Có Phải Là Anh

Chương 1 : Chỉ có anh trị được em.


Bạn đang đọc Có Phải Là Anh: Chương 1 : Chỉ có anh trị được em.

Trong số những cô cậu học sinh ngày ngày cắp sách đến trường, biết bao nhiêu người nuôi ước vọng đi du học để chứng minh bản thân, để mở đường cho cuộc sống sau này.
Vậy mà lại có kẻ ngố thích từ bỏ điều kiện học tập không phải ai cũng có của mình, trở về “quê cũ”.
Tuy nhiên, mỗi người có một lí do, một mục đích riêng. Không thể chỉ xét bên ngoài mà cho rằng quyết định của người đó đúng hay sai.
Trường Đồng Khánh xôn xao ngày đầu học kì 2.
– Ah!!!!!
Trúc Hột Mít chạy vào lớp, miệng không kịp thở, tay đã đập bàn rầm rầm.
– Tin sốt dẻo! Tao vừa tia thấy anh chàng mới đến ở cửa lớp 12A3…
– Sao sao?
– Trông thế nào?
– Có đúng như lời đồn không?
Lớp 11A3 luôn được mệnh danh là lớp ngoan ngoãn nhất, dưới sự “lãnh đạo” của ông thầy dạy Toán khét tiếng giết người chỉ bằng một câu nói. Chỉ khi nào vắng mặt giáo viên, những con cừu non trong lớp mới thực sự bộc lộ bản chất cáo già của mình.
Hột Mít đập bàn dẹp loạn cái đám nhao nhao phía dưới, nhắm mắt vuốt cằm cố để cho dân tình hồi hộp, cuối cùng hắng giọng phán.
– Nhân mới lần này… vượt chuẩn.
– Ah!
– Phải đi xem mặt gấp mới được.
Những ngày cuối đông trời còn se lạnh. Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết, dù học kì hai đã bắt đầu cũng không thể bắt một số phần tử đặc biệt trong lớp thôi nghĩ về những ngày nghỉ sắp tới.
Phòng thứ 3 tầng trên.
Nguyên vừa kết thúc xong màn giới thiệu bản thân trong tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt của mọi người. Vẫn giữ nụ cười trên môi, cậu bước xuống chiếc bàn gần cuối đã được chỉ định.
Lúc đi ngang qua bàn gần cuối, cậu vô ý quệt vào thành bàn. Tức thì anh chàng ngồi ở đó ngước lên. Bốn mắt nhìn nhau.
Khóe miệng Nguyên khẽ nhếch lên thành nụ cười đầy ẩn ý. Người đối diện không hề thay đổi nét mặt, nhưng trong mắt có chút xao động.
Phòng thứ 3 tầng dưới.
Nhiên ngáp dài, gục đầu xuống bàn, miệng lầm bầm chửi bí thư vô tích sự không ngăn nổi đám “vịt giời” đang nhao nhao muốn vỡ cả lớp chỉ vì một tên vô danh tiểu tốt. Nhưng cũng chỉ được mấy câu, cô nàng đã bị hấp lực của cái bàn khiến i mắt nặng trĩu, đầu óc mệt mỏi.
Ai bảo hôm qua luyện game chưa đã mắt, lại còn nghe con nhỏ Hột mít dụ xem phim ma. Rốt cục đến gần sáng, mắt căng muốn lòi tròng nhưng chẳng tài nào chợp mắt được vì bị ám ảnh.
Vì vậy khi con nhỏ Hột tiêu vừa phát lên một cái, Nhiên đã vùng dậy chụp tay, trợn mắt khiến con bạn thân muốn thông báo tin sốt dẻo cũng đành hết hồn mà im lặng.
Bốn mắt nhìn nhau.
– Hôm nay tao mệt.
An Nhiên hít một hơi, mắt lim dim như mỗi khi chuẩn bị hắng giọng quát tháo khiến Hột Mít cảm thấy ân hận khi nỡ đụng vào tổ kiến. Ai ngờ, con bạn lại phán một câu xanh rờn.
