Đọc truyện Con Nhà Giàu – Chương 2
Làm mẹ ai cũng thương con, mà bà mẹ nào có một đứa con mà thôi, thì sự thương dồn trọn về đứa con ấy, tự nhiên cưng nó lung lắm. Nhưng mà cái thương nó có nhiều cách: người thương con thì lo răn dạy cho nó biết phải quấy dại khôn, đặng chừng nó lớn rồi, nó thông thạo đường đời, nó ham vui nhơn nghĩa, nó biết thờ cha kính mẹ, nó biết sợ anh thương em. Người thương con lại sợ con buồn lòng, bởi vậy nó muốn thế nào cũng làm theo thế nấy, dầu nó muốn làm quấy cũng chẳng chịu la rầy. Còn có kẻ thương con lại lo làm cho có bạc tiền ruộng đất mà để lại cho con, dầu làm nhơ nhuốc danh giá hay là khổ khắc người ta cũng bít lai nhắm mắt mà làm, miễn là cho có tiền được thì thôi, không kể lương tâm bây giờ hay quả báo ngày sau chút nào hết.
Bà Kế hiền Lý Thị Nho thiệt là thương con, mà lại bà có một mình Thượng Tứ mà thôi, bởi vậy bà cưng thái quá. Con của bà thì bà thương bà cưng, cái đó là lẽ tự nhiên của trời đất, mà cũng là thường tình của con người, mình không có chỗ nào mà trách bà được. Tiếc vì bà thương con mà bà không biết dạy dỗ con. Từ khi sanh con ra rồi thì bà cứ lo mưu nầy tính kế nọ đặng làm cho con ngày sau có sẵn gia tài lớn mà hưởng, song chẳng hề khi nào bà dạy cho nó biết cách hưởng gia tài miên viễn.
Mình đã ngó thấy Thượng Tứ thi rớt rồi không chịu học nữa, bà Kế hiền chẳng rầy con một tiếng nào hết, mà bà còn xúi con cưới vợ. Mà cưới vợ cho con chẳng phải bà tính kiếm con nhà hiền đức cho con kết đôi bạn đặng ở hủ hỉ với bà. Không, không phải như vậy. Cưới vợ cho con, bà tính kiếm thêm gia tài cho con nữa, dầu mà con phải lỗi đạo phụng tự ông bà, dầu mà con phải bỏ bà ở nhà tròi trọi một mình, đặng chui nhũi theo ăn chực của vợ, bà cũng không nệ, miễn là con được ruộng đất thêm nhiều thì bà vui lòng.
Cách bà Kế hiền thương con tuy không hiệp với đạo nghĩa, song trùng theo cái thuật lý tài. Mà cách cậu Thượng Tứ làm con cưng, tuy chưa thấy lỗi niềm mẹ con, song đã có mòi hại về tài sản.
Mẹ mới sửa soạn lập gia thất cho cậu thì cậu đã toan tính cách phá tiền. Chưa gì mà cậu đã đòi sắm xe hơi, cậu mong hưởng huê lợi ruộng hương hỏa. Mẹ thì lo thâu con thì tính xuất, tánh ý hai mẹ con khác nhau như trắng khác với đen. Nhưng mà nghĩ cho chí lý thì cũng nên khen thợ trời khéo sắp đặt, có người thâu thì phải có người xuất đặng đồng tiền vận chuyển, chớ thâu mà không xuất thì tiền bạc có ích gì, còn xuất mà không thâu thì lấy gì mà xuất?
Mà người cưng con với người con cưng đối với nhau thiệt là ngộ lắm, ăn ở trong nhà, người nầy xướng bày ra việc nào thì người nọ nói trái liền, song trái thì một chút mà thôi, chớ chung cuộc rồi việc nào cũng xuôi thuận hết thảy.
Bà Kế hiền cậy mai đi nói trước với vợ chồng ông Hội đồng Thưởng, rồì dắt Thượng Tứ qua coi con gái út của ông là cô Ba Mạnh. Tuy là con nhà giàu, nhưng mà cô Ba Mạnh so bề nhan sắc thì kém hơn nhiều cô gái khác. Cô to xương lớn vóc nên đi không có dáng yểu điệu. Cô da đen trán thấp, mà lại không biết trang điểm, nên gương mặt coi không được sáng láng.
Thượng Tứ coi rồi chừng lên xe trở về thì cậu nói với mẹ rằng: “Nhà ông Hội đồng tốt, mà con gái của ổng xấu quá má à. Cưới vợ như vậy coi không được. Con nầy sánh với con của ông Phán Hương thì con kia mười còn nầy không có một”. Bà Kế hiền châu mày đáp rằng: “Con cứ so sánh tầm bậy hoài. Nhan sác ăn được hay sao mà ham nhan sắc. Người ta như vậy mà người ta nhiều tiền; con xài già đời cũng không hết, con cầu cho được vợ như vậy, khéo làm bộ”.
