Cocktail cho tình yêu

Chương 3-15


Bạn đang đọc Cocktail cho tình yêu – Chương 3-15

  Đan thức dậy trong tiếng mưa. Cô mở cửa sổ. Mùi đất ẩm ngai ngái từ khoảnh vườn nhỏ theo làn gió xộc vào phòng. Bầu trời âm u sũng nước, những cành cây leo nhỏ trên đầu hồi tả tơi bết vào tường. Cô nghe loáng thoáng tiếng em trai nói về 1 cái ô tô bị cây đổ đè bẹp ở đầu ngõ, chợt thấy bất an. Đêm qua, Lập đưa cô về trong lúc mưa gió nhất. Anh quay xe đi ngay sau đó, thậm chí không thèm nghe câu nói xã giao nhắn anh đi đường cẩn thận của Đan. Liệu có phải là… xe của Lập không? Ồ, không đâu, sao cô lại nghĩ thế nhỉ. Chắc là xe của ông chủ hiệu cầm đồ ở đầu ngõ thôi.
   Đan bước xuống cầu thang, thoáng rùng mình vì nền nhà lạnh. Ba và em trai cô đang nấu ăn dưới bếp. Mùi thức ăn ấm áp xua đi cảm giác ủ dột ẩm ướt của 1 ngày mưa. Ông Liêm ngẩng lên hỏi:
   – Sao con không ngủ thêm, dậy sớm làm gì?
   – Con đói quá không ngủ được – Đan tiến đến chỗ Đức. Cô nhớ ra là buổi tối hôm qua mình không ăn gì. Về đến nhà thì khá khuya, cô không muốn lục đục làm ồn nên chỉ uống thêm hộp sữa. Nhấc đôi đũa trong tay em, cô nói:
   – Để chị làm nốt cho. Em pha trà cho ba đi.    – Hôm qua con ăn uống thế nào? Mưa thế này có đi làm không?
   – Hôm qua con đi ăn cơm với bạn, lâu mới gặp nhau, mải nói chuyện nên ăn hơi ít – Đan nói cho ông Liêm yên tâm – Hôm nay con phải qua chỗ cái Nga. Để lát nữa ngớt mưa con đi.
   – Không ngớt mưa đâu chị ơi. Bão số 7 đấy.
   Đan à lên 1 tiếng. Hóa ra thủ phạm của cơn mưa làm cô có những phút xao động đêm qua là cơn bão số 7 mạnh trên cấp 12 giật trên cấp 13 gì đó mà mọi người đã cảnh báo từ hôm trước. Đổ miến ra bát, cô đăm chiêu nghĩ ngợi. Bão lớn thế mà nửa đêm còn ở ngoài đường thì không an toàn chút nào. Rồi sáng nay Thảo lại còn phải trở lên Núi Ba sớm nữa chứ.
   Ăn sáng xong, Đan trở lên phòng thay quần áo. Cô ngập ngừng cầm cái điện thoại lên rồi lại đặt xuống. Có nên gọi cho Lập không nhỉ? Tối qua anh bảo cô lưu số điện thoại di động của mình, nói là để làm giao liên cho cô với Thảo. Phải rồi, cô gọi hỏi thăm Thảo và sẽ lựa lời hỏi thăm anh luôn. Hi vọng đầu óc hay suy diễn của Lập sẽ không đến nỗi hiểu lầm cuộc gọi hỏi thăm thông thường của cô.
   Có tiếng “a lô” ngay sau tiếng chuông đầu tiên. Cô ngập ngừng 1 chút rồi lên tiếng:
   – Tôi là Hoài Đan. Thảo có ở đấy không?
   – Thảo đang ở dưới bếp với mẹ tôi. Mà tôi thì đang ở trên… giường.
   – À, tôi chỉ muốn hỏi xem mưa bão thế này thì Thảo có về Ba Vì an toàn không thôi.
   – Thảo sẽ ở đây đến khi bão tan.
   – Thế thì tôi yên tâm rồi. Xin lỗi vì phá giấc ngủ của anh.
   – Ấy, tôi chỉ nói là tôi ở trên giường thôi, chứ tôi không nói là tôi đang ngủ.
   – Ok, ok – Đan cau mặt. Cô không lường được là Lập sẽ giở cái giọng gây sự này ngay sau 1 buổi tối dễ chịu khi cô và anh ta cùng nghêu ngao hát nhạc Beat suốt quãng đường khá dài – Phiền anh nhắn giúp với Thảo là tôi gọi.
   – Tất nhiên tôi sẽ nhắn. Còn gì nữa không?
   – Không. Cảm ơn anh.
   Đan bấm end call. Cô định hỏi thăm cả Lập nữa, dù sao thì đêm qua anh cũng đưa cô về tận nhà trong lúc mưa to gió lớn. Nhưng anh ta đang… ở trên giường và vẫn còn nói được với cô bằng cái giọng đấy thì có nghĩa là trận bão đêm qua chẳng làm gì được anh ta hết!
 Mấy cô người mẫu đã chỉnh tề xếp hàng đôi chuẩn bị tiến ra sân khấu. “Phần trình diễn của nhà thiết kế Hoài Đan, công ty thời trang Jinxia” đang đi đến hồi kết thúc. Ơn trời, dù có quýnh quáng hồi hộp 1 chút lúc đầu nhưng 20 phút trình diễn không hề có trục trặc gì. Giờ thì Đan chỉ việc sắm ình 1 bộ mặt tươi cười và 1 dáng đi thảnh thơi ra chào khán giả. Vuốt lại tà áo dài và mái tóc được hấp dưỡng bóng mượt, cô bước ra sau đoàn người mẫu, giữa những tràng vỗ tay và chớp đèn máy ảnh, cô nhận bó hoa của Phương Thùy, người mẫu chính trong phần trình diễn, cúi chào khán giả khắp các phía bao quanh sân khấu rồi xoay người đi vào. Những cộng sự ngay lập tức xúm vào thu dọn quần áo và 1 số phụ trang hỗ trợ. Người của Jinxia vốn rất thạo việc nên cô không phải vất vả nói nhiều. Giao lại việc cho họ, cô luồn ra phía trước, ngồi vào chiếc ghế bên cạnh bà Giang để xem nốt phần trình diễn của những nhà tạo mẫu còn lại. Bà hơi nghiêng gương mặt phúc hậu và thân hình đẫy đà về phía cô, mỉm cười:
   – Cháu làm tốt lắm. Người mẫu diễn rất có hồn.
