Bạn đang đọc Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn FULL – Chương 200: Người Đi
Đào Tam gia nói chuyện phân gia trước, sau đó lại bắt đầu nói di ngôn.
Ánh mắt mọi người ở đó đều mang theo buồn rầu.
Đào Tam gia cười nói: “Đại Bảo mười ba tuổi đã tới Duyệt Lai Phạn Quán làm việc kiếm tiền, cho tới bây giờ cũng đã sắp 20 năm rồi!”
Đại Bảo gật đầu thế là Đào Tam gia tiếp tục nói: “Có tiệm cơm, lại có cha vợ con ở bên cạnh trông coi thì ông chẳng cần lo lắng gì.
Nhị Bảo thì từ nhỏ đã thích học y, lúc tới y quán làm học trò hắn còn bé hơn con một tuổi.
Tháng thứ nhất hắn gầy như cây củi, lúc ấy ông đau lòng quá, hận không thể mang hắn về nhà.
Sau đó thì ông không cần nói nữa, Nhị Bảo chịu bao nhiêu là khổ, cuối cùng cũng có thành tựu, có thể trở về Đào gia thôn giúp người dân quanh đó xem bệnh.
Người làm ông như ta thấy thế cũng mừng.
Tuy y xá kiếm không được bao nhiêu nhưng trị bệnh cứu người là việc hành thiện tích đức, Nhị Bảo phải cố gắng làm cho tốt!”
Nhị Bảo đi lên phía trước hứa với ông nội: “Cháu đã biết, ông nội cứ yên tâm!”
Đào Tam gia gật đầu và vừa lòng nhìn Đại Bảo rồi Nhị Bảo sau đó mới hơi quay đầu về phía Tam Bảo nói: “Thằng nhóc này từ nhỏ đã là con khỉ hoang, bị đánh bị mắng nhiều nhất nhà.
Sau đó con la hét muốn ra ngoài kiếm tiền, lại dám gạt cả nhà chạy tới Thục Châu.
Lúc sau con gặp tai kiếp suýt thì bỏ mạng, may có anh em Tu Trúc cứu con chứ không con đã sớm làm mồi cho cá rồi!”
Khó có lúc Tam Bảo không cợt nhả mà tiến đến bên cạnh ông nội nghiêm túc nói: “Ông nội, cháu sai rồi, hại ông màn trời chiếu đất tìm cháu thật lâu!”
Đào Tam gia kéo tay hắn rồi yêu thương nói: “Con không sai, con là đứa nhỏ tốt bụng ngoan ngoãn.
Lúc ấy con liều mình cứu Lý chưởng quầy, dùng hành động chứng tỏ mình là đứa nhỏ nhà Đào Tam gia ta.
Lúc ấy ông nội vẫn ôm hy vọng nên cũng chẳng thấy vất vả.
Chỉ có lúc sau hy vọng tiêu tan ta mới thấy đau lòng! Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, cái đau ấy người trẻ tuổi như mấy đứa không hiểu được đâu! Tam Bảo, mệnh của con là do người nhà họ Ân mang cho, sau này con phải báo đáp họ thật tốt!”
Tam Bảo đỏ mắt, vội vàng gật đầu nói: “Ông nội, cháu nhớ kỹ rồi!”
“Tứ Bảo, con lại đây!” Đào Tam gia vẫy tay với Tứ Bảo.
Lúc này Tứ Bảo đi tới thế là Đào Tam gia cầm lấy tay hắn nói: “Con là đứa nhỏ kiên định lại chịu khó nhất.
Cái vất vả của việc làm ruộng, chăm sóc hoa màu ông hiểu rõ.
Ngoan, nông dân chúng ta chính là phải chăm chỉ như thế, không thể lười được!”
Tứ Bảo lau nước mắt và nói: “Ông nội, cháu nhất định sẽ chăm sóc đồng ruộng trong nhà thật tốt!”
Đào Tam gia nghe thế thì vừa lòng: “Ngoan! Thật là ngoan!”
Ngũ Bảo tự giác tiến lên rúc vào bên cạnh ông nội thế là Đào Tam gia nói: “Ngũ Bảo! Con là út ít trong nhà nhưng thông minh hơn hẳn bốn thằng anh của con.
(Truyện này của trang Rừng Hổ Phách) Con đọc sách giỏi, lại còn thi đậu đồng sinh.
Nơi sơn thôn hẻo lánh như chúng ta mà có thể thi đỗ đồng sinh đã là tốt lắm rồi.
