Cực Phẩm Thái Tử Gia

Chương 44: Công Kích Đường Sinh


Đọc truyện Cực Phẩm Thái Tử Gia – Chương 44: Công Kích Đường Sinh


Cho dù đang rơi vào tình cảnh trớ trêu, nhưng không ai nhìn thấy sự hoảng sợ và lúng túng trên nét mặt của Đường Sinh, trái lại sự bình tĩnh của hắn lại khiến một số bạn học kinh ngạc.
– Ồ…Xin lỗi thầy giáo, vừa rồi em và bạn Chu Tiểu Thường cũng đang bàn luận về lịch sử hưng vong của Cố phủ trong Hồng Lâu Mộng, em cũng rất hứng thú với phương pháp giảng dạy của thầy giáo khi mượn hình ảnh thu nhỏ về sự hưng vong của Hồng Lâu Mộng để nói về những vương triều trong lịch sử, làm cho chúng em tiếp thu bài rất hiệu quả, em không kìm nổi sức hấp dẫn của bài học nên đã thảo luận với bạn Chu.
Từ xưa tới nay, ba hoa nói phét là sở trường của Đường Sinh, điều này khiến nhiều bạn học thấy coi thường, một số thì thấy buồn nôn, ngay cả đến Đường Cẩn và Ninh Manh cũng đều nhe răng nhắm mắt, lớp phó của tôi ơi, cậu bây giờ ba hoa tâng bốc mình như vậy để thầy giáo thay đổi cái nhìn về cậu à?
Kỳ thực Đường Sinh biết là không thể, nhưng những lời đó phải được nói rõ ràng mới được, mặc dù là lời nói dối bất đắc dĩ, nhưng cũng có thể che đậy cho mình lúc này, ít nhất nó cũng làm giảm sự bực tức của giáo viên, chỉ cần mình trả lời được câu hỏi này, thì thầy giáo sẽ cho qua chuyện này.

Những điều này người bình thường không thể nghĩ đến, nhưng Đường Sinh không chỉ nghĩ tới mà còn suy xét rất chu toàn nữa.
Khi mà trên nét mặt của giáo viên dạy Sử hiện ra vẻ tức giận khi bị lừa gạt, thì Đường Sinh bắt đầu trả lời câu hỏi.
– …Em xin được trả lời một cách đơn giản về vấn đề mà thầy giáo đã giảng… “Hồng Lâu Mộng” là một tác phẩm nổi tiếng, học sinh như chúng em, có lẽ một số bạn chưa từng đọc tác phẩm này, nhưng về phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng” thì chắc nhiều người cũng đã được xem rồi.

Trước tiên cần phải nói, Hồng Lâu Mộng không phải là một bộ tiểu thuyết tình yêu, mà là một bộ tiểu thuyết xuất phát từ tình yêu để nói về sự hưng thịnh và suy vong của một gia tộc.

Kì thực nó là hình ảnh thu nhỏ của xã hội đương thời, sự hủ bại và các sự kiện xuất hiện trong Cố phủ chẳng phải đã phản ánh sự thối nát của xã hội đương thời sao.

Có ba nguy cơ lớn là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy tàn của Cố phủ.

Thứ nhất là sự suy đồi về văn hóa và hình thái ý thức.


Thứ hai là sự xuống dốc trong quản lý và thiếu nhân tài.

Thứ ba là khủng hoảng tài chính của Cố phủ, cả ba điều này kết hợp với nhau đã dẫn tới sự suy vong của Cố phủ, cụ thể thế nào thì em không nói lại nữa.

