Cổ Đại Khó Kiếm Cơm

Chương 40


Đọc truyện Cổ Đại Khó Kiếm Cơm – Chương 40

Ai cũng nói trẻ con chỉ sợ không sinh, sinh rồi không lo nuôi, chỉ sợ sinh khó, chứ đã sinh hạ bình an rồi sẽ lớn.

Thẩm Hiệp lúc mới sinh ra đến giờ lớn nhanh như thổi, Thẩm Hi thấy thằng bé mỗi ngày một dạng, an tĩnh nhưng hiếu động, tay chân mềm nhũn giờ đã cứng cáp, mới bốn tháng đã biết lẫy, không chịu nằm yên một lúc nào. Nàng sợ con trai bị tàn tật bẩm sinh di truyền từ người mù, vẫn luôn chú ý nhưng may mắn thằng bé hết thảy không sao, bộ dạng kháu khỉnh khỏe mạnh, đôi mắt tròn xoe luôn nhìn theo mẹ, lỗ tai rất thính, về phần cổ họng, tuy mỗi lần Thẩm Hiệp khóc không to nhưng tuyệt đối nghe ra được mấy tiếng ê a.

Nàng biết con trai khỏe mạnh bình thường, tất nhiên là rất vui vẻ. Tuy vậy Thẩm Hi vẫn lo lắng số tiền ngày một vơi đi, chỉ sợ đến ngày nào đó sẽ thiếu tiền sinh hoạt.

Nuôi con tốn tiền, đặc biệt là Thẩm Hi đợi hai đời mới có một mụn con, luôn muốn những thứ tốt nhất cho nó, đồ ăn mặc của con trai đều là hàng tốt, giá cả không thấp. Giờ con trai còn nhỏ thì chưa tốn bao nhiêu, nhưng sau này nếu nó lớn lên tất nhiên sẽ tốn kém thêm nhiều khoản, nàng không thể không kiếm tiền.

Nàng vắt óc suy nghĩ cách thuận cả đôi đường, vừa có thời gian nuôi con vừa kiếm được tiền, không thể quá bận rộn. Thẩm Hi nghĩ chuyện này hơn 2 tháng, cho đến khi vào tháng 10 mới có ý tưởng.


Hôm đó nàng muốn ăn hải sản, bèn mặc thêm áo dày, quấn khăng quàng cổ, cõng Thẩm Hiệp đi ra bờ biển nhặt hải sản. Trời lạnh nên nhiều loài hải sản trốn đi những chỗ ấm áp, chỉ có mấy loài sò hến với cá nhỏ vẫn ở cạnh bờ. Thẩm Hi đi dọc theo bãi cát, nhặt được không ít ò hến với ốc nhỏ. Nàng nhìn nhìn những vỏ sò có hoa văn đẹp đẽ, chợt nhớ đến lúc nàng ở hiện đại có đi du lịch biển, rất nhiều cửa hàng lưu niệm bày bán đồ lưu niệm, vật trang trí làm bằng vỏ sò rất đẹp, nàng cũng mua khá nhiều về tặng cho bạn bè. Không bằng bây giờ nàng tận dụng nguyên liệu có sẵn mà làm thử xem có được không.

Ở đây không thiếu đồ vật làm từ vỏ sò, Thượng Ngư thôn có, Thất Lí Phổ cũng có, nhưng chỉ giới hạn ở 2 phương diện, một là làm trang sức, vòng đeo tay, vòng cổ…, hai là khảm vào đồ gia dụng, như bàn ghế, giường tủ… để trang trí. Còn làm thành đò thủ công mĩ nghệ như đời sau thì chưa ai làm, kể cả mấy thứ đồ nhỏ nhỏ như chó mèo các loại nầng cũng chưa thấy qua.

Nghĩ là làm, Thẩm Hi nhặt một ít vỏ sò với ốc biển có vỏ ngoài rực rỡ mang về, có mấy loại sò biển có vỏ rất đẹp, hương vị rất được.

Về đến nhà, Thẩm Hi đổ hết sò ốc vào luộc, cạy hết thịt trong vỏ rồi rửa sạch, đợi chúng ráo nước nàng mang hết lên bàn, ngắm nghía xem nếu ghép số vỏ này lại sẽ ra được hình thù gì, hình dung cách ghép chúng lại với nhau ra sao.

Đồ thủ công mĩ nghệ ở đời sau đều dùng keo công nghiệp hoặc nhựa để kết dính, ở đây cũng có loại keo tương tự, được dùng trong nghề mộc nhưng không biết có thể dùng để dán vỏ sò hay không. Hôm sau nàng nhờ Trương đại lang mua giúp một hũ keo, rồi mang về nhỏ thử lên một mảnh vỏ sò, sau đó đè tiếp một mảnh khác lên trên, một lúc sau keo khô, nàng thử tách hai cái vỏ sò ra, thấy chúng đã dính chặt với nhau.


