Bạn đang đọc Cô Bé Nói Dối – Chương 22
Một tuần dành dụm, cuối cùng Triệu Vỹ cũng gom đủ tiền mua một món quà tặng Đinh Đang.
Không to tát lắm đâu, đó chỉ là một cây kẹp tóc màu hồng hình con bướm trông rất nghịch, rất dễ thương và đặc biệt là trông rất giống Đinh Đang.
Ngay lần đầu nhìn thấy cây kẹp tóc Triệu Vỹ đã biết nó được làm ra ỗi Đinh Đang. Phải, chỉ có Đinh Đang nhí nhảnh của anh là thích hợp cài chiếc kẹp hồng này lên tóc.
Một năm rồi, chẳng biết vô tình hay cố ý, cô bỏ quên mái tóc mình không cắt. Để từ một “Đơ-mi-gạc-xông” ôm sát gáy, mái tóc cô giờ xấp xỉ ngang vai, như cô gái đôi mươi biết xõa tóc thề hò hẹn.
Mỉm cười, anh lại nhớ đến cảm giác của mình khi lần đầu nhìn thấy chiếc kẹp nơ. Nó như thỏi nam châm khiến bàn chân anh lẩn quẩn, lòng vòng không chịu rời xa quầy mỹ phẩm. Đến khi bà chủ khó chịu cau mày lên tiếng nhắc, anh mới cười ngượng ngịu bỏ đi.
Ba chục ngàn… số tiền chẳng là gì so với chiếc nhẫn hàng trăm ngàn mà ngày thường anh hào phóng tặng mỹ nhân. Vậy mà… bây giờ anh phải đành bất lực quay về, lòng phập phồng sợ người ta mua mất.
Ngày mỗi ngày, đem số tiền dành dụm được của mình ra đếm đi đếm lại, lòng anh cứ nôn nao hình dung đến cảnh được cài chiếc nơ lên mái tóc không bao giờ suông của Đinh Đang.
Đưa mắt ngóng ra sân nhìn bóng nắng đang bò lên thềm gạch, Triệu Vỹ bắt đầu nghe sốt ruột. Thường khi giờ này Đinh Đang đi chợ đã về rồi. Cây kẹp nơ như có cánh chờ chực bay ra khỏi túi áo của anh, để mấy lần Triệu Vỹ phải cúi xuống kiểm tra xem nó còn hay mất.
Chưa kịp ngẩng đầu lên, Triệu Vỹ chợt nghe sát bên tai mình vang lên tiếng “ạch”, kèm theo là tiếng la chói lói của Đinh Đang:
– Ui da! Đồ cái vỏ chuối mắc dịch làm người ta té – Ngẩng đầu lên, thấy Triệu Vỹ ngây người bên cửa ngó mình, vừa quê vừa quạu, cô mắng anh luôn:
– Thấy người ta té… còn đứng đó hả?
Như sực tỉnh, Triệu Vỹ chạy vội ra, lo lắng hỏi:
– Có sao không? Đi mà không chịu nhìn trước ngó sau gì cả.
Tưởng được nghe lời an ủi mát lòng, không ngờ bị trách… Đinh Đang tủi thân… òa khóc:
– Còn **** người ta nữa… Hổng thấy người ta bị chảy máu rồi sao?
Bây giờ Triệu Vỹ mới nhìn thấy vết xướt trên cườm tay Đinh Đang, như quýnh lên, anh thổi phù phù vào vết thương, dỗ nhẹ:
– Nín đi mà! Để anh băng lại cho.
– Không cần đâu – Cô giật mạnh tay lại, càng khóc to hơn.
Sợ chòm xóm nghe, hiểu lầm mình ăn hiếp cô bé, Triệu Vỹ rối lên, anh năn nỉ:
– Thôi, cho xin lỗi… nín đi rồi.. đi ăn hủ tiếu.
– Hông thèm! – Biết Triệu Vỹ sợ, cô làm tới.
– A! Hay là… – Như chợt nhớ ra, Triệu Vỹ thọc tay nhanh vào túi – Có cái này nè. Chịu hôn?
