Đọc truyện Chuyện xứ Lang Biang (Tập 3: Chủ Nhân Núi Lưng Chừng) – Chương 37
Chương 26
Tiếng thét
Cho đến trưa hôm sau, bộ mặt ông K’Tul và bà Êmô vẫn còn chầm dầm. Cả hai lặng lẽ múc đồ ăn vô chén, lặng lẽ nhai, lặng lẽ nuốt, không nói một tiếng. Trông họ lầm lì y chang hai người máy, ngó phát ớn.
Êmê, Nguyên, Kăply và K’Tub ngồi chụm lại ở đầu bàn đối diện, trao đổi với nhau bằng mắt và liên tục đá chân nhau dưới gầm bàn.
Bữa ăn trôi qua trong không khí ngột ngạt khủng khiếp, giống như bữa ăn của các tử tội trước khi ra pháp trường.
Tối hôm qua, suýt chút nữa thằng K’Tub đã làm tung tóe mọi thứ khi nó chìa bộ mặt hớn hở vô bộ mặt quạu quọ của ông K’Tul, định khoe chuyện nó đã gặp bà Ka Lên lẫn vợ chồng K’Rahlan để mong lấy cái tin vui đó dập tắt cơn cáu giận của ba nó. Lúc đó nếu Nguyên không kịp hắt hơi một tiếng to như sấm và kín đáo thúc khuỷu tay vô lưng thằng nhóc, nó đã phun ra tất tần tật về chuyến đi bí mật của tụi nó rồi.
Bây giờ nhớ lại, Nguyên còn thấy lạnh toát sống lưng. Nguyên liếc qua K’Tub, thấy thằng này đang tọng một nùi cá pha lê vô họng nhai ngốn ngấu như muốn dùng thức ăn thay cho cái nút nhét miệng mình lại để khỏi xì ra những lời lẽ mà nó biết chắc là nó không kiểm soát được.
Nhưng K’Tub là đứa không có khả năng kiềm chế được tính khí của mình. Lạ một điều là nó ít khi giữ được bình tĩnh khi đối diện với ba nó. Nguyên nghĩ chắc là tại ông K’Tul nuông chiều nó quá, kể từ khi mẹ nó qua đời.
Lần này cũng vậy, K’Tub chỉ bắt mình làm thinh được đến giữa bữa ăn. Sau khi liếc nhìn ông K’Tul rồi nhìn bà Êmô rồi lại nhìn ông K’Tul, thấy hai người cương quyết đeo bộ mặt bằng đá để gây căng thẳng cho tụi nó, K’Tub bắt đầu xì mũi đùng đùng.
Ba đứa Nguyên, Kăply và Êmê đều né người qua một bên, nhăn mặt nhìn thằng nhóc làm trò. K’Tub vốn là đứa ở dơ nổi tiếng, giờ nó cố tình xì mũi văng tùm lum, ngó càng dơ bạo.
Ông K’Tul thoạt đầu chủ trương phớt lờ. Ông cắm mặt vô đĩa thịt khoanh, hổng hé môi tiếng nào, làm như ta đây bị điếc đột xuất. Nhưng nhìn quai hàm của ông bạnh ra một cách bất thường khi nhai thức ăn, Nguyên biết là ông đã muốn bóp cổ thằng con lắm rồi.
Nguyên nơm nớp giật tay K’Tub ra hiệu cho nó xì-tốp nhưng ngay lập tức bị thằng nhóc hất văng ra một cách thô bạo.
– Níu, níu cái gì! – K’Tub rống lên. – Bỏ tay ra, anh K’Brăk!
Bộ mặt của thằng K’Tub trông khùng khùng đến mức thằng Đam Pao và con Chơleng cứ lấp ló mãi chỗ cửa bếp, không dám bưng thức ăn ra.
– Câm mồm đi! – Ông K’Tul hết chịu nổi, quát lên, đôi mắt lấp loáng của ông xoáy vào mặt K’Tub như hai lưỡi gươm. – Mày đi lông nhông suốt cả ngày hôm qua mà bây giờ bày đặt gây sự hả?
– Lông nhông? – K’Tub nhìn trừng trừng vào mặt ba nó, chẳng sợ gì hết, ánh mắt của hai cha con đấu nhau như người ta đấu gươm. – Chính thầy hiệu trưởng gửi giấy về nhà, rồi cũng chính ba và dì Êmô cho phép tụi con đi, vậy mà bây giờ ba nói vậy hả?
