Đọc truyện Cuộc Săn Cừu Hoang – Chương 17: PHẦN 6 – CUỘC SĂN CỪU HOANG II: Câu chuyện kì lạ của người đàn ông kì lạ
Tay thư ký mặc bộ lê đen lấy ghế rồi nhìn tôi không nói một lời. Ông ta không có vẻ như đang đánh giá tôi, mắt ông ta cũng không để lộ vẻ khinh khỉnh, ánh nhìn sắc nhọn của ông ta cũng không xuyên thấu tôi. Không lạnh hay nóng, hay thậm chí ở tầm trung bình. Cái nhìn chăm chăm ấy không mang bất kỳ một sắc thái tình cảm nào đối với tôi. Người đàn ông chỉ đang nhìn tôi. Ông ta có lẽ đang nhìn bức tường phía sau tôi, nhưng vì tôi ở trước bức tường, nên kết quả là ông ta đang nhìn tôi.
Người đàn ông nhấc chiếc hộp đựng thuốc lá trên bàn, mở nắp lôi ra một điếu thuốc cắt thô, dùng móng tay búng búng đầu điếu thuốc vài lần, châm lửa bằng chiếc bật lửa để bàn và nhả khói ra theo một góc tù. Rồi ông ta đặt lại bật lửa trên bàn và vắt chéo chân. Ông ta nhìn chăm chăm không một lần chớp mắt trong cả quãng thời gian đó.
Đây là người mà tay đối tác của tôi đã kể. Ông ta ăn mặc quá chải chuốt, những ngón tay ông ta quá tao nhã. Nếu không vì đường cong mí mắt sắc nét và con ngươi lạnh băng như hạt thủy tinh của ông ta, tôi hẳn đã nghĩ ông ta là kẻ đồng tính. Nhưng, không thể là kẻ đồng tính với đôi mắt đó. Vậy trông ông ta giống gì? Ông ta không giống bất kỳ thứ gì.
Nếu nhìn kỹ mắt ông ta, ta sẽ thấy chúng có màu kỳ lạ. Nâu đậm với một chút sắc xanh, chẳng những thế, màu mắt trái còn khác màu mắt phải. Mỗi mắt dường như tập trung vào một chủ thể hoàn toàn khác nhau.
Những ngón tay ông ta động đậy đôi chút trên lòng. Một cách đầy ám ảnh, như thể chúng tách rời khỏi bàn tay ông ta, tiến về phía tôi. Những ngón tay bồn chồn, hấp dẫn, căng thẳng, đẹp đẽ. Chậm rãi với qua bàn để dập điếu thuốc hút chưa đến một phần ba. Tôi nhìn đá tan trong ly, nước đá trong vắt hòa lẫn với nước nho. Một sự pha trộn màu sắc không cân bằng.
Căn phòng yên lặng như tờ. Đó là sự yên lặng người ta gặp phải khi bước vào một trang viên lớn. Và đó là sự yên lặng khi ta có quá ít người trong một không gian quá rộng. Nhưng đây là một thứ yên lặng hoàn toàn khác. Một yên lặng nặng nề, ngột ngạt. Một sự yên lặng khiến ta liên tưởng đến, mặc dù tôi phải mất một lúc để nhận ra, sự yên lặng bao quanh một bệnh nhân giai đoạn cuối. Một sự yên lặng mang linh cảm về cái chết. Không khí thoáng mùi ẩm mốc và điềm gở.
“Ai cũng phải chết,” người đàn ông nói nhẹ nhàng trong khi mắt nhìn xuống. Thật kỳ lạ, ông ta dường như nắm bắt được ý nghĩ của tôi. “Tất cả chúng ta, bất kể ai, cũng phải chết vào lúc nào đó.”
Nói xong, người đàn ông lại chìm vào trong yên lặng nặng nề. Chỉ có tiếng kêu inh ỏi đến phát điên của đàn ve sầu bên ngoài. Những thân xác sắp chết kêu gào cuồng nộ trước một mùa sắp kết thúc.
