Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 24: PHẦN 6: Một chương cho cá trích


Đọc truyện Cuộc Săn Cừu Hoang – Chương 24: PHẦN 6: Một chương cho cá trích

Lúc mười giờ sáng, cái ô tô lố bịch to như tàu ngầm ấy đợi tôi bên ngoài khu chung cư. Từ cửa sổ tầng ba nhà tôi, chiếc limousine trông giống như một cái máy cắt bánh quy bằng sắt lộn ngược hơn là một cái tàu ngầm. Người ta có thể cho ra một cái bánh khổng lồ mà ba trăm đứa trẻ phải mất hai tuần mới ăn hết. Cô và tôi ngồi trên bậu cửa sổ nhìn xuống chiếc xe.

Bầu trời trong một cách đáng sợ. Bầu trời từ một bộ phim theo chủ nghĩa biểu hiện thời tiền chiến. Hoàn toàn không một gợn mây, giống như một con mắt đồ sộ với mí mắt bị cắt. Nhìn từ xa, chiếc trực thăng bay tít trên cao kia trông bé xíu.

Tôi khóa tất cả cửa sổ, rút điện tủ lạnh và kiểm tra vòi khí ga. Thu quần áo vào, trải giường, tráng sạch gạt tàn, và xếp theo thứ tự cẩn thận một số lượng vô lý các khoản thuốc men bên chậu rửa. Tiền thuê nhà được trả trước hai tháng, phiếu đặt báo đã hủy. Từ cửa ra vào, tôi nhìn lại căn hộ không sinh khí của mình. Trong một thoáng, tôi nghĩ về bốn năm của quãng đời vợ chồng ở đó, nghĩ về những đứa con mà tôi và vợ không bao giờ có.

Cửa thang máy bật mở, và cô gọi tôi. Tôi đóng cánh cửa thép lại.

Người lái xe miệt mài lau kính chắn gió bằng một miếng vải khô trong lúc đợi chúng tôi. Chiếc xe không một tì vết, lóe sáng trong ánh mặt trời đến mức chói lọi và siêu tự nhiên. Chỉ cần chạm nhẹ tay vào là người ta có thể bị bỏng.

“Chào cô cậu,” người lái xe nói. Vẫn người lái xe sùng đạo hai hôm trước.

“Chào bác,” tôi nói.

“Chào bác,” cô bạn gái tôi nói.

Cô ôm con mèo. Tôi ôm thức ăn và túi cát vệ sinh èo.

“Trời đẹp quá nhỉ?” người lái xe nói, ngẩng nhìn trời. “Trời – tôi biết nói thế nào nhỉ – trong văn vắt ấy.”

Tôi gật đầu.

“Khi trời trong thế này thông điệp của Chúa sẽ thông suốt không gặp phải bất cứ vấn đề gì bác nhỉ,” tôi dạm hỏi.

“Không có chuyện đó đâu,” người lái xe nói, ngoác miệng cười. “Thông điệp đã được ghi trong tất cả mọi thứ. Trong hoa, trong đá, trong mây…”

“Cả xe hơi nữa ư?”

“Trong cả xe hơi nữa.”

“Nhưng xe hơi do nhà máy chế tạo ra mà.” Đúng là tôi, không lẫn đi đâu được.

“Dù bất cứ ai sản xuất ra nó thì ý nguyện của Chúa vẫn được cài đặt trong nó.”

“Như trong rận ở tai ư?” cô chen vào.

“Như trong chính bầu không khí này vậy.” người lái xe chỉnh lại.

“Vậy thì, tôi cho rằng xe hơi sản xuất tại Ả Rập Saudi chúa Thánh Allah trong đó.”

“Người ta không sản xuất xe hơi tại Ả Rập Saudi.”

“Thật vậy sao?” Lại là tôi.


“Thật.”

“Vậy xe hơi sản xuất tại Mỹ để xuất khẩu sang Ả Rập Saudi thì sao? Trong xe đó sẽ có chúa nào,” cô bạn gái tôi hỏi.

Một câu hỏi khó.

“Xem nào, chúng ta phải nói cho bác ấy biết về con mèo,” tôi thả một cái phao cứu sinh.

“Con mèo dễ thương, ha?” người lái xe nói, cũng cảm thấy nhẹ cả người.

Con mèo còn xa mới gọi là dễ thương. Hơn thế, nó còn gầy dơ xương, lông bẩn như một tấm thảm sờn rách cũ rích, đầu đuôi cong một góc sáu mươi độ, răng vàng khè, mắt phải mưng mủ từ một vết thương ba năm trước nên giờ đây nó hầu như không trông thấy gì. Không chắc là nó có thể phân biệt giữa một chiếc giày thể thao và một củ khoai tây. Gan bàn chân nó nhăn nheo đầy vết chai, tai nó đầy rận, và vì đã già, nó đánh rắm ít nhất hai mươi lần một ngày. Trước đây nó là một chú mèo đực bảnh trai khi vợ tôi tìm thấy nó dưới ghế đá công viên và mang nó về nhà, nhưng mấy năm vừa qua nó xuống dốc nhanh chóng. Giống như một quả bóng bowling lăn về phía rãnh. Thêm nữa, nó không có tên. Tôi chẳng rõ việc không có tên giảm bớt hay góp phần vào thảm kịch của con mèo.

