Đọc truyện Cổ Đại Khó Kiếm Cơm – Chương 30
Phía bắc Thượng Ngư thôn là dãy núi đá liên miên, trên đó toàn là bụi cây thấp, cây gỗ tạp với dây leo linh tinh, người trong thôn đều đi đến đó lấy củi. Thượng Ngư thôn thì tọa lạc ở phía nam chân núi, khá bằng phẳng, địa thế cao hơn bờ biển một chút, nên dù làng chài cách bờ biển chỉ khoảng hai dặm nhưng chưa có lần nào thủy triều dâng vào ngập thôn.
Thẩm Hi đi theo Phương tỉ xuống một con dốc đá, mới tới bờ biển. Dưới ánh nắng sớm mai nàng mới phát hiện màu nước xanh trong hơn ở hiện đại rất nhiều, chân chính là biển xanh cát vàng trời xanh mây trắng.Không cần băn khoăn, ở hiện đại sông hồ đại dương nào cũng ô nhiễm, làm sao có thể nhìn thấy màu xanh thuần túy của nước biển như ở đây. Ngay cả nước biển bị ô nhiễm thành “Biển đen” Thẩm Hi cũng được thấy qua.
Phương tỉ dẫn nàng đi xuống bãi biển, ở đó đã có bảy tám phụ nữ với lão nhân, hài tử đang nhặt nhạnh, Phương tỉ dẫn Thẩm Hi sang đó chào hỏi, giới thiệu hai bên với nhau. Chào hỏi xong, hai đứa bé của Phương tỉ cầm cái xẻng nhỏ đi đào cát, Phương tỉ thì dẫn Thẩm Hi vào một chỗ có đá ngầm, chỉ dẫn nàng: “Trên mấy tảng đá kia có nhiều ốc nhỏ bám vào, ốc này luộc lên ăn rất tươi, nhìn xem, chỗ này có nhiều. Đây là con hào, lúc bắt phải cẩn thận, vỏ nó sắc như dao cạo, lỡ là đứt tay ngay…” Đến buổi trưa. Phương tỉ dạy này cách tìm chỗ cát có sò, bắt cá trong hố nước nhỏ, cua thường ẩn dưới hòn đá, vết hải sâm bò qua trên mặt cát, những món ăn được, hay những con không ăn được, có độc…
Thẩm Hi theo lời dạy của nàng với “khẩu quyết” 5 chữ “Cào nhặt bóp kéo chộp” mà nhặt được khá nhiều sò, còn bắt được mấy con cá nhỏ, một con sứa, không ít tôm. Tài nguyên hải sản của thời đại này phong phú hơn hiện đại rất nhiều, lại không khai thác quá mức như hiện đại, cả một bãi biển dài như vậy chỉ có người trong một làng đi bắt, còn toàn chọn những con to, thứ ăn ngon mới lấy, các loại tôm cua nhãi nhép nhìn còn không thèm liếc.
Cả nhóm người nhặt không lâu giỏ cá đã đầy ự, liền rủ nhau đi về. Thẩm Hi với Phương tỉ nhặt đầy giỏ xong cũng về nhà.
Thẩm Hi mang thai, không được ăn cua nên nàng không bắt cua, mấy loại hải sản khác lại bắt không ít. Về đến nhà, nàng nấu cơm, sau đó xử lí mấy thứ đã nhặt.
Theo Phương tỉ thì những thứ này không cần phải rửa, đổ thẳng vào nồi đun lên là được, dễ làm lại ngon không kém. Thẩm Hi bèn nhặt mấy con cá nhỏ mang ra ướp đợi làm cá mắm, còn lại thì đổ hết vào trong nồi, thêm nước rồi bắc lên bếp đun, một lúc sau, nàng mở nắp, thấy tôm đã đỏ, sò hến cũng mở miệng liền vớt hết ra, mang lên bàn ăn.
Đồ ăn đánh bắt tự nhiên quả rất ngon, nàng ăn đến sắp nuốt cả đầu lưỡi, nhưng nhớ kĩ lời dặn của đại phu nên không dám ăn quá, sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Xế chiều Phương tỉ đến, dạy Thẩm Hi cách làm cá mắm, sơ chế con sứa vân vân rồi dạy nàng cách dệt lưới. Thẩm Hi hỏi chuyện, nghe nàng nói lưới dệt ra một phần để lại nhà mình dùng, một phần mang ra chợ bán, chỉ là nhà nào cũng có người dệt lưới, nên lưới bán không đắt, tính ra mỗi tháng chỉ thu nhập mấy trăm văn mà thôi. Thẩm Hi đang nhàn rỗi, cũng học.
