Con Riêng

Chương 17


Đọc truyện Con Riêng – Chương 17

Không biết tôi khóc bao lâu, cái Chi với chị Lan dường như cũng nhận ra bất thường liên tục hỏi:

– Rốt cuộc là sao? Bo có vấn đề gì.

– Mày nói tao nghe xem nào, đừng khóc nữa.

– Thuỷ, nói xem Bo bị sao?

– Bác sĩ đã nói gì?

Tôi nhìn chị Lan với cái Chi quệt nước mắt khẽ nói:

– Hai người vào trông Bo giúp em em đi mua cháo cho thằng bé.

– Nhưng rốt cuộc thằng bé bị sao mà mày khóc ghê thế?

– Không sao đâu, có gì tý tao nói sau.

Cái Chi không hỏi nữa, mở cửa đi vào, tôi cũng đứng dậy bước đi, bên trong tiếng cái Chi oang oang cất lên:

– Chồng yêu của Chi thấy trong người sao rồi?

– Con bảo con không phải chồng yêu của dì mà.

– Xì, Bo chẳng có tý mắt thẩm mĩ hay nhìn người gì hết. Sau này Bo lớn Bo lại say đứ đừ dì cho mà xem.

Tôi nghe xong nước mắt lại lăn dài liền chạy vào nhà vệ sinh xối nước lên mặt. Phải cố gắng lắm tôi mới dần bình tĩnh trở lại rồi đi xuống cang tin mua cho Bo chút cháo. Lúc lên Bo vẫn đang nằm nói chuyện với cái Chi còn chị Lan thì đang lau người cho thằng bé. Thằng bé ngoan ngoan nghe lời tôi ăn hết bát cháo rồi bắt đầu ngủ. Lúc này tôi mới nhận ra con xanh xao gầy hẳn đi. Cái Chi mang cạp lồng cháo đi rửa rồi hỏi nhỏ:

– Rốt cuộc thằng bé bị sao?

Tôi bặm môi nghẹn giọng nói:

– Chưa có kết quả chính xác, mai xem thế nào đã.

– Nhưng bác sĩ nói gì mà mày khóc như vậy, tình trạng thằng bé không tốt à?

– Ừm.

– Thế giờ…

– Vé máy bay huỷ giúp tao được không?

– Ừ được.

– Mày về đi, đưa chị Lan đi ăn cơm rồi đưa chị ấy về nhà mày nhé, tao ở lại với Bo, bệnh viện không cho ở lại đông quá.

– Được rồi, thế mày ăn gì đi đã.

– Tao biết rồi mày về đi tý tao ăn sau.

Cái Chi gật đầu đứng dậy, tôi dặn dò chị Lan mấy câu trước khi chị về. Khi hai người đi khuất xung quanh tôi lại là bức màn cô đơn. Tôi đưa tay vuốt mái tóc Bo mà thương xé lòng xé gan. Đôi mắt và sống mũi cao của Bo giống Vinh nhưng môi và hai bầu má hồng hào cùng gương mặt lại rất giống tôi. Tôi cởi dép, không muốn ăn uống gì định leo lên giường nằm với con thì có điện thoại. Là một số lạ, tôi ban đầu không định nghe, nhưng sợ có việc gì cuối cùng đành nhấn nút. Đầu dậy bên kia giọng khàn đục cất lên:

– Cô Thuỷ, cô suy nghĩ thế nào rồi? Có đồng ý nhường quyền nuôi thằng bé không?


Tôi nhìn Bo, không kìm được lao ra ngoài rít lên:

– Ông đừng có mà ép người quá đáng, tôi sẽ không để con tôi cho ai nuôi hết.

– Tôi nói rồi, cô đừng làm căng với tôi, tôi không thích ép uổng ai đâu.

– Ông đừng cậy mình có tiền muốn làm gì thì làm.

– Cô Thuỷ, cô đừng cố chấp như vậy. Nếu cô nghĩ đến tương lai cuả con trai cô thì nên nhượng bộ. Cô xem, tôi có thể cho thằng bé những gì tốt đẹp nhất.

– Tôi không cần.

– Cô thật sự muốn chuyện này phải đưa nhau ra toà? Như vậy chẳng phải là tổn thương nhất với nó sao?

– Ông biết tổn thương thì đừng ép tôi, ai mang nó đi tôi sẽ liều mạng với người đó.

