Con Nhà Giàu

Chương 6


Đọc truyện Con Nhà Giàu – Chương 6

Vợ chồng thầy thông cười ngất. Thượng Tứ cũng cười và nói rằng : “Cô Hai nói đúng lắm. Cô nói như vậy thì tôi phục ngay, tôi không dám cãi”.
Mấy người áp nói pha lững với nhau một hồi rồi cô Hai Hẩu mời vợ thầy thông Hàng đi chợ mua đồ thêu. Thầy thông Hàng đòi đi theo và đốc vợ với cô Hai Hẩu mượn xe hơi của cậu Thượng Tứ mà đi cho mau. Cậu Thượng Tứ sẵn lòng, nên đứng dậy mời hai cô đi. Cô Hai Hẩu dụ dự, cô nói cô còn neo xe kéo. Vợ chồng thầy thông Hàng ép riết, biểu trả tiền xe kéo cho nó đi, cực chẳng đã cô Hai Hẩu phải nghe lời, nên móc bóp lấy bạc cắc mà trả tiền xe kéo rồi theo cô thông mà lên xe hơi. Hai cô ngồi sau, thầy thông ngồi dựa bên Thượng Tứ ở phía trước. Thượng Tứ cầm tay bánh thủng thẳng chạy xuống đường mé sông Cầu Quây, tới nhà hàng cô thông mới biểu ngừng xe lại. Hai cô vô nhà hàng mua đồ. Thầy thông ngồi ngoài xe mới hỏi thăm Thượng Tứ coi ở nhà có chọc ghẹo cô Hai Hẩu hay không. Thượng Tứ đem các lời mình chọc cô và những lời cô đối đáp mà thuật lại cho thầy thông nghe. Thầy thông liền vỗ vai Thượng Tứ và kê miệng nói nhỏ rằng : “Chịu rồi a. Toa chọc mà cô không rầy, cô nói như vậy đó, nghĩa là cô chịu rồi. Mỏa biết ý con gái lắm : Ban đầu mại hơi vậy mà. Mỏa tưởng cổ còn dục dặc đó là tại toa có vợ. Cổ nói hơi đó, toa không hiểu hay sao?”.
Thượng Tứ châu mày đáp rằng :
– Tôi bỏ vợ tôi rồi.
– Ủa! Bỏ hồi nào?
– Hổm nay. Tôi chở đồ về bên tôi hết rồi. Tôi không qua bển nữa.
– Cha chả! Toa làm cái đó bậy lắm, vợ kiếm thêm không có, vợ đâu mà bỏ?
– Tôi không cần. Đồ kỳ cục quá, tôi chịu không được.
– Hồi nãy toa có nói chuyện đó với cô Hai Hẩu hay không?
– Không.
– Vậy để bữa nào mỏa biểu vợ mỏa nói với cổ coi cổ nói làm sao. Mỏa chắc cổ nghe chuyện ấy cổ hết dục dặc nữa. Mà bây giờ đây mỏa chắc cổ cũng chịu rồi. Nếu cổ không có tình ý gì với toa sao cổ lên xe toa cổ đi, phải hôn?
Thượng Tứ gặc đầu và cười, coi bộ đắc ý lắm.
Hai cô mua đồ rồi, một người ôm một gói trong nhà hàng đi ra. Cô Hai Hẩu từ giã hai thầy với cô thông, tính lên xe kéo mà về. Thầy thông mời trở lại mà chơi một chút nữa. Cô nói trưa rồi, cô phải về. Cô thông biểu thôi lên xe hơi đặng đưa về nhà. Cô Hai không chịu, cứ kêu xe kéo rồi từ giã mà đi.
Thượng Tứ ngồi ngó theo cô cho đến xe cô đi khuất rồi, cậu mới chịu đạp máy cho xe chạy mà đưa vợ chồng thầy thông về. Đi dọc đường thầy thông hỏi Thượng Tứ rằng :
– Toa biết tại sao mà cô Hai không chịu lên xe hơi cho toa đưa về nhà hôn?
– Không.
– Cổ sợ ông Giáo thấy rồi ổng nghi, biết hôn? Con gái hễ có tình thì có ý như vậy đó. Mấy cái cử chỉ đó đủ chứng rằng cô Hai khoái toa lắm rồi đó.
Thượng Tứ nghe như vậy lại còn đắc ý hơn nữa, bởi vậy về tới nhà thầy thông Hàng, cậu vô uống nước, cậu thấy hai đứa nhỏ cậu không ghét như hồi nãy nữa, cậu lại móc bóp phơi ra lấy một tấm giấy bạc mà cho chúng nó. Cô thông biểu hai đứa con cúi đầu xá cậu mà cám ơn. Thượng Tứ vỗ đầu hai đứa nhỏ mà cười, rồi biểu thầy thông lên xe đặng cậu đưa trở lại sở mà làm việc.
Theo lời của thầy thông Hàng nói, thì sở nguyện của cậu Thượng Tứ đã phỉ rồi, hy vọng của cậu đã gần thành rồi, cậu còn kể gì là nhà, cậu còn kể gì là vợ nữa.
