Đọc truyện Cổ Phật Tâm Đăng – Chương 35: Công phu mười mấy năm tu luyện suýt trôi theo dòng nước
Tâm Đăng trông thấy sắc diện của bà ta đã tỉnh táo vội bình tĩnh để cho bà nắm lấy vai mình, chợt nghe Vân Cô hỏi :
– Tại sao con biết ta là mẹ của con?
Tâm Đăng dằn cơn xúc động, ấp úng :
– … Có một người nói cho tôi biết…
Vân Cô trợn trừng cặp mắt hỏi gấp rút :
– Người ấy là ai?
Tâm Đăng nhìn sang chỗ khác, tránh luồn nhãn quang của Vân Cô, trả lời :
– Người ấy là… Lăng Hoài Băng…
Ba chữ Lăng Hoài Băng như ba mũi tên bén bắn thẳng vào giữa quả tim của Vân Cô, bà ta hổn hển :
– Lăng Hoài Băng… Ta có quen người ấy… Bây giờ hắn ở đâu?
Tâm Đăng trả lời :
– Ở Tây Tạng!
Vân Cô càng lấy làm kinh ngạc, bà ta không ngờ trót hai mươi năm nay, Lăng Hoài Băng vẫn không hề rời khỏi đất Tạng.
Nước mắt của Vân Cô càng rơi nhiều hơn, bà ta sướt mướt hỏi :
– Vậy ai đưa mi vào chùa?
Tâm Đăng trả lời :
– Chính Lăng thúc thúc…
Vân Cô rú lên một tiếng bi thảm hỏi tiếp :
– Mi có biết tấm bài vị mà ta đã giao cho mi khi xưa đó… là của ai không?
Tâm Đăng giật mình trả lời :
– Chính của cha tôi!
Vân Cô như một kẻ mất hồn lạc giọng hỏi :
– Vậy thì… mi đã biết cha của mi chết như thế nào?
Tâm Đăng trả lời qua làn nước mắt :
– Cha tôi… bị người ta phân thây một cách bi thảm.
Câu nói này vừa dứt, nghe thấy bàn tay của Vân Cô trên vai mình xiết mạnh lại.
Vào giữa lúc đó, chợt nghe có tiếng động khẽ bên mình, rõ ràng có người thứ ba đang rình rập đâu đây…
Vân Cô rú lên một tiếng thê thảm, rút bàn tay trở về rồi bỏ chạy một cách điên cuồng, Tâm Đăng thấy vậy vội vàng đuổi theo kêu lên ầm ĩ :
– Vân Cô… Vân Cô…
Tiếng gọi của Tâm Đăng đồng vọng khắp bốn bề và hai người chạy như bay vào một khu rừng rậm rạp, quanh co một lúc khá lâu, vì lạ đường nên Tâm Đăng bị Vân Cô bỏ rơi, và trước mắt chàng bây giờ ba bề bốn bên thảy đều là rừng tùng rậm rạp.
Loay hoay mãi mà Tâm Đăng vẫn chưa đi thoát khỏi khu rừng đó, đường sá phía trước càng ngày càng chằng chịt hiểm nguy…
Tâm Đăng có biết đâu chàng đã đi lạc vào một khu rừng mà Trác Đặc Ba đã dụng tâm trồng theo phép ngũ hành độn số biến hóa lạ lùng.
Tâm Đăng đã đọc nhiều sách về kỳ môn bát trận nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được lối ra.
Bỗng bên tai mình nghe có tiếng người rên rỉ và càng giật mình, vội vàng lần theo chỗ có tiếng động mà đi tới. Càng đi về phía trước, tiếng rên rỉ nghe càng tỏ rõ, không bao lâu giữa tiếng rên rỉ đó có tiếng gào lên thảm thiết :
– Sư phụ… Sư phụ… Con chết mất…
Tiếng nói yếu ớt như một đường tơ, dường như người ấy đang thọ thương nặng lắm thì phải, chàng đi nhanh về phía trước trong lòng cho rằng người ấy chắc cũng bị vây trong trận này như ta vậy.
Quả thật, vượt thêm một chặng đường nữa, Tâm Đăng phát giác có một người đang nằm giãy giụa trên mặt đất.
Tâm Đăng vội vàng nhảy xổ tới, chân vừa chấm đất thì bên tai chàng vang lên một câu nói :
– Tiểu hòa thượng, ta chúc mi hoàn thành hảo sự đó!
Tâm Đăng nghe giọng nói không phải người lành, chưa kịp mở miệng hỏi han thì bỗng nghe một tiếng “bộp”, một làn khói mờ lập tức tỏa ra dưới chân chàng.