“Hãy để tôi nói hết sức thành thật với cậu,” người đàn ông lên tiếng. Lối nói của ông ta nghe có vẻ như dịch trực tiếp từ một văn bản theo công thức. Cách chọn cụm từ và ngữ pháp của ông ta khá đúng, nhưng không có cảm giác gì trong lời ông ta nói.
“Nói thành thật và nói sự thật là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thành thật đối với sự thật như thể mũi tàu đối với đuôi tàu. Thành thật xuất hiện trước và sự thật xuất hiện sau. Sự cách biệt giữa hai điều tùy thuộc trực tiếp vào kích cỡ con tàu. Với con tàu lớn thì phải mất một lúc lâu mới tới được sự thật. Đôi khi nó chỉ hiện lên sau khi chết. Vì thế, nếu tôi không cho cậu hay bất kỳ sự thật nào trong tình hình này, không phải lỗi của tôi. Cũng không phải lỗi của cậu.”
Người ta biết đáp lại câu nói này thế nào đây? Ông ta chấp nhận sự yên lặng của tôi và tiếp tục nói.
“Cậu có lẽ đang tự hỏi vì lý do gì tôi bắt cậu phải lặn lội đến đây. Đó là để cho tàu chạy lên phía trước. Cậu và tôi sẽ giúp tàu chạy lên phía trước. Bằng cách bàn bạc vấn đề một cách thành thật, tại mỗi thời điểm chúng ta sẽ tiến một bước gần hơn đến sự thật.” Đến đó, ông ta ho húng hắng và liếc nhìn bàn tay tôi đang tựa trên thành xô pha. “Nhưng nói trừu tượng thế này đủ rồi, chúng ta hãy bắt đầu bằng mối lo ngại thật sự. Vấn đề ở đây là cái bản tin cậu tạo ra. Tôi tin là cậu đã được thông báo đủ về việc này.”
“Tôi đã được thông báo.”
Người đàn ông gật đầu. Rồi sau khi ngừng một lúc, ông ta tiếp tục, “Tôi chắc chắn là việc này đến với cậu khá đột ngột. Ai cũng sẽ khổ sở khi thành quả lao động vất vả của mình bị phá hỏng. Càng nghiêm trọng hơn nếu đó là một mắt xích sống còn cho kế sinh nhai của mình. Nó có thể đồng nghĩa với một sự tổn thất thật to lớn. Đúng như vậy không?”
“Đúng thế đấy,” tôi nói.
“Tôi muốn cậu nói tôi nghe về những tổn thất thật ấy.”
“Trong ngành chúng tôi, tổn thất thật là một phần của việc kinh doanh. Không phải là khách hàng không bao giờ từ chối những gì được sản xuất ra. Nhưng đối với một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, nó có thể là mối đe dọa cho sự sống còn của chúng tôi. Vì vậy để ngăn chặn việc đó, chúng tôi tôn trọng quan điểm khách hàng một trăm phần trăm. Trong những trường hợp đặc biệt, điều này có nghĩa là phải kiểm tra lại toàn bộ bản tin từng dòng một cùng với khách hàng. Cách đó khiến chúng tôi tránh được mọi rủi ro. Không phải là việc dễ dàng, nhưng đó là số phận của một con sói cô độc.”
“Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó,” người đàn ông thông cảm. “Trong trường hợp đó, tôi có thể diễn giải điều cậu nói là công ty cậu phải chịu tổn thất tài chính nặng nề do bản tin của cậu bị đình chỉ?”
“Đúng thế, tôi đoán ông có thể nói vậy. Nó đã được in và đóng quyển, vì thế chúng tôi phải trả tiền giấy và tiền in trong tháng này. Còn chi phí cho những người viết bài mà chúng tôi đã thuê. Về tài chính thì khoản đó lên đến năm triệu yên, và nếu mọi chuyện còn tệ hơn thì chúng tôi sẽ phải vay tiền để trả. Hơn nữa, chúng tôi đã quá tay đầu tư vào cơ sở vật chất của văn phòng mới được một năm.”
