Cuộc Du Hành Vào Lòng Đất

Chương 04 : Tới REYKJAVIK


Bạn đang đọc Cuộc Du Hành Vào Lòng Đất: Chương 04 : Tới REYKJAVIK

 
Đúng năm giờ rưỡi, ngoài phố vang lên tiếng bánh xe lăn. Một chiếc xe ngựa đến đón chúng tôi ra ga để lên tàu đi Copenhagen. Chẳng mấy chốc những kiện hành lý của chú tôi đã chất đầy xe. Giáo sư hỏi tôi:
– Hành lý của cháu đâu hả, Axel?
– Thưa chú, đã sẵn sàng rồi ạ!
– Thế cháu còn đợi gì nữa mà không mang xuống? Nhanh lên không thì trễ chuyến tàu đó.
Thấy không cưỡng nổi số phận, tôi đành lên cầu thang mang vali xuống.
Trong khi đó giáo sư Lidenbrock trịnh trọng trao chìa khóa nhà cho Grauben. Cô ôm hôn giáo sư với vẻ bình thản hàng ngày. Nhưng khi đặt đôi môi dịu dàng của cô lên má tôi, cô không khỏi ngăn được một dòng nước mắt tuôn trào.
– Grauben. – tôi kêu lên.
– Đi đi, anh Axel của em! Em sẽ chờ cho tới ngày anh trở về. Lúc đó em sẽ là vợ của anh!
Tôi ôm riết lấy Grauben trong vòng tay, rồi nhảy lên xe. Đứng ở ngưỡng cửa, dì Marthe và cô gái xinh đẹp của tôi giơ tay từ biệt chúng tôi lần cuối. Người đánh xe huýt lên một tiếng dài. Được lệnh, hai con ngựa bỗng rùng mình cất vó rồi phi nước đại trên con đường đến nhà ga.
Sáu giờ rưỡi chúng tôi tới ga xe lửa. Mọi hành lý đều được cân rồi đưa lên toa hàng. Tới bảy giờ xe khởi hành. Tôi vẫn còn buồn nhưng không khí lạnh buổi sáng làm tôi tỉnh táo hơn. Tôi nhìn ra cửa sổ, cảnh vật dường như bay lùi lại phía sau. Xe chạy thật nhanh nhưng giáo sư vẫn cho là quá chậm. Chú tỏ vẻ nóng nảy vô cùng. Chúng tôi ngồi kề bên nhau nhưng chẳng ai buồn nói năng gì hết. Chú tôi cẩn thận xem xét lại mọi thứ. Tôi thấy rằng ông không quên bất cứ thứ gì cần thiết cho kế hoạch. Một trong những thứ đó tôi thấy một lá thư giới thiệu gửi thống đố Iceland. Tôi cũng thấy mẩu tài liệu khủng khiếp đó trong ví của ông. Trong thâm tâm tôi nguyền rủa nó và quay đi nhìn ra cửa sổ.
Ba giờ sau xe lửa dừng lại ở Kiel. Chúng tôi chẳng lo gì cho hành lý cả. Nhưng giáo sư vẫn bồn chồn theo dõi việc chuyển chúng xuống tàu biển. Trong lúc vội vàng, giáo sư đã ghi nhận sai giờ tàu khởi hành, nên chúng tôi còn dư cả một ngày. Con tàu Ellenora mãi đến tối mới lên đường. Chú tôi tìm thuyền trưởng và bắt đầu càu nhàu. Ông muốn tàu đi ngay và thuyền trưởng đã phải đuổi giáo sư Lidenbrock ra ngoài.