   Đan cũng mỉm cười. Dĩ nhiên cô phải hài lòng vì đội người mẫu không ngôi sao mà đích thân cô đã tuyển chọn. Họ toàn là những người có ý thức công việc, luôn đến đúng giờ, tập nghiêm túc và sẵn sàng ở lại muộn khi chưa đạt, tóm lại là không thể chê vào đâu được. Đan gần như chắc chắn bộ sưu tập của mình sẽ đoạt 1 trong 2 giải thưởng cao nhất. Cô nắm tay bà Giang nhè nhẹ. Bàn tay bà lạnh và ướt mồ hôi. Bà còn run hơn cả thí sinh trực tiếp là cô nữa. Giọng bà thì thào háo hức:
   – Nhìn mấy bộ dạ hội cháu dựng thích quá. Mấy sếp đang muốn đẩy mạnh mảng này cho dịp cuối năm.
   – Hôm qua Emilio xem clip xong cũng nói với cháu như vậy, nhưng có vẻ Emilio thích loạt công sở hơn.
   – Ừ, nghề của chàng mà, hắn đang đề nghị nhập vải để làm số lượng lớn rồi… Sao mà lâu trao giải thế không biết!
   – Còn 1 phần nữa của Đỗ.
   – Ờ, năm nay Đỗ làm thường nhỉ, chẳng có ý gì mới. Thế là cháu chắc suất giải Triển vọng rồi.
   – Cháu nghĩ là sẽ có giải cao hơn. Hôm thuyết trình cả chị Trâm và ông Việt Đình đều làm cập rập lắm.
   – Kìa… chuẩn bị trao giải rồi. Cô cháu mình ngồi thẳng lên kẻo báo chí họ lại kêu là đã đi thi còn buôn chuyện!
   – Vâng – Đan cười nhỏ, cô thích tính tình trẻ trung phóng khoáng của bà Giang. Bà là người gốc Bạc Liêu, trong công việc cũng như trong cư xử thường ngày, bà đều có vẻ gì đó làm người ta hơi liên tưởng đến ông công tử nổi tiếng của quê hương bà. Công việc thiết kế ở 1 nơi như Jinxia có lẽ phù hợp với bà hơn là vị thế chủ doanh nghiệp may manh mún trước kia.
   Đã đến phần trao giải. Người ta đang chuyền tay nhau những chiếc phong bì kết quả. Trên sân khấu, 1 chiếc bục được đem ra đặt cạnh chiếc micro trang trí cầu kỳ. Vị trưởng ban giám khảo đáng kính đang trịnh trọng bước lên với 1 loạt những lời lẽ hoa mỹ chào mừng sự thành công của cuộc thi. Cả hội trường im phăng phắc. Dường như mọi người đang nín thở cầu mong cho ông già trên bục mau mau chấm dứt phần diễn văn nhàm chán.
   Đan đưa mắt nhìn quanh và bắt gặp 1, à không, 2 người quen ở hàng ghế chênh chếch phía bên trái. Minh Ánh diện bộ đầm màu hồng, của… Jinxia. Bộ đầm ngắn trên đầu gối, lớp vải mềm đến nỗi không có gió mà vẫn bay nhè nhẹ, phần áo tạo dáng gợi cảm mà vẫn sang trọng, đường xẻ sâu xuống ngực được nhấn bằng 1 đóa hoa phù dung vải voan. Cô người mẫu đắt giá ngồi tạo dáng rất… chuyên nghiệp, khiến cho những phần da thịt hở ra lại càng khiêu khích. Cạnh Ánh là Lập. Hôm nay anh ta mặc bộ vest đen cùng chiếc cà vạt màu đồng sang trọng. Hình như anh ta đang nhìn Đan.
   Khẽ gật đầu thay lời chào rồi ngoảnh lên sân khấu, Đan chăm chú lắng nghe. Mới đến phần trao giải khuyến khích. Cô tin rằng giải của mình sẽ cao hơn thế, thậm chí cô có cảm giác mình sẽ được giải cao nhất… Nhưng không được như Đan mong đợi, trong số 2 tác giả đoạt giải 3, người ta đọc rõ tên cô.    Đan đi vào siêu thị. Cô cần mua cái gì đó để qua thăm Thạch. Từ hôm biết tin anh bị tai nạn đến giờ là 4 ngày, anh đã từ viện về nhà nằm rồi mà cô vẫn chưa đến thăm được. Công việc chuẩn bị cho đêm trình diễn đã lấy đi của cô quá nhiều thời gian. Và những gì nó đem lại cho cô dường như chỉ là 1 nỗi mệt mỏi. Cô vừa ở công ty Jinxia về. 
   Bước vào phòng họp lớn, cô thấy đủ mặt ban giám đốc và nhiều trưởng phòng. Bà Giang vui vẻ nói: 
   – Chắc mọi người xem TV truyền trực tiếp biết hết rồi nhưng tôi vẫn thông báo lại. Trong cuộc thi thiết kế mẫu thời trang toàn quốc năm nay, Hoài Đan đã đoạt liền 2 giải, giải 3 và giải nhà tạo mẫu trẻ triển vọng. 
   Mọi người vỗ tay. 1 vài người đứng dậy bắt tay cô. Ông giám đốc nhìn cô nói 1 câu ngắn gọn nhưng khá… đau lòng: 
   – Cô Hoài Đan rất có triển vọng đoạt giải cao ở lần thi sau. 
   Đan cười cảm ơn tất cả. Không phải cô không thấy sự thất vọng của mọi người, nhất là của bà Giang. Tuy vẫn tỏ ra mừng rỡ hân hoan vì giải thưởng cô đem lại, nhưng rõ ràng là bà hi vọng vào 1 kết quả tốt hơn vì chính bà là người đầu tiên ủng hộ cô trước ban giám đốc. Cô biết cảm giác đó như thế nào vì hiện giờ cô cũng đang rất thất vọng. Cô xứng đáng với vị trí số 2, hoặc thậm chí là vị trí đứng đầu. Hẳn là đã có những tác động nào đó đến với ban giám khảo trong những phút cuối, Đan nghĩ như vậy. Nhưng cô không cho phép mình bày tỏ điều gì với bà hay với mọi người trong công ty.
   Tối qua, khi lên nhận giải, khi trả lời phỏng vấn, cô luôn luôn nói về Jinxia, nhắc đến công ty và những người cộng sự. Có lẽ quảng bá cho Jinxia hết sức là cách duy nhất cô có thể tranh thủ để bù lại những thất vọng mình đem đến. Nhìn khắp lượt mọi người, cô nói chậm rãi:
   – Về giải thưởng, cháu chỉ xin phép được cầm bức tượng thôi, còn giấy chứng nhận giải và tiền thưởng xin giao cho ban giám đốc để thưởng cho những người đã vất vả với cuộc thi.