“Miu xinh ghê,” người lái xe nói, tay không duỗi ra. “Tên nó là gì?”

“Nó không có tên.”

“Vậy cậu gọi chú ta bằng gì?”

“Tôi không gọi nó,” tôi nói. “Nó đã sờ sờ ra đấy rồi.”

“Nhưng nó không phải là một cục thịt chỉ biết ngồi đó. Nó di chuyển theo ý mình, đúng không? Có vẻ khá lạ khi một thứ gì đó di chuyển theo ý chính mình lại không có tên.”

“Cá trích bơi theo ý của chúng, nhưng có ai đặt tên cho chúng đâu?”

“Xem nào, trước hết, không có mối dây tình cảm nào giữa cá trích và con người, ngoài ra, nếu có nghe thấy chúng cũng chẳng biết được đó là tên mình.”

“Có nghĩa là con vật nào không những có thể di chuyển theo ý mình và chia sẻ tình cảm với con người mà còn sở hữu khả năng nghe nhìn thì xứng đáng được đặt tên?”

“Đó, cậu nắm trúng vấn đề rồi,” người lái xe gật đầu lia lịa, mãn nguyện. “Hay thế này đi?! Cậu nói sao nếu tôi đặt cho cu cậu một cái tên?”

“Rất hoan nghênh. Nhưng tên gì?”

“Hay là tên “Cá Trích”? Ý tôi là xét cho cùng cậu từng đối xử với nó như một con cá trích.”

“Không tồi đâu,” tôi nói.

“Cậu thấy chưa?” người lái xe nói.

“Em nghĩ sao?” tôi hỏi cô bạn gái.

“Không tồi,” cô nói. “Cứ như chứng kiến sự hình thành của trời và đất.”


“Thống nhất là cá trích đi,” tôi nói.

“Lại đây nào, Cá Trích,” người lái xe nói, bế con mèo lên. Con mèo hoảng sợ, cắn ngón tay cái bác ta, rồi đánh rắm.

Người lái xe đưa chúng tôi ra sân bay. Con mèo ngồi lặng lẽ trên ghế trước cạnh bác ta. Thỉnh thoảng lại đánh rắm. Chúng tôi biết vậy vì người lái xe liên tục mở cửa sổ. Trong lúc đó, tôi nhanh chóng đưa ra hướng dẫn cho người lái xe về con mèo. Rửa tai cho nó như thế nào, cửa hàng nào bán thuốc khử mùi hôi cho hộp vệ sinh của mèo, èo ăn bao nhiêu, đại loại thế.

“Cậu đừng lo,” người lái xe nói. “Tôi sẽ chăm sóc cu cậu cẩn thận. Cậu biết đấy, tôi là cha đỡ đầu của nó.”

Đường vắng đến kinh ngạc. Chiếc xe lướt ra sân bay như một con cá hồi bơi ngược dòng để đẻ trứng.

“Tại sao thuyền có tên, mà máy bay lại không?” tôi hỏi người lái xe. “Tại sao lại chỉ là Chuyến bay 971 hoặc Chuyến bay 326, mà không phải là Hoa chuông hay Hoa Cúc?”

“Có lẽ bởi vì có nhiều chuyến bay hơn thuyền. Sản xuất hàng loạt mà.”

“Cũng không hẳn. Nhiều thuyền được sản xuất hàng loạt, và chúng có thể còn nhiều hơn máy bay.”

“Tuy vậy…,” người lái xe cất lời, rồi không nói gì trong vài giây. “Nói một cách thực tế, không ai đi đặt tên cho tất cả các xe buýt trong thành phố.”

“Em nghĩ nếu mỗi xe buýt trong thành phố mà có một cái tên thì thật tuyệt,” cô bạn gái tôi nói.

“Nhưng như thế liệu có dẫn đến cảnh hành khách chọn xe buýt mình muốn đi không? Đi từ Shinjuku đến Sendagaya, xem nào, họ sẽ chọn xe Linh dương chứ không phải xe Lừa.”

“Em thấy sao?” tôi hỏi cô bạn gái.

“Chắc chắn em sẽ nghĩ kỹ trước khi em đi xe Lừa,” cô nói.

“Nhưng này, hãy nghĩ đến tay lái xe đáng thương của xe Lừa,” người lái xe lên tiếng cho lái xe ở khắp mọi nơi. “Tay lái xe Lừa không có lỗi.”

