Cô Gái Mãn Châu

Chương 44: Trao thân gởi phận


Đọc truyện Cô Gái Mãn Châu – Chương 44: Trao thân gởi phận

Suốt cả một đêm đi đi lại lại, cho đến bây giờ trở về đến Đô đốc phủ thì đã sang canh tư.

Đức Uy nguyên không có ở trong Đô đốc phủ mà cũng không muốn ở, nhưng bây giờ tình hình đã khác, bây giờ Dương đô đốc gởi gắm Dương Mẫn Tuệ, thêm vào đó lại còn có Tổ Thiên Hương…

Bây giờ nếu không ở đây thì không có chỗ nào tiện hơn.

Dương Tông Luân là một vị quan thanh liêm cuộc sống lại đơn giản, ông ta chỉ chú trọng vào công việc hơn là hưởng thụ, một phần vì Mẫn Tuệ thường vào Kinh bầu bạn với Công chúa Trường Bình, thành thử cả đến một tỳ nữ cũng không.

Trong dinh, ngoài những tên hộ vệ và đoàn quân canh phòng chung quanh đã giao về cho Đô chỉ huy sứ thiểm tây thì còn lại chỉ có những người lo bếp núc và sai vặt thân tính chớ không ồn ào như những dinh thự khác.

Đức Uy không muốn khuấy rầy người khác và cũng muốn để cho Mẫn Tuệ và Thiên Hương ngơi nghỉ, vì suốt đêm nay nàng thức tới sáng rồi.

Hắn đi thẳng vào thơ phòng định ngồi dưỡng thần một chút chở trời thật sáng rồi sẽ bắt vào việc, thế nhưng khi tới nơi thì thấy Mẫn Tuệ đang đứng ngay trước cửa như đang chở đợi.

Đức Uy ngạc nhiên.

– Dương muội không nghỉ sao?

Mẫn Tuệ nhìn hắn bằng đôi mắt dịu dàng :

– Lý ca không phải cũng bây giờ mới về đến hay sao?

Đúng rồi, chàng vẫn chưa nghỉ được thì nàng làm sao nghỉ được?

Đức Uy bước vào ngồi xuống :

– Nhị vị Hộ pháp “Cùng Gia bang” đã theo lão bá rồi.

Mẫn Tuệ lộ sắc mừng :

– Như thế thì mình thêm được yên tâm.

Đức Uy hỏi :

– Dương muội đã gặp vị Đô chỉ huy sứ Thiểm Tây rồi?

Mẫn Tuệ gật đầu :

– Sao?

Đức Uy hỏi :

– Có quen không?

Mẫn Tuệ đáp :

– Có gặp mấy lần, không quen lắm. Nhưng tôi biết ông ta là một nhân tài, có thể đảm đương nhiệm vụ, chính vì thế nên cha tôi mới trao trách nhiệm, nhưng dầu sao đây cũng chỉ tạm thời.

Đức Uy trầm ngâm :

– Tôi chỉ lo ông ta không thể điều động được các vị Chỉ huy sứ các tỉnh kia thôi, rất có thể họ sẽ không nghe lịnh chỉ huy.

Mẫn Tuệ giựt mình :

– Chuyện đó thật tôi không hề nghĩ tới mà có lẽ cha tôi cũng không nghĩ tới.

Nhưng chắc không có chuyện đó đâu.

Đức Uy thở dài :

– Cũng mong như thế.

Mẫn Tuệ nói :

– Họ đều là đại thần được thác thổ phong cương, họ phải nhìn vào đại thể chớ không lẽ lại tranh hơn tranh kém, nhưng nếu ai không tuân lịnh chỉ huy, tôi sẽ giết ngay người dó.

Giọng nàng thật cứng rắn, bây ngờ Đức Uy nhớ tới khuôn mặt của Dương đô đốc…

Ông ta là một người nhân hậu khoan hòa, nhưng khi bàn vào việc đại sự quốc gia, vẻ mặt của ông thật là cương quyết.

Cha nào sanh con nấy, Mẫn Tuệ bình thường thật ôn hòa như thê thiếp, không ai có thể tưởng tượng được khi nàng nghiêm cách, lúc như thế này, bất cứ ai cũng có thể nể sợ ngay.

Hắn nhớ hồi đầu hôm, khi gặp Thất Cách Cách, thật nàng làm chính hắn cũng sợ luôn.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, Đức Uy nhẹ lắc đầu :

– Nhất đáng mà có chuyện xảy ra, chúng ta cũng không can thiệp kịp, vì Trường An đến bốn tỉnh quá xa, khi biết họ không tuân lịnh điều động thì đã quá trễ rồi, có giết họ thì tình hình cũng không còn cứu vãn kịp nữa.

Mẫn Tuệ nói :

– Hay là ta nên phòng trước?

Đức Uy lắc đầu :

– Đâu phải là chuyện có thể phòng mà được? Trừ phi chúng ta có được mỗi tỉnh một người tuyệt kèm sát một bên họ, nhưng chuyện đó thì tuyệt không làm được. Cũng mong đó chỉ là chuyện tôi quá lo xa chớ không bao giờ có thể xảy ra.

Mẫn Tuệ nói :

– Cứ theo tôi biết thì các vị Đô chỉ huy sứ các tỉnh đều là người tốt…

Đức Uy gật đầu :

– Như thế thì tốt lắm rồi.

Mẫn Tuệ mấp máy môi như định nói gì, nhưng mãi một lúc thật lâu nàng mới mở lời :

– Lúc cha tôi ra đi, có để lại cho Lý ca một phong thơ.

Vừa nói nàng vừa móc phong thơ trao ra…

Phong thơ không niêm, Đức Uy lấy ra xem và mặt hắn vụt nóng bừng.

Phải một lúc thật lâu hắn mới hỏi thật nhẹ :

– Dương muội đã xem rồi phải không?

Mẫn Tuệ đỏ mặt lắc đầu :

– Thơ là của Lý ca thì làm sao tiểu muội lại dám xem? Nhưng lúc cha viết thơ thì tiểu muội đứng sau lưng…

Không biết vô tình hay cố ý, nàng dùng tiếng “cha” trống không chớ không cho thêm tiếng “tôi” ở đàng sau như trước…

Trầm ngâm một phút khá lâu, Đức Uy vùng nghiêm mặt :

– Lòng tốt của lão bá thật tôi vô cùng cảm kích, nhưng còn ý kiến của Dương muội…

Mẫn Tuệ lắc đầu :

– Đừng hỏi tiểu muội, việc… ấy vốn là do cha mẹ định đoạt.

Đức Uy nói :

– Dương muội vốn là kim chi ngọc điệp, tôn quý…

Mẫn Tuệ hất mặt :

– Lý ca đừng nói những tiếng ấy nữa, tiểu muội không thích nghe đâu!

Đức Uy nói :

– Tôi nói chưa hết.

Mẫn Tuệ nói :

– Nói nữa đi.