– Mày xoay sở chuyện ở lớp, tao… đi kiếm cái đơn xin phép.
Nói rồi nó phóng thẳng một mạch ra khỏi lớp trước khi con bạn kịp ca thán cái tội lười học. Biết làm sao được, trời sinh ra nó vốn sẵn tính an cư nhàn hạ, không sợ chuyện gì, chỉ sợ không được ngủ đủ.
Ngáp ngắn ngáp dài, tôi bước lên cầu thang loạng choạng, suýt nữa thì vấp té. Ngó trước ngó sau để chắc không ai thấy hành động “lạ lùng” vừa rồi của mình, tôi lại ung dung bước tiếp.
– Ah. Nhiên này.

Tiếng gọi quen thuộc khiến tôi dựng tóc gáy hơn là bất ngờ. Nhẩm một lượt từ bảng tên, huy hiệu đoàn đến dép lào, quần tụt để chắc mình không vi phạm vào thứ nào, tôi mới từ từ quay lại. Dù có ý định cười một cái cho tươi, nhưng khuôn mặt không cảm xúc của tôi cứ như bị đóng băng.
Cái ông thầy chủ nhiệm hắc ám này, hôm qua làm “tân lang” còn cười tươi hớn hở. Vậy mà mới sáng nay mặt đã bí xị như ăn phải đồ thiu.
– Ai da. Em tưởng ăn cưới xong thầy phải nghỉ làm để đi hưởng tuần trăng mật chứ. Không ngờ thầy lại yêu trường yêu lớp thế.
May mà mấy câu cuối gần như phát qua kẽ răng đã được giảm bớt âm lượng, nếu không khuôn mặt nhăn nhó kia trông còn khó coi hơn.
Trước câu đùa quoái ác của tôi, “cao thủ” chỉ khẽ hắng giọng:
– Tôi sực nhớ ra nếu không có mình, em chắc sẽ cảm thấy khó chịu vì thiếu đi lời sự quan tâm thường xuyên nên chẳng dám nghỉ.
Bình tĩnh, bình tĩnh.
Hít vào thở ra, tôi cố cười hết sức có thể để chứng tỏ mình hoàn toàn không bị mấy lời kia chọc tức. Ai ngờ câu sau phát ra khiến nụ cười giả tạo của tôi tắt ngấm.
– Cảm ơn vì món quà cưới của lớp do chính tay em chọn. Vợ tôi rất thích, nên đã lấy làm thảm chùi chân.
Cái gì? Tôi nhớ lúc mình mua hàng đã chọn một tấm khăn trải bàn loại tốt cơ mà, thế quoái nào lại thành thảm chùi chân?
Mà nếu là tôi, nếu nhìn thấy mấy hình vẽ con nít oái oăm trên tấm khăn ấy, cũng đem làm thảm chùi chân quoách cho rồi. Chỉ có điều, không ngờ ông thầy này cao tay hơn tôi tưởng.
Thấy tôi tức đến cứng họng vì bị gậy ông đập lưng ông, “cao thủ” mới cười đắc ý, đặt chồng tài liệu lên tay tôi.
– Trong lúc la cà quanh trường, tiện thể mang cái này xuống nộp phòng giáo vụ cho thầy nhé. À quên, thầy giám thị nhắc em còn thiếu bản kiểm điểm “trèo tường” lần trước, nhớ mang nộp luôn đi nhá.
Tôi chớp mắt lia lịa vì ngạc nhiên. Vụ đi học trễ trèo tường của tôi, đã thoả thuận là chỉ có hai người biết, vậy mà…
Cục tức dồn lên đến đỉnh đầu, chỉ cần thêm một câu châm biếm nữa là tôi có nguy cơ bốc hỏa đến nơi. Mãi cho đến khi cái bóng đáng ghét ấy chỉ còn cách là một chấm mờ nơi sân trường, tôi mới cất tiếng rủa cho tan bực bội.
