Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 36: PHẦN 8: Con đường lớn rất riêng của gió


Đọc truyện Cuộc Săn Cừu Hoang – Chương 36: PHẦN 8: Con đường lớn rất riêng của gió

Ba ngày trôi qua không có biến cố gì. Không một điều gì xảy ra. Người Cừu không đến. Tôi nấu nướng, ăn uống, đọc sách, và khi mặt trời lặn, tôi uống whisky rồi đi ngủ.

Không khí buổi sáng nơi đồng cỏ ngày càng lạnh hơn. Ngày qua ngày, đám lá bu lô vàng rực trở nên lốm đốm khi những cơn gió đông đầu tiên lách qua những cành cây khô héo và băng qua cao nguyên sang phía Đông Nam. Dừng bước giữa cánh đồng, tôi có thể nghe thấy rõ ràng tiếng gió. Không quay lại, chúng tuyên bố vậy. Mùa thu ngắn ngủi đã qua.

Không tập luyện và không hút thuốc, tôi nhanh chóng tăng ba cân. Thế là tôi bắt đầu dậy lúc sáu giờ và chạy bộ nửa vòng theo hình trăng lưỡi liềm quanh đồng cỏ. Nhờ vậy mà tôi giảm mấy cân. Không thuốc thì cũng gay đấy, nhưng không có một cửa hàng nào trong bán kính ba mươi hai cây số thì biết làm gì đây? Mỗi lần thèm thuốc, tôi nghĩ đến cô và đôi tai cô. So với mọi thứ tôi đã mất đến nay, không có thuốc hút chỉ là chuyện vặt. Và trên thực tế đúng như vậy.

Rảnh rỗi thế nên tôi bày ra nấu nướng đủ món. Tôi làm món bò nướng. Tôi rã đông một con cá hồi rồi ướp gia vị. Tôi tìm trên đồng cỏ những rau cỏ ăn được rồi ninh những gì tìm được với cá ngừ khô và nước tương. Tôi muối bắp cải theo cách đơn giản. Tôi chuẩn bị nhiều thức ăn nhẹ phòng khi Người Cừu đến uống rượu. Tuy nhiên, Người Cừu không bao giờ đến.

Hầu hết các buổi chiều tôi giết thời gian bằng cách nhìn ra đồng cỏ. Chẳng bao lâu tôi bắt đầu thấy ảo ảnh. Một bóng hình xuất hiện từ rừng cây bu lô và chạy thẳng về hướng tôi. Thường thì đó là Người Cừu, nhưng thỉnh thoảng đó là Chuột, đôi khi là bạn gái tôi. Những lần khác đó là con cừu có ngôi sao trên lưng.

Nhưng rốt cuộc, không ai xuất hiện cả. Chỉ có gió thổi qua đồng cỏ. Như thể đồng cỏ là con đường lớn rất riêng của gió. Gió lướt nhanh qua đồng cỏ, không bao giờ ngoái lại như đang thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ khẩn cấp.

Vào ngày thứ bảy sau khi tôi lên núi, tuyết rơi lần đầu tiên. Gió lặng một cách bất thường vào buổi sáng, bầu trời âm u với những đám mây dày đặc xám như chì. Sau khi chạy và tắm sáng, tôi ngồi uống cà phê và nghe đĩa, thế rồi tuyết bắt đầu rơi. Một trận tuyết khắc nghiệt. Tuyết nện thình thịch tới tấp vào ô kính cửa sổ. Gió trở nên mạnh hơn, khiến tuyết rơi chéo một góc ba mươi độ. Giống như những đường xiên chéo của một mẩu giấy bọc quà ở cửa hàng bách hóa. Chẳng bao lâu bão mạnh hơn và mọi thứ bên ngoài ngập trong màu trắng. Cả rặng núi và khu rừng bị che khuất. Đây không phải là thứ tuyết thảm hại như thỉnh thoảng vẫn rơi ở Tokyo. Đây mới đúng là trận tuyết thật sự, một trận tuyết đích thực nơi đất Bắc. Một trận tuyết bao phủ mọi thứ và làm đông cứng tận sâu trong lòng đất.