Đức Uy nói :

– Đã là bậc phong hoa tuyệt đại, lại thêm sở học khá cao, một người như Dương muội thật là hiếm có, lão bá lại thương tình mà bảo thế, nhưng trong hoàn cảnh này thật tôi không dám biết phải làm sao…

Mẫn Tuệ gật đầu :

– Ý của Lý ca, tôi biết, chính cha tôi cũng biết trong hoàn cảnh nạn dân ách nước, làm sao chúng ta có thể đem chuyện tình mà bàn bạc hay quyết định, nhưng ý kiến của cha tôi là muốn như thế mà trong lòng chúng ta hãy như đính ước, để việc chung chạ sau này không phải ngại với nhau.

Đức Uy nói :

– Tôi biết, Dương muội không như hạng thường tình vì không dám nói nhiều, chúng ta có thể một lời với nhau như thế cũng đủ lắm rồi.

Mẫn Tuệ ửng hồng sắc mặt, nhưng nàng lấy lại tự nhiên ngay :

– Không, tiểu muội biết trong lúc binh lửa rộn ràng như thế chúng ta đâu có quyền đeo đẳng bên nhau, chỉ cần trong lòng tiểu muội có Lý ca và trong lòng Lý ca có tiểu muội là đủ rồi.

Đức Uy ngồi trầm ngâm không nói.

Thật lâu, Mẫn Tuệ hỏi :

– Tổ cô nương bây giờ tính sao? Lý ca định an trí như thế nào cho ổn?

Đức Uy giựt mình vì câu hỏi có nhiều ý nghĩa của Mẫn Tuệ, hắn đáp :

– Cứ để Tổ cô nương tạm ở đây với hiền muội chớ làm sao bây giờ.

Mẫn Tuệ cười :

– Tiểu muội không phải hỏi như thế, Lý ca đã biết ý tiểu muội rồi mà.

Đức Uy đỏ mặt :

– Ngu huynh không dám có xa vọng mà cũng không hề nghĩ gì cả.

Mẫn Tuệ nói :

– Chưa hề nghĩ thì tiểu muội tin, nhưng nếu nói không dám xa vọng thì có phần quá đáng Lý huynh không biết, sở dĩ Tổ thư thư cương quyết ly khai gia đình, cương quyết làm cho nhà họ Tổ và Nam Cung Nguyệt chống nhau để không thể cùng cấu kết với Mãn Châu, sở dĩ thư thư dám hy sinh như thế một phần lớn là vì Lý huynh đó.

Đức Uy ấp úng :

– Điều đó… điều đó thật ngu… huynh không biết.

Mẫn Tuệ hỏi :

– Nhưng bây giờ thì đã biết rồi?

Đức Uy lắc đầu :

– Ngu huynh không dám nghĩ đến điều ấy.

Mẫn Tuệ nói :

– Tiểu muội nói thật tình, vì chỉ có chị em bạn gái mới biết nhau thôi. Bạn gái với nhau có cảm giác về nhau bén nhạy lắm.

Đức Uy ngồi im lặng.


Mẫn Tuệ hỏi :

– Bây giờ Lý huynh biết rồi, và biết rõ ý của tiểu muội, vậy Lý huynh giải quyết như thế nào?

Đức Uy cười nhăn nhó :

– Ngu huynh đâu có biết làm sao?

Mẫn Tuệ nói :

– Dễ lắm, bây giờ tiểu muội hỏi trong lòng Lý ca có Tổ thư thư không?

Đức Uy cười :

– Vừa rồi ngu huynh đã chẳng nói rồi sao, ngu huynh không hề dám nghĩ.

Mẫn Tuệ hỏi :

– Cứ cho là thật như vậy đi, nhưng chuyện có nghĩ đến hay không là chuyện của Lý ca còn Tổ thư thư đã quyết tâm lìa Phúc An, quyết tâm lìa nhà họ Tổ, quyết tâm hy sinh cho đại cuộc, bây giờ thân gái linh đinh không nơi nương tựa, Lý ca có can đảm để cho người ta đứt ruột một lần nữa hay sao? Không thể có cách để làm cho xứng đáng sự hy sinh cao quý ấy hay sao?

Đức Uy lúng túng :

– Chuyện đó… chuyện đó…

Mẫn Tuệ chận ngang :

– Đừng có chuyện đó chuyện kia gì cả, chỉ cần Lý ca gật đầu thôi chớ không cần Lý ca phải nói gì cả, tiểu muội sẽ thay Lý ca mà làm chuyện đó.

Đức Uy vội nói :

– Như thế làm sao?

Mẫn Tuệ lừ mắt :

– Tại sao không được? Lý ca nói cái không được đó cho tiểu muội nghe thử coi!

Đức Uy làm thinh.

Mẫn Tuệ cười :

– Biết rồi, có phải để tự Lý ca nói với Tổ thư thư phải không?

Đức Uy vội lắc đầu :

– Không không… ngu huynh không phải có ý như thế đâu…

Mẫn Tuệ hỏi :

– Chớ tại làm sao? Nói cho tiểu muội nghe đi.

Đức Uy nói :

– Đã được Dương muội nghĩ đến, lẽ nào ngu huynh lại như thế hay sao…

Mẫn Tuệ cười :

– Lại như thế là như thế nào? Lại “đứng núi này trông núi nọ” phải không?

Đức Uy gật đầu :

– Đúng, có thể nói như thế ấy.

Mẫn Tuệ cười :

– Tốt lắm, trong lòng Lý ca hãy còn cứ nghĩ đến tiểu muội, như thế là tiểu muội mãn nguyện lắm rồi. Nhưng thật ra thì Lý huynh không biết tiểu muội và Tổ thư thư thương nhau lắm, có thể nói có tiểu muội mà thiếu Tổ thư thư thì cuộc sống của tiểu muội cũng trở thành vô vị và ngược lại Tổ thư thư cũng thế. Tiểu muội hy vọng được một vị thư thư như thế và nếu may ra mà được một vị muội muội nữa thì quả là toàn vẹn.

Đức Uy nhìn nàng sửng sốt…

Mẫn Tuệ cười :

– Tiểu muội nói thế Lý ca không biết phải hông? Thất Cách Cách đó mà.

Đức Uy cười gượng :

– Hiền muội lại đùa rồi, làm sao lại như thế được?

Mẫn Tuệ nhướng mắt :

– Tại sao lại không thể chớ? Trên đời này không chuyện gì mà không được, chỉ sợ lòng người mà thôi, tiểu muội quả quyết rằng chuyện này toàn do nơi Lý ca, chỉ cần Lý ca gật đầu là vị Thất Cách Cách ấy sẽ bằng lòng bỏ tất cả.

Đức Uy lắc đầu :

– Dương muội, chỉ sợ nàng đã xem lầm rồi, thật ra thì quả giữa ngu huynh và nàng cũng có tư giao đến mức cảm tình nhiều lắm, nhưng nhứt định không bao giờ nàng lại buông bỏ lập trường hiện tại của nàng.

Mẫn Tuệ nói :

– Tiểu muội không tin, mình đánh cá đi thử xem ai thắng.

Đức Uy cười, nhưng hắn làm thinh.

Mẫn Tuệ nói :

– Lý ca không biết, nàng là bậc kỳ nữ hiếm có trên đời, nếu nàng chịu về với chúng mình thì, công hay tư gì cũng đều toàn vẹn.