Hừ, biết rõ là tôi đang lên lầu 2, vậy mà ông thầy đáng ghét này còn cố giao việc, không để cho tôi một lúc yên ổn.
Lúc hậm hực đứng chờ Quân trước cửa lớp, tôi vẫn phải ôm nguyên cái của nợ trên tay, định bụng trước khi về sẽ ghé qua phòng giám thị cho tiện.
Chỉ cần thấy tôi ngoài lớp là bên trong đã nhao nhao gọi Quân ra. Anh đặt cuốn sách xuống, nhíu mày nhìn tôi rồi miễng cưỡng đứng dậy. Hừm hừm, hôm nay ăn nhằm cái gì hay sao mà mới sáng sớm gặp nhau đã chào tôi bằng khuôn mặt thiếu thiện cảm như thế rồi.
– Anh hai. Hì hì.
– Lại xin xỏ nhờ vả gì đây?
– Đúng là chỉ có anh hiểu ý em – tôi đưa tay sờ trán – hôm nay em mệt quá, có lẽ đau rồi. Em về trước, anh viết cho em cái đơn xin nghỉ học nhé.
Trái với vẻ hằm hằm thường ngày khi được tôi nhờ vả, Quân chỉ gật đầu nói “được”, hoàn toàn không tỏ ra bất mãn hay có ý định la mắng. Có anh chị em học cùng trường sướng vậy đấy.
– Em cứ yên tâm về nghỉ. Trưa nay sẽ có người cắt mạng Internet.
Quân vỗ về, trong khi nụ cười mới nở của tôi trở nên dị dạng. Nếu cắt mạng, chẳng khác nào giết tôi từ từ cả. Còn kinh khủng hơn đợt bị má phạt cấm túc nữa.
– Á, như thế không được!
Tôi giậm chân, cật lực phản đối, mặc ánh mắt tò mò của những kẻ trong lớp đang theo dõi.
– Vậy thì về lớp.
Biết chẳng thể năn nỉ nghỉ học, tôi hậm hực tống của nợ trên tay cho Quân.
– Hừ, vậy anh mang cái này xuống phòng giáo vụ giúp. Em phải xuống gặp chị gái y tá.
Lúc quay đi, tôi cứ tưởng Quân sẽ im lặng cho qua, ai ngờ..
– Anh méc má đó…

Hừ. Chẳng lẽ lại méc má chuyện tôi “mệt đến nỗi phải xuống phòng y tế”?
– Chuyện em giấu má nuôi…
– Ha ha – tôi chạy lại, giật vội đống của nợ trên tay Quân như sợ anh không trả – anh cứ yên tâm học hành đi, em chợt nhớ ra mình phải xuống phòng giáo vụ có việc. Ha ha.
Có một bí mật cực lớn là: giám thị trong trường là chú ruột của tôi. Thế nên mọi người cứ nói với má để cho tôi học trường này chẳng khác gì thả ngựa chạy rong. Nói vậy mà không sợ tôi tổn thương. Người ta cũng “ngoan” lắm chứ bộ.
Gọi là “bí mật cực lớn” cho văn vẻ thế thôi, chứ cả trường này ai mà không biết chuyện “chú làm quan lớn, cháu làm đại ca”. Có điều ông chú của tôi cứ tưởng mình oai lắm, có thể giữ được bí mật trong cái trường mà tốc độ tin tồn còn nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Nếu chịu khó lắng nghe, chắc chắn sẽ thấy khối chuyện hay ho về chú cháu tôi. Nhưng mặc kệ mọi người gièm pha, việc tôi tôi cứ sống.
– Cạch!
“Ông chú giám thị” thì nhìn cái cốc cạn nước trên bàn rồi lại đưa mắt nhìn tôi.
– Hôm nay có chuyện không vui à?