“Bác nói hay đấy,” tôi nói.

“Có lẽ vậy,” cô nói, “nhưng em sẽ vẫn đi xe Linh dương.”

“Đấy cô cậu xem,” người lái xe nói. “Đó là cái lẽ thường. Đặt tên cho tàu vốn là chuyện quen thuộc từ trước thời sản xuất hàng loạt. Về nguyên tắc, nó cũng giống như đặt tên ngựa. Vì thế máy bay được đối xử như ngựa thì trên thực tế cũng được đặt tên. Có máy bay tên Linh hồn St. Louis và Enola Gay. Chúng ta đang xem xét đến một sự định danh có ý thức đầy đủ.”

“Có nghĩa rằng ở đây sự sống là yếu tố cơ bản.”

“Chính xác.”

“Và rằng mục đích chỉ là nhân tố thứ yếu trong việc đặt tên.”

“Chính xác. Nếu chỉ vì mục đích thôi thì dùng số là đủ. Hãy chứng kiến việc đối xử với người Do Thái tại Auschwitz.”


“Bác nói đến đây vẫn ổn,” tôi nói. “Vậy hãy giả dụ rằng nền tảng của việc đặt tên là cái hành động tự đồng nhất một cách có ý thức với sinh vật. Vậy thì tại sao ga tàu và công viên cũng như sân vận động bóng chày có tên, trong khi chúng không phải sinh vật?”

“Tại sao ư? Bởi vì nếu nhà ga mà không có tên thì sẽ hỗn loạn.”

“Không, chúng ta không nói trên khía cạnh mục đích. Tôi muốn bác hãy giải thích cho tôi trên nguyên tắc.”

Người lái xe suy nghĩ khá lung về chuyện này. Bác ta không để ý đèn giao thông đã chuyển sang màu xanh. Chiếc xe tải nhỏ đằng sau chúng tôi bắt đầu bóp còi theo khúc dạo đầu của phim Bảy tay súng oai hùng.

“Tôi đoán bởi vì chúng không thay thế được cho nhau. Ví dụ, chỉ có một nhà ga Shinjuku và người ta không thể thay thế nó bằng nhà ga Sendagaya. Sự không thay thế được cho nhau này nói lên rằng chúng không được sản xuất hàng loạt. Chúng ta đã rõ về hai điểm này chưa?”

“Dù sao thì cũng sẽ thú vị nếu có nhà ga Shinjuku ở Ekoda,” cô bạn gái tôi nói.

“Nếu nhà ga Shinjuku ở Ekoda, nó phải là nhà ga Ekoda,” người lái xe phản đối.

“Nhưng nó vẫn nằm trong tuyến Odakyu,” cô nói.

“Hãy quay trở lại chủ đề cuộc thảo luận,” tôi nói. “Nếu nhà ga thay thế được cho nhau, điều đó có ý nghĩa gì? Chẳng hạn, nếu tất cả mọi nhà ga trên toàn quốc đều được sản xuất hàng loạt theo kiểu những tòa nhà gấp và nhà ga Shinjuku và nhà ga Tokyo hoàn toàn thay thế được cho nhau?”

“Khá đơn giản. Nếu nó ở Shinjuku, nó sẽ là nhà ga Shinjuku; nếu nó ở Tokyo, nó sẽ là nhà ga Tokyo.”

“Vì thế những gì chúng ta nói ở đây không phải là tên của một vật thể vật chất, mà là tên của một chức năng. Một vai trò. Đó có phải là mục đích không?”

Người lái xe im lặng. Chỉ có điều lần này bác ta không giữ yên lặng lâu.

“Cô cậu biết tôi nghĩ gì không?” người lái xe nói. “Tôi nghĩ chúng ta nên có một cái nhìn ấm áp hơn về đề tài này.”

“Nghĩa là sao hả bác?”

“Tôi muốn nói là thị trấn rồi công viên rồi đường phố rồi nhà ga rồi sân bóng chày rồi rạp chiếu phim tất cả đều có tên, đúng chưa? Chúng đều được đặt tên để thưởng công cho sự cố định của chúng trên mặt đất.”

Một giả thuyết mới.

“Vậy thì,” tôi nói, “giả dụ tôi xóa sạch ý thức của mình và trở nên hoàn toàn cố định, liệu tôi có xứng với một cái tên mỹ miều không?”

Người lái xe liếc nhìn mặt tôi trong giây lát qua gương chiếu hậu. Một cái nhìn đầy hoài nghi, như thể tôi đang gài bẫy đang bác ta. “Cố định ư?”

“Ví như tôi đóng băng một chỗ, đại loại thế. Như Công chúa ngủ trong rừng ấy.”

“Nhưng cậu đã có tên rồi.”