   Mọi người gật đầu với vẻ hài lòng. Số tiền 25 triệu của cả 2 giải thưởng cô đoạt được tính ra chỉ đủ chi phí cho phần nguyên phụ liệu và tiền đi resort an dưỡng của Đan, nhưng theo thỏa thuận ban đầu, những mẫu dự thi sẽ do Jinxia giữ bản quyền và khai thác. Thật may là những gì Đan vẽ đều có tính ứng dụng cao và công ty có thể thu lợi nhờ đầu tư sản xuất theo những mẫu đó. Điều này làm Đan không phải quá áy náy. Khi trở lại phòng thiết kế, Đan mỉm cười với bà Giang:
   – Thời gian qua nhanh quá. Mới hôm nào cháu còn đến đây hùng biện trước mặt mọi người…
   – Cô rất thích cách làm việc của cháu – Bà cũng mỉm cười – Cô thấy lại hình ảnh mình hồi trẻ.
   – Lẽ ra cháu có thể cố gắng hơn nữa.
   – Cháu đã làm rất khá rồi. Nếu là cô của 10 năm trước, cô cũng chỉ làm được bằng nửa cháu.

   Nhìn vẻ chân tình của người phụ nữ Bạc Liêu, Đan định nói về những băn khoăn của mình nhưng rồi cô lại thôi. Hợp đồng của cô chỉ kéo dài đến hết cuộc thi, cô không phải là người của công ty này. Cô không thực sự gắn bó với Jinxia, chính vì vậy, đây không thể và cũng không nên là nơi để cô giải tỏa bức xúc. Nói ra việc này cũng chẳng tác dụng gì, cô không bắt công ty họ phải đấu tranh đòi công bằng ình được. Giọng cô chùng xuống:
   – Nếu được làm lại, cháu nhất định sẽ làm tốt hơn… Nhưng bây giờ thì cháu phải làm thủ tục kết thúc hợp đồng.
   – Cháu nhất định không gia hạn hợp đồng sao? Cô đang định bàn với cháu về việc này. Ban giám đốc rất muốn cháu tham gia thiết kế loạt sản phẩm cho đối tượng khách hàng trẻ.
   – Cháu còn việc ở Molly mà cô.
   – Jinxia đang rất cần người như cháu. Vậy mà cháu lại… – Bà Giang xịu mặt – Công việc ở nhà may đó cháu giao cho người khác cũng được chứ sao.
   – Cháu cũng đang có ý định đi học 1 khóa nâng cao ở nước ngoài nữa.
   – Ồ, vậy à? Cô nghĩ Emilio có thể giới thiệu cháu với học viện thời trang Milano. Sau đó cháu trở về đây làm việc luôn. Cháu thấy có được không?
   Đan nhìn vẻ hào hứng của bà Giang. Bà quả là 1 người biết cách tạo những ràng buộc bằng những ưu đãi dễ chịu. Nhưng 1 người như cô có xứng đáng với những ràng buộc vậy không? Cô đã nhận điều kiện làm việc tốt nhất của công ty và chỉ đạt kết quả dưới sự mong đợi. Cô không thể nhận thêm ưu đãi nào khác! Khẽ lắc đầu, cô nói đăm chiêu:
   – Tạm thời cháu mới chỉ có ý định như vậy thôi. Chưa có kế hoạch gì cụ thể cả.
   1 chiếc xe đẩy phía sau đâm sầm vào hông làm cho Đan sực tỉnh. Mỉm cười trước những lời xin lỗi của bà mẹ trẻ vì chú nhóc nghịch ngợm đẩy xe lung tung, cô bước tới kệ bán hoa quả nhập khẩu, chọn 1 khay táo đỏ thẫm và 1 hộp nho tím to mọng.
   Thạch đón cô bằng cái chân bó bột và gương mặt đen sạm. Anh nở 1 nụ cười nhẹ nhõm khi nghe giọng Đan trêu chọc:
   – Anh trông như xác ướp Ai Cập ấy!
   Cô ngồi xuống bên giường anh, tự nhiên sắp xếp lại mấy chiếc cốc trên đầu tủ rồi để gói hoa quả vào. Thạch với tay lấy khay táo, bóc lớp giấy bóng lấy ngay ra 1 quả gặm ngon lành. Đan cằn nhằn:
   – Anh đợi rửa đã chứ!
   Nhưng cô không ngăn anh lại mà chỉ mỉm cười. Thạch vừa nhồm nhoàm nhai táo vừa hỏi:
   – Đây là quà thăm nuôi người ốm hay khao đoạt giải, Đan?
   – Hơ, anh không thấy em mua 2 thứ sao?
   – Anh có thấy đấy chứ, nhưng không biết cái nào để thăm nuôi cái nào để khao.
   – Anh thích đồng nào mua mắm đồng nào mua tương? Đùa thế chứ đây toàn là quà thăm nuôi thôi. Mỗi giải 3, nói chuyện khao ngượng chết!
   – Giải 3 cũng là giải chứ. Dễ gì mà vào tận vòng trong rồi đoạt giải được.
   – Nói ra thì anh bảo không biết mình là ai, chứ em nghĩ phải được giải cao hơn mới đúng.
   Thạch lật gối cầm mấy bản vẽ phác thảo lên ngắm nghía lại rồi chìa ra:
   – Ai bảo Đan không đem thiết kế đồng phục cho Núi Ba đi thi luôn. Mẫu đẹp thế này đem đi, cầm chắc đoạt giải nhất.
   – Mẫu kia cũng đẹp mà.
   – Anh thấy mẫu này đẹp hơn. Vẽ trên giấy nhìn đã mê rồi. Bây giờ mà có 1 bộ thật trước mặt thì còn mê nữa.
   – Ơ, anh vẫn chưa ay sao? Mấy tháng rồi còn gì?
   – Thì anh bận suốt ở công trường, có lúc nào gặp được anh Lập mà nói. May mà bị đâm xe nên mới có thời gian nghỉ ngơi nghiên cứu thời trang đấy!
   Đan nhìn anh. So với hồi ở Núi Ba, Thạch đen và gầy đi. Việc khảo sát và trông coi thi công giữa mùa hè ở vùng gió Lào đấy quả là 1 kiểu khổ sai. Cô buột miệng:
   – Anh Lập giao việc cho anh mà cứ như cho đi đày ý nhỉ. Giữa mùa hè đi miền Trung thì khác gì đi Hỏa Diệm Sơn!
   – Ấy, nói thế! Khổ vậy đã ăn thua gì. Vùng đấy ven biển, nóng quá chỉ việc ào xuống 1 cái là hết. Bọn bạn anh còn có công trình ở trên vùng núi đá Hà Giang, cỏ cũng không có đủ nước mà mọc, muốn có nước mổ lợn luộc gà làm liên hoan thì phải nhịn tắm mấy hôm cơ.
   – Thật à?
   – Thật. Anh lên đấy chơi, chúng nó bắt uống rượu vì hết nước pha trà.
