Có Phải Là Anh

Chương 21 : Espresso 3 shots


Bạn đang đọc Có Phải Là Anh: Chương 21 : Espresso 3 shots

Cơ hồ sau đó lâu lắm tôi mới mở mắt dậy, thấy mình đang nằm ngay ngắn trên giường, nhưng căn phòng trước mặt chẳng “ngay ngắn” tí nào, cứ quay mòng mòng.
Mà cũng có thể do ánh đèn ngủ dìu dịu kia làm tôi ảo giác. Bình thường ngủ tôi đều tắt điện tối thui, có bao giờ xài đến cái đèn này đâu.
Cảm thấy nóng bức khó chịu, tôi tung chăn ra, sau đây định bụng sẽ dậy tắt điện ngủ tiếp. Ai ngờ bước thứ hai chạm đất tôi đã ngã lăn ra, làm một phát đo ván trên sàn.
Tiếng động lúc chạm đất cũng chẳng êm ái lắm, thế nên chỉ mấy giây sau đã thấy má và Quân xuất hiện nơi cửa.
– Có làm sao không? – giọng Quân lo lắng.
– Con đang bị sốt mà, dậy làm gì?
Quân xốc tôi lên còn mẹ vén tóc đang phủ trước mặt. Cả hai nhẹ nhàng đỡ tôi về phía giường. Tôi nhìn hai người bằng đôi mắt mơ màng, mở miệng hỏi mà thấy cổ họng đắng nghét.
– Sốt á? Tại sao con lại bị?
Mẹ quay sang nhìn Quân trong giây lát, không trả lời tôi ngay. Linh cảm có chuyên chẳng lành, tôi mở mắt to rõ.
– Con ngủ được bao lâu rồi? Hôm nay là thứ mấy?
Đặt tôi lên giường ngay ngắn, Quân búng vào trán tôi một cái.
– Em ngủ từ hôm qua đến giờ.
– Đã tỉnh hẳn chưa? Mẹ mang cháo lên cho con.
Tôi mỉm cười yếu ớt với hai người rồi xoay mình, nằm quay lưng lại.
– Để lát nữa đi.
Chờ ẹ và Quân ra khỏi phòng, tôi với tay lên đầu giường lấy điện thoại. Tôi nhớ lúc rớt xuống nước đã nghĩ nó đi tong rồi, ai ngờ bây giờ lại khô ráo bình thường, hoàn toàn không giống đã bị chìm xuống nước.
Có lẽ Quân đã đem máy đi sấy giúp tôi rồi.
Đồng hồ điện tử trên điện thoại chỉ 3h 23 chiều. Thế là tôi ngủ trọn vẹn gần một ngày. Nhắm mắt còn đang ở trên xe của Nguyên, vậy mà mở mắt ra đã thấy ở trên giường. Khoan đã, không phải là Nguyên mang tôi vào nhà đấy chứ.
Nhưng thế sao được? Còn có Quân ở nhà. Hai người gặp nhau, tôi lại trong bộ dạng tóc tai ướt mèm, quần ướt mèm. Cái duy nhất trên người còn khô ráo là áo, nhưng lại là áo của Nguyên, nhìn qua cũng thấy ám muội rồi, Quân không sinh nghi mới lạ. Thế mà thái độ của anh lúc nãy lại rất bình thường, hoàn toàn không có chút bực bội gì.
Bằng một cách nào đó, Nguyên đã lấp liếm rất giỏi.
Suy nghĩ chưa đầy 1s, tôi bấm số gọi điện cho Nguyên. Chẳng hiểu sao khi nghe được giọng nói trầm ấm ở đầu dây bên kia tôi lại thấy vui vui.
– An Nhiên… – Âm sắc khi gọi tên tôi có thoáng chút ngỡ ngàng – Em sao rồi.
– Sốt một tí, không sao cả.
– Ừm..
“Ừm”? Rồi không gì nữa. Như thể người lo lắng hỏi thăm tôi ở câu trước không phải là Nguyên vậy.
– Sao anh không nói gì nữa.
– Em nghỉ ngơi đi.
Giọng nhẹ nhàng và có phần hơi khiên nhưỡng, hoàn toàn không phải là phong cách thường ngày của Nguyên. Tôi đơ trong giây lát, rồi lại hỏi Nguyên tới tấp.