– H.. ô…ng… – Tiếng “hông” chưa thoát khỏi miệng, Đinh Đang đã giật phăng cây kẹp. Quên mất cơn đau, đôi mắt cô tròn vô thích thú.
Biết “cá” đã “cắn câu”, Triệu Vỹ xòe tay ra hiệu bảo cô trả lại mình:
– Hông… thì đưa đây… lát tặng người ta…
– Hông! – Như đứa trẻ sợ bị tướt quà, Đinh Đang giấu nhanh cây kẹp vào vạt áo. Gương mặt bỗng hiền một cách đang ngờ.
– Tui hết khóc rồi chớ bộ!
– Hết khóc thì lấy đi.. nhưng nói trước kẹp đó là của …. Thanh Thanh đó.
– Của Thanh Thanh hả? .. Hổng thèm…
Cây kẹp như biến thành cục than hồng, cô quăng mạnh xuống chân, chuẩn bị khóc tiếp màn hai.
– Giả bộ thôi – Cúi nhặt cây kẹp lên, Triệu Vỹ kéo cô vào lòng nhẹ dùng tay lau mấy giọt lệ chưa khô trên mắt cô. Vén mấy sợi tóc lòa xòa, anh trìu mến:
– Kẹp nào của Thanh Thanh chứ? Đây là của người ta tặng cho bé đó.. ngốc ạ! – Rồi vừa kẹp tóc Triệu Vỹ vừa mắng – Là con gái gì mà tối ngày cứ để tóc bù xù thấy ghê hà.
– Kệ tui! – Hỉnh mặt lên, cô trả lời như đanh đá mà rất dịu dàng. Sao cô thèm được như vầy mãi mãi.
– À! – Đinh Đang lại chợt la to làm Triệu Vỹ giật nảy người, cứ ngỡ đang chạm phải chỗ đau trên tay cô:
– Sao vậy?
– Tui cũng có cái này hay lắm, tặng anh nè. – Ra vẻ bí mật, cô chạy đến góc hàng rào nhặt lên một cái gói tròn tròn rồi hớn hở chìa ra trước mặt anh.
– Cái gì vậy? – Nắn nắn món quà, Triệu Vỹ cố đoán nhưng không ra. Chỉ biết là nó hình tròn, nặng nặng.
– Đừng hỏi, mở ra đi. – Cũng hồi hộp, cũng thích thú chẳng kém Triệu Vỹ, đôi mắt cô dõi theo bàn tay anh mở từng lớp giấy.
– A! Là trái banh ư?
Như đứa bé lần đầu thấy món đồ chơi lạ, Triệu Vỹ không kìm được vẻ ngạc nhiên. Đôi mắt mở to trân trối, anh như không tin vật trước mắt mình là một trái banh da.
Bởi, làm sao Đinh Đang biết anh mơ một trái banh mà tặng chứ? Bao ngày cùng đám phu khuân vác rựơt theo trái banh mủ nhẹ hều trên sân cỏ, anh và bọn họ hằng mơ có được một trái banh da. Anh không nói làm gì, chứ bọn họ chưa một ai được lần nào đá quả banh thật. Nên cái cảm giác sút căng lưới quả bóng tròn xoáy mạnh giữa không trung thú vị thế nào họ không làm sao tưởng tượng.
Được tặng banh, Triệu Vỹ mừng còn hơn được tặng vàng. Nhẹ xoa tay xác định độ căng, anh biết được đây là một quả banh da siêu hạng, thứ dành cho các tuyển thủ quốc gia dự đấu, giá rất cao.
– Thích không hả? – Nhìn anh thẫn thờ ôm quả bóng, Đinh Đang nghe vui trong lòng lắm. Thật ra, lúc mua banh, cô có hình dung đến nỗi vui mừng của anh rồi, nhưng thật không ngờ anh còn mừng hơn mức tưởng tượng của cô nhiều. Thế mới biết vì sao anh cam lòng từ bỏ vinh hoa phú quý, chấp nhận sống một đời kham khổ. Bóng đá thực sự là lẽ sống, là hơi thở của anh rồi.
