Đọc truyện Cuộc Sống Bình Dị – Chương 6
Ngày hôm sau phụ thân cùng Vương thúc thúc đi săn, nương và đại ca thì đi qua thôn kế bên bắt heo, Diệu Nhi ở nhà lôi kéo đại tỷ đi lên núi hái rau cải dại về làm dưa muối chua. Dù sao cũng đều là cải, nên chắc là làm dưa được mà có đúng không? Diệu Nhi cũng liều làm thử thôi, nếu ăn ngon, vậy là lại có thêm một món ăn chung với cháo. Còn tiểu Sơn được giao cho nhiệm vụ ở nhà trông nhà và cho gà ăn, thằng bé rất thích, vỗ vỗ bộ ngực nhỏ, bập bẹ nói:
“Nhị tỷ yên tâm, tiểu Sơn sẽ chăm sóc gà thật tốt.”
Bận rộn biết bao nhiêu ngày qua vậy mà cũng chỉ kiếm được năm lượng bạc, chưa đủ mua gạch chứ đừng nói là xây nhà a. Con đường kiếm tiền sao gian nan quá vậy?
Hai tỷ muội cầm hai cái rổ lớn đi về phía chân núi. Hôm nay đám trẻ con trong thôn cũng đã có mặt ở đây từ rất sớm, tìm quả dại ăn. Vài cô bé bằng tuổi đại tỷ cũng đang cặm cụi lấy củi, tìm rau dại. Thấy hai tỷ muội nhà Diệu Nhi đi đến họ liền cười chào hỏi.
“An Nhi, Diệu Nhi muội muội hảo, các ngươi cũng đi hái rau dại sao?”
Diệu Nhi cười ngọt ngào đáp:
“Các tỷ tỷ hảo. Đúng vậy a, muội và đại tỷ cũng tranh thủ lên núi kiếm chút rau về ăn a. Các tỷ lần sau đi nhớ rủ muội với nha.”
“Nhất định! Nhất định.” Mấy cô bé đồng thanh đáp.
Chờ Diệu Nhi giao lưu xong, đại tỷ liền kéo cô đi về phía một cô bé khác, đến gần cô bé kia, đại tỷ cười hỏi:
“Cao Vân, ngươi cũng đi hái rau dại à?”
Cô bé kia cỡ tầm mười hai, mười ba, dáng người cũng gấy khô giống như đại tỷ cô lúc cô mới xuyên đến, da dẻ hơi vàng vọt, xanh xao, nhan sắc cũng chỉ được coi là thanh tú, nhưng bù lại có một đôi mắt rất đẹp, đen nhánh và sáng long lanh.
Cô bé kia nghe có người gọi, liền quay lại, nhìn thấy là An nhi tỷ thì cười đáp:
“An Nhi đó hả? Ừ, mấy nay nương ta bị bệnh, ta vào núi kiếm chút đồ ăn về cho các đệ đệ ăn đỡ đói.”
“Haizzz, Cha ngươi vẫn không có tin tức gì à?” An Nhi tỷ khẽ thở dài hỏi.
Cao Vân nghe vậy, gương mặt thoáng cái trở nên ảm đạm, lắc lắc cái đầu nhỏ đáp:
“Vẫn chưa… nhưng nương ta nói không có tin tức gì nhiều khi là tốt, ít ra… vẫn còn có chút hy vọng…”
Chuyện nhà Cao Vân tỷ, Diệu Nhi cũng có nghe nói sơ sơ. Phụ thân Cao Vân tỷ tên là Cao Bá đi làm ăn xa cũng hơn năm năm rồi, một hai năm đầu còn có chút tin tức, thường gửi chút tiền về cho mấy mẹ con trang trải cuộc sống, nhưng đến năm thứ ba thì biệt tích cho đến tận bây giờ luôn. Một mình Ngưu thẩm – nương của Cao Vân tỷ gánh vác trách nhiệm gia đình nuôi ba đứa con. Trong nhà cũng nghèo chả khác gì nhà cô, ruộng đất đã ít lại còn thuộc đất xấu, lương thực thường thu bằng một nửa của người ta. Ba đứa con thì còn nhỏ không giúp đỡ được gì, mấy năm trước còn có tiền Cao thúc gửi về phụ giúp còn đỡ, sau này càng ngày càng… aiz…
“Nương ngươi nói đúng đó. Ngươi giờ là chị cả, trụ cột thứ hai nên phải ráng lên.” An Nhi tỷ không biết làm sao, đành thấp giọng an ủi.