Tuy ông nội không được học nhiều nhưng cũng biết con đường làm quan gian khổ hơn trồng trọt rất nhiều! Ông vẫn chỉ nói một câu ấy, không cầu các con gia quan tiến tước, chỉ cầu các con hiểu được tiến thối.
Nếu con muốn học tiếp thì người nhà sẽ ủng hộ, nếu con không muốn cũng sẽ không có ai bức con.”
Ngũ Bảo vùi đầu vào vai Đào Tam gia rồi cất giọng buồn buồn: “Ông nội, cháu biết rồi, cháu cũng nhớ kỹ rồi!”
Đào Tam gia giơ tay vỗ vỗ lưng hắn sau đó lướt ánh mắt về phía Ân Tu Trúc thế là hắn đi tới.
Lúc này ông cười nói với hắn: “Tu Trúc à, nếu ông không nhớ lầm thì cháu đã ở lại Đào gia thôn được 12 năm rồi đúng không?”
Ân Tu Trúc gật đầu đáp: “Đúng vậy, ông nội! Cháu đã ở đây được 12 năm rồi!”
“Năm đó anh em cháu cứu tính mạng Tam Bảo nhà ta, lại vì duyên phận vừa khéo mà ở lại Đào gia thôn này.
Hiện tại hai anh em cháu người nào cũng đã con cái đề huề, hẳn lúc trước là duyên trời tác hợp.” Đào Tam gia nói.
“Đúng vậy, ông nội, mọi thứ đều là số mệnh!”
“Mấy năm nay cháu đã giúp đỡ Đào gia thôn đối kháng với tai họa giặc cướp, lại không bủn xỉn mà giang tay cung cấp hạt giống cho thôn dân.
Nơi này tuy mọi người đều mang họ Đào nhưng vẫn biết cảm tạ người có ơn, bọn họ đều sẽ nhớ ân tình này, và bảo vệ một nhà của cháu!”
Ân Tu Trúc gật đầu và chắp tay khom lưng với Đào Tam gia.
Lúc này Đào thị mang theo ba đứa nhỏ trong nhà tới, vừa vào nhà nàng đã khóc như mưa, “Ông nội, sao ông không gọi cháu, có phải cháu gả ra ngoài rồi thì không phải cháu ông nữa không!”
Đào Tam gia cười: “Nhìn quả đào nhà ta đi, khóc thành như vậy là làm sao? Ông đã chết đâu mà đứa nào lại gọi cháu gái ta về thế!”
“Ta! Là ta gọi đó, không được à?!” Lý thị đỏ mắt đi vào, “Ông phân gia cũng không gọi ta một tiếng!”
Đào Tam gia nói: “Bà còn trách ta, chẳng phải ta muốn xử lý hết mọi chuyện để bà có thể an tâm dưỡng lão à?”
Lý thị đỏ mắt mắng: “Ông đang sống tốt mà cứ nhắc mãi mấy chuyện hậu sự này làm gì? Con cháu đều có phúc của con cháu, ông có nhọc lòng cũng vô dụng.
Ngày tháng sau này để chúng tự gánh vác đi thôi!”
Đào Tam gia cười đáp: “Ta đã nói xong rồi, trước khi chúng ta chết thì không phân gia!” Nói xong ông nói với láng giềng đang ngồi đó: “Cảm tạ các vị đã tới làm chứng.
Đại Bảo, mang khế ước phân gia tới để cha và nhị thúc của con xem, nếu đồng ý thì ấn dấu tay!”
Đại Bảo cầm ba phần khế ước phân gia tới, Trường Phú và Trường Quý cũng chẳng xem mà run rẩy ấn dấu tay, mấy nhân chứng cũng ấn dấu tay.
Sau đó Đào Trường Diệu cầm lấy một bản và chắp tay nói: “Tam thúc an tâm nghỉ ngơi đi, việc này cứ thế mà làm.
Trường Phú và Trường Quý đều là người thành thật, dù phân gia vẫn sẽ hòa thuận sống chung như một nhà!”
Đào Tam gia gật đầu và nói với Đào Trường Diệu: “Việc này ta yên tâm rồi.
Cha cháu cũng đã ở bên kia chờ ta mười mấy năm, ta có thật nhiều điều muốn nói với ông ấy! Cháu làm tộc trưởng đúng là tốt, trước kia cháu không thích nói chuyện nhưng hiện tại cũng đã nói đâu ra đấy! Ta tin tưởng cha cháu mà biết tin này chắc sẽ vui lắm!”