Đức Uy lại làm thinh.

Mẫn Tuệ nói :

– Thôi, như thế này nghe, chuyện đó Lý ca cũng cứ giao cho tiểu muội đi, tiểu muội may áo cưới cho mình xong là sẽ may thêm cho người khác, nếu say này nàng chịu đến đây thì Lý ca gật đầu nghe.

Đức Uy cười :

– Ngu huynh vẫn thấy Dương muội đang đùa.

Mẫn Tuệ hỏi :

– Lý ca nhìn lại coi có phải tiểu muội đùa không?

Đức Uy làm thinh.

Mẫn Tuệ nói :

– Như thế này nghe, tiểu muội hy vọng được Tổ thư thư, đồng thời sau đó lại hy vọng có một muội muội như Thất Cách Cách, tất cả đều do tiểu muội. Lý ca chỉ cần gật đầu thôi và phải phân biệt trước sau. Nào, bây giờ gật đầu trước đi, Tổ thư thư.

Đức Uy cười nhưng không nói.

Mẫn Tuệ nghiêng mặt :

– Tiểu muội đang bàn chuyện nghiêm trang.

Đức Uy nghiêng mặt :

– Mẫn Tuệ, tại sao hiền muội lại làm như thế?

Mẫn Tuệ đáp :

– Rất đơn giản, vì triều đình của Đại Minh, vì Lý ca mà cũng vì tiểu muội nữa. Tổ thư thư, Thất Cách Cách, hai người đó Lý ca đều thiếu nợ. Cái khó nhứt là “mỹ nhân ân”. Tất cả những thứ nợ nào cũng đều dễ trả nếu không trả được thì cứ thiếu, chỉ có mỗi một món nợ tình là nhất định phải trả cho xong, không có quyền để lại kiếp sau, biết chưa?

Đức Uy thở ra :

– Được rồi, ngu huynh gật đầu đó, còn người ta có chịu hay không thì…

Mẫn Tuệ nói ngay :

– Thì trách nhiệm do tiểu muội đó, không quan hệ đến Lý ca, hai người ấy chịu hay không, tiểu muội không trách gì Lý ca cả.

Đức Uy nói :

– Giao cho hiền muội đó, coi chừng người ta phản đối là ê mặt ngu huynh đó nghe.

Thôi, bây giờ nghỉ được chưa?

Mẫn Tuệ cười, nụ cười ranh mãnh :

– Khoan, ở đây có một người đang đợi gặp Lý huynh…

Và nàng quay qua gọi :

– Thư thư ra đi.

Đức Uy thiếu chút nữa đã nhảy dựng lên, hắn không ngờ Mẫn Tuệ lại làm cái chuyện động trời như thế.

Kế bên thơ phòng còn có một phòng nhỏ, cách thơ phòng bằng một cánh cửa hông, đó là nơi dành để cho Dương đô đốc tạm nghỉ trong những lúc công chuyện nhiều, mỏi mệt.

Cánh cửa đó bây giờ được mở ra, và người bước ra chầm chậm là Tổ Thiên Hương.

Mặt nàng không ửng đỏ, dáng cách không hề lúng túng, nhưng Đức Uy thì lại bất an, hắn đứng lên nói thật nhỏ :

– Cô nương.

Tổ Thiên Hương lễ phép nghiêng mình trước Đức Uy :

– Thiếp nghĩ mình không xứng đáng, toàn do Dương muội an bày.

Mẫn Tuệ nhướng mắt :

– Bây giờ tính “qua sông rồi nhận chìm xuồng” đó phải không? Được chuyện rồi thì còn lại cái gì cứ trút vào tôi đi nghe.

Thiên Hương quay lại cúi mình :

– Thư thư xin cảm kích muội muội trọn đời.

Mẫn Tuệ lật đật đáp lễ :

– Thôi chớ, đừng làm vậy tổn thọ em đấy.

Tổ Thiên Hương dời tia mắt từ Mẫn Tuệ sang Đức Uy, giọng nàng thật bình tĩnh rõ ràng :

– Ở nhà theo cha, có chồng theo chồng, bắt đầu từ giờ phút này, thân thiếp là của nhà họ Lý, thiếp xem tất cả những công việc của công tử là công chuyện của thiếp, thiếp sẽ cùng công tử phước họa cùng hưởng, sanh tử giữ đồng.

Nàng đã dùng nghiêm từ mà nói chuyện, Đức Uy cũng phải đáp lại một cách đường hoàng :

– Đa tạ Tổ cô nương, Lý Đức Uy này trọn đời cảm kích.

Mẫn Tuệ chen vào :

– Không có cô nương, đại muội, biết chưa? Tổ thư thư là “đại muội” còn tiểu muội là “thứ muội”, “tiểu muội” chờ người khác.

Đức Uy và Thiên Hương cùng nhoẻn miệng cười.


Tiếng bước chân gấp rút và giọng trầm trọng của Lăng Phong bên ngoài làm cho mọi người giựt mình.

Cửa mở.

Lăng Phong mình đẫm mồ hôi, trên tay hắn bồng một người con gái: Tiểu Hỷ.

Máu từ mặt, từ trong người của Tiểu Hỷ nhuộm lây vào áo của Lăng Phong.

Đức Uy rúng động.

– Lăng huynh đệ.

Lăng Phong bước mạnh vào.

Quả không hổ mặt những kẻ phong trần, vướng víu một người trên tay nhưng bộ pháp của hắn không hề trở ngại. Hắn nói :

– Lý thiếu hiệp, lo cứu nàng đã.

Mẫn Tuệ bước tới đỡ lấy nàng.

Tội nghiệp cho cô gái, hồi đầu hôm vẫn còn bình yên tươi tắn, bây giờ rũ như tàu chuối héo, hơi thở mỏng mảnh như tơ.

Mẫn Tuệ bồng Tiểu Hỷ vào đặt lên phản, nàng đưa tay khám mạch và biến sắc :

– Thủ pháp mạnh lắm, thương thế nặng lắm.

Nàng buông uyển mạch đưa tay ấn ngay tâm mạch, vận công im lặng.

Đức Uy kéo Lăng Phong ra ngoài :

– Chuyện xảy ra làm sao?

Lăng Phong đáp :

– Vừa rồi, Hỷ Cô nương chạy đến Phân đường, nàng chỉ nói được năm tiếng: “đưa tôi gặp Lý gia” là ngã xuống bất tỉnh. Vân phân đường chủ sợ Thất Cách Cách thọ hại nên bảo cấp tốc đưa đến đây.

Đức Uy trầm ngâm một lúc và hỏi :

– Lăng huynh đệ, toà trang viện lớn ở Tây thành phải không?

Lăng Phong gật đầu :

– Vâng, ở phía tây thành.

Tổ Thiên Hương chạy ra gọi :

– Công tử, Hỷ cô nương đã tỉnh.

Hai người đi vào, thấy bàn tay Mẫn Tuệ vẫn còn giữ tại tâm mạch của nạn nhân.

Tiểu Hỷ mở mắt, mặt nàng trắng bệt, nàng nói thều thào :

– Lăng thiếu hiệp… tạ ân…

Đức Uy nói :

– Thương thế nặng lắm, không nên nói nhiều, chỉ nói điều cần thiết, có phải Thất Cách Cách thọ nạn không?

