Đọc truyện Công Tử Có Bệnh – Chương 10: Tần tang lục chi
Ta không ngờ rằng, mình sẽ gặp được Cảnh vương ở đây.
Kiếp trước, ta chỉ nghe loáng thoáng kể về việc Cảnh vương đến Tô phủ làm khách, sau đó tình cờ phát hiện biểu tiểu thư là trưởng nữ thất lạc của mình.
Công tử bảo, bên người biểu tiểu thư có một nửa mảnh ngọc, trên có khắc câu: “Yên thảo như bích ty.” [1]
Nghe nói, câu thơ này được tiên phu nhân của Cảnh vương khắc trên vách giường trước khi tạ thế. Mà dung mạo của biểu tiểu thư lại có sáu, bảy phần giống với vị phu nhân ấy, ba bốn phần còn lại là kế thừa từ tướng mạo phi phàm của Cảnh vương. Cho nên, Cảnh vương vừa nhìn thấy đã nhận ra ngay.
Công tử nói, tên thật của biểu tiểu thư là Bích Ty, nhũ danh Linh nhi. Cô ấy còn có một muội muội, tên là Lục Chi, nhũ danh Lung nhi, cũng đã thất lạc nhiều năm.
Lúc ấy, ta nghe xong những lời đó, chỉ lặng lẽ lấy ra mảnh ngọc luôn theo bên ta từ nhỏ đến lớn, vuốt ve dòng chữ được khắc trên mảnh ngọc, thì thầm đọc: “Tần tang đê lục chi.” [1]
Ta biết, Cảnh vương rất có thể là phụ thân của ta.
Nhưng mà, ta không muốn nhận lại ông ấy.
Trong ấn tượng của ta, phụ thân chỉ là kẻ đã ruồng bỏ mẫu tử ta. Mẹ ruột lại đem ta bán cho mẫu thân. Ta chỉ biết mẫu thân là người thân duy nhất, còn phụ mẫu sinh thành ra ta là ai, ta chưa từng hay biết, cũng chưa từng nghĩ đến.
Sau này, mẫu thân mất đi, ta được công tử cứu. Từ đó về sau, mạng của ta là của công tử. Nếu nhận lại phụ thân, ta phải rời khỏi Tô phủ. Ta thà rằng không làm quận chúa, cũng không muốn phải rời xa công tử. Chỉ cần được ở bên công tử, cho dù chỉ là một nha hoàn cũng đã mãn nguyện.
Bây giờ nghĩ lại, mới thấy bản thân quả là ngu ngốc si dại.
Ta đang thừ người nghĩ ngợi, vị công tử đi cùng với Cảnh vương đã đứng lên, cười nói:
“Tiểu cô nương hãy ngồi xuống nghỉ ngơi đi, để tại hạ chèo thuyền giúp cho.”
Ta gật gật đầu, đưa tay chỉ về phương hướng của Tô phủ, nói:
“Vậy làm phiền công tử chèo về bên kia, đó chính là Tô phủ.”
Nói đoạn, ta ngồi xuống bên cạnh Cảnh vương, nhanh tay bóc ra một đĩa hạt sen, cười mời:
“Đại thúc, nếu ngài không chê thì hãy ăn một ít hạt sen này đi. Tất thảy non nước Giang Nam đều nằm trong đây.”
Cảnh vương cũng không chê thức ăn dân dã, tiện tay ăn vài hạt, khen:
“Đã lâu không được ăn hạt sen tươi ngon như vậy, đa tạ tiểu cô nương.”
Ta lắc đầu, đáp:
“Ngài là khách quý của công tử, tiếp đãi ngài là bổn phận của nô tỳ.”
Cảnh vương nhìn ta, nói:
“Nguyệt Lệnh công tử quả thực là nhân trung long phượng, đến cả người hầu cận cũng có khí khái của đại gia khuê tú. Ta nhìn thấy cô nương nói năng cư xử đều lễ nghĩa, dung mạo đoan trang, phục sức quý giá, hát ra cũng là từ của Âu Dương Tu. Nhiều thiên kim tiểu thư trong kinh thành cũng chưa sánh bằng cô nương.”