Bà Kế hiền đi thăm sui gia về, bà buồn cho nỗi con hết sức, bà trông con về đặng có nói phải quấy cho con nghe, rồi biểu trở qua Ông Văn xin lỗi cha mẹ vợ mà ở với vợ lại. Bà trông hơn một tuần lễ, ăn không được, ngủ không yên, mà không thấy tăm dạng thi hết. Bà bứt rứt trong lòng chịu không được nên bữa nọ bà phải bỏ nhà đi lên Mỹ Tho kiếm người hỏi thăm. Bà ghé mấy nhà quen, hỏi lần lần mới hay Thượng Tứ ở tại Tam Hòa khách lầu. Bà đi thẳng lại đó, nhằm lúc 9 giờ sớm mai. Bà hỏi thăm ông chủ khách lầu và cậy ông biểu bồi lên lầu kêu giùm Thượng Tứ xuống cho bà nói chuyện. Thằng bồi đi lên một hồi lâu rồi trở xuống thưa rằng cậu Tư ngủ mê, kêu cậu không chịu dậy, cậu biểu ai muốn thăm thì để chiều sẽ lại. Bà Kế hiều trở lên nói rằng có bà già ruột của cậu lại kiếm cậu, nên cậu phải xuống nói chuyện một chút : Bà ngồi đợi gần một giờ đồng hồ, Thượng Tứ mới chịu xuống. Cậu bận một bộ đồ Pyjama bằng lụa trắng có sọc xanh, tóc chôm bôm, mặt sật sừ.
Bà Kế hiền thấy mặt con thì bà nổi giận, nên bà hỏi cụt ngủn rằng :
– Mầy đi đâu dữ vậy hử?
– Tôi đi thăm anh em chơi chớ có đi đâu.
– Về nhà đặng tao nói chuyện cho mà nghe.
– Chuyện gì?
– Ậy, thì về nhà rồi sẽ biết mà.
– Má về trước đi.
– Mầy không chịu về hay sao?
– Chiều tối rồi tôi sẽ về.
– Vậy chớ mầy về liền bây giờ không được hay sao?
– Không được. Tôi còn mắc công chuyện một chút nữa.
– Ứ hự! Con thiệt là quá quắc lắm.
– Có gì đâu quá quắc. Má về đi. Tôi nói chiều tôi về mà.
– Chắc hôn?

– Sao không chắc.
– Ờ, thôi tao về : Mà chiều mầy phải về nghe hôn.
Bà đứng dậy cáo từ ông chủ khách lầu rồi lấy dù mà đi về.
Bà Kế hiền vô tới sân, bà thấy có một cái xe hai bánh để đó, chổng gộng lên trời, bà không biết xe của ai. Chừng bà bước lên thềm bà thấy cô Mạnh ở trong nhà chạy ra xá bà thì bà mừng quýnh nên bà hỏi rằng :
– Con qua hồi nào đó?
– Thưa, con mới qua. Hổm nay con muốn đi mà mắc công việc lặn dặn hoài, nên bữa nay con mới đi được. Thưa, má ở bên nây mạnh?
– Ờ, mạnh. Anh chị bên nhà cũng mạnh, con há?
– Dạ, thưa mạnh. Thầy má con có gởi lời thăm má.
– Sao con không đi sớm sớm, để đi trưa nắng quá?
– Thưa, con qua hồi nãy cũng còn sớm.
Bà đi rửa mặt và hối trẻ dọn cơm. Cô Ba Mạnh lật đật đi xuống nhà bếp mà coi cơm nước cho mẹ chồng. Bà Kế hiền kêu dâu mà nói rằng:
– Con để đó cho con Mang nó dọn, con. Con lại đây cho má hỏi thăm một chút … Hổm nay anh chị bên nhà hết giận thằng Tư hay chưa?
– Thưa, con có thấy giận hờn chi đâu. Má con có hỏi không biết tại sao anh Tư về ở biệt bên nây, không thấy ảnh qua nữa.
– Ờ, bữa hổm má về má rầy nó, má biểu nó phải qua lạy anh chị mà xin lỗi. Nó nói sợ quá, để ít bữa nguôi ngoai rồi nó mới dám đi. Rồi kế có một thầy, anh em bạn học của nó hồi trước, tới rủ nó đi Vũng Tàu hứng gió. Nó đi với thẩy hổm nay. Nó nói chiều bữa nay nó về. Con đi qua đây, con có thưa trước cho anh chị biết chừng nào con về hay không?
– Thưa, má con dặn qua thăm má bên nây rồi xế phải về.
– È! Về chi gắp vậy nào! Ở chơi vài bữa rồi sẽ về, con.
– Thưa con hứa xế về, nếu con ở, sợ e thầy má con ở nhà trông.
– Không hại gì. Xe để đàng trước đó là xe ở bển con mướn co qua, phải hôn?
– Thưa phải.
– Nếu vậy thì tiện lắm. Để một lát kêu thằng đánh xe cho nó ăn cơm, rồi biểu nó về bển nó thưa giùm với anh chị hay, con ở bên nây chơi vài bữa rồi sẽ về.
– Thưa, sợ ở lại bên nây, thầy má con trông lắm!
– Không có sao đâu. Về bên nây, chớ phải đi đâu hay sao mà sợ. Còn mình có cho xe về nói mà trông giống gì.
Cô Ba Mạnh không muốn ở, mà bị mẹ chồng ép quá cô phải vưng lời, song cô không vui chút nào hết.
Bà Kế hiền, một là vì con dâu có tiền, hai là vì con mình không nên thân, bởi vậy bà vui vẻ ngon ngọt với dâu bà lung lắm. Bà thấy dâu không có tỏ một lời nào phiền chồng thì bà mừng thầm, chắc sao Thượng Tứ về gặp vợ, hai vợ chồng sẽ dã lã với nhau, rồi dắt nhau trở về bển.