– Chú…
Tôi định tố cáo tội trạng, chợt nhớ đến vẻ mặt hả hê đáng ghét của ông thầy chủ nhiệm, cộng với việc bị Quân từ chối viết đơn xin phép, lại tức đến nghẹn họng.
– Khụ! Khụ!
– Ái chà. Uống cốc nước nữa cho tiêu đã.
Đón lấy cốc nước, tôi tu được nửa li chợt dừng lại,
– Khoan đã.., uống nước để tiêu cái gì cơ?
– Tiêu cục hận chứ cái gì – ông chú tỉnh bơ, tiếp tục đọc chồng bản kiểm điểm trước mặt.
– Chú!
Thấy tôi gọi “chú” lần nữa, người đối diện lại nhướn mày cảnh cáo.
– Đã nói là ở trường phải gọi là thầy rồi cơ mà.
Cóc gọi. Đừng tưởng tôi dễ nghe lời như thế. Thầy với chú cách nhau bao xa mà cứ màu mè. Luận bất thành văn, đã làm thầy rồi thì chẳng mấy chốc sẽ già thôi.
Khoanh tay ngồi một cục, tôi hậm hực.
– Đã nói là giữ bí mật chuyện đi học trễ lần trước cho cháu mà sao lại để ông thầy chủ nhiệm biết được? Có phải chú muốn cháu méc cô mọi bí mật xấu xa của chú ra không?
Nghe nhắc đến bà vợ nóng tính, ông chú sợ vợ vội vàng giơ tay lên hoàn hoãn với giọng mềm dẻo, hoàn toàn quên mất “cái uy thầy giáo” của mình.
– Ấy chết, cháu đừng nóng. Không phải chú không muốn giúp cháu, chỉ xui là lúc cháu trèo tường vào, thầy chủ nhiệm cũng “tình cờ” thấy được. Cháu phạm tội rành rành như thế, chú muốn giúp cũng khó.
Tôi nghe xong, chẳng hiểu mình đang được an ủi hay bị chửi khéo nữa. Tôi với ông thầy ấy đúng là oan gia ngõ hẹp. Tại sao lần nào tôi phạm lỗi có sơ hở là y như rằng bị “cao thủ” bắt thóp. Như cái lần đứng lầu hai vắt nước lau bảng, tưởng không có chuyện gì xảy ra. Ai ngờ lúc ngó xuống dưới theo “chỉ dẫn” của Hột Mít đã thấy thầy chủ nhiệm kính mến đầu tóc ướt nhẹp đang nhìn mình “đắm đuối con cá chuối”, thiếu điều phóng ra tia lửa điện.
Dù sao lần này cũng đỡ hơn, tôi sẽ cố nhịn để làm đức cho con cháu sau này.
– Vậy – tôi lừ mắt sang bên, giọng uy hiếp – cháu có phải viết bản kiểm điểm không?
– Ha ha.
– Nếu má xé bản kiểm điểm rồi nhốt cháu ngoài nhà, e là chú cũng không yên đâu.
Nửa muốn được việc, nửa không muốn bị tôi tố tội với vợ, ông chú đành nghiêm mặt.

– Cứ viết đi, chú sẽ kí giả cho.
….
Rời khỏi phòng giám thị, tôi mắt nhắm mắt mở lên về lớp, yên vị như cục đất. Suốt cả bốn tiết học tôi chỉ có đúng một tư thế ngồi chống tay lên trán, tay kia cầm góc sách như chuẩn bị sang trang. Người ngoài nhìn vào cứ tưởng con cái nhà ai học hành chăm chỉ, nhưng thực ra sau mái tóc che mất nửa khuôn mặt kia, mắt tôi đã nhắm tịt, hơi thở nhẹ nhàng đều đều.
May là ngồi cuối lớp nên tôi mới có thể ung dung ngồi ngủ như thế được.
– Dậy đi mày!