– Nhưng ta đâu có nghĩ tụi con đi đến tối mịt như thế? – Bà Êmô đứng về phía ông K’Tul. – Đi lang thang ngoài đường vào ban đêm, điều đó thật chẳng hay chút nào với những đứa trẻ nhà K’Rahlan, tụi con à.
– Mẹ sợ gì hả mẹ? – Êmê thận trọng lên tiếng. – Baltalon đã chết, còn Buriam và Buriăk thì bị bắt rồi.
Chỗ này Êmê cố tình giấu nhẹm chuyện sứ giả thứ năm của phe Hắc Ám đã trốn thoát khỏi Cục an ninh. Nó còn định nói ngay cả sứ giả thứ hai Basil cũng đã tiêu tùng nhưng may mà nó ngậm miệng lại kịp.
Bà Êmô nhún vai:
– Hổng lẽ tụi con không biết Buriăk đã chạy thoát?
Ông K’Tul phụ họa với bà Êmô bằng cách nhặt tờ Tin nhanh N, S & D cạnh cùi tay liệng đánh “xoạch” trước mặt bọn trẻ, bữa nay trông ông cáu đến mức không thèm điều khiển cho tờ báo lượn từ từ như mọi lần.
Bọn trẻ chụm đầu đọc, sởn gai ốc trước tin tức nhanh nhạy của Ama Đliê:
CHUYỆN GÌ ĐANG ĐƯỢC CHE GIẤU Ở TRƯỜNG ĐĂMRI
Có quá nhiều điều để phụ huynh học sinh trường Đămri lo ngại trong những ngày này. Tin tức về vụ vượt ngục của Buriăk, sứ giả thứ năm của trùm Bastu, chưa kịp lắng xuống, hàng loạt tin chấn động khác đã khiến tất cả những ai quan tâm đến tình hình an ninh của xứ Lang Biang đều cảm thấy vô cùng hoang mang. Đặc biệt những tin xấu nhất đều liên quan đến trường Đămri, đứng đầu là hiệu trưởng N’Trang Long. Theo một nguồn tin thông thạo, tối hôm qua đã có nhiều tiếng thét hãi hùng phát ra từ ngọn tháp trong khuôn viên trường Đămri. Trả lời phỏng vấn của phóng viên bản báo, cô Kemli Trinh, người từng là nạn nhân của thuật Quỷ mộng trước đây, khẳng định tiếng thét đó không phải là của cô. Khi được hỏi tiếp rằng vậy đó là tiếng thét của ai và nguyên nhân nào gây ra tiếng thét đó thì cô Kemli Trinh đã không trả lời. Các giáo viên khác cũng từ chối các câu hỏi tương tự của chúng tôi. Thái độ bất hợp tác của đội ngũ giáo viên trường Đămri với báo chí quanh sự kiện này có lẽ xuất phát từ lệnh cấm của hiệu trưởng N’Trang Long. Đây vốn là cách thức ông thường áp dụng mỗi khi gặp rắc rối.
Những tin tức tệ hại nhất chưa dừng lại ở đó: Sáng nay có ít nhất là bốn học sinh trường Đămri không tới trường. Đó là các học sinh Kan Tô, Mua ở lớp Cao cấp 1 và Tam, Bolobala ở lớp Cao cấp 2. Cho đến trước khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi vẫn chưa nghe nhà trường và phụ huynh của bốn học sinh này có phản ứng gì, nhưng bằng linh cảm nghề nghiệp, chúng tôi tin rằng đây là một vụ mất tích tập thể.
Hiện nay Cục an ninh đã vào cuộc, Bộ giáo dục đang lo lắng theo dõi và buộc ông N’Trang Long gửi báo cáo khẩn cấp. Đặc biệt, Hội đồng tối cao Lang Biang cũng đang rất quan tâm đến những gì chúng tôi vừa đề cập. Mời quý độc giả đón đọc các số báo tới để được biết những thông tin nóng, sốt và dẻo nhất quanh những sự kiện bí ẩn này.
– Thế nào hả, tụi con? – Ông K’Tul nói ngay khi bọn trẻ vừa rời mắt khỏi tờ báo, hàng ria mép rung rung một cách đắc ý. – Ta và dì Êmô lo lắng cho tụi con có gọi là thừa không hả?
