Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 16: Thịt Thỏ Rừng Nướng


Bạn đang đọc Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm – Chương 16: Thịt Thỏ Rừng Nướng


Lần này Hà Điền và Dịch Huyền mang theo rất nhiều thức ăn, dự định chuẩn bị cho cả bốn nhà nghỉ săn bắn trong khu rừng này.
Bãi săn của nhà Hà Điền là một hình tứ giác không đều.

Ông nội cô đã từng đo và ước lượng nó rộng khoảng năm mươi km vuông.

Trong số đó còn có những vùng núi nhấp nhô.
Bốn nhà nghỉ ở bãi săn phân bố không đồng đều ở bốn góc rừng, đi bộ từ chỗ này đến chỗ kia phải mất khoảng một tiếng rưỡi, có nơi còn lâu hơn.
Hiện tại là giữa tháng mười một, thời gian mặt trời mọc dần dần bị trì hoãn đến mười giờ sáng, vừa qua ba giờ chiều, bầu trời liền tối sầm lại.

Và sau bốn giờ, không còn ánh sáng ban ngày nữa.
Mùa đông lạnh giá càng kéo dài thì thời gian trời nắng cũng sẽ tiếp tục rút ngắn.
Đến giữa tháng 12, thời gian nắng trung bình chỉ còn khoảng bốn tiếng đồng hồ.

Trong khoảng thời gian đó thời tiết rất khô ráo và sáng sủa.
Qua năm mới, ngày dần dài.

Nhưng quá trình này rất chậm.

Phải đến giữa tháng tư năm sau, băng trên sông mới nứt ra và mùa đông mới chính thức kết thúc.
Nhưng đến cuối tháng hai, mùa săn sẽ kết thúc.
Thời tiết ấm dần lên, chồn cũng giống như các loài động vật khác, bắt đầu lột xác.

Chất lượng da lông lúc này không phù hợp với việc làm quần áo.
Quan trọng hơn, các loài động vật sẽ sinh sản vào mùa xuân, thai nghén sinh con, có như vậy thì rừng mới tiếp tục có thú rừng, những người thợ săn sống trong rừng đều phụ thuộc vào hệ sinh thái này.
Sự xuất hiện của kỷ nguyên lạnh giá khắc nghiệt đã thúc đẩy con người khôi phục lại sự sợ hãi với thiên nhiên.

Ngay cả những thợ săn không được học hành nhiều cũng biết đến chân lý “Nghỉ ngơi lấy lại sức”.
Hôm nay, việc săn trộm của anh em nhà họ Phổ đã khiến cho Hà Điền kích thích cực độ.

Ban đầu cô chỉ định sẽ di chuyển xung quanh nhà nghỉ gần bờ sông và một nhà nghỉ gần đó nhất, nhưng hiện tại, cô muốn mở rộng phạm vi săn bắn sang khu rừng có cả bốn nhà nghỉ.
Nhưng trên thực tế, kể từ khi ông cô mất cách đây gần chục năm, cô và bà mình hiếm khi có thể trông coi được cả bốn căn nhà nghỉ.
Vào mùa đông, sau khi trời tối, nếu lại gặp phải gió và tuyết, ngay cả những người thợ săn lớn lên trong khu rừng này cũng sẽ có nguy cơ bị lạc.