Đến nửa chiều, bà trông Thượng Tứ đến nỗi ngồi không yên chỗ được. Bà đi ra đi vô, lóng tai, dòm chừng hoài, nghe xe ai chạy ngoài lộ bà cũng tưởng xe của con về, nên bước ra mà ngóng. ợi đến đỏ đèn mà không thấy tăm dạng chi hết, bà mới biểu dọn cơm lên ăn. Bà ngồi ăn cơm với dâu mà trí bà lo ra, bà cứ nói: “Thằng kỳ cục quá. Nó nói chiều nay về, mà sao đến chừng nầy nó chưa về kìa”.
Ăn cơm rồi, bà Kế hiền đương ngồi trên ván ăn trầu mà nói chuyện với dâu, thình lình nghe tiếng xe chạy rồi quẹo vô cửa. Bà chắc Thượng Tứ về, nên trong bụng mừng, song bà làm tỉnh mà nói rằng: “Thằng quỉ đó bây giờ nó mới về a”.
Thượng Tứ bước vô, bị đèn chấp chóa, cậu thấy trong nhà không rõ, chỉ thấy mẹ ngồi dựa cái đèn mà ăn trầu, cậu bèn hỏi rằng: “Má biểu tôi về nói chuyện gì?”.
Câu hỏi ấy làm cho lòi mấy lời xảo trá của bà nói với dâu hồi trưa, bởi vậy bà giận bà đáp rằng: “Cái tật lý lắc lý lưởi không chịu bỏ! Đi sao mà quá chừng, con nó trông không được, nó qua nó kiếm đây, chớ nói chuyện gì!”.
Thượng Tứ day qua thấy vợ bận quần đen áo đen, đương đứng gần cây cột, cậu châu mày rồi nói rằng: “Ai cầu kiếm? Kiếm làm giống gì? Đi về bển đi! Quân bây khinh khi tao lắm, còn đeo theo làm chi? Muốn báo tao phải không?”.
Cô Ba Mạnh là gái ăn nói nhỏ nhoi, cô nghe những tiếng thô tục như vậy thì chát chúa lỗ tai cô, bởi vậy cô đứng mà khóc, chớ không biết lời chi mà đối đáp.
Bà Kế hiền la lớn lên rằng: “Thằng quỉ! Nói hơi du côn với ai vậy? Vợ mầy nó có lỗi gì mà mầy dám mắng nó? Tao đạp đầu đuổi mầy đi đây mầy không lo, lại lo đuổi nó. Bữa nay tao mới thấy cái tài của mầy rồi đa. Hèn chi anh chị ở bển chịu mầy không nổi phải lắm mà”.
Thượng Tứ quậm mặt nói rằng:
– Tôi biết mà. Má thấy họ giàu má mê, nên chuyện gì má cũng binh họ hết thảy. Họ coi tôi như rơm như rác, má cũng không kể.

– Ai coi mầy như rơm như rác đâu? Khéo kiếm cớ mà chữa mình! Giá mạng mầy mà cưới được con vợ như vậy thì đáng lạy nó nữa chớ, khéo làm bộ.
– Hứ! Quý với má, chớ quý với ai đó mà má chưng.
– Hơi nó nói, ai chịu được thì chịu đi coi nè!
– Má nói nó quí lắm; má để rồi coi tôi có vợ bằng mười nó hay không mà.
Bà Kế hiền thấy con nghinh ngang quá, nếu nói nữa thì là chọc cho nó nói bậy thêm chớ không ích gì, bởi vậy bà lắc đầu ngồi lặng thinh.
Thượng Tứ bỏ mẹ, trở qua hỏi vợ rằng:
– Bộ khi thằng cha với con gái mẹ mầy sai mầy qua đây chọc cho tao đánh đặng làm cớ mà lên tòa xin để, phải hôn? Không cần gì để. Tao cho phép mầy về lấy chồng khác làm ăn. Cái giàu của mầy đó không đủ cho tao xài một lát, đừng có chộn rộn.
– Cha mẹ tôi có quấy với mình chỗ nào đâu, mà hễ mở miệng thì mình cứ mắng nhiếc cha mẹ tôi. Còn tôi cũng không có khoe giàu với mình hồi nào, sao mình cứ câu mâu sự đó hoài. Đạo vợ chồng, dầu mình không thương tôi mình nói một tiếng rồi mình bỏ cũng được, cần gì mà phải nặng nhẹ nhiều lời. Hôm trước mình đánh chưởi tôi rồi mình chở đồ về bên nây, tôi đã nghi cái duyên nợ của tôi với mình chỉ có mấy ngày mà thôi! Nãy giờ tôi nghe những lời mình nói đó nữa, thì tôi chắc, chớ tôi hết nghi rồi. Không sao, phần số tôi vô duyên, nên bị chồng bỉ bạc thì tôi chịu, tôi chẳng dám phiền trách ai. Tôi cầu chúc cho mình kiếm vợ khác cho hơn tôi, đặng mình vừa lòng… Cô Ba Mạnh nói tới đó thì cô khóc ròng, nói không được nữa.
Bà Kế hiền thấy dâu như vậy, còn con như vậy, thì bà tức tửi nên bà cũng khóc.
Thượng Tứ đã không biết động lòng mà cậu lại đứng dậy, khoát tay, nói rằng: “Tao với mầy thiệt hết duyên nợ rồi. Thôi rày sắp lên đừng có qua lại bên nây nữa. Mầy về nói với cha mẹ mầy ráng kiếm thằng rể khác biết cày bừa, biết tiện tặn, cho xứng với nhau, chớ tao là quân chơi bời, cha mẹ mầy không ưa được”.