Thượng Tứ thiệt tình chê cô Ba Mạnh chớ không phải làm bộ, bởi vậy trong mấy ngày sau mẹ hỏi thì cậu cứ không ưng hoài. Bà Kế hiền bảo mai nhơn hỏi dọ thì ý ông Hội đồng Thưởng chịu gả, song nài xin nuôi rể y như lời thiên hạ nói bấy lâu nay. Bà nghe người ta chịu gả thì bà càng nôn hơn nữa, nên theo ép uổng con hoài. Bà dùng đủ cách, bà viện đủ lẽ mà nói với con. Ban đầu bà òn ỹ khuyên dỗ. Thượng Tứ không chịu. Bà phải làm giận làm hờn. Thượng Tứ cũng không chịu. Bà ham cái gia tài của ông Hội đồng Thưởng lung quá, bà không thể bỏ mà đi kiếm làm sui chỗ khác được. Bà ăn ngủ không yên, bà lo tính hoài không biết dùng chước gì mà làm cho con xuôi thuận. Cùng thế rồi bà mới nói với con như con ưng chỗ đó dầu con muốn việc gì bà cũng cho hết thảy. Thượng Tứ nói: “Như má muốn cho tôi ưng con đó thì má phải mua cho tôi một cái xe hơi liền bây giờ đi, chừng tôi cưới vợ rồi má phải cho tôi ăn phần hương hỏa đặng tôi xài chơi, có vậy thì tôi mới chịu”.
Bà Kế hiền cười và nói rằng:
– Mẹ kiếp nó đỏng đảnh quá! Cưới vợ cho nó chớ phải cưới vợ cho tôi hay sao mà nó theo chún chứn với tôi như vầy không biết!
– Mà má chịu hay không nè? Như không chịu thì thôi.
– Con thấy cưng nó rồi nó làm núng quá! Thôi má cũng chìu lòng con một cái.
– Như má chịu thì sáng mai má đi Sài Gòn với tôi đăng lựa mua một cái xe hơi.
– Mua thì thủng thẳng rồi sẽ mua, chớ mua làm gì mà gấp dữ vậy?
– Mua đặng đi chơi. Xưa rày về ở nhà buồn quá.
Mua xe hơi phải tốn mấy ngàn đồng bạc. Bà Kế hiền dục dặc, nhưng vì bà nghĩ mình muốn làm sui chỗ giàu có, thì phải sắm xe hơi coi mới rôm rả, và làm như vậy con mình nó mới vui lòng. Bởi vậy bà dụ dự vài bữa rồi bà đi Sài Gòn vớí Thượng Tứ mà mua một cái xe hơi mới, 10 mã lực, 4 chỗ ngồi.
Mua xe rồì, Thượng Tứ lấy làm đắc ý, kiếm mướn một người sớp-phơ, rồi mẹ con lên xe mà về. Bà Kế hiền ngồi xe hơi, bà cũng vui lòng, nên lúc đi dọc đường bà hỏi con rằng:
– Con đòi xe hơi má mua đó, con vừa lòng hay chưa?
– Tôi chịu lắm. Để về nhà rồi tôi biểu sớp-phơ dạy tôi cầm tay bánh chạy chơi.
– Con thấy má cưng con là dường nào. Con muốn gì má cũng cho hết thảy. Vậy để má đi nói vợ cho con, con đừng có chún chứn nữa đa, nghe hôn.
Thượg Tứ cười chúm chím.
Thượng Tứ có xe hơi thì mê mẩn với cái xe, sớm mơi học cầm bánh, buổi chiều chạy lên Châu Thành chơi.
Bà Kế hiền thấy con thuận tùng rồi, thì lo cưới vợ cho con; bà cậy mai dong nói riết với vợ chồng ông Hội đồng Thưởng, bên gái giao điều gì bà cũng chịu hết thảy, đến nỗi giao bắt rể bà cũng chịu nữa.
Cưới đủ 3 bữa rồi, vợ chồng Thượng Tứ lo dọn mùng mền quần áo về ở bên nhà ông Hội đồng Thưởng, bà Kế hiền biểu con đem luôn cái xe về bển đặng vợ chồng qua lại mà thăm cho dễ.
Lúc nầy Thượng Tứ cầm bánh xe hơi đã giỏi rồi. Mỗi buổi chiều, hễ ăn cơm rồi thì cậu biểu vợ thay đồ đặng lên xe đi chơi với cậu. Khi thì lên Mỹ Tho, khi thì qua Tân An, mà dầu đi nơi nào cũng là đi chơi, chớ không có ích chi mà cũng không thăm ai hết.
Có khi bà Hội đồng thấy lâu quá, bà. nhắc con về mà thăm chị sui, thì Thượng Tứ mới dắt vợ về nhà, mà về nhà thì ở một giây một lát rồi Thượng Tứ kiếm chuyện đi, chớ chẳng hề chịu ở chơ trọn ngày với mẹ.
Cô Ba Mạnh tuy kém phần nhan sắc, nhưng mà phần đức hạnh cô có dư. Có chồng chừng một tháng thì cô thấu đáo tâm tánh của chồng, cô biết chồng cô là một người ham du hí, ưa xài tiền, đối với vợ không có tình mặn nồng, đối với mẹ thiếu sót niềm cung kỉnh. Cô lấy làm buồn trong lòng, nhưng cô nghĩ phận gái 12 bến nước gặp trong thì nhờ, gặp đục thì chịu, nên cô đánh liều nhắm mắt đưa chơn, cô không than phiền mà cô cũng không đổi ý. Tuy vậy mà cô không muốn chiều theo ý chồng nữa, chồng ở theo chồng, cô ở theo cô. Chồng đi chơi, cô không đi theo, mà cô cũng không ngăn cản. Cô cứ lục thục xem xét việc nhà, lo cơm nước cho mẹ cha, lo thâu tiền góp lúa.