Mà bị lạc trong một đêm âm bốn mươi độ thì thường đồng nghĩa với cái chết.
Vì vậy, mỗi ngày một người chỉ có thể thu con mồi từ bẫy ở gần một nhà nghỉ này, sau khi đặt lại bẫy thì phải ở lại qua đêm, hôm sau sẽ đến nhà nghỉ khác.
Hà Điền lên kế hoạch suốt cả một đêm, không hề ngon giấc.
Buổi sáng khi đang rửa mặt, cô chợt nhận ra rằng, nếu muốn trông coi cả bốn căn nhà nghỉ, vậy thì cô phải sống ở đây.
Giống như lúc trước, khi ông nội vẫn còn, mùa đông năm nào ông cũng đều ở lại đây một mình.
Và rồi sau khi ông nội qua đời, bà nội sẽ ở đây một hoặc hai đêm, sau đó về nhà thu xếp một đêm, ngày hôm sau lại đến khu rừng gần nhà, ở lại một đêm, rồi lại về nhà một lần nữa, và sau đó quay trở lại bên kia sông.
Bởi vì lúc ông của Hà Điền mất, cô vẫn còn rất nhỏ.
Sống trong nhà nghỉ săn bắn rất vất vả, để cháu gái ở trong nhà nghỉ săn bắn cả mùa đông, bà sợ cô không chịu nổi.
Cô vỗ vỗ đầu mình, tỉnh táo lại.
Thôi thì cứ cố gắng hết sức mình là được, thuận theo tự nhiên vậy.
Nếu bắt được nhiều chồn hơn thì sao? Dù có thêm tiền, hạt giống, muối, gạo và bột, vải vóc, nhưng rốt cuộc thì cô vẫn chỉ có một mình mà thôi.
Cho dù có bao nhiêu hạt giống, cô cũng không thể trồng nhiều được, có nhiều muối cỡ nào, cô cũng đâu thể dùng hết.
Nhưng, cô phải bảo vệ tài sản của gia đình mình.


Khu rừng này là do ông bà cô để lại.

Ông và bà đã cùng nhau xây nên căn nhà gỗ, năm nào cô cũng cùng bà sửa chữa lại nhà.

Đây là tâm huyết của gia đình cô.

Không thể để mặc cho người khác bắt người cướp của.
Suy nghĩ thông suốt, Hà Điền bình tĩnh lại.
Cô đưa Dịch Huyền và Gạo đến một căn nhà nghỉ khác ở phía tây bắc.

Nó là cái gần đây nhất.
Đi bộ trong rừng tuyết hơn một tiếng, cuối cùng cũng đến được nhà nghỉ.
Hai người vào nhà, cởi nón ra, trên đầu còn bốc lên cả khí trắng.
Hà Điền để Dịch Huyền đốt lửa, còn mình thì đi đến khu rừng gần nhà để kiểm tra bẫy.
Dịch Huyền đã học được cách sử dụng tuyết để tạo ra nước.

Khi Hà Điền quay trở lại với bốn con chồn và một con thỏ rừng, cô ấy đang quét tuyết rải rác trên sàn.

Ấm đun nước trên bếp phát ra tiếng vang nhẹ, chẳng mấy chốc nữa nước sẽ sôi.
Hà Điền lấy thang gỗ ở trong chái củi ra, đặt lên cây, trèo lên mở rương đựng đồ, Dịch Huyền đưa toàn bộ thức ăn cho cô, cất từng thứ một.

Kê, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây khô, thịt xông khói, khoai tây khô, khoai lang khô và miến khoai, cá đánh bắt được trong những ngày qua.

Cá đông lạnh có thể để trong rương bảo quản trong cả mùa đông, khi muốn ăn thì mang vào nhà, sau khi rã đông, hương vị của cá cũng gần giống như cá tươi vậy.
Khi Hà Điền đi kiểm tra bẫy, Dịch Huyền đã bửa một ít củi.
Tư thế bửa của cô ấy không đúng, nhưng sau khi được Hà Điền chỉ, cô ấy đã hiểu ngay, cầm rìu nhanh chóng bửa một đống củi nhỏ, khiêng vào nhà, chất đống ngay ngắn bên bếp lò.
Hà Điền cũng lấy bộ đồ giường từ một rương đựng đồ khác ra, kêu Dịch Huyền cầm chăn bông và giũ chúng ra cùng mình, sau đó treo chăn bông lên dây thừng, dùng nhịp mây để đập lại lần nữa, bông và lông trong chăn lại bung ra.
Nệm lông hươu thực chất là một miếng da hươu nguyên tấm.