Ở Kiel, cũng như mọi nơi khác, rồi ngày cũng qua. Chúng tôi đi dọc bờ biển, qua những cánh rừng, ngắm nghía những ngôi nhà, rồi sau cùng đến mười giờ tối.
Con tàu rung lên với tiếng máy nổ. Chúng tôi đã lên tàu. Mười giờ mười lăm, con tàu lướt trên mặt nước đen ngòm tiến ra biển. Đêm đó tối trời, gió mạnh và biển cả gầm gừ. Vài tia sáng hiện ra trong đêm, tôi nhớ chỉ có bấy nhiêu trong lần vượt biển đầu tiên này.
Bảy giờ sáng hôm sau, chúng tôi cập bến Korsor, một thị trấn nhỏ ở vùng duyên hải phía tây của Đan Mạch. Chúng tôi lại từ tàu biển chuyển qua xe lửa, nó đưa chúng tôi băng qua những vùng nông thôn bằng phẳng. Và phải mất hơn ba giờ nữa mới tới được Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch. Suốt đêm chú tôi không chợt mắt. Tôi thầm nghĩ trong cơn nóng ruột chắc ông dùng chân đạp xuống đất để xe chạy nhanh hơn nữa.
Sau cùng, đến mười giờ sáng, chúng tôi tới Copenhagen. Hành lý được chuyển lên một chiếc xe ngựa cùng chúng tôi đến khách sạn Phượng Hoàng ở Bredgade. Xe ngựa chạy nửa giờ mới đến vì nhà ga ở ngoại ô. Sau khi vội vàng tắm rửa, giáo sư gọi tôi đón xe cùng đi tới viện bảo tàng thành phố. Chú tôi có một lá thư giới thiệu gửi cho giám đốc viện bảo tàng là giáo sư Thomson. Thông thường khi các nhà khoa học gặp nhau lần đầu họ có thái độ xa cách với nhau. Nhưng lần này thì khác, vì giáo sư Thomson rất tận tình. Ông ta không hỏi lý do đi Iceland của chúng tôi, còn chúng tôi cứ như những du khách bình thường đến Iceland chỉ vì tò mò mà thôi.
Giáo sư Thomson đề nghị tìm giúp chúng tôi một chiếc tàu đi Iceland. Tôi cứ hi vọng thấp thỏm là không tìm ra nhưng lại thất vọng. Một con tàu nhỏ tên Valkyrie sẽ ra khơi đi Reykjawik vào ngày 2 tháng 6. Mừng quá, giáo sư bước tới siết chặt tay ông thuyền trưởng. Thuyền trưởng Bjarne hơi ngạc nhiên và tính giá vé gấp đôi. Nhưng chú tôi chẳng bận tâm đến những chuyện lặt vặt như thế. Sau khi cần thận đút số tiền kha khá ấy vào túi, thuyền trưởng Bjarne căn dặn:
– Đúng bảy giờ sáng thứ ba, các ông nhớ có mặt trên tàu Valkyrie!
Chúng tôi cảm ơn giáo sư Thomson rồi quay về khách sạn Phượng Hoàng. Chú tôi luôn miệng nhắc đi nhắc lại:
– Mọi chuyện tốt đẹp đấy! Tốt đẹp đấy! Thật may mắn khi tìm được một con tàu sẵn sàng ra khơi. Bây giờ chúng ta ăn sáng rồi thăm thành phố.
Chúng tôi đi trên đường phố thủ đô Copenhagen. Bỗng xa xa, phía tây nam nổi lên bóng một tháp chuông cao vút đập vào mắt giáo sư Lidenbrock. Ông ra lệnh cho tôi đi về hướng ấy. Sau khi đi xuyên qua mấy hẻm phố, tôi và giáo sư tới trước nhà thờ Vor Frelsers Kirk. Nhà thờ này trông chẳng có gì đặc biệt. Nhưng điều làm chú tôi chú tôi chú ý là ở cái tháp chuông khá cao có một cầu thang ngoài trời từ sân thượng leo lên quanh chóp tháp theo đường xoắn ốc.
– Chúng ta leo lên đi! – chú tôi nói.
– Nhưng chóng mặt lắm chú ạ!
– Cháu sợ chóng mặt hả? Thế mới phải làm cho quen chứ!