– Thích lắm, nhưng… – Triệu Vỹ chợt ngập ngừng làm Đinh Đang hồi hộp:
– Nhưng làm sao hả?
– Nhưng mắc lắm, đáng giá cả gia tài của Đinh Đang, làm sao tôi nhận được? Đá chơi, banh mủ cũng được rồi. Đinh Đang … đem trả lại đi – Với chút ngập ngừng, anh trả lại trái banh cho cô.
– Có bao nhiêu đâu, anh nhận đi – Khẩn khoản đặt trái banh vào lòng anh, cô nói – Lớn rồi, ai lại đá banh mủ chứ?
– Tôi đã bảo không nhận là không nhận, đừng nài nỉ uổng công. – Tránh nhìn vào quả bóng, Triệu Vỹ dứt khoát không nhận. Đành lòng nào vì sở thích của mình mà bắt cô hy sinh nhiều như vậy.
– Anh không nhận phải không? – Biết năn nỉ chẳng ăn thua, Đinh Đang chuyển sang thế tấn công – Được, nếu anh không nhận thì tôi quăng nó ra đường, ai muốn nhặt thì nhặt – Nói rồi cô giơ cao trái banh, bậm môi, dùng hết sức bình sinh ném mạnh qua hàng rào.
– Ê, đừng quăng, tôi nhận mà … – Chưa dứt câu, Triệu Vỹ đã nhún mình vọt theo quả bóng. Đẹp như một thủ môn chuyên nghiệp, anh lộn đúng hai vòng giữa không trung rồi nhẹ nhàng đặt chân xuống đất, trái banh đã ôm gọn trong lòng.
– Đẹp không hả? – Để xoa dịu cơn giận trong lòng cô, anh đập quả banh xuống đất bằng một tay, mỉm cười thật đẹp.
– Hên thôi – Phục trong lòng nhưng ngoài mặt vẫn kênh kênh, cô thách – Giỏi thì đưa tôi đá, coi có bắt được nữa không?
– Sợ gì? – Hăng hái lên, Triệu Vỹ thảy trái banh cho cô, khuỳnh khuỳnh người thủ thế. Gì chứ chụp gôn anh năng khiếu có thừa.
– Chuẩn bị nè!
Hét to một tiếng đánh lạc hướng Triệu Vỹ, Đinh Đang co chân sút thật căng làm quả bóng bay vèo… rớt ngay nồi cháo đang sôi của dì Ba rồi tưng sang hất luôn thùng thuốc của bà Bảy văng xuống đất, kéo theo một tràng đổ vỡ kéo dài.
Chết cha! Hai cái lưỡi lè dài rồi không hẹn mà cả Triệu Vỹ lẫn Đinh Đang đồng tìm một chỗ nấp cho kín đáo. Mặc kệ con chó màu xám đang lù lù tiến lại con cá lóc ở giữa sân. Mặc kệ luôn mớ cải tươi héo dần đi dưới ánh mặt trời. Mất một bữa cơm, nhưng cả hai biết hôm nay mình không đói. Nghe **** cũng đủ no rồi….
=====
Chỉ là hai đôi bốc vác đá với nhau để tranh một quả banh thôi. Vậy mà, hôm nay trên sân cỏ nhà bà Tư mập chật ních người xem. Vòng trong lẫn vòng ngoài, càng lúc người càng kéo đến nhiều hơn.
Ngồi thu lu dưới tàn cây chùm ruột giữ thùng nước đá, Đinh Đang vừa gậm cây cà rem vừa tròn đôi mắt nhìn theo quả bóng như một cổ động viên chính hiệu.
Cô chẳng hiểu gì về bóng đá dù năm lần bảy lượt Triệu Vỹ kiên trì ngồi giảng. Nào là việt vị, phạt góc, phạt đền rồi đến ném biên, thẻ vàng thẻ đỏ. Nghe rối cả đầu, loạn cả trí lên. Cô chỉ biết mỗi một điều duy nhất, hễ bên nào để banh lọt khung thành là bên đó bị thua. Đơn giản vậy.