– Anh không chọc tức tôi à? Hay ít nhất cũng phải tỏ thái độ gì chứ… Thế mới giống anh.

Đầu dây bên kia im lặng một chút, sau đó là tiếng thở dài.
– Bây giờ không phải lúc.
Cái thái độ thờ ơ này… Không phải là tôi đòi hỏi gì ở Nguyên, nhưng như thế này tôi không quen. Lúc anh ta chế giễu hay châm chọc tôi còn cảm thấy thoải mái hơn bây giờ.
– Hôm qua anh đưa tôi về… rồi làm sao tôi vào nhà được? Không phải anh gặp Quân…
– Nhiên này – Nguyên ngắt lời tôi, giọng mệt mỏi – Ăn cháo rồi đi ngủ đi.
Phải mất một lúc sau để tôi nhận ra Nguyên đã cúp máy sau câu dặn dò ngắn ngủi ấy. Tôi nhìn chằm chằm vào điện thoại, dường như không muốn tin giọng nói mệt mỏi kia đã tắt.
Sao lại có chuyện ngược đời như thế? Tôi là người gọi điện đến trước, nhưng lại bị người ta chủ động ngắt cuọc gọi. Tôi bị sốt, nhưng người ta lại nói với tôi bằng giọng mệt mỏi. Tôi.. có ý quan tâm, nhưng người ta chẳng màng đến.
Nằm vật ra giường, tôi nhìn trân trân lên trần nhà.
Hột Mít đến thăm vào buổi sáng sau khi kết thúc ba tiết học trong ngày, nói rằng lớp yên bình hẳn khi không có sự xuất hiện của tôi. Nó còn tận tâm giở sách đánh dấu cho tôi một đống bài tập và dặn dò đủ thứ lịch thi khiến tôi tức ói máu mà không thể đá đít đuổi nó đi được.
– Còn nữa – nó cầm cuốn vở soạn văn của tôi lên – nghe nói mày soạn hết một lèo rồi phải không? Cho tao mượn nhé.
Thực ra tôi cũng chẳng siêng như thế, nhưng hôm bữa bị Nguyên bắt đọc cả đống sách văn học, nghĩ đọc suông như thế thì phí công đọc quá nên lấy vở ra chép lại vài ý, rồi lại nghĩ chép không thế này phí công cầm bút quá nên lôi vở ra soạn luôn một thể. Đưa cho nhỏ Hột Mít tôi không can tâm lắm, nhất là khi bị nó đối xử như thế này, nhưng lần đầu tiên có người mượn vở, tôi vì sĩ diện mà gật đầu lia lịa.
– Yêu mày nhất – nó nói rồi rút từ trong túi ra quả cóc hườm hườm – Cho mày ăn giải cảm này.
– Ơ – tôi cầm quả cóc, ngạc nhiên – sao mày biết tao thích ăn loại này?
Tôi thích ăn cóc thật, là loại không quá xanh mà không quá chín, hườm hườm thế này là được. Nhưng ngoài mẹ và Quân ra, đến ba còn không biết tôi thích ăn cóc cơ mà, nói chi nhỏ bạn vô tâm này.
– Tao đâu biết.
Nó trả lời hết sức thờ ơ rồi tung tăng ra về, trước khi đóng cửa còn nháy mắt với tôi.
– Được quan tâm như thế sướng nhất mày rồi đấy.
Suýt nữa tôi đã phang nó bằng quả cóc trên tay nếu không vì tiếc rẻ. Cả đời mới ốm được một trận ra trò để nó đến thăm mà còn nói giọng điệu đó.
Rồi sau này mày sẽ còn phải thăm tao dài dài Hột Mít à. Ngày đó không xa nữa đâu.
Nghe tiếng Hột Mít chào mẹ dưới nhà, tôi bất giác nảy ra một ý nghĩ điên rồ.