– Nhưng thưa chú…
– Không nhưng gì cả. Nào, đừng nhùng nhằng mất thời giờ!
Tôi đành phải tuân theo lời giáo sư. Một người trông coi nhà thờ đưa chúng tôi chìa khóa mở cửa cầu thang tháp chuông. Chúng tôi bắt đầu trèo lên.
Giáo sư xăm xăm đi trước, tôi theo sau mà lòng không khỏi lo sợ. Khi chúng tôi leo đến hết một trăm năm mươi bậc, gió bắt đầu ùa tới quất thẳng vào mặt tôi, chúng tôi đã lên sân thượng của tháp chuông. Từ đây bắt đầu đoạn cầu thang ngoài trời, với một tay vịn mỏng manh cùng những bậc thang ngày càng hẹp hơn và lên ãi như vô tận. Tôi kêu lên:
– Chú ơi, cháu chịu thua! Cháu…
– Sao nhát vậy hả! Mau leo tiếp đi!
Bất đắc dĩ tôi phải bíu chặt lấy tay vịn cầu thang và lần bước theo giáo sư. Khí trời thoáng đãng khiến tôi choáng ngợp. Tôi thấy hình như tháp chuông trao đảo trong gió. Đôi chân tôi nhũng ra. Dần dần tôi phải leo bằng đầu gối, rồi áp bụng xuống mà trườn lên. Cuối cùng, giáo sư nắm lấy cổ áo lôi tôi đứng dậy. Chúng tôi đã lên tới quả cầu gắn trên đỉnh tháp. Giáo sư nói:
– Axel, cháu hãy mở to mắt ra mà nhìn. Phải làm quen với vực thẳm cháu ạ!
Tôi đành hé mắt ra. Lẫn giữa những đám khói bếp mù mịt, tôi nhìn thấy những ngôi nhà trông bẹp dí như bị rơi từ trên cao xuống. Phía trên đầu tôi, những đám mây tơi tả lướt qua. Tôi có cảm giác như mây đang đứng yên, còn bản thân cái tháp chuông và quả cầu trên nóc nó trôi nhanh vùn vụt. Xa xa, một phía là ruộng đồng xanh mướt, phía bên kia là biển cả chói chang ánh mặt trời. Một vài cánh buồm trắng muốt như những cánh chim hải âu dập dềnh trên sóng nước. Về phía tây, bờ biển Thụy Điển hiện lên nhấp nhô lờ mờ trong sương mù. Toàn bộ khung cảnh mênh mông ấy quay cuồng trước mặt tôi.
Tôi bị bắt buộc phải đứng lên, phải vươn thẳng người và nhìn ra khắp chung quanh. Bài học làm quen với vực thẳm kéo dài trong một giờ. Cuối cùng, khi rời đỉnh tháp đi xuống, đặt chân trên mặt đất vững chắc của đường phố, tôi mệt lả cả người. Giáo sư nói với tôi:
– Ngày mai ta lại tiếp tục luyện tập!

Ròng rã năm ngày liền, tôi phải lập đi lập lại cái bài tập làm quen với vực thẳm ấy và dần dà cũng có nhiều tiến bộ rõ rệt.
Đã tới ngày hẹn tàu Valkyrie. Sáu giờ sáng ngày 22 tháng 6, hành lý của chúng tôi được xếp gọn trong khoang tàu. Thuyền trưởng dẫn chúng tôi đến những cabin hẹp dưới tàu. Chú tôi hỏi:
– Chúng ta sẽ thuận buồm xuôi gió chứ?
– Được, gió đông nam thuận lợi lắm! – Thuyền trưởng Bjarne trả lời – Chúng ta sẽ ra khỏi sông Sund theo hướng gió chếch, rồi cứ thế căng buồm ra khơi.
Ít phút sau, tàu Valkyrie nhổ leo rời bến. Nhìn trở lại nơi xuất phát, tôi thấy Copenhagen như chìm dần dưới những lớp sóng xa xa. Chiếc Valkyrie vẫn lướt trên sóng, hơi chao nghiêng dưới làn gió nhẹ.
Valkyrie là một chiếc thuyền buồm tốt với năm thủy thủ lành nghề điều khiển, nhưng chẳng biết có nên quá tin vào một chiếc thuyền buồm hay không?
– Phải mất bao lâu mới tới? – chú tôi hỏi thuyền trưởng Bjarne.
– Khoảng mười ngày nếu không gặp gió ngược bất ngờ thổi từ hướng tây bắc.
– Có bao giờ bị trễ không?
– Ít khi lắm. Xin giáo sư cứ an tâm. Chúng ta sẽ cập bến bình an.
Ngày 11 tàu đến bờ biển phía nam. Thuyền trưởng Bjarne cho tàu đi xa bờ và bắt đầu chạy vòng qua phía tây, vùng này đá ngầm ra khỏi bờ thật xa, sóng lại khá lớn. Rồi chúng tôi đi ngang qua vị trí cực tây của Iceland. Bốn mươi tám giờ sau, cơn bão nhỏ đã yên và chúng tôi đi đến một vùng biển lởm chởm đá rất nguy hiểm.
Ba giờ sau tàu Valkyrie bỏ neo trong một vịnh Faxa gần thành phố Reykjawk. Như vậy đúng mười ngày sau, tuy có gặp một cơn bão ép thuyền phải chạy không buồm, nhưng chiếc thuyền vẫn cập bến đúng thời hạn. Giáo sư Lidenbrock bước ra khỏi cabin tuy hơi mệt mỏi, nhợt nhạt nhưng vẫn vui vẻ và nhiệt tình. Ông rất nóng lòng muốn rời khỏi cái nhà tù nổi này. Nhưng trước khi rời khỏi boong tàu, ông kéo tôi ra mạn trước và chỉ cho tôi thấy một ngọn núi cao có hai đỉnh phủ tuyết quanh năm và xúc động kêu lên:
– Sneffels, ngọn núi Sneffels đấy!