Tiểu Hỷ gật đầu, nước mắt nàng trào ra.

Đức Uy hỏi :

– Có phải đang ở tại tòa Trang viện phía tây thành?

Tiểu Hỷ ngạc nhiên :

– Sao… sao Lý gia… biết?

Đức Uy nói :

– Lăng huynh đệ đã theo đến đó. Bây giờ cô nương hãy rán tịnh dưỡng, bằng giá nào tôi cũng cứu Thất Cách Cách đem về.

Tiểu Hỷ lại trào nước mắt :

– Xin nhờ Lý gia… tỳ nữ… mệt… quá…

Đức Uy đưa tay bế huyệt đạo cho nàng và đứng lên :

– Nhị vị muội muội hãy cố chữa cho nàng, sau khi tôi đi rồi, Dương muội hãy bố trí “sanh khắc mai phục” chung quanh.

Mẫn Tuệ hỏi :

– Không để tiểu muội cùng đi tiếp ứng sao?

Đức Uy lắc đầu :

– Không được, vả lại nơi đây còn cần có Dương muội.

Mẫn Tuệ nói :

– Xin Lý ca phải hết sức cẩn thận, chắc chắn chúng mai phục chặt chẽ lắm.

Đức Uy nói :

– Tôi biết, không sao đâu, Lăng huynh đệ dẫn đường.

Ra khỏi Đô đốc phủ, Lăng Phong hỏi :

– Có nên về Phân đường gọi thêm mấy vị Đường chủ nữa không?

Đức Uy lắc đầu :

– Không cần lắm đâu, chỉ cần Lăng huynh đệ dẫn đường thôi.

Lăng Phong gật đầu lao mình đi trước.

* * * * *

Quả là một trang viện rộng lớn.

Từ trước đến sau gồm có ba gian chính, ngoài ra còn nhiều gian thấp hơn xen lẫn dọc từ tiền viện đến hậu viện, chính vì nhà hẹp nên trông sầm khuất.

Chung quanh tường cao khỏi đầu, khung cửa hai cánh chính đã đóng kín.

Bây giờ gần đến canh năm.

Không thấy ánh sáng bên trong, cũng không nghe có tiếng người.

Đức Uy đứng cách xa vòng tường chừng mười trượng nhìn vào chân tường tối om om và nói với Lăng Phong :

– Lăng huynh đệ hãy trở về.

Lăng Phong hỏi :

– Lý thiếu hiệp định vào tối hay vào sáng?

Là người giang hồ, câu hỏi đó có tánh cách hỏi vào bằng gọi cửa công khai hay bằng nhảy tường bí mật.

Đức Uy đáp :

– Chắc phải vào ngõ sáng, tòa trang viện này tôi có đến một lần rồi.

Lăng Phong ngơ ngác :

– Đã có đến rồi?

Đức Uy gật đầu :

– Không phải chỗ ở của Mãn Châu.

Lăng Phong lắc đầu :

– Không, tôi thấy rõ bọn chúng mà.

Đức Uy nói :

– Cũng có thể thay đổi chủ. Trước kia là người của Cúc Hoa đảo.

Lăng Phong cau mặt :

– Nếu thế thì Cúc Hoa đảo đã kết minh nhập bọn với Mãn Châu rồi.

Đức Uy gật đầu :

– Có thể.

Lăng Phong nói :

– Thôi tại hạ xin trở về.

Đức Uy gật đầu. Bóng Lăng Phong khuất đi trong đêm tối.

* * * * *

Ở một góc tối bên hông toà trang viện, có một giọng thanh niên vang lên :

– Lão gia liệu việc như thần, mọi việc sắp đặt sẵn như trong lòng bàn tay.

Giọng khàn khàn :

– Khỉ mốc, thần thánh cái con khỉ khô. Hồi còn nhỏ theo thầy ta cũng như chú, ta tưởng thầy ta là ông thánh, không hiểu tại sao chuyện chưa xảy ra mà lão đoán y như là thấy trước, ta phục lăn. Nhưng càng lớn càng già, ta thấy không có thánh thần gì hết, chú cứ làm theo ta, làm đúng theo ta thì chú cũng sẽ như ta. Có gì đâu, nắm cho chắc câu chuyện, biết cho rõ con người, hiểu cho tường tận địa thế, cần cho chắc chắn thì sự việc sắp xảy ra sẽ y như bày trước mắt, mười chuyện trật chừng một hai chuyện là cùng.

Lặng im một chút, lại nghe tiếng lão già :

– Nè, tiểu tử đó ta chịu hắn một chuyện là hắn thương kẻ nghèo khó và tốt với hạng đó lắm, gặp là hắn giúp đỡ hết mình, bằng vào một điểm đó không thôi, khi đến phút cần thiết, chú phụ với ta một tay để giúp hắn nghe.

Giọng gã thanh niên :

– Tự nhiên, nhưng tại làm sao lão gia lại không chịu ra mặt?


Giọng lão già :

– Hôm kia ta mời hắn đi xem vở kịch thật hay, cho đến bây giờ, hắn còn ấm a ấm ách trong bụng, hắn mò nát óc không biết ta là ai, mẹ họ, khoái không, hắn thông minh bực nhất nghe, nhiều việc ta cũng phải ngán hắn luôn, vậy mà chuyện này ta làm hắn tức bể bụng luôn, dại gì ra mặt, mẹ họ, chơi cú này vậy mà ngon lành.

Bây giờ lại có thêm giọng người con gái :

– Lão gia, thật vãn bối không hiểu lão gia làm chi kỳ cục vậy nữa? Đúng ra giúp người đàng hoàng có phải hơn không, núp núp lén lén làm gì cho người ta hồ nghi, có khi người ta còn chửi rủa nữa là khác.

Lão già nói :

– Cô bé không có biết, làm vậy không có khoái mà cũng không cần, ta ghét cái lối chường mặt chường mày, vòng tay thủ lễ đa tạ cảm kích lăng nhăng, khỉ mốc thêm mệt. Làm phải thì thôi, không cần danh, có lợi chút đỉnh thì được, nhưng chỉ cần cái lợi đừng tổn đức lắm thì thôi, danh làm cái con khỉ gì?

Cô gái nói :

– Vãn bối biết rồi, hỏng chừng vãn bối sẽ học lão gia luôn cái lối đó hay quá.

Lão già nói :

– Thôi, thôi đừng có cho ta leo cao, các người khác, ta khác, con người của ta đã lún xuống sình hơn nữa thân hình rồi, nói đến tên ta là thiên hạ phun nước miếng phèo phèo chớ bộ tốt lắm sao.

Lão vụt đổi giọng :

– Kìa im… hắn tới.

Hắn tới.

Đức Uy đưa tay nhưng chưa kịp gõ cửa thì có tiếng quát :

– Đứng im!

Tiếng quát phát trong bóng tối phía hổng tường và quay sau đó một người áo trắng bước ra.

Hắn là trung niên đại hán cao lớn và chỉ thấy cái áo thì biết ngay hắn là người Cúc Hoa đảo.

