Đọc truyện Cùng Anh Ngắm Hoa Sơn Trà – Chương 43
Tối hôm sau, Thu về đến
nông trường. Ba đưa Thu đi, đến khi trông thấy cái nhà hình chữ L, hai người
mới lưu luyến chia tay.
Ba nói, anh còn phải chờ
bệnh viện xác nhận, bảo Thu cứ về nông trường làm việc, nếu không anh sẽ nổi
cáu. Thu sợ anh nổi cáu sẽ cắt tay, đành phải về nông trường. Hai người hẹn
nhau, cứ hai tuần vào ngày nghỉ của Thu sẽ gặp nhau tại bệnh viện huyện, cho dù
lúc đó đã ra viện anh vẫn chờ Thu ở phòng riêng của cô y tá cao. Anh đồng ý với
Thu, nếu đúng là bệnh máu trắng anh sẽ viết thư báo cho Thu biết ngay, không có
thư có nghĩa là bình an vô sự.
Ngay tối hôm Thu về đến
nông trường liền đi tìm thầy Trịnh để báo thầy không trả lại thư của Thu. Thu
nói khéo: “Thưa thầy, em có một người bạn học ở trường trung học Nghiêm Gia Hà,
nó bảo viết cho em mấy lá thư gửi về nông trường theo địa chỉ “Nông trường
trường trung học số Tám thành phố K, đại đội sản xuất Phó Gia Xung, công xã
nhân dân Ngiêm Gia Hà”, nhưng thư đều bị trả lại người gửi. Thầy thấy tại sao,
có phải sai địa chỉ không ạ?>
– Địa chỉ đúng rồi. –
Thầy Trịnh có vẻ bức xúc. – Ai lại gửi thư trả lại như thế nhỉ?
Thu nghĩ, thầy vờ vịt
khéo quá, lại hỏi:
– Thư của nông trường thì
ai chuyển đến ạ?
– Thư đưa về đại đội sản
xuất, nói chung, cha của tôi mỗi lần lên đại đội tiện thể lấy về, mỗi lần tôi
về nhà thấy thư đều đem đến đây. Cha tôi biết tên mầy người ở nông trường,
tuyệt đối không trả lại thư của cô.
Thầy Trịnh hỏi:
– Có phải cô nghi ngờ tôi
trả lại thư của cô? Tôi có thể dùng danh nghĩa đảng viên để thề, tôi không trả
lại thư của cô.
Thầy Trịnh nói thế, Thu
không còn biết nói sao, đành tin tưởng thầy không dám trả lại thư.
Ban ngày Thu bận thổi nấu
cho học sinh, có lúc tranh thủ ra đồng lao động. Đến tối, khi nằm ngủ, Thu nhắm
mắt, hồi tưởng lại một ngày một đêm sống bên Ba, nhất là đêm hôm ấy, khiến tình
cảm trào dâng. Có lúc Thu tự vuốt ve bản thân, nhưng không chút cảm giác, lẽ
nào bàn tay Ba có điện? Tại sao anh chạm đến đâu chỗ ấy lập tức có cảm giác
buồn buồn? Thu muốn ngày nào cũng cùng bay với anh, ít nhất trong những năm anh
còn sống, ngày nào cũng được bay với anh.
Thu nghe người ta nói,
con gái làm chuyện ấy với nam giới, cơ thể sẽ biến đổi, ngay như đi tiểu cũng
khác. Thu nghe nói con gái lớn đi tiểu thành bãi, nhưng không ai nói dáng đi
biến đổi thế nào. Thu cảm thấy dáng đi của mình không thay đổi, nhưng lại sợ
người khác phát hiện dáng đi của mình thay đổi.