“Ta cũng biết vậy.” Cao Vân tỷ thấp giọng nghẹn ngào, “Nhiều lúc ta cũng chẳng trông mong hy vọng gì nữa cả, chỉ cố làm lụng kiếm cái ăn nuôi hai đệ đệ trưởng thành mà thôi.”
“Cao Vân tỷ, tỷ cũng đừng có buồn quá. Chuyện đến đầu cầu tự nhiên sẽ thẳng, rồi sẽ có cách kiếm tiền thôi.” Diệu Nhi cũng lên tiếng an ủi.
Cuối cùng có vẻ hơi ngại vì bản thân đã lớn mà để một đứa bé như cô an ủi nên Cao Vân tỷ nhanh chóng bình tỉnh lại, chăm chỉ hái rau dại. Ba tỷ muội vừa hái, vừa cười. Giọng cười trong trèo, ngây thơ vang xa như muốn xua đi nỗi lo về ấm no muôn thuở. Con nhà nghèo, lại còn ở vùng quê cổ đại lạc hậu đều trưởng thành rất nhanh. Haiz!!
Trong lúc hái rau Diệu Nhi phát hiện ra một ít nấm mối và mộc nhĩ, cô hái hết dự định về nấu canh nấm mối với mướp và mộc nhĩ trộn giấm cùng dưa leo. Cô còn chỉ cho Cao Vân tỷ một vài loại rau mà họ không biết cách ăn và cách nấu. Nhưng may mắn nhất vẫn là cô nhặt được năm quả trứng gà rừng, một tổ trứng chút gồm mười quả ở trong một bụi cây lùm xùm xanh tốt. Cô bàn với An Nhi tỷ chia cho Cao Vân tỷ hai quả trứng gà và năm trái trứng cút, và An Nhi tỷ cũng đồng ý nhưng Cao Vân tỷ lại nhất quyết không chịu nhận, cô bé nói:
“Không được. Trứng này là do muội nhặt được mà sao lại chia cho tỷ chứ? Muội cất hết mang về làm món ăn đi.”
Diệu Nhi cười nói:
“Nếu không phải tỷ dẫn hai tỷ muội muội đi vào đoạn này thì làm sao muội tìm được số trứng này chứ. Tỷ cầm đi, muội và An Nhi tỷ đều đồng ý chia cho tỷ mà. Tỷ mang về coo1 cái bồi bổ cho Ngưu thẩm.
Nhắc đến mẹ, có vẻ như Cao Vân tỷ bắt đầu do dự, lại thêm An Nhi tỷ khuyên, cuối cùng Cao Vân tỷ cũng đồng ý nhận. Gần trưa, ba người bưng giỏ đầy rauu và quả dại, nấm linh tinh vui vẻ ra về.
Phụ Thân đi săn hơn bốn ngày mới về, lần này đi sâu vào trong núi nên thu hoạch không tệ, ngoài săn được một con heo rừng to tầm tám mươi cân hai nhà mỗi nhà một nửa thì bản thân phụ thân mang về ba con gà rừng, hai con thỏ, một con sóc, ngoài ra còn có một bịch nho rừng và năm sáu trái ớt đỏ tươi – thứ mà từ lúc xuyên qua đến giờ nằm mơ Diệu Nhi cũng nghĩ đến.