Tâm Đăng thất sắc kinh hoàng, chưa kịp đối phó thì một mùi hương thơm thoang thoảng xông vào mũi chàng, gắng gượng lắm Tâm Đăng mới bắn lùi được năm thước…
Nhưng liền đó, tứ chi rũ liệt ra té sầm trên lưng của người đang cựa quậy trên mặt đất.
Chừng nhìn kỹ lại, Tâm Đăng mới phát giác ra nạn nhân đang cựa quậy trên mặt đất kia chính là một nàng thiếu nữ.
Giang hai cánh tay mềm mại ra quấn chặt lấy Tâm Đăng vào lòng, bên tai chàng văng vẳng câu nói của Trác Đặc Ba :
– Tiểu hòa thượng ơi… Ta cho mi thành Phật…
Tâm Đăng trong lòng cả giận, hét lên một tiếng rồi ngất đi trong lòng của nàng thiếu nữ…
…….
Tâm Đăng mơ màng tỉnh giấc, nhướng mắt nhìn lên bất giác hồn phi phách tán, vì rằng người nằm bên mình chàng chính là Trì Phật Anh.
Tâm Đăng hốt hoảng, vội đẩy bắn nàng ra, vì rằng bản thân nàng đang lõa lồ thân thể còn Tâm Đăng cũng đang nằm trong tình trạng đó.
Vừa sợ vừa giận nhưng toàn thân chàng cứ nóng lên hừng hực, một luồng hơi ấm tự Đan Điền tỏa ra khắp châu thân, một nguồn dục vọng dâng tràn khắp tâm trí não của chàng.
Lại nữa, Trì Phật Anh cứ rúc vào lòng của chàng, toàn thân nàng cũng nóng bỏng, đôi mắt của nàng sáng rực, tràn đầy những ánh dục vọng…
Nàng kêu lên :
– Tâm Đăng… Tâm Đăng… Tôi yêu…
Bàn tay mềm mại của Phật Anh bỗng thình lình vung ra cào cấu, xé nát những mảnh quần áo còn lại của Tâm Đăng.
Hơi nóng dâng lên ngùn ngụt, Tâm Đăng không dằn nổi cơn xúc động, mối tình của chàng đối với Phật Anh khi xưa, bây giờ bừng bừng sống dậy…
Chàng ghì chặt lấy Phật Anh, hổn hển nói như một người đang uống một cốc rượu nồng :
– Phật Anh ơi… Phật Anh…
Cả hai người lúc báy giờ dường như mất hết bản tính của con người, trở về với đời sống man rợ thời nguyên thủy…
Họ ôm chặt nhau, trao đổi với nhau những chiếc hôn nồng cháy…
Xem tình thế này thì một người khổ công tu hành khó nhọc mười mấy năm trời như Tâm Đăng phải bỏ hết công lao trôi theo dòng nước…
Chính vào lúc tình thế đang tiến triển đến giai đoạn cực kỳ nguy hiểm thì bỗng có một cơn gió tuyết thổi lấp đến, vô tình vén vuông lụa che ngang qua mặt của Trì Phật Anh lên.
Nhác trông thấy nốt ruồi to tướng nằm trên má, Tâm Đăng giật mình bừng tỉnh, và cơn lạnh thấu xương do cơn gió tuyết mang đến làm cho chàng tỉnh táo.
Thấy tình thế quá nguy nan, Tâm Đăng toát mồ hôi lạnh, vội vận hết công lực của mình dằn cơn xúc động, cắn một cái thật mạnh vào môi mình cho bật máu ra, rồi chồm tới trổ ra hai ngón tay điểm vù vào huyệt tê của Phật Anh.
Phật Anh trúng đòn, rũ người ra như một cành hoa trong gió lộng.
Còn Tâm Đăng vì ra sức kháng cự với chất thuốc độc trong người nên ngất đi bất tỉnh nhân sự.
Thế là hai người đã thoát cơn nguy hiểm…
…….
Đến khi Tâm Đăng mơ màng tình giấc thì toàn thân đau đớn như dần, chàng phát giác mình đã thoát ra khỏi vòng nguy hiểm, mà đang nằm trên một phiến đá lạnh lùng, trước mắt chàng tuyết rơi lả tả…
Phật Anh không biết đã đi đâu, nhưng chàng hồi tưởng lại cảnh tượng kinh hoàng ban nãy, bất giác toát mồ hôi lạnh.