Một tuần lễ qua đi trong
tâm trạng nôn nóng, nhưng đến tối Chủ Nhật, trước đấy một hôm, cô giáo Triệu về
nghỉ vẫn chưa trở lại nông trường, hai hôm sau mới nhờ người đưa thư đến báo cô
đi nạo thai, phải nghỉ một tháng. Thu nghe tin, trố mắt ngơ ngác, cô Triệu chưa
về có nghĩa là Thu không thể đến phố huyện K, nông trường chỉ có Thu và cô giáo
Triệu lo chuyện nấu ăn, nhất định phải có một người. Lòng Thu như lửa đốt, liền
đi tìm thầy Trịnh nói với thầy, Thu hẹn cuối tuần thứ hai có việc phải về, bây
giờ không được về, ở nhà mẹ rất nóng ruột.
Thầy Trịnh động viên:
– Cô Triệu nghỉ ở nhà, mẹ em
biết em bận việc nông trường, bà ấy sẽ không lo lắng gì đâu. Nhà trường sẽ cử
người đến làm thay việc cho cô giáo Triệu, em cố gắng vài tuần tôi sẽ cho em
nghỉ thâm vài ngày. Bây giờ nông trường chỉ có một mình em làm bếp, em phải coi
trọng công tác, giúp nông trường trong việc này.
Thu có chuyện khổ tâm
nhưng không dám nói ra, không biết phải làm thế nào để báo cho Ba biết mình
không thể đi nổi. Cũng may, không có thư của Ba chứng tỏ bệnh viện vẫn chưa xác
định anh bị bệnh ấy, Thu đành kiên nhẫn chờ thêm mấy hôm, tin rằng Ba sẽ hiểu.
Mấy hôm sau, nhà trường
cử cô giáo Lí đến làm thay việc của cô giáo Triệu. Thu khẩn thiết xin thầy
Trịnh cho nghỉ cuối tuần này để về nhà. Thầy trịnh muốn báo Thu kéo dài thêm
một tuần nữa, để cô giáo Lí quen việc rồi Thu hãy nghỉ, nhưng Thu không chịu.
Chưa bao giờ thầy Trịnh thấy Thu không phục tùng sự phân công, rất không vui,
nhưng không có cách nào, đành cho Thu nghỉ.
Đã quá ngày hẹn hơn một
tuần lễ, nhưng Thu tin anh vẫn chờ. Sáng thứ Bảy Thu đi rất sớm, một mình đi từ
Phó Gia Xung lên Nghiêm Gia Hà, ngồi chuyến xe đầu tiên để đến bệnh viện K. Thu
vào phòng bệnh của anh trước, nhưng anh không có ở đấy, người nằm cùng phòng đã
thay đổi, bảo phòng này không có ai tên là Ba.
Thu lại đến phòng của cô
y tá, nhưng Ba cũng không ở đấy. Thu đi tìm, mọi người bảo hôm nay cô Cao nghỉ.
Thu lần mò hỏi thăm được địa chỉ rồi đến thẳng đấy. Nhà cô Cao không có ai, Thu
đành ngồi chờ ở cửa. Chờ đến tận chiều cô Cao mới từ bên nhà chồng về. Thu tự
giới thiệu mình là bạn của Ba, muốn hỏi Ba đi đâu.
Cô Cao nói:
– Ôi, cô là Thu? Anh ấy
mượn phòng để cho cô đấy à?Thấy Thu gật đầu, cô Cao nói:
– Anh ấy ra viện lâu rồi,
có để lại cho cô một lá thư, nhưng tôi để trong khu bệnh viện, bây giờ cô đi
lấy với tôi nhé.
Thu nghĩ, có thể anh để
lại địa chỉ của đội Hai, bảo Thu đến đấy tìm Thu đi với cô y tá một lần nữa vào
căn phòng kia, trăm mối tơ vò, những gì xảy ra trong đêm hôm ấy hiện ra trước
mắt.
