Còn chút gì để nhớ

Chương 10


Đọc truyện Còn chút gì để nhớ – Chương 10

Chương 19
Tôi mất xe trong một tình huống rất đáng … mất.
Đi học về, chạy ngang qua một hiệu sách, tôi ghé vào . Định bụng vào xem lướt một cái rồi ra liền nên tôi không khóa xe . Nhưng cũng còn sót một tí cẩn thận trong người, tôi dựng xe ngay trước cửa, chính giữa thềm, để tiện “trông nom”.
Tôi bước vào hiệu sách, cứ ba bước tôi ngoái đầu lại một lần. Khi lấy cuốn sách trên giá xuống cũng vậy, cứ đọc hai, ba dòng tôi lại quay đầu ra cửa dòm chừng chiếc xe . Tôi dòm chừng đến lần thứ mười thì chiếc xe biến mất.
  Trưa đó, tôi đi xe lam về nhà.
  Thấy tôi thả bộ từ ngoài đầu hẻm vô, Lan Anh hỏi :
  – Xe anh đâu rồi ?
Tôi cười:
  – Mất rồi !
  Nó tròn mắt :
– Giỡn hoài ! Mất xe mà cười !
  Tôi khịt mũi :
  – Không cười thì biết làm gì bây giờ !
  Kể từ hôm đó, tôi đi học bằng … chân.
Từ nhà tôi đến trường không xa lắm, đi bộ cũng chẳng mệt mỏi gì. Thả bộ tà tà ngoài phố, tôi lại được thưởng thức thú vui dạo mát, nhất là khi đi trên con đường đầy bóng mát chạy ngang trước cổng trường.
  Nhưng khổ một nỗi, tôi đến lớp ngày nào cũng trễ.
  Tới ngày thứ ba, Kim Dung hỏi :
 – Lam` gì đi trễ hoài vậy ?
Tôi cười :
 – Tại tôi đi bộ.
  Kim Dung ngạc nhiên :
– Xe ông đâu ?
  Tôi thở ra :
 – Mất rồi !
 – Làm sao mất ?
  Tôi kể lại đầu đuôi sự việc.
 Nghe xong, Kim Dung gật gù :
  – Mất là đáng !
Tưởng nghe tôi mất xe, nó sẽ an ủi tôi, ai dè nó phán một câu khiến tôi chưng hửng.
  Ngồi học một lát, Kim Dung day sang tôi :
  – Lát nữa, tôi cho ông quá giang về nhà.
  Tôi gật đầu .
Kể từ hôm đó, ngày nào Kim Dung cũng ghé đón tôi đi học. Có bữa nó nổi hứng nghỉ học bất tử, không tới đón, tôi cũng đâm lười ở nhà luôn.