Ở không mà đi chơi hoài, nhứt là đi chơi bằng xe hợi, thì tự nhiên hao tốn lung lắm Thượng Tứ đi chơi, chẳng những là tốn dầu tốn mỡ theo cái xe hơi mà thôi, mà đi nhiều ngày rồi lại còn cập bè cập bạn dắt vô khách sạn, rước ra cầu tàu, làm chủ xe hơi phải xài theo bực sang giàu, người ta kêu bằng “cậu Tư” phải chơi cho đúng đắn. Nhờ số tiền của anh chị bà con cho trong bữa hiệp cẩn và nhờ có phụ cấp thêm vài trăm đồng bạc đặng về ở bên vợ, nên trong mấy tuần lễ đầu cậu chơi hơi thong thả không cần phải ngó chừng cái túi tiền. Vả cái túi tiền của cậu không nặng gì cho lắm, mà cách ăn xài của cậu thì đổ tháo hời hợt, bởi vậy cậu đi chơi chẳng được bao lâu thì túi tiền đã trống trơn. Cậu về nhà hỏi mẹ xin tiền thì mẹ nói rằng: “Con xài việc gì mới có một tháng mà tiêu hết bốn năm trăm đồng bạc? Con ở theo bên vợ, thì con xin tiền bên vợ mà xài, chớ phải ở với má hay sao mà xin tiền má”.
Bà Kế hiền đi cưới vợ cho con, bổn tâm bà muốn sang sớt của nhà sui đem về nhà bà, có lẽ nào cưới rồi mà bà còn chịu tốn tiền thêm nữa, bởi vậy Thượng Tứ nói hết lời mà bà cũng không cho, bà cứ biểu về xin bên vợ mà xài.
Thượng Tứ thất vọng, nên cùng quằn nói rằng:
– Má để của cho ai ăn mà má không chịu cho tôi xài hổng biết! Thôi, má giao phần ruộng hương hỏa cho tôi.
– Rưộng đó con muốn bưng đi đâu thì bưng đi, má có cản đâu.
– Bưng đi đâu! Tôi muốn lấy huê lợi chớ lấy ruộng sao được. Má giao huê lợi cho tôi.
– Lúa mới trổ, có huê lợi đâu mà giao. Để ra giêng góp tiền rồi sẽ giao chớ.
– Bây giờ không có tiền xài đây, để ra giêng sao được?
– Thì má biểu con xin tiền cha mẹ vợ con mà xài. Ảnh chỉ giàu có, tiền bạc thiếu gì. Con muốn xài thì hỏi ảnh chỉ, chớ sao lại về rút rỉa má?
– Mới cưới vợ mà xin tiền như vậy mắc cỡ quá, ai xin cho được.
– Như con không dám hỏi ảnh chỉ thì con hỏi con Tư mà xin. Nó giữ chìa khóa, bạc tiền trong tay nó, nó muốn cho con bao nhiêu không được. Con dại quá, có vợ giàu mà không dám mở miệng hỏi vợ, để chạy về xin tiền nhà! Con về hỏi nó đi, con o bế nó, con muốn mấy ngàn cũng có mà.
Thượng Tứ nghe lời mẹ, nên lên xe mà về chợ Ông Văn.
Bữa ấy nhằm rằm tháng 10, buổi chiều trời trong, gió mát, làm cho ai cũng hớn hở trong lòng. Con nít ở Ông Văn tụ nhau lũ bảy đoàn ba, tốp thì lên cầu sắt đứng coi ghe, tốp thì lại sân chợ đánh đáo lổ, người lớn cũng không ở trong nhà, đàn ông thì đi dạo xóm mà nói chuyện, đàn bà thì bồng con ra cửa ngồi đút cơm.
Thiên hạ vui vẻ như vậy đó, thậm chí vợ chồng ông Hội đồng Thưởng ăn cơm chiều rồi, thấy trời tối cũng biểu trẻ ở nhắc ghế, để ngoài sân đặng ngồi chơi. Có một mình cậu Thượng Tứ, không biết vui, cậu vô trong buồng nằm dàu dàu không muốn nói chuyện với ai hết.
Cô Ba Mạnh tình cờ bước vô phòng, thấy chồng nằm trơ trơ thì hỏi rằng: “Bữa nay sao mình không đi chơi, lại nằm ở nhà đó?” Thượng Tứ lặng thinh một hồi rồi đáp rằng:
– Hết tiền rồi, làm sao mà đi chơi cho được.
– Đi chơi mà cần gì phải có tiền.
– Không có tiền làm sao đổ dầu xăng cho xe chạy.
Cô Ba Mạnh chúm chím cười. Cô bước lại cửa sổ mà ngó ra vườn một hồi, rồi cô day vô nhìn chồng rất nghiêm chỉnh mà nói rằng: “Tôi không hiểu tại sao mà mình ưa đi chơi quá. Đi chơi làm chi vậy? Đi chơi đã vô ích, mà có lẽ còn bị hại nữa. Đi chơi tốn tiền tốn bạc chẳng nói làm chi, tôi sợ bị anh em rủ ren rồi sa mê bài bạc, cái hại mới thiệt là lớn. Tuy thầy má không nỡ nói ra, chớ tôi coi ý thầy má thấy mình đi chơi hoài thầy má không vui chút nào hết. Tôi xin mình đừng có đi chơi nữa, ở nhà coi sóc giùm nhà cho thầy má”.
