Đọc truyện Cuộc Săn Cừu Hoang – Chương 26: PHẦN 7: Giáo sư Cừu xuất hiện
Chúng tôi thức dậy lúc tám giờ sáng hôm sau, mặc quần áo, đi xuống thang máy, ra quán cà phê gần đó ăn sáng. Không, khách sạn Cá Heo không có quán cà phê.
“Như anh nói hôm qua, chúng ta sẽ chia nhau ra,” tôi nói, đưa cho cô bản chụp bức ảnh con cừu. “Anh sẽ tận dụng núi non ở hậu cảnh để tìm ra chỗ đó. Em sẽ nghiên cứu các nơi người ta nuôi cừu. Em biết phải làm gì rồi đấy. Bất kỳ manh mối nào, bất kỳ thứ gì, dù nhỏ nhặt đến đâu, đều tốt. Bất kỳ thứ gì cũng tốt hơn lùng sục một cách mù quáng khắp cả hòn đảo Hokkaido này.”
“Em lo được. Để việc đó cho em.”
“Được, mình gặp lại nhau tại khách sạn tối nay nhé.”
“Anh đừng lo lắng quá,” cô nói, đeo kính râm lên. “Rồi anh sẽ thấy việc này dễ như ăn bánh thôi mà.”
Tất nhiên, nó không hề dễ như ăn bánh. Mọi việc không bao giờ xảy ra theo cách đó. Tôi đến Cục Du lịch Địa phương, vòng qua các trung tâm thông tin du lịch và đại lý du lịch khác nhau, hỏi han Hiệp hội Leo núi. Nói chung, tôi đã kiểm tra tất cả mọi chỗ liên quan đến du lịch và núi non. Không ai nhớ đã từng trông thấy dãy núi như trong bức ảnh.
“Dãy núi đó trông quá đỗi bình thường,” họ đều nói vậy. “Ngoài ra, bức ảnh chỉ cho thấy một phần nhỏ thôi.”
Cả ngày hỏi han, thế mà thông tin đó lại là thứ gần với tiến triển nhất mà tôi có được. Nghĩa là, tôi nhận ra rằng sẽ khó mà xác định dãy núi trong khi không có gì để phân biệt nó, đã vậy lại chỉ có ảnh chụp một phần của chúng mà thôi.
Tôi dừng chân tại một hiệu sách, mua cuốn Những ngọn núi ở Hokkaido và một tập bản đồ, rồi vào một quán cà phê, gọi hai ly bia vị gừng và xem qua những gì mua được. Về núi non thì ở Hokkaido có nhiều núi đến không thể tin được, tất cả đều có cùng một màu sắc và hình dáng. Tôi cố sánh những ngọn núi trong bức ảnh của Chuột với từng ngọn núi trong cuốn sách; sau mười phút, tôi nhức hết cả đầu. Chẳng khuây khỏa gì khi biết rằng số lượng núi trong cuốn sách đại diện ột phần vô cùng nhỏ bé tất cả các ngọn núi ở Hokkaido. Sự việc càng thêm phức tạp bởi một ngọn núi nhìn ở mỗi góc cạnh khác nhau cho ta một ấn tượng hoàn toàn khác nhau.
“Núi non là sinh vật,” tác giả trong lời đề tựa của cuốn sách viết. “Núi non, tùy theo góc nhìn, mùa, thời gian trong ngày, tâm trí người ngắm nhìn, hoặc bất kỳ thứ gì, có thể thật sự thay đổi hình dạng. Vì vậy, nhất thiết phải nhận ra rằng chúng ta không bao giờ biết hơn một mặt, một khía cạnh nhỏ của một ngọn núi.”
“Thật tuyệt chưa,” tôi nói to. Một nhiệm vụ bất khả thi. Lúc chuông điểm năm giờ, tôi đi ra ngoài ngồi trên ghế đá công viên và ăn ngô với lũ chim bồ câu.
Nỗ lực thu thập thông tin của cô khả quan hơn tôi nhiều, nhưng rốt cuộc thì cũng thành vô ích. Chúng tôi sánh ghi chép về những thử thách và gian nan của nhau trong ngày hôm đó bên bữa tối giản dị tại một tiệm ăn đằng sau khách sạn Cá Heo.
“Phòng Chăn nuôi của Chính quyền Địa phương hầu như không biết gì,” cô nói. “Họ đã thôi không theo dõi cừu nữa. Nuôi cừu không được lợi lộc gì. Ít nhất là không lợi lộc đối với trang trại diện rộng hoặc chăn thả tự do.”