Hồng Lâu Mộng là bộ tiểu thuyết thâm túy mà sâu sắc, trong chốc lát thì không thể giảng giải hết được, còn về ba nguy cơ lớn mà em đã nói tới thì mọi người sẽ hiểu được khi đọc Hồng Lâu Mộng.
– Thưa thầy giáo, em có thể hỏi bạn Đường Sinh một câu hỏi không ạ?
Viên Phi Dương đột nhiên đứng dậy, thầy giáo dạy Sử gật gật đầu:
– Được, em cứ hỏi đi.
– Bạn Đường Sinh à, xem ra bạn đã đọc Hồng Lâu Mộng rồi, vậy thì mình xin được hỏi bạn, tại sao tình yêu giữa Lâm Đại Ngọc và Cố Bảo Ngọc lại trở thành bi kịch?
Hầu hết các bạn học chỉ biết tình yêu đẹp giữa Lâm Đại Ngọc và Cố Bảo Ngọc mà thôi, lúc này nghe Viên Phi Dương đưa ra câu hỏi đó quả thật đã làm khó Đường Sinh, đa số các bạn nữ rất muốn biết đáp án, họ lo lắng thay cho Đường Sinh mà thấy căm hận cái tên bạn học họ Viên đó, có phải cậu ta muốn làm khó Đường Sinh không?
Viên Phi Dương đúng là muốn gây khó dễ cho Đường Sinh, cậu ta rất muốn nhìn thấy vẻ mặt xám xịt đáng xấu hổ của Đường Sinh, cũng muốn làm cho mấy bạn hoa khôi trong lớp thất vọng về hắn.
Ngay cả người hiền lành nhu mì như Đường Cẩn cũng phải liếc nhìn Viên Phi Dương một cái, thể hiện sự bất mãn khi cậu ta làm khó Đường Sinh.
Ninh Manh, Quan Thế Âm và Bàn Tử Hà cũng có cách nghĩ của riêng mình, bọn họ thừa biết, Đường Sinh bị nhiều bạn nam ghen ghét đố kỵ, trên thực tế thì từ trước tới nay Đường Sinh luôn là người rất gây được sự chú ý, cho dù có khiến thầy giáo tức giận thì hắn vẫn là người nổi bật nhất.
Uông Triệu Vũ nhìn về phía Viên Phi Dương, nháy mắt rồi đưa ngón tay cái lên, thấy vậy Viên Phi Dương cũng nghểnh cổ lên dương dương tự đắc.
Chu Tiểu Thường nhìn Đường Sinh với vẻ đáng thương, hạ thấp giọng nói:
– Anh à, còn chống đỡ nổi không?
Đường Sinh dương đôi mày sắc, liếc nhìn Viên Phi Dương một cái, nghiêm sắc mặt nói:

– Bạn Viên à, câu hỏi này rất hay, bi kịch tình yêu của Lâm Đại Ngọc và Cố Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng là muốn thể hiện kết quả tất yếu của tư tưởng xã hội phong kiến đương thời, tôi không cho rằng họ có thể có một kết thúc có hậu.
Viên Phi Dương nói:
– Ai đã từng đọc Hồng Lâu Mộng thì đều biết, người mà Cố Bảo Ngọc yêu thương thực sự là Lâm Đại Ngọc, mà không phải Tiết Bảo Thoa.
Đường Sinh cười:
– Bạn Viên à, chuyện yêu đương vào cái thời đại đó chỉ có thể dùng bốn chữ “Vui buồn lẫn lộn” để hình dung, số mệnh là thuộc về cha mẹ, lời nói của người mai mối quyết định hạnh phúc cả đời của một con người, tư tưởng phong kiến là phải “Môn đăng hộ đối”, nhà họ Lâm thất thế, Đại Ngọc ăn nhờ ở đậu để nuôi thân, thân thế rất đáng thương, rõ ràng cô ấy không thể nào trở thành một phu nhân cao quý trong mắt Lão thái thái và Vương phu nhân…
– Bạn Đường, tôi muốn hỏi bạn, Bảo Ngọc yêu Đại Ngọc như vậy, thì tại sao anh ta không giành lấy hạnh phúc vốn thuộc về mình?
Người lên tiếng chính là Quan Thế Âm đang ngồi cạnh Đường Cẩn, ngay cả Đường Cẩn cũng không ngờ cô ấy có thể hỏi như vậy.
– Ồ…Bạn Quan, tớ chỉ có thể trả lời cậu rằng, Cố Bảo Ngọc anh ta không có khả năng này, anh ta là nam nhi bất tài nhất trong phủ nhà họ Cố.
– Mình không đồng ý với quan điểm của bạn Đường Sinh.
Uông Triệu Quân đứng dậy:
– Cứ như bạn nói thì không đúng về Cố Bảo Ngọc tí nào.
Uông Triệu Quân biết Cố Bảo Ngọc là “Bạch mã hoàng tử” trong lòng rất nhiều bạn học nữ, đây cũng là muốn gây khó dễ cho Đường Sinh mà, để hắn chỉ trích khuyết điểm của Cố Bảo Ngọc, để cho hắn phá vỡ hình tượng “ Bạch mã hoàng tử” trong lòng các bạn học nữ, như thế, các bạn nữ sẽ thất vọng về hắn cho mà xem.
Đường Sinh lại nói tiếp:
– Trước hết có thể nói Cố Bảo Ngọc là nhân vật sống quá lãng mạn, xa rời thực tế được xây dựng dưới ngòi bút của tác giả Tào Tuyết Cần.