Thượng Tứ nghe vợ khuyên lơn thì lồm cồm ngồi dậy hỏi rằng:
– Ai biểu mình dạy khôn tôi đó? Hứ! Đời đã trở rồi mà không hay nữa chớ! Thuở nay chồng dạy vợ, bây giờ vợ trở lại dạy chồng!
– Tôi nói chuyện phải quấy cho mình nghe vậy thôi chớ dạy giống gì.
– Tôi không có dại hơn ai đâu. Mình đừng có làm thầy tôi. Thuở nay tôi đi chơi quen rồi, ở nhà lúng túng tôi chịu không nổi.
– Thuở nay mình chưa có vợ thì đi chơi. Bây giờ có vợ rồi thì lo làm ăn, chớ chơi hoài rồi tiền đâu có mà chơi?
– Làm ăn cái gì? Mình muốn tôi mang vòng hái đi gặt với họ, hay là chở dừa chở chuối đi bán?
– Ai mà muốn kỳ nhự vậy, nghèo khổ gì mà đến nỗi phải đi gặt đi hái, hoặc bán chuối bán dừa.
– Vậy chớ mình muốn làm ăn cách nào đâu, mình nói cho tôi nghe thử coi.
– Tôi tính ra giêng thưa với thầy má để lại cho mình ít dây ruộng gần nhà đặng mình làm. Mình mướn bạn mua trâu mà làm thì bề nào mãn mùa cũng té ra được năm bảy trăm hoặc một ngàn giạ lúa. Mình làm như vậy trong ít năm có vốn rồi mình sẽ làm lớn hơn nữa.
– Thôi, thôi. Tôi không chịu đâu. Ai biết làm ruộng mà bày chuyện cực khổ vậy nà!
– Ở đất nầy muốn có tiền thì phải chịu cực. Chớ nếu không chịu cực thì tiền đâu có mà xài. Mà mình làm ruộng thì có bạn bè, mình coi sóc mà thôi, chớ cày cấy gi hay sao mà sợ cực.
– Không có được. Tôi biết góp lúa, chớ tôi không biết làm ruộng.
– Không chịu làm ruộng thì lúa đâu có mà góp? Mình nói nghe kỳ quá, muốn giàu mà không chịu làm.
– Mấy kẻ nghèo thì họ phải làm cực khổ đặng có cơm mà ăn. Mình là con giàu có, dại gì mà phải đi làm cho mệt.
– Nếu vậy, hễ con nhà giàu thì không nên làm ăn hay sao? Giàu cho mấy đi nữa, mà nếu không lo làm, cứ ở không đi chơi phá tiền hoài, thì dầu ruộng đất cò bay thẳng cánh đi nữa, tôi sợ cũng phải tiêu hết.
– Mình có giỏi làm thì mình làm đi. Tôi đi chơi, chớ tôi không thèm làm việc gì hết.
Cô Ba Mạnh hết muốn nói chuyện với chồng nữa. Cô lắc đầu rồi xoay lưng muốn đi ra. Thượng Tứ kêu cô lại mà nói rằng: “Đưa cho tôi ít trăm đồng bạc”. Cô chưng hửng, đứng ngó cậu mà nói rằng:
– Bạc đâu có mà đưa? Vậy chớ bạc lạy với bạc má cho hôm về bên này đó mình làm tiêu hết rồi hay sao?
– Hết rồi.
– Cha chả! Xài giống gì mà bốn năm trăm đồng bạc mới hơn một tháng nay đã tiêu hết lận?
– Tôi cho họ mượn.
– Cho ai mượn ở đâu? Sao tôi không hay?
– Mình không phép tra vấn tôi trong cuộc tôi ăn xài. Tôi không quen thói bo bo, có đồng nào cắc ca cắc củm bỏ ống đồng nấy như họ vậy được. Đời bày đồng tiền đồng bạc đặng cho mình xài, bởi vậy hễ có tiền thì xài, dại gì mà hà liện.
– Xài thì xài, song xài phải cho có độ có lượng, chớ xài cố mạng nó tiêu hết rồi còn gì mà ăn?
– Chưa hết đâu mà lo!
– Dầu bây giờ chưa hết, thì một lát nữa nó cũng phải hết.
– Thây kệ, chừng nào nó hết rồi sẽ hay. Bây giờ còn thì xài.
– Mình còn thì mình xài đi, sao hỏi tôi nữa làm chi?
– Của tôi hết rồi.
– Hết thì thôi. Tôi có tiền bạc gì đâu mà mình biểu tôi đưa cho mình?
– Mình giữ chìa khóa sao lại không có tiền?
– Bạc tôi giữ đó là bạc của thầy má, chớ phải bạc của tôi hay sao?
– Bạc của thầy má tửc thị bạc của mình chớ của ai?
– Mình nói sao vậy? Bạc của thầy má là bạc của thầy má, chớ của tôi sao được? Mình coi của thiên hạ là của mình hết hay sao nên mình nói như vậy?