“Về một mặt, điều đó khiến cuộc tìm kiếm dễ dàng hơn.”
“Không hẳn vậy. Các chủ trại nuôi súc vật vẫn duy trì chăn nuôi cừu và thậm chí còn có hẳn nghiệp đoàn riêng, việc này được nhà chức trách kiểm át. Tuy nhiên, với việc nuôi cừu diện trung bình và diện nhỏ, khó có thể biết được chính xác số lượng cừu. Ai cũng nuôi vài con cừu cũng gần giống như người ta nuôi chó mèo vậy. Dù sao em cũng đã ghi lại địa chỉ của ba mươi người nuôi cừu mà họ có danh sách, nhưng giấy tờ đã bốn năm rồi, mà trong bốn năm thì người ta di chuyển nhiều lắm. Anh biết không, chính sách nông nghiệp của Nhật Bản cứ ba năm thay đổi một lần như thế đấy.”
“Thật tuyệt chưa,” tôi thở dài vào ly bia. “Có vẻ như mình rơi vào ngõ cụt rồi. Phải có hơn một trăm ngọn núi giống như vậy ở Hokkaido, còn về tình trạng nuôi cừu thì hoàn toàn chẳng có thông tin gì.”
“Đây là ngày đầu tiên. Chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi mà.”
“Thế đôi tai em đã nhận được thông điệp gì chưa?”
“Hiện tại thì không có thông điệp gì,” cô nói giữa khi đang ăn cá ninh và súp mi. “Em chỉ biết đến thế. Em chỉ nhận được thông điệp tuyệt vọng khi em bối rối hoặc cảm thấy dằn vặt về mặt tinh thần. Nhưng lúc này thì em không như thế.”
“Có phải dây cứu đắm chỉ tung ra khi người ta sắp chết đuối không?”
“Đúng thế. Hiện tại em hài lòng với việc trải nghiệm tất cả những điều này cùng anh, và chừng nào em còn hài lòng, em không nhận được thông điệp. Vì vậy việc tìm ra con cừu đó là tùy thuộc vào chúng mình.”
“Anh cũng không biết nữa,” tôi nói. “Hiểu theo nghĩa nào đó, nếu không tìm ra con cừu ấy chúng ta sẽ gặp rắc rối to. Rắc rối gì thì anh không thể nói, nhưng nếu mấy người đó nói họ sẽ truy ra chúng ta, họ sẽ truy ra thôi. Bọn họ là dân chuyên nghiệp mà. Cho dù Ông Chủ có chết, tổ chức vẫn tồn tại và mạng lưới của họ sẽ mở rộng đến bất cứ nơi nào trên nước Nhật, giống như cống rãnh vậy. Họ sẽ tóm cổ được hai ta. Nghe thật ngu ngốc, nhưng đúng là như vậy.”
“Nghe cứ như phim Những kẻ xâm lấn vậy.”
“Nghe rất nực cười, anh biết thế. Nhưng sự thật là chúng ta tự mình dấn sâu vào vụ này rồi, và khi nói “chúng ta” anh muốn nói anh và em. Ban đầu chỉ có mình anh nhưng giờ đây em cũng cùng hoàn cảnh. Em vẫn chưa cảm thấy mình sắp chết đuối sao?”
“Này anh, đây chính là thứ em yêu thích. Để em nói anh nghe, nó còn thú vị hơn là ngủ với người lạ hoặc phải để lộ tai hoặc sửa bản in những cuốn từ điển danh nhân. Đây mới là sống chứ.”
“Nói vậy nghĩa là,” tôi xen vào, “chúng ta sẽ không chết đuối do đó chúng ta không có dây cứu sinh nào.”
“Đúng vậy. Việc tìm ra con cừu đó tùy thuộc vào chúng ta. Cả anh lẫn em đều không có gì để mà phải hối tiếc, thật đấy.”
Có lẽ không.
Chúng tôi quay trở lại khách sạn và ăn nằm với nhau. Tôi thích từ đó, ăn nằm với nhau. Nó chỉ cho phép rất ít khả năng.
Ngày thứ ba và thứ tư của chúng tôi ở Sapporo trôi qua vô ích. Chúng tôi dậy lúc tám giờ, ăn sáng, ngày chia nhau ra, tối đến trao đổi thông tin trong bữa tối, trở về khách sạn, ăn nằm với nhau, rồi ngủ.