– Làm gì thế?

Tiếng quát khi nãy và tiếng hỏi bây giờ có vẻ khác nhau.

Tiếng quát dữ dằn, tiếng hỏi hoàn toàn hơn nhưng lạnh băng băng.

Đức Uy nói :

– Ta cứ cho rằng người trong điện đang còn ngủ, không ngờ bên ngoài lại có kẻ rình mò. Cũng hay, khỏi phải gõ cửa. Xin hiền vào báo cho một tiếng, “Trung Nguyên Bạch Y Khách” cầu kiến Hải Hoàng.

Tên áo trắng cau mày :

– Các hạ là Bạch Y Khách?

Đức Uy gật đầu :

– Đúng, các hạ có biết rồi sao?

Gã áo trắng chợt mỉm cười :

– Chuyến mua bán hôm trước của các hạ thật tài tình, luôn một người minh tinh như Trương sứ giả mà cũng phải sụp hầm luôn. Sao? Hôm nay lại tìm Hoàng gia của chúng ta để nói chuyện “mua bán” nữa đó chớ?

Đức Uy gật đầu :

– Đúng, muốn gặp Hải Hoàng để tính chuyện mua bán đây.

Gã áo trắng hỏi :

– Các hạ đang có chuyện mua bán giết người gì nữa?

Đức Uy nói :

– Các hạ chuyên nói oan cho người khác, chuyến mua bán vừa qua, Trương sứ giả đã chiếm phần hơn, chiếm trước. Nếu không có chuyện mua bán đó, làm gì Cúc Hoa đảo giữ được mối bang giao với Mãn Châu ngày nay? Vậy mà Trương sứ giả lại trao cho ta một sấp ngân phiến không bảo chứng, kể như thứ quăng giỏ rác. Cá hạ xem ai giết ai nè.

Gã áo trắng lắc đầu :

– Đừng nói với ta chuyện đó, ta chỉ là một tên tiểu tốt của Hoàng gia, nói chuyện đó với ta vô ích. Ta chỉ cần biết các hạ đến đây tính chuyện mua bán gì cứ nói ra đi.

Đức Uy lắc đầu :

– Tánh ta trực ngôn, xin lỗi nghe, cho phép nói thẳng, nếu quả như lời các hạ nói, nếu quả là “tiểu tốt” thì không thể nói chuyện vì nói cũng vô ích.

Gã áo trắng xám mặt :

– Nhưng hỏi cho biết chuyện mua bán gì thì được chớ?

Đức Uy lắc đầu :

– Xin lỗi, chuyến mua bán này phải gặp mặt Hải Hoàng mới được.

Gã áo trắng cười lạt :

– Vậy thì các hạ hãy theo ta vào yến kiến Hoàng gia.

Vừa nói hắn vừa đưa tay nắm lấy cổ tay phải của Lý Đức Uy.

Cách đưa tay nắm của hắn xem như dắt tay người bạn đi vào theo câu nói, nhưng thủ pháp của hắn thật nhanh và thật độc, năm ngón tay của hắn câu lại, chỉ cần đụng tới là vô phương vùng vẫy.

Đức Uy đứng yên chờ cho bàn tay hắn gần chạm sát da thì lật ngửa bàn tay lại và đưa ngược trở lên.

Năm ngón tay câu lại của gã áo trắng đơ ra như càng cua, cổ tay của hắn bị bàn tay của Đức Uy nắm cứng.

Nhưng chỉ nắm một cái rồi Đức Uy buông ra ngay, buông ra và nhìn gã áo trắng mỉm cười :

– Đã nói rồi, nếu là “tiểu tốt” thì không “nói chuyện” được thế mà các hạ không chịu tin cho. Vào thông báo giùm đi.

Gã áo trắng vò vò cổ tay và quay mình bước ngay lại cửa, tay hắn cho vào lưng, hắn làm thật nhanh nhưng Đức Uy ngó thấy, hắn ném một bông cúc bằng kim khí sáng chong vào phía bên trong.

Tiếng chân người tiếp theo đó rập rồn…

Hai cánh cửa hé mở.

Một gã áo trắng ốm cao hất nghiêng đầu vào trong :

– Theo ta.

Hắn quay bước trở vào.

Đã đến hang cọp, đã quyết vào hang cọp thì không thể trù trừ, Đức Uy bước mạnh theo sau.

Qua khỏi dãy hành lang không một bóng người, Gã áo trắng đi nhanh.

Hắn lách mình vào một khung cửa bên trái và quay trở ra ngay.

Khi vào một mình, khi ra thêm hai người nữa. Hai tên đi sau hắn dáng sắc trầm ngâm, trên ngực áo có tới hai đóa hoa cúc trắng.

Đức Uy biết ngay, đó là dấu hiệu cao trong hàng ngũ chúng.

Gã áo trắng dẫn đường chỉ hai tên sau nói với Đức Uy :

– Đây là Nhị vị trong “Thập tiên phong” của Hoàng gia, các hạ có thể nói chuyện được rồi.

Đức Uy lạnh lùng :

– Ta cần gặp Hải Hoàng.

Tên dẫn đường đứng nép vào trong, hai tên “Tiên phong” đứng gạt ra đối diện với Lý Đức Uy thành thế “tam phân đỉnh túc”.

Một trong hai tên hất mặt vào trong :

– Vào đi.

Đức Uy bước lên, chỉ hai bước là tới sát hai tên đó.

Họ đứng yên bất động.

Hai bên là vách tường, chính giữa là dãy hành lang rộng, có thể lách tránh bên sau bất cứ tên nào để đi vô, nhưng cách đứng của họ cốt để cho Đức Uy đi vào giữa.

Đó là một cách mời.

Người khách không thể đi ngõ khác hơn.

Thêm một bước nữa là cả ba người đối diện.

Hai tên “Tiên phong” vẫn đứng yên.

Họ đứng yên nhưng Đức Uy biết họ sẽ động ngay sau đó.

Hắn ung dung bước tới, hắn bước qua mặt họ.

Quả nhiên, họ ra tay một lượt. Cả hai đều dùng tay phải, hai bàn tay xòe tụm lại đâm thẳng vào hai bên hông của Lý Đức Uy.

Tự nhiên là họ cử động thật nhanh, nhưng cái đáng sợ là họ đã được huấn luyện kỹ càng, luyện tập thuần phục.

Thế đâm đó thật nhanh, nhưng lợi hại không phải thế đó, vì họ còn lại hai tay và trong khi đứng gần có tánh cách “nhập nội” như thế, Lý Đức Uy hoàn toàn bất lợi.

Đức Uy kéo nhẹ hai tay ra phía sau, thế đâm của hai tên đó thật là dễ đỡ, chỉ cần kéo hơi cánh tay ra sau là gạt được ngay cả hai tay của họ, nhưng không phải thế đánh đó, đã bảo nó không phải là nguy hiểm vì họ còn hai tay nữa…

Đức Uy vừa hất hai tay ra sau thì hai tay còn lại của họ nhoáng lên, bây giờ hai bàn tay đó có hai mảnh thép: hai ngọn chủy thủ.

Một phía trước mặt, một phía sau lưng và hai bàn tay đang xòe ra đâm vào hông Đức Uy vẫn còn trong thế tấn công.