Bà Kế hiền đã nhất định không thèm nói với con nữa, mà thấy nó hỗn hào ngang ngược quá, bà nín không được, nên bà giựt cây chổi lông bà rượt đánh và chưởi om sòm. Thượng Tứ không sợ mẹ rầy, nhưng mà sợ cây chổi trúng, nên cậu bỏ chạy ra sân rồi leo lên xe hơi đi mất.
Bà Kế hiền trở vô và khóc và nói với dâu rằng: “Má vô phước quá! Má có một mình nó, má thương, nên má lo cho nó hết sức, lo cho nó có ruộng đất cho nhiều, rồi lại lo cho nó có vợ chỗ tử tế. Nó lại không biết ơn, lại sanh tâm ngỗ nghịch. Thôi, nó muốn hư, thôi thây kệ nó, con chẳng nên buồn. Con về con cũng đừng có thuật những lời nó nói bậy đó cho anh chị nghe làm anh chị buồn. Để coi chừng nào nó ăn năn cho biết”.
Mẹ chồng nàng dâu khóc với nhau, người vô phước, kẻ vô duyên, tuy sự đau đớn khác nhau, song cũng buồn thảm như nhau cả. Bà Kế hiền buồn nhưng mà bà kiếm lời khuyên giải dâu luôn luôn. Bà không dám nói chuyện Thượng Tứ qua xin lỗi cha mẹ vợ mà ở lại, mà bà cũng không dám tính chuyện xin rước dâu về ở bên nây nữa; bà cứ khuyên dâu đừng buồn, bà nói có lẽ tại hai tuổi xung khắc, nên vợ chồng phải xào xáo như vậy trong một đôi tháng rồi mới thuận hòa.
Đến sáng, cô Ba Mạnh xin phép mẹ chồng mà về kẻo cha mẹ trông. Bà Kế hiền nghĩ phận dâu bà thương hết sức, song vợ chồng nó như vậy, bà cầm ở lại sao được, bởi vậy bà phải mướn xe cho dâu về. Khi cô Ba Mạnh từ giã mẹ chồng mà lên xe, cô nói rằng: “Thôi, má ở đây mạnh giỏi. Chắc là từ rày sắp lên con ít gặp má, bởi vì chồng con cấm không cho con qua đây nữa, con làm sao mà thăm viếng má được…” Cô nói tới đó thì cô khóc vùi. Bà động lòng bà cũng khóc. Mẹ con khóc với nhau một hiệp như hồi hôm vậy nữa rồi mới từ biệt nhau.
Bà Kế hiền tính để cho dâu về ít bữa rồi bà sẽ qua mà nói thiệt việc nhà cho anh sui chị sui nghe, và hỏi anh sui chị sui coi bây giờ phải liệu lẽ nào, chớ hư nên gì nó cũng là con rể trong nhà, nếu giận lẫy buông xụi thì cũng tội nghiệp phận con, mà thiên hạ người ta cũng đàm tiếu. Bà tính như vậy mà hễ bà nhớ tới việc con thì bà buồn, bà lo, bà giận, bà tức, ăn không ngon, ngủ không được, trong vài ngày bà nhúm bịnh.
Bà trẻ tuổi, mà lại mạnh mẽ nữa; thuở nay bà ít hay nhức đầu, nóng lạnh, sổ mũi, mỏi tay như mấy bà có tiền khác. Hổm nay vì bà rầu rĩ nỗi con, ăn ngủ không được, thân thể bải oải, dún mình ớn lạnh, ho khúc khắt ít tiếng rồi khạc ra có vài cục máu bằng ngón tay út vướng theo đàm. Bà thấy vậy bà kinh tâm thất sắc, biết bịnh hiểm nghèo. Bà lật đật hối thằng Ngộ xuống xóm dưới rước thầy thuốc Kham lên coi mạch hốt thuốc cho bà uống.
Bà Kế hiền nhứt định lo dưỡng bịnh, không thèm lo việc chi khác nữa hết. Tuy bụng bà muốn như vậy, song bà nằm một mình, trí bà bắt nhớ chuyện nầy, chuyện nọ hoài, nhớ thằng con ngỗ nghịch đã ló mòi hư rồi, nhớ chứng bịnh hiểm nghèo sợ không sống lâu được, mà hễ nhắm mắt rồi thì còn gì sự nghiệp, công phu lòn cúi, tráo trở, bày mưu, lập kế gần 20 năm trường, trong một phút sẽ tan như khói bay, sẽ tiêu như bọt nước.
Người ở trong cái địa vị của bà mà không lo sao được, mà mắc chứng bịnh thổ huyết hễ lo thì làm sao mà mạnh. Bà uống năm sáu thang thuốc, khạc không có ra huyết nữa, nhưng mà tâm thần mờ mệt, nước da mét xanh, thân thể gầy mòn, tay chơn rũ riệt. Bà ráng hết sức thì trong buồng xê ra ngoài ván mà thôi, chớ bà không dám tính bước ra khỏi cửa.
Hôm trước bà Hội đồng Thưởng cho phép con đi thăm mẹ chồng nó. Chừng cô Ba Mạnh về, bà hỏi thăm thằng rể ở bển làm việc gì, thấy vợ nó qua nó có mừng hay không. Tuy cô Ba Mạnh không quên lời mẹ chồng dặn, nhưng mà việc nhà, cô giấu ai chớ có lẽ nào dấu mẹ ruột, huống chi duyên phận lỡ làng, cô ấm ức khó nỗi ôm ấp trong lòng được, bởi vậy cô ngồi khỉ khầm thuật chuyện chồng mắng nhiếc xô đuổi lại cho mẹ nghe.