Nói là điên rồ, vì nếu mà bại lộ, chắc chắn Quân và mẹ sẽ xử đẹp tôi luôn. Nhưng không thể bỏ lỡ cơ hội tốt thế này, tôi kiếm áo khoác, nhón chân xuống dưới nhà. Đúng lúc Hột Mít đang tía lia đủ chuyện với mẹ ở cửa nhà bếp, tôi tranh thủ hai người đang phân tâm mà lủi ra phòng khách, ra cửa trước. Vừa qua khỏi cổng là tôi chạy biến như thể trốn trại lâu ngày.
Bình thường đã la cà, phải nằm chôn chân trong đống chăn mền mấy ngày nay đúng là khổ sở. Tôi bước đi trên đường giữa cái nắng gần trưa mà lại cảm thấy khoan khoái lạ kì, giống một cành cây khô cuối cùng cũng có thể vươn ra ngoài đón nắng.
Vừa đi vừa suy nghĩ, lúc ngồi lên xe bus tôi mới nhận ra chuyến này đi ngược trường, chỉ có một điểm đến mà tôi biết – toà nhà của tập đoàn Green House. Có lúc tôi muốn nhảy xuống một trạm bất kì rồi bắt chuyến khác về, vậy mà cuối cùng vẫn đến tận nơi. Bụng bảo dạ chỉ ngước nhìn lên trên một tí rồi thôi, nhưng rồi tôi vẫn vào thang máy.
Đến lúc này thì chẳng thèm giấu diếm gì nữa. Tôi muốn gặp Nguyên, chỉ để xem thái độ của anh ta như thế nào thôi cũng được. Bình thường tôi bị phá đám, chọc ghẹo như thế, tự dưng bị đối xử lạnh nhạt thì cũng nên được biết lí do chứ. Không thì tôi sẽ… chết vì tò mò mất. Mà lần nào tôi tìm đến Nguyên cũng đâu từ chối, nhất định lần này…
– Không được em ạ – Nhã Kì nói khi thấy tôi.
– Nếu anh ta bận thì em đứng chờ cũng được.
– Thực ra là Nguyên không muốn gặp em, dặn chị nói em về, không cần phải chờ.
Nguyên có bao giờ thân với thư kí thế này đâu, ít nhất là.. thân hơn tôi. Vậy mà bất giác tôi lại bị hai người này đẩy ra một bên. Vừa xấu hổ mà vừa bực bội. Cuối cùng tôi ngồi xuống thành chậu cây to tổ chảng trước phòng, kiên quyết không đi.

– Em chờ cho đến khi nào anh ta tan việc.
Nhã Kì nhìn tôi trong giây lát, nhanh chóng trở về với công việc trên bàn điện điện thoại. Lát sau chị ta chìa ống nghe cho tôi.
– Của em?
Tôi hỏi rồi đón lấy ống nghe, chưa kịp lên tiếng thì giọng Nguyên đã xuất hiện ở đầu dây bên kia.
– Em về đi.
– Anh đang đuổi tôi đấy à?
– Em đang ốm đấy có biết không?
– Thế sao anh không ra gặp một lát để tôi còn về?
– … – ngập ngừng bên kia khiến tôi cảm thấy hơi thở nặng nề, thời gian cũng vì thế mà chẳng chịu trôi – Anh sẽ không gặp em đâu.
Không phải là “không được”, “không thể”, mà là “sẽ không gặp”. Là anh ta không muốn gặp tôi, chẳng có lý do nào khác.
– Tốt thôi – tôi thấy mình trả lời với giọng thờ ơ như vậy, trong khi lòng buồn sắp khóc.
Tôi đưa ống nghe cho Nhã Kì, tiến về phía thang máy. Tôi không khóc, không bực bội, mà thấy trống rỗng. Chẳng mấy chốc đã đến sảnh. Tôi nhìn mũi tên đi lên, lại muốn bấm thang máy đi lên, đập cửa hỏi cho ra nhẽ thái độ của anh ta như thế là sao.
Nhưng tôi không mặt dày để gạt nỗi xấu hổ sang một bên, nên chẳng đủ dũng khí.
Tôi cứ ngập ngừng như thế hồi lâu, cuối cùng đành bước ra khỏi thang máy, bộ dạng hết sức khổ sở. Đã thế lần sau anh đừng hòng đến tìm tôi, cũng đừng hòng gây ra cho tôi thêm rắc rối nào nữa. Còn cái bí mật kia, anh ta cứ thử làm lộ ra, xem tôi có dám… đốt nhà anh ta không.