Đào Trường Diệu chỉ thấy trong lòng đau xót.
Ông khom lưng với Đào Tam gia và nói: “Tam thúc, vậy chúng ta đi về trước!”
Đào Tam gia cười nói: “Đi về đi! Nhớ quản lý cả Đào gia thôn cho tốt, mọi người phải đoàn kết!”
Đào Trường Diệu xoay người là nước mắt rơi xuống.
Ông ấy vội lau khóe mắt sau đó cùng các trưởng bối khác ra khỏi nhà.
Trường Phú khuyên: “Cha nghỉ một lát đi, nói lâu như thế chắc cũng mệt rồi!”
Đào Tam gia xua tay, ánh mắt nhìn về phía Trường Phú và Trường Quý rồi nói: “Cha chỉ có hai đứa các con, đứa nào cũng là người thành thật lại lương thiện.
Cha vui mừng vì có thể dạy hai đứa thành người tốt như thế này, tuy chúng ta không giàu sang phú quý, quan cao lộc hậu nhưng ngày tháng trôi qua hòa thuận hạnh phúc là cha thấy đủ rồi! Chờ cha và mẹ mấy đứa trăm năm hai anh em con phải đoàn kết, hỗ trợ nhau, phải tiếp tục hòa thuận! Đừng vì một ít mâu thuẫn nhỏ mà tổn thương tình cảm anh em!”
Trường Phú và Trường Quý dập đầu với cha mình và cam đoan: “Cha yên tâm đi!”
Đào Tam gia nhìn con cháu cả phòng rồi nói: “Ngoài Tiểu Ngọc Nhi thì cả nhà đều ở đây, chuyện cần nói ta đã nói xong, sau này mọi người phải tự mình cố gắng!”
Con cháu đều quỳ xuống, có vài người còn nức nở.
Đào Tam gia thấy thế thì nói: “Đừng khóc nữa, ta vẫn tốt cơ mà! Ta nói xong rồi thì ai cần làm gì cứ đi làm đi.
Sao còn không đi? Ngoài ruộng không có việc à? Trong nhà không có việc à? Đi đi, đừng vây quanh ông già này nữa, để ta ngồi yên một lát!”
Lý thị nói: “Thôi đi làm việc đi!”
Lúc này con cháu mới gạt lệ đi ra khỏi phòng, Lý thị thì ngồi xuống cạnh chồng lẩm bẩm: “Lão nhân, ông không có gì để nói với ta sao?”
Đào Tam gia quay đầu nhìn khuôn mặt đầy nếp nhăn của vợ và cười nói: “Buổi tối ta muốn ăn một bát bánh canh, tốt nhất là thêm chút mỡ heo, bỏ chút rau thơm!”
Lý thị cười: “Quá đơn giản, buổi tối ta sẽ tự làm cho ông.
Thế ông nhắm mình có ăn hết ba bát không?”
Đào Tam gia lại như rơi vào ký ức, thật lâu sau mới cười nói: “Năm đó chúng ta nghèo, bà gả tới đây trong nhà chẳng có gì, chỉ còn ít mì.
Bà dùng mì ấy làm một nồi bánh canh, đúng là thơm gì đâu.
Lúc ấy ta ăn ba bát cũng chưa no nhưng vẫn để dành cho bà!”
Lý thị cười: “Kỳ thật ta ăn một bát là đủ rồi nhưng ông cứ bắt phải ăn thêm bát nữa khiến ta ăn no căng.
Lúc ấy ta nghĩ gả cho người có thể cho ta ăn no căng thì nhất định ngày sau ta sẽ cùng ông sống thật tốt!”
“Thu Liên à, đời này bà cũng vất vả rồi!”
“Chờ một lát nhé, để ta đi làm bánh canh!” Lý thị đứng dậy, gạt lệ.
Buổi tối đó Đào Tam gia ăn một bát bánh canh, trước khi ngủ lại một hai bắt Lý thị lôi đôi giày vải thêu thỏi vàng ra sau đó vuốt ve thật lâu rồi khen: “Ta cũng thích thỏi vàng!”
Ngày hôm sau gà vừa gáy tiếng đầu tiên Lý thị đã tỉnh.
Đào Tam gia cũng mở mắt sau đó cười nói với vợ: “Thu Liên, bà nhớ đi đôi giày thêu thỏi vàng cho ta nhé!”
Sau đó ông mỉm cười mà đi!.