Bà Hội đồng giận lắm, song bà không muốn lộ cái nét giận của bà cho con thấy, nên bà cắn răng ngồi làm thinh. Bà có ý trông coi như chị sui có qua hoặc xin lỗi cho con, hoặc xin đem dâu về, thì bà sẽ nói phải quấy cho chị sui nghe. Bà trông đến tháng chạp mà không thấy sui hay là rể qua nói chuyện chi hết. Bà lấy làm phiền, nên bữa nọ bà tính đi qua Mỹ Hội thăm chị sui coi tại sao mà bặt tin cho biết. Ông Hội đồng can rằng: “Bà đi đâu cho thất công. Khéo làm cho họ khinh dễ. Đã biết mình có con gái, nên hư gì mình gả một lần mà thôi, dầu mắc rể hư, mình cũng không lẽ bắt con lại mà gả chỗ khác. Mà thằng Tứ là đồ khốn nạn quá, nó hân hủi đuổi xô con Mạnh, tôi nghe nó qua Mỹ Tho mướn nhà ngủ ở với con đĩ nào đó hơn một tháng nay rồi, bây giờ bà còn qua năn nỉ cho nó về ở với con mình hay sao? Không được. Đồ bất hiếu như vậy, tôi nhất định không cho nó bước chơn tới nhà tôi, mà tôi cũng không cho con Mạnh qua bển nữa. Con tôi thì nó ở nhà tôi, có giỏi nói tiếng gì nữa thì tới đây mà nói”.
Bà Hội đồng cười mà đáp rằng: “Ông đừng có binh con mà nói như vậy, chị sui chỉ nghe chỉ phiền. Con chỉ quấy, chớ chỉ ở với mình có mích lòng chỗ nào đâu. Huống chi con Mạnh đã có thai nghén rồi bây giờ mình bắt chặt bắt lỏng, té ra mình muốn phân rẻ vợ chồng nó hay sao. Mình vô phước gặp thằng rể hoang đàng, thì để thủng thẳng coi nó làm sao, chớ nếu mình nóng nảy quá thì cái lỗi trở về mình. Để tôi qua thăm chị sui thử coi chỉ nói làm sao mà. Con của mình thì nó ở nhà mình đó, ai bắt đi đâu được mà ông sợ”.
Bà Kế hiền đau nằm chèo queo ở nhà một mình với hai đứa ở; Thượng Tứ đi biệt không thấy trở về. Bà buồn việc nhà, bà muốn qua than thở với sui gia mà đi không được; bà trông cho thầy Ban biện Chí hoặc cô Ba Ngọc đến thăm mà cũng không thấy đến.
Bà mới ăn một chén cháo rồi nằm ngoài ván mà nghỉ cho khoản khoát. Thình lình bà nghe có tiếng xe ngựa chạy vô sân. Bà biểu con Mang ra cửa coi có khách nào đó. Con Mang bước ra rồi liền chạy vô thưa rrằng: “Thưa, có bà Hội đồng qua”.
Bà Kế hiền ráng ngồi dậy mà bộ bà mệt lắm. Bà Hội đồng bước vô trong, sui gia chào hỏi nhau. Bà Hội đồng vừa ngồi xong kế bà hỏi rằng:
– Chị đau sao đó mà chị ốm dữ vậy?
– Hổm nay tôi bịnh dữ quá. Hôm con Tư ở bên nây nó trở về bển thì tôi có nói để vài bữa rồi tôi qua thăm anh chị. Té ra nó về rồi thì kế tôi xáng bịnh, đi đâu không được hết.
– Bất nhơn dữ hôn! Vậy mà ở bển có hay đâu. Chị rước thầy nào mà uống thuốc, thầy có nói đau chứng bịnh chi hay không?
Theo thói thường, những người đau bịnh hiểm nghèo cũng như những người đau bịnh kín, họ hay giấu giếm, không muốn nói chứng bịnh cho người ta biết. Bà Kế hiền cũng vậy, bà sợ nói thiệt rồi chị sui ở bển đồn ra, thiên hạ dị nghị, bởi vậy bà nói trớ rằng:
– Tôi đau cũng không có chi lắm; nhức đầu, nóng lạnh, rồi bải hoải tay chơn, ăn ngủ không được, tại vậy mà ốm. Tôi uống thuốc của ông thầy Kham coi có mòi khá khá, mà sao cũng còn hơi mệt hoài.
– Chị nằm xuống mà nghỉ. Đau mà ngồi làm chi.
– Thưa được. Mời chị uống nước.
Bà Kế hiền biểu con Mang bắt vịt làm thịt đặng nấu cơm. Bà Hội đồng không cho, bà nói bà mới ăn cơm rồi đi đây, nên không đói. Hai sui gia nói chuyện với nhau một hồi lâu, bà Hội đồng không thấy chàng rể, bà mới hỏi rằng:

– Thằng Ba nó đi đâu vắng?
– Nó đi hoài có biết đâu mà nói.
Bà Kế hiền trả lời mà hơi bà mệt, sắc bà buồn lung lắm.
Bà Hội đồng thấy vậy, bà không dám hỏi nữa và bà khuyên chị sui hãy nằm xuống mà nghỉ. Bà Kế hiền liệu sức ngồi ráng nữa không nổi, nên bà cáo lỗi rồi kéo gối mà nằm. Vì con nó làm cho bà phiền não nhiều, nên bà nằm mà nước mắt chảy ròng ròng. Bà Hội đồng biết chị sui đau đớn nỗi con, nên bà day qua têm trầu mà ăn, để cho chị sui nghỉ.