Cô y tá đưa lá thư của Ba
cho Thu, lá Thư không phong bì, vẫn gấp theo hình chim bồ câu. Bỗng Thu có dự
cảm không may mắn. Quả nhiên, Ba viết:
Rất xin lỗi vì anh đã
nói dối em, đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nói dối em. Anh không
bị bệnh máu trắng, anh nói như vậy là muốn để trước khi đi được gặp em.
Bố anh đang vô cùng nguy
kịch, ông rất muốn anh về bên ông, cho nên ông bí mật điều động anh về. Lẽ ra
anh phải về tỉnh A công tác từ lâu, nhưng anh muốn được gặp em, cho nên cứ chờ
ở đấy, chờ có cơ hội. Lần này được ông Trời khai ơn, coi như anh đã được gặp
em, cùng em qua một ngày một đêm hạnh phúc. Và anh đi không chút tiếc nuối.
Anh đã hứa với mẹ em,
chờ em một năm một tháng, anh cũng đã hứa với em chờ em đến hai mươi lăm tuổi,
xem ra anh không thể giữ nổi những lời hứa đó. Con cái vốn rất tình cảm, cuối
cùng không thể nào so với những lời gọi cao hơn thế. Em muốn trách anh thế nào
thì cứ trách, tất cả đều là sai lầm của anh.
Người cùng tên với anh
sẽ che nắng che mưa cho em, có thể chịu đựng vì em, anh tin đấy là một người
tốt. Nếu em cùng anh ấy sống đến đầu bạc răng long, anh xin chúc mừng hạnh phúc
của hai người.
Lá thư như một đòn mạnh
khiến Thu choáng váng, không thể hiểu nổi ý anh. Thu nghĩ, nhất định bệnh
việnác nhận anh bị bệnh máu trắng, anh sợ Thu buồn, nên mới nói dối như thế để
thu quên anh, để Thu sống hạnh phúc.
Thu hỏi cô y tá:
– Chị có biết anh Tân bị
bệnh gì mà phải nằm viện không?
– Cô không biết à? Bị cảm
nặng.
Thu thận trọng hỏi: “Tại
sao em lại nghe nói anh ấy bị… bệnh máu trắng?
– Bệnh máu trắng? – Cô
Cao tỏ ra kinh ngạc thật sự. – Tôi không nghe nói, bệnh máu trắng thì không nằm
ở chỗ chúng tôi. Điều kiện ở bệnh viện này không tốt, bệnh hơi nặng một chút là
phải chuyển viện.
– Anh ấy ra viện hôm nào
thế ạ?
Cô Cao suy nghĩ rồi nói:
– Ra viện phải hai tuần
rồi, hôm ấy tôi đi làm ca ngày, mỗi tuần chúng tôi đổi ca một lần, đúng vậy,
phải hai tuần rồi.
– Cuối tuần trước anh ấy
có về lại bệnh viện không?
– Tôi không rõ, nhưng anh
ấy mượn chìa khóa phòng tôi. Tôi còn có một chìa khóa nữa, trước khi đi anh ấy
bỏ chìa khóa vào trong phòng rồi khóa ngoài, cho nên tôi không rõ cuối tuần
trước aanh ấy có về đây không. Anh ấy mượn chìa khóa là để cho cô đến ở hay
sao?
Thu không trả lời. Xem ra
cuối tuần trước Ba đã chờ Thu ở đây. Có phải vì không thấy Thu đến nên anh đã
hiểu nhầm mới viết lá thư này rồi về tỉnh A? Nhưng Ba không phải là con người
một lần lỗi hẹn mà hiểu nhầm.
Thu không biết tại sao,
ngồi ở đây cũng không thể gọi anh về được, Thu muốn đến đội Hai để tìm anh,
nhưng hỏi thời gian, nhận ra bây giờ đã muộn, không còn xe đi Nghiêm Gia Hà,
Thu đành cảm ơn cô Cao rồi rae về thành phố K.
Thu ngồi ở nhà, lòng vẫn
không sao bình tĩnh nổi, Thu bực nhất vì không thể biết chân tướng sự thật.
