Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa

Chương 15


Đọc truyện Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa – Chương 15

Năm mươi sáu tuổi bố tôi quyết định đi thi bằng lái xe.

Khi bố nói chuyện này, mọi người đang ngồi bên bàn ăn. Nói xong, bố uống một ngụm canh xương cá mực mẹ tôi hầm.

Lần gần đây nhất khi nghe bố tôi nói chắc như đinh đóng cột là muốn làm việc gì đó mới chỉ cách đây mấy phút, đang ăn cơm bố đột ngột tuyên bố: “Bố uống bát canh nữa”.

Có lẽ bởi “chắc như đinh đóng cột” là giọng điệu mặc định của phụ thân đại nhân nên tôi hoàn toàn không cảm thấy quyết định thi bằng lái của bố là nghiêm túc lắm. Từ khi tôi hiểu biết đến giờ, ngày nào bố tôi cũng nói mấy việc chắc như đinh đóng cột, có lúc quyết định hôm nay uống 100ml rượu, có lúc quyết định hôm nay không ngủ trưa, có lúc dự tính theo dõi bộ phim truyền hình này, có lúc… bổ một quả đào và yêu cầu tôi phải ăn hết, nói là bổ não. Bố luôn tỏ vẻ không hài lòng lắm về IQ của con gái yêu, giống như con gái yêu cũng luôn giữ ý kiến về EQ của ông.

Hàng năm bố đi khắp đất nước công tác, nhưng không bao giờ nhớ được tuyến xe bus về nhà mình, có trường đại học mời bố diễn thuyết, giữa mùa hè bố đi dép lê, mặc quần đùi bước vào lớp học; hơn ba mươi tuổi bố đã là kĩ sư cao cấp trẻ tuổi nhất trong tỉnh, nhưng chức vụ này mười năm như một ngày, cho tới giờ vẫn chưa nhích lên được 1cm; chẳng có lãnh đạo nào thích thăng chức cho một nhân viên kĩ thuật thích ở nhà (kĩ thuật trạch*) lại không giỏi giao tiếp.

*chỉ những người làm kĩ thuật chỉ thích ở nhà chứ không giỏi giao tiếp với người khác.

Điều này không khoa học chút nào, phải không?


Trong những năm tám mươi vẫn chưa có từ “kĩ thuật trạch”, có chăng chỉ là “có văn hóa, người thật thà”. Khi ấy dùng sáu chữ này để đối phó với phụ huynh của các cô nàng còn dễ dàng hơn bất kì loại vũ khí nào, sức sát thương vừa mạnh lại không chệch mục tiêu. Vì thế một vị đồng nghiệp nhanh chóng giới thiệu bố tôi cho ông bà ngoại tôi bây giờ, ông bà ngoại rất hài lòng và đứng ra làm chủ, giải quyết chuyện đại sự cả đời của cô gái chưa chồng dễ thương nhất đại viện- chính là mẹ tôi.

Khi còn nhỏ, tôi cũng tự hào có một người bố có văn hóa, chiếc máy tính đầu tiên trong đại viện của đơn vị là do bố tôi lắp, trong khi trẻ con nhà người ta nhảy lò cò, đá cầu tua, thì tôi ngồi trong thư phòng xem bố tôi vẽ xe đạp cho tôi. Khi ấy tôi cảm thấy phần mềm vẽ công nghiệp là thứ trò chơi đỉnh nhất thế giới, có thể vẽ nhà, có thể vẽ máy móc, còn có thể vẽ xe đạp nữa.

Nhưng hôm ấy khi vừa vẽ xong một chiếc bánh xe lập thể nhìn như chuyển động được ngay, thì mẹ tôi gọi xuống ăn cơm tối. Hai mươi năm sau kể từ ngày đó, tôi không còn nhìn thấy chiếc xe đạp đang vẽ dở nữa. chuyện này không dập tắt được cảm xúc hứng khởi kéo dài mãi trong lòng tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể quên được tâm trạng xúc động năm mười tuổi khi nhìn thấy chiếc bánh xe ấy.