Nghĩ đi nghĩ lại, giờ tôi mới thấy mình thật nhỏ bé và yếu sức. Cuối cùng bị người ta chơi khăm mà không đánh trả lại được, chỉ có suy nghĩ linh tinh đòi trả thù người ta là giỏi. Buồn chán càng thêm buồn chán.
Vì cứ cắm cúi đi như thế, chẳng may tôi lại tông ngay vào người đối diện. Lúc lùi lại suýt ngã thì người kia nhanh chóng giữ hai vai tôi lại.
– An Nhiên? Em làm gì ở đây?
– À..
Không ngờ là sẽ gặp Việt Huy ở đây, nếu không tôi đã mang tiền trả cho anh ta rồi. Ông chú viện kiểm soát mỉm cười với tôi nhưng tôi thạm chí không thể đáp lại nụ cười ấy một cách lịch sự. Những gì tôi làm chỉ là hơi cúi đầu xuống để che đi vẻ buồn bã trên gương mặt mình. Việt Huy thấy thế thì hơi khuỵu chân xuống, sau đó nhìn tôi chăm chăm với vẻ dò xét. Điều kì lạ là ánh mắt của anh ta có hơi chút cười cợt, nhưng tôi vẫn tìm thấy được sự quan tâm ở trong đó – dù chỉ một chút.
– Em có chuyện gì buồn à?
Nói “không” sẽ là nói dối, nhưng tôi lại không muốn thừa nhận. “Im lặng là đồng ý” hoàn toàn phù hợp với những tình huống như thế này.
– Con người không nên buồn quá lâu em biết không – ông chú viện kiểm sát cười toe toét – trông em chán như thế này…
– Chán sao?
Việt Huy không trả lời câu hỏi của tôi mà nhìn đồng hồ.
– Vẫn còn dư thời gian trưa. Có muốn đi uống gì đó không?
Tôi thậm chí còn không muốn lê dù chỉ một bước chứ đừng nói là đi uống gì đó giờ này, nhưng cái đầu lại gật lia lịa ngay trước khi lý trí kịp ngăn cản. Chỉ chờ có thế, Việt Huy khoác tay kéo tôi đi.

……
Sau một hồi ôm đầu chán chường, Nguyên quyết định chạy ra ngoài, dù chỉ để nhìn An Nhiên một tí, nói với cô vài câu vô nghĩa cũng được. Thế nhưng khi cửa thang máy vừa mở, Nguyên chỉ vừa kịp nhìn An Nhiên quay lưng lại. Bên cạnh cô là Việt Huy đang choàng một tay qua kéo cô đi vui vẻ.
Lòng anh chợt đau nhói khi thấy cảnh ấy, không phải vì cô đi cùng với Việt Huy, mà vì sắc mặt tiều tuỵ của cô khi mới nhìn nghiêng. Anh muốn đến nhìn thật kĩ cô, ôm cô vào lòng mà xoa nhẹ lưng.
Nhưng anh không thể. Những gì anh làm lúc này chỉ là đứng nhìn cô từ xa, bảo vệ cô thầm lặng, và chôn chặt tình cảm trong lòng.
Những lời của má An Nhiên nói với Nguyên hôm trước lại hiện ra trong đầu rõ hơn bao giờ hết khiến anh đau khổ, quay lưng bước về mà lòng nặng trĩu.
Nhã Kì quan sát mọi chuyện bằng con mắt nhanh nhạy của mình. Trong suốt thời gian đó cô vẫn tập trung với bản thảo của mình, chỉ thỉnh thoảng mới ngước lên quan sát nhưng vẫn nắm bắt toàn bộ sự việc diễn ra. Khi Nguyên vừa đóng cửa, cô gọi một cú điện thoại.
– Thưa chủ tịch…
….
Tôi ngồi hơi co người, hai tay để trên đầu gối hệt như một cô gái e ngại khi gặp người lạ, chỉ có đôi mắt mệt mỏi nhìn ra ngoài cửa kính mới nói rõ tâm trạng của tôi lúc này.