Chuông reo hết tiết 4, cả lớp lục tục ra về mà An Nhiên vẫn giữ nguyên tư thế “chăm học”, Trúc lay cô dậy, nhưng chẳng có động tĩnh gì. Nhớ lại cú hằm hè của con bạn lúc sáng dành ình, Hột Mít cười đầy ngụ ý rồi quay lưng đi thẳng.
Cứ mặc kệ con sâu ngủ ấy. Đã mắt rồi nó cũng tự tìm đường về nhà.
Cửa lớp vừa đóng lại, kẻ ngồi bàn cuối gục hẳn xuống mặt bàn láng o vì bị “chà mặt” quá nhiều.
*** **** **
Từ chối lời mời ăn uống và hẹn sẽ “ra mắt” vào một ngày không xa, Bình Nguyên tạm biệt những người bạn mới quen rồi bước đi theo hướng ngược phía cổng trường. Cậu muốn tham quan nơi này một lúc trước khi ra về.
Những dãy phòng học mới đấy còn ồn ào, giờ đã yên ắng bắt đầu giấc ngủ trưa một cách ngoan ngoãn. Hầu hết tất cả các phòng đều được kéo rèm xanh tạo màu dịu nhẹ, thế nên Nguyên khá ngạc nhiên khi nhận ra căn phòng trước mắt mình vẫn chưa buông rèm. Nơi cuối lớp, nắng vàng đang rải đều lên mặt bàn gỗ, tường màu xanh nhạt, và lấp lánh trên nền áo trắng.
Vẫn còn một cô bé đang ngủ nướng nơi cuối lớp, khuôn mặt khẽ mỉm cười. Dường như cô sẽ không tỉnh dậy khi chưa kết thúc giấc mơ.
Không hẳn là tò mò, nhưng Nguyên vẫn đẩy cửa bước vào. Lúc đầu cậu chỉ có ý định kéo rèm lại cho đỡ chói mắt, nhưng lại nghĩ có khi đây là chủ ý của cô bé nên lại thôi. Lúc cậu bước qua, cô bé khẽ “ưm” một tiếng, mắt vẫn khép kín.
Nguyên bất giác dừng lại, hơi cúi xuống để nhìn kĩ khuôn mặt ấy, khóe miệng để lộ nụ cười.
Thời gian có thể lâu đủ để làm thay đổi một con người, nhưng không thể nào xóa đi những nét đặc trưng nguyên thủy của cô bé trước mặt cậu. Nhất là hột gạo đáng yêu dù cô bé chỉ hơi mỉm cười.
Nguyên định bụng vén lại lọn tóc đang rủ nhẹ bên má cô bé, nhưng chưa kịp giơ tay lên, đôi mắt trong veo đã mở to, nhìn cậu chằm chằm.
– Ơ…
Cô bé vùng dậy sau khi chớp mắt đủ nhiều, ôm theo cái cặp trước mặt mình. Nguyên cũng giật mình đứng thẳng dậy. Cậu định nói gì đó, nhưng đối phương cứ cắm cúi tống hết sách vở vô cặp – hoàn toàn không ra một thể thống gì – cho đến khi nó căng phồng.
Má đỏ bừng, An Nhiên xách cặp lao ra trước khi kéo khóa. Bối rối đến nỗi luống cuống, cô tông thẳng vào người đối diện khiến đồ đạc của cả hai đều rơi tung tóe. Vội vàng nhặt nhạnh lại đồ của mình, cô chuồn ra ngoài trước khi tên con trai kịp lên tiếng. Mãi đến khi ra đến cổng, tim cô vẫn còn đập thình thịch.
Đó là ai? Sao lại nhìn chằm chằm lúc cô đang ngủ như thế? Rõ ràng có ý đồ.
Nhìn vào trong lần nữa để chắc tên con trai đó không đuổi theo, tôi mới thở ra đều đặn. Lúc mắt lướt qua bậc tam cấp trước dãy lớp học, trí nhớ tôi bỗng lóe lên hình ảnh cách đây mấy hôm.