Tuyết trắng lóa cả mắt. Tôi kéo rèm và nằm cuộn tròn bên máy sưởi đọc sách. Đĩa hát kết thúc, kim nhích lên, rồi tất cả chìm trong yên lặng. Loại yên lặng theo liền sau cái chết của mọi sự sống. Tôi đặt sách xuống bàn và không hiểu sao cảm thấy mình phải đi quanh ngôi nhà. Từ phòng khách vào trong bếp, kiểm tra buồng kho, buồng tắm và hầm rượu, lên gác mở cửa tất cả các phòng. Tất nhiên là không có ai. Chỉ có sự yên lặng như dầu chảy vào trong mọi ngóc ngách. Chỉ có sự yên lặng hầu như không thay đổi gì từ phòng này qua phòng khác.

Tôi thấy đơn độc. Có lẽ đơn độc hơn bất cứ lúc nào trong cả đời mình.

Tôi thèm thuốc đến chết được đã hai ngày nay, nhưng vì không có thuốc, tôi uống rượu suông. Cứ thế này suốt mùa đông thì tôi rốt cuộc sẽ thành thằng nghiện rượu mất. Nói vậy không có nghĩa có đủ rượu quanh đây để mà nghiện ngập. Ba chai whisky, một chai brandy, mười hai thùng bia lon, vậy thôi. Rõ ràng Chuột cũng từng nảy ra ý nghĩ tương tự.

Liệu tay đối tác của tôi, đúng hơn là, đối tác cũ của tôi, có còn rượu chè be bét? Liệu hắn có gắng tổ chức công ty một cách hiệu quả, chuyển nó thành một công ty dịch thuật hồ như tôi đã gợi ý? Có thể hắn đã làm y như thế. Nhưng liệu hắn có thể thành công mà không có tôi, như hắn đã lo ngại không? Thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau đã hết. Sáu năm cùng nhau, và giờ không lại hoàn không.

Đến đầu giờ chiều tuyết ngừng rơi. Ngừng đột ngột, hệt như lúc bắt đầu. Màn mây dày đặc bị xé toạc lỗ chỗ khi các cột ánh sáng lớn đâm thẳng xuống lấp lánh trên đồng cỏ. Cảnh tượng thật lộng lẫy.

Tuyết cứng nằm rải rác trên đất như kẹo. Chúng đông đặc lại thành cục nhỏ như thể từ chối không chịu tan. Tuy vậy, lúc đồng hồ điểm ba tiếng, tuyết đã tan hết. Mặt đất ướt nhẹp, hoàng hôn bao phủ khắp cánh đồng trong màn ánh sáng dịu nhẹ. Chim hót như được xổ lồng.

Sau bữa tối, tôi mượn hai cuốn sách trong phòng Chuột, cuốn Làm bánh mì và cuốn tiểu thuyết của Conrad, rồi thư giãn trên xô pha trong phòng khách. Đọc được một phần ba cuốn tiểu thuyết, rồi bắt gặp một mẩu báo cỡ khoảng mười centimet vuông Chuột dùng để đánh dấu sách. Không ngày tháng, nhưng nhìn màu giấy thì thấy chắc hẳn đó là tờ báo mới đây. Đó là tin tức địa phương, một hội nghị chuyên đề về lão hóa và xã hội được tổ chức tại khách sạn Sapporo, một cuộc tập hợp biểu tình tại nhà ga gần Asahikawa, một buổi thuyết trình về khủng long Trung Đông. Không gì thu hút sự chú ý của Chuột, hay của tôi. Mặt sau, rao vặt quảng cáo. Tôi ngáp, gấp sách lại, đi hâm nóng chỗ cà phê còn thừa.