   Đan cười vì vẻ mặt tếu táo của Thạch. Cô chỉ vào mấy mẫu vẽ:
   – Thế mấy hôm nay anh đã nói  với anh Lập chưa? Nếu chưa nói thì để em về in cho bản khác. Anh để bản này nhàu hết rồi.
   – Ừm… tại anh kẹp chung với mấy tờ báo, mấy ông thợ không biết đem ra lót ngồi chơi bài nên mới…
   – Ôi trời, thế để em về in lại. Chứ để thế này mà đưa…
   – Đưa thế thì làm sao nào?
   Giọng của Lập, anh ta có vẻ bông đùa. Đan ngước nhìn lên. Bây giờ cô mới nhận ra Lập rất cao lớn, nhất là khi đóng bộ plet như lúc này. Anh mở cúc áo khoác và nới cà vạt rồi ngồi phịch xuống giường làm Thạch nhăn mặt. Thấy thế, Lập vỗ bồm bộp lên cái chân băng bột của em trai như vỗ trống cơm làm Thạch kêu oai oái. Đan khẽ cười trước cảnh 2 anh em anh đùa giỡn. Lập nhắc lại câu hỏi và cô nhẹ nhàng trả lời:
   – Không sao. Chỉ là để hình dung ý tưởng cho rõ thôi.
   – Thế này cũng tạm rõ rồi. Nào, cô nói xem nên dùng vải gì ấy cái này?
   – Quần và váy thì nên dùng vải kaki. Kaki thô thì thoáng, dễ chịu khi mặc nhưng sẽ dễ nhàu, nên dùng loại co giãn 1 chút. Còn áo thì còn tùy…
   – Tùy cái gì? Cô cứ nói thử xem.
   – Thật ra thì vải gì may áo cũng được. Chỉ cần mua 1 loại thổ cẩm Mai Châu làm nẹp, viền đồng bộ thôi.
   – Bỏ qua cái nẹp viền. Chất vải áo chính theo ý cô nên thế nào?
   – Áo của nhân viên nam thì nên dùng đũi, vì kiểu áo như thế này… – Đan lấy mẫu chỉ cho Lập, cô vẫn ngồi trên chiếc ghế xếp cạnh giường còn anh đang tì 1 tay vào lưng ghế, vạt áo vest chạm vào vai và cánh tay cô – Kiểu này không có dựng đứng áo được nên dùng vải mềm quá thì sẽ tạo cảm giác ẻo lả. Đũi là loại thoáng mát và cứng vừa phải. Nhưng độ bền vải không cao lắm, kể cả với loại đũi công nghiệp.

   – Còn của nữ?
   – Áo nữ thì đơn giản. Dùng loại vải phin thô, lụa hay lanh đều được.
   – Anh thấy Đan có vẻ thích chất liệu tự nhiên – Thạch lên tiếng góp chuyện – Sao không dùng loại vải gì dễ giặt ủi 1 chút.
   – Hơ, anh đúng là không phải mặc đồng phục bao giờ! Đồng phục hiện tại ở Núi Ba vừa không hợp số đo vừa không hợp công việc mà chất vải lại nóng. Nói thật là Đan mặc có mấy ngày đã khó chịu gần chết!
   – Cô nói rõ xem nào! – Lập cau mày, anh ngồi trở lại giường.
   – Đồng phục ở Núi Ba bây giờ mùa đông cũng như mùa hè, tất cả đều là áo dạng vest. Mùa hè tay lỡ còn mùa đông thì tay dài hẳn. Áo mùa đông em chưa dám nói chứ áo mùa hè thì… xin lỗi 2 anh, thà mặc áo 2 dây làm đồng phục còn hơn!
   Ngưng lại 1 chút như thăm dò người đối diện, thấy cả Lập và Thạch đều chăm chú nhìn mình, Đan nói tiếp:
   – Áo quá bó, chất vải quá cứng mà lại thiết kế theo kiểu không cài cúc không được, làm việc cử động rất mất tự nhiên. Tay không dài không ngắn, xắn lên cũng khó, chỉ muốn xẻ 1 đường cho nó tung ra để mỗi khi cử động nó không cọ vào khoeo, khuỷu tay. Người nào da nhạy cảm còn dễ bị dị ứng mẩn ngứa hay phồng rộp ở những chỗ da cọ vào vải liên tục. Đan làm việc trong bar có quạt hơi nước mà còn thấy nóng bức nữa là những người làm việc ngoài trời…
   – Được rồi! Chừng đấy là đủ biết tài phân tích của cô rồi. Giờ thì cô đề xuất phương án khắc phục đi. Tạm thời trong lúc chưa may được đồng phục mới thì nhân viên của tôi vẫn mặc đồng phục cũ.
   – À, tôi đã nói rồi đấy. Cái tay áo có thể đem xẻ ra.
   – Sao không cắt ngắn hẳn đi? – Thạch chen vào.
   – Làm thế thì mất dáng áo, anh ạ. Trông cái áo sẽ cụt cụt, không đẹp.
   – Cô chê mẫu cũ không tiếc lời, mẫu mới của cô thì khắc phục được hết những nhược điểm ấy à? – Lập nhếch mép.
   – Được! – Đan nhìn thẳng vào mắt anh 1 cách quả quyết.
   Lập nhìn trả vào đôi mắt mờ mờ quầng thâm ấy. Anh thích thú vì thấy vẻ long lanh như thách thức trong đó. Gương mặt Đan dường như bao phủ 1 nét mệt mỏi dù cô đã cố trang điểm khéo để che bớt. Sau làn son màu hồng cam của đôi môi mím chặt kia là màu gì nhỉ? Lập vội vã liếc xuống đồng hồ:
   – Đến giờ tôi phải đi rồi. Cô cứ nói tiếp với Thạch. Rồi tôi sẽ hỏi lại sau… Khi nào Thạch đỡ thì lo vụ này cho anh, nhé. Làm đồng phục cho toàn bộ mấy chỗ luôn.
   Anh không chào ai, lầm lì ra khỏi phòng.
   Thạch quay lại nhìn Đan, giọng hơi ái ngại:
   – Tính anh Lập từ xưa vẫn thế. Đan đừng giận nhé.
   – Không sao đâu anh.
   – Thật là không sao không? Nhìn mặt Đan buồn buồn thế nào ấy.
   – Thì em cũng đang buồn 1 chút.
   – Không phải vì anh Lập chứ?
   – Không, không phải – Đan lắc đầu – Buồn vì mấy chuyện linh tinh thôi anh.
   – Nói anh nghe được không?
   – Cũng chẳng có gì… Vẫn chuyện ở Molly.
   – Việc Đan kẹt vốn ở đó hả?