Tôi nói xong tắt phụt máy, nỗi uất ức cay đắng khiến tôi như một con thú bị thương đầy mình chỉ biết vẫy vùng trong vô vọng. Chợt tôi thấy mình trong gương, mái tóc rối bù, quần áo tơi tả. Tôi cố bình tĩnh đi xuống mua chút đồ, cố nuốt cho trôi rồi lên giường nằm với Bo. Không biết bao nhiêu đêm rồi tôi chưa có một giấc ngủ ngon lành hạnh phúc tưởng như chạm vào đến nơi lại tan biến. Tôi nằm mãi, đã cầu nguyện không biết bao lâu, chỉ mong rằng kết quả kia không chính xác, sáng mai dậy thằng bé sẽ ổn.

Sáng hôm sau vì mệt quá mà tôi thiếp đi, khi nghe tiếng xe kéo lạch cạch tôi mới bật dậy, còn chưa kịp đánh răng anh Thành, bác sĩ hôm qua khám cho Bo đã bước vào nói:

– Nào, hai mẹ con giờ mới dậy hả. Bé con có mệt không?

Bo dụi mắt lắc đầu đáp:

– Dạ không, cháu chỉ buồn ngủ thôi.

– Tỉnh dậy nhé, hai mẹ con đánh răng rửa mặt đi nha tý chú quay lại.

Tôi gật đầu bế Bo xuống thay bộ quần áo bệnh nhân rồi vệ sinh cá nhân cho con, lúc xong trở ra cũng thấy anh Thành đứng ở bên ngoài chờ. Bo trước nay rất sợ tiêm truyền nên hơi lùi lại. Anh Thành liền tiến đến gần Bo nói:

– Ngoan, muốn khỏi bệnh nhanh không bé con? Mình là đàn ông phải thật mạnh mẽ chứ?

Bo nghe vậy mới tiến lên, tôi dắt con đi theo anh Thành. Thằng bé được đưa vào các phòng để chụp CT, Xquang, lấy máu… làm các xét nghiệm cần thiết. Sau khi xong xuôi anh Thành đưa thằng bé ra rồi nói:

– Tầm mười một giờ mới có kết quả, cô đưa bé về buồng bệnh rồi cho con ăn gì cho đỡ đói nhé. Có kết quả tôi và trưởng khoa sẽ mang lên phòng cô không cần xuống lấy đâu.

– Dạ vâng cảm ơn anh.

Nói xong tôi lại bế con về buồng rồi chạy xuống cangtin mua cho con một bát cháo. Lúc lên đột nhiên tôi phát hiện điện thoại rất nhiều cuộc gọi nhỡ, là của chị Quyên, tôi cho Bo ăn xong gọi lại cho chị. Vừa nghe giọng tôi chị đã nói:

– Cô không đi làm cũng không báo nghỉ, muốn trừ lương hay gì?

Lúc này tôi mới nhớ ra hôm nay thứ hai, hợp đồng của tôi và công ty vẫn chưa chấm dứt. Thế nhưng lúc này tôi cũng chỉ biết đáp:

– Dạ xin lỗi chị. Nhà tôi có chút việc…

– Có việc gì phải báo chứ.

– Vâng tôi xin lỗi chị, có gì…

– Tổng giám đốc nói cô muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng phải đến công ty để chấm dứt. Tiền đền bù hợp đồng nếu cô đơn phương chấm dứt là…


Tôi nghe xong, mệt mỏi đáp vâng rồi cúp máy. Mọi thứ đến dồn dập khiến tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu, phải thoát ra như thế nào. Khi còn đang ngồi thơ thẩn thì bên ngoài có tiếng lạch cạch, anh Thành cùng một vị bác sĩ trung niên bước vào. Bo lúc này đã ngủ, tôi vội đứng dậy khẽ chào. Anh Thành nhìn tôi khẽ nói:

– Cô đi theo chúng tôi.

Tôi gật đầu, cả người lại run lên. Khi đến phòng bác sĩ, anh Thành liền nói:

– Đây là bác sĩ Trung trưởng khoa của tôi. Bác sĩ sẽ nói về bệnh của con trai cô.

Tôi cố gắng giữ cho mình bình tĩnh, chỉ hi vọng kết quả sai lệch. Ông Trung nhìn tôi khẽ nói:

– Cô ngồi xuống đi, đây là kết quả của con trai cô.