Tôi quẳng đôi giày thể thao cũ rích đi, mua giày mới và đi loanh quanh đưa bức ảnh cho hàng trăm người xem. Cô lên một danh sách dài những người nuôi cừu dựa trên nguồn từ các cơ quan chính quyền và thư viện, và bắt đầu gọi ọi người trong số đó. Kết quả là con số không. Không ai có thể xác định vị trí ngọn núi, không một người nuôi cừu nào nhớ được con cừu có ngôi sao trên lưng. Một ông già nói ông nhớ đã trông thấy ngọn núi đó ở vùng phía Nam Sakhalin trước chiến tranh. Tôi không tin là Chuột đã đến Sakhalin. Người ta lại không thể gửi một lá thư chuyển phát đặc biệt từ Sakhalin tới Tokyo.
Dần dần, tôi trở nên kiệt sức. Khả năng định hướng của tôi tan biến vào ngày thứ tư. Khi hướng Nam trở thành hướng Đông, tôi mua một chiếc la bàn, nhưng đi loanh quanh với chiếc la bàn chỉ khiến thành phố trông càng kém thật hơn. Các tòa nhà bắt đầu trông giống như những tấm phông của ảnh viện, người đi lại trên phố như những hình người cắt ra từ bìa các tông. Mặt trời mọc từ một phía của mảnh đất vô vị, bắn lên cao theo đường đạn đại bác hình cung, rồi lặn trên phía kia.
Ngày thứ năm, rồi ngày thứ sáu trôi qua. Tháng Mười đè nặng lên thành phố. Mặt trời khá ấm nhưng gió càng lúc càng mạnh, và đến cuối ngày tôi phải mặc một chiếc áo gió bằng vải cotton mỏng. Phố xá ở Sapporo rộng và thẳng đến sầu người. Cho đến lúc đó, tôi không hề biết là đi bộ quanh một thành phố không có gì ngoài những đường thẳng có thể làm người ta mỏi mệt đến nhường nào.
Tôi uống bảy tách cà phê mỗi ngày, cứ mỗi tiếng đi giải một lần. Và hầu như không muốn ăn uống gì.
“Sao anh không đăng rao vặt trên báo?” cô đề xuất. “Anh biết đấy, “Bạn cần liên lạc” hay đại loại như vậy.”
“Không phải ý tồi,” tôi nói. Có kết quả hay không cũng chẳng quan trọng; còn hơn là không làm gì hết.
Thế là tôi đăng một mẩu rao ba dòng trên số buổi sáng của bốn tờ báo ngày hôm sau.
Gửi: Chuột
Hãy liên lạc. Khẩn!
Khách sạn Cá Heo, Phòng 406
Hai ngày sau đó, tôi đợi bên điện thoại. Ngày quảng cáo đăng có ba cuộc gọi. Một là từ một người địa phương.
“Cái “Chuột” này là gì vậy?”
“Tên lóng của một người bạn tôi,” tôi trả lời.
Ông ta cúp máy, hài lòng.
Một cuộc gọi khác là để chơi khăm.
“Chít, chít,” giọng nói từ đầu dây bên kia nói. “Chít, chít.”
Tôi cúp máy. Thành phố này là chốn kỳ quặc chết tiệt. Cuộc gọi thứ ba là của một người đàn bà có giọng the thé.
“Ai cũng luôn gọi em là Chuột,” cô ta nói. Một giọng nói khiến người ta hầu như có thể nghe thấy đường dây điện thoại đung đưa trong gió xa.
“Cám ơn cô đã mất công gọi điện. Tuy nhiên, người tên Chuột mà tôi tìm là đàn ông,” tôi giải thích.
“Em cũng phần nào nghĩ vậy,” cô ta nói. “Nhưng dù sao thì, vì em cũng là Chuột, em nghĩ em nên gọi cho anh.”
“Thật lòng cám ơn cô nhiều.”
“Không có gì. Anh đã tìm thấy bạn anh chưa?”
“Chưa,” tôi nói, “tiếc là chưa.”
“Giá như em là người anh đang tìm… nhưng không, không phải em.”
“Mọi việc diễn ra như vậy. Tiếc quá.”
Cô ta yên lặng. Trong lúc đó tôi lấy ngón tay út gãi gãi mũi.
“Thật đấy, em chỉ muốn nói chuyện với anh,” cô ta quay trở lại.
“Với tôi ư?”
“Em không biết phải diễn đạt thế nào, nhưng em phải cố cưỡng lại một sự thôi thúc kể từ khi em đọc mẩu rao vặt của anh trên báo buổi sáng. Em không có ý làm phiền anh…”
“Vậy là chuyện cô được gọi là Chuột là chuyện bịa.”