   – Dạ. Vừa rồi làm hợp đồng với bên Jinxia không thành công như mong muốn, em định rút vốn ra lấy tiền làm riêng hoặc đi du học ngắn hạn. Nhưng mà tình hình này chắc không được.
   – Sao vậy? 2 người kia gặp chuyện gì à?
   – Không… không có chuyện gì. Là việc mừng. Họ chuẩn bị cưới.
   – Ồ, kiểu tình yêu như sáp nhập trong kinh doanh đó hả?
   – Thật ra thì 2 người đấy sống với nhau từ hồi sinh viên. Phải tổ chức đám cưới vì… lỡ kế hoạch.
   – À… – Thạch gật đầu, vẻ thông hiểu.
   – Chính vì việc cưới hỏi và đứa nhỏ này mà em không thể rút khỏi Molly được. 2 người họ từ lâu rồi không còn thiết kế gì nữa. Họ may đo bình thường và nhận hợp đồng gia công. Chỉ có em là còn thiết kế và nhận làm theo đặt hàng độc quyền.
   – Vậy thì Đan càng phải rút vốn làm riêng chứ! Chung với họ làm sao mà sòng phẳng được.
   – Mắc mớ là em vẫn dùng tên Molly để liên hệ với khách hàng và khi có hợp đồng kiểu như thiết kế riêng cho 1 ngôi sao nào, vẫn dùng thợ của Molly. Quần áo đó vẫn gắn mác Molly. Việc chia lợi nhuận của những hợp đồng kiểu này cũng không đến nỗi. Mỗi tháng ít nhất em cũng có 1 hoặc 2 hợp đồng kiểu này, có hợp đồng lên đến chục triệu.
   – Nếu Đan rút đi thì họ cũng chỉ mất mỗi khoản chia lợi nhuận đấy thôi mà. Tuy vài triệu 1 tháng cũng không nhỏ, nhưng làm gì đến nỗi phải giữ bằng được.
   – Không anh ạ, bây giờ Molly vẫn được nhắc đến vì đã may áo dài cho diễn viên này, trang phục biểu diễn cho ca sĩ kia nên mới có nhiều khách hàng bình thường nghe tiếng ham đến may, sẵn sàng chịu giá cao. Nếu em rút vốn, Molly sẽ không nhận hợp đồng độc quyền nữa. Họ sẽ mất đi cái tiếng, và sau đó tất nhiên khách thường cũng mất. Vì giá may ở Molly cao hơn mặt bằng chung khá nhiều…
   – À, vậy thì khó rồi!
   – Đó là chưa kể nếu em không đi du học mà mở chỗ mới, sẽ có 1 số thợ giỏi ở Molly đi theo.
   – Nếu thế thì lại càng tệ.
   – Vì vậy nên em mới không nỡ. Nếu em đi là họ sẽ lao đao. Tiền cưới đã tốn kém rồi, mà nuôi trẻ con thì vất vả lắm…
   – Anh nói cái này hơi hồ đồ nhưng Đan có thấy là mình đang bị lợi dụng không? Lúc không lợi dụng được nữa thì họ lại dùng mọi cách kêu gọi lòng thương của Đan. Không chừng cưới và có con cũng là 1 cách đấy.

   – Em không nghĩ là họ cố tình. 3 người chơi với nhau cũng lâu rồi. Làm ăn chung cũng ổn. Ngoài việc bất đồng quan điểm ra, em thấy không có vấn đề gì.
   – Ừ, có thể là anh chưa gặp nên suy luận không đúng.
   – Thôi, em phải về đây. Ở đây phiền anh từ nãy đến giờ.
   – Đan ở lại ăn cơm đã.
   – Dạ thôi. Hôm nay em cần qua mấy chỗ nữa.
   – Vậy à? Vậy anh không giữ nữa. Anh còn phải ở nhà lâu, thỉnh thoảng Đan rỗi thì qua đây nói chuyện với anh cho vui. Có chuyện gì cũng có người nghe và tìm cách gỡ cùng.
   – Em cũng sẽ rỗi rãi lâu. Sẽ qua làm phiền anh thường xuyên. Còn nhiều chuyện muốn tra khảo anh lắm… Anh nghỉ lấy sức đi nhé.
   Thạch định chống nạng ra cửa tiễn nhưng Đan ngăn lại. Cô khép cửa phòng cho anh rồi theo bà giúp việc đi ra hiên. Trời đã tối hẳn, 1 mảnh trăng lưỡi liềm treo lơ lửng phía trên ngọn cau, mùi hoa cau thơm mộc mạc. Nơi ở của gia đình Thạch rất rộng. Khu vườn um tùm bao quanh ngôi nhà 3 tầng xây giả kiểu biệt thự Pháp cổ. Từ chỗ để xe vào đến nhà phải mất 1 đoạn nữa. Nhà rộng như vậy nhưng vắng vẻ đến hiu quạnh. Chắc hẳn khi 2 anh em Thạch đi làm ở tỉnh xa hết, mẹ anh sẽ cảm thấy trống vắng vô cùng.
   Dắt chiếc Bianco ra khỏi cổng rồi mới nổ máy đi, Đan hướng về phía trung tâm thành phố. Cô hẹn vợ chồng Nga ăn tối. Dù sao cô cũng làm chung với họ mấy năm nay, đám cưới và đứa trẻ sắp ra đời tuy đem đến cho cô 1 chút trở ngại trong công việc nhưng vẫn là chuyện rất đáng chúc mừng. Cô phải tìm cái gì đó tặng cho họ mới được.
   Rẽ vào 1 hiệu sách lớn, Đan thong thả dạo bước giữa dãy kệ la liệt sách. Còn hơn nửa tiếng nữa mới tới giờ hẹn, cô có thể thư giãn 1 chút. Lật giở mấy cuốn tạp chí thời trang mới nhập khẩu, cô nhăn mặt khi nhìn thấy tấm giấy phản quang ghi giá tiền bằng USD. Nếu là cách đây vài tháng, có lẽ cô cũng không ngần ngại ôm chúng ra quầy tính tiền, nhưng hôm nay thì… Tạm thời kẹt vốn ở Molly, hợp đồng với Jinxia coi như chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chưa tìm ra hướng đi mới, cô sẽ phải nhận cầm chừng mỗi tháng 1 hợp đồng thiết kế gì đó cho giới biểu diễn và chi tiêu dè dặt hơn.