“Tôi biết,” người đàn ông nói.
“Rồi lại còn vấn đề hợp đồng đang được tiến hành với khách hàng. Vị thế của chúng tôi rất yếu, một khi có vấn đề với một hãng quảng cáo, khách hàng sẽ tránh xa mình. Chúng tôi đang có hợp đồng một năm với công ty bảo hiểm nhân thọ, nếu nó bị hủy bỏ vì việc này thì công ty chúng tôi sẽ phá sản. Chúng tôi nhỏ và không có quan hệ, nhưng chúng tôi có uy tín tốt qua truyền miệng. Nếu một lời nói xấu lan ra, chúng tôi coi như đi đời.”
Ngay cả khi tôi đã nói xong, người đàn ông vẫn nhìn chằm chằm vào tôi không một lời nhận xét. Rồi ông ta lên tiếng. “Cậu nói rất thành thật. Hơn nữa, những gì cậu kể cho tôi trùng hợp với điều tra của chúng tôi. Tôi khen ngợi cậu về điều đó. Cậu thấy sao nếu tôi đề nghị thanh toán không điều kiện cho những bản tin của công ty bảo hiểm đã bị hủy và thông báo họ rằng sẽ tiếp tục hợp đồng hiện tại?”
“Thế thì còn gì để nói nữa. Chúng tôi sẽ quay lại công việc hàng ngày nhàm chán của mình, tự hỏi tất cả những chuyện này là vì cái gì.”
“Và thêm vào đó là một phần thưởng? Tôi chỉ cần viết một từ trên mặt sau tấm danh thiếp là cậu sẽ có sẵn việc làm phù hợp trong mười năm tới. Và không còn những bản quảng cáo phát tay vô tích sự nữa.”
“Nói một cách khác, một phi vụ làm ăn.”
“Một vụ giao dịch thân thiện. Xuất phát từ thiện chí của mình, tôi đã làm ơn cho đối tác của cậu bằng cách thông báo cho cậu ta biết bản tin PR đã bị đình chỉ xuất bản. Và nếu cậu cho tôi thấy thiện chí của mình, tôi sẽ giúp đỡ cậu bằng việc bày tỏ nhiều hơn thiện chí của mình. Cậu có nghĩ cậu làm được điều đó không? Được tôi giúp có thể là có lợi lắm đấy. Tất nhiên cậu không mong tiếp tục làm việc suốt đời với một kẻ nghiện ngập chậm hiểu chứ?”
“Chúng tôi là bạn bè,” tôi nói.
Tiếp sau đó là một khoảng yên lặng thoáng qua, một viên sỏi rơi xuống một cái giếng không dò được. Mất ba mươi giây để hòn sỏi chạm tới đáy.
“Tùy cậu thôi,” người đàn ông nói. “Đó là chuyện của cậu. Tôi đã xem kỹ lý lịch của cậu. Cậu có một quá khứ khá thú vị. Mà con người ta nói chung có thể chia làm hai hoặc những kẻ thực tế tầm thường và những kẻ mơ mộng tầm thường. Cậu rõ ràng thuộc loại thứ hai. Số phận cậu đang và sẽ luôn là số phận của một kẻ mơ mộng.”
“Tôi sẽ nhớ kỹ điều đó,” tôi nói.
Người đàn ông gật đầu. Tôi uống một nửa cốc nước nho đã loãng toẹt.
“Tốt lắm vậy thì, chúng ta hãy đi vào việc cụ thể,” người đàn ông nói. “Việc cụ thể về cừu.”
Người đàn ông đổi tư thế để lôi ra bức ảnh đen trắng từ một chiếc phong bì, đặt trên bàn trước mặt tôi. Hơi thở cực nhẹ của hiện thực dường như len lỏi vào trong căn phòng.
“Đây là bức ảnh cậu dùng trong bản tin của mình.”