Lần này thì tụi nhóc im ru. Bốn đứa đưa mắt nhìn nhau, không biết phải trả lời giọng điệu khiêu khích của ông K’Tul như thế nào. Tụi nó tất nhiên không thể nói huỵch toẹt về sự thật đằng sau chuyện biến mất của tụi thằng Tam, nhưng như vậy có nghĩa là tụi nó buộc phải thừa nhận sự phỏng đoán của tờ Tin nhanh N, S & D mà nói cho cùng thì không phải là không có lý.
Rồi còn tiếng thét tối hôm qua tụi nó nghe thấy trong sân trường nữa. Bây giờ thì Nguyên tin chắc lúc đó thám tử Eakar đang quanh quẩn đâu đó trên mái nhà và chính ông đã xì cái vụ này ra cho Ama Đliê.
– Thiệt là đáng sợ. – Bà Êmô khẽ nhắm mắt lại như không muốn nhìn thẳng vào sự thật mà bà đang nói. – Nguy hiểm vẫn còn trùng trùng ở chung quanh mà tụi con thì như một lũ ngựa non, hổng biết trời cao đất dày là gì hết. Bộ con tưởng sau khi Baltalon và Buriam một tên tiêu tùng một tên bị bắt thì phe Hắc Ám không còn ai hỏi thăm sức khỏe của con nữa hả, K’Brăk?
– Dạ, con không nghĩ thế, thưa dì. – Nguyên cúi đầu lên chén canh, lí nhí đáp, tâm trí mải nghĩ đến tiếng thét tối hôm qua, hổng biết đó là tiếng thét của ai mà nghe rùng rợn quá sức.
Ông K’Tul gườm gườm nhìn bọn trẻ, giọng không giấu vẻ ngờ vực:
– Thiệt tình ta không hiểu tụi con làm cái quái gì trong trường từ hồi chiều tới giờ. Lão N’Trang Long có xúi tụi con làm chuyện bậy bạ gì không hả?
– Tụi con làm sổ sách thiệt mà ba. – K’Tub nói dối, nhưng cố hét to bằng giọng của người vừa bị tòa kết án oan.
– Hừm. – Ông K’Tub bực dọc giựt phắt chiếc khăn rằn ra khỏi cổ, rồi không biết làm gì với nó, ông lại vắt trở lại lên vai, quạu quọ nói. – Ta thì ta chẳng tin lão ta chút xíu nào hết. Ngôi trường của lão cứ xảy ra hết chuyện này đến chuyện khác…
Kăply ngứa miệng:
– Những chuyện đó là do trùm Bastu và tay chân của hắn gây ra chứ chẳng liên quan gì đến thầy N’Trang Long hết, bố à.
Bà Êmô liếc hàng ria đang cựa quậy dữ dội của ông K’Tul, khéo léo lái câu chuyện qua hướng khác:
– Thế khi còn ở trong trường, tụi con có nghe thấy tiếng thét mà tờ Tin nhanh N, S & D nói không?
– Không, mẹ à. – Êmê nói, làm hết sức để tỏ ra hồn nhiên. – Tụi con chẳng nghe thấy gì hết. Hổng biết đám phóng viên của Ama Đliê lấy những tin tức lôm côm này từ đâu ra.
– Con nói nhăng gì thế, Êmê. – Ông K’Tul hét to, phải khó khăn lắm ông mới không đứng bật lên khỏi ghế. – Xưa nay, những thông tin trên tờ Tin nhanh N, S & D luôn luôn chính xác. Con hãy cố bắt cái đầu của con ghi nhớ điều đó đi.
Bữa ăn đầy tiếng quát tháo, nhưng bọn trẻ cảm thấy như vậy thì dễ chịu hơn. Ít ra tụi nó cũng được nói, cũng như nghe ông K’Tul và bà Êmô nói và nhờ vậy tụi nó biết được họ đang nghĩ gì.
Tụi nó chỉ không thoải mái lúc bà Êmô đưa ra đề nghị vào cuối bữa ăn:
– Hay là tụi con nghỉ học một vài bữa. Chờ Cục an ninh làm rõ mọi chuyện đã.
– Việc gì phải sợ dữ vậy, dì! – K’Tub nhăn nhó. – Bây giờ anh K’Brăk và anh K’Brêt đâu có giống như…
Đang leo lẻo, một cú đá muốn gãy ống quyển khiến K’Tub câm bặt. Nó không biết đứa nào vừa đá nó dưới gầm bàn, nhưng nó không quan tâm đến điều đó bằng việc suýt chút nữa nó đã làm vỡ lở mọi chuyện.