Tôi bỗng nhận ra đây là lần đầu tiên, trong quãng thời gian tưởng chừng như bao nhiêu năm, tôi mới lại nhìn thấy một tờ báo, và tôi đã bị tụt lại đằng sau cả một tuần liền không biết đến những gì đang xảy ra trên thế giới. Một tên lửa hạt nhân có thể đã tàn phá Tokyo, một cơn bệnh dịch có thể đã quét sạch cả thế giới, người sao Hỏa có thể đã chiếm đóng nước Úc, tôi cũng không hay biết. Tất nhiên chiếc Land Cruiser trong ga ra có đài, nhưng tôi phát hiện ra rằng rốt cuộc tôi không hề có ham muốn thôi thúc đi nghe đài. Nếu có điều gì đó xảy ra thật mà tôi không hay biết thì cũng chẳng sao. Tôi không thật sự cần biết. Dù sao tôi cũng còn khối việc phải bận tâm rồi.

Một cái gì đó khiến tôi bứt rứt. Một cái gì đó đã diễu qua trước mắt tôi mà tôi ngu ngốc không nhận thấy. Dẫu vậy, trên bình diện vô thức, nó vẫn được ghi nhớ. Tôi đặt cốc cà phê vào chậu rửa rồi quay lại phòng khách. Tôi xem lại mẩu báo. Ở đó trên mặt sau ghi:

Gửi: Chuột

Hãy liên lạc. Khẩn!

Khách sạn Cá Heo, Phòng 406

Tôi kẹp mẩu báo vào trong cuốn sách rồi ngồi thụt xuống xô pha.

Vậy là Chuột biết tôi đi tìm hắn. Câu hỏi là: làm sao hắn tìm thấy mẩu tin? Do tình cờ chăng, khi hắn xuống núi? Hay có thể hắn đã tìm kiếm cái gì đó qua mấy tuần báo liền?

Vậy tại sao hắn không liên lạc với tôi? Có phải tôi đã rời khách sạn Cá Heo khi hắn tình cờ đọc được mẩu tin? Có phải đường dây điện thoại của hắn bị cắt đứt?

Không. Chuột đã có thể liên lạc lại nếu hắn muốn, chỉ là hắn không muốn thôi. Vì tôi ở khách sạn Cá Heo, hắn đã đoán là tôi sẽ tìm đường lên đây, vì thế nếu hắn muốn gặp tôi, hắn chỉ phải đợi thôi, hoặc ít nhất cũng để lại lời nhắn.

Chung quy là thế này: vì lý do nào đó Chuột không muốn giáp mặt tôi. Dù vậy, hắn cũng không từ chối tôi.


Nếu hắn không muốn tôi ở đây, hắn đã có thể không cho tôi vào bằng nhiều cách. Xét cho cùng, đây là nhà của hắn.

Trong khi đánh vật với hai định đề trên, tôi nhìn chiếc kim dài chậm chạp bò quanh mặt đồng hồ. Sau một hồi quanh đi quẩn lại, lập luận của tôi không tiến triển được đến đâu. Tôi không thể hiểu được cốt lõi của tất cả điều này là gì.

Người Cừu biết gì đó. Điều đó là chắc chắn rồi. Người nào đã theo dõi cảnh tôi đến đây thì chắc chắn cũng biết Chuột sống ở đây trong sáu tháng.

Thực ra, có vẻ như hành vi của Người Cừu phản ánh ý nguyện của Chuột. Người Cừu đã lái xe đưa bạn gái tôi rời núi và để tôi lại đây một mình. Việc hắn có mặt ở đây rõ ràng là báo hiệu điều gì đó. Một điều gì đó đang được xúc tiến quanh tôi. Ta có thể linh cảm thấy ở khắp nơi. Một điều gì đó sắp diễn ra.

Tôi tắt đèn rồi đi lên gác, trèo vào giường, nhìn ra ánh trăng và đồng cỏ. Những vì sao hé nhìn qua một vết rạch trong mây. Tôi mở cửa sổ và ngửi mùi không khí ban đêm. Trong đám lá cây xào xạc tôi có thể nghe một tiếng kêu xa xa. Một tiếng kêu kỳ lạ, không phải chim cũng không phải thú.