   Tiếc rẻ bỏ mấy cuốn tạp chí Vogue xuống, tới chỗ bày bán sách gia đình, cô loay hoay lựa chọn mấy cuốn Chăm sóc sức khỏe khi mang thai, Những điều cần biết khi sinh con, 1 năm đầu đời bé… Quá nhiều tên sách na ná nhau, cuốn nào cũng in đẹp, có cuốn khổ lớn in màu, có cuốn nhỏ xinh như sổ tay, Đan phân vân rồi quyết định hỏi nhân viên nhà sách. Ngẩng lên nhìn quanh tìm bóng áo xanh của nhân viên, cô giật mình vì thấy Lập đang đứng sừng sững ở kệ đối diện và nhìn cô chăm chú. Thấy cô đã nhận ra mình, anh ta mỉm cười và gật đầu rất kiểu cách. Đan chưa kịp chào lại thì Lập đã quay người đi thẳng sau khi ném cho cô 1 cái nhìn không biết nên gọi là gì. Mãi đến khi sực nhớ ra, nhìn xuống chồng sách trên tay, Đan mới thoáng đỏ mặt và chợt hiểu tại sao anh ta nhìn cô bằng ánh mắt đấy. Mà thôi, mặc kệ cái thói suy diễn của anh ta, cô chọn lấy 2 cuốn đẹp nhất đem ra.
   Vì phải chờ nhân viên gói quà tìm giấy khổ lớn vừa với cuốn sách, Đan đến nhà hàng muộn. Nhà hàng khá đông, điện thoại lại hết pin không thể gọi hay nhắn được, cô nheo mắt ngó nghiêng tìm xem 2 người kia ở chỗ nào nhưng vẫn chưa thấy. Cầm gói quà to, cô đi dọc theo dãy hành lang dẫn ra sân sau. Nhà hàng này quả là biết tận dụng địa điểm, những đoạn hành lang hẹp cũng biến thành chỗ kê bàn ăn như thường. Chưa đi hết khoảng hành lang, Đan đã nghe thấy giọng Nga ấm ức:
   – Anh chờ thêm 1 chút không được à? Mới có 10 phút.
   – Có khi nào nó không thèm đến không?
   – Vớ vẩn! Chính nó hẹn mình cơ mà.
   – Nhưng dễ nó xù vì tiếc của lắm, cái con dở hơi ấy…
   – Ăn nói cẩn thận tí đi!
   – Ôi dào, nó không đến đâu. Em biết tính nó rồi, đúng giờ bỏ cha ra.
   – Không đến thì nó phải gọi điện chứ.
   – Chắc máu quá quên hết sự đời rồi. Hôm nọ đi với 1 thằng đi xế hộp xịn đến nửa đêm mới về.
   – Sao anh biết?
   – Thì chính mắt anh thấy chứ đâu. Đi trả nợ ông Tuất ở đầu ngõ nhà nó, mưa quá mới đứng lại trú, thấy chị chàng ăn mặc xốc xếch chui ra khỏi xe BMW.
   – Chà, ghê gớm đây nhe! Vừa mới bị thằng cha Vinh đá đẹp không lâu đã vợt được con cá to rồi. BMW cơ à… chà chà…    – Ừ, thế mà còn tiếc của mình mấy ngàn đô bẩn.
   – Cũng may anh còn nhanh trí… không thì chết dở. Nhưng mà em lo lo…
   – Cái gì?
   – Con này trông thế chứ tinh lắm, nó nhìn ra cái kia thì…
   – Suỵt, im nào, nhỡ có ai nghe thấy.
   – Anh vừa bảo nó không đến cơ mà.
   – Cẩn thận vẫn hơn. Đến khi nào trót lọt hẵng hay.
   Đan lùi dần. Cô tựa vào 1 chiếc cột, cảm giác thật khó chịu. Nỗi băn khoăn tưởng như vớ vẩn và lời suy đoán hồ đồ của Thạch mà cô cố gạt đi hóa ra lại không sai tí nào! Bấm tay vào cuốn sách làm lớp giấy gói rách lỗ chỗ, Đan lặng lẽ đi về phía cửa.
   Lập gọi thêm 1 Black Russian rồi lại chăm chú đọc sách. Lâu rồi anh mới lại có những phút hoàn toàn riêng tư giữa 1 nơi công cộng thế này. Đây quả thật là quán café lý tưởng. Không ai nhận ra anh và vồn vã hỏi han, cũng không ai nhìn như định giá rồi tiến lại đong đưa cài danh thiếp vào kẽ tay, mọi người ở đây như đắm mình trong những cuốn sách. Anh say sưa theo dõi Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, thỉnh thoảng lại cười 1 mình vì những trò trẻ con tinh quái. Hết truyện, anh gấp sách lại, nhìn đồng hồ. Mới hơn 9 giờ 1 chút, hình như trong quán café – thư viện mới mở này thời gian trôi khá nhàn hạ.
   Giá sách thiếu nhi ở phòng ngoài, có lẽ anh nên đọc thêm 1 cuốn truyện cổ tích gì đó để cảm thấy cuộc sống thi vị hơn, Lập đứng dậy. Chưa kịp nhìn đến giá sách, anh đã phải chú ý đến 1 dáng người ngồi ở góc phòng. Lần này là lần thứ 3 anh chạm mặt cô ta, chỉ trong ngày hôm nay. Vẫn chiếc áo sơ mi tay lỡ trắng ngà hơi ôm vào người và chiếc váy suông ngắn màu cát có thắt lưng nhỏ màu nâu sẫm, vẫn gương mặt trang điểm kỹ nhưng không giấu nổi vẻ mệt mỏi ấy. Cô ta đang đọc cuốn sách dành cho phụ nữ mang thai và uống 1 ly rượu gì đó giống như là ly Black Russian của anh.
   – Này cô, Thằng Nga Nhọ không tốt cho thai nhi đâu.
   – Đây là Jack Daniel “sec”. Không phải Black Russian – Mái đầu óng mượt vẫn chăm chú xuống những trang sách giấy bóng láng in màu sặc sỡ.
   – Ờ, nói chung là mấy thứ này không tốt cho phụ nữ có thai.
   – Và trẻ em dưới 12 tuổi – Đan ngẩng lên uốn lưỡi nói như trong quảng cáo và nhìn anh bằng đôi mắt giễu cợt – Chỉ có trẻ em dưới 12 tuổi mới thích Tom Sawyer thôi!
   – À, tôi đang bị đau răng. Muốn đọc để có cảm giác khi sắp sửa bị 1 thanh củi cháy gí vào mặt và sau đó thấy cái răng rời ra. Xong đoạn đấy, tôi chả nhớ răng mình bị sưng bên nào nữa. Người ta bảo văn học xoa dịu nỗi đau của nhân loại cũng có lý của nó!
   Đan không cười, chẳng phản ứng gì khi anh ngồi xuống bên cạnh. Tay anh chạm vào mép váy cô, cô cũng không buồn nhích ra. Cô uống 1 ngụm hết sạch rượu và xoay cái ly không trong tay:
   – Cần phải tìm được chỉ tơ và cột giường. Và cả bà dì Polly nữa!