– Mình là con trong nhà; bạc của cha mẹ là bạc của mình, trước sau gì mình cũng xài, bây giờ mình lấy mớ nhắm mình xài lại hại gì?
– Mình muốn tôi ăn cắp bạc của thầy má mà đưa cho mình xài phải hôn? Không được. Tôi không chịu làm cái thói đó. Thuở nay tôi giữ tiền bạc không hề bao giờ tôi dám động tới rnột đồng xu. Như mình muốn có tiền mà xài thì mình thưa với thầy má mà xin. Chừng nào thầy má biểu đưa thì tôi đưa cho.
– Ai mà xin kỳ cục vậy nà!
– Mình không dám xin thì tôi làm sao dám cho.
– Thội, mình xin gìùm cho tôi đi.
– Ý, ai dám! Xin bây giờ biết nói sao mà xin.
– Làm sao thì làm, không biết. Phải có tiền cho tôi đi chơi, bằng không thì tôi buồn đây tôi đánh mình chết.
– Đánh thì đánh chớ biết làm sao cho có tiền.
Thượng Tứ xụ mặt châu mày mà nói lầm bầm rằng: “Đồ mọi, biểu đưa ít trăm đồng bạc, nhiều lắm hay sao? Khéo làm bộ chó chết”.
Cô Ba Mạnh thấy chồng trổ mòi thô lỗ thì cô chưng hửng; cô ngó chồng một cách rất khinh bỉ, rồi cô bỏ đi ra ngoài. Trời tối đã lâu rồi, mặt trăng rằm đã ló mọc, vợ chồng ông Hội đồng còn ngồi trước sân mà chơi. Cô Ba Mạnh đứng dựa cửa, ngó cha mẹ rồi ngó mặt trăng, cô lấy làm buồn cho mẹ cha mà cô cũng lấy làm thẹn với bà Nguyệt.
* * * Cô Ba Mạnh là con gái nhà giàu ở thôn quê, hồi nhỏ có đi học tại trường trong làng, biết chữ quốc ngữ với bốn phép toán mà thôi, chớ cô không có học Nhà trắng hay là Nữ học đường mà biết nói tiếng Tây, biết dồi son phấn, biết đi giày cao gót, biết xách bóp tòn ten như con gái khác. Nhưng mà cô nhờ có cha hiền đức, lại nhờ có mẹ chín chắn, người dạy luân lý, kẻ tập nết na nên dầu chỗ kiến thức của cô không được rộng xa, chớ lòng cô kính thờ cha mẹ, cách cô giao tiếp người trong xóm trong làng, cùng là cách cô cư xử với bạn bè tôi tớ, mỗi mỗi đều đúng đắn hết thảy. Trong gia đình chẳng có một việc nào mà cô không dòm ngó, cô coi nấu nướng dưới nhà dưới, cô coi quét dọn trên nhà trên, bởi vậy từ khi cô mới 15 tuổi thì cha mẹ đã giao hết việc trong nhà cho cô quản suất. Ngày thường thì cô cầm chìa khóa tủ cây tủ sắt hết thảy, đến mùa lúa thì cô coi thẻ mà thâu lúa ruộng vào kho. Bạc tiền bao nhiêu một tay cô giữ gìn; lúa thóc bao nhiêu cũng một tay cô cầm sổ, thuở nay những người trong làng trong tổng thấy ông Hội đồng có con giỏi giắn như vậy thì ai ai cũng cho ông là người có phước.
Cũng một người đó mà đối với cha mẹ thì cha mẹ có phưóc, còn đối với chồng sao chồng lại mắng là mọi rợ.
Thuở nay cô Ba Mạnh chưa từng nghe ai nói với cô một tiếng nặng nề. Cô có chồng chưa được mấy ngày, lại cô cũng chẳng có làm việc chi quấy mấy mà chồng mắng là “đồ mọi”; cô nhớ tới hai tiếng ấy thì cô đau đớn tức tủi trong lòng, chẳng khác nào như chim bị tên, như hoa héo nắng. Sự đau đớn tức tủi nầy có nên tỏ cho cha mẹ biết, hay là phải giấu giếm để than trộm khóc thầm? Tỏ cho cha mẹ biết thì làm buồn cho cha mẹ, để giấu giếm khóc thầm thì càng nhọc cho trí mình.
Mạng số mình phải gặp người chồng du hí du thực, phá của phá tiền, không biết lễ nghi, ăn nói thô lỗ, thì mình cũng nên cười mà chịu, chớ tỏ với ai làm chi mà cũng chẳng nên than phiền làm chi.
Cô Ba Mạnh đốt đèn bưng vào phòng, cô thấy Thượng Tứ còn nằm trên giường, cô bèn móc túi lấy hai cái giấy năm đồng mà đưa và nói rằng: “Tôi có mười đồng bạc riêng của tôi đây, mình có muốn đi chơi thì lấy mà đi, chớ tôi không còn đâu nữa”.
Thượng Tứ giựt hai tấm giấy bạc xé tan xé nát mà quăng dưới đất và nói rằng: “Tao có phải ăn mày đâu, nên xin năm mười đồng bạc. Đừng có khinh dễ tao. Mặt nầy sướng lắm mà, để rồi coi thì biết”.
Chồng vụt chạt bỉ bạt như vậy mà cô Ba Mạnh không giận, cô cười ngỏn ngoẻn và nói êm ái rằng:
– Tôi có bao nhiêu thì tôi đưa bao nhiêu. Tôi không có nhiều nữa, tôi biết làm sao.