Nhưng ông K’Tul đã kịp rọi cặp mắt sáng quắc vào mặt Nguyên và Kăply, theo cái cách nhà thám hiểm rọi đèn pin để thăm dò hang động, và ông bỗng ngờ ngợ khi thấy đôi mắt của hai thằng nhóc lấp lánh một cách khác thường.
– Con định nói gì về K’Brăk và K’Brêt thế, K’Tub? – Ông nhìn thằng con qua khóe mắt, giọng căng thẳng.
– À, ờ… – Thằng K’Tub cào tay lên tóc, bụng rủa thầm mình tơi tả – ý con muốn nói là bây giờ anh K’Brăk và anh K’Brêt đâu có giống như… những con giun nữa.
Nguyên vọt miệng:
– Con nghĩ những câu thần chú chiến đấu mà tụi con đã học dù sao cũng có thể giúp tụi con tự bảo vệ được mà, bố.
– Chẳng ăn thua gì đâu, con. – Bà Êmô khẽ nhún vai, cái nhún vai của bà trông rất điệu so với mọi người. – Nếu gặp Buriăk, Badd hay Basil, thần chú của con không chống lại chúng nổi đâu. Đó là chưa kể nếu chạm trán các hộ pháp Balibia hay Balikem, coi như con không còn đường thoát.
Mặc dù đã no kềnh, K’Tub vẫn cố tọng thêm một khúc thịt khoanh vô họng, nếu không làm vậy nó biết nó sẽ ấm ức xì ra chuyện Nguyên và Kăply đã từng đánh ngang tay với Balibia và Buriăk như thế nào.
Bữa đó, không chỉ K’Tub tự bịt miệng mình bằng cách đó. Ba đứa còn lại cũng ăn ngập họng đến mức khi đứng dậy tụi nó có cảm giác tụi nó đang bị neo chặt vào ghế và đến khi nhổ mông lên được, tụi nó cảm thấy như người bị tước hết năng lượng. Chỉ có điều an ủi duy nhất là cho đến khi tụi nó rời khỏi bàn, bà Êmô không nhắc đến chuyện nghỉ học thêm một lần nào nữa.
* * *
Buổi chiều Suku và Păng Ting lao vô lâu đài K’Rahlan với vẻ mặt hớt hải:
– Các anh chị đã đọc báo Tin nhanh N, S & D trưa nay chưa?
– Rồi. – K’Tub sa sầm mặt. – Ba tao là cái loa của tờ báo cà chớn đó mà, Suku.
Păng Ting lo lắng ngọ nguậy mái tóc đã kịp nhuộm đỏ hoe từ tối hôm qua:
– Chắc chắn ngày mai ba mẹ của tụi Bolobala sẽ xộc vô trường quậy tưng cho coi.
– Cứ nhớ đến ông Bolorađam là anh phát rét, Păng Ting à. – Kăply rụt cổ.
– Cứ cho họ quậy. – Êmê thản nhiên. – Đằng nào thì bốn đứa tụi nó cũng sẽ trở về mà. Tới khi tụi nó về tới trường thì mọi chuyện sẽ lập tức êm xuôi.
– Em nói đúng lắm, Êmê. – Nguyên khen Êmê làm cô nàng ửng mặt lên vì sung sướng. – Điều đáng lo hiện nay không phải là sự mất tích của tụi thằng Tam mà chính là bí ẩn quanh tiếng thét trong trường Đămri.
K’Tub liếc Suku:
– Mày có đoán ra đó là chuyện gì không, Suku?
– Không. – Suku thở dài. – Từ hôm qua tới giờ tao nghĩ về chuyện đó hoài nhưng vẫn không lần được chút xíu manh mối nào hết.
– Quỷ mộng? – Nguyên thì thầm như nói với chính mình, đôi mắt nó đột nhiên trở nên xa vắng.
– Người duy nhất biết thuật Quỷ mộng là Buriam đã bị bắt rồi, anh K’Brăk. – Suku phản đối.
– Ờ, – Nguyên mơ màng nói – và thay thế Buriam dạy môn Thần giao cách cảm ở lớp Cao cấp 1 là thầy Akô Nô…
– Nhưng thầy Akô Nô chắc chắn không biết thuật Quỷ mộng. – Suku đưa tay véo môi. – Anh cũng biết mà, anh K’Brăk. Chỉ những phù thủy hắc ám mới luyện tà thuật này.