Tôi nhìn vào đống giấy tờ toàn những từ ngữ y khoa không hiểu gì hỏi lại:

– Ông có thể nói cho tôi biết con tôi… bị sao không ạ? Tôi… tôi không hiểu nhiều về ý học.

– Tôi nói nôm na thế này, bé nhà cô mắc bệnh bạch cầu dòng Lympho cấp tính. Tình hình của bé diễn biến rất nhanh…

Vốn dĩ đã được chuẩn bị sẵn… vậy mà nghe xong tôi lại suy sụp không toàn thân như chết lặng. Lúc này tôi không còn hiểu, không còn nghe được gì chỉ vội vàng nói:

– Giờ tôi phải làm sao? Phải làm sao để cứu con trai tôi đây?

– Cô bình tĩnh đã, tôi biết ai làm cha làm mẹ nghe con mình mắc bệnh cũng đều suy sụp nhưng cô bình tĩnh nghe tôi nói. Cô cũng biết rồi đấy, viện huyết học cứu chữa rất nhiều ca ung thư máu nên cô phải cố gắng lạc quan để còn là chỗ dựa cho cháu. Tình hình cháu diễn biến nhanh vậy nên có lẽ phác đồ điều trị cho cháu khả năng sẽ là ghép tế gốc hoặc để cô dễ hiểu tôi cứ nói nôm na là ghép tuỷ. Nói chung chúng tôi còn phải nghiên cứu thêm để đưa ra phác đồ chính xác và sớm nhất, tôi nói sơ qua để cô có thể cô chuẩn bị. Trong hồ sơ bệnh án tôi thấy cháu có bảo hiểm nhưng lại trái tuyến, mà việc ghép tuỷ sẽ rất tốn kém, ngoài ra cũng cần tìm tuỷ phù hợp. Người có thể cho tuỷ phù hợp nhất thường sẽ là người có cùng huyết thống như cha con, anh chị em ruột được thì cô có thể đưa những người cùng huyết thống với cháu bé trong đó có cả cô để tôi có thể tìm được nguồn tuỷ phù hợp. Nếu không phù hợp nữa… thì chỉ còn cách kêu gọi hiến tuỷ từ những người không cùng huyết thống nhưng… với diễn biến của cháu thì lại phải càng điều trị sớm càng tốt vì vậy có nguồn sẵn là điều tốt nhất.

– Vậy… vậy thử của tôi trước đi.

– Cô từ từ đã, giờ chúng tôi cần nghiên cứu kỹ lưỡng phác đồ điều trị sau đó mới tiến hành được.

– Nếu ghép được tuỷ phù hợp khả năng sống của con tôi… có cao không?

– Tất nhiên chúng tôi không dám nói trước bất cứ điều gì, trong y học cái gì cũng xảy ra được nhưng khả năng chữa khỏi hoàn toàn có thể hoặc cũng có thể có khả năng xấu nhất… Chi phí cho ca ghép tuỷ cũng còn phụ thuộc vào nhiều cái nhưng người nhà chủ động chuẩn bị một vài trăm triệu, nhất là trường hợp bé bảo hiểm trái tuyến thế này nên cô cũng chuẩn bị sẵn nhé.

Tôi nghe xong, cũng phát hiện nước mắt rơi từ lúc nào. Ông Trung còn nói rất nhiều về y khoa nhưng tôi không hiểu được quá nhiều, chỉ đại loại biết rằng thằng bé nên được thay tuỷ sớm càng tốt. Khi trở về phòng bệnh tôi phải rửa mặt mấy lần mới dám vào, chỉ sợ Bo thấy tôi khóc lại lo lắng. Trưa cái Chi mang cơm vào nhưng tôi nuốt không nổi, cố gắng ăn được mấy thìa rồi bỏ đấy. Lúc ăn xong tôi mới tỉnh táo ra đôi chút, có nhiều thứ lúc này tôi mới kịp hiểu ra, nhà chỉ có hai mẹ con, chị Lan bệnh tật chắc chắn sẽ không thể hiến tuỷ, liệu rằng tôi có phù hợp với con không? Nếu không phù hợp tôi phải làm thế nào đây? Tôi phải tìm ai? Còn mấy trăm triệu, cả tài sản tôi có còn chưa nổi một trăm, dạo này lương chưa đến đã nghỉ việc, chi tiêu nhiều thứ phải rút cả tài khoản tiết kiệm. Tôi nhìn cái Chi, nó cũng như tôi thân cô thế cô trên đất Hà Nội này, nhà nó cũng không khá giả gì, tiền nó làm còn phải gửi về biết ba mẹ… mà ngoài nó tôi không còn một ai thân thích. Cái Chi thấy thái độ của tôi liền nói:

– Nãy tao đứng ngoài nghe được hết rồi. Tao tao có hai chục triệu… tao sẽ đưa hết cho mày. Đó… là khoản duy nhất tao còn.