Tôi từng có ý định học cách sử dụng những công cụ vẽ phức tạp như bố để vẽ một số vật tràn đầy mĩ cảm, nhưng mầm cây khoa học kĩ thuật bé nhỏ trong lòng tôi cuối cùng cũng bị những kĩ thuật phức tạp bóp chết khi vừa manh nha. Thiên tài hay là nghị lực hơn người hoặc trí tuệ hơn người, tôi đều không có, thứ tôi có chỉ là chút thông minh vặt và phẩm chất quý: thấy khó biết dừng, không cố kiên trì làm gì. Bố tôi tiếc nuối lấy cuốn giáo trình photoshop 3.0 trên giá sách xuống cho tôi học chơi, với ý định để tôi bắt đầu từ việc đơn giản là bồi dưỡng cảm hứng, thực hiện đồ thị cứu nước,

Điều này không khoa học chút nào, thật đấy.

Mấy năm trôi qua, tôi bắt đầu vui vẻ chỉnh sửa ảnh cho bạn bè thân thiết xung quanh.


Lại nhiều năm nữa trôi qua, tôi trở thành một biên tập viên mạng ngày ngày mở photoshop (phần mềm chỉnh sửa ảnh) chỉnh sửa hình ảnh tốc độ với tay nghề đơn giản và thô bạo, đường đồ thị dài dài trong đầu bố tôi cuối cùng cũng không tới được như ông mong muốn. giống như việc bố tặng tôi một chiếc máy bay nhỏ, tràn đầy hi vọng tôi sẽ tới sao Hỏa, nhưng tôi lại vui vẻ lái máy bay trượt dài tới thị trấn Sao Hỏa cách trung tâm thành phố 5km.

Từ nhỏ tôi đã hiểu bố muốn có một cậu con trai. Nguyên nhân không phải vì ông là con trưởng trong gia đình, mà vì ông hi vọng thế giới trong đầu ông có thể được chia sẻ với một kĩ sư nhỏ có cấu tạo gần như ông. Tôi thực sự ý thức được việc này cũng là lúc tôi đã trưởng thành khá lâu, khi con trai của cô lớn tôi thi trường cũ của bố, họ chuyên ngành của bố. một buổi chiều trong kì nghỉ hè trước khi khai giảng, hai người họ ngồi xem tivi, nói chuyện trong phòng khách nhà tôi. Tôi bước ra từ trong bếp, sau khi giúp mẹ và cô lớn chuẩn bị bữa tối, hai người ngồi ngược sáng giống như bức tranh phác họa đường viền vừa yên tĩnh vừa hài hòa. Có lẽ đó mới là khung cảnh hai cha con nói chuyện mà bố đã tưởng tượng nhiều năm qua.

Tới bây giờ tôi vẫn không hiểu bất cứ một tấm hình nào bố tôi vẽ, ngôn ngữ chung với ông vẫn chỉ hạn chế trong việc vặt vãnh trong cuộc sống. Ông cũng sớm đã từ bỏ suy nghĩ muốn nuôi dưỡng tôi thành nữ thanh niên ngành kĩ thuật. May mà từ nhỏ tới giờ ông chưa từng biểu lộ sự thất vọng, ông vẫn vui vẻ đi làm, vui vẻ tranh cãi với mẹ tôi, thỉnh thoảng vui vẻ uống một hai cốc.

Mấy năm gần đây sau khi tôi tốt nghiệp đại học, câu cửa miệng của ông thường nói là: “Con thích làm gì thì cứ làm, bố mẹ nghĩ gì là việc của bố mẹ, con sống vui hay không là việc của con”.

Không có sự ràng buộc của “bố mẹ hi vọng”, tôi càng lúc càng bạo gan và không đáng tin cậy. Đầu tiên là xin nghỉ công việc ổn định ở công ti nhà nước, chạy tới Bắc Kinh sống cuộc sống của một biên tập viên lương tháng nào tiêu hết tháng đó, chưa đầy vài năm sau lại quyết định về nhà làm cái việc mà người làm bố mẹ nào cũng khó chấp nhận- ăn bám ở nhà cả ngày.

Bố mẹ tôi sau khi biết tin chỉ hỏi tôi hai chuyện có liên quan tới vấn đề này:


Mẹ tôi: “Mấy giờ về, có kịp ăn bữa tối không con?”