Không biết chân tướng sự thật khác nào trên sân bóng không có chỉ giới, không
biết đứng đâu để nhận bóng, cũng không biết phát bóng đến tận đâu. Sự lo lắng
đề phòng còn dễ sợ hơn trái bóng trúng vào trán cầu thủ. Thu buồn vô hạn, ai
nói chuyện cũng làm Thu bực mình, tưởng như mọi người đang cố tình gây chuyện
với Thu.
Thu có ba ngày nghỉ,
nhưng sáng thứ Hai Thu đã lên đường về nông trường, nói dối mẹ vì cô giáo Lí
mới đến, chưa quen việc, phải về sớm để giúp cô. Đến phố huyện K Thu xuống xe,
lại đến bệnh viện huyện, đến phòng Ba đã nằm để xem. Tất nhiên Ba không ở đấy,
thu biết điều đó, nhưng chỉ là để dự phòng ngộ nhỡ anh về đấy.
Thu lại đến văn phòng
bệnh viện để hỏi thăm lí do Ba nằm viện, người ta bảo Thu đi tìm bác sĩ Tạ,
khoa nội. Thu tìm thấy phòng của bác sĩ Tạ, Thu thấy một phụ nữ tuổi trung niên
đang nói chuyện áo len với một nữ bác sĩ khác. Nghe nói Thu tìm, bà ta bảo Thu
chờ ở cửa.
Thu nghe hai vị bác sĩ
tranh luận mãi về một kiểu đan không lấy gì làm phức tạp, Thu liền bước vào, tự
giới thiệu cách đan. Hai người phụ nữ khép cửa lại, lấy cái áo len ra, bảo Thu
chứng thực lời mình nói. Thu nhanh tay đan, khiến cả hai người đều phục, bảo
Thu viết cách đan ra một tờ giấy.
Hai nữ bác sĩ nghiên cứu
một lúc, tin rằng mình đã hiểu, lúc này bác sĩ Tạ mới hỏi Thu có việc gì. Thu
nói:
– Em muốn hỏi thăm anh
Tôn Kiến Tân mắc bệnh gì mà phải nằm viện?
Thu nói rõ tâm trạng lo
lắng của mình, sợ anh bị bệnh hiểm nghèo, lo Thu buồn nên tránh mặt. Nếu như
vậy Thu sẽ tìm đến tỉnh A, sống với anh mấy tháng.
Hai nữ bác sĩ đều khen
Thu. Bác sĩ Tạ nói:
– Tôi cũng không nhớ ai
bị bệnh gì phải vào viện, để tôi kiểm tra giúp cô.
Nói xong, bà lục tìm
trong tủ, lấy ra một cuốn sổ, mở ra xem nói:
– Vì cảm phải vào viện,
được tiêm, uống thuốc, truyền nước trị cảm.
Thu không tin, nói:
– Đấy là cuốn sổ gì, chị
có thể cho em xem được không?
Bác sĩ Tạ nói:
– Đây là cuốn sổ y lệnh,
cô muốn xem thì xem, nhưng cô sẽ không hiểu gì đâu.
Thu có mấy ngày học y,
cũng đã làm ở bệnh viện, tuy chưa học được gì, nhưng “y lệnh” thì Thu đã nghe
nói, Thu cầm cuốn sổ xem, đúng là sổ y lệnh, đều là những chữ rồng bay phượng
múa của bác sĩ, phần nhiều là chữ la tinh “như trên”, “như trên”. Thu lật giở
tang trước, tìm thấy y lệnh khi Ba mới vào viện, nhận thấy tên thuốc penicilin,
truyền nước đường vào tĩnh mạch, xem ra đúng là bị cảm.