Sau khi giũ vài cái thì trải nó trên tuyết, dùng xẻng gỗ nện vào, làm như vậy bụi bẩn trên lông hươu sẽ ngấm vào tuyết, sau đó cầm lên, giũ rồi treo lên dây một lúc rồi ôm vào nhà.
Treo bộ đồ giường trong nhà và tiếp tục hong khô, để nhiệt độ ấm áp trong nhà loại bỏ hơi ẩm trên đó.
Họ vừa ngâm xong một nồi hạt kê thì trời u ám và bắt đầu thổi gió, chẳng mấy chốc, những hạt tuyết to như cái chén đã rơi xuống.
Dịch Huyền nhìn lên bầu trời, nhỏ giọng tự nói: “Không biết bếp ở nhà có bị tắt không nữa.”
Hà Điền cũng không biết.
Tuyết rơi, có nghĩa là họ có thể sẽ phải ở lại đây lâu hơn dự kiến ​​ban đầu.
Một ngày, hay nhiều ngày.

Nó phụ thuộc vào thời điểm tuyết ngừng.
Chỉ khi tuyết ngừng rơi, họ mới có thể xuống núi, băng qua sông và về nhà.
Củi trên bếp ở nhà đủ đốt trong hai ngày hai đêm, còn sau đó thì còn tùy vào may rủi.

Sau khi củi lửa bị dập tắt hoàn toàn, khoảng một ngày sau đó, nhiệt độ trong nhà sẽ không còn duy trì được nữa, nước trong thùng nước sẽ bị đóng băng, nếu tất cả đóng băng thì vại gốm có thể sẽ bị vỡ.

Những con cá nhỏ còn lại trong vại dùng làm mồi cũng sẽ bị đông thành đá.
Và rồi, những củ cải trắng và khoai tây trong kho cũng sẽ bị đông lạnh và dập nát.
Ngoài những điều này ra thì cũng không tổn thất gì mấy.
Cửa của căn nhà cũng có thể bị đóng băng.


Nhưng điều đó không quá khó.

Chỉ cần đốt một đống lửa ngoài hiên, băng tuyết trên khe cửa sẽ từ từ tan ra.
Điều đáng lo ngại nhất là lỗ băng nơi lấy nước.

Chúng phải được khuấy tối đa bốn ngày một lần, nếu không thì sẽ bị đông cứng.

Muốn đục lại thì phải mất rất nhiều thời gian.

Đồng thời cũng có nghĩa là cá đánh bắt được sẽ ít hơn.
Nhưng có lo lắng cũng chỉ vô ích mà thôi.
Vì vậy, Hà Điền chỉ nhìn bầu trời đầy tuyết, kéo Dịch Huyền vào nhà.
Khi xử lý lông chồn, Hà Điền tùy tiện đặt con thỏ rừng đã chiếm chỗ trong bẫy của mình trước bếp lò để rã đông, không quan tâm đến việc lông của nó có bị cháy xém do thỉnh thoảng phát ra tia lửa hay không.

Cái bẫy kẹp này thật không đáng tin cậy một chút nào.
Da thỏ quý hơn da sóc một chút.

Da sóc nhỏ, lông ngắn nên chỉ được dùng làm những vật dụng nhỏ như bao tay hay túi xách, da thỏ tuy nhỉnh hơn một chút nhưng cũng chỉ là một chút mà thôi.
“Nghe nói cũng có nhiều thành phố nuôi thỏ?”
“Đúng vậy.

Thỏ sinh sản nhanh và không kén ăn.

Chỉ cần nuôi vài tháng là có thể làm thịt được.

Không chỉ có các trang trại chuyên biệt mà nhiều người còn nuôi tại nhà nữa.

Thịt thỏ ăn được, da lông thì có thể may thành quần áo.

Chỉ có điều là chỉ có những người không có tiền mới mặc quần áo làm bằng lông thỏ mà thôi.

Nhưng mà hình như nhà cô cũng không mấy ưa chuộng lông thỏ cho lắm thì phải?” Dịch Huyền nở nụ cười, chỉ vào một chiếc búa gỗ đặt ở góc nhà, trên cán búa có quấn một lớp lông thỏ, tuy đã không nhìn thấy màu lông nguyên bản, nhưng ở đuôi cán lại có một cái đuôi nhỏ, có thể nhận ra là da thỏ.
Hà Điền cũng cười: “Thịt thỏ ngon lắm.