Cả nhà thấy cô vui mừng vì phụ thân săn được thú ít mà lại vô cùng hạnh phúc vì mấy quả nhỏ nhỏ ăn lại cay xè và không có ngon lành gì này thì đều chỉ biết lắc đầu cười khổ.
Con lợn rừng tám mươi cân, trừ bộ lòng nó ra, mấy thứ linh tinh còn được mỗi nhà hơn ba mươi cân. Mọi người tính vứt bộ lòng và máu heo nhưng may mà Diệu Nhi lúc đó đã hoàn hồn sau chuyện mấy trái ớt nằng nặc đòi giữ lại. Cũng may phụ thân Trương Tranh là một ông bố khá chiều con gái nên dù bị nương phản đối, ông vẫn cho phép Diệu Nhi giữ lại mấy thứ đó.
Hơn ba mươi cân thịt lợn nhà Diệu Nhi mang hai mươi cân ra bán cho mọi người xung quanh với giá mười lăm văn một cân, thu được ba trăm văn. Một số tiền cũng không hề nhỏ. Hơn mười cân còn lại, nương làm thịt khô năm cân, năm cân thì làm thịt hun khói theo cách Diệu Nhi chỉ lần trước.
Diệu Nhi chỉ huy An NHi tỷ dùng tro và bột mì thô bóp, nhào nặn rửa sạch chất bẩn trong dạ dày và ruột heo, lại rửa thêm một lần nước cốt tranh trộn muối, sau đó bỏ vào rổ cho ráo nước. Tim, gan, phèo, phổi, cật gì cũng rửa sạch sẽ để qua một bên. Trong khi đó cô đang lúi húi bận rộn nấu huyết. Cô cho tất huyết vào chảo có một ít dầu, đảo mạnh, cho thêm muối, đường, nước mắm, một ít tiêu, ớt cô vừa băm ra, xào chín cho thật thơm rồi cho thêm cọng tỏi non tươi vừa hái ngoài vườn vào xào. Chẳng mấy chốc cả căn bếp đã thơm nức mùi tiết heo xào.
Tiếp đó cô lấy một ít ruột non, cắt miếng vừa ăn và xào chung với dưa chua làm từ rau cải rại, má ơi, chỉ muốn ứa nước miếng ra mà thôi, vừa xao đồ ăn mà cô vừa nuốt nước miếng ừng ực. Một ít ruột còn lại thì cô luộc chung với dạ dày, lá lách, cật, còn tim và phổi cô cắt nhỏ, ướp, kho cay một ít ăn với com, còn lại để mai ăn. Ngoài ra An Nhi tỷ còn nấu thêm một nồi canh củ cải, cà rốt hầm xương.
Bữa tối, phụ thân có gọi cả Vương thúc qua ăn cơm. Hai người đàn ông ngồi lai rai vài ly rượu, ai cũng tấm tắc khen mấy món Diệu Nhi làm. Vì cô làm rất nhiều nên mọi người thả sức ăn, tiểu Sơn và A Thành đại ca cũng ăn no đến mức bụng tròn vo. Mặc dù bụng cô cũng không khác gì nhưng do mặc đồ rộng nên không bị phát hiện, chứ nếu không chắc cô xấu hổ chết mất.
Ngày hôm sau phụ thân và nương đi lên trấn bán mấy con vật còn lại, nương thì vẫn đi bán đồ theo và vòng tay do Diệu Nhi tết. Lần này Diệu Nhi đòi đi theo, vì cô đang có một ý định kiếm tiền mới.
Lúc đến cửa hàng đồ thêu, chờ nương bán xong xuôi, Diệu Nhi mới hỏi Hồ đại nương – bà chủ của tiệm này:
“Hồ thẩm, cửa hàng của thẩm không bán mấy bức hình vẽ dùng để thêu hả?”
Diệu Nhi không hề bỏ qua ánh mắt bà ta hơi ngạc nhiên một chút rồi sau đó lóe sáng. Bà ta nhìn Diệu Nhi cười:
“Ý của tiểu cô nương đây là…?”