Cách một hồi, bà Kế hiền lấy khăn hột mè lau nước mắt rồi nói rằng: “Tôi không dè tôi vô phước đến đỗi nầy! Tôi giấu ai chớ giấu chị làm chi. Tôi sanh có một chút con, tôi muốn cho nó được tử tế với người ta. Hồi nó còn nhỏ, tôi lo cho nó ăn học, tốn hao bao nhiêu tôi không kể. Nó đi học thì tôi ở nhà lao tâm tiêu tứ, lập thế kiếm tiền sắm ruộng mà để cho con. Tè ra nó học, báng đồ nhi phế, không ra gì hết. Tôi nghĩ thôi con học không được, thì cưới vợ cho nó, đặng nó có đôi bạn lo làm ăn với người ta. Cưới vợ rồi, nó lại sanh chứng hoang đàng cứ đi chơi hoài, không lo việc chi hết mà lại hân hủi vợ nữa. Tôi mắc thằng con, thiệt tôi buồn rầu hết sức. Hổm nay tôi tính để qua nói chuyện nhà cho anh chị nghe, mà rồi kế đau nên đi không được. Tôi biết tôi vô phước mà anh chị cũng vô phước lắm. Phải tôi dè nó như vậy thì tôi có cưới vợ cho nó làm chi. Mà thôi, việc đã lỡ rồi, tôi xin anh chị thương, hỉ xả giùm cho nó. Không biết chừng tại tuổi hai đứa nó xung khắc nên mới sanh chuyện trắc trở như vậy. Để tôi uống thuốc ít ngày tôi mạnh rồi tôi kiếm thầy giỏi mà coi tuổi lại coi. Tôi thấy họ như vậy cũng hiếm, vợ chồng trắc trở, họ làm đám cưới, xây phòng lại rồi hòa thuận ăn ở với nhau như thường.
Bà Hội đồng thấy chị sui thiệt tình mà lại biết phải, bà không nỡ nói nặng nhẹ, nên bà suy nghĩ một hồi rồi đáp lại rằng:
– Chị đai thì cứ lo uống thuốc cho mau mạnh. Chuyện sắp nhỏ để sau rồi sẽ tính.
– Chị qua sao chị không dắt con Tư qua chơi?
– Nó cũng muốn đi qua thăm chị lắm, ngặc gì hôm trước thằng Tư cấm không cho nó qua bên nây nữa, nên nó không dám đi.
– Thằng quỉ đó nói bậy, hơi nào mà giận nó.
– Thầy nó hờn nó lung lắm. Ổng ít hay nói mà tánh ổng gắt. Ổng nghe nó đuổi xô đánh chưởi con nhỏ ổng giận nên ổng cấm con nhỏ không cho qua lại nữa.
– Tôi coi bộ con Tư nó còn thương thẳng lắm.
– Thì nó thương chớ sao, tại thẳng kỳ cục quá, chớ có phải tại nó đâu… À, chị có hay việc gì không?
– Việc gì?
– Con nhỏ nó có nghén.
– Vậy hay sao?
– Á, tại vậy đó, nên tôi không muốn cho nó đi xe đi cộ, sợ dằn.
– Nếu nó có nghén thì nó phải tiếp dưỡng không nên đi xe.
– Nó dã dượi tối ngày, chớ phải nó mạnh mẽ như hồi trước, thì tôi biểu nó qua ở nuôi chị ít bữa.
– Thôi, tưởng là nó mạnh thì qua chơi, chớ nó như vậy thì qua làm chi.
Bà Hội đồng ở nói chuyện chơi tới xế mát bà mới về.
Chị sui về rồi, bà Kế hiền càng buồn hơn nữa. Lúc nói chuyện với chị sui, bà giấu, vì không nỡ khai hết cái tội của con ra, chớ từ bữa Thượng Tứ rầy vợ rồi cậu bỏ lên xe mà đi, thì cậu đi biệt mất, không có léo về nhà nữa, bà Kế hiền đau mà cậu không hay, mà bà giận, bà cũng không thèm sai ai đi kiếm.
Cậu Thượng Tứ đi đâu dữ vậy?
Cậu có đi đâu. Cậu lên Mỹ Tho, cậu ở Tam Hòa khách lầu mà chơi; cậu có thèm đi đâu xa làm chi, mà cậu không muốn về nhà chớ.
Cậu mê mẩn cô Hai Hẩu, nên đeo đuổi theo vợ chồng thầy thông Hàng mà cậy làm mai. Ban đầu thầy thông Hàng nói rằng cô Hai Hẩu đã đành cậu rồi, nhưng vì cậu có vợ, nên cô không dám gần. Cậu nói cậu đã bỏ vợ rồi, và cậu cậy thầy thông trao lời lại rằng, nếu cô ưng cậu thì cậu thề chắc cậu sẽ làm cho cô được hạnh phước trọn đời. Cách ít bữa, thầy thông đưa cho cậu một phong thơ mà nói rằng: “Bữa nay ở nhà tôi lên thăm cô Hai Hẩu và luôn dịp nói giùm chuyện cho cậu. Cô có gởi một cái thơ mà trả lời cho cậu đây. Thơ nói chuyện gì không biết. Cậu mở ra mà coi.