Đôi mắt Nguyên đột ngột rực lên. Nó chiếu tia nhìn vào Suku làm thằng oắt bất giác thấy hai gò má nóng bỏng:
– Vấn đề là chúng ta làm sao biết được thầy Akô Nô có phải là một phù thủy hắc ám hay không?
– Thầy Akô Nô không thể là phù thủy hắc ám được. – Kăply ré lên. – Một phù thủy hắc ám không bao giờ giúp chúng ta hái những quả táo vàng.
– Anh K’Brêt nói đúng đó. – Păng Ting cao giọng, mái tóc đỏ của nó có vẻ sẵn sàng xù ra bốn phía. – Theo em, không nên đặt ra câu hỏi đó về thầy Akô Nô.
Nguyên ném cho Păng Ting một cái nhìn bối rối, rồi quay sang Suku:
– Em còn giữ những chiếc áo tàng hình…
– Chẳng ăn thua gì đâu, anh K’Brăk. – Suku biết ngay Nguyên đang nghĩ gì trong đầu. – Trước đây nhờ thầy Hailixiro…
– Buriam. – Êmê nhắc.
– Ờ, Buriam. – Suku tặc lưỡi. – Nhờ Buriam vô hiệu hóa bùa Bất khả xâm phạm, tụi mình mới đột nhập vô trường Đămri được…
– Ờ há. – Nguyên dứt một lúc hai, ba sợi tóc, mặt ngẩn ra.
Suốt từ lúc đó cho đến xế chiều, ngay cả khi Suku và Păng Ting đứng dậy ra về, bọn trẻ vẫn chẳng nghĩ được điều gì hay ho, mặt đứa nào đứa nấy héo đi từng phút một và tâm trạng tụi nó đã bắt đầu giống tâm trạng của những kẻ bị nhốt trong hầm mà không biết bao giờ nắp hầm mới mở ra.
Đêm đó, trong khi Kăply ngủ khò, Nguyên mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà, nằm day qua trở lại không sao dỗ giấc được. Lòng rối bời, nó có cảm giác như nó đang nằm trên một miếng sắt nóng. Có quá nhiều sự kiện trọng đại chụp xuống đầu nó trong những ngày qua khiến nó thấy nó giống y chang một con ruồi sa vào tấm lưới nhện bùng nhùng khó bề thoát ra. Sự quay về của bà Ka Lên và vợ chồng K’Rahlan. – Kaming dĩ nhiên làm nó vui mừng nhưng đồng thời cũng khiến nó cảm thấy lo lắng hết sức. Cho đến lúc này, mọi người đã mặc nhiên coi nó và Kăply là K’Brăk và K’Brêt. Nhưng với bà Ka Lên và vợ chồng K’Rahlan thì điều đó không có gì là chắc chắn. Tuy không sống gần con nhiều năm nay nhưng với linh cảm của người làm cha làm mẹ, có thể họ sẽ phát hiện ra sự giả mạo của tụi nó, mặc dù tụi nó biết là tụi nó không hề cố ý.
Khi Nguyên mở miệng kêu ông K’Rahlan bằng tiếng ba hay kêu bà Kaming bằng tiếng mẹ, nó đã bộc lộ niềm vui một cách thành thật nhưng xét cho cùng vẫn thiếu một điều gì đó như là sự thiết tha cảm động của một đứa con thực sự. Nguyên nhận ra thiếu sót đó của mình, thiếu sót mà nó biết có cố đến mấy nó cũng không thể sửa được, vì vậy mà nó rất đỗi hoang mang. Nguyên biết chắc sớm muộn gì bà Ka Lên và vợ chồng K’Rahlan cũng sẽ trở về lâu đài và từ nay đến đó nó buộc phải sống trong tâm trạng phập phồng của kẻ đột nhập trái phép chờ bị bắt quả tang.
Thẫn thờ một hồi, Nguyên lại ái ngại nghĩ đến số phận hiện nay của nó và Kăply. Đã ăn hai quả táo vàng rồi, đã chính thức trở thành chiến binh giữ đền đời thứ ba rồi, những ngày sắp tới hẳn tụi nó phải trực tiếp và công khai đương đầu với trùm Hắc Ám. Như chiến binh giữ đền đời thứ nhất và đời thứ hai đã làm. Nhưng khổ nỗi tụi nó lại không có được trình độ như chủ nhân núi Lưng Chừng hay Đại phù thủy Mackeno. – những chiến binh giữ đền trước đây. Nguyên biết hiện nay năng lượng pháp thuật của nó và Kăply đã tăng tiến vượt bậc, nhưng cũng chỉ đủ để giữ gìn tính mạng trước sự tấn công của các hộ pháp và sứ giả của phe Hắc Ám. Còn nếu để đối phó với trùm Bastu, Nguyên biết tụi nó không có khả năng. Ngay cả thần chú Điểu sát tinh, tụi nó cũng không chống nổi, nói gì tới thần chú kim cương.