Tôi nghe cái Chi nói lắc đầu đáp:

– Tao vay nợ mày còn chưa trả hết, tao không cầm tiền của mày nữa đâu. Mà có cầm cũng không đủ được.

– Vậy bây giờ phải làm sao?

– Thằng bé là mạng sống của tao, tao nhất định phải cứu nó… nhưng… nhưng tao cũng không biết làm gì lúc này. Từ từ tao nghĩ cách dần thôi.

Nói rồi tôi đứng dậy nhìn ra bên ngoài. Bầu trời trong xanh mà lòng tôi u ám. Thương con, thương bản thân nghèo hèn. Hoá ra không có tiền lại khổ hạnh đến vậy. Biết vậy tôi đã mặt dày mà cầm lấy số tiền một trăm triệu của chị Liên đưa cho. Hoá ra khi con người ta đường cùng sẽ không còn biết cái gì là tự trọng, là sĩ diện nữa rồi. Tôi bật cười tự khinh bỉ chính bản thân mình. Khi cái Chi đi khuất, tôi lặng lẽ nhìn Bo, tại sao ông trời lại có thể hành hạ con tôi như vậy? Hình như con rất mệt ngủ li bì, tôi đưa tay con chạm lên má, nước mắt lại chảy dọc bàn tay nhỏ bé.

Buổi sáng hôm sau ông Trung lên nói sáng mai sẽ đưa tôi đi chọc tuỷ thử, nếu được thì trong vòng tuần này sẽ tiến hành cho tôi ký để ghép tuỷ. Tôi nhìn ông, không biết nói thế nào cuối cùng chỉ biết gật đầu. Những năm trước tôi đã từng vay nóng, nhưng số tiền vay cũng không thể nhiều được, vả lại giờ tôi không có một công việc tử tế dù cho có chặt đầu tôi cũng khó mà vay được. Tôi tính toán mãi, dù cho có vay của cái Chi thì số tiền cũng chỉ được sáu mươi triệu. Đêm ấy tôi ngồi bên con, đã nghĩ rất nhiều cách, bán thận, bán tim, bán gan thì cũng có thể đem ra mà bán. Nhưng đáng tiếc giờ muốn tìm người mua cũng khó, còn chưa kể tôi chưa chọc tuỷ thử, không biết có hợp với con không nữa.

Sáng hôm sau tôi đi chọc tuỷ để làm xét nghiệm. Đến trưa bác sĩ thông báo kết quả của tôi không phù hợp để hiến tuỷ cho Bo lúc này tôi càng như suy sụp, cái Chi hôm nay nghỉ làm, đỡ lấy tôi ngồi lên ghế. Người duy nhất có thể hiến tuỷ cho Bo chỉ có tôi… tôi gần như không còn chịu nổi bám lấy bác sĩ Trung nói:


– Nhà tôi chỉ có hai mẹ con… còn cách nào khác không?

– Cô không còn người thân thích khác sao? Cha đứa bé đâu?

– Cha…

– Cô Thuỷ, nếu cô không phù hợp có thể gọi cha đứa bé đến mà. Chẳng lẽ đứa bé không có cha..

– Không phải…

– Vậy cô mau gọi đến đi, tình trạng đứa bé ngày càng diễn biến phức tạp thế này càng để lâu sẽ càng xấu đi.

Cái Chi thấy vậy cũng liền đi thử, thế nhưng kết quả của nó cũng không phù hợp. Tôi với nó về buồng Bo nằm, gần như bế tắc. Lúc này nó nhìn tôi khẽ nói:

– Thuỷ… hay nói với anh Vinh đi. Dù sao Bo cũng là con anh ấy…

Tôi không đáp, cũng không biết phải đáp thế nào chỉ cùi gằm mặt. Đột nhiên tôi thấy Bo thở khò khè, người bỗng xanh tái lại. Lúc này tôi bỗng như kẻ mất hồn lao ra ngoài gọi bác sĩ. Ông Trung cùng anh Thành bước vào thăm khám rồi đột nhiên kêu lớn:

– Cấp cứu… mau đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu.