Nói đến đây, ta lại thấy bất đắc dĩ.
Chuyện là Tô gia có mấy phường vải. Từ ngày công tử nắm quyền sinh sát trong nhà, liền lạm dụng chức quyền, đem các loại vải vóc tơ tằm thượng hạng chuyển đến Lang Hoàn viện, cũng biến ta thành cái giá thử đồ, mỗi ngày đều bắt ta phải mặc một bộ mới. Đã thế thì thôi, kiếp trước công tử lại có sở thích xé y phục của ta. Nhớ đến bao nhiêu gấm vóc đã bị công tử xé mất, ta đều cảm thấy đau lòng. Quả thực là thiên chi kiêu tử, không biết nỗi khổ người nghèo là gì!
Ta đang im lặng chìm đắm trong ký ức đáng hổ thẹn kia, Cảnh vương lại thở dài, nói:
“Nếu hai nữ nhi của ta còn ở bên cạnh ta, ắt đã lớn bằng cô nương bây giờ. Ta cũng không phải cô độc tuổi già.”
Ta nghe thấy lời này, cũng cảm thấy có chút đáng thương ông ấy. Kiếp trước, biểu tiểu thư hương tiêu ngọc vẫn, công tử tuy đau lòng nhưng vẫn có ta ở bên hầu hạ, sau này lại cưới công chúa, nhưng Cảnh vương chỉ còn lẻ loi một mình. Trải qua một kiếp, ta mới nhận ra, tình yêu chỉ như gió thoảng mây bay, chưa chắc đã bền lâu trọn đời. Đến cuối cùng, người duy nhất có thể yêu thương chúng ta mãi mãi, chỉ có phụ mẫu mà thôi.
Nhưng mà, ta vẫn không thể buông bỏ gút mắc trong lòng để nhận lại phụ thân. Ta buột miệng hỏi:
“Nếu ngài đã thương nhớ con mình như thế, tại sao lại bỏ rơi họ?”
Vừa nói ra, ta mới biết mình lỡ lời.
Nhưng Cảnh vương lại chẳng để ý tại sao ta biết điều đó, chỉ cười khổ nói:
“Ta thương hai đứa con gái như bảo bối, sao có thể vứt bỏ chứ? Chuyện này vẫn luôn canh cánh trong lòng ta bao năm, là điều khiến ta áy náy không nguôi. Năm đó trong nhà có chút việc, ta phải trở về thu xếp. Khi ấy Xuân Nương đang hoài thai đứa con thứ hai, ta không tiện mang nàng theo trên đường dãi gió dầm sương, bất đắc dĩ mới để nàng cùng trưởng nữ vừa tròn một tuổi ở lại Dương Châu. Khi ta thu xếp xong chuyện nhà, quay trở về Dương Châu, mới hay Xuân Nương vì khó sinh mà qua đời, hai con gái bị nhũ nương tham tiền bán cho người khác. Ta truy bắt nhũ nương kia về, tra hỏi sự tình, mới biết đại nữ nhi bị bán cho một vị phu nhân giàu có, tiểu nữ nhi thì được một vị nữ đại phu họ Liễu mua đi. Từ đó, ta tìm kiếm con gái suốt hơn mười năm, ngặt nỗi nữ nhi gia thường lánh tại khuê phòng, vẫn chẳng tìm ra được manh mối gì. Ta chỉ biết, trên người hai đứa trẻ có mang theo hai mảnh ngọc, một mảnh khắc câu “Yên thảo như bích ty”, một mảnh khắc…”
Cảnh vương chưa nói hết câu, ta đã tiếp lời:
“Mảnh còn lại khắc “Tần tang đê lục chi”… Có phải không?”
Cảnh vương sững người nhìn ta, run run hỏi:
“Cô nương… Làm sao… Làm sao biết được?”
Ta lấy từ tay áo ra mảnh ngọc tùy thân ấy, đặt nhẹ vào tay của ông ấy, khẽ gọi:
“Cha!”