 Hôm sau, tôi trách nó :
  – Nghỉ học mà không báo trước, làm tôi bỏ mất một buổi !
Nó nhe răng cười :
 – Vậy là ông tiến bộ được chút chút !
  Tôi nổi sùng :
  – Tiến bộ cái con khỉ !
Nó lại vỗ tay :
  – Lần đầu tiên tôi thấy ông văng “con khỉ”. Vậy là ông tiến bộ được hai chút !
Nghe nó khen, tôi giật mình ngậm miệng lại . Mở miệng, lỡ tức mình văng bậy, nó lại khen tôi “tiến bộ được ba chút” thì nguy to .
Nhưng từ hôm đó trở đi, Kim Dung không nghỉ học thêm một ngày nào nữa . Nó đón tôi đều đặn.
Mọi chuyện tưởng là êm đẹp. Không dè một hôm Trâm trách khéo tôi :
  – Bộ anh muốn con Quỳnh bệnh nữa hả ?
Nghe thoáng qua, tôi biết Trâm muốn nhắc đến chuyện Kim Dung đón tôi đi học, tôi chép miệng :
  – Có gì đâu !
Trâm có vẻ giận :
  – Có gì hay không có gì, ai mà biết được !
  Nói xong, nó bỏ đi mất, không cho tôi kịp giải thích lấy một câu .
  Tôi đứng ngơ ngơ ngác ngác một hồi rồi quyết định chạy sang gặp Quỳnh.
 Đang ngồi học bài trên bàn, thấy tôi qua, Quỳnh liền quay mặt đi chỗ khác. Tôi nhẹ ngàng ngồi xuống bên cạnh và kêu khẽ :
– Quỳnh !
  Quỳnh không quay mặt lại .
Tôi lại hỏi :
– Em giận anh hả ?
  Cô bé vần ngồi im.
Thấy tình hình có vẻ gay go, tôi ngồi đực mặt ra, nghĩ kế. Nghĩ tới nghĩ lui nát óc chẳng được kế gì, tôi đành bấm bụng hỏi thẳng :
  – Bộ em không thích chị Kim Dung đón anh đi học hả ?
Quỳnh gật đầu . Nhưng cô bé vẫn không ngoảnh mặt lại .
  Tôi nhăn nhó :
  – Chuyện đó có gì đâu ! Anh đã nói với em rồi …
  – Anh nói sao ?
 – Anh chỉ thân với chị Kim Dung theo … kiểu bạn bè !
  Quỳnh vùng vằng :

– Bạn bè gì mà ngày nào cũng chở đi học !
  Tôi chống chế :
  – Thì tại anh mất xe !
  – Anh mất xe sao anh Bảo không chở anh đi ? – Quỳnh bắt bẻ – Anh Bảo cũng bạn anh vậy !
 – Anh Bảo nhà xa, không tiện đường. Với lại, ảnh đi xe đạp !
  Quỳnh quay lại :
 – Chứ còn em đi xe đạp thì sao ?
Tôi ngơ ngác :
 – Sao là sao ?
  Quỳnh lườm tôi :
 – Em kêu anh đi chung với em, anh có đi không ?
Tôi như không tin vào tai mình. Có lý nào Quỳnh lại đưa ra một đề nghị ác liệt như vậy, mà lại nói với một giọng tỉnh khô !
  – Em nói thật hay nói chơi đó ? – Tôi hỏi lại .
Quỳnh cười, mắt nheo nheo :
  – Nói thật !
– Thật thì đi ! – Tôi sốt sắng.
  Quỳnh nhìn thẳng vào mắt tôi :
– Vậy là anh không đi với chị Kim Dung nữa hén ?
  Tôi gật đầu :
  – Ừ, không đi nữa !
Tối đó, một lần nữa tôi có cảm giác mình đang ngủ trên mây, lơ lơ lửng lửng. Nhưng lần này, dù đang đắm chìm trong nỗi hân hoan choáng ngợp, tôi vẫn giật mình khi nhận ra Quỳnh chẳng hồn nhiên như tôi tưởng.
Chương 20
Không thể vừa đi học với Kim Dung lại vừa đi học với Quỳnh. Giữa hai trường hợp, tôi chọn trường hợp sau . Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì tôi yêu Quỳnh. Còn với Kim Dung, chúng tôi chỉ là bạn. Ở cạnh Kim Dung, tôi cảm thấy niềm vuị Nhưng ở bên cạnh Quỳnh, tôi cảm thấy hạnh phúc.
  Niềm vui và hạnh phúc giống như hai bờ của một dòng sông, lẽ ra tôi có thể ung dung bơi thuyền ở giữa . Nhưng đằng này, Quỳnh bắt tôi phải cập một bờ, cập về phía Quỳnh.
  Khi nỗi sung sướng trong lòng lắng xuống, tôi bỗng cảm thấy áy náy về quyết định của mình. Tôi có cảm giác đang phản bội lại Kim Dung, phản bội lại tình cảm chân thành của nó. Làm thế nào để giải thích với Kim Dung về mọi chuyện ? Tôi loay hoay với ý nghĩ đó suốt đêm và chỉ chợp mắt khi trời gần sáng.
 Hôm sau, Kim Dung vẫn đến đón tôi như thường lệ. Lòng đầy xáo trộn, dọc đường đến trường tôi không nói một câu .
  Kim Dung tỏ vẻ ngạc nhiên :
  – Bữa nay ông làm sao mà á khẩu vậy ?
  Tôi thở dài :
– Ngày mai trở đi, Kim Dung đừng đón tôi nữa !