Chàng thử vận dụng công lực của mình đi khắp toàn thân, và phát giác mình hãy còn là một gã đồng thân trinh trắng, chàng mới yên tâm mà chắp tay tụng niệm :
– A di đà Phật! Cám ơn Phật đã cứu cho con thoát khỏi vòng oan nghiệt!
Chàng lồm cồm trỗi dậy, nghe thấy toàn thân đau đớn như dần, mà bên mũi chàng, mùi hương vẫn còn thoang thoảng…
Chàng thầm nghĩ :
– Hơi thuốc ban nãy chẳng biết chế tạo bằng vật gì mà thật là kinh khủng…
Còn đang miên man suy nghĩ chợt thấy từ đằng xa có một nàng thiếu nữ tập tễnh đi tới.
Tâm Đăng giật mình tự hỏi :
– Hay là… Phật Anh lại đến?
Đến khi người ấy đến gần, Tâm Đăng mới trông rõ, thì ra đó là Mặc Lâm Na.
Trong tay của nàng cầm một bát thuốc, bước tới trước mặt của Tâm Đăng mà nở một nụ cười tinh nghịch :
– Mi đã thấy đỡ chút nào hay chưa?
Tâm Đăng trả lời :
– Đã đỡ…
Mặc Lâm Na trao chén thuốc cho Tâm Đăng mà nói :
– Mi hãy uống hết bát thuốc này… Ta vừa trở về nhà mang lại đây.
Tâm Đăng đón lấy chén thuốc, một hương vị ngọt ngào thơm tho tức khắc xông vào mũi chàng, thì ra đó là một bát thuốc giải độc, bên trong có mấy hạt sen.
Tâm Đăng biết chất sen có thể làm cho lòng mình thanh tĩnh, vội vàng uống thẳng một hơi.
Chàng bắt đầu gợi chuyện :
– Sao cô nương biết tôi ở nơi này?
Tâm Đăng hỏi xong câu hỏi trống ngực đánh thình thình, vì không biết tấn tuồng ban nãy, Mặc Lâm Na có trông thấy hay chăng?
Mặc Lâm Na mỉm cười, để lộ ra hai hàm răng trắng như ngọc, trả lời :
– Ban nãy… Tôi đã trông thấy tất cả.
Tâm Đăng nhảy nhổm lên như một người bị điện giật, đôi má đỏ bừng, hổ thẹn đến cơ hồ muốn vạch đất mà chui.
Lúc bấy giờ trời sắp sửa về chiều, sương mù bảng lảng……
Tâm Đăng vội giải thích :
– Cô nên biết… việc này không phải do tôi, mà do một thứ thuốc độc…
Nhưng Mặc Lâm Na đã cướp lời :
– Ta biết tất cả, mi đừng nói lôi thôi, chính ta cứu mi ra đây.
Tâm Đăng cảm kích trả lời :
– Cám ơn cô… Nếu không có cô nương ra tay cứu giúp thì tất cả công phu của tôi thảy đều trôi theo dòng nước…
Mặc Lâm Na cúi đầu nói nho nhỏ :
– Hai người lạc vào trận đó, do cha ta bày ra và trúng nhằm một thứ thuốc độc gọi là Lạc Hà phấn, bất cứ con người hay súc vật, hễ ngửi nhằm Lạc Hà phấn là dục tính bừng bừng trỗi dậy…
Nàng nói đến đây rồi hổ thẹn bặt ngang câu nói.
Lâu lắm nàng mới nối lời :
– Nếu ban nãy… Tôi đến trễ một bước thì e rằng ngươi không thể trở về Bố Đạt La Cung mà tụng kinh gõ mõ được nữa…
Tâm Đăng đỏ bừng sắc mặt, chàng cắt ngang câu nói :
– Lòng của tôi ngay, chỉ có trời Phật chứng tri mà thôi…
Mặc Lâm Na bật cười :
– Không ngờ mi tu hành trót hai mươi năm mà vẫn không kháng cự nổi…
Tâm Đăng nước mắt rơi tầm tã, chàng không ngờ suýt tí nữa chàng đã phải mang hận suốt đời.
Chàng không muốn kéo dài bầu không khí nặng nề khó thở này, vội cắt ngang câu chuyện :
– A di đà Phật… Đa tạ cô nương đã có lòng giải cứu… Tôi về đây.
Nói rồi chàng xoay lưng, liền trông thấy mái Nhất Tâm lâu cách đó không xa, vội vàng trổ thuật phi hành chạy trở về.
Tâm Đăng đi rồi, Mặc Lâm Na mới chệnh choạng đứng dậy, một nguồn tư tưởng chua xót dâng lên tự tâm tư của nàng.