Đã có chất kết dính, Thẩm Hi bắt tay vào làm thử một thứ trước, nàng nhớ lại hình dáng kiếp trước đã thấy qua, vẽ ra mấy thứ, sau đó lấy bút lông chấm keo lên vỏ sò, dính chúng lại với nhau, cố gắng tạo hình đồ vật. Tiếc là nàng lăn lộn nửa ngày vẫn không thành công, món đồ làm ra quả thực giống con Tứ bất tượng.

Lần này Thẩm Hi rút kinh nghiệm, nguyên liệu không chỉ dùng vỏ sò mà còn thêm vỏ ốc, kích cỡ không đồng đều mà có lớn có nhỏ, như vậy dễ tạo hình hơn là chỉ dùng rặt một loại vỏ sò lớn. Đồ vật làm khá thành công, ít nhất đã nhìn ra hình dạng ban đầu, nhưng vẫn còn xiêu vẹo. Thẩm Hi làm đến cái thứ tư mới coi là tạm được, là một con chó nhỏ đáng yêu, nó ngồi dưới đất, chân trước đặt lên một quả bóng nhỏ, là một viên sỏi tròn tròn trước đây Thẩm Hi nhặt được. Thẩm Hi tìm một mảnh đá nhẵn nhụi bằng phẳng làm đế, đồ thủ công nàng đã thành hình chú chó đang ngồi dưới đất chơi bóng.

Đặt con chó nhỏ sang một bên, Thẩm Hi nhìn kĩ lại, cảm thấy dù đồ nàng làm hơi thô ráp, không tinh tế xinh đẹp như đồ bán trong cửa hàng lưu niệm nhưng ở đây không có đồ như vậy, chắc vẫn sẽ bán được một cái giá tốt. Nghĩ tới bạc sắp vào túi, Thẩm Hi chăm chỉ vô cùng, mấy hôm sau nàng luôn ra bờ biển nhặt vỏ sò vỏ ốc, làm được thêm một con chim mỏ đỏ, một con công xòe đuôi, làm xong mấy thứ này hũ keo đã hết sạch.

Đồ làm xong cần có chỗ tiêu thụ, Thẩm Hi nghĩ những thành trấn gần đây đều là nơi duyên hải, mọi người đã quen thuộc với đồ mĩ nghệ làm từ vỏ sò, chắc không bán được giá tốt, hơn nữa nàng không muốn trở lại Tlp, chi bằng đi chỗ xa hơn thử xem sao.


Nàng quyết định xong, định làm thêm mấy thứ nữa nên lại nhờ Trương đại lang mua giúp thêm một hũ keo, thời gian sau nàng làm thêm được hai con chó nhỏ, hai con dê với một con mèo, ít keo còn sót dưới đáy hũ thì nàng vét ra dính được một con lợn béo tròn nho nhỏ nữa. Dùng hết keo xong Thẩm Hi không định làm tiếp nữa, để mấy thứ đồ đã làm được ra hong gió mấy ngày cho hết mùi keo rồi mới gói kĩ từng con lại, sau đó cho hết vào trong túi vải.

Về phần bán ra sao, đi chỗ nào bán nàng đã nghĩ xong, hôm qua nàng nhờ một người có việc đi lên Thất Lí Phổ gọi hộ nàng một chiếc xe ngựa về, sau đó gói ghém ít quần áo, tã vải của Thẩm Hiệp rồi hai mẹ con khăn gói lên xe đi đến Khoan thành.

Khoan thành là một thành trấn quy mô khá lớn, rộng hơn nhiều so với Tlp, cách Thượng Ngư thôn khá xa, nàng nghe người xa phu miêu tả, đoán chừng quy mô của Khoan thành có lẽ ngang với một thị trấn ở hiện đại. Thẩm Hi chỉ đánh giá sơ qua, vì cách phân chia địa vực, quy mô dân cư ở đây khác biệt so với hiện đại. Nàng ngồi xe ngựa xóc nảy gần một ngày rốt cuộc đến trời chiều mới đi đến Khoan thành, Lý đại gia đánh xe đã lâu năm, dẫn Thẩm Hi tới trước một khách điếm quen, để Thẩm Hi xuống xe xong vào thẳng khách điếm.

Khách điếm này khá lớn, nghe Lý đại gia nói là thương hiệu lâu đời, giá cả tốt. Khách điếm chia phòng không khác gì trong phim cổ trang, có ba loại phòng là Thiên, địa và nhân, phòng chữ Thiên giá mỗi đêm 1 lượng bạc, phòng chữ Địa 500 văn, còn phòng chữ Nhân rẻ nhất, 100 văn 1 đêm. Thẩm Hi xem trước phòng chữ Nhân, phát hiện cả dãy phòng ở phía sau khách điếm, khá âm u ẩm ướt, căn phòng nhỏ hẹp, không có đồ dư thừa gì ngoài một cái giường với cái tủ nhỏ. Tuy nàng không mang nhiều tiền lắm nhưng sợ buổi tối ướt lạnh làm Thẩm Hiệp dễ ốm nên nói với hỏa kế dẫn nàng đi chỗ phòng chữ Nhân. Thái độ phục vụ của tiểu nhị khách điếm khá tốt, thấy nàng có con nhỏ nên xách lên cho một thùng nước ấm, nói trong khách điếm có lò sưởi, nếu cần hơ tã thì sẽ mang lên phòng cho nàng 1 cái. Thẩm Hi thầm bội phục, khách điếm này có thể làm ăn được lâu vậy xem ra không phải hạng xoàng.