Việt Huy – sau một hồi cười toe toét cũng phải chuyển sang nghiêm nghị cho phù hợp với hoàn cảnh. Nhìn thì có vẻ đang thản nhiên thưởng thức hương vị espresso 3 shots, nhưng thỉnh thoảng lại đảo mắt về phía tôi dò xét. Cuối cùng tôi đành phải mỉm cười một cách gượng gạo, đưa tay với ly chanh dây trước mặt.
– Đi với tôi chán lắm phải không?
– Cũng không đến nỗi… nhìn khuôn mặt em rất thú vị.
Tôi khẽ nhăn mặt. Đây có lẽ là kiểu nhận xét người ta thường dành cho tôi nhất. Cái gì mà “biểu cảm phong phú”, “không thể hiểu nổi là đang nghĩ gì trong đầu”… Có lẽ vì tôi suy nghĩ quá nhiều thứ, mỗi thứ lại một sắc thái biểu cảm khác nhau nên khiến cho người ta nhìn vào không biết đường nào mà lần.
– Sao hả? – tôi cười cười – Khuôn mặt tôi có nhiều thứ để nhìn như thế sao?
– Đôi mắt em rất giống… ừm, em trai tôi, mỗi khi nó làm điều gì có lỗi.
Câu trả lời của anh ta khiến tôi suýt nữa thì phun tùm lum ngụm trà trong miệng ra. Nói tôi có biểu hiện vui mắt còn nghe được, nhưng mắt giống một đứa con trai thì đây là lần đầu tiên. Có cô gái nào thích được khen là giống con trai đâu cơ chứ.
Nghĩ đến đây, cái tên Thiên Phú lại bất giác xuất hiện trong đầu tôi. Đó là cô bé duy nhất giả trai để nhằm đánh lừa người khác. Thực ra tôi nghĩ Thiên Phú là con trai hay con gái đều rất tuyệt, vì tính cách của cô bé vốn dĩ vừa có nét nhí nhảnh của con gái, lại có vẻ cao ngạo và phóng khoáng của con trai. Về điểm này thì Thiên Phú giống hệt anh mình. Bình Nguyên ấy, anh cũng…
Tôi khựng lại trong giây lát khi nhắc đến cái tên Bình Nguyên kia.
– Xem em kìa, bao nét chán chường lại xuất hiện trên khuôn mặt, trôgn cứ như là đang thất tình ấy.
– Thất tình gì chứ… – tôi cười gượng gạo – Sắc mặt xấu là do ốm chưa khỏi thôi.
Tôi nói rồi nhanh chóng nhấp ngụm chanh dây, mắt liếc ra ngoài đường, cố để cho dòng xe cộ đông đúc kia choáng hết suy nghĩ của mình.
– Ah đúng rồi, lát nữa anh có thể chở tôi về nhà được không? Sẵn tiện tôi lấy tiền trả anh luôn…
Đang nói thì tôi chợt nhận ra cặp sách bên ghế của Việt Huy, lại nhớ ra lúc nãy anh ta nói chỉ đi uống nước một chút, mà thật ra một chút cũng đã qua lâu rồi, nếu không phải do tôi vẫn còn ngồi đây thì anh ta đã về từ lâu rồi. Nghĩ thế nào tôi lại cầm túi đứng dậy.
– Chợt nhớ ra có việc bận, tôi phải đi trước rồi, chào ông chú nhé.
– Này, khoan đã…
Tôi quay lại, thấy Việt Huy đang giơ tay lên, vừa định nói vừa không. Tôi nhíu mày nhìn, anh ta cười.
– Em vội bỏ đi như thế, có phải là muốn quịt tiền không?
Thật là một câu hỏi không lường trước được.
– Thế anh vội vàng gọi tôi lại thế, có phải là sợ bị quịt tiền không?
Việt Huy bật cười khanh khách, hơi ngả người ra sau ghế, mắt vẫn không rời tôi.
– Từ khi đi làm, lần đầu tiên có người đấu khẩu với anh như vậy đó.
– Chắc vì anh chưa gặp được đối thủ – tôi cũng cười – Ah, cho tôi địa chỉ cơ quan anh đi, có dịp sẽ mang tiền đến trả. Tôi không thích nợ nần ai cả, trả càng nhanh càng tốt.