Thượng Tứ nghe nói cô Hai Hẩu gởi thơ thì cậu mừng quá, lật đật mở ra mà đọc. Thơ như vầy:
“Thầy Tư rất yêu dấu ơi!
“Em không dè phận hèn mọn vụng về nầy mà có phước được thầy chiếu cố. Em rất cảm cái tình tri ngộ ấy, chẳng biết chi mà đền bồi, chỉ nguyện ôm khối tình mà chờ chừng nào thầy thiếu người nội trợ thì em sẽ xin với thầy cho em theo hầu hạ, đặng sớm dưng chén cơm, chiều rót tách nước, cho phỉ tình kính trọng bực văn nhơn”.
Em thề quyết dầu phải chờ đến bạc đầu em cũng ráng chờ, song nếu thầy có lòng thương thì xin cho chút vật mọn làm tin, đặng khi nhớ nhau thì dở ra mà nhìn, cho nguôi bớt đoạn sầu phân cách. Vài hàng sơ lược, cuối xin quân tử dung tình”. H.H.
Thượng Tứ cầm bức thơ coi đi coi lại hai ba lần. Thầy thông Hàng ngồi liếc mắt dòm cậu thì thấy sắc diện cậu tươi rói mà miệng lại chúm chím cười. Thầy biết cá đã nhấp mồi rồi, nên thầy hỏi rằng: “Thơ nói sao đó cậu?”. Thượng Tứ liền trao cái thơ cho thầy thông coi. Thầy coi xong rồi thầy trả lại và cười nói rằng: “Tôi đoán hay hôn? Tôi thấy bộ thì tôi biết cô đã chịu rồi mà. Cậu cám ơn tôi hay không, hử?”. Thượng Tứ gặt đầu lia lịa mà đáp rằng:
– Mang ơn lắm. Chỗ ký tên mà viết 2 chữ H.H. là nghĩa gì vậy?
– Cậu dốt quá! Hai chữ H đó là Hai Hẩu chớ gì.
– À phải. Mà không biết thơ nầy chữ cổ viết hay là cổ mượn ai?
– Cổ biết chữ, có lẽ cổ viết, chớ chuyện kín mà cổ mượn ai.
– Chữ con gái mà viết hay quá.
– Theo thơ đó thì cổ nói chừng nào cậu rảnh rang, không có vợ, thì cổ sẽ ưng cậu, dầu phải chờ đến già cổ cũng chờ, song bây giờ cổ xin cậu đưa cho cổ một vài vật gì để làm kỷ niệm. Cổ nói nghe có tình quá. Vậy cậu tính sao đây?
Thượng Tứ ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng :
– Dầu cô Hai không có buộc như vậy, tôi cũng không thể ở với vợ tôi được. Đồ kỳ quá, chịu không nổi. Để thủng thẳng rồi tôi sẽ làm đơn đến Tòa mà xin phá hôn thú. Bây giờ cho cổ một vật gì để làm kỷ niệm, không biết mua giống gì mà cho đây”.

Cậu nói tới đó rồi cậu châu mày mà suy nghĩ nữa. Thầy thông Hàng nói rằng :
– Mua giống gì thì cậu liệu, tôi có biết đâu. Nhưng mà cô Hai Hẩu là người đúng đắn, nếu muốn kỷ niệm thì phải mua đồ cho xứng đáng chớ cho đồ bậy bạ cổ khinh dễ.
– Theo ý thầy, bây giờ phải mua vật gì?
– Kỷ niệm cho đàn bà con gái thì phải mua đồ nữ trang, như bông tai, hoặc cà rá, hoặc dây chuyền, hoặc vòng, mà thứ nào cũng phải nhận hột xoàn coi mới được… Cha chả! Mà làm như vậy coi đúng, song phải tốn tới năm bảy trăm.
– Ối! Có hại gì việc đó; tốn bao nhiêu cũng được mà. Thầy xin phép đi Sài Gòn một bữa với tôi đặng mua đồ chơi.
– Được. Mà mua thứ hột xoàn đồ đó tôi không hiểu. Ở nhà tôi nó thạo lắm, để tôi mượn nó đi với mình.
– Nếu được vậy thì tốt lắm … Bữa nay thứ 5 rồi; thôi thầy xin phép trước, sớm mơi mốt, nhằm thứ 7, mình đi.
Hẹn hò xong rồi, Thượng Tứ nghĩ trong bóp phơi còn có 700 đồng bạc, sợ e mua đồ không đủ, nên cậu tính về nhà o bế mẹ mà xin tiền thêm.
Vì cậu bỏ nhà đi trót tháng, cậu sợ mẹ giận mà không cho tiền, nên trở về cậu êm ái lắm, xe vô sân cậu không dám bóp kèn, lúc vô nhà cậu đi giày không dám bước mạnh. Phía trước cửa đóng bì bịt, cậu phải đi vòng ra phía sau. Mà phía sau cũng vắng hoe, cậu ngó quanh quất thấy có một mình con Mang đương lui cui nấu cơm dưới nhà bếp, cậu bèn bước xuống hỏi rằng: “Má tao đi đâu, Mang?” Con Mang đáp rằng :
– Bà không có nằm trên ván hay sao?
– Không.
– Nếu vậy thì chắc bà vô nằm trong buồng.
– Mới chừng nầy mà nằm trong buồng nỗi gì?
– Từ hôm cậu đi đến nay, bà rầu bà đau, nên bà nằm trong buồng hoài.
– Đau giống gì?
– Bà ho, rồi nhức đầu nóng lạnh.