– Nín. Đừng có tưởng mặt nầy mê ăn của vợ. Không thèm đâu.
– Tôi có nói mình ăn của vợ bao giờ đâu mà mình giận tôi.
Thượng Tứ ngồi dậy rồi mang giày và lấy áo quần Tây mà mặc. Cô Ba Mạnh thấy bộ chồng quạu quọ, sợ đứng đó chắng khỏi bị mắng nữa, nên cô quày quả bỏ đi ra. Thượng Tứ thay đồ rồi cậu đi xuống nhà sau, quây máy xe hơi mà đi, không thèm trình cho cha mẹ vợ biết cậu đi đâu. Bà Hội đồng ngó théo cái xe và nói rằng : “Thẳng đi đâu mà bữa nào nó cũng đi hoài vậy không biết”. Ông Hội đồng thở ra mà ông không trả lời. Ông đứng dậy bỏ đi vô nhà, bà kêu trẻ biểu dẹp ghế rồi cũng theo ông mà vô.
Bà bước tới cửa, bà thấy con đương ngồi trên ván mà lau nước mắt, thì bà hỏi rằng : “Thằng Ba nó đi đâu vậy con? Bữa nay tối rồi tưởng nó ở nhà, té ra nó cũng đi nữa”.
Cô Ba Mạnh đương khóc thầm cho thân phận, thình lình thấy cha mẹ vô và nghe hỏi như vây, cô lật đật giấu buồn giả vui mà đáp rằng:
– Đi về bên nhà hay là đi chơi không biết nữa.
– Con làm giống gì mà bữa nay bộ con buồn dữ vậy? Thế khi vợ chồng gây lộn vời nhau đây chớ gì, phải hôn?
– Thưa, không.
– Vậy chớ sao mà thẳng ngoe ngoảy lên xe mà đi, còn con ngồi đây con khóc? Hay là con thấy nó đi hoài nên con buồn?
Cô Ba Mạnh ngồi nín khe, không trả lời.
Ông Hội đồng ngồi bên bộ ghế giữa vấn thuốc mà hút, ông nghe bà hỏi như vậy thì ông day qua ngó con mà nói rằng: “Thầy nghe thằng đó cặp bè cặp bạn, rồi chơi bậy bạ lắm. Sao con không khuyên dứt nó? Đời nầy chơi riết rồi hư thân chớ có ích gì”.
Cô Ba Mạnh thiệt muốn giấu tâm sự, ngặt vì cô đương ức trong lòng mà mẹ cha lại theo bươi móc chỗ uất ấy nữa, làm cho cô không thế dằn được, nên cô và khóc và nói rằng: “Con khuyên dứt sao được. Con mới mở miệng thì mắng trước con, có nói phải quấy gì được đâu. Mới biểu con mở tủ lấy đưa ít trăm đồng bạc đặng đi chơi, con không nghe lời, giận. mắng con rồi bỏ đi đó. Để con trao chìa khóa cho má giữ, chớ để con giữ cứ theo biểu mở tủ đưa tiền hoài, con chịu không nổi”.
Ông Hội đồng thở ra rồi bỏ đi ra cửa mà đứng. Cô Ba Mạnh móc túi lấy xâu chìa khóa để trước mặt mẹ rồi cô đi vô buông. Bà Hội đồng ngồi ngó ngọn đèn rồi lắc đầu nói răng: “Con vô phước quá, ai có dè đâu!” Thương Tứ hết tiền rồì, đi chơi sao được. Cậu cầm tay bánh xe chạy về Mỹ Hội, tính đòi tiền mẹ.
Bà Kế hiền nghe xe vô cửa bóp kèn te te, bà tưởng con dâu thừa trăng thanh gió mát về thăm bà, nên bà hối mấy đứa bạn mở cửa đốt đèn lăng xăng. Chừng bà thấy có một mình Thượng Tứ bước vô thì bà hỏi rằng:
– Không có cỏn về hay sao?
– Không – Sao không dắt nó về chơi?
– Thứ đồ đó mà dắt đi đâu kìa!
– Con đừng có đánh phách, có vợ được như vậy còn kêu người ta thứ đồ kia thứ đồ nọ nữa!
– Nó quí với má, chớ quí với ai!
Bà Kế hiền chưng hửng, trong lòng nghi con với dâu gây lộn rồi, song bà chưa kịp hỏi, thì Thượng Tứ đẵ nói rằng: “Má cho tôi năm trăm, má”. Bà càng chưng hửng hơn nữa. Bà hỏi rằng:
– Năm trăm gì?
– Năm trăm đồng bạc chớ năm trăm gì.
– Trời ôi! Bạc đâu có mà cho dữ vậy! Con xin mà làm việc gì?
– Tôi có chuyện dùng.
– Chuyện gì?
– Chuyện gì thây kệ tôi, má hỏi làm chi hổng biết.
– Tao không có bạc.
– Má nói không có, thôi má đưa chìa khóa cho tôi mở tủ coi có hay không.
– Chuyện gì lại phải để cho mầy xét tủ nữa! Vợ mầy thiếu gì tiền, tao biểu hỏi nó lấy mà xài, dại không dám mở miệng thì thôi, ai có tiền đâu mà xin.