Tôi tỉnh dậy rồi chạy trên đồng cỏ, đi tắm, rồi ăn sáng. Một buổi sáng như những buổi sáng khác. Bầu trời âm u như ngày hôm trước, nhưng nhiệt độ đã tăng lên một chút, ít khả năng sẽ có tuyết.

Mặc quần bò, áo len và áo khoác, rồi đi giày thể thao, tôi băng qua đồng cỏ. Hướng về khu rừng phía Đông nơi tôi trông thấy Người Cừu biến mất, tôi đi vào một bụi cây. Không có con đường thật sự nào đáng nói, không dấu hiệu nào của cuộc sống loài người. Thi thoảng, có một cây bu lô già bị đổ.

Nền rừng phẳng, trừ một đường trũng rộng gần một mét, giống như nền suối đã cạn khô hay một con mương bị bỏ hoang. Đường trũng này chạy ngoằn ngoèo qua rừng đến mấy cây số. Có chỗ xuống thấp sâu, có chỗ nông choèn, thành một lớp sâu đến mắt cá chân lá rụng.

Đường trũng dẫn đến một lối đi ngoằn ngoèo trên núi, hai bên đường dốc thoai thoải xuống những thung lũng nhỏ khô cạn. Những con chim béo múp lệt quệt trên đám lá để qua đường, biến mất trong tầng cây thấp. Đây đó, những bụi đỗ quyên cháy lên một màu đỏ rực.

Tôi đi loanh quanh một tiếng đồng hồ và mất hết cảm giác phương hướng. Cứ thế này thì tôi sẽ không tìm thấy Người Cừu mất. Tôi lang thang quanh đáy một thung lũng nhỏ khô cạn cho tới khi nghe thấy tiếng thác nước. Tôi tìm ra dòng sông, rồi đi xuôi dòng. Nếu tôi nhớ đúng thì có một thác nước, và gần đó là con đường chúng tôi đã đi lên.

Sau khoảng mười phút, tôi gặp thác nước. Nước bắn tung tóe khi đập vào những tảng đá trong hẻm núi bên dưới, đổ ụp xuống thành những vực nước đông cứng. Không có dấu hiệu nào là có cá, mặc dù vài chiếc lá rụng vẽ ra những vòng tròn tỏa nhè nhẹ trên mặt các vực nước. Tôi nhảy từ hòn đá này qua hòn đá khác, đi dưới ngọn thác, rồi bò lên phía bờ trơn tuột đối diện. Tôi đã lên tới đường.

Ngồi trên thành cầu, đang quan sát tôi, là Người Cừu. Một túi củi lớn bằng vải buồm treo trên vai hắn.

“Cứ đi lang thang nhiều như thế anh sẽ thành mồi cho gấu đấy,” Người Cừu nói. “Anh biết đấy chắc chắn có một con ở những nơi như thế này. Chiều hôm qua tôi thấy dấu vết nó. Nếu anh phải đi thì anh nên buộc một cái chuông lên hông như chúng tôi.”

Người Cừu rung một cái chuông nhỏ được cài vào hông bằng kim băng.

“Tôi đi tìm anh mãi,” tôi nói sau khi nghỉ lấy hơi.

“Tôi biết,” Người Cừu nói. “Tôi thấy anh đi tìm.”

“Vậy sao anh không gọi?”

“Anh là người muốn đi tìm tôi. Vậy nên tôi phải kìm nén lại.”

Người Cừu lôi một điếu thuốc ra khỏi túi rồi hút với vẻ đầy khoái chí. Tôi ngồi xuống cạnh hắn.

“Anh sống ở gần đây à?”

“Hừm.” Người Cừu nói. “Nhưng đừng cho ai biết. Không ai biết được.”

“Nhưng bạn tôi biết hết về anh.”

Yên lặng.


“Và nếu anh là bạn của bạn tôi, điều đó có nghĩa chúng ta là bạn, đúng không?”

“Chắc vậy,” Người Cừu thận trọng đáp. “Có lẽ là như vậy.”