Bố tôi: “Cần bố ra sân bay đón không?”.

Tôi chưa bao giờ trở thành người mà bố mẹ mong muốn, nhưng họ vẫn khiến tôi cảm thấy tự hào vì mỗi quyết định mà mình làm.

Cảm giác tự hào đầu tiên mà mỗi người cảm nhận được đều bắt đầu từ bố mẹ của mình. Họ từng là người tấm gương đầu tiên của chúng ta, họ từng là người đầu tiên chúng ta hi vọng sẽ trở thành trong tương lai. Trưởng thành là môn học phát triển theo thứ tự, khi chúng ta mơ hồ chưa biết gì, bố mẹ là thầy hướng dẫn cầm tay chúng ta tiến về phía trước, cho tới một ngày chúng ta giỏi hơn, cảm giác ngưỡng mộ trong tim hồi nhỏ dần dần sẽ bị đẽo gọt từng chút một theo thời gian. Bố mẹ- những người đã từng vĩ đại, việc gì cũng làm được dần dần trở thành những người bình thường, mệt mỏi giải quyết những việc lặp lại hàng ngày trong cuộc sống. Họ cũng mắc sai lầm, họ cũng có lúc tức giận, họ cũng có lúc không đủ khả năng, họ đang lặng lẽ già đi trước mắt tôi.

Tôi không nhớ rõ bắt đầu từ bao giờ tôi đã không còn ngưỡng mộ bố mẹ mình nữa. Từ lúc tôi sửa giúp phần tóm tắt bằng tiếng Anh trong luận văn của bố? Từ lúc tôi dạy mẹ mình cách sử dụng smartphone?

Đây không phải việc đáng để thương cảm. Tôi thích bố mẹ thỉnh thoảng cần tới tôi. Là bố mẹ đã tạo nên tôi của ngày nay: một người trưởng thành mà bố mẹ cần, đáng để bố mẹ tin cậy.

Các bậc cha mẹ trên thế giới này đều hi vọng con cái mình thành công, còn tôi lại chưa từng có ước mơ hoài bão lớn lao gì. Tôi chỉ hi vọng trở thành một người được những người tôi yêu quý cần đến. Và điều may mắn nhất là bố mẹ tôi chưa từng thất vọng vì điều đó.

Bố mẹ vui vẻ chấp nhận những việc mà từ nhỏ tới lớn tôi đã bỏ dở giữa chừng, và chấp nhận tin rằng có thể sống vui vẻ thì làm gì cũng là xứng đáng.


Mặc dù điều này không khoa học chút nào.

Bố mẹ chứng kiến con cái trưởng thành, còn con cái chứng kiến bố mẹ già đi, đây là quá trình không thể tránh được. Bố mẹ tôi bắt đầu già đi, điều này không có nghĩa họ không còn khả năng khiến tôi kinh ngạc nữa.

Sau khi tuyên bố muốn thi bằng lái, ngày hôm sau bố tôi đã nhanh như chớp âm thầm đăng kí thi, cuối tuần thi giành điểm tuyệt đối xong liền lên xe với tốc độ điện xẹt. Mỗi ngày sau khi tan ca bố đều ung dung đi học lái xe một tiếng, sau đó mới về nhà ăn cơm tối.

Mỗi lần hỏi ông tập luyện thế nào, câu trả lời chỉ quanh quẩn vài câu: “Hướng dẫn viên chỉ quát các cô gái, không quát bố. ha ha”.

“Con muốn xem ghi chép của bố không?”. (Tôi chẳng muốn xem mấy bức tranh giải thích cảnh lùi xe vào kho mà khoảng cách, góc độ được vẽ chuẩn tuyệt đối như cướp ngân hàng vậy).

“Không khó, không khó. Cũng được, cũng được”.

Chừng mười hôm sau, cuối cùng ông đã thay đổi câu nói, cũng là tôi về nhà ăn cơm trưa, cũng là ngồi bên bàn ăn, bố chậm rãi vừa ăn vừa nói: “Nói cho hai mẹ con biết một chuyện, thứ ba tuần sau bố thi rồi”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.