Như vậy, coi như Đức Uy bị tấn công bốn mặt.

Hai mũi thép, hai bàn tay chĩa vô một lượt nhưng… Đức Uy biến mất.

Khi nhận ra hai mũi thép và hai bàn tay của mình đâm vào không khí thì họ mới phát giác ra Đức Uy đang ở dưới chân và chỉ kịp pháp giác ra như thế thôi chớ không kịp hành động vì cả hai vụt ngồi xuống theo. Không, không phải mà là sụm, họ sụm xuống và họ lết vào tường.

Hai chân của họ vẫn còn y nhưng bất động. Trọng huyệt trên đầu gối đã bị gõ thì kể như chỉ có còn nước… lết.

Đức Uy đi thẳng vào trong.

Mút dãy hành lang là một khoảng trống, giống như những khoảng trống giữa những gã tư, nhưng đây không phải ngã tư vì chung quanh có rất nhiều ngõ ngách.

Đức Uy nhìn thật nhanh, và đi ngay vào ngã rộng, có thể ngã đó dẫn vào đại sảnh.

Hắn bước đi không quay mặt lại nhưng hắn vẫn thấy tám bóng người vừa thóang ra khoảng trống sau lưng.

Hồi nãy có hai bây giờ thêm tám, đúng là “Thập tiên phong”.

Nhưng Đức Uy không kịp nghĩ gì thêm, vì từ phía sau tám ngọn chưởng phong ập tới.

Không tránh tạt xa mà cũng không vung tay chống lạ, Đức Uy chỉ nhích mình trong nửa bước, thân hình hắn hơi uốn qua uốn lại, hắn đã tránh thật đúng vào những kẽ hở của tám ngọn chưởng phong, những luồng chưởng lực vuột tuốt về phía trước.

Đức Uy vùng quay phắt lại cau mặt :

– Chẳng lẽ người của Cúc Hoa đảo chỉ biết ăn trộm như thế không sao?

Tám tên “Thập tiên phong” hằm hằm lướt tới :

– Dừng lại, đừng làm mất thể diện Hoàng gia!

Tám tên “Thập tiên phong” giạt ra hai bên tường trong tư thế đứng nghiêm.

Từ phía khoảng trống khi nãy đứng sừng sững một lão già cao lớn, Đức Uy là con người tầm thước, thế mà lão ta còn cao, có lẽ hơn một cái đầu. Mặt lão đỏ như gấc chín, phối hợp với vóc người dình dàng trong uy mãnh lạ lùng.

Nhìn vào ba bông cúc trắng trên ngực áo của lão, không hỏi cũng biết lão ta hơn “Thập tiên phong” một cấp.

Đức Uy lên tiếng trước :

– Chắc chắn là một trong “Thập tướng quân”, vậy xin thông báo dùm rằng có Trung Nguyên Bạch Y Khách xin cầu kiến Hải Hoàng.

Lão già mặt đỏ mở tròn đôi mắt :

– Các hạ là Trung Nguyên Bạch Y Khách?

Đức Uy gật đầu :

– Vâng, chính là tại hạ.

Lão già mặt đỏ gằn giọng :

– Cách mấy hôm trước đây, dẫn dụ lão áo vàng vào làm kinh động Hải Hoàng gia cũng chính là các hạ.

Biết lão hỏi vụ tên chủ nhân của Lệ Tam Tuyệt mà mình lừa vào hôm nọ, Đức Uy mỉm cườI :


– Xin, bận quá thành ra không có thì giờ, kích nhờ quý vị giúp cho một tay nhưng cũng đâu có gì là nhọc lắm?

Lão già mặt đỏ cười gằn :

– Trước hại Trương sứ giả, sao dẫn người khuấy rối hành dinh của Hoàng gia, ngươi đã làm cho Hoàng gia giận dữ. Người đã cho tìm kiếm ngươi mà không gặp, hôm nay quả là ngươi tới số.

Cùng một lượt với câu nói, lão ta lướt tới, công lực quả đáng kính vì trong mấy bước đi của lão, kình phong cuốn theo như cơn trốt.

Đức Uy đứng yên một chỗ :

– Ta đến đây là khách, các hạ đã không dành cơ hội cho ta nói chuyện mà đã muốn động thủ rồi, cương vị chủ nhân có như thế hay sao?

Hắn cười cười nói luôn :

– Nhứt là khách chỉ có mỗi một mình mà chủ thì lại đến mười, không biết Cúc Hoa đảo có biết không, chớ ở Trung Nguyên người ta có câu nói hay lắm đó, người ta gọi đó là “chó cậy nhà, gà cậy vườn” đấy.

Quả thật, bên sau lão già có đủ mười người của “Thập tướng quân”.

Lão già mặt đỏ chợt nghe nóng mặt, lão quay lại quát :

– Lạc nhị đệ, hãy trao binh khí cho ta.

Nhiều tiếng thép khua rổn rảng, một cây đao cán dài từ trong được phóng ra và lão già mặt đỏ đưa tay đón bắt dộng ngược cán đao làm cho những vòng thép trên cán khua nghe điếc óc.

Bằng vào một bộ mặt đỏ rần của lão già với cây “Thanh Long đao” vừa được phóng ra, Đức Uy bỗng nhớ đến một người, đó là nhân vật oai hùng đời Tam Quốc: “Đệ nhứt tướng quân” Quan Vân Trường.

Không biết mặt nhưng có thấy hình, bất cứ ai nhìn vào vóc dáng, bộ mặt, binh khí và tư thế của lão già mặt đỏ, người cầm đầu “Thập tướng quân” này cũng đều có thể hình dung Quân Vân Trường thuở trước.

Chỉ có điều Quan Vân Trường khi xưa đã theo Lưu Bị lập nên chiến công hiển hách cho nhà Hán, còn lão già mặt đỏ này thì lại là một “tướng quân” của tên “vua cướp biển” Hải Hoàng, mà chúng tôn xưng là “Hải Hoàng gia”.

Đức Uy nhướng mắt :

– Sao? Bây giờ tiếp khách đó à?

Hắn cho tay vào lưng rút phắt thanh “Ngư Trường kiếm” và ngay khi đó bên ngoài vụt có tiêng kêu thảng thốt :

– Ngư Trường kiếm!

Vừa thấy thanh kiếm, vừa nghe tiếng kêu, lão già mặt đỏ rùng mình bất giác lão lui ra sau một bước…

Lão quắc mắt hỏi Lý Đức Uy :

– Ngươi là gì của “Ngân Bài lệnh chủ” Bố Y Hầu?

Đức Uy gằn từng tiếng :

– Chuyện đó các hạ không cần biết. Ta, Trung Nguyên Bạch Y Khách đến đây để gặp Hải Hoàng bàn chuyện buôn bán nếu các hạ muốn cản thì cứ tự nhiên.

Thanh đại đao nhoáng lên lập tức.

Côn, trượng hay đại đao, có lẽ ai cũng quen dùng trong một chiêu đầu với thế “Hoành Tảo Thiên Quân”, lão già mặt đỏ, cũng thế, chiêu đầu của lão quét cuốn ngang hông của Đức Uy.