Đứng ở góc độ của những người hiện đại như chúng ta đây để phân tích, anh ta ít nhất cũng phải có chút nam tính chứ, có thể cùng Lâm Đại Ngọc cao chạy xa bay rời khỏi Ninh phủ, nhưng anh ta không có khả năng làm được chuyện đó, đừng nói là nuôi Lâm Đại Ngọc, mà ngay đến bản thân anh ta cũng không tự lo nổi, anh ta chưa từng tự hỏi cái ăn cái mặc là từ đâu ra.


Anh ta chỉ là một kẻ vô dụng bất tài hỗn độn trong một đống rác rưởi mà thôi, bằng không thì Ninh phủ đâu có rơi vào tay Vương Hi Phượng chứ, đây cũng là nguyên nhân chính khiến Ninh phủ suy tàn, thiếu nhân tài, nói rộng ra thì một số xí nghiệp ngày nay, xí nghiệp nào không có nhân tài thì trước sau gì cũng phá sản.
Lại một bạn nam nữa đứng dậy.

là Chu Vĩnh Húc:
– Cứ theo như bạn Đường Sinh vừa nói, như vậy thì tại sao Tiết Bảo Thoa phải lấy một kẻ bất tài vô dụng chứ?
– Đúng vậy, Tiết Bảo Thoa có thể coi là một nhân vật nữ có cá tính mạnh mẽ trong Hồng Lâu Mộng, ngay cả chị Phượng cũng coi trọng cô ấy…
Thầy giáo lịch sử không ngờ rằng vốn là muốn giáo huấn Đường Sinh một trận, kết quả lại biến thành một buổi thảo luận vô cùng sôi nổi về sự suy vong của Cố phủ trong Hồng Lâu Mộng.