Lát nữa chúng ta sẽ nướng thịt thỏ ăn.”
Hai người cùng nhau lột da chồn, dùng tuyết và tro chà lau, rồi treo lên tấm ván bạch dương cho khô.

Con thỏ bị xem thường kia cũng được lột da.

Kích thước của nó lớn hơn chồn nhiều nên rã đông cũng chậm hơn.
Hà Điền dùng nó để thử tay nghề của Dịch Huyền, dạy cô ấy cách lột da con mồi.
Cắt vào đâu, dao cắt sâu bao nhiêu, dao di chuyển như thế nào, làm sao để máu chảy ra ít nhất có thể, nếu máu thật sự chảy ra thì phải làm sao để tránh vết máu dính trên lông, nắm vào đâu khi lột da, dùng lực như thế nào?…
Đều là những kỹ thuật nhỏ và đơn giản.
Con thỏ trong tay Dịch Huyền chỉ mới lột được một nửa, trán và mũi cô ấy đã chảy đầy mồ hôi.


Trông cô ấy còn mệt hơn lúc đang chặt củi khi nãy.
Miệng cô ấy lại biến thành hình tam giác.
Hà Điền không nhịn được muốn cười.

Cô chỉ vừa mới cắn chặt môi, đã nghe thấy tiếng “bịch” phát ra từ chỗ Dịch Huyền, con thỏ trong tay cô ấy đã rơi xuống đất.
Chắc cô ấy muốn tách da thỏ ra khỏi đuôi, nhưng cô ấy không ngờ nó lại trơn đến vậy – tội nghiệp con thỏ đã bị cởi một nửa quần rồi, nhưng bây giờ cái đuôi vẫn còn ở trên mông, quần và áo bị rách làm đôi, xiêu xiêu vẹo vẹo.
Hà Điền nhịn cười, phát ra tiếng hừ hừ.
Dịch Huyền mím miệng, thở dài: “Thôi vậy, để tôi dùng tuyết và tro thực vật lau phần da mà cô đã lột ra.”
Hà Điền an ủi cô ấy: “Lúc nhỏ tôi cũng lột da không giỏi, tập thêm vài lần thì mới được.

Cô…” Cô nhớ lại thủ pháp của Dịch Huyền: “Hình như cô có chút không khống chế được sức lực, nhẹ nhàng một chút sẽ tốt hơn.”
Dịch Huyền nắm lấy một ít tuyết trong chậu lau lên tay, có chút thất vọng: “Bàn tay của tôi xem ra rất vô dụng.”
Hà Điền nắm lấy tay cô ấy: “Nói bậy.

Bàn tay xinh đẹp như thế này sao có thể vô dụng được?” Cô mỉm cười, dùng ngón cái xoa nhẹ đầu ngón tay của Dịch Huyền.
Dịch Huyền đột nhiên đỏ mặt.

Cô ấy nhìn vào mắt Hà Điền, không thu tay lại, nhưng rõ ràng là chân tay cô ấy đã cứng đờ.
Hà Điền nhìn lại, có chút bối rối, sao vậy?
Cô cười với Dịch Huyền, Dịch Huyền cũng cười đáp lại.

Có điều trong lúc đang cười thì Dịch Huyền chợt quay mặt đi, xong rồi lại mím môi cười tiếp.
Sao tự nhiên lại vui dữ vậy?
Không hiểu nổi luôn.
Hà Điền suy nghĩ một lúc, buông tay Dịch Huyền ra, cầm lấy con thỏ tội nghiệp kia.
Thỏ được lột da rửa sạch, moi nội tạng ra rồi dùng tuyết chà lại lần nữa, cắt hai cái đùi thỏ ra, phết một lớp mỡ ngỗng và muối, quấn một lớp cỏ khô rồi đặt vào lò nướng.

Đây là bữa tối hôm nay.
Phần thịt thỏ còn lại chặt thành từng miếng nhỏ cho vào nồi đất chuẩn bị cho ngày mai.
Nói bữa tối thì thật sự có hơi sớm một chút, bây giờ chỉ mới hơn bốn giờ chiều mà thôi.