Lão là con người cao lớn, cánh tay của lão to như bắp chuối, thêm đà đao đi ngang rất mạnh, cho dầu ai đó cầm trong tay món binh khí nặng cũng không dại gì đỡ theo lối “đương đầu”, vì như thế người đỡ bị vào thế hạ phong.

Nhưng hình như Đức Uy muốn thử qua nội lực, hắn nhích chân trái ra sau nửa bước, thân mình nghiêng theo bên trái và chỉ thẳng mũi kiếm ngay hướng mũi đao…

Lửa vụt lóe lên như lò rèn đang thổi, lão già mặt đỏ khi tung chiêu đầu đã có hơi xuống tấn, chân lão vận đủ mười thành công lực thế nhưng thanh đao quá nặng lại bị dội ngược thành ra lão gượng không nổi phải lui luôn ba bước…

Đức Uy vẫn đứng yên, nhưng riêng hắn, hắn biết rõ hổ khẩu của mình đã đỏ lên vì chịu vào sức dội kinh hồn.

Đã biết sức đối phương, đã biết sự lợi hại của thanh đao nặng Đức Uy không chờ cho lão già mặt đỏ lui hết trớn, lão mới vừa lui hơn một bước thì cả người lẫn kiếm của Đức Uy đã sát bên mình lão.

Trớn dội quá mạnh, lão già mặt đỏ còn phải bị trớn đẩy hơn một bước nữa và như thế là nếu không chết cũng phải trọng thương vì thanh cổ kiếm trong tay của Đức Uy đã sát bên mình.

Đám huynh đệ của lão đứng ngoài cùng rú lên một lượt, nhưng không ai làm sao cứu kịp vì mũi kiếm đã sát rồi.

Thế nhưng tay của Đức Uy dừng ngay lại, dừng ngay khi mũi kiếm vừa ghim vào tới áo chớ chưa chạm tới da, hắn nói thật chậm :

– Được chưa? Như thế là “chủ khách” đã phải lễ rồi đó.

“Sức mạnh, thân pháp thật nhanh, nhanh hơn đối thủ và món binh khí chém sắt như bùn” – Hội đủ ba yếu tố đó là thắng, không phải thắng một người, mà có thể thắng cả một cuộc bao vây.

Trong trường hợp này, trong trường hợp đối diện là “Thập đại tướng quân” của Hải Hoàng. Đức Uy đã hội đủ ba yếu tố tất thắng đó.

Và hắn lui ra sau hai bước, đứng im.

Lão già mặt đỏ chống cán đao trở xuống y như tư thế cũ, da mặt đỏ rần của lão xạm xuống tím bầm.

Và thình lình, cán đao vụt bật lên, bật về hướng Đức Uy.

Cán đao bật lên vẫn có thể là thế đánh, nhưng sát thủ không phải nơi cán đoa, sát thủ vẫn là ở lưỡi đao.

Vì khi cán đao bật lên thì chân phải của lão già cũng nhích tới và như thế là lưỡi đao cuốn theo – lưỡi đao cuốn theo thế bật của cán đoa, nghĩa là từ dưới cuốn lên. Đó là thế tối hậu của Quân Vân Trường thuở trước, bằng vào thế đó ông ta đã chém Huê Hùng bọt nước chưa tan, ở Tru Văn Xủ trảm Nhan Lương để tạ ơn Tào tại thành Bạch Mã – nói là thế tối hậu không có nghĩa là thế sau cùng đối với người sử dụng, tối hậu ở đây có nghĩa là đối với người bị tiếp thanh đao. “Tối hậu” có nghĩa là khi thấy đường đao đó, người tiếp thanh đao không còn nữa!

Huê Hùng, Văn Xủ và Nhan Lương thấy được đường đao hiểm ác đó, nhưng chỉ thấy hơn phân nửa vì khi cán đao bật lên thì họ không còn cảm giác.

Quan Vân Trường trong thời Tam Quốc, về võ dõng còn kém nhiều người, nhưng vẫn nổi danh nhờ vào đường đao đó.

Nếu chỉ kể cho người khác nghe, chỉ hình dung thế đao qua lời nói, có lẽ nó sẽ tầm thường, nhưng có ai thấy – mà đâu có ai thấy hết đường đao, vì mới thấy phân nửa là đã chết rồi – chỉ có những người ấy mới biết được cái lợi hại của đường đao đó.

Cái cán đao đang dộng xuống đất – cái cán đao bật lên xéo về hướng địch – có thể làm cho địch hết hồn và tránh đỡ, cái đó không cần thiết vì kế đó là lưỡi đao – cuốn theo cuốn từ dưới lên trên.

Đó, thế đao của Quan Vân Trường chém Huê Hùng, Tru Văn Xủ, trảm Nhan Lương là như thế đó. Có phải nghe nó tầm thường không? Thế nhưng nó không tầm thường chút nào cả, vì thế nên nó mới được gọi đường đao tối hậu – dầu chỉ mới đánh một chiêu đầu cũng gọi là tối hậu – vì người “thấy” đường đao ấy chỉ còn thấy một cái chớp “tối hậu”.

Lão già mặt đỏ trong “Thập đại tướng quân” của Hải Hoàng gia Cúc Hoa đảo đánh đường đao tối hậu của Quan Vân Trường có lẽ trước hết lão có tướng mạo giống Quan Vân Trường, kế đó là lão học võ, chính lão soi gương ngó thấy hoặc có người cho lão biết là lão giống Quan Vân Trường cho nên sau đó, lão chọn món binh khí “Thanh Long Yến Nguyệt đao”, thứ binh khí của Quan Vân Trường dùng thuở trước và lão phải cố gắng hết sức để học cho kỳ được đường đao “tối hậu”, chỉ có điều lão sử dụng nó đúng mức hay không thì không ai biết, vì đâu ai thấy Quan Vân Trường sử dụng lần nào?

Người ta chỉ biết trong hàng võ lâm đương thời ngán đường đao đó lắm người ta ngán thực tài của lão mặt đỏ cũng có, mà ngán vì đó là đường đao đã chém Huê Hùng, Tru Vân Xủ, Trảm Nhan Lương cũng có.

Có lẽ lão già mặt đỏ cũng có thực tài, vì nếu không, làm sao lão được làm “đại ca” trong “Thập đại tướng quân”.

Bây giờ, không ai thấy được cái hay, vì lưỡi đao sáng quá, khi vung lên ánh thép loáng ngời chóa mắt, đứng ngoài không ai nhìn kịp thế đao đi thế nào, cũng không ai thấy thế đối kháng của Đức Uy ra sao vì khi ánh thép nhoáng lên là thân hình hắn cũng nhoáng lên, thanh Ngư Trường kiếm trong tay hắn cũng nhoáng lên..

Lần này thì không nghe tiếng thép chạm nhau, không thấy tia lửa bắn ra như lúc nãy, người ta chỉ thấy hai ánh thép, một bóng người nhoáng lên rồi tắt ngấm, tắt cùng một lượt.

Đức Uy bồng kiếm đứng thẳng người nhìn chăm về phía địch, lão già mặt đỏ chống cán đao thụt lui liên tiếp, tay trái bụm lấy vai bên phải, máu bựt rịn ra theo mấy kẽ tay!