Việc dệt lưới không khó lắm, không đến nửa ngày nàng đã móc ra được một mảnh. Vừa đan lưới nàng vừa nghĩ, giờ mình đã phát triển đến toàn năng mọi thứ, nữ chính vạn năng không ai khác chính là nàng, chỉ khác nữ chính người ta vạn năng bẩm sinh, còn nàng phải học từng thứ một. Nghĩ đến đây, Thẩm Hi đột nhiên hiểu được vì sao người khác xuyên qua lại giàu to, người ta đến cổ đại để sáng tạo đồ vật dẫn đầu thời đại, mà nàng lại đi theo đuôi cổ nhân mà học tập các kĩ năng của thời đại này, chênh lệch không khác đáy biển với đỉnh núi, không trách nàng phải chật vật kiếm cơm từng ngày, cả ấm no cũng không với tới. Lúc này Thẩm Hi chỉ hận sao hồi học đại học nàng không chọn khoa kĩ thuật hay gì đó tương tự mà lại đâm đầu vào khoa văn làm gì! Nếu nàng học khoa học tự nhiên, có lẽ giờ đã chế được thủy tinh hay thép rồi cũng nên!
Buồn bực bởi nguyện vọng đại học hồi xưa, Thẩm Hi ủ rũ cả ngày, ăn tối xong nàng lên giường nằm sớm, lăn lộn mãi lại không thể ngủ yên, tính toán con đường kiếm tiền. Nàng đã mang thai hơn ba tháng, bụng sẽ ngày càng to ra, đến hai tháng cuối muốn làm gì cũng không được. Sau khi sinh con còn phải chăm sóc, Thẩm Hi không muốn tìm bảo mẫu. Tính đi tính lại, nàng chỉ có mấy tháng trước mắt để kiếm tiền, hai ba năm sau chỉ đành ở nhà trông con chứ không làm được gì nữa, giờ nàng chỉ còn hơn 7 lượng bạc, muốn qua được hai ba năm là chuyện không thể nào.
Cả hai đời nàng mới có một đứa con, không thể để nó chịu đói chịu khổ. Nàng không biết mình phải làm gì để kiếm được tiền bây giờ. Đi Thất Lí Phổ thuê phòng bán cháo như trước? Không được, bán cháo phải thức khuya dậy sớm, mỗi ngày còn phải bưng bê đi lại, nàng sợ không cẩn thận sẽ bị động thai. Hay là bán tào phớ với đậu phụ?
Có thể được, không làm tào phớ nữa, chỉ làm mỗi đậu phụ là được, nàng đi Thất Lí Phổ thuê một căn nhà, mỗi ngày bán một buổi, mà lúc bán có thể ngồi một chỗ nên sẽ không đến nỗi mệt lắm. Hơn nữa bán đậu phụ chỉ cần một cái khay gỗ là được, không cần dùng đến bàn ghế linh tinh nên tiền vốn sẽ không lớn lắm. Càng nghĩ càng thấy khả thi, Thẩm Hi lập tức quyết định đợi nàng tĩnh dưỡng tốt sẽ đi Thất Lí Phổ bán đậu phụ. Nhắc đến thân thể, nàng chợt nhớ tới mình từng sắp chết đói, thân thể này có lẽ có bệnh ngầm, nếu không tĩnh dưỡng một thời gian mà lập tức lại làm việc nặng, sợ là nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Băn khoăn được giải quyết, Thẩm Hi yên tâm ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau Phương tỉ lại tới gọi Thẩm Hi đi bờ biển, mang cho nàng mấy con cá lớn, nói là Trương nhị lang với Trương đại lang rời bến bắt được. Thẩm Hi biết ở đây hải sản không đáng tiền nên không từ chối. Lần này đi bờ biển Phương tỉ không dạy tiếp cho nàng mà khiến Thẩm Hi thực hành, nếu thấy cái mới hay không rõ hẵng tới hỏi, hoặc nếu có gì Phương tỉ hẵng gọi nàng sang giảng tiếp.
Vừa học vừa làm, huống chi lại không phải kiến thức khó nhằn nên mấy ngày sau Thẩm Hi đã học xong các kiến thức liên quan, hơn nữa còn nắm được quy luật thủy triều lên xuống, biết được lúc nào ra bờ biển nhặt được nhiều hải sản nhất.
Những ngày tiếp theo Thẩm Hi giống như những phụ nữ làng chài khác, ngày ngày ra bờ biển bắt hải sản, nhặt những thứ mình thích ăn về. Nhưng hải sản tính lạnh, nàng không dám ăn nhiều, còn dư lại nàng sẽ bán cho xe ngựa đến thôn mua cá, tuy giá cả không cao lắm, chừng 20 30 văn một ngày.
Thượng Ngư thôn ít người, cách THẤT LÍ PHỔ khá xa nên mỗi ngày ngư dân đánh được cá về sẽ có xe ngựa đến mua ngay tại bến, nhưng vì đến mua tại chỗ nên giá không được cao. Kể cả hải sản các phụ nhân bắt ở bờ cát cũng vậy, họ cũng không lặn lội đi hơn 25 dặm đường để bán hải sản nên hầu hết đều bán cho xe ngựa. Theo lí thuyết việc chài lưới là làm ăn không vốn, cuộc sống của ngư dân hẳn sẽ khá tốt, về sau Thẩm Hi mới biết còn phải nộp thuế ngư nghiệp. Trong thuế này chia ra mấy khoản nhỏ, gồm thuế muối, thuế cá ương (cá giống), thuế nhân khẩu… nên thu nhập của ngư dân bị triều đình thu đi gần 7 8 phần. Như trước đây quan thu thuế dễ tính, cuộc sống còn tạm ổn, còn gặp phải quan tham thì căn bản ngư dân chỉ được ấm no cơ bản. May mắn mấy năm nay quan thu thuế phụ trách chỗ này dễ tính, thích uống rượu nên chỉ cần có rượu ngon dâng lên là mọi chuyện suôn sẻ.