Bàn tay của Cảnh vương thoáng run lên, bất chợt ôm chầm lấy ta, khàn khàn gọi:
“Lung nhi.”
Ta nghe thấy trên lưng nóng hôi hổi.
Là nước mắt của phụ thân.
Ta gục đầu lên vai ông khóc nức nở, không ngừng nói:
“Cha, con xin lỗi, xin lỗi… Nữ nhi bất hiếu, đã không nhận cha… Nữ nhi bất hiếu…”
Phụ thân không biết ta nói chính là chuyện kiếp trước. Ông vỗ vỗ nhẹ lên lưng ta, bảo:
“Lung nhi không bất hiếu, là do phụ thân có lỗi với tỷ muội con…”
Mẫu thân nhận nuôi ta là một vị đại phu. Bà bị phu lang bỏ rơi, nên luôn căm ghét nam nhân. Mẫu thân ngày ngày đều nói ta với, cha ruột của ta nhất định là kẻ bạc tình bỏ rơi mẹ con ta, đến nỗi mẹ ta phải đem ta đi bán. Ta luôn yêu kính mẫu thân, một mực tin lời bà chẳng chút nghi ngờ. Nghĩ đến kiếp trước bản thân chỉ biết đắm chìm trong ái tình si tâm vọng tưởng, chối bỏ thân nhân, mơ mơ hồ hồ chết đi, trong lòng ta liền hối hận đứt ruột, cứ thế ôm phụ thân mà khóc lớn.
Đợi ta nín khóc, phụ thân mới buông ta ra, hỏi:
“Hơn mười năm nay khổ cho Lung nhi rồi. Con ở Tô phủ thế nào? Tô Nhị công tử có tốt với con không?”
Ta ngẫm lại cả kiếp trước lẫn kiếp này, rốt cuộc không thể dối lòng mà nói rằng công tử không tốt với mình. Chỉ nhìn xiêm y ta đang mặc trên người, trang sức ta đang đeo, có vật nào không phải là thứ dành cho thiên kim thế gia? Ta ở trong chủ viện, ngày nào cũng chăn ấm nệm êm, ăn ngon mặc đẹp, bên dưới còn có nha đầu để sai bảo. Có nha hoàn nào được đãi ngộ ấy?
Thứ không tốt duy nhất, chẳng qua chỉ là, kiếp trước ta yêu công tử, công tử lại không yêu ta. Kiếp này ta không yêu công tử, công tử lại không thả ta đi.
Ta gật gật đầu, đáp:
“Công tử rất tốt với con. Nhưng mà, con không muốn ở lại Tô phủ.”
Phụ thân cười, xoa đầu ta, bảo:
“Nha đầu khờ, bây giờ Lung nhi đã có phụ thân, tất nhiên không cần ở lại nơi nhỏ bé này làm nha hoàn cho người ta sai bảo. Đợi ít hôm nữa, phụ thân sẽ đưa con về kinh thành.”
Ta chưa kịp đáp lời, vị công tử đang chèo thuyền kia đã lên tiếng, cung kính nói:
“Bẩm vương gia cùng quận chúa, thuyền đã tới nơi.”
Phụ thân nghĩ rằng ta chưa biết thân phận của ông, liền giải thích ngắn gọn:
“Ta là Cảnh vương gia, là hoàng đệ của đương kim thánh thượng. Bây giờ Lung nhi chính là quận chúa, không ai dám bất kính với con nữa.”
Tuy rằng ta đã biết được từ sớm, nhưng thân phận hiển hách này vẫn khiến ta cảm thấy thật mơ hồ.
Có lẽ làm nô tỳ quen rồi, nô tính khó chừa, đột nhiên có người cung kính với mình như thế, ta khó thích ứng được.
Ta cùng phụ thân bước xuống thuyền, đi vào đại môn của Tô phủ.
Gia đinh thấy ta mang theo người lạ, cũng không kinh ngạc, dường như sớm đã quen mặt phụ thân, khom lưng hành lễ:
“Tham kiến đại nhân.”
Phụ thân khoát tay cho hắn đứng lên, cứ thế ngang nhiên bước vào.