Từ bệnh viện ra, tâm
trạng Thu vô cùng phức tạp. Ba bị cảm, Thu mừng cho anh, nhưng anh để lại bức
thư rồi biến mất, khiến Thu khó hiểu. Thu xuống xe ở Nghiêm Gia Hà, không cần
suy nghĩ gì cứ thế đến trường trung học tìm Phương. Bất kể Phương đang trên
lớp, Thu đứng ở cửa sổ vẫy tay gọi, thầy giáo đang giảng bài chạy ra hỏi Thu có
chuyện gì, Thu bảo tìm Phương, thầy giáo bực mình vào lớp gọi Phương ra.
Phương rất ngạc nhiên:
– Tại sao lúc này chị
đang ở đây?
Thu nói với giọng trách
móc:
– Tại sao hôm ấy Phương
bảo anh của Phương nằm viện? Rõ ràng là anh ấy…
– Phương anh ấy là anh cơ
mà?
– Phương bảo anh ấy bị
bệnh, nhưng bệnh viện nói không phải. Ai bảo với Phương anh ấy bị bệnh hiểm
nghèo?
Phương do dự giây lát rồi
nói:
– Chính anh ấy bảo,
Phương không nói dối, chị Thu có tin hay không là việc của chị.
– Anh ấy về tỉnh A rồi,
Phương có biết không?
– Có nghe nói. Thế nào,
chị định đến tỉnh A tìm anh ấy à?
– Thu không biết địa chỉ
của anh ấy ở tỉnh A, biết tìm anh ấy ở đâu? Phương có địa chỉ của anh ấy không?
Phương như tự trách mình:
– Phương làm sao có địa
chỉ của anh ấy? Ngay cả chị anh ấy cũng không nói, làm sao cho Phương biết?
Phương không hiểu hai người làm chuyện gì?
– Bọn mình không làm
chuyện gì, chỉ lo anh ấy bị bệnh máu trắng, nhưng anh ấy không muốn để Thu phải
lo lắng nên mới trốn về tỉnh A.
– Phương không tin. Anh
ấy về tỉnh A thì chị Thu không lo à? Chị càng lo hơn ấy chứ.
Thu nghĩ cũng phải. Thu
hỏi, tỏ ra khó hiểu:
– Theo Phương thì tại sao
anh ấy về tỉnh A?
Phương có phần bực mình:
– Chị Thu hỏi Phương,
Phương hỏi ai? Cho nên Phương nói, không biết hai người làm cái trò gì là
vậy.Thu khẩn khoản:
– Phương có biết đội Hai
ở đâu không? Phương có thể đi với Thu được không? Thu muốn đến đấy xem sao, Thu
sợ anh ấy ở đấy, tránh không muốn gặp Thu.
Phương nói:
– Phương đang lên lớp,
bảo chị Thu địa chỉ, chị đi tìm, gần thôi, Phương chỉ chỗ cho chị.
Theo chỉ dẫn của Phương,
Thu tìm đến nơi đội Hai đang làm việc, cách Nghiêm Gia Hà hơn một cây số, chả
trách gì Ba nói đến giờ nghỉ trưa anh lại lên phố Nghiêm Gia Hà chơi. Thu hỏi
thăm những người đang làm việc, mọi người đều nói Ba được điều về tỉnh A rồi,
bố anh ta làm quan to, đã thu xếp công việc cho anh ấy, đâu có giống chúng tôi
không có ô dù, suốt đời phải đi dã ngoại.
Thu hỏi:
– Các anh có nghe nói…
anh ấy bị bệnh hiểm nghèo gì không?
Mọi người nhìn nhau:
– Cậu ấy bị bệnh hiểm
nghèo à? Tôi thấy cậu ấy rất khỏe, có thể đánh chết cả hổ ý chứ.
Một anh khác nói:
– Ôi, cậu chỉ nói mò, cậu
ấy bị bệnh, phải nằm bệnh viện huyện…
Người thứ ba nói:
– Cậu ấy có ô dù, không
muốn đi làm, trốn vào bệnh viện ít hôm, ai mà chả biết gái phố huyện xinh đẹp.