– Nó nói nó không có tiền.
– Nó làm nghề gì mà có tiền? Tiền của cha mẹ nó để trong tủ, nó cầm chìa khóa, biều nó lấy nó đưa cho chớ.
– Thứ đồ ngu, nó nói nó không dám lấy tiền trong tủ.
– Nó làm bộ vậy chớ gì. Ta biểu o bế nó chớ. Nó thương mầy bây giờ biểu nó l móc ruột nó cũng móc, chẳng luận là lấy tiền.
– O bế cái gì! O bế sao được. Rất đổi tôi mắng nhiếc, tôi đòi đánh nó kia, nó còn chưa chịu đưa tllay.
– Con thiệt dại quá! Ai biểu con mắng nhiếc nó? Tại con rầy nó, nên nó giận nó chẳng không đưa. Con về o bế nó đi.
– Thôi, không thèm. Má cho tiền tôi xài hè, lấy tiền của vợ họ khi dễ.
– Con dại quá! Có nhiều người lớn đại mà họ còn ăn chực của đàn bà kia sao, thứ con là con nít ai khinh dễ mà sợ. Nếu con sợ họ cười, thôi con đừng có đi chơi.
– Không đi chơi sao.được.
Bà Kế hiền không trả lời nữa.Thượng Tứ ngồi ngó mẹ một hồi rồi nói rằng:
– Thôi, má cho đỡ ba trăm mà thôi.
– Ta nói không có tiền! Sắm xe hơi làm đám cưới, tốn hao thất kinh. Tiền đâu còn mà xin năm trăm ba trăm.
– Thiệt má không chịu cho hay sao?
– không cho.
– Thôi, má để dành đó đặng chừng má chết má đem theo nghé. Tôi không thèm xin nữa đâu.
– Trời ơi! Thằng Tứ nó rủa tôi chớ! Con quá rồi!
Thượng Tứ ngoe ngoảy bỏ leo lên xe mà đi, không thèm nói nữa. Cái thái độ của con đối với mẹ dường ấy mà bà Kế hiền cười được, sắc mặt bà không lộ một chút giận nào hết.
Trong số bậu bạn của Thượng Tứ hay chơi bời trên chợ Mỹ Tho, dúy có thầy thông Hàng thì Thượng Tứ ưa hơn hết. Thầy thông Hàng tuổi đã trên 30, thầy có vợ có con, thầy lịch lãm ăn chơi, hút á phiện cũng biết, bài bạc thứ nào cũng biết, mà bọn bán phấn buôn hương đứa nào thầy cũng biết hết thảy. Thượng Tứ ưa thầy là tại sự thông thạo của thầy đó, mà nhứt là tại tánh thầy ôn hòa, trong mấy cuộc chơi, dầu ngồi uống rượu, hay là nằm nghe đờn, thầy đều êm ái nghiêm trang, không cười lả lơi, không nói thô tục, mà lại hay chỉ chỗ khôn chỗ dại cho anh em, đặng khỏi mang tiếng quê mùa và khỏi bị người lừa gạt.
Thượng Tứ bữa đó xin tiền vợ không được, rồi xin tiền mẹ cũng không được nữa thì nổi giận, bởi vậy dông xe tuốt lên Mỹ Tho mà kiếm thầy thông Hàng. Cậu vừa ngừng, xe trước cửa, thì thấy thầy thông Hàng mình mặc đồ lụa, tay cầm ba ton, miệng ngậm xi gà, đầu đội nón nỉ, trong nhà bước ra mà đi chơi. Anh em chào hỏi mừng rỡ, rồi Thượng Tứ mời thầy thông Hàng lên xe đặng chạy xuống cầu tàu ngồi hứng mát.
Lúc ấy đã gần 9 giờ. Trên trời mảnh trăng vặc vặc, đưới sông dòng nước nao nao, trăng dọi nước lòa lòa, nước gặp gió dợn dợn. Cái cảnh gió trăng trời nước ấy, khách thanh tao ai nhắm vào cũng đều hớn hở trong lòng. Thượng Tứ mắc có một việc riêng trong trí, bởi vậy cậu chẳng kể cảnh, cậu chẳng động tình chút nào hết; xe vừa đậu ngay cầu tàu, cậu liền nói với thầy thông Hàng rằng:
– Tôi giận vợ tôi quá, nên tôi xách xe tôi đi đây.
– Sao mà giận?
– Thầy nghĩ đó coi, mình hết tiền xài, biểu nó đưa ít trăm đồng bạc, nó đưa 10 đồng! Tôi ghét tôi xé tôi quăng rồi tôi đi.
– Cậu xài quá, mà cậu trách mợ nỗi gì. Nếu cậu hỏi bao nhiêu mợ đưa đủ bấy nhiêu, tôi sợ của kho bạc đây cũng không đủ mà đưa cho cậu.
– Giống gì mà tới của Kho bạc lận! Ông già vợ tôi thiếu gì tiền, tại nó khinh thị tôi chớ. Mà bà già tôi cũng vậy nữa. Tôi về tôi xin cũng không chịu cho. Tôi nhứt định không thèm xin ai nữa, để tôi vay tôi xài coi họ làm sao. Thầy biết bên này co ai cho vay hay không? Thầy biết xỉn chỉ giùm cho tôi vay một ngàn.