“Và nếu anh là bạn tôi, anh sẽ không nói dối tôi, đúng không? Cứ nghĩ mà xem.”

“Ô không,” một Người Cừu bối rối trả lời. Hắn liếm đôi môi khô nẻ. “Tôi không thể nói cho anh được tôi thật sự xin lỗi tôi không thể nói cho anh được tôi không thể. Tôi không được phép nói.”

“Ai đó đã đề nghị anh phải giữ yên lặng à?”

Người Cừu im thin thít. Gió rít qua những hàng cây không hoa trái.

“Làm gì có ai ở quanh đây mà nghe,” tôi thì thầm.

Người Cừu nhìn thẳng vào mắt tôi. “Anh không biết tí gì về đường sá của chúng tôi ở đây đúng không?”

“Không, tôi không biết.”

“Vậy thì nghe này đây không phải là nơi thông thường để mà lui đến đâu. Điều đó anh nên ghi nhớ.”

“Nhưng mới hôm nọ anh còn nói với tôi đây là một nơi thật đẹp mà.”

“Đối với chúng tôi thì đúng thế,” Người Cừu nói. “Đối với chúng tôi đây là nơi duy nhất để sinh sống. Nếu chúng tôi bị đuổi khỏi đây chúng tôi không biết đi đâu.”

Đến đó Người Cừu ngừng lại. Hắn không nói thêm lời nào về chủ đề đó. Tôi nhìn túi củi bằng vải buồm của hắn. “Cái đó là để làm chất đốt trong mùa đông à?”

Người Cừu gật đầu lặng lẽ.

“Nhưng tôi không trông thấy tí khói nào.”

“Chưan hóm lửa đâu. Phải đợi đến khi tuyết rơi nhiều. Nhưng ngay cả sau khi tuyết rơi nhiều anh cũng không thể trông thấy khói từ ngọn lửa của chúng tôi. Chúng tôi có cách nhóm lửa đặc biệt.” Hắn ngoác miệng cười tự mãn.

“Vậy khi nào tuyết bắt đầu chất đống ở quanh đây?”

Người Cừu nhìn trời, rồi nhìn tôi. “Năm nay tuyết sẽ tới sớm. Có thể trong mười ngày tới.”

“Trong mười ngày tới đường sá sẽ đóng băng à?”

“Có thể lắm. Không ai đi lên và cũng không ai đi xuống. Thời gian tuyệt vời trong năm.”

“Vậy anh sống ở đây bao lâu rồi?”

“Lâu rồi,” Người Cừu nói. “Lâu lắm rồi.”


“Anh ăn những gì?”

“Thì củ măng quả hạnh chim chóc bất cứ thứ cua cán hỏ gì tôi có thể bắt được.”

“Anh không lạnh à?”

“Mùa đông thì phải lạnh rồi.”

“Nếu anh cần thì tôi sẵn lòng chia sẻ với anh bất cứ thứ gì tôi có.”

“Cám ơn nhưng giờ tôi vẫn ổn”

Người Cừu bỗng nhiên đứng dậy và bắt đầu đi về hướng đồng cỏ. Tôi liền đứng dậy theo hắn.

“Tại sao anh phải trốn tránh ở tận đây?”

“Anh sẽ cười nếu tôi nói anh biết,” Người Cừu nói.

“Không, tôi thề là sẽ không cười,” tôi nói. “Tôi không thể hình dung có gì để mà cười.”

“Anh sẽ không nói với ai chứ?”

“Tôi sẽ không nói với ai.”

“Tôi không muốn ra chiến trận.”

Mấy phút sau đó, chúng tôi bước đi mà không nói với nhau một lời nào.

“Chiến trận với ai?” tôi hỏi.

“Không biết nữa,” Người Cừu ho húng hắng. “Nhưng tôi không muốn đi. Dù sao chăng nữa đó là lý do tôi là cừu. Một con cừu ở lại đúng chỗ của nó ở đây.”

“Anh quê ở Junitaki-cho à?”

“À há nhưng đừng nói với ai đấy.”