Theo Phương tỉ nói, ngoại lai hộ giống Thẩm Hi như vậy thì đơn giản, nếu không ai tiết lộ chuyện này cho quan phủ thì cơ bản không ai thu thuế của nàng, vì hộ tạ của nàng là chỗ khác. Nhưng nếu nàng thật sự muốn cư ngụ ở chỗ này thì cần báo hộ tạ đến quan phủ, vì mỗi năm có ba lần tra hộ tạ, nếu nguyên quán không có người ở đó, thì hộ tạ sẽ bị thủ tiêu, mà ai không có hộ tạ sẽ bị tính làm nô bộc trốn đi, có thể bị bắt cóc hay bán làm nô lệ. Thẩm Hi bị chế độ này dọa sợ, thầm than may mắn nàng mang theo hộ tạ có tên Giả Thẩm thị Tây, nếu không hộ tạ đúng là phiền toái, nếu làm lại một lần nàng cũng không chắc có thể gặp được thư lại dễ thương lượng như Vương thư lại.
Thẩm Hi suy nghĩ hơn thua, quyết định trước tiên cứ đi THẤT LÍ PHỔ kiếm tiền đã, sau đó nghĩ cách làm hộ tạ ở THẤT LÍ PHỔ. Dù sao THẤT LÍ PHỔ quy mô lớn, về sau tìm chỗ giáo dục hài tử cũng sẽ dễ dàng hơn.
Nàng tự biết lúc trước lưu vong kham khổ, dinh dưỡng không đầy đủ nên giờ tiền bạc vẫn còn, cứ mấy ngày lại lên THẤT LÍ PHỔ mua ít thịt với rau dưa tươi mới để bồi bổ. Qua hơn 10 ngày, thân thể gầy sọm lúc trước đã có da có thịt hẳn lên, khuôn mặt hồng hào, lại thêm mấy bộ quần áo mới, không ai nhận ra nàng là bà ăn mày đợt trước. Phương tỉ thấy nàng biến hóa lớn như vậy, không khỏi xuýt xoa: “Muội tử, lúc trước ngươi mới tới đây nhìn gầy guộc như thế, ta cũng thấy ngươi là mĩ nhân rồi, giờ đúng rồi đi, đảm bảo cả thôn này không ai so được ngươi.” Thẩm Hi nhìn nhìn mình trong gương, cảm giác không đúng lắm, nàng già đi, gầy đen hơn lúc ở Tây Cốc trấn rất nhiều. Nghĩ đến nơi đó, nàng không khỏi nhớ tới Người mù, niềm vui biến mất không còn.
Thấy Thẩm Hi không nói gì, Phương tỉ mỉm cười nắm tay nàng dò hỏi: “Sao vậy? Muội tử lại nhớ đến ngày tháng trước kia phải không? Không sao, những ngày khốn khó kia qua rồi, ngươi cùng tỉ tâm sự, có chọn trúng nhà ai chưa? Ngươi còn trẻ.” Thẩm Hi nước mắt trào ra: “Tướng công nhà ta mới mất mấy tháng, Phương tỉ, ta chưa nghĩ tới chuyện về sau.”
Phương tỉ miễn cưỡng mỉm cười: “Lời này cũng là có lí, lúc ngươi tới đây một thân một mình, tỉ cứ tưởng ngươi chưa hôn phối.” Về sau Phương tỉ cũng không nhắc gì đến chuyện này, chỉ thỉnh thoảng cho Trương nhị lang đưa đồ lại đây, đặc biệt là củi đun, tất cả đều là Trương nhị lang gánh tới cho nàng. Thẩm Hi rất băn khoăn, thi thoảng cầm ít đồ ăn ngon sang cho nhà Phương tỉ, không đến mức khiến người ta nói nàng chiếm tiện nghi của nhà người ta.
Đến giữa tháng 9, Thẩm Hi cảm giác mình đã khỏe hoàn toàn, chuẩn bị lên THẤT LÍ PHỔ tìm chỗ ở. Chỗ đó nàng đã đi nhiều lần, chú ý tới mấy chỗ, tất nhiên đã có chỗ vừa lòng. Lần này nàng tới còn đi xung quanh chợ một vòng, mới vào trà lâu hỏi tiểu nhị có chỗ nhà nào cho thuê không. Thời đại này dù không có chỗ chuyên môn môi giới địa ốc nhưng vẫn có người làm nghề này, chỉ là Thẩm Hi không rõ nên nàng chuyên tìm tiểu nhị, dù sao tiểu nhị nắm được tin tức, có lẽ còn kiêm làm người trung gian.
Dưới số tiền thưởng hậu hĩnh của Thẩm Hi, một tiểu nhị nhanh nhẹn giúp nàng tìm được một chỗ không tồi.