Việt Huy gật đầu, lấy bút ra. Tôi cũng hý hoáy tìm giấy, nhưng nhớ ra cái túi mình đang đeo ngoài đống khăn giấy khăn ướt mang theo khi cúm thì chẳng còn gì khác. Ông chú Viện kiểm sát bấm bút chờ đợi, tôi đành tiến lại, chìa tay ra trước mặt.

– Gì đây? – Việt Huy nhướn mày.
– Chú viết tạm lên đây đi, tôi không mang theo giấy.
Việt Huy nhìn tôi trong giây lát rồi lại cúi xuống nhìn bàn tay tôi, chẳng hiểu đang nghĩ gì trong đầu nữa. Anh ta thật là làm tôi chờ đợi mệt chết đi được. Cuối cùng khi tôi mỏi quá, định rút tay lại thì ông chú ấy lại cầm tay tôi, viết rất nhanh địa chỉ vào, miệng cười cười.
Tôi xem lòng bàn tay, suy nghĩ đầu tiên là…
– Chữ gì xấu quá! Dù sao tôi cũng đọc được, hẹn gặp chú khi khác.
Tôi nói và quay người bỏ đi.
Thực ra suy nghĩ của tôi lúc đọc địa chỉ ghi trên tay mình là “Chữ gì giống chữ con gái quá, lại còn viết nghiêng nghiêng rất lãng tử”. Về điểm này thì tôi phải ghen tị với anh ta. Chữ tôi cũng thuộc loại “tốt”, dù đó chỉ là mấy năm về trước, thế nên thấy con gái chữ đẹp hơn mình, tôi sẽ soi thật kĩ để tìm ra điểm chưa hoàn hảo, còn con trai mà chữ đẹp hơn, tôi nhất định sẽ bất mãn mà ghen ghét. Chữ ông chú này hoá ra cũng thuộc hàng hiếm, lại còn viết nhanh như thế, hơn nữa viết trên lòng bàn tay khó như vậy mà vẫn nhận ra được nét uốn lượn rõ ràng, thật cũng khiến người ta có chút ngưỡng mộ. Nhưng bản tính tôi ích kỉ, hiếm khi nào nói được tiếng khen, thế nên thành ra thuận miệng mà chê.
Ngồi trên xe bus tôi vẫn không ngừng nghĩ về chuyện vừa rồi. Đã uống trà miễn phí của người ta thì chớ, lại còn chê bai, sau đó bỏ đi một cách lịch sự – đúng là những hành động cộp mác An Nhiên.
Mà thôi, trước giờ tôi phá phách khiến bao người phiền đã thấy áy náy bao giờ đâu, việc cỏn con này có gì phải xoắn.
Việt Huy cứ ngồi cười một mình như thế một hồi lâu trước khi lắc đầu đứng dậy. Trong đầu anh lúc này chỉ có hình cảnh cô bé bối rối chìa bàn tay ra ình. Mới đầu Huy cũng ngạc nhiên lắm chứ, vì chưa ai đưa tay ra cho anh như thế, nhưng khi hiểu An Nhiên đưa tay ình viết chữ lên thì anh lại suýt phì cười vì cái độ trẻ con của em ấy.
Lâu lắm rồi Việt Huy mới có một ngày đi làm đầy công việc mà lại vui vẻ như thế này.
….
Tôi trở về lúc nhà chẳng có ai. Quân thì có lớp Karate, còn mẹ chắc lại qua nhà mấy cô giáo ngày xưa. Nói chung là ở nhà một mình.
Ngồi phịch xuống ghế bành ở phòng khách, tôi cầm remove bấm lia lịa chuyển từ kênh này sang kênh khác, chẳng hiểu mình định xem gì, mà cũng chẳng biết mình bật ti vi lên làm gì nữa. Chán nản, tôi quăng điều khiển một góc, để cho kênh truyền hình nước ngoài nói huyên thuyên trong khi mệt mỏi ngửa cổ nhìn trần nhà. Trước mắt tôi là những vân gỗ đẹp đẽ đang quay mòng mòng – hiệu ứng của việc còn ốm mà lại dang nắng. Thế là tôi lại lên phòng, tự động mò thuốc uống rồi trùm chăn kín mít.