Đối với một bức ảnh phóng to trực tiếp mà không dùng phim âm bản thế này thì hình ảnh rõ đến đáng ngạc nhiên. Có lẽ là một công nghệ đặc biệt nào đó.
“Theo chúng tôi biết, bức ảnh này cậu trực tiếp có được và sau đó được dùng trong bản tin. Có đúng thế hông?”
“Đúng như vậy.”
“Theo điều tra của chúng tôi, bức ảnh được chụp trong vòng sáu tháng qua bởi một tay máy hoàn toàn nghiệp dư. Máy ảnh, loại bỏ túi rẻ tiền. Cậu không phải người chụp bức ảnh. Cậu có một chiếc Nikon SLR và chụp ảnh đẹp hơn. Thêm nữa cậu chưa tới Hokkaido trong vòng năm năm qua. Đúng thế không?”
“Ông nói tôi nghe,” tôi nói.
Người đàn ông hắng giọng, rồi im lặng. Đây là một sự yên lặng đích thực, người ta có thể dựa vào đó để đánh giá chất lượng của những sự yên lặng khác. “Dầu sao chăng nữa, những gì chúng tôi muốn là một vài thông tin cụ thể, cậu đã nhận được bức ảnh đó từ đâu, từ ai, và ý định của cậu khi sử dụng cái hình ảnh tồi tàn như thế trong bản tin ấy.”
“Tôi e là tôi không được phép nói ra,” tôi buông lời ấy với vẻ lạnh lùng đến nỗi bản thân tôi cũng phải ấn tượng. “Nhà báo có đầy đủ quyền không tiết lộ nguồn tin của mình.”
Người đàn ông nhìn chằm chằm vào mắt tôi và lấy ngón giữa bàn tay phải vuốt nhẹ môi. Sau mấy hồi vuốt qua vuốt lại, ông ta đặt tay vào lòng. Cứ yên lặng như thế một lúc. Tôi không thể không nghĩ sẽ thật là một thời khắc hoàn hảo nếu đúng lúc đó một con chim cúc cu cất tiếng hót. Nhưng, dĩ nhiên là không có tiếng chim cúc cu nào. Chim cúc cu không hót vào buổi tối.
“Cậu là người tử tế,” người đàn ông nói. “Cậu biết không, nếu muốn, tôi có thể chặn tất cả công việc đến với cậu. Điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho cái quyền báo chí của cậu. Tất nhiên với giả thiết là những tờ rơi và bản quảng cáo phát tay khốn khổ của cậu đủ tư cách được coi là báo chí.”
Tôi ngẫm nghĩ thêm. Tại sao chim cúc cu không hót vào buổi đêm nhỉ?
“Hơn nữa, có nhiều cách để bắt những người như cậu nói.”
“Tôi cho rằng có,” tôi nói, “nhưng sẽ mất thời gian và tôi sẽ không nói gì cho đến phút cuối cùng. Mà dù có nói, tôi cũng sẽ không kể hết mọi thứ. Ông sẽ không có cách nào biết được bao nhiêu là tất cả. Tôi nói sai không?”
Nói thế chẳng qua để dọa thôi, nhưng làm vậy là hợp lý trong hoàn cảnh này. Khoảng yên lặng không chắc chắn theo sau đó chứng tỏ tôi đã ghi thêm ình được vài điểm.
“Nói chuyện với cậu rất buồn cười,” người đàn ông nói. “Kịch bản của cái kẻ mơ mộng là cậu thống thiết một cách thú vị. À mà này, chúng ta hãy nói chuyện gì khác đi.”
Người đàn ông rút trong túi ra một chiếc kính lúp đặt lên bàn.
“Hãy xem xét bức ảnh hết sức cẩn thận.”
