Đọc truyện Con Cái Chúng Ta Giỏi Thật – Chương 19: Bức thư thứ 19
Tình cảnh gia đình
Istanbun 26.2.1964
Zeynep thân mến,
Cám ơn bạn đã gởi cho tôi tấm ảnh. Hồi này Mentin trông lớn hẳn ra, có vẻ đàng hoàng lắm.
Tôi rất thông cảm về những chuyện đã xảy ra với bạn trong tuần qua. Rõ ràng là muốn giúp bạn lại thành ra mang tội. Dù vẫn thương hại Murat nhưng tôi cũng bực với nó.
Bạn còn nhớ Huseyin không ? Với nó cũng có những chuyện dở khóc dở cuời. Nó cũng làm nhiều bạn trong lớp tôi buồn cuời như Murat của các bạn. Tuy nhiên Huseyin không đổ lỗi của mình cho ai cả. Bạn cũng đã từng biết nó đấy, đó là một đứa bạn tốt. Trong một lá thư tôi đã có lần kể rằng Huseyin, thà chịu đau một mình chứ không thưa thầy để tố cáo đứa bạn xô đẩy làm nó ngã từ trên ngọn cây xuống.
Khi Trước còn ở Istanbun, bạn đã đến nhà Huseyin chơi chưa ? Gia đình nó sống ở một khu ngoại ô nhỏ và khá tồi tệ. Mà ngay cả khi chưa đến nhà nó, chắc bạn cũng thấy nó là một đứa trẻ con nhà nghèo.
Lâu lâu tôi cũng có đến nhà nó chơi và vì thế tôi biết khá rõ về hoàn cảnh gia đình sa sút mà nó đang phải chịu đựng. Nhà Huseyin có tới bảy người mà tất cả phải sống chen chúc trong một căn phòng nhỏ xíu. Hoặc vì nhà cửa quá chật chội, hoặc vì tiền nong kiếm được quá hạn chế, trong nhà nó ít khi có sự hòa thưận, vui vẻ. Từ khi hai đứa kết bạn với nhau, Huseyin hay kể những chuyện cãi vã, xích mích thường xuyên trong gia đình nó cho tôi nghe. Tôi cũng sẵn lòng chia sẻ những nỗi buồn khổ với nó. Đôi lúc tôi còn phải khuyên giải, động viên nó vuợt qua những khó khăn vật chất và tinh thần.
Buổi sáng đến trường mà thấy mắt nó đỏ mọng là tôi biết ngay cả đêm trước nó đã khóc rất nhiều. Thường ít khi tôi thấy nó cuời đùa vui vẻ, mà nó hay có vẻ buồn và suy nghĩ.
Gần đây, một buổi sáng, tôi lại thấy nó đến trường, mắt còn đỏ hoe. Để mọi người khỏi thấy nó đã khóc, Huseyin len lén đến thẳng chỗ ngồi và chẳng chuyện trò gì với ai. Ngay tôi cũng chẳng kịp hỏi nó câu nào, chuông báo bắt đầu giờ học đã điểm.
Hôm đó trong giờ học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, thầy giáo giảng cho chúng tôi về “Các biến cách của danh từ”. Thầy giáo hỏi cả lớp danh từ gồm có các cách gì. Chúng tôi đồng thanh đọc thật to : “Danh cách, tặng cách, thưộc cách, đối cách, xung cách”.
Sau đó thầy gọi Đemir đứng dậy đọc một câu chuyện ngắn nhan đề “Ngôi nhà có cửa sổ bằng vàng”. Có lẽ bạn cũng biết câu chuyện này, nó ở trong sách tập đọc ấy … Trong khu rừng kia có một gia đình nghèo khổ, sống qua ngày đoạn tháng. Họ có một cô gái nhỏ, lúc nào cũng muốn trở nên giàu có. Hàng ngày ngắm nhìn về phuơng xa, cô bé thấy một ngôi nhà xinh xắn. Buổi chiều về, những cánh cửa sổ của ngôi nhà phía xa sáng lên một màu vàng rực rỡ, rất đẹp. Cô bé nhà nghèo thường ao uớc được đến tận nơi xem ngôi nhà có cửa sổ làm bằng vàng ấy. Một hôm cô bé quyết định trốn nhà đi xem cho biết. Cô ta đi, đi mãi và đến tận tối mịt mới đến được ngôi nhà có cửa sổ bằng vàng. Quá mệt mỏi vì chặng đuờng dài, khi đến nơi, cô bé ngủ thiếp đi chẳng kịp xem ngôi nhà kỳ lạ ấy. Sáng hôm sau, khi cô bé tỉnh dậy nhìn về phuơng đông, cô lại thấy một ngôi nhà khác có những cánh cửa sổ ánh lên vàng chói. Dưới ánh bình minh, ngôi nhà phía xa thật rực rỡ, đẹp vô cùng, còn ngôi nhà chỗ cô đang đứng rất bình thường như trăm ngàn các ngôi nhà khác, chẳng có tí vàng nào. Cô đã hiểu ra rằng các tia nắng mặt trời chiếu vào kính cửa sổ làm chúng ánh lên như vàng. Ngôi nhà ở phía mặt trời mọc chính là ngôi nhà của gia đình cô ….