Cô lại thấy đá banh là một trò vô bổ, chẳng được tích sự gì, chỉ tốn sức, hao hơi. Khi không rủ nhau mấy chục người áp đuổi theo trái banh tròn, giữa trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại. Làm gì chứ? Thích đá vô khung thành vậy sao không dựng luôn ỗi người một cái tự đá vô coi có khỏe hơn không?
Cô chỉ dám nghĩ như vậy một mình thôi. Không dám cho Triệu Vỹ biết đâu. Anh sẽ tự ái, giải tán ngay đội banh lập tức. Dù sao đây cũng là công trình của anh với cô mà.
Nhớ lại ngày đầu thành lập đội banh, vất vả biết bao nhiêu. Chạy ngược chạy xuôi, năn nỉ người này, vận động người kia ủng hộ giúp đội banh thành lập. Cơ cực nhất vẫn là là việc thuyết phục bà Tư mập cho xử dụng phần đất trống làm sân cỏ. Chẳng làm gì, bà để đất bỏ hoang. Vậy mà phải năm lần bảy lượt, năn nỉ mãi bà mới chịu ượn làm sân thi đấu.
Gian nan, thử thách biết bao nhiêu. Đội banh lúc mới thành lập chỉ lèo tèo có mấy người, trông thật nản. Vậy mà.. Triệu Vỹ lại hạ quyết tâm không bỏ cuộc. Anh làm ngày làm đêm, bao nhiêu tiền kiếm được đều bỏ vào vun đắp cho đội banh. Những đêm giật mình thức giấc, cô thấy anh một mình một cuốc miệt mài trên sân cỏ.Chiếc bóng cô đơn ngạo nghễ giữa trời khuya sương lạnh. Anh quyết san băng các mô đất gập ghềnh, cũng như quyết vượt qua bao trở ngại để hoàn thành tâm nguyện.
Khoác thêm chiếc áo, nấu tô mì nóng, cô bước ra sân cùng anh san sẻ. Bàn tay nhỏ nhắn của cô nâng niu trồng từng cây cỏ. Thứ cỏ chỉ người ta vẫn trồng ở các sân vận động này không dễ mua đâu, lại mắc như vàng nữa. Phải cẩn thận, đừng phung phí dù chỉ một ngọn thôi. Vừa phụ Đinh Đang xới tơi lớp đất, Triệu Vỹ vừa thì thào cho cô biết. Còn tiết lộ thêm một bí mật động trời. Toàn bộ số cỏ được trồng trên sân đều do anh đi ăn cắp ở các sân vận động, mỗi nơi một ít đem về đó.
Khuya lắc khuya lơ mới trồng xong mớ cỏ. Mệt phờ người nhưng vui lắm. Ngã vật ra trên nệm cỏ, cô cùng anh ngắm sao đêm, nghe anh kể chuyện đời mình rồi ngủ quên lúc nào không biết. Sương xuống lạnh ướt đẫm ngọn cỏ nhưng cô vẫn an toàn nhờ chiếcáo anh che chở.
Cuối cùng thì lòng nhiệt tâm cũng được đền bù. Từ hòn than nhỏ, Triệu Vỹ đã khơi dậy được ngọn lửa hồng. Như đám cỏ lớn dần, đôi bóng ngày một vững mạnh hơn. Và đây cũng là lúc Đinh Đang trổ tài ranh mãnh.
Để giúp đội bóng hoạt động quy củ hơn, cô đã nghĩ ra một cách. Không đợi mạnh thường quân trợ giúp, cô viết ngay tờ chi phiếu, nhờ chú Thanh tài xế mang đến tặng với danh nghĩa một cổ động viên ủng hộ.
Ngạc nhiên vì số tiền quá lớn nhưng chẳng chút nghi ngờ, Triệu Vỹ nhận hai triệu với lòng biết ơn sâu sắc. Tự hứa với lòng sẽ không phụ công người tin cậy, nhất định đội bóng của anh sẽ làm được ra trò.
Có vốn, Triệu Vỹ mạnh dạn đầu tư trang phục cho đội bóng. Tổ chức đấu giao lưu, phát giải vực dậy phong trào.