Tôi cầm bức ảnh trong tay trái và kính lúp trong tay phải, kiểm tra bức ảnh một cách có phương pháp. Vài con cừu đang nhìn về hướng này, vài con nhìn theo hướng đối diện, vài con cắm cúi ăn cỏ. Một cảnh gợi cho ta nhớ đến một buổi họp lớp cũ tẻ nhạt. Tôi kiểm tra từng con cừu một, xem xét vị trí cỏ, rồi từng cây bu lô ở hậu cảnh, đám núi non đằng sau đó, những đám mây mỏng nhẹ trên trời. Không có điều gì bất bình thường. Tôi ngẩng lên khỏi bức ảnh và kính lúp.
“Cậu có thấy điều gì bất bình thường không?”
“Không chút nào,” tôi nói.
Người đàn ông không tỏ ra mảy may thất vọng.
“Tôi nhớ mang máng cậu theo chuyên ngành sinh học tại trường đại học,” người đàn ông nói. “Cậu biết được bao nhiêu về cừu?”
“Hầu như không biết gì. Chủ yếu tôi học toàn mấy thứ chuyên ngành vô dụng.”
“Nói tôi nghe những gì cậu biết.”
“Thuộc bộ guốc chẵn, ăn cỏ và sống thành bầy. Tôi nghĩ là được du nhập vào Nhật đầu thời Minh Trị. Được sử dụng làm nguồn lấy lông và thịt. Chỉ có vậy thôi.”
“Tốt lắm,” người đàn ông nói. “Dù sao tôi cũng muốn có một đính chính nhỏ: cừu không được du nhập vào Nhật đầu thời Minh Trị, mà trong triều An Chính. Tuy nhiên, trước đó, như cậu nói: không hề có cừu ở Nhật Bản. Đúng là có một số ý kiến cho rằng chúng được mang từ Trung Hoa sang trong thời Bình An, nhưng ngay cả nếu đúng là thế thì chúng đã chết hết trong khoảng giữa hai thời kỳ. Vì thế cho đến thời Minh Trị, chỉ vài người Nhật đã từng trông thấy cừu hoặc nhận thức được cừu là con gì. Cho dù cừu khá nổi tiếng với tư cách là một trong mười hai con giáp trong lịch cổ Trung Hoa, song không ai biết đích xác nó là loại vật gì. Nói vậy có nghĩa, nó có lẽ cũng là một con vật tưởng tượng như rồng hay phượng hoàng. Trên thực tế, những bức tranh cừu do người Nhật trước thời Minh Trị vẽ giống như những con vật quái dị được hư cấu hoàn toàn. Có thể nói là kiến thức người ta biết về cừu cũng tương tự như H. G. Wells biết về người sao Hỏa.
“Thậm chí ngày nay, người Nhật hiểu biết hết sức ít ỏi về cừu. Nói thế có nghĩa cừu là một loài vật không hề có mối liên hệ lịch sử nào với đời sống thường ngày của người Nhật. Cừu được nhập khẩu từ Mỹ ở cấp quốc gia, được nuôi trong một khoảng thời gian ngắn, rồi nhanh chóng bị bỏ quên. Đó là con cừu của cậu đấy. Sau chiến tranh, khi việc nhập khẩu len và thịt cừu từ Úc và New Zealand được tự do hóa, giá trị của việc nuôi cừu ở Nhật tụt xuống số không. Một con vật thảm thương, cậu có nghĩ thế không? Đây, như thế đó, chính là hình ảnh của nước Nhật hiện đại.
“Nhưng tất nhiên tôi không có ý lên lớp với cậu về tính dương dương tự đắc của nước Nhật hiện đại. Có hai điều tôi muốn cậu nhớ kỹ: một là, trước khi kết thúc thời kỳ phong kiến có lẽ không có một con cừu nào trên toàn nước Nhật, hai là, một khi được nhập khẩu, cừu chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ. Và hai điều đó có nghĩa là gì?”
Đó không phải là câu hỏi tu từ; nó được đặt ra cho tôi. “Rằng nguồn gốc mỗi một loại cừu ở Nhật đều được ghi lại,” tôi đáp.