Rồi còn tiếng thét trong tòa tháp ở trường Đămri? Rồi hành tung mập mờ của ông K’Tul? Rồi báu vật gì gì đó được cấu giấu ngay trong lâu đài K’Rahlan mà bao nhiêu người tìm kiếm? Rồi con chim vàng quái quỉ bất ngờ bay lên từ cái xác Kăply? Liệu tất cả những chuyện đó có liên quan gì đến số phận của nó và thằng bạn nó? Rồi còn làng Ke nữa, bao giờ tụi nó mới được trở về quê hương đích thực của mình?
Nguyên nghĩ và nghĩ, càng nghĩ bụng càng thắt lại, phần lớn thời gian trong đêm nó tắm trong lo âu và mệt mỏi. Đến gần sáng, nó mới mơ màng thiếp đi, và trong giấc ngủ chập chờn hình như nó thấy gương mặt thần chết của lão Ôkô Na hiện ra như một viên đạn, bắn xuyên qua đầu nó, nhức buốt.
* * *
– Kỳ này banh ta lông hết cả lũ rồi!
Sáng hôm sau, vừa đặt chân qua cửa lớp, Nguyên và Kăply đã nghe thằng Amara bô bô. Thằng nhãi chìa bộ mặt hí hửng vô mặt Nguyên và Kăply, khoái trá một cách độc ác:
– Báo cho hai đứa mày một tin vui là thằng Tam và con nhỏ Bolobala nhiều chuyện đã biến khỏi cuộc đời rồi.
– Tin vui cái đầu mày, Amara! – Kăply nghiến răng ken két. – Mày đối với bạn bè như thế đấy hả?
– Việc quái gì mày phải tru tréo lên thế, K’Brêt! – Amara nhăn nhở. – Tao biết hai đứa đó là bạn thân của tụi mày. Nhưng với tao thì hai đứa đó chỉ là đồ cóc nhái. Tao muốn tụi nó biến lâu rồi nhưng tiếc là mãi đến hôm nay ý muốn của tao mới thành sự thật.
– Chính mày mới là đồ cóc nhái!
Kăply gầm lên và vung nắm đấm vào giữa mặt Amara. Thoáng thấy gương mặt bạn mình đổi sang màu tím, Nguyên hoảng hốt chộp tay Kăply nhưng không kịp.
“Bốp” một tiếng, Amara ngã bật ngửa ra sau, bong bóng máu phì ra cùng lúc từ hai lỗ mũi giữa tiếng thét the thé của thằng Y Đê lẫn tiếng hoan hô rầm trời của những đứa lâu nay vốn không ưa thằng Amara.
Trong khi Kăply ngỡ ngàng nhìn xuống bàn tay mình, ngạc nhiên về sức mạnh bất ngờ của cú đấm, Amara đã kịp vùng dậy. Mặt xạm đi, nó chĩa tay ngay người Kăply, rống lên:
– Trói gô mày lại nè, đồ khốn nạn!
Hàng loạt sợi dây màu trắng bắn ra từ tay Amara bay tua tủa về phía Kăply, nhanh đến mức dù đứng sát bên cạnh Nguyên cũng không kịp ra tay can thiệp.
Thằng Hailibato dậm chân lạch bạch, tay huơ tít, quát tướng:
– Ê, ai cho mày dùng thần chú chiến đấu đánh nhau trong lớp hả Amara? Tao sẽ méc thầy Hai…
Chưa nói hết chữ “Haifai”, miệng mồm Hailibato đã há hốc ra như thể thấy ma. Trước mặt nó, những sợi lòi tói của Amara vừa chạm vào người Kăply đã bay ngược trở lại, nhanh chóng trói nghiến lấy Amara, thoáng mắt đã biến thằng này thành một đòn bánh khổng lồ.
Cả lớp đực mặt, chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra thì thầy Haifai đã xuống tới.