“Bác nói đúng,” tôi nói. “Suýt nữa thì tôi quên.”

Chúng tôi nhận thẻ lên máy bay tại quầy đăng ký rồi tạm biệt người lái xe. Bác ta hẳn đã muốn tiễn chúng tôi, nhưng vì phải một tiếng rưỡi nữa mới đến giờ khởi hành, bác ta không đợi nổi và đi mất.

“Cái ông đó, thật là một nhân vật lập dị,” cô nói.

“Anh biết một chỗ có toàn những người như thế,” tôi nói. “Ở đó, bò đi loanh quanh để tìm kìm.”


“Nghe cứ như “Home on the Pampas” ấy.”

“Có lẽ vậy,” tôi nói.

Chúng tôi vào một tiệm ăn trong sân bay và ăn trưa sớm. Tôm tẩm bột và pho mát cho tôi, mì ống cho cô. Tôi nhìn những chiếc 747 và Tristars cất cánh và sà xuống đất với một trọng lực dường như là định mệnh. Trong lúc đó cô kiểm tra từng sợi mì cô ăn một cách đầy ngờ vực.

“Em tưởng là họ lúc nào cũng phục vụ bữa ăn trên máy bay,” cô cằn nhằn.

“Không,” tôi nói, đợi miếng bột nóng trong miệng nguội đi, rồi uống ực chút nước. Nóng không còn nhận biết được vị gì. “Người ta chỉ phục vụ ăn uống trên chuyến bay quốc tế. Họ ình ăn gì đó trên các tuyến nội địa đường dài hơn. Nhưng đó không hẳn là một bữa thịnh soạn đâu.”

“Còn phim thì sao?”

“Không có đâu. Thôi nào, chỉ mất một tiếng là đến Sapporo thôi mà.”

“Vậy họ không ình thứ gì ư?”

“Không có gì hết. Ta ngồi trên ghế, đọc sách, rồi đến nơi. Giống như xe buýt vậy.”

“Nhưng không có đèn giao thông.”

“Thật tuyệt chưa,” cô nói với một tiếng thở dài. Cô đặt nĩa xuống, không động đến nguyên nửa phần mì.

“Vấn đề là mình đến đó sớm hơn. Nếu đi tàu thì sẽ mất mười hai tiếng.”

“Vậy cái thời gian phụ này đi đâu?”

Tôi bỏ dở khi ăn được nửa chừng và gọi hai cốc cà phê. “Thời gian phụ ư?”

“Anh nói là máy bay sẽ tiết kiệm cho anh hơn mười tiếng. Vậy toàn bộ quãng thời gian ấy đi đâu?”

“Thời gian không đi đâu cả. Nó chỉ cộng thêm thôi. Chúng ta có thể dùng mười tiếng ấy theo ý chúng ta, ở Tokyo hay ở Sapporo. Với mười tiếng chúng ta có thể xem bốn bộ phim, ăn hai bữa ăn, bất cứ chuyện gì. Đúng chưa?”

“Nhưng nếu em không muốn đi xem phim hay đi ăn thì sao?”

“Đó là vấn đề của em. Đó không phải là lỗi của thời gian.”

Cô cắn môi trong lúc chúng tôi nhìn ra cái thân bè bè của những chiếc 747 trên đường băng rải nhựa. Những chiếc 747 luôn gợi cho tôi đến hình ảnh một bà già mập ú, xấu xí khu phố tôi từng ở. Ngực to đùng chảy xệ, chân phồng tướng, cổ khô nhăn nheo. Sân bay, một chốn tụ tập thích hợp cho những bà già. Hàng tá bà già, đến rồi đi, cứ hết chiếc này đến chiếc khác. Phi công và chiêu đãi viên đi đi lại lại oai vệ trong tiền sảnh, đầu ngẩng cao, trông họ có vẻ bẹp dí một cách kỳ quặc, giống những con búp bê bằng bìa của các bé gái. Tôi không khỏi nghĩ sao mọi thứ không giống như cái thời những chiếc DC-7 và Friendship-7 nhưng có lẽ nó vẫn giống vậy thôi.

“Này,” cô tiếp tục, “thời gian có giãn ra không anh?”

“Không, thời gian không giãn ra,” tôi trả lời. Tôi cất tiếng, nhưng sao nghe như không phải giọng tôi? Tôi húng hắng ho và uống cà phê. “Thời gian không giãn ra.”

“Nhưng thời gian thực sự tăng lên, đúng không? Chính anh nói là thời gian cộng thêm mà.”

“Đó là bởi vì thời gian cần cho di chuyển được rút xuống. Tổng số lượng thời gian không thay đổi. Chỉ có điều là em có thể xem thêm phim.”

“Nếu em muốn xem phim,” cô thêm vào.

Ngay khi chúng tôi đến Sapporo, quả thật chúng tôi đi xem phim suất đúp.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.