“Đúng thế,” cô ta nói. “Chưa ai từng gọi em là Chuột cả. Em thậm chí không có bạn bè. Đó là lý do tại sao em muốn gọi anh đến vậy.”
Tôi thở dài thườn thượt. “Thôi, dù sao cũng xin cảm ơn.”
“Tha lỗi cho em. Anh quê ở Hokkaido à?”
“Tôi ở Tokyo,” tôi nói.
“Anh lặn lội từ Tokyo đến để đi tìm bạn anh?”
“Đúng thế.”
“Anh bạn này bao nhiêu tuổi?
“Mới tròn ba mươi.”
“Còn anh thì sao?”
“Hai tháng nữa tôi sẽ ba mươi.”
“Độc thân?”
“Phải.”
“Em hai mươi hai tuổi. Em đoán là mọi thứ trở nên khá hơn cùng với thời gian.”
“Xem nào,” tôi nói, “ai biết được? Có thứ trở nên tốt hơn, có thứ không.”
“Nếu chúng ta có thể gặp nhau vừa ăn tối vừa bàn chuyện thì thật hay quá.”
“Cô phải thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi phải ở đây đợi điện thoại.”
“Ồ, vâng,” cô ta nói. “Xin lỗi vì mọi chuyện.”
“Dù sao cũng xin cảm ơn vì đã gọi.”
Tôi cúp máy.
Thông minh, rất thông minh. Gái gọi, có lẽ vậy, đang đi tìm mối. Đúng, cô ta có thể chỉ là một cô gái cô đơn. Cách nào thì cũng giống nhau thôi. Tôi vẫn chẳng có lấy một manh mối nào.
Ngày hôm sau chỉ có một cuộc gọi, từ một người đàn ông bị rối loạn thần kinh. “Anh nói là chuột đúng không? Để nó cho tôi.” Ông ta lải nhải mười lăm phút về chuyện đánh đuổi chuột tại một trại tập trung ở Siberia. Một câu chuyện thú vị, nhưng không manh mối.
Trong khi đợi điện thoại reo, tôi ngồi trên chiếc ghế lò xo cạnh cửa sổ và dành cả ngày quan sát điều kiện làm việc trên văn phòng tầng ba phía đối diện. Dù có nhìn cả ngày tôi cũng không thể hiểu được công ty ấy làm gì. Công ty có mười nhân viên, người ta liên tục chạy tới chạy lui như trong một trận bóng rổ. Một người đưa giấy tờ ột người, một người đóng dấu chúng, rồi một người sẽ nhét chúng vào phong bì và chạy vội ra cửa. Trong lúc nghỉ ăn trưa, một cô thư ký có bộ ngực đồ sộ rót trà cho tất cả mọi người. Vào buổi chiều, vài người gọi cà phê tới. Điều này khiến tôi cũng muốn uống chút cà phê, thế là tôi nhờ người lễ tân ghi lại tin nhắn trong khi tạt qua quán cà phê. Trên đường về tôi mua hai chai bia. Khi tôi quay lại chiếc ghế bên cửa sổ, chỉ có bốn người còn ở lại văn phòng. Cô thư ký có bộ ngực đồ sộ đang nói đùa với một nhân viên cấp dưới. Tôi uống một chai bia và quan sát hoạt động của văn phòng, nhưng cái chính là cô ta.
Tôi càng nhìn bộ ngực của cô ta, nó lại càng có vẻ to lớn một cách không bình thường. Cô ta hẳn đã lồng gọng thép ở Cầu Cổng Vàng vào cái nịt vú. Một vài nhân viên cấp dưới có vẻ đang có mưu đồ gì đó với cô ta. Nhu cầu tình dục của bọn họ mạnh đến mức nó xuyên qua hai ô cửa kính và con phố nằm ở giữa. Thật buồn cười khi cảm nhận thấy nhu cầu tình dục của ai đó. Sau một hồi, người ta tưởng nhầm đó là của mình.
Lúc năm giờ, cô ta thay sang một chiếc váy đỏ rồi về nhà. Tôi kéo rèm cửa lại và xem một bộ phim chiếu lại về thỏ Bugs Bunny trên ti vi. Và thế là ngày thứ tám tại khách sạn Cá Heo trôi qua.
“Thật tuyệt chưa,” tôi nói. Cái vụ “thật tuyệt chưa” này đang dần trở thành một thói quen. “Một phần ba tháng đã trôi qua mà chúng ta vẫn chưa đi đến đâu.”