“Tôi sẽ không nói,” tôi nói. “Anh không thích thị trấn à?”

“Thị trấn ở dưới kia ấy à?”

“Đúng thế.”

“Không thích chút nào. Cũng đầy những lính là lính,” Người Cừu lại ho tiếp. “Anh quê đâu?”

“Tokyo.”

“Cóng he nói về chiến tranh không?”

“Không.”

Đến đó Người Cừu có vẻ không quan tâm đến tôi nữa. Hắn giữ yên lặng cho tới khi chúng tôi đến cổng vào đồng cỏ.

“Anh muốn ghé qua ngôi nhà không?” tôi hỏi Người Cừu.


“Phải đi kiếm dự trữ ùa đông đây,” hắn nói. “Bận lắm. Có lẽ để lần sau.”

“Tôi muốn gặp bạn tôi,” tôi nói. “Tôi có việc bắt buộc phải gặp anh ấy vào tuần tới.”

Người Cừu lắc đầu một cách buồn bã. Tai hắn đập phần phật. “Xin lỗi nhưng như tôi đã nói trước điều đó không phụ thuộc vào chúng tôi.”

“Thôi, vậy thì, nếu có thể thì nhờ anh chuyển lời.”

“Hừm.” Người Cừu nói.

“Cám ơn nhiều nhé,” tôi nói. Tôi quay bước đi.

“Nếu anh đi ra ngoài,” Người Cừu gọi với theo trong lúc bỏ đi, “nhớ đừng quên cái chuông.”

Tôi quay thẳng lại ngôi nhà trong lúc Người Cừu biến mất vào khu rừng phía Đông, hệt như lúc trước. Một đồng cỏ xanh tĩnh lặng của mùa đông tối tăm trải dài giữa hai chúng tôi.

Chiều hôm đó tôi làm bánh mì. Cuốn Làm bánh mì của Chuột chứng tỏ là một cuốn sách dạy nấu ăn được viết cẩn thận. Trên bìa sách ghi: “Bạn biết đọc thì bạn cũng biết làm bánh mì.” Không hề phóng đại. Mùi bánh mì tỏa khắp nhà, khiến căn nhà ấm hơn. Đối với một người lần đầu nướng bánh thì bánh có vị cũng không đến nỗi nào. Có khối bột mì và men trong bếp, đủ để làm bánh cả mùa đông dài, nếu rốt cuộc tôi phải ở lại. Và nhiều gạo và mì ống đến độ tôi chẳng cần phải bận tâm.

Tối hôm đó tôi ăn bánh mì, xa lát, thịt muối hun khói và trứng, tráng miệng bằng món đào đóng hộp, tảo biển và nấm.

Bữa trưa thì có bánh pho mát trong ngăn đá tủ lạnh và trà sữa đặc.

Vào bữa ăn nhẹ, tôi tự thưởng ình kem hạt phỉ rưới rượu Cointreau.

Vào buổi tối, thịt gà nướng và một hộp xúp hiệu Campbell.

Tôi lại tăng cân.

Vào đầu buổi chiều ngày thứ chín, trong khi đang xem qua tủ sách, tôi chú ý đến một cuốn sách có vẻ mới được đọc gần đây. Đó là cuốn sách duy nhất không có bụi, gáy sách hơi thò ra ngoài một chút so với số sách còn lại.

Tôi lôi nó ra và ngồi trên ghế dài phòng khách giở nhanh cuốn sách. Di sản chủ nghĩa Liên Á. Xuất bản thời chiến tranh. Giấy rẻ tiền và bốc mùi hôi khi tôi lật các trang. Nội dung thì, như ta có thể đoán trước về một ấn phẩm thời chiến, phiến diện khủng khiếp. Lại chán chết nữa; cứ ba trang lại có một cái gì đó đáng để mà ngáp. Trên một số trang có những từ đã bị gạch đi. Không một dòng nào nói về sự kiện ngày 26 tháng Hai.