Nàng đặt số hàng mĩ nghệ mang đến vào ngăn tủ, rửa mặt rồi cho con bú xong mới bảo tiểu nhị bưng thức ăn lên phòng, nhân tiện hỏi thăm chỗ nào có thể bán đồ mình mang đến. Tiểu nhị nhận lấy 10 văn tiền của Thẩm Hi, cặn kẽ nói cho nàng có một dãy phố trong thành gọi là Thập Hương phường có thể bán đồ, thường thì người từ bên ngoài tới hay đến đó mua sắm. Còn có một chỗ nữa gọi là Tuyên Bình phố, trong đó toàn là hàng hóa buôn bán đến từ khắp nơi, ngay cả hàng hóa Tây Vực hay hải ngoại đều có, nhưng nơi đó cái gì cũng đắt, người bình thường không thể mua được.

Thẩm Hi nghĩ đồ của mình nếu mang đến Thập Hương phường chỉ sợ không bán được giá cao, chi bằng đến Tuyên Bình phố bán thử trước xem. Nàng ăn cơm xong, ru con ngủ sớm rồi đi ngủ theo.


Sáng hôm sau Thẩm Hi rửa mặt, ăn sáng rồi đổi bộ quần áo khác tươm tất hơn, mặc kĩ áo ấm cho Thẩm Hiệp rồi cõng thằng bé lên lưng, hai mẹ con đi đến Tuyên Bình phố. Đến nơi nàng sửng sốt, hai bên đường cửa hàng san sát, không có một sạp hàng vỉa hè, nàng hỏi thăm một người đi qua mới biết được ở Khoan thành không được tùy tiện bày sạp bán hàng, chỉ có thể bày hàng ở chỗ Thập Hương Phường mà quan phủ đã chỉ định sẵn, nếu không sẽ bị tịch thu hàng hóa.

Thẩm Hi thất vọng, đành xách đồ đi đến Thp. Nơi này quy mô giống chợ nông sản ở hiện đại, bên trong bày biện từng dãy hàng hóa rất chỉnh tề, người mua kẻ bán tấp nập. Nàng đi từ đầu phố đến cuối phố, nhìn ra được hàng hóa ở đây rất đa dạng, chủng loại phong phú. Dù nàng thấy mình đến sớm nhưng đến nơi mới thấy các vị trí tốt đã bị người ta chiếm hết rồi, Thẩm Hi tìm một lúc lâu mới thấy có một chỗ trống trong góc. Nàng vội đi tới, mở túi ra rồi trải vải, đặt hàng thủ công lên trên, làm như một sạp hàng giản dị. Hình như chỗ này ở góc nên không ai để ý, trừ một người thu thuế đi ngang qua thu của nàng 10 văn tiền ra không có ai ngó ngàng đến. Nàng rất lo lắng sốt ruột nhưng chưa biết làm sao bây giờ. Thẩm Hiệp thì có vẻ như lần đầu được thấy nhiều người như vậy nên rất tò mò, mở to đôi mắt đen láy nhìn người qua lại.

Tuy vậy thằng bé không thể ngoan ngoãn suốt được, đến lúc con khóc lên đòi ăn Thẩm Hi mới phát hiện một nan đề: Con trai mới 6 tháng đói, nàng muốn cho con bú nhưng tìm chỗ nào bây giờ? Chắc chắn không thể vén thẳng áo lên mà cho con bú đúng không, đông người như vậy nàng thật sự làm không được, giờ phút này Thẩm Hi vô cùng hoài niệm bình sữa có núm vú cao su và sữa bột nơi thế giới hiện đại.

Thẩm Hiệp không biết mẹ mình đang khó xử, khóc lóc không ngừng, khuôn mặt nhỏ đỏ bừng, khiến Thẩm Hi nhìn rất lo lắng sốt ruột, chốc lát đã mồ hôi lạnh vương đầy trán. Nàng vừa dỗ con vừa đưa mắt nhìn xung quanh, định tìm một chỗ kín kín để cho con bú, rốt cuộc nàng tìm thấy một cái xe ngựa lớn đang dừng ở chỗ bên kia, cách gian hàng của nàng không xa nên vội bế con tới hỏi xem có thể cho nàng mượn xe để cho con bú được không, may mắn hai vợ chồng người bán hàng dế tính, lúc này Thẩm Hi mới không mất mặt trước bàn dân thiên hạ.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.