Bạn đang đọc Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn FULL – Chương 189: Nạn Hạn Hán – Phần 2
Thay vì để bầy gà chết đói thì không bằng ăn vào bụng cho rồi.
Vì thế vào năm thiên tai nhà Đào Tam gia ăn uống sang xưa nay chưa từng có, mỗi ngày một con gà, hầm nồi to được nước canh màu vàng óng.
Mỗi người đều được một bát, còn con gà gầy gầy thì để bọn nhỏ gặm chơi.
Người lớn ăn lương thực phụ trộn với bột mỳ, cũng không thể ăn thoải mái như bình thường mà căn bản đủ lấp bụng thôi.
Dù sao cũng không có việc gì để làm, ăn ít một chút cũng không sao.
Ân gia ở trên núi có suối nguồn nên cuộc sống còn đỡ, dù nước suối năm nay cũng ít hơn mọi năm rất nhiều nhưng vẫn đủ nước ăn uống cho cả nhà.
Còn mấy con ngỗng phải có nước mới vui thì cũng sớm vào bụng cả nhà họ.
Từ nay Ân Tu Trúc chỉ có thể mở tranh của mình ra mới nhìn thấy mấy con vật ấy.
Ân Tu Trúc và Đào thị đã sớm dọn đến chính phòng còn đông phòng thì để cho ba đứa nhỏ.
Tây phòng càng khoa trương hơn, toàn bộ dùng để chứa lương thực.
Qua mấy năm tích cóp lương thực thu được từ ruộng cho thuê cũng có không ít.
Hơn nữa Ân Tu Trúc nhàn nhã chăm sóc hai mẫu ruộng ở Đào gia thôn cũng có trồng tiểu mạch nên món chính trong nhà dần chuyển sang mỳ phở.
Ba đứa nhỏ hiện tại cũng chỉ thích mỳ, không thích ăn cơm, một ngày không ăn mỳ là sẽ ồn ào nhốn nháo!
Nạn hạn hán ảnh hưởng không lớn tới Ân gia, với Phan gia ở cửa thôn cũng chỉ có khoản nước uống là khó khăn.
Hạn hán nghiêm trọng nên dù Phan chưởng quầy có nhiều bạc cũng không mua được một ngụm nước mát, hơn nữa nước giếng của Đào gia thôn bị hạn chế, mỗi người chỉ được một gáo một ngày.
Phan chưởng quầy thực sự không chịu nổi mới mang theo vợ quay về trấn trên.
Cửa hàng ở trấn trên bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn hạn hán nên việc làm ăn tiêu điều, từng nhà đều đóng cửa.
Đặc biệt là tiệm cơm, quán trà và các quán bán đồ ăn khác, đã thật lâu không làm ăn được gì.
Phan chưởng quầy vừa tới đã triệu tập cuộc họp, kết toán tiền công để mọi người về nhà, chờ tình hình đỡ hơn lại tới tiệm làm việc.
Đại Bảo tính toán về Đào gia thôn nhưng Phan chưởng quầy lại nói: “Vĩnh Kỳ à, con về đón Phượng Vân và mọi người tới đây đi! Giếng của Đào gia thôn sắp cạn rồi còn gì!”
Đại Bảo từ chối: “Cha, chuyện ở Đào gia thôn con có nghe nói, con thấy tộc trưởng làm vậy là rất đúng.
Nếu không quản nước giếng mà tùy ý để mọi người dùng bao nhiêu thì dùng vậy chờ nước giếng khô cạn thôn dân sẽ khát chết thôi.”
Phan chưởng quầy vẫn cố nói: “Một người chỉ được một gáo nước mỗi ngày thì chỉ đủ uống chứ tắm rửa và giặt giũ làm sao đủ!”
“Cha, vào thời điểm này thì mạng sống là quý nhất, lần trước trong thôn thi nhau bán heo và gà chẳng phải cũng chỉ để tiết kiệm nước uống cho người hay sao?!” Đại Bảo giải thích.
“Aizzzz! Ta cũng không khuyên được con, ta cũng chỉ có một câu ấy, nếu không ở Đào gia thôn được thì mau mang theo mọi người lên trấn trên này đi!” Phan chưởng quầy bất đắc dĩ nói.
Đại Bảo cũng khuyên ông: “Cha, giếng ở trấn trên cũng sắp cạn rồi, mọi người đều phải bỏ tiền ra mua nước, tình hình này sợ là cũng không kéo dài được lâu.
Không bằng ngài theo con về Đào gia thôn đi! Người một nhà có nhau cũng có thể tiện chăm sóc!”
Phan chưởng quầy xua tay, ông ấy mới từ Đào gia thôn trở về nên đương nhiên sẽ không muốn quay lại ngay: “Qua đoạn thời gian này đã rồi nói sau!”
