền còn có một cái máy kéo phôi.
Họ có thể làm đồ gốm hoàn toàn bằng tay, tất nhiên sẽ tốn thời gian hơn nhiều so với làm bằng khuôn.
Máy kéo phôi giống như một cái khay tròn lớn được đặt trên một chiếc bàn hình trụ, một trục và một con chạy được lắp giữa khay tròn và bàn hình trụ đó, ngồi bên cạnh máy kéo phôi, liên tục dùng chân đạp để di chuyển bàn hình trụ, khay tròn lớn sẽ xoay.
Khi dùng máy kéo phôi làm đồ gốm, đặt gốm đã thành hình lên khay tròn, đạp bàn xoay với tốc độ không đổi, đặt dao tre lên vỏ gốm, di chuyển chậm từ trên xuống dưới để gốm mịn hơn, hoặc làm các mẫu rãnh lượn sóng.
Sau khi xác định sẽ làm năm cái chén và bốn cái dĩa, đầu tiên Hà Điền lấy một lượng đất gốm tương đối đủ dùng, nhào như nhào bột, sau đó đặt nó trên máy kéo phôi.
Dịch Huyền biết cách làm đồ gốm thủ công và cũng biết máy kéo phôi là gì, nhưng anh chưa từng đụng vào nó bao giờ nên rất háo hức muốn thử.
Hà Điền làm mẫu cho anh xem: “Đầu tiên anh hãy đạp nhanh hơn một chút, để bàn xoay và khay tròn quay đều, sau đó cứ duy trì tốc độ này, dùng hai tay giữ phôi đất lại, nếu tay quá khô thì thêm một ít nước vào tay nhé! Nhưng đừng làm ướt quá, ướt quá dễ bị bẹp lắm.”
Cô làm một ly nước.
Ly nước là bài tập nhập môn để học sử dụng máy kéo phôi khi mới bắt đầu làm đồ gốm.
Đầu tiên cô cầm đất gốm, kéo thành một khối hình trụ vừa đủ hai bàn tay chụm lại, sau đó dùng hai ngón tay cái đặt lên trên đỉnh của đất, ngón tay còn lại thì đặt ở bên ngoài: “Từ từ kéo ra, anh xem, hiện tại nó hình thành một cái lỗ rồi này! Nó là bụng ly đó.
Nếu anh muốn làm cho ly cao hơn thì kéo nó lên, còn nếu muốn nó tròn hơn thì kéo sang hai bên.”
Khi chiều cao và kích thước của chiếc ly phù hợp, Hà Điền ngừng đạp vào bàn xoay, chiếc khay tròn từ từ ngừng quay, cô lấy một sợi dây sắt mỏng có gắn thanh gỗ nhỏ ở hai đầu từ một hộp dụng cụ ra rồi nắm hai đầu dây bằng cả hai tay, kéo nhẹ về phía giữa phôi đất, dây sắt sẽ tách phôi ly gốm ra khỏi phần đất gốm còn lại.
Bây giờ thì đã có thể đem phôi ly gốm đặt trên một tấm gỗ để hong khô.
“Sau đó, anh có thể nặn một cục bùn nhỏ để làm thành tay cầm của ly, hoặc là dùng máy kéo phôi để kéo đất gốm lên và kéo ra một cái đuôi nhỏ.” Cô đứng dậy để Dịch Huyền ngồi vào chỗ máy kéo phôi.
Dưới sự hướng dẫn của Hà Điền, Dịch Huyền nhanh chóng làm một chiếc đuôi nhỏ to bằng ngón tay, được gắn vào thành ly để làm tay cầm.
Gốm thành phẩm sẽ được đem đi phơi nắng, khi khô cứng hoàn toàn thì mới được đưa vào lò nung.
Sau khi thử nhiều lần, cái ly do Dịch Huyền làm cao không được mười cm cứ bị cong vênh, lúc cao lúc thấp, cuối cùng anh cũng thành công một lần, cẩn thận dùng dây sắt cắt nó ra.