Tôi đang run, trong khi nhiệt độ ngoài kia không dưới con số 32 (độ C). Cứ nhắm mắt lại là cánh cửa phòng làm việc đóng kín của Nguyên lại hiện ra trước mắt, chẳng hiểu sao một cảm giác tủi thân lại trào lên trong lòng. Tôi biết đó không phải là nơi dành ình, mà trước đây cũng chẳng có biểu hiện nào cho thấy tôi được chào đón ở đó, vậy mà khi không thấy Nguyên xuất hiện như mọi khi, tôi lại có cảm giác bị bỏ rơi. Như thể… như thể…
Như thể Nguyên không cần tôi nữa ấy.
Nghĩ đến đây, nước mắt nóng hổi trào lăn. Tôi vội vàng lau đi khoé mắt, cố gắng đè nén cái cảm giác tức nghẹn trong lồng ngực.
Cái cảm giác hận chính bản thân mình lại bắt đầu len lỏi trong tim. Tại sao tôi lại phải vì một tên con trai như thế mà đổ nước mắt? Anh đối với tôi chẳng là gì cả, còn tôi đối với anh chắc cũng chỉ giống một con nhỏ lớp dưới, thấy lạ mắt, trêu đùa một tí cũng vui, cũng xả stress. Bình thường tôi hay nhăn nhó, hay cau có, hay tìm mọi cách đối phó với anh, âu cũng chỉ vì tôi là con gái, muốn được xem trọng, được quan tâm, muốn cho người ta thấy mình cũng có lòng tự trọng cao như núi, không phải muốn đối xử như thế nào cũng được.
Phải thú thực là, Nguyên là người đầu tiên đã lột trần cái mặt nạ cao ngạo của tôi xuống, khiến cho tôi không chỉ nhiều lần xấu hổ trước anh mà khi không có anh cũng phải suy nghĩ nhiều đến lao tâm khổ tứ. Hình như tôi đã dành cho Nguyên quá nhiều thời gian, hơn cả Hột Mít, hơn cả Quân, hơn cả ba mẹ… hơn bất kì ai khác. Ngay cả Gia Vỹ và Đăng Khôi hay Thế Vĩnh cũng không thể khiến tôi suy nghĩ nhiều đến như vậy. Bởi vì tôi đối với họ rất rõ ràng, yêu là yêu, mà ghét là ghét.
Còn đối với Nguyên, tôi chẳng rõ là yêu hay là ghét.
Có số điện thoại lạ gọi đến. Tôi đưa mắt nhìn thờ ơ rồi quyết định tắt luôn máy, tháo pin. Trong thâm tâm tôi biết đó không phải là điện thoại từ Nguyên. Mà đối với tôi lúc này mà nói, không phải là Nguyên thì không quan trọng.
** ** **
Thiên Phú chuyển từ tư thế ngồi xếp bằng trên ghế sang ngồi nhổm, mắt không rời màn hình điện thoại.
– Không trả lời này. Hay là có chuyện gì rồi?
Nó lắc lắc điện thoại, cố tình hướng về phía Nguyên để anh chú ý nhưng vô ích. Dù biết anh đang giả vờ, nhưng cái kiểu cứ chăm chăm đọc tài liệu, thỉnh thoảng lại nhíu mày, nhấp một ngụm nước kia thì giống như anh xem như em gái của mình đang vô hình vậy.
Tiến đến phía bàn làm việc của Nguyên, Thiên Phú chồm hẳn lên trước, che hết hai phần ba số giấy tờ trước mặt anh. Đến nước này Nguyên mới ngẩng lên, trán hơi nhíu.
– Em đang làm gì vậy?
– Định thông báo với anh là em đến tìm An Nhiên đây. Em mà làm gì chị ta, anh đừng có tiếc vì lúc này không ngăn em lại.
Nguyên nhìn em gái, khoé miệng nhếch lên thành nụ cười.
– Tuỳ nghi.
Thiên Phú bị anh làm cho bất ngờ, nhưng không hổ danh là em gái của Nguyên, nó giấu nhẹm thái độ của mình rất nhanh. Đứng thẳng người dậy, Phú khoanh tay nhìn người đối diện đang mải mê trở lại với mớ giấy tờ, rủa vài câu gì đó nghe không rõ rồi bỏ đi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.