Hình như mình đã gặp hắn.
** *** **
Suốt đoạn đường về nhà, tôi cứ bị ám ảnh bởi đôi mắt đen thẫm của anh chàng kì quoặc ấy. Tôi không phải kiểu người hay bị choáng ngợp trước những thứ quá đẹp đẽ, nhưng khi nhìn thấy mình trong đôi mắt ấy, tôi lại có cảm giác lộn chộn khó tả trong lòng.
Dường như có rất nhiều điều gợi lên từ trong đáy mắt sâu thẳm của kẻ lạ mặt. Lần đầu tiên tôi nhận ra mình đang hốt hoảng trước một người không quen biết, lần đầu tiên đỏ mặt đến nỗi đụng đâu hỏng đó, lần đầu tiên chẳng thốt ra được một câu hạnh họe trong hoàn cảnh đám lẽ mình phải là người làm chủ.
Tôi đối với tên con trai ấy cứ như có một bức tường vô hình, vừa ngăn cách, lại vừa dễ chạm đến.
Sau một hồi gật gù, tôi cũng đưa ra được kết luận: “Trông thế thôi, nhưng chắc chắn tên đó không phải tay vừa”. Nếu không có khả năng phóng trường điện sinh học thì cũng có thể “đàn áp” người khác bằng mắt.
Rõ ràng tôi đã bị người ta áp đảo khiến cho đầu óc suy nghĩ linh tinh rồi.
– Hm.
Tôi né qua một bên, tức thì bị cánh tay rắn chắc chắn ngang.
– Hừm.
Lần này tôi cúi xuống, cố lách qua. Nhưng cánh tay ấy cũng hạ thấp xuống, đến nỗi đầu gối tôi gần chạm đất.
– Anh định không cho em vào nhà à?
Bực mình, tôi đẩy Quân qua một bên, bước một mạch cả giày cả tất vào nhà.
– Tan học cả tiếng đồng hồ mà giờ này em mới mò mặt về là sao? Ngủ suốt mấy tiếng đến sưng cả mặt mà vẫn chưa đã mắt à?

– Suỵt!
ôi bịt miệng Quân lại trước khi cái chất giọng “oang oang con vịt cồ” của anh làm kinh động đến bậc phụ huynh đang chờ cơm trong nhà bếp.
– Anh nói nhỏ lại một tí thì có chết ai đâu?
– Không thích.
Quân rít qua kẽ răng, nhìn tôi với ánh mắt hằm hè.
Sao mà hôm nay xui thế? Dường như tất cả đều chống lại tôi. Từ “cao thủ”, ông chú sợ vợ cho đến ông anh hắc ám.
– Hì hì – tôi vuốt cổ áo anh, cố tình đánh trống lảng – nghe nói hôm nay lớp anh có học sinh chuyển trường phải không? Nghe nói là cũng chuẩn lắm.
– Chuẩn gì? – Quân nhướn mày.
Tôi im lặng. Sáng nghe nhỏ Hột Mít lõng bõng được vào câu, chứ có biết cái chuẩn của tụi nó là gì đâu? Chắc không phải “chơi game cấp 3, luyện phim cấp 7” như tôi chứ? (chơi game 3 tiếng mỗi ngày, luyện phim 7 ngày trong tuần ^o^)
– Chuẩn gì chả được.
– Bữa nay còn quan tâm đến mấy “chàng” nữa à? Em tội trạng như vậy chưa đủ sao? Cứ khi nào nộp đủ bản kiểm điểm đi rồi hẵng nói chuyện.
Quân bước vào phòng khách, trong khi tôi á khẩu.
– Làm gì có cái bản kiểm điểm nào?
– Trèo tường, đi trễ, cúp học xuống căn tin. Không đúng thì cứ hỏi “chú” giám thị ấy.