Hơn nữa thầy giáo cũng rất tán đồng với quan điểm của Đường Sinh, lớp phó này quả thực cũng có chút thực lực, lúc này, thầy giáo cũng cứ để cho buổi tranh luận được tiếp tục.
– Bạn Chu nói rất phải, Bảo Ngọc là một kẻ bất tài vô dụng, còn Tiết Bảo Thoa lại là một người con gái thông minh và sáng suốt, thì tại sao cô ấy phải lấy tên rác rưởi đó chứ?
Viên Phi Dương tiếp lời Chu Vĩnh Húc, hôm nay phải để Đường Sinh lộ cái xấu ra mới được, cậu ta liếc nhìn Uông Triệu Quân một cái.
– Là tướng mạo của Bảo Ngọc đã hút hồn nữ giới hay sao? Là như vậy à? Bạn Đường Sinh?
Uông Triệu Quân quả không khiến Viên Phi Dương thất vọng, cậu ta nói Cố Bảo Ngọc có vẻ ngoài bắt mắt chẳng phải là đang nói bóng nói gió Đường Sinh hay sao, bởi lẽ hắn là người đẹp trai nhất lớp.
Đường Sinh không cho là như vậy, lướt mắt một lượt, đáp:
– Bảo Ngọc là một nhân vật chính trong Hồng Lâu Mộng, là một miếng ngọc trong mắt tất cả mọi người, bốn gia tộc lớn trong tác phẩm là “Sử Vương Cố Tiết”, Cố Tiết là để chỉ Cố gia và Tiết gia, Bảo Ngọc và Bảo Thoa mới là một cặp trời sinh môn đăng hộ đối, cũng là hợp ý nguyện của Lão thái thái và Vương phu nhân, nếu không sắp đặt như vậy thì tình yêu trong Hồng Lâu Mộng sao có thể trở thành bi kịch chứ?.
Lúc này, Bàn Tử Hà đột nhiên đứng dậy nói:
– Bạn Đường, nếu bạn là Bảo Ngọc , liệu bạn có thể đấu tranh với số phận không?
Câu hỏi này thật sắc bén, liên quan đến Đường Cẩn, Ninh Manh và tất cả các bạn học nữ trong lớp, họ đều nhìn chằm chằm Đường Sinh không chớp mắt.
– Cái này…Bảo Ngọc không đáng được đem ra để so sánh với tôi, sự bất tài bạc nhược của anh ta khiến tôi căm hận, còn sự bạc tình của anh ta lại khiến tôi đau lòng!.
Xem ra Đường Sinh thật sự rất khinh bỉ Bảo Ngọc, không thì hai chữ “đau lòng” sao có thể dễ dàng phát ngôn ra như vậy chứ.

Ninh Manh cũng đứng đậy lên tiếng:
– Mình không đồng ý khi bạn nói Bảo Ngọc bạc tình, anh ấy là người đa tình, đối xử rất tốt với phụ nữ.
– Đúng vậy, lớp trưởng Ninh nói rất đúng, Đại Ngọc và Bảo Thoa, cả hai người họ đều yêu Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc bất tài, nhưng anh ta không bạc tình.
Quan Thế Âm đứng lên ủng hộ Ninh Manh, lúc này rất nhiều bạn nữ trong lớp bắt đầu oán hận sự chỉ trích của Đường Sinh đối với Bảo Ngọc.
Đường Sinh nói:
– Sự bạc tình của Bảo Ngọc là do sự bất tài và thiếu trách nhiệm mà tạo thành, cái chết của Kim Xuyến Nhi và Tình Văn đã chứng minh cho điều này.
Viên Phi Dương cười nhạt:
– Bạn Đường, nghe đồn rằng bạn và Đường Cẩn yêu nhau , không biết bạn có gan đứng ra thừa nhận việc này không?
Câu nói đó như một quả bom đánh “đùng” một phát.

Cả lớp rơi vào yên lặng, nhiều bạn học đã nhận ra sắc mặt của Đường Cẩn đã trở nên trắng bệch rồi…
Chú thích
“Hồng Lâu Mộng” là một trong Tứ đại kỳ thư của văn học cổ điển Trung Quốc ( ba kiệt tác kia là “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy hử” của Thi Nại Am).

Tác phẩm này được Tào Tuyết Cần sáng tác vào khoảng giữa thế kỷ 18, triều đại nhà Thanh, Trung Quốc.
Hồng lâu mộng là sự thể hiện những tư tưởng của thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán những giáo điều cổ hủ đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương và mưu cầu hạnh phúc, giải phóng cá tính, khao khát tự do bình đẳng, lý tưởng cho cuộc sống…!Tất cả những cái đó có mặt kế thừa tư tưởng dân chủ thời Minh và đầu thời Thanh, nhưng đó chính là sản phẩm của ý thức tư tưởng thị dân đương thời.
Những nhân vật chính của tác phẩm: Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.