Sau khi Đemir đọc xong câu truyện, thầy hỏi chúng tôi :
– Câu truyện có ý nghĩa như thế nào ?
Không ai trả lời nên chính thầy giải thích :
– Mỗi người chúng ta nên vừa lòng với những gì mà mình đang có. Trong cuộc sống, nhiều khi ta hành động giống như cô bé trong truyện … Như thế gọi là “đứng núi này trông núi nọ”. Nhưng chỉ có sau khi xa cách một cái gì đó từng thân thích với ta, rồi ta mới biết giá trị thật sự của nó, lúc bấy giờ ta mới biết đánh giá nó. Như vậy, đẹp hơn hết thảy vẫn là ngôi nhà yêu quý của ta!
Tiếp đó thầy đọc một câu trong truyện có danh từ “nhà” và bắt đầu hỏi về ngữ pháp :
– Em Huseyin, danh từ “nhà” trong câu này thế nào ?
Huseyin từ đầu giờ học vẫn ngồi yên lặng ở bàn cuối lớp, chìm đắm trong đau khổ riêng.
Bị gọi bất ngờ, nó bối rối đứng dậy, ngơ ngác chẳng biết nói gì. Thầy giáo nhắc lại câu hỏi:
– Tôi hỏi em “nhà” ra sao ?
Cậu bé tuởng thầy giáo quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của mình, trả lời mà nước mắt rưng rưng :
– Thưa thầy, không tốt lắm ạ …
Thầy giáo chưa hiểu ý nó, vẫn vặn hỏi về ngữ pháp :
– Thầy hỏi em “nhà” ra sao ? Nó ở trong tình trạng nào (1) ? Hãy nói cho thầy rõ. Huseyin vẫn tiếp tục nghĩ là thầy quan tâm đến nó, nhưng có lẽ nó không muốn nói về tình cảnh nhà túng bấn trước cả lớp, vì thế giọng nó như muốn khóc :
– Tình trạng nhà không tốt lắm ạ, thưa thầy không tốt tí nào.
Thầy giáo vẫn cố gắng hỏi tiếp :
– Tình trạng nào mà không tốt ? Em nói rõ ra xem nào.
– Ở nhà em chẳng có lúc nào tốt ạ … Mà ngày hôm nay thì lại càng tồi tệ, càng xấu hơn …
Chắc chỉ có mình tôi hiểu ý Huseyin muốn nói gì. Các bạn khác tuởng Huseyin nói lộn nên chúng nó cuời.
– Tại sao không tốt hả em ?
Huseyin không làm sao được, đành nói lộ ra tí chút :
– Bởi vì … bởi vì … – giọng nó rung rung, khó khăn lắm nó mới nói thêm – bởi vì chủ nhà đuổi cả nhà em ra ngoài đuờng … bởi vì ba mẹ em không còn gì để trả tiền thưê nhà nữa …
Trong lớp chả biết có đứa nào đó cuời lên hô hố. Huseyin bối rối ngồi xuống, nó lấy hai tay ôm đầu buồn bã. Từ “nhà” mà thầy hỏi nằm ở trong câu “Khi cô bé nhìn thấy ngôi nhà với các cửa sổ vàng …”
– Đemir, em nói xem “nhà” trong câu này ở cách nào ?
– Thưa thầy, thưộc cách ạ.
Thầy lại quay về phía Huseyin hỏi :
– “Nhà” ở cách nào, Huseyin ?
Có lẽ vẫn bị cảnh nhà ám ảnh nên nó trả lời :
– Có thể sẽ tốt ạ.
Cả lớp cuời rộ lên. Vô tình thầy giáo tôi lại đổ dầu vào lửa :
– Em nói xem “nhà” ở đây có thể có mấy cách, nào ?
– Thưa đôi khi tốt, nhưng lúc khác thì xấu ạ.
Tôi biết là ở nhà Huseyin chẳng có lúc nào có thể cho là tốt cả. Mãi về sau, thầy giáo mới hiểu Huseyin muốn nói về việc gì. Thầy vội vàng nói qua chuyện khác. Rồi cuối cùng ông kết luận :
– Tóm lại, ngôi nhà tốt nhất, đáng yêu nhất vẫn là ngôi nhà của chúng ta, nơi chúng ta sống. Biết giá trị của nó là điều cần thiết với mỗi người.
Khi tan học, trên đuờng về nhà, tôi cố an ủi, khuyến khích Huseyin. Tình trạng của nó thật đáng thương !
Thời tiết Ankara hồi này ra sao hả bạn ? Chỗ chúng tôi ở, trời đã trở nên rất lạnh. Hôm qua đã có một ít tuyết rơi, nhưng những bông tuyết tan khá nhanh nên trời càng giá rét hơn. Tình trạng nhà của chúng tôi hiện nay còn khá tốt. Lò suởi ở phòng khách và phòng tôi không được nóng lắm nên cũng hơi bị lạnh. Tuy thế vẫn còn hơn …… Nhà bạn thế nào?
Mong thư của bạn.
Bạn không quên
Acmét
(1) Trong truyện này, tác giả chơi chữ : “caz” vừa có nghĩa là “tình trạng, hoàn cảnh”, vừa có nghĩa là “cách” của danh từ về mặt ngữ pháp.