 Nó bĩu môi :
  – Có vậy mà cũng làm mặt nghiêm ! Ông mua xe mới rồi chứ gì ?
  Tôi lắc đầu .
  Kim Dung nhướng mắt :
– Chứ tại sao ?
 Sau một thoáng do dự, tôi cắn môi :
  – Ngày mai tôi đi với Quỳnh !
  – Quỳnh nào ?
  Tôi đáp một cách khó khăn :
 – Cô bé ở cạnh nhà.
  Kim Dung bắt đầu hiểu ra :
 – Người yêu ông, phải không ?
Tôi gật đầu và thấy mặt Kim Dung tái hẳn đi . Trong một thoáng, tôi cảm thấy một cái gì đó đang tan vỡ trong tôi .
Nhưng Kim Dung quả là một cô gái biết tự chủ. Sau một chớp mắt sững sờ, nó bình tĩnh lại ngay . Nó gật gù :
  – Vậy cũng được ! Cái đó là quyền của ông !
  Tôi nói với giọng của một người phạm tội :
  – Kim Dung có giận tôi không ?
Nó nhún vai, đáp gọn lỏn :
 – Giận !
  Từ lúc đó, Kim Dung không quay sang trò chuyện với tôi nữa . Còn tôi thì không đủ can đảm để gợi chuyện.
  Tới giờ ra chơi, Kim Dung bỏ về, nghỉ luôn hai tiết sau .
 Trưa đó, tôi đi bộ về nhà, ngực nặng như đeo đá.
Kim Dung nghỉ học suốt một tuần. Trong thời gian đó, tôi học không vô lấy một chữ, trong lòng luôn day dứt không hiểu hành động của mình liệu có đúng không.
Đến khi tôi đinh ninh Kim Dung bỏ học luôn, đang định ghé nhà nó thì nó lò dò tới lớp.
Thấy Kim Dung xuất hiện, tôi mừng rỡ như bắt được vàng. Một niềm vui kỳ lạ tràn ngập khắp người tôi . Tôi nhìn nó như nhìn một người thân đi xa về, lúng túng không biết nói gì.
Ấp úng một hồi, tôi hỏi một câu cực kỳ vô duyên :
  – Kim Dung khỏe chứ ?
  Nó liếc tôi :
– Làm gì mà không khỏe ? Bộ ông tưởng tôi sắp chết đến nơi hả ?
  Tôi đỏ mặt :
  – Đâu có !
  – Không có sao ông định chiều nay ghé nhà tôi ?
 Tôi ngẩn người ra :
  – Sao Kim Dung biết ?
Nó cười :
 – Sao lại không biết ! Tính ông tôi còn lạ gì !
  Tôi phục lăn :