– Có tiền xài chơi, không tiền thì thôi. Vay hỏi người ta làm chi cậu.
– Thây kệ tôi mà.
– Không có được. Thuở nay chơi với anh em, tôi không chịu để cho anh em làm như vậy. Có người ta cho vay thiếu gì. Nhứt là cậu giàu có, bên cậu cũng giàu, mà bên vợ cũng giàu, cậu lại có đứng bộ ruộng đất riêng nữa, bây giờ cậu muốn vay một muôn cũng có người cho, chẳng luận là một ngàn. Song cậu đừng có làm như vậy. Tưởng là muốn buôn bán làm ăn thì vay chẳng nói chi chớ vay đặng xài chơi thì bậy quá mà.
– Tôi cũng biết vay tiền đặng xài bậy là một điều không tốt. Nhưng mà tôi nghĩ sự xài bậy của tôi đó cũng có chỗ hữu ich lắm chở.
– Xài bậy mà hữu ích nỗi gì?
– Ậy, để tôi cắt nghĩa cho thầy nghe. Tôi còn nhỏ tuổi, mà tôi là con nhà giàu. Tôi đã có một cái gia tài rồi, mà vợ tôi một ngày kia nó lại lãnh thêm một cái gia tài bên nó còn lớn hơn của tôi nữa. Ai cũng thấy trong năm mười năm nữa tôi sẽ trở nên một người giàu lớn. Sự đó đã chắc chắn rồi, bởi vậy cho nên tôi lo lắm. Làm một anh chàng giàu phải biết khôn biết dại chớ nếu lờ khờ thì họ lột da còn gì. Mình cũng thường thấy có nhiều cậu nhà giàu ló đến đâu đều bị họ hiếp đáp lừa gạt. Cái đó là tại không chịu học trước cái nghề nhà giàu nên mới bị hại. Tôi muốn tránh cái hại ấy, nên tôi tính bây giờ còn nhỏ phải chơi bời cho biết dại biết khôn với người ta, đặng sau khỏi bị người ta lừa gạt. Thầy nghĩ đó coi, bây giờ mình chịu tốn một đôi ngàn mà mua cái khôn, rồi sau mình khỏi mất năm bảy muôn, không phải tốn chút đỉnh bây giờ đó là hữu ích hay sao?
– Cậu nhỏ tuổi mà trí cậu cao quá. Thiệt tôi phục cậu ngay! Phải! Câu nói phải lắm. Nhiều người giàu có, vì không chơi bời, không giao tiếp không thông thạo, nên mới bị họ mưu sự mà cướp hết gia tài. Cậu tính khôn thiệt, vậy mà mợ với bác không hiểu, lại cản trở cậu chở!
– Thầy là anh em, thầy phải nói cho ngay, đừng có vị bụng tôi. Tôi chơi xưa rày đó có quấy chỗ nào hay không?
– Theo như cậu tính đó, thì cậu chơi có ích về sau chớ quấy cái gì.
– Vậy thì thầy phải kiếm chỗ vay bạc giùm cho tôi.
– Vậy thì cũng được, nhưng, mà tôi muốn cậu về cắt nghĩa lợi hại cho mợ hoặc bác hiểu rồi lấy tiền nhà mà xài, tiện hơn là đi vay của người ta.
– Tôi đã nhứt định không thèm xin tiền nhà nữa. Họ coi đồng bạc bằng cái bánh xe, hỏi làm gì?
– Ở đây có ông Giáo Chuột ổng cho vay lớn. Có người vay đến năm bảy ngàn hoặc một muôn ổng cũng cho nữa, song ổng hay buộc thế bằng khoán đất quá.
– Tòi có đất mà tôi không có bằng khoán làm sao mà thế?
– Không. Tôi nghe nói ông hồi trước có làm chúc ngôn tương phân rồi. Cậu đem bổn tờ tương phân cậu đưa cho ổng thì xong, có khó gì.
– Trời ơi tờ tương phân má tôi giữ, tôi lấy sao được. Nếu tôi hỏi thì bể chuyện còn gì.
– Được, được. Tôi tính được. Cậu liều tốn ít đồng bạc, cậu làm đơn đem vô Tòa bố mà xin sao lục tờ tương phân. Hễ có bổn tờ rồi cậu thế cho ai cũng được hết thảy.
– Vậy thì xin sao lục tiện hơn. Bây giờ còn sớm, thôi hai anh em mình lại nhà ông Giáo Chuột mà nói chuyện coi ổng chịu cho hay không. Như ổng chịu mà ổng buộc phải để bằng khoán thế chưn thì sáng mai tôi sẽ làm đơn tôi xin.
– Ổng hút nên ổng thức khuya lắm. Cậu muốn tới nhà ổng liền bây giờ cũng được. Nè, ông già đó có một đứa con gái mười tám mười chín tuổi coi bảnh lắm. Tôi dặn trước cậu, hễ vô đó thì đừng có đảo nhãn con ổng nghe hôn. Nếu cậu đảo nhãn, ổng ghét ổng không cho vay thì cậu chịu đa.
– Ai mà thèm.
– Cậu nói chắc hôn? Câu nói giỏi để cậu thấy rồi coi cậu có thèm hay không mà!
Thượng Tứ cười rồi quây xe mà đi vô nhà ông Giáo Chuột.