Thượng Tứ nghe nói đau, mà cậu không tỏ dấu lo sợ chi hết, cậu lại chúm chím cười rồi đi riết vô buồng mà kiếm mẹ. Cậu khoát mùng thấy mẹ nằm chèo queo, cậu hỏi rằng : “Má đau sao đó má?”.
Bà Kế hiền mở mắt thấy con, bà ráng chống tay ngồi dậy mà nói rằng :
– Mầy đi đâu sao không đi luôn đi, còn trở về làm gì? Mầy tính về mà chọc cho tao giận, đặng tao chết cho mau phải hôn?
– Đi chơi mà.
– Thì đi chơi, chớ ai nói mầy đi đâu. Thôi, tao không biết mẹ con gì nữa. Đi đâu thì đi cho khuất con mắt tao, chết bờ chết bụi gì thì chết phứt cho rồi. Đồ khốn nạn lắm!
– Giống gì mà khốn nạn!
Thượng Tứ tính về xin tiền, chẳng dè mới đút đầu vô nhà thì bị mẹ rầy rà. Cậu đã nghe con Mang nói tại cậu đi nên bà rầu bà đau, mà cậu không thèm để ý đến câu nói ấy; cậu cứ nghĩ trong trí rằng mẹ ể mình nên mẹ quạu, không biết làm sao mà xin bây giờ.
Cậu bỏ ra ngoài trước, đi ngang qua bàn thờ cha, cậu không thèm ngó; cậu đi tới hàng ba rồi chấp tay sau đít qua lại lại qua mà suy nghĩ : còn có 700 đồng bạc, nếu mua đồ hết rồi lấy gì mà xài? Mà bây giờ mẹ đương giận, làm sao mà xin tiền cho được? Cậu đi một hồi rồi cậu trở vô nhà trong; cậu thấy mẹ đã ra nằm trên ván, cậu lại ngồi một bên mà hỏi rằng :
– Má đau sao đó vậy má?
– Tao đau sao mặc kệ tao; mầy hỏi làm gì? Mầy có kể đến ai đâu mà mầy hỏi?
– Má giận thiệt hay sao?
– Tao thù, tao oán mầy, chớ không phải giận mà thôi đâu!
– Mẹ mà thù oán con cái gì!
– Tao đẻ mầy đó là đẻ yêu, đẻ quỉ, chớ không phải là đẻ con. Bởi yêu quỉ nên mới theo mà báo đời tao như vậy đó.
– Mà chưởi rủa hay là má đánh tôi tự ý má. Má làm cho đã nư giận của má đi. Má muốn làm sao tôi cũng chịu hết thảy.
– Khéo nói liều mạng.
– Thiệt chớ liều mạng.
Bà Kề hiền day qua chỗ khác, không thèm nói nữa. Thượng Tứ thấy mẹ đã dịu rồi, cậu tính để thủng thẳng rồi sẽ òn ỹ, nên cậu thay đồ mát rồi đi ra vườn mà chơi. Đến tối cậu theo dã lã, kiếm chuyện mà nói với mẹ. Tình mẹ con đương hồi giận thì nói cho hung, chớ không thế nào mà dứt được, bởi vậy bà êm lần lần, tính thừa lúc con biết lỗi mà khuyên dỗ nó.
Thượng Tứ nhơn dịp ấy mới xin tiền, cậu xin mẹ đưa số bạc trước cho cậu, rồi ra giêng mẹ góp lúa ruộng hương hỏa mà lấy lại. Bà Kế hiền nghe nói tới bạc tiền ruộng đất thì bà phát giận lên lại, nên bà hỏi rằng: “Tè ra mầy về đây là về khảo tiền hay sao? Đồ khốn nạn! Một đồng xu cũng không được, đừng có mong xin tiền tao nữa. Thà là của nầy tao để cho chó ăn”.
Thương Tứ xin tiền không được, nên cậu ngủ một đêm rồi sáng bữa sau cậu trở lên Mỹ Tho.
Đến thứ bảy, cậu rước vợ chồng thầy thông Hàng đi Sài Gòn. Cô thông bày mua một miếng mề đai dông với một chiếc cà rá nhận hột xoàn, hai món giá năm trăm rưỡi. Chiều trở về Mỹ Tho, cậu trao đồ ấy cho cô thông và viết một cái thơ rồi cậy cô đem đưa giùm cho cô Hai Hẩu, cô thông đi một hồi rồi trở về nói rằng cô Hai Hẩu được thơ và đồ kỷ niệm thì cô mừng lắm, cô lại có gởi một cái khăn mu soa lụa của cô thêu để cho cậu làm tin. Thượng Tứ lấy khăn dở ra coi rồi cậu xếp bỏ túi, bộ trân trọng hân hoan vô cùng.
Đêm đó Thượng Tứ than với thầy thông rằng cậu hết tiền, không biết làm sao cho có vài ngàn đồng bạc mà xài. Thầy thông nói rằng bây giờ cậu có tư tình với cô Hai Hẩu, không lẽ đến ông Giáo Chuột mà vay nữa, vậy để thầy kiếm Chà-và mà vay giùm cho cậu. Thầy thông là người lo lắng giỏi, bởi vậy thầy lo trong vài ngày, xin giùm sao lục chúc ngôn, địa bộ, rồi Thương Tứ đem thế cho Chà mà lấy hai ngàn đồng bạc dễ như chơi. Thượng Tứ có tiền rồi, cậu có cần gì mà về nhà nữa, bở vậy mẹ rầu, mẹ đau, thì mẹ chịu, cậu xài, cậu chơi, thì cậu vui!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.