Nhưng thời gian buổi sáng rất ngắn, sau khi đến đây, cả hai chỉ tùy tiện ăn một ít lương khô và nước ấm, coi như là bữa trưa.

Vì vậy bữa tối có thể ăn sớm hơn.
Ngoài hai chiếc đùi thỏ, Hà Điền còn cho một ít hạt kê vào nồi đất, thêm vài miếng khoai lang khô và một nắm táo khô, nấu trên lửa vừa đun vừa khuấy nhẹ.
Dần dần, mùi thơm ngào ngạt của cháo kê lan tỏa, khoai lang khô và táo đỏ được nấu chín mềm khiến màu của cháo kê thêm đậm hơn.

Ngay sau đó, một mùi thơm kỳ lạ bốc ra từ vỉ nướng, quyện với vị ngọt của cháo.
Đã lâu rồi Hà Điền không được ăn thịt tươi.
Thịt thỏ được bọc trong một lớp cỏ khô nên vẫn giữ được chất béo trong thịt, vạch lớp cỏ khô đã bị thấm nước thịt có màu sẫm ra, phần đùi thỏ lộ ra có lớp da vàng, sau khi xé ra, thịt có màu trắng hồng sẫm.

Nước thịt nhỏ giọt tí tách, rơi xuống dĩa gốm, hóa thành những bông hoa mỡ màu vàng tròn tròn, dưới ánh đèn lóe lên những vòng tròn nhỏ béo ngậy.
Hà Điền và Dịch Huyền mỗi người một chiếc đùi thỏ, cứ vậy mà cầm lấy xương của đùi thỏ lên ăn.

Một miếng thịt đùi thỏ đậm đà, một miếng cháo kê khoai lang đặc sệt.
Ăn xong, trời tối hẳn.

Tuyết vẫn chưa ngừng.
Dịch Huyền dẫn Gạo ra khỏi chái củi, đứng dưới hiên nhà phủi tuyết cho nó.
Sau khi Gạo vào nhà, ngửi thấy mùi thức ăn còn vương trong không khí, nó ngóc đầu lên, vẫy vẫy cái đuôi.
“Á —” Hà Điền vừa nhìn tư thế vẫy đuôi của nó thì hét lên ngay, nhưng ngay khi cô nhảy dựng lên, cái đuôi của Gạo cuộn lại, và rồi “bẹp” một tiếng, không hề khách khí thả một đống phân xuống sàn.
“Đồ ngu xuẩn này!”
Hà Điền rất bực, nhưng cũng đành bất lực.
Cô và Dịch Huyền nhìn nhau, cả hai đều không thể làm gì khác hơn, vì vậy họ đơn giản đóng cửa lại, đợi Gạo ị xong rồi dọn dẹp.


Vừa rồi tuy chỉ mở cửa có hai lần, nhưng nhiệt lượng tích trữ trong nhà cũng đã chẳng còn mấy, vô cùng lạnh lẽo.
Hà Điền rắc tro lên phân của Gạo, may mà thức ăn của nó chủ yếu là vỏ cây và cỏ khô, dọn dẹp cũng không quá khó khăn.
Dịch Huyền nhìn thấy Hà Điền trầm mặc, liền an ủi cô: “Trước đây, người dân sống trên cao nguyên thường thu gom phân bò, ép thành bánh, dán lên tường hoặc trải xuống đất để phơi khô, mùa đông sẽ dùng làm nhiên liệu.”
“Tại sao họ không đốn củi?”
“Bởi vì ở nơi họ sống không có quá nhiều cây cối.

Tất cả đều là đồng cỏ.