“Có vẻ như vậy,” cô nói. “Không hiểu Cá Trích như thế nào rồi nhỉ?”
Sau bữa tối, chúng tôi nghỉ ngơi trên chiếc xô pha màu cam xấu xí tại tiền sảnh khách sạn Cá Heo. Không có ai quanh đó ngoại trừ người lễ tân có ba ngón tay. Ông ta bận rộn suốt, leo lên thang thay bóng điện, lau cửa sổ, gấp báo. Có lẽ còn có những người khách khác ở chỗ này; có lẽ họ đều ở lì trong phòng như những xác ướp được giữ không cho tiếp xúc với ánh sáng ban ngày.
“Công việc thế nào anh?” người lễ tân dè dặt hỏi trong lúc tưới cây trong chậu cảnh.
“Không có gì đáng kể mấy,” tôi nói.
“Có vẻ như anh đăng rao vặt trên báo.”
“Đúng thế,” tôi nói. “Tôi đang cố tìm một người về chuyện thừa kế đất đai.”
“Thừa kế ư?”
“Đúng vậy. Vấn đề là người thừa kế biến mất, chỗ nào thì không biết.”
“Xin anh hãy kể tiếp. Nghe có vẻ như một chuyện thú vị.”
“Không hẳn vậy đâu.”
“Tôi không biết nữa, có vẻ gì đó rất Moby Dick ở chuyện ấy.”
“Moby Dick ư?”
“Tất nhiên. Cái cảm giác hồi hộp khi săn lùng ai.”
“Ví dụ như, một con voi ma mút?” bạn gái tôi nói.
“Tất nhiên. Tất cả đều liên quan đến nhau,” người lễ tân nói. “Thật ra, tôi đặt tên cho khách sạn này là khách sạn Cá Heo là vì trong Moby Dick có một cảnh cá heo.”
“Ô hô,” tôi nói. “Nhưng nếu đúng như vậy, đặt tên nó là khách sạn Cá Voi có hay hơn không?”
“Cá voi không phải một hình tượng hay cho lắm,” ông ta thú nhận với đôi chút hối tiếc.
“Khách sạn Cá Heo là một cái tên hay,” bạn gái tôi nói.
“Xin cám ơn chị nhiều,” người lễ tân mỉm cười. “Bỗng nhiên tôi chợt nhận ra có anh chị ở đây dài ngày như thế này là điềm rất lành, nên tôi muốn mời anh chị chút rượu để bày tỏ lòng cám ơn.”
“Chúng tôi rất vui lòng,” cô nói.
“Chúng tôi hết sức cảm kích,” tôi nói.
Ông ta đi vào phòng sau, một lúc sau xuất hiện trở lại với một chai vang trắng ướp lạnh và ba chiếc ly.
“Nâng cốc nào. Tôi vẫn đang làm việc nên chỉ nhấp một ngụm thôi.”
Chúng tôi uống rượu. Rượu không đặc biệt ngon, nhưng là một loại rượu nhẹ, nguyên chất, dễ chịu. Thậm chí cả ly cũng đẹp.
“Ông hâm mộ Moby Dick à?” tôi nghĩ ra chuyện để hỏi.
“Anh có thể nói vậy. Từ nhỏ tôi đã luôn muốn đi biển.”
“Và đó có phải là lý do hiện nay ông ở trong ngành kinh doanh khách sạn?” cô hỏi.
“Đó là lý do tôi mất ngón tay,” ông ta nói. “Thật ra thì, chúng bị cắt đứt trong ố́ng cuộn dây cầu tàu khi dỡ hàng dưới tàu lên.”
“Thật khủng khiếp làm sao!” cô thốt lên.
“Lúc đó mọi thứ đều đen tối. Nhưng cuộc sống thì hay thay đổi. Bằng cách này cách kia, cuối cùng thì tôi cũng có được cái khách sạn này ở đây. Không hẳn là một khách sạn, nhưng tôi cũng ổn thỏa nhờ nó. Tôi có nó đã mười năm rồi.”
Thế có nghĩa ông ta không phải lễ tân mà là chủ.
“Tôi không thể hình dung một khách sạn tốt hơn,” cô động viên.
“Xin cảm ơn chị nhiều,” người chủ khách sạn nói, rót thêm rượu cho chúng tôi.
“Chỉ trong vòng mười năm mà tòa nhà đã mang nhiều, ừm, đặc trưng,” tôi đánh bạo nói một cách không hề bối rối.