– Cái quái gì thế này hả? – Thầy gầm lên khi nhìn thấy thằng Amara đứng trơ giữa lớp với mớ dây nhợ chằng chịt quanh người.
Thằng Y Đê vội vã ton hót:
– Bạn K’Brêt vừa trói bạn Amara, thưa thầy.
Thầy Haifai lập tức quay cái trán dồ về phía Kăply, mấy chục chiếc răng nhe hết ra ngoài:
– Trò chơi ngon quá há, K’Brêt. – Thầy càng nói càng nổi điên, cái đầu lưa thưa tóc lắc lư dữ dội. – Ta dạy câu thần chú chiến đấu số 6 đâu phải để mấy trò đem ra đánh nhau loạn xà ngầu trong lớp như bọn đầu đường xó chợ vậy hả?
– Thưa thầy…
Kăply ấp úng, chưa nói hết câu phân trần, thầy Haifai đã quát:
– Câm mồm! Trò định nói câu thần chú trò vừa sử dụng không phải là thần chú chiến đấu số 6 chứ gì!
– Con không sử dụng bất cứ một câu thần chú nào hết, thưa thầy. – Kăply nói một lèo như gió để thầy Haifai không thể chặn họng nó lần thứ hai.
– Láo toét! – Thầy Haifai dộng tay lên cánh cửa đánh “rầm” một cái. – Bộ trò cho rằng ta bị đui hả K’Brêt!
– Thưa thầy, bạn K’Brêt nói thật đấy ạ. – Hailibato bênh bạn, vừa nói nó vừa lấy cườm tay chùi mồ hôi đang tươm ra đầy mặt vì hồi hộp.
Thằng Lung cũng nhanh nhẩu hùa theo:
– Bạn K’Brêt chỉ thụi vô mặt Amara thôi ạ. Thế là bạn Amara dùng thần chú chiến đấu số 6 đánh trả nhưng không hiểu sao… không hiểu sao những sợi dây bay ngược trở lại và… và trói chính bạn Amara…
– Có gì đâu mà không hiểu. Đó là hiệu ứng phản nguyền…
Như biết mình lỡ lời, thầy Haifai khịt khịt mũi mấy cái rồi đùng đùng đi thẳng vô chỗ ngồi để khỏi phải nói tiếp câu nói dang dở.
– Hiệu ứng phản nguyền là gì hả thầy? – Bọn học trò nhao nhao.
– Hiệu ứng phản nguyền hả? – Thầy Haifai lúng túng gãi những móng tay sặc sỡ lên trán, rồi không biết làm sao để dập tắt những ánh mắt đau đáu của học trò đang nhìn mình, thầy nổi khùng nạt ngang. – Đó là cái gì thì sau này các trò sẽ được học tới. Còn bây giờ thì lũ ngu ngốc tụi bay mau giở tập ra!
Trong lớp, dĩ nhiên chỉ có Nguyên và Kăply biết hiệu ứng phản nguyền là gì. Suku đã từng giải thích cho tụi nó biết nếu dùng thần chú hoặc lời nguyền đối phó với người có năng lượng pháp thuật cao hơn mình nhiều lần, đòn đánh đó sẽ văng ngược lại, đánh vào chính mình. Chính Bolobala đã từng lãnh đủ hiệu ứng phản nguyền khi dùng lời nguyền rủa thầm đánh lén Baltalon và trùm Bastu.
Như vậy là năng lượng pháp thuật của mình bây giờ đã cao ghê gớm! Kăply mừng rỡ nhủ bụng, nhưng liền sau đó nó lại bắt đầu lo lắng nghĩ đến chuyện làm sao đừng để xảy ra đánh nhau với tụi bạn trong lớp.
Hôm nay thầy Haifai dạy đến thần chú chiến đấu số 14 và số 15. Hai câu thần chú này là một cặp, lúc nào cũng đi chung với nhau, thầy bảo thế. Kăply suýt nữa phá ra cười khi nghe tên của hai câu thần chú. Thần chú số 14 là Chụp ếch, thần chú số 15 là Lạng qua lách lại.
Kăply cố dán miệng mình lại nhưng những tiếng rúc rích vẫn vang lên khắp lớp.
– Im lặng! – Thầy Haifai quát lên và đứng phắt dậy, đôi mắt sâu hút như hai đường hầm của thầy lừ lừ quét dọc các dãy bàn khiến bọn học trò rúm lại như bị quất roi. – Chẳng có gì đáng để các trò rúc lên như chuột hết.