Nếu chặt cây thì phải mất một thời gian dài cây cối mới mọc trở lại.”
Vừa quét dọn xong, khi mở cửa ra, gió lạnh cuốn theo bông tuyết, giống như một đàn bướm trắng lớn lao tới, trong chốc lác liền biến mất trong không trung.
Nhiệt lượng còn lại trong nhà không còn nữa, Hà Điền rùng mình một cái, bảo Dịch Huyền cùng nhau khoác chiếc áo khoác lông hươu lớn vào, còn tức giận đến mức kéo lỗ tai của Gạo.
Dịch Huyền trải cỏ khô ở góc tường, dẫn Gạo qua rồi sờ đầu nó: “Đừng làm cho Hà Điền tức giận nữa.”
Gạo vẫn mặc kệ người khác.
Tuyết trước đây cho vào xô sắt giờ đã biến thành nửa xô nước tuyết, Hà Điền cho vào bếp một khúc củi, đổ một ít nước tuyết vào ấm, thả vào ấm một ít táo khô, không đậy nắp, đặt trên bếp một lúc.

Thời gian dần trôi, mùi thơm của táo tràn ngập khắp nhà.
Hà Điền đậy nắp lại, đợi nước sôi lên, rót cho họ mỗi người một ly và thêm vào một ít nước đường lấy từ cây phong.
Ly trà táo này gợi nhớ đến mùa thu.

Thời tiết lúc đó không quá lạnh, nắng vàng, lá phong vàng đỏ như lửa, những trái táo chín rụng đầy trên mặt đất.
Dịch Huyền uống vài ngụm trà: “Thật ra cũng không phải hoàn toàn là lỗi của Gạo.

Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một căn nhà giống như chuồng ngựa.

Mùa đông đến, chúng ta sẽ đóng những tấm rèm cỏ dày trên chuồng, ban đêm thả chúng xuống, còn ban ngày thì cuộn lên.”
Hà Điền biết đó là gì: “Nhưng ở đây vào ban đêm sẽ có sói.”
“Dù vậy, vẫn phải làm cho nó một cái chuồng.

Có thể khóa lại.

Giống như ở nhà.”
“Vậy thì cũng phải đợi đến mùa xuân.

Bây giờ đất đang đóng băng rất cứng.”
Trong lúc bàn chuyện làm chuồng, cả hai lấy cỏ nhung ở trong giỏ ra.
Những tấm thảm rơm trong những căn nhà nghỉ này đã ba bốn năm không hề thay mới.
Vốn mỗi mùa đông đều sẽ thay mới một lần, nhưng Hà Điền chỉ có một mình, cô không có nhiều thời gian.
Cỏ nhung làm thảm rơm không cần đánh tơi thành sợi.

Cột một nhúm cỏ nhung cỡ bằng ngón tay ở phần đầu, đuôi và giữa bằng ba sợi cỏ nhung, siết chặt rồi dùng búa gỗ nện khít lại, sau đó thêm một nhúm cỏ vào, lặp lại nhiều lần thì thảm rơm dần dần thành hình.
Có điều, càng về sau, càng phải dùng lực mạnh hơn.
Thảm rơm thường được làm dài gần một mét tám và rộng một mét.

Nếu kỹ lưỡng một chút thì có thể bọc cạnh thảm lại bằng vải.

Làm như vậy thảm rơm sẽ bền và đẹp hơn.
Trước đây Dịch Huyền đã từng nhìn thấy những tấm thảm rơm như thế này rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được xem chúng được làm như thế nào.
Hà Điền đã lãnh giáo qua kỹ năng đan lát của Dịch Huyền, vì vậy cô cũng không hy vọng nhiều vào kỹ năng làm thảm rơm của cô ấy.

Sau vài lần làm mẫu, Dịch Huyền cầm lấy chiếc búa gỗ, nói: “Việc này tôi làm được.”
Ngoài nhà gió tuyết gào thét, trong nhà ấm áp như xuân.
Hai người cùng nhau làm thảm rơm, mồ hôi nhễ nhại.
Ngồi trước bếp lò ấm áp, uống trà đường táo ngọt, trên tay cầm một bó cỏ nhung thơm nhẹ, thật an yên và thoải mái.
Nếu bỏ qua cái tên ngốc tự dùng đuôi tát vào mũi và phát ra tiếng thở phì phì, không biết khi nào sẽ làm thêm một bãi ở góc nhà, thì quá là hoàn hảo..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.