“Vâng, nó được xây ngay sau chiến tranh. Tôi thật may mắn đã mua được nó rẻ đến vậy.”
“Nó được dùng làm gì trước khi thành khách sạn?”
“Nó có tên là Tòa nhà Cừu Hokkaido. Chứa mọi loại giấy tờ và nguồn tin liên quan đến…”
“Cừu ư?” tôi nói.
“Cừu,” ông ta nói.
“Tòa nhà từng là tài sản của Hiệp hội Cừu Hokkaido, thế đấy, cho đến mười năm trước. Nhưng do số cừu nuôi trong vùng giám sát, Tòa nhà bị đóng cửa,” ông ta nói rồi nhấp rượu. “Thật ra, quyền giám đốc lúc bấy giờ là cha tôi. Ông không thể chịu được ý nghĩ Tòa nhà Cừu yêu quý của ông bị đóng cửa, thế nên với lý do bảo quản các nguồn tài liệu về cừu ông thuyết phục Hiệp hội bán cho ông lô đất và tòa nhà với giá rẻ. Vì thế, cho đến ngày nay cả tầng hai tòa nhà là phòng tư liệu về cừu. Tất nhiên, với tư cách tài liệu nghiên cứu thì hầu hết số đó đều cũ và vô dụng. Ông già lẩm cẩm mà. Phần còn lại chốn này là cho tôi kinh doanh khách sạn.”
“Thật là trùng hợp,” tôi nói.
“Trùng hợp ư?”
“Nếu đúng như sự thật, người chúng tôi đang kiếm có liên quan gì đó đến cừu. Và manh mối duy nhất chúng tôi có là một bức ảnh chụp cừu mà cậu ta gửi.”
“Anh không đùa chứ,” ông ta nói. “Tôi xem bức ảnh đó được chứ?”
Tôi rút bức ảnh cừu kẹp giữa các trang sổ ghi chép ra đưa cho ông ta. Ông ta cầm cặp kính trên quầy lên và xem xét bức ảnh.
“Có vẻ như tôi nhớ ra được khung cảnh này,” ông ta nói.
“Nhớ ra ư?”
“Chắc chắn rồi.” Nói đoạn, ông ta lấy chiếc thang vừa bỏ lại dưới ngọn đèn đem dựa vào bức tường đối diện. Ông ta mang xuống một bức ảnh được đóng khung. Rồi ông ta phủi bụi và đưa bức ảnh cho chúng tôi.
“Đây có phải là cùng một cảnh không?”
Bản thân cái khung đã cũ, nhưng bức ảnh trong đó thậm chí còn cũ hơn, đã ngả màu. Và đúng, ảnh có cừu trong đó. Tất cả khoảng sáu mươi con. Hàng rào, rừng cây bu lô, núi non. Rừng cây bu lô có hình dáng khác so với rừng cây trong bức ảnh của Chuột, nhưng dãy núi ở nền bức ảnh là một. Thậm chí bố cục ảnh cũng giống.
“Thật tuyệt chưa,” tôi nói với cô. “Ngần ấy thời gian chúng ta đi ngang qua ngay dưới bức ảnh này.”
“Đó là lý do tại sao em nói với anh nó phải là khách sạn Cá Heo,” cô buột miệng.
“Vậy thì,” tôi hỏi người đàn ông, “chính xác chỗ này là chỗ nào?”
“Tôi không biết chắc,” ông ta nói. “Bức ảnh đã được treo ở đó từ những ngày còn Tòa nhà Cừu.”
“Hừm,” tôi cằn nhằn.
“Nhưng có cách để tìm ra.”
“Cách nào vậy?”
“Hỏi ông cụ tôi. Ông có một phòng trên gác và ở đó cả ngày. Ông hầu như không ra ngoài, chỉ nghĩ đến đám tài liệu về cừu thôi. Đã nửa tháng nay tôi không nhìn thấy ông. Tôi chỉ để cơm nước trước cửa cho ông, và khay rỗng không sau ba mươi phút, vì thế tôi biết ông còn sống.”
“Liệu cha ông có thể cho chúng tôi biết chỗ trong bức ảnh là ở đâu không?”
“Có thể lắm. Như tôi nói lúc trước, ông là cựu giám đốc Tòa nhà Cừu, và dù sao thì ông biết tất cả những gì cần biết về cừu. Mọi người gọi ông là Giáo sư Cừu.”
“Giáo sư Cừu ư,” tôi nói.