Tôi cùng cái Chi không kịp nghĩ ngợi cứ thế lao theo. Thằng bé được đưa vào phòng cấp cứu, tôi ngồi bên ngoài gần như không thể nào mà thở nổi, đau đớn vô cùng. Trái tim tôi như có ai bóp nghẹn, như có cả ngàn mũi dao đâm vào, thằng bé mà có mệnh hệ gì tôi cũng sẽ không sống nổi. Ông trời trên kia có nghe được những tiếng van xin của tôi không? Tại sao không để tôi chịu thay những đau đớn này của con. Khi nó vẫn nằm bên trong, đột nhiên có tiếng bước chân, còn chưa kịp định thần tôi đã thấy ông Quang cùng một người phụ nữ nữa bước vào. Ông Quang nhìn tôi hai khoé mắt giật giật nói:

– Tại sao thằng bé lại thành ra thế này?

Tôi nhìn ông kinh ngạc, người phụ nữ bên cạnh đoán chắc là vợ ông ta bước đến nhìn qua ô cửa kính giọng nghẹn đi:

– Thằng bé đây sao?

Ông Quang không đáp mà nhìn tôi nói:

– Cô Thuỷ, sao cô lại để thằng bé tới mức này.

Lúc này tôin cũng không còn tâm trí thắc mắc tại sao ông có mặt ở đây, tại sao ông biết chuyện chỉ thấy nỗi đau đớn ân hận càng trào lên. Có lẽ tôi sai rồi… có lẽ tôi không nên ích kỷ giữ thằng bé cho mình. Sinh mạng của con trai tôi mới là quan trọng nhất. Tôi loạng choạng đứng dậy, vừa hay cánh cửa phòng cấp cứu mở ra tôi liền lao đến gào lên:

– Con tôi sao rồi?

– Bệnh tạm thời qua cơn nguy kịch. Nhưng tôi nói rồi, diễn biến bệnh nhân phức tạp, nếu được cô hãy cho người nhà thử tuỷ để ghép tuỷ cho bệnh nhân luôn đi.

Tôi bật khóc định lao vào ông Trung đã nói:

– Cô ra ngoài đã, đợi bệnh nhân ổn định tôi sẽ đưa về buồng.

Cả người Bo toàn những dây dợ chằng chịt. Ông Quang đứng bên cạnh khẽ nói:

– Cô Thuỷ, cô đi theo tôi một lát.

Tôi không còn sức lực mà phân tích mọi chuyện, chỉ bước đi theo như một cái máy. Khi ra ngoài hành lang ông Quang liền nói:

– Thằng bé bị ung thư máu mà cô cũng không nói với chúng tôi một câu. Cô không phù hợp tuỷ với thằng bé cũng không nói, cô làm mẹ kiểu gì đấy? Cô thà để con trai mình chết vẫn giữ khư khư nó chứ không chấp nhận để nó cho gia đình tôi sao?

– Tôi…

– Nó cũng là máu mủ ruột già của nhà tôi cơ mà?

Tôi bật khóc cả người đổ trượt xuống bám lấy chân ông Quang khẽ nói:

– Tôi sẽ ký, tôi sẽ nhường quyền nuôi Bo cho ông, chỉ xin ông hãy cứu lấy nó. Ông muốn gì, tôi cũng đều sẽ làm, chỉ cần… chỉ cần ông cứu lấy Bo.

– Tôi sẽ bằng mọi giá cứu lấy thằng bé. Nó là cốt nhục máu mủ của nhà tôi, dù cho bằng giá nào tôi cũng sẽ cứu nó.


– Được… vậy… vậy tôi sẽ ký…

Ông Quang đưa cho tôi một sấp giấy, tôi chẳng còn biết gì, chỉ lặng lẽ đặt bút lên. Tờ giấy này cũng như sinh mạng của con trai tôi… dù cho… cả đời không được gặp lại cũng chấp nhận đánh đổi.