“Chính xác. Tôi có thể thêm vào điểm đó là việc gây giống cừu cũng quan trọng như với ngựa đua, khiến vấn đề truy tìm phả hệ trở nên đơn giản. Nói cách khác, ở đây chúng ta có một con vật được quản lý chặt chẽ. Việc lai tạo với các giống khác có thể được kiểm tra dễ dàng. Không có chuyện buôn lậu. Không ai điên muốn chuốc lấy vạ vào thân mà đi nhập khẩu cừu. Nói về các giống cừu, ở Nhật có giống Southdown, Corriedale, Cheviot, Romanovsky, Ostofresian, Border Leicester, Romney Marsh, Lincoln, Dorset Horn, Suffolk, và chừng đó thôi. Sau khi ghi nhớ những điều đó,” người đàn ông nói, “tôi muốn cậu nhìn lại bức ảnh.”
Một lần nữa tôi cầm bức ảnh và kính lúp trong tay.
“Nhớ nhìn cẩn thận con cừu thứ ba từ phải sang ở hàng đầu.”
Tôi cầm kính lúp săm soi trên con cừu thứ ba từ phải sang ở hàng đầu. Nhìn nhanh sang con cừu cạnh nó, rồi quay trở lại con cừu thứ ba từ phải sang.
“Và giờ thì cậu có thể nói được điều gì đây?” người đàn ông hỏi.
“Nó là một giống khác, đúng vậy không?” tôi nói.
“Đúng thế. Ngoài con cừu đặc biệt đó ra, tất cả các con khác đều là cừu giống Suffolk thông thường. Chỉ mình con cừu ấy là khác. Nó chắc nịch hơn con cừu giống Suffolk nhiều, và lông nó màu khác. Và mặt nó không màu đen. Có gì đó ở nó cho người ta ấn tượng là nó có uy quyền hơn. Tôi đưa bức ảnh này ột chuyên gia nghiên cứu về cừu, ông ấy kết luận là con cừu này không tồn tại ở Nhật Bản. Hay thậm chí ở bất cứ đâu trên thế giới. Vì thế những gì cậu đang nhìn đây là một con cừu đúng ra không nên tồn tại.”
Tôi vớ chiếc kính lúp xem xét lần nữa con cừu thứ ba từ phải sang. Khi xem xét kỹ, ở đó, giữa lưng con cừu, trông có vẻ như có một vết ố màu cà phê nhạt. Mờ mờ không rõ ràng, nó có thể là vết xước trên phim. Có thể là mắt tôi lại đang giở trò với tôi. Hay có lẽ ai đó đã thật sự đánh đổ cà phê lên lưng con cừu.
“Có một vết ố mờ trên lưng nó.”
“Đó không phải là vết ố,” người đàn ông nói, “Đó là một dấu chàm hình ngôi sao. Hãy so sánh nó với cái này.”
Người đàn ông lôi một trang photo từ trong phong bì ra đưa thẳng cho tôi. Đó là bản sao một bức vẽ cừu. Có vẻ như được vẽ bằng bút chì đậm, với những vết ngón tay màu đen trên khắp phần giấy còn lại. Vẽ như trẻ con, tuy thế ở bức vẽ có một vẻ gì đó bắt người ta phải chú ý. Các chi tiết được vẽ hết sức cẩn thận. Hơn thế, con cừu trong bức ảnh và con cừu trong tranh rõ ràng là một. Dấu chàm hình ngôi sao chính là vết ố.
“Giờ hãy nhìn cái này,” người đàn ông vừa nói vừa lôi một chiếc bật lửa từ trong túi ra đưa cho tôi. Đó là một chiếc bật lửa hiệu Dupont được chế tạo đặc biệt, nặng, chắc nịch, bằng bạc, được khắc cùng một biểu tượng cừu tôi thấy trong xe limousine. Không còn nghi ngờ gì nữa, dấu chàm hình ngôi sao trên lưng con cừu, rõ như ban ngày.
Tôi bắt đầu thấy đau đầu.