“Con thấy ở mấy chỗ khác đều có mà. Mình vẽ hình cần thêu ra và bán cho mấy người có tiền á, họ thích kiểu độc và mới lạ, chắc chắn họ sẽ mua a. Như vậy vừa không cần tốn thời gian thêu mà vừa kiếm được tiền nữa.” Diệu Nhi giả vờ ngây thơ nói.
Nghe cô nói xong, vẻ mặt bà ta khá vui vẻ, vội vàng đi lại trước mặt Diệu Nhi tươi cười thấp giọng dụ dỗ:
“Tiểu cô nương, con nói thế… ý con là…”
“Nếu nhà con mà vẽ ra bức vẽ rồi bán cho Hồ thẩm, thì Hồ thẩm sẽ trả giá bao nhiêu văn tiền một bức ạ?”
Hồ thẩm trầm ngầm suy nghĩ một lát, vẻ khôn khéo và tính toán không hề biến mất trên mặt bà ta, một lát say, bà ta nói:
“Nếu nhà con có thì ta sẽ mua với giá ba văn một tấm, thế nào?”
“Hồ thẩm, thẩm cứ đùa. Mua giấy không đã tốn hai văn một tờ rồi, bán ra ba văn con lời chẳng thấm vào đâu, chưa kể tiền mực vẽ nữa. Chắc giá, năm văn.”
“Năm văn không được, bốn văn.” Bà ta cò kè mặc cả.
Hai người trả giá một hồi, cuối cùng vẫn do Diệu Nhi dọa đi bán ở nơi khác mới làm bà ta sợ đồng ý năm văn. Suốt cả quá trình, nương đứng bên cạnh cô không hề nói một câu nào, chờ hai người thương lượng xong, nương mới trò chuyện với Hồ thẩm vài câu rồi ra về. Cũng may trên đường đi Diệu Nhi đã bàn tốt với nương rồi nên mới có chuyện nương đứng im cho cô đàm phán a.
Hai mẹ con ghé vào cửa hàng bán sách và giấy bút các loại. Đúng là thời đại con chữ quý hơn nghìn vàng có khác, má ơi cái gì cũng đắt. Một cuốn tam tự kinh mỏng lét mà giá hơn ba mươi văn. Diệu Nhi đã thông tư tưởng và dùng hết vốn liếng đàm phán mới thuyết phục được nương mua cho một cuốn sách tam tự kinh.
Nương cô vẫn còn sót tiền nói:
“Đắt bằng gần ba kí thịt, tận ba mươi văn. Hơn nữa nhà ta có ai biết chữ đâu, mua chi cho phí tiền.”
“Nương, con thường hay lân la chơi gần chỗ Trình phu tử dạy học nên cũng học lỏm được một ít mặt chữ, con mua về nghiên cứu rồi chỉ lại cho đại ca, đại tỷ và tiểu Sơn. Cho dù sau này nếu có tiền cho tiểu Sơn đi học rồi khảo công danh cũng tốt, nếu không được thì nếu biết chữ vẫn được mọi người nể nang hơn.”
May mà cuối cùng nương vẫn đồng ý. Sau đó mua một xấp giấy loại rẻ tiền nhất cũng đã một văn một tờ. Mua hai mươi tờ hết hai mươi văn, lại mua thêm một cây bút hết mười lăm văn, một bình mực hai mươi văn. Chỉ một loáng đã tiêu hết tám mươi lăm văn, nhìn mặt nương nhăn nhó vì xót tiền mà Diệu Nhi cứ mắc cười. May là sau đó biết phụ thân bán mấy con thú thu được hơn một lượng bạc vẻ mặt nương mới khá hơn.
Nhìn nương ngồi đếm đếm từng văn tiền xâu lại bỏ vào bình mà Diệu Nhi cảm thán ở trong lòng, con đường kiếm hơn ba mươi lượng bạc xây nhà còn xa quá a…!!!