Khi ký xong ông Quang liền ra thẳng chỗ bác sĩ Trung nói gì đó. Tôi đứng bên ngoài nhìn con qua ô cửa nhỏ. Sự cố chấp của tôi khiến thằng bé phải chịu những đớn đau này, tôi hận bản thân, hận đến vô cùng. Giá mà tôi nói sớm hơn, giá mà tôi có thể đồng ý với ông Quang sớm hơn thằng bé đã không phải khổ sở thế này. Anh Thành tháo một số dây dợ sau đó đẩy thằng bé về buồng chăm sóc đặc biệt. Tôi cùng cái Chi đi sau, khi thằng bé vừa được đẩy vào buồng đột nhiên có tiếng giày nện trên nền đất, tôi quay sang chợt thấy Vinh đang chạy đến, anh vẫn mặc nguyên bộ đồ an ninh, trên vai đeo chiếc cặp chưa được khoá kỹ càng, bộ quần áo trong cặp thò cả ra mới nhìn cũng hiểu anh rất vội vàng để đến được đây. Có điều dường như anh không để ý đến những thứ không được chỉn chu, cứ mặc kệ thế lao thẳng về phía tôi. Khi tới gần, anh không nhìn mà đưa mắt vào phía trong… khẽ hỏi:

– Thằng bé đâu?

Giọng anh nghẹn hẳn đi, tôi không đáp nổi, mà nấc lên, cái Chi đỡ tôi rồi nói:

– Thằng bé nằm trong kia.

Anh Thành quay sang Vinh khẽ nói:

– Anh theo tôi đi rửa tay và thay mặc đồ tiệt trùng rồi mới vào thăm bé. Từng người vào lần lượt thôi.

Lẽ ra tôi muốn thăm con trước, nhưng nhìn thấy Vinh, thấy nỗi đau đớn trong mắt anh cuối cùng cũng đành để a trước. Vinh thay đồ xong được anh Thành dẫn vào. Hôm trước tôi nghe chị Liên nói Vinh đi công tác, có lẽ ba anh biết chuyện nên đã thông báo, còn việc vì sao ông biết tôi cũng không rõ. Vinh đi vào, từng bước chân nhẹ nhàng trên nền gạch rồi đột nhiên anh lao đến cúi gập người ôm lấy Bo. Tôi thấy bờ vai anh run lên, từng giọt nước mắt chảy dài trên khoé mắt rồi lăn xuống lớp khẩu trang. Lúc này tôi cũng không kìm đưa tay quệt ngang dòng nước mặt chát. Anh cứ ôm con như vậy, rồi buông con ra đưa bàn tay chạm lên mái tóc con. Dường như nỗi xúc động của anh vẫn không vơi đi… đôi mắt đỏ hoe, những dòng nước vẫn thi nhau chảy xuống. Vinh khóc rất nhiều, tôi chưa từng nghĩ người đàn ông lạnh lùng ấy khi đứng trước Bo lại yếu mềm như vậy. Bàn tay to lớn của anh cứ liên tục chạm vào từng thớ da thịt của con Anh Thành nhìn tôi hỏi nhỏ:

– Thằng bé hình như tỉnh rồi, nếu cô cũng muốn vào luôn thì thay đồ đi.

Tôi gật đầu thay đồ rồi bước vào, vừa vào tới nơi đã nghe tiếng Vinh lạc đi:

– Ba đây con, gọi ba đi con.

Lúc này Bo khẽ giương đôi mắt ngây thơ hỏi tôi:

– Mẹ… chú công an… sao chú lại bảo chú là ba con? Chú có phải ba của con không mẹ?

Tôi bặm chặt môi sau lớp khẩu trang đáp lại:

– Ừ, là ba của Bo.

– Vậy ba Dũng…

Nghe Bo nói xong Vinh liền đáp vội:

– Ba Dũng là ba nuôi, còn ba là ba ruột của con.

– Thật không mẹ?

– Thật.

– Vậy sao ba lại không ở với mẹ con mình từ nhỏ.

– Tại ba đi nước ngoài giờ ba về rồi Bo ạ.

Bo nhìn Vinh, rồi tự nhiên bật ra:

– Ba.

Nghe đến đây Vinh lại run lên, anh quay mặt đi nhưng tôi cũng kịp nhận thấy nước mắt anh rơi. Bo nhìn Vinh, hình như con định nói gì nhưng rồi lại thôi. Vinh đứng dậy, nhìn tôi rồi nói:

– Tôi đi chọc tuỷ. Cô ở đây với con.

Khi anh vừa ra đến cửa Bo liền nói:

– Ba ơi đừng khóc nữa… chú công an là phải mạnh mẽ.

Vinh quay lại gật đầu rồi bước vội đi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.