Đại Bảo đành phải thôi, sau đó hắn thu dọn quần áo đồ đạc rồi cáo từ cha mẹ vợ về Đào gia thôn.
Tháng bảy có mấy đụn mây đen thổi qua, mọi người đuổi theo chúng, hận không thể lấy dây thừng buộc chúng lại.
Nhưng cuối cùng mây đen kia vẫn bay đi, tới đâu thì chẳng ai biết nhưng mưa thì hoàn toàn không thấy bóng dáng.
Mọi người trong thôn đều bất lực nằm trong nhà mình, mấy tháng không tắm rửa giặt giũ nên cả người bốc mùi dẫn dụ đám ruồi bu quanh.
Tới tận tháng 10 trời mới có một trận mưa nhỏ, hạt mưa bé tí, thời gian lại ngắn, còn chưa kịp ướt mặt đất đã xong việc.
Phan chưởng quầy mang theo Tôn thị quay về Đào gia thôn vì giếng ở trấn trên đã hoàn toàn khô cạn, dân cư đều tản đi các nơi cậy nhờ thân thích.
Hai cái giếng mới của Đào gia thôn vẫn như cũ, dù không có nhiều nước nhưng vẫn có chút chút đủ cho mọi người uống.
Việc quan trọng nhất của thôn dân hiện tại chính là tới bên cạnh giếng nhận nước.
Món cháo trước kia là món thường ngày nhưng hiện tại đúng là xa xỉ, làm gì có nhiều nước như thế để mà nấu cháo.
Mỗi nhà đều chưng đồ ăn cho chín, có chút nước ấy để uống cầm chừng giữ mệnh thôi.
Lý thị đau lòng mấy đứa chắt trai nên để lại mấy con gà đẻ trứng, lại tiết kiệm nước, và đồ ăn cho tụi nó để đảm bảo có trứng cho tụi nhỏ ăn.
Cứ cách một hai ngày Ân Tu Trúc sẽ xách một thùng nước cho nhà họ, dù sao suối nước ở sân sau nhà hắn cũng đủ dùng.
Lý thị không tin, tự mình chạy một chuyến tới Ân gia thì thấy nước suối tràn đầy trước kia hiện tại chỉ chảy tí tách, thiếu đến đáng thương.
Đào thị đặt một cái xô ở đầu nguồn, theo tốc độ này thì một ngày một đêm cũng chỉ có thể tích cóp được một xô nước.
Lý thị nói: “Ta thấy suối nguồn này cũng sắp khô rồi!”
Ân Tu Trúc gật đầu: “Suối nguồn này là do nước thấm xuống núi tạo thành, hiện tại trời nắng nóng, suối nguồn sớm hay muộn cũng khô kiệt!”
Lý thị thở dài: “Cũng chẳng thấy cháu đi nhận nước giếng, chỗ nước này chỉ đủ nhà cháu dùng, về sau đừng đưa nước tới nữa.
Tuy nhà chúng ta nhiều người nhưng nước nhận về vẫn đủ ăn!”
“Cháu biết rồi!” Ân Tu Trúc chắp tay nói.
“Aizzzz! Đã sắp hạn một năm rồi, ông trời có để người ta sống nữa hay không đây!” Lý thị thở dài và xuống núi.
Trời hạn hán nghiêm trọng, nước ăn còn không có vì thế ngày tết năm nay cũng chẳng có gì mà chuẩn bị.
Tết Đoan Ngọ và Trung Thu cũng chẳng ai đề cập tới, cuối năm cũng không có thịt khô và lạp xưởng.
Một năm này quả thực quá khổ, ngày ngày chỉ ăn bánh bột bắp và uống nước sôi để nguội.
Một năm này cứ thế trôi qua.
Đầu xuân năm thứ hai mọi người đều trông ngóng mùa màng năm nay có thể tốt hơn một chút, mong mưa xuân rơi xuống giảm bớt tình trạng hạn hán này.
Nhưng đó chỉ là hy vọng, và nó dần dần biến thành tuyệt vọng.
Mặc kệ bọn họ đốt bao nhiêu nến thơm và tiền giấy ở miếu Long Vương thì mọi chuyện vẫn thế.
Thời tiết vẫn khô hạn.
Vì khô hạn nên dẫn tới nhiều chứng bệnh, cứ thế tra tấn nông dân.
Nhị Bảo cũng bận rộn vô cùng.
Năm hạn dược liệu quý giá, cha vợ Nhị Bảo hỗ trợ thu mua nhưng giá cả vẫn ngày một tăng.
Vốn hắn xem bệnh cũng không thu tiền, tiền thuốc cũng lấy rẻ nhưng dần dần cũng không đủ sức mua dược liệu bổ sung vì quá đắt.