Nhét gần cuối sách là một tờ giấy vở trắng. Sau những trang sách ngả vàng, tờ giấy màu trắng ấy xuất hiện như một điều kì diệu. Nó đánh dấu, trên lề phải, một bản phụ lục cho cuốn sách. Một danh sách tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú của tất cả những người nổi tiếng lẫn vô danh đi theo cái được gọi là chủ nghĩa Liên Á. Tôi đọc lướt danh sách từ đầu chí cuối, và ở khoảng giữa là Ông Chủ. Chính cái Ông Chủ bị “cừu nhập” mà tôi đã được mang đến đây nhân danh ông ta. Địa chỉ thường trú của ông ta, Hokkaido – Junitaki-cho.

Quá kinh ngạc, tôi đặt cuốn sách lên lòng. Đầu óc tôi thậm chí không thể nghĩ ra được từ ngữ nào. Như thể người nào đó, hoặc một cái gì đó, vừa giáng cho tôi một đòn chí mạng từ đằng sau.

Làm sao tôi lại không luận ra được kia chứ? Lẽ ra tôi phải nghĩ đến điều đó ngay từ đầu. Ngay khi biết được Ông chủ xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo ở Hokkaido đáng lẽ ra tôi phải kiểm tra chi tiết đó. Cho dù Ông Chủ có cố gắng giũ bỏ quá khứ của mình khéo léo đến mấy, chắc hẳn phải có cách nào để tìm ra sự thật. Tay thư ký mặc bộ lê đen chắc chắn sẽ tìm thông tin đó cho tôi.

Mà không, có thể là không.

Tôi lắc đầu.

Đời nào có chuyện ông ta không tự mình kiểm tra thông tin đó. Ông ta đâu có bất cẩn đến thế. Ông ta hẳn đã phải kiểm tra mọi góc độ có thể, dù có phức tạp hay không. Hệt như cách ông ta đã nghiên cứu về tôi.

Vậy là ông ta đã biết tất cả mọi thứ.

Điều đó là không thể bàn cãi. Tuy vậy, ông ta đã bỏ bao công sức để thuyết phục tôi, hoặc đúng hơn là hăm dọa tôi, để tôi lên đây. Tại sao kia chứ? Nếu đó là một việc cần làm, chắc chắn ông ta ở vào một vị thế tốt hơn để thực hiện nó và thực hiện một cách xuất sắc. Và nếu vì một lý do nào đấy tôi là một con tốt, tại sao ông ra không nói cho tôi biết tên của chỗ này ngay từ đầu?

Trong lúc xem xét tỉ mỉ nỗi băn khoăn của mình, tôi bắt đầu giận điên lên. Càng lúc chuyện này càng biến thành một vở hài kịch lố bịch kỳ cục đầy những rủi ro, và tôi không nghĩ nó đáng cười. Chuột biết nhiều đến mức nào? Và nhân tiện hỏi luôn, người đàn ông mặc bộ lê màu đen đó biết nhiều đến mức nào? Cái thằng tôi đây, ở ngay trung tâm của mọi thứ mà không có lấy một manh mối. Khắp mọi nơi mọi lúc, tôi đã quá sai lầm, quá sơ suất. Tất nhiên, người ta cũng có thể nói như vậy về cả cuộc đời tôi. Theo nghĩa đó, tôi cho rằng tôi không thể đổ lỗi ột ai. Dẫu vậy, ai cho bọn họ cái quyền đối xử với tôi như thế này? Tôi đã bị lợi dụng, bị đánh cho tơi bời, bị vắt kiệt sức.

Tôi sẵn sàng cao chạy xa bay khỏi ngọn núi này, nhưng vì một lý do nào đó việc ấy không làm tôi thỏa mãn. Tôi đã bị lún quá sâu. Giá mà tôi có thể khóc được thì thật dễ dàng biết bao. Nhưng khóc lóc để làm gì cơ chứ, vì tôi có cảm giác rằng sắp tới đây còn có việc đáng than khóc hơn.

Tôi vào bếp lấy ra một chai whisky. Tôi không thể nghĩ đến gì khác ngoài uống rượu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.