Ta đưa phụ thân vào trong, vừa bước đến sân đã thấy A Kiều hớt hải chạy ra, cuống quýt hỏi:
“Thanh Y tỷ tỷ, vừa nãy tỷ đi đâu vậy? Công tử thức dậy không nhìn thấy tỷ, đang cho người bới tung quanh đây để tìm tỷ đó! Tỷ mau mau gặp công tử tạ lỗi, muội thấy công tử có vẻ giận lắm!”
Ta thầm nghĩ, không xong rồi, bệnh của công tử tái phát.
Quả nhiên, A Kiều vừa dứt lời, công tử đã xuất hiện. Ta thấy hai mắt chàng đỏ lên, mặt tái nhợt, nom khủng bố vô cùng, toan chạy trốn. Nhưng chân ta ngắn ngủn, công tử sải vài bước đã tóm được ta, kéo ta vào lòng chàng. Công tử vừa ôm cứng lấy ta, vừa hoảng loạn thì thầm:
“Y Y muốn đi đâu… Có phải lại muốn bỏ ta một mình không… Ngoan, đừng đi… Không được đi…”
Ta bị công tử ôm đến sắp tắt thở, vội hét lên:
“Công tử, buông ra! Trước mặt người khác, công tử làm gì vậy?”
Lời vừa nói ra, ta liền cảm thấy hối hận. Cái gì mà trước mặt người khác, nói vậy chính là bình thường ta cùng công tử vẫn luôn như thế này ở chốn không người sao?
Ta thật sự muốn cắn đứt cái lưỡi ngu ngốc của mình!
Công tử vẫn như bị nhập ma, cứ ôm cứng ta không buông. May rằng có phụ thân tiến lên đẩy chàng ra, ta mới không bị công tử ôm đến tắt thở mà chết.
Phụ thân tức giận đánh công tử một quyền. Ta lo sợ công tử mảnh mai như thế sẽ bị phụ thân cao to uy vũ của ta đánh chết, vội can ngăn lại.
Cũng may, công tử bị đánh một cái đã tỉnh táo lại, hai mắt trở lại bình thường, khôi phục dáng vẻ quân tử như ngọc thường ngày. Chàng vội khom người, kính cẩn nói:
“Tiểu sinh thất lễ, xin vương gia thứ tội.”
Phụ thân cười lạnh một cái, bảo:
“Bản vương nghĩ rằng Tô công tử phẩm hạnh đoan chính, hôm nay tận mắt nhìn thấy ngươi trêu ghẹo con gái nhà lành, mới biết cái gì gọi là ngụy quân tử!”
Công tử nghe vậy cũng không lấy làm xấu hổ, dáng vẻ đường đường chính chính, chắp tay đáp:
“Vương gia có điều chưa rõ, Y Y chính là thê tử chưa qua cửa của tiểu sinh, bên người còn đeo ngọc bội đời đời truyền cho chủ mẫu Tô gia, trên tóc còn cài cây trâm hồng đậu là tín vật định tình. Tiểu sinh thân mật với vị hôn thê của mình, tuy rằng không hợp lễ giáo, nhưng sao có thể gọi là “trêu ghẹo con gái nhà lành”?”
Ta giật mình, mắt cúi xuống nhìn ngọc bội trên thắt lưng, tay sờ sờ cây trâm trên đầu, não vẫn chưa thể tiếp thu được tin tức vừa nghe được.
Ta đồng ý gả cho công tử khi nào vậy chứ???
Phụ thân, không được tin tưởng kẻ gian xảo này!!!
…………
[1] Trích “Xuân tứ” của Lý Bạch, nghĩa là:
Cỏ Yên mềm tơ biếc
Dâu Tần trĩu cành xanh
Bài thơ diễn tả tâm trạng và sự chung thủy sắt son của người vợ chờ đợi chồng quay về.
Bích Ty là tơ biếc, Lục Chi là cành xanh.
…….
Y Y: Gian trá! Có gian trá!
Công tử: Bây giờ mới biết sao? =)))