   Đặt ly lên bàn cộp 1 tiếng khô khan, cô tiếp tục giở những trang sách dạy nuôi trẻ sơ sinh. Lập nhìn vào cổ tay của cô, nơi 1 chiếc vòng bạc nhỏ như sợi chỉ vắt ngang qua. Anh chộp lấy cườm tay mảnh dẻ ấy đưa lên gần mặt để nhìn chiếc vòng cho rõ:
   – Sợi này có vẻ hơi ngắn để buộc được vào răng tôi – Anh lật cổ tay cô lên, chiếc vòng bạc có 1 cái mặt nhỏ hình 2 con cá cắn đuôi nhau – Cung Song Ngư à? Có năng lực, có óc sáng tạo. Theo tử vi Tây thì em sẽ hòa hợp tuyệt đối với 1 người nhạy cảm và thành thạo… như tôi, ở trên… tất nhiên là ở 1 nơi kín đáo và riêng tư hơn cái salon này.
   – Ờ, nói chung là mấy thứ này không tốt cho phụ nữ có thai.
   Đan lơ đãng nhại nguyên lời anh mà không thèm nhìn đến cái cổ tay đang bị tóm chặt. Lập bật cười thành tiếng. Vẻ mặt bất cần của cô làm anh dậy lên 1 mong muốn nóng nảy, anh muốn cô, ngay lúc này.
   Buông cổ tay cô ra, anh cười to làm những người xung quanh ngẩng lên ngơ ngác. Vờ vịt giơ cuốn Tom Sawyer lên làm ra vẻ đọc chăm chú, anh ghé tai cô nói bằng 1 giọng thì thầm trầm đục:
   – Thành thật mà nói, tôi mới chính là thứ không tốt cho phụ nữ có thai.
   Như không để những lời mơn man ấy lọt vào tai, Đan gấp sách đứng lên. Nếu là 1 bữa khác có lẽ cô đã giận sôi lên mà giáng cho anh ta vài cái tát như đã từng làm, nhưng hôm nay thì cô kệ xác! Rút tờ 100 nghìn cuối cùng trong ví ra trả tiền rượu, cô bước ra ngoài trước khi cô gái thu ngân kịp xếp tiền thừa trả lại. Lập dằn tiền xuống quầy rồi cũng chạy theo Đan. Tối nay cô có vẻ gì đó thật không bình thường.
   Đan chạy xe lòng vòng qua những con đường thành phố, cô chỉ sực tỉnh khi 1 chiếc xe tải rú còi hơi sát sạt bên cạnh. Hình như đã qua 11 giờ đêm rồi nên xe tải mới được vào nội thành. Cô chờ mấy chiếc xe đầy bụi vượt hết rồi chầm chậm quay xe máy, nhà cô ở tận đầu bên kia thành phố. Ở ngay phía sau, Lập dừng xe nhìn như hút vào chiếc áo màu ngà của cô. Hôm nay anh đi chiếc Spacy của mẹ, vì thế nên khi cô luồn lách cả vào những phố hẹp hay rẽ ngang bất ngờ vào 1 ngõ nhỏ nào đó, anh vẫn theo sát.
   Hình như cô đã thấy anh. Cô tấp xe vào gần xe anh, nét mặt dường như càng lúc càng mệt mỏi:
   – Anh có điện thoại ở đấy không, cho tôi mượn 1 chút.
   Rút chiếc O2 mini, cầm bút chỉ, Lập nhìn cô như chờ nghe số điện thoại. Đan mỉm cười héo hắt:
   – Tôi biết dùng mà.
   Nhẹ nhàng nhấc cái máy từ tay anh, không lấy bút, cô bấm lên màn hình cảm ứng bằng móng tay.
   – A lô, Nga à?… Ừ, tao xin lỗi vì kẹt ở bên Bắc Ninh không về được… Ừ, tao đi chùa Dâu làm clip cho bộ áo dài kiểu cổ… Định mời vợ chồng mày qua chỗ đấy ăn cơm, vừa bàn chuyện vừa chúc mừng luôn mà đến bây giờ mới xong việc…

   Lập nhìn Đan với vẻ thờ ơ cố ý. Trông nét mặt cô khi nói về sự bận rộn thật thản nhiên, cứ như không hề có 1 buổi tối nhàn rỗi dạo hiệu sách và ngồi café thư viện vậy. Giọng cô đều đều:
   – Thôi, để tao nói luôn qua điện thoại cũng được. 2 đứa mày cứ làm đám cưới nhưng lo liệu thu xếp cho tao. Tao sẽ chỉ lấy bằng số đã góp hồi trước thôi… Mấy khoản anh Thịnh nợ tao trong vụ áo dài nhung đầu năm nay coi như tao tặng vợ chồng mày làm quà mừng…
   Bên kia nói gì đó làm Đan cau mày, cô nhếch môi cười nhạt:
   – Ừ, tao biết là làm khó bọn mày, nhưng mà học viện bên kia chấp nhận đơn của tao rồi, tao cần tiền làm thủ tục kẻo không kịp… Ừ, tháng 9 này nhập học… Vậy nhé, tuần sau thu xếp chuyển tiền vào tài khoản cho tao… Tiền Việt à? Thôi thế cũng được… Thôi, tính 80 triệu cho tròn… Ừ, được, sáng mùng 9 tao qua… Ok, bye.
   Đan tắt máy. Cô đưa trả Lập, cảm ơn rồi nổ máy định đi. Anh vội giữ lấy cánh tay cô. Đan nhìn gương mặt kín bưng của anh, khó hiểu. Giọng anh nghe nhẹ nhàng hơn bao giờ hết:
   – Bố đứa bé là ai?
   Đan hiểu ý tứ trong câu hỏi đó của anh nhưng cô không tìm lời đính chính. Sau cuộc nói chuyện với Nga, cô thực sự không muốn làm gì hơn là chạy thẳng về nhà ngủ 1 giấc.
 Đan dắt xe ra khỏi cổng. Xốc cái ba lô to lên vai, cô còn lúi húi với cái đống khóa to khóa nhỏ thì đã thấy giọng châm chọc của Lập ở phía sau:
   – Nhà em nhiều xe ra phết nhỉ.
   Đan ngoảnh lại nhìn anh, nói tỉnh bơ:
   – 6 cái. 3 cái chạy bằng xăng, 3 cái chạy bằng cơm.
   Lập cũng tỉnh bơ. Anh giữ chiếc khóa trong tay cô lại:
   – Mở cửa để tôi dắt xe vào.
   – Cái gì?
   – Em nghe hiểu kém nhỉ. Tôi nói em mở cửa để tôi dắt xe này vào. Đi xe tôi là được rồi.
   – Đi đâu?
   – Có cần phải hỏi ngớ ngẩn thế không? Đi lấy 80 triệu của em.    – À à – Đan chống tay lên hông – Anh cũng có trí nhớ tốt đấy.