Nghe đến hai chữ “giám thị”, tôi không kìm được mà bốc hỏa. Ông chú này, sao miệng thì ngọt xớt mà cứ đâm lén sau lưng tôi thế không biết! Thật là tức chết được.
Hậm hực bước lên nhà, tôi mải tìm cách “trả thù” ông chú đến nỗi vấp cầu thang lần hai khiến răng đập vào đầu lưỡi chảy máu. Vội vàng vào phòng, tôi dốc hết đồ trong túi ra để tìm khăn giấy. Lúc đang thấm khăn vào đầu lưỡi, tôi nhận ra cuốn sổ da của mình mới lạ khác thường. Những trang giữa đang mở trắng tinh.
Tôi nhớ là mình viết gần hết cuốn sổ này rồi cơ mà.
Linh cảm không lành, tôi cầm cuốn sổ lên, lật đi lật lại, nhưng những trang giấy trống trơn trước mắt chỉ khiến tôi thêm hoang mang.
Đây hoàn toàn không phải là cuốn sổ của tôi.
Thẫn thờ, tôi ngồi phịch xuống ghế. Cuốn sổ trên tay rớt xuống. Gió lùa khiến những trang giấy trắng không dòng kẻ lật từ đầu đến cuối.
Kí ức cách đây hơn một tiếng đồng hồ quay chậm lại trong đầu tôi. Lúc nhìn thấy đôi mắt ấy, lúc luống cuống xếp đồ, lúc đụng nhau khiến đồ rơi vãi… Tất cả quay mòng mòng như thước phim chậm được replay liên tục, và chợt dừng lại vào thời khắc tôi nhặt cuốn sổ.
Hình như có đến hai cuốn sổ da trên sàn. Và tôi đã nhặt cuốn sổ của mình trước. Nhưng thế quoái nào mà tôi lại nhặt nhầm được? Trừ khi hai cuốn sổ giống nhau y đúc.
Tôi gác chân lên ghế, ôm đầu trong chán nản. Không phải tôi tiếc cuốn sổ, mặc dù tôi rất quý nó vì đó là món quà được tặng, mà là lo sợ có người đọc được những bí mật chứa trong đó.
Bí mật được tạo ra và gìn giữ bởi mình tôi.
Nếu là người vô tình có lẽ sẽ không sao, nhưng nếu kẻ có chủ ý, chắc chắn những gì viết trong đấy bị lộ sẽ là ác mộng lớn nhất đời tôi.
Cùng lúc ấy, tại một quán ăn nhanh.
Nguyên lắc lon nước rỗng trước khi phóng về phía thùng rác cuối phòng một cách chuẩn xác. Trong lúc dọn đồ trên bàn, tay anh bất giác chạm phải cuốn sổ da đã sờn rìa.
Khẽ nhíu mày, Nguyên cầm cuốn sổ lên, ngắm nghía. Anh chưa sử dụng sổ tay bao giờ, làm sao nó có thể cũ kĩ như thế này?
Chưa kịp trả lời câu tự vấn, anh đã thấy những ngón tay mình tò mò lật từng trang một. Nét chữ con gái mềm mại nhưng rắn rỏi hiện ra. Có vẻ như chủ nhân cuốn sổ này tận dụng triệt để công dụng của nó, vì hầu như trang nào cũng kín đặc chữ.
Một sự nhầm lẫn lớn đã xảy ra.
Vốn không phải người tò mò, nhưng hấp lực từ những dòng đầu tiên khiến cho Nguyên không thể hạ cuốn sổ xuống. Nụ cười trên môi anh dần dịu lại rồi tắt ngấm.
Anh biết cuốn sổ này thuộc về ai. Nhưng nếu tất cả những gì được viết trong đây là sự thật, thì sự thật ấy thật kinh hoàng.
Có vẻ như mọi thứ đã đi quá giới hạn của sự riêng tư.
Tim Nguyên bỗng nhói lên. Cảm giác đau lòng này đã lâu anh không biết đến.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.