  – Kim Dung tài thật !
  Nó tặc lưỡi :
 – Chưa tài lắm đâu ! Nếu tài, tôi đã biết ông có người yêu rồi !
Nghe Kim Dung nhắc chuyện đó, tôi chép miệng ngó lơ chỗ khác. Thấy vậy, nó hỏi lảng :
  – Mấy bữa nay ông có chép bài đầy đủ không ?
– Kim Dung mượn tập hả ?
  – Ừ.
– Lát nữa lấy .
  Lúc ra về, Kim Dung rủ tôi đi uống cà phê . Hai đứa ghé vào quán nước quen thuộc trước cổng trường.
Thấy tôi đi bộ, Kim Dung hỏi :
– Lát nữa cô Quỳnh ghé đón ông hả ?
  – Không ?
 – Sao vậy ?
Tôi ấp úng :
 – Mấy bữa nay tôi đi học một mình.
  – Sao lại đi một mình ? – Kim Dung lại hỏi .
  Tôi ngồi im, không trả lời .
  Kim Dung nheo mắt ngó tôi :
– Tôi nghỉ học làm ông áy náy nên ông chưa đi chung với Quỳnh chứ gì ?
Nó nói trúng phóc, tôi đành gật đầu :
  – Ừ.
 Kim Dung chạm khẽ vào vai tôi :
  – Nếu vậy, ngày mai ông có thể đi chung với cô ta được rồi . Tôi không nghỉ học nữa đâu !
Giọng nó bỗng nhiên dịu dàng kỳ lạ, khác hẳn thường ngày . Tôi lặng lẽ nhìn ra đường. Buổi trưa, nắng chói chang trên những tàng cây điệp, in xuống mặt đất những bóng đen im sững. Thỉnh thoảng, những cơn gió nhẹ lướt qua, mơn man những nhánh cây làm rơi xuống những chiếc lá phản chiếu ánh sáng nom như những giọt nắng vàng lượn lờ trong khoảng không ngái ngủ. Tôi dõi theo những chiếc lá, lòng bồi hồi không biết Kim Dung có còn giận tôi nữa hay không.
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, Kim Dung bỗng nói :
  – Tôi không giận ông nữa đâu ! Hành động của ông không có gì sai, chỉ có điều nó hơi đột ngột, ít ra là với tôi .
 Rôì Kim Dung nói tiếp – lần đầu tiên tôi nghe nó nói bằng một giọng tâm sự :
– Ông biết không, nhà tôi chỉ có hai chị em gái . Chị tôi đang du học ở Pháp. Từ lâu, tôi thèm có một người anh trai hoặc một người em trai kinh khủng. Tôi muốn được chăm sóc một người đàn ông. Đấy là một tình cảm tự nhiên, ông đừng hiểu lầm ! Mà đám bạn trai của tôi toàn những tên láu cá …
  Tôi quay lại và bắt gặp ánh mắt của Kim Dung. Tia nhìn của tôi có lẽ làm Kim Dung tự ái . Nó lúc lắc đầu như để xua tan đi những tình cảm mềm yếu và trở lại cái giọng khinh bạc cố hữu :
– Nhưng ông đừng nghĩ là tôi yêu ông. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng không phải bây giờ. Lúc này tôi chỉ coi ông như một người bạn thân hoặc như một đứa em cù lần mà tôi quý mến. Dù vậy khi đứa em đó chia sẻ tình cảm với một người con gái khác, tôi vẫn cảm thấy mất mát …
Dù trở lại kiểu ăn nói táo bạo, cuối cùng Kim Dung vẫn không che giấu được nỗi buồn của mình. Tôi nghe Kim Dung nói, không hỏi lại, không ngắt lời và tôi hoàn toàn tin những lời tâm sự của nó. Trong tâm trạng bâng khuâng khó tả, tôi nắm lấy tay Kim Dung siết chặt và thì thầm.
– Tôi hiểu . Kim Dung đừng buồn nữa !
Nó giằng tay khỏi tay tôi, nghinh mặt nói :
– Tôi có thèm buồn ! Mà ông đừng làm bộ an ủi tôi như một ông anh tốt bụng. Ông chỉ là một đứa em khù khờ thôi ! Một đứa em , ông hiểu chưa ?
Tôi gật đầu, mặt nhăn nhó :
– Hiểu !
Chúng tôi rời khỏi quán và Kim Dung chở tôi về nhà. Lần này tôi không giành chở nữa mà lặng lẽ ngồi phía sau . Như một đứa em cù lần. Phải không, cô bạn thân mến của tôi ?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.