Thầy vừa nói vừa vung vẩy hai cánh tay, như thể để cho đỡ mỏi sau khi thụi rầm rầm lên bàn, lên cửa:
– Đây là hai câu thần chú chiến đấu duy nhất nghiêng về phòng thủ. Gặp đối phương quá mạnh, các trò phải dùng hai câu này để té lăn ra và trượt đi.
– Đang đánh nhau mà trượt đi đâu thầy? – Thằng Amara giả bộ ngờ nghệch.
– Trượt đi đâu thì kệ trò! – Thầy Haifai mím môi lại và Kăply nghe tiếng thầy rít qua kẽ răng. – Miễn làm sao cái xác của trò đừng có bị nát bét trước đòn tấn công của đối phương là được rồi.
Nguyên cụng đầu vô đầu Kăply, thì thầm:
– Thầy cố tình dạy hai câu thần chú này là vì tao và mày đó.
– Vì tao và mày? – Kăply ngơ ngác.
– Không phải sao! Hôm qua thầy chứng kiến tụi mình bị trúng đòn của thầy N’Trang Long một cách dễ dàng. Nếu đã học qua hai câu thần chú này có phải tụi mình đã tránh được rồi không?
– Ờ há.
Kăply lại thốt lên câu quen thuộc và đưa mắt nhìn ra sân, hồi hộp chờ phụ huynh của tụi thằng Tam xuất hiện.
Nhưng suốt buổi sáng hôm đó chẳng có tiếng ầm ĩ nào cất lên giữa sân trường, thậm chí không có một người lạ mặt nào bước qua khỏi cổng.
Kăply liếc mắt về phía Amara ngồi, thấy thằng này thấp tha thấp thỏm suốt từ đầu giờ đến cuối giờ, đầu tóc xoăn tít của nó không ngừng ngọ nguậy và nó ngồi học mà cặp mắt ti hí cứ đảo lia ra ngoài cửa sổ, và đến khi biết chắc sáng nay chẳng có trò hay nào để xem, nó xịu mặt xuống như thể trường Đămri mà không náo loạn thì đời chẳng có gì vui.
Ở trên bảng, thầy Haifai cứ lần lượt kêu hết cặp này đến cặp khác lên thực hành hai câu thần chú mới học, mặc dù tiếng ngã oanh oách vang lên mỗi lúc một nhiều và đặc biệt là cứ mỗi lần trượt người đi để né câu thần chú của đối phương, hầu hết bọn học trò đều húc đầu rầm rầm vào vách tường hay chân bàn chân ghế vì lố đà, và kết quả của tiết học phòng thủ đầu tiên là đầu đứa nào đứa nấy sưng bốn, năm cục to tổ chảng.
Nguyên và Kăply cũng bị kêu lên bảng nhưng rõ ràng thầy Haifai chỉ dám cho tụi nó thực hiện các câu thần chú Chụp ếch và Lạng qua lách lại. Có lẽ đánh giá được năng lượng khủng khiếp hiện nay của Nguyên và Kăply nên thầy tuyệt nhiên không sắp xếp hai đứa nó vào vai trò tấn công để tránh xảy ra những tổn thương mà thầy biết chắc là rất nghiêm trọng.
Khi tiếng chuông hết giờ reo lên, Nguyên và Kăply đang phân vân nhìn nhau, chưa biết có nên tìm cách lân la lại gần thầy Haifai để hỏi về tiếng thét vang lên đêm đêm trong ngọn tháp hay không thì thầy đã chọc ngón tay khẳng khiu và màu mè vào mặt tụi nó, giọng khô khốc:
– Các trò đi theo ta!
Kăply giương mắt ếch:
– Đi đâu vậy thầy?
– Lên văn phòng hiệu trưởng! – Giọng thầy Haifai vẫn ráo hoảnh. – Ngài N’Trang Long sẽ cho tụi bay biết thế nào là dộng bạn bè sặc máu mũi ngay trong lớp!
– Thầy thiệt là công minh đó thầy!
Thằng Amara nhìn Nguyên và Kăply lẽo đẽo theo chân thầy Haifai đi về phía ngọn tháp, hét lên khoái chí. Nó còn rống thêm một câu nữa mà Kăply biết chắc là thầy nghe rõ mồn một nhưng không thèm trả lời:
– Càng ngày thầy càng học tập ở cô được nhiều tính tốt rồi đó thầy!