Hắn chỉ đành chọn mua vài loại vừa rẻ lại có nhiều tác dụng, cộng thêm với dược liệu hái được trong núi để chữa một vài chứng bệnh thường gặp.
Còn những người cần uống thuốc quý hoặc gặp bệnh nan y thì Nhị Bảo chỉ có thể kê đơn thuốc để người nhà tự lên trấn trên bốc thuốc.
Cả nhà Đào Tam gia hơn 20 người, hàng chắt có tới mười đứa đều đang lúc tuổi nhỏ nên ăn cũng không nhiều lắm.
Ấy vậy mà lương thực tồn vẫn ngày một ít đi, khuôn mặt tụi nhỏ ngày xưa mập mạp nay đều gầy một vòng, da vàng như nến vì thiếu dinh dưỡng.
Trong thôn có hai người già bị bệnh rời khỏi nhân thế.
Cả Đào gia thôn như phủ trong mây đen u ám.
Nghe nói có vài thôn đã có người phải ra ngoài đi ăn xin, lương thực tồn trong nhà chẳng còn nên bọn họ chỉ đành dìu già dắt trẻ đi khất thực.
Nạn hạn hán 50 năm mới có một lần khiến toàn bộ Thục Châu không thể thoát được, người đi ăn xin ngày một nhiều.
Mỗi ngày đều có người tới Đào gia thôn ăn xin, lúc mới đầu Đào Tam gia và Lý thị còn có thể cho bọn họ chút đồ ăn, nhưng về sau người xin nhiều hơn nên bọn họ cũng chỉ có thể đóng cửa không có việc thì không ra khỏi nhà.
Lý thị là người mềm lòng, không nhịn được thương người ta dìu già dắt trẻ tới xin ăn nhưng lương thực nhà bà cũng chẳng còn nhiều lắm, nếu năm nay lại khô hạn nữa thì dù năm sau tình hình có khá hơn nhà họ cũng sẽ phải chờ tới năm sau nữa mới có lương thực thu vào.
Lương thực trong kho lúa nhà họ còn phải để tới năm sau ăn, hai mươi người trong nhà đều dựa vào đó.
Vì thế bà cắn răng đóng cửa nhắm mắt làm ngơ!
Tộc trưởng gọi mọi người tới thương lượng dựng một hàng rào gỗ ở cửa thôn, người ăn xin không vào thôn được thì đành đi chỗ khác.
Bọn họ tới trấn trên, tới huyện thành, tới Thục Châu, thậm chí đi Tần Xuyên, ra khỏi Thục Châu đến nơi xa ở phương bắc hoặc phía nam xin ăn.
Chuyện dân đi ăn xin trong năm thiên tai mất mùa đã quá quen thuộc, còn quan viên triều đình có để ý hay không, có cung cấp lương thực cứu tế hay không thì người dân Đào gia thôn ở một góc xó xỉnh chẳng thể nào biết được.
Ngoại trừ lúc nộp thuế nhìn thấy mấy sai dịch thì bọn họ chưa từng gặp mặt quan lại.
Trong năm thiên tai những kẻ kia cũng biến mất không tung tích, càng đừng nói tới cứu tế.
Người của Đào gia thôn tin tưởng rằng trong năm thiên tai chỉ có thể dựa vào mình mới giữ được mệnh.
Trong thôn cũng có rất nhiều nhà không còn lương thực tồn, lúc này tộc lương lập tức thể hiện ưu thế.
Đào Trường Diệu phân phối cho mọi người theo quy tắc định trước nên tất cả thôn dân đều tán thành.
Lúc trước Đào Đại gia phân đất đai tổ tiên cho mọi người và quy định mỗi năm bọn họ phải nộp một phần đóng góp vào tộc lương theo số đất trong nhà.
Hiện tại bọn họ cũng ấn theo số đất mà phát lương thực.
Đương nhiên việc tu sửa từ đường cùng kho lúa của tộc, cũng như tiền ăn cho nhân công đều phải trừ đi.
Những chi tiêu kia Đào Trường Diệu đều thông báo rõ cho toàn bộ thôn từ già tới trẻ, người tính sổ là Đại Bảo.
Đào Trường Diệu làm việc phóng khoáng, đặc biệt là việc liên quan tới sống chết thế nên các thôn dân cực kỳ tin tưởng.
Ngày xưa có vài kẻ không vui chuyện phải nộp tộc lương nhưng hiện tại cũng đã đổi cách nghĩ, khen không dứt miệng.
Cuối cùng mọi người đều vui mừng, có lương thực lòng người cũng an ổn hơn, chỉ đợi hạn hán qua đi lại làm việc tiếp tục sinh hoạt..