Sau khi ra hiệu cho tôi phải tuyệt đối giữ bí mật, giáo sư Lidenbrock xuống chiếc xuồng nhỏ đang đợi ông. Tôi cũng xuống theo và chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đặt chân lên đất Iceland.
Người đầu tiên mà chú tôi tìm gặp là thống đốc Iceland, nam tước Trampe. Giáo sư nhận ra ngay người mình cần gặp. Ông liền trao lá thư giới thiệu và hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Đan Mạch nên tôi chẳng hiểu gì cả. Sau đó giáo sư kể lại là nam tước sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Sau đó chúng tôi đến gặp viên thị trưởng và lần này cũng được tiếp đón niềm nở.
Người thứ ba mà chúng tôi gặp là một nhân vật khá thú vị mà sự cộng tác của ông ta rất quý giá đối với chúng tôi, đó chính là ông Pridrikson, giáo sư sinh vật học ở Reykjavk. Nhà bác học khiêm tốn này bắt đầu câu chuyện bằng tiếng latinh và tôi cảm thấy ngay hai bên dễ dàng thông cảm nhau. Quả thật, ông là người duy nhất mà tôi có thể trò chuyện được trong xuốt thời gian ở Iceland. Giáo sư Pridrikson cho chúng tôi mượn hai trong số ban căn phòng ở nhà ông để nghỉ ngơi và thu xếp hành lý.
– Thế nào Axel, – giáo sư nói – cháu thấy không, mọi việc đều suông sẻ cả! Việc khó khăn nhất cũng đã giải quyết xong!
– Thưa chú, chuyện khó khăn nhất cũng đã giải quyết xong rồi sao?
– Chứ sao! Khó nhất là chuyện vượt biển cũng đã trót lọt. Bây giờ chúng ta chỉ còn mỗi một việc là đi xuống lòng đất.
– Có thể chú nghĩ như vậy thôi. Nhưng sau khi đi xuống dưới chúng ta còn phải trở lên nữa.
– Chuyện đó không mấy quan trọng đâu. Thôi, không nên mất thời gian vô ích. Chú phải đến ngay thư viện, biết đâu lại tìm thấy một bản viết tay khác của Arne Saknussemm!
– Trong thời gian đó, cháu xin phép đi thăm thành phố. Hya chú đi với cháu? Chẳng lẽ chú không thích tham quan à?
– Muốn lắm chứ. Nhưng cái chú muốn tìm hiểu ở đất Iceland này không phải nằm ở bên trên mà là ở bên dưới lòng đất kia.
Tôi ra phố và đi lang thang. Trong ba giờ đi dạo, không những tôi thăm được hết thành phố mà còn cả vùng ngoại vi nữa. Quang cảnh chung đặt biệt buồn tẻ, chẳng gặp cây cối, vườn tược gì cả. Đâu đâu cũng toàn là những cạnh đá núi lửa trơ trọi. Những túp lều của người Iceland dựng bằng đất nhào than bùn, vách xiêu ngả vào bên trong, trông tựa như những mái nhà úp chụp trên mặt đất. Những mái nhà này thật sự là những đồng cỏ khá màu mỡ vì nhờ có hơi ấm của người ở. Mỗi khi mùa cắt cỏ đến, người ta cắt cỏ hết sức cẩn thận, nếu không gia xúc sẽ không ngại gì mà không xông đến gặm cỏ trên những căn nhà xinh tươi ấy. Trên đường đi tôi cũng gặp vài người địa phương. Dân ở đây trông khỏe mạnh nhưng kềnh càng, giống những người Đức tóc vàng và đôi mắt trầm tư. Phụ nữ thì mang khuôn mặt buồn, xinh xắn nhưng vô hồn. Con gái thì đội mũ đan màu nâu, còn đàn bà thì có khăn bịt đầu màu sặc sỡ.
Sau cuộc dạo chơi thoải mái. Khi trở về nhà ông Fridrikson thì thấy chú tôi đang ngồi nói chuyện với ông ấy.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.