Trận đấu kết thúc.

Truyền đến đời của lão già mặt đỏ này, đường đao “thiên cổ” của Quan Vân Trường không còn là đường đao “tối hậu”.

Một lão già khoảng sáu mươi trên dưới phải dùng hình dung từ cây tre miễu mới tả đúng được vóc người của lão. Ốm cao, xương nhiều, thịt quá ít, gần như chỉ có da bao lấy hình xương, đặc điểm thứ hai của lão gì này là bộ mặt ngựa, mắt tròn mà quá nhỏ, mày rậm nhưng lại quá ngắn, lỗ mũi không lớn lắm nhưng hai cái lỗ “không dám đi nữa” trong dị hợm vô cùng.

Không biết lão có mặt hồi nào, vì người ta đang bận theo dõi trận đấu của lão già mặt đỏ và Đức Uy, nhưng khi chiến trận đã có máu, khi không khí đang lắng lại thì người ta nghe có lão.

Dùng tiếng “nghe” mà không dùng tiếng “thấy” là tại vì trước khi “thấy” lão, người ta đã “nghe” hơi lạnh bộ mặt như người chết của lão làm cho không khí dãy hành lang của tòa trang viện rộng lớn vụt lạnh như đông giá.

Trên ngực của lão có bốn bông cúc trắng.

Tia mắt của lão bắn thẳng vào mắt của Đức Uy, người ta cảm thấy khoảng giữa lão và Đức Uy làm như có những tia chớp chớp, vì tia mắt của Đức Uy cũng bắn đúng ngay vào tia mắt của lão.

Hai người đứng im như kẻ câm.

Có lẽ họ chào nhau bằng mắt.

Không biết qua như thế bao lâu, vì những kẻ có mặt bận bàng hoàng vì trận đấu vừa rồi, bàng hoàng vì bốn tia bắn vào nhau tóe những tia chớp nhoáng sau đó, người ta nghe tiếng lão già :

– Khá, thật khá!

Lão ngưng thêm một chút nữa nói tiếp :

– Khắp thiên hạ hiện nay, chưa ai dám nhìn thẳng vào mắt ta mà không chớp mắt, ngươi khá lắm xứng đáng người cầm thanh Ngư Trường kiếm. Tên gì?

Giọng nói và câu hỏi thật trịch thượng.

Không sao, lão đã lớn tuổi mà có lẽ cũng là kẻ đầu đàn của Cúc Hoa đảo, lão có trịch thương một chút cũng không sao.

Đức Uy hỏi lại :

– Có phải Hải Hoàng của Cúc Hoa đảo đó không?

Lão già rắn giọng :

– Không, “Hữu thừa tướng” Thiềm Đài Vô Úy.

Đã có “Thập tiên phong”, rồi “Thập tướng quân”, bây giờ “Hữu thừa tướng”; đã có “hữu” tự nhiên là có “tả”, như vậy là đủ rồi. Kẻ ngồi chót vót là Hải Hoàng gia. Thảo nào họ không coi Cúc Hoa đảo là một giang sơn.

Đức Uy lạnh lùng.

– Không phải Hải Hoàng thì không xứng để biết tên ta.

Thiềm Đài Vô Úy xám mặt ngay, lão nhích lên một bước.

Thập đại tướng quân cúi rạp mình thụt lùi lại phía sau.

Đức Uy đứng yên một chỗ, mặt không đổi sắc.

Không phải chí khí bất phục không mà được, muốn trấn tĩnh trước địch hung ác, mạnh bạo hung ác, mạnh bạo như thế, còn cần phải có nhiều nội lực, nội lực không cũng đủ, vì nếu gặp kẻ có nội lực cao hơn là phải thối lui, vì thế, có thể trấn tĩnh trước bất cứ một địch thủ nào đều phải có đủ ba điều: nội lực, chí bất khuất và con đường phải của mình. Thiếu một trong ba cái đó, đến một mức cần thiết là phải thối lui.

Đức Uy đứng vững trong trường hợp này là hắn đạt đủ ba yếu tố.

Thiềm Đài Vô Úy cười nhạt :

– Tuổi trẻ, tuổi trẻ thường ngông cuồng như thế ấy, các hạ cho dầu “Ngân Bài lệnh chủ” Bố Y Hầu đúng trước mặt ta cũng không dám vô lễ như thế ấy, biết chưa.

Đó là câu nói “phủ đầu”.

Đem người trưởng thượng ra để so sánh với mình, Thiềm Đài Vô Úy cố ý làm Đức Uy núng thế. Đức Uy trả miếng ngay :

– Cứ theo ta biết, “Lệnh chủ” vốn là người nhân hậu, chính trực, vì thế, gặp một con người chính trực, dầu kẻ ấy là phu xe, hành khất thì người vẫn khiêm cung hữu lễ.

Thiềm Đài Vô Úy gặn lại :

– Nghĩa là ta không đủ tư cách chính trực?

Đức Uy đáp :

– Những kẻ dựa vào thế mạnh quên cội quên nguồn, bán thân làm tôi cho kẻ ngoại xâm, không đủ tư cách bàn về chánh trực.

Thiềm Đài Vô Úy quát lớn :

– Muốn chết!

Lão nhấc tay lên, nhưng rồi lại bỏ xuống ngay. Bàn tay lớn và đen màu đen kỳ lạ.

Lão nói :

– Để cho ngươi sống thêm vài phút. Ngươi khinh lờn Sứ giả của bản đảo, sau đó dẫn người nhiễu loạn ngự giá của Hoàng gia bâ? giờ lại đột nhập hành cung, ý ngươi muốn gì, nói!

Đức Uy điềm đạm :

– Chuyện buôn bán giữa ta và Trương Cửu Tôn người khác không biết còn chỗ khoan dung, các hạ mệnh danh là “Tướng quốc” mà lại không biết thì thật là quả hồ đồ.

Cúc Hoa đảo bỏ tiền ra mua một Công tử Hoàng tộc Mãn Châu để được kết thân với Mãn Châu như ngày nay, thế mà lại lừa người bán bằng trao ngân phiếu không đổi được, như thế ai đã lừa ai?

Thiềm Đài Vô Úy đáp :

– Ngươi muốn nói như thế thôi, không ai mua bán mà để cho lỗ vốn, mục đích của ngươi như thế nào, ngươi biết, ta cũng biết.

Đức Uy cười :

– Khá lắm, kể như thế quả đáng được làm “Tướng quốc” cho Hải Hoàng.

Thiềm Đài Vô Úy cười gằn :

– Biết thế là tốt, nói rõ ý ngươi đến đây đi.

Đức Uy đáp :

– Các hạ biết ta là người buôn bán thì cần gì phải hỏi?

Thiềm Đài Vô Úy cau mặt :

– Sao? Ngươi đến đây cũng để bàn chuyện mua bán nữa à?

Đức Uy gật đầu :

– Đúng, nhưng nếu các ngươi sợ quá không dám mua bán nữa thì thôi…

Hai bàn tay của Thiềm Đài Vô Úy run lên vì tức giận.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.