Nhưng mà do kích động quá, trong lúc nhấc khỏi máy kéo phôi thì lỡ đá vào bàn xoay, cái ly mới tạo ra bay ra ngoài, rơi xuống đất, biến thành một đống đất.
Hà Điền không khỏi bật cười, haha cười vài tiếng, lại thấy anh mím môi nên khép miệng lại.
Dịch Huyền bĩu môi, nhặt đất gốm lên rồi lại đặt lên máy kéo phôi.
Hà Điền chọc chọc vào vai anh, cười nói: “Gần bảy giờ rồi, chúng ta ăn cơm trước đã.”
Thức ăn chủ yếu của bữa tối hôm nay là cháo hai loại gạo và món thỏ xào cay.
Những con thỏ dám cắn nát hàng rào bắp cải không hoạt động đơn lẻ mà theo nhóm, kết quả là tất cả đều bị tóm gọn.
Sáng hôm sau sau khi đặt bẫy, Dịch Huyền tìm thấy một con thỏ đã chết cứng ngắc bên ngoài hàng rào của đất trồng bắp cải.
Nó bị siết cổ đến chết trên một cái bẫy làm bằng những vòng dây, gần mép đất trồng cà rốt, trong hai lồng bẫy cũng có một con thỏ.
Hai con thỏ này được tạm giữ chung với những con thỏ khác.
Dịch Huyền vẫn có chút buồn bực: “Nếu biết vậy chúng ta cứ đợi mùa thu đến rồi hãy đặt bẫy bắt mấy con về nuôi.
Không cần phải bắt mấy con nhỏ như vậy, lãng phí quá nhiều cỏ khô.”
Hà Điền an ủi anh: “Ai mà biết được mùa thu có thể bắt được thỏ sống hay không?! Đây là đi săn, chứ không phải tới cửa hàng mua đồ vật, muốn cái gì thì có cái đó.”
Thỏ đã chết đem lột da, rửa sạch rồi cắt khúc, xào cùng với củ hành, gừng, ớt, tiêu, sau khi để ráo mỡ thì chia làm hai phần, một phần làm bữa trưa trong ngày, phần còn lại thì cho vào trong niêu đất cất trong hầm.
Chiều hôm nay sau giờ ngọ, Hà Điền lấy niêu thịt thỏ kia ra, đặt niêu đất trong một cái rọ tre rồi thả chìm một nửa trong lòng suối.
Khi đến giờ ăn tối, vào vườn nhổ mấy củ cải đỏ nhỏ, một vài củ cà rốt to bằng ngón tay và một vài quả cà chua bi đỏ.
Rửa sạch tất cả, cắt lát, cắt sợi và cắt thành từng miếng nhỏ, đều cho hết vào chậu.
Thịt thỏ thái hạt lựu cũng được lấy ra từ trong niêu đất, bởi vì để qua hai ngày nên thịt ăn vào sẽ ngon hơn, trộn đều với rau tươi, chỉ cần nhìn màu sắc thôi là đã khiến người ta phải rục rịch rồi, rắc thêm một chút đường thì đổ ra dĩa.
Trong nhà luôn có hai chậu mầm đậu, lúc nào mọc dài đến ngón tay là có thể cắt ăn, lúc này cắt một nắm trải lên dĩa, màu lá xanh mơn mởn kết hợp với vỏ màu tím hồng và màu trắng như tuyết bên trong của củ cải đỏ, màu cam của cà rốt, màu đỏ tươi của cà chua, và màu vàng nâu của thịt thỏ, trông càng ngon hơn nữa.
Ăn cùng với cháo nóng hổi, rau sống giòn ngọt, thịt thỏ vừa ngon vừa cay, thơm lừng.
“Hì, tôi thích thịt thỏ.” Dịch Huyền bị cay đến hít hà, nhưng vẫn cười nói.
Hà Điền đưa tay lên quạt quạt trước miệng, cắn một miếng thịt thỏ: “Tôi cũng thích.”.