   – Tốt! Tôi còn may túi 3 gang cho em mang đi đựng tiền cơ, nhưng em có túi 3… lô rồi thì thôi. Mở cửa mau lên!
   – Này anh, đây không phải là giang sơn Núi Ba của anh đâu nhé.
   – Tôi biết! Resort của tôi không có nhiều khóa như thế này. Nhà em có cái khóa nào chạy bằng cơm biết sủa biết cắn không?
   Đến đây thì Đan phì cười, cô lắc lắc đầu. Mở rộng cổng để Lập cho chiếc Wave trở vào trong sân, cô tỏ vẻ chịu thua cái cách làm chủ tình thế ở mọi nơi của anh. Xét cho cùng, việc đi nhận số tiền khá lớn vào đúng hôm em trai cô thi đại học không đi hộ tống được cũng khá mạo hiểm. Và cô sẽ yên tâm hơn với bộ dạng thanh niên càn quấy này của Lập.
   Cả tuần nay cô thường đến nhà anh vào các buổi chiều để… chơi với em trai anh. Cái chân gãy phải ít nhất 1 tháng nữa mới tháo bột, đi lại khó khăn lại thêm công việc ở miền Trung đã có người thay thế, Thạch đâm ra rỗi rãi quá mức cần thiết. Mẹ anh đã về hưu nhưng vẫn đi dạy hợp đồng cho 1 trường dân lập gần nhà. Những hôm bà có tiết dạy, Đan thường đem sách báo hoặc đĩa phim đĩa nhạc đến chơi với Thạch cho anh đỡ buồn. Lập thường có mặt ở nhà khi cô chuẩn bị ra về. Cũng có hôm anh về sớm và vào phòng Thạch ngồi xem phim cùng. Những lúc có mặt em trai hay mẹ anh ở đó, Lập tỏ ra khá dễ chịu với cô. Không châm chọc, không đùa cợt, anh trầm lặng, đúng mực như 1 ông anh lớn tuổi khó tính nhưng không chấp nhặt.
   Rảo bước ra đầu ngõ nơi chiếc BMW đỗ choán 1 mé đường, cô nhận ra 1 vài ánh mắt tò mò của những người hàng xóm rỗi việc. Với điệu bộ nhơn nhơn đi sát bên cô như thế này của Lập, không biết rồi ra họ sẽ đồn đại gì đây! Không đếm xỉa gì tới đám ngồi lê đôi mách, anh điềm nhiên mở cửa xe cho cô, đợi cô thắt dây an toàn xong mới nổ máy. Đan liếc nhìn gương mặt râu ria xanh rì cùng chiếc quần jean bạc phếch của anh, cô mỉm cười:
   – Anh mà đi xe máy phân khối lớn nữa là có thể treo biển hành nghề đòi nợ thuê được đấy.
   – Thế này cũng đủ dùng rồi!
   – Tất nhiên bộ dạng của anh thì hợp từ trong trứng rồi. Nhưng chẳng ai đi BMW đi đòi nợ cả.
   – Phải nói là chẳng ai đi BMW đi đòi có 80 triệu cả!
   Đan im lặng mở điện thoại đọc tin nhắn, cô biết những lúc chỉ có 2 người như bây giờ, tốt hơn hết là cô giữ im lặng. Vì chỉ có trời mới biết lúc nào anh lại bắt đầu giở cái giọng nghịch nhĩ gây sự hoặc triết lý bóng bẩy về chuyện trăng gió ra khiêu khích cô. Xe xuôi theo con đường lớn dẫn vào nội thành, Lập điềm nhiên phá vỡ sự im lặng bằng 1 câu hỏi tỉnh bơ:
   – Mình ăn sáng ở đâu nhỉ?
   Đan giật mình quay ngoắt lại. Cô nhìn anh giống như người ta nhìn quái vật ngoài hành tinh. Lập vẫn tỉnh bơ lái xe, cái nhìn ác cảm ấy dường như chả có tác dụng với anh.
   – Này anh, tôi xin nhắc anh 1 vấn đề thủ tục nho nhỏ là trước khi nói chuyện ăn ở đâu, anh nên hỏi xem tôi đã ăn chưa.
   – Tôi biết em thường bỏ bữa sáng… Đấy là thói quen xấu! Từ nay em nên sửa đi.
   – Trời ơi! – Đan kêu lên với vẻ chán ngán không che đậy, cô xoay hẳn người về phía Lập, anh vẫn đang chăm chú lái xe – Này anh… A lô?!
   – Em cứ nói đi, tôi có tai mà!
   – Tôi không phải con anh để anh muốn dắt đi ăn thì tôi phải đi. Mà nói chung là tôi không có nhu cầu ăn sáng với anh!
   Lập vẫn tỉnh bơ lái xe. Vẻ mặt anh tỏ ra bất hợp tác tuyệt đối. Anh rẽ chầm chậm vào 1 khu phố cổ, nơi có hàng phở khá nổi tiếng, mắt đảo quanh như tìm chỗ đỗ xe. Đến nước này thì Đan không chịu nổi, cô phát cáu lên:
   – Này, anh đang nghĩ cái gì thế hở? Anh có nghe…
   – Lúc cáu giận trông em rất đẹp.
   – Cái gì?
   – Tôi bảo tôi đang nghĩ là lúc cáu giận trông em rất rất rất đẹp.
   Đan ngớ ra 1 giây. Không được đỏ mặt, không được cúi đầu, không được run tay, nào!
   – À, vâng, cảm ơn anh. Bất cứ lúc nào tôi cũng rất rất rất đẹp.
   – Ái chà, tự tin đấy – Lập cười thú vị, anh lạng tay lái 1 cái – Nhưng tôi vẫn giữ ý kiến của mình, em đẹp nhất là khi em nổi cáu.
   – Cảm ơn! Anh có thể giữ cái nhã ý đấy và làm gì với nó tùy thích. Đem nó ra gặm khi ngứa răng chẳng hạn. Hoặc ợ lên nhai lại mỗi lúc rỗi rãi cũng được!
   Lập tấp xe vào lề đường và phanh gấp làm đầu Đan chúi về phía trước. Anh nhìn chòng chọc vào đôi môi tô son bóng của cô.
   – Này bé cưng, nếu còn nói cái giọng đó với tôi thì tôi thề là giữa thanh thiên bạch nhật tôi cũng sẽ lôi cổ em ra khỏi xe để cho em biết thế nào là nhã ý của tôi đấy!
   Đan đành phải làm thinh. Cô thấy hơi chờn chợn với cái kiểu vừa trắng trợn vừa đe dọa của anh. Ai chứ Lập thì dám xách cổ cô quăng xuống sông lắm!


 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.