Đọc truyện Chuyện xứ Lang Biang (Tập 3: Chủ Nhân Núi Lưng Chừng) – Chương 29- Phần 1
Chương 21
Lão quái Ôkô Na
Nguyên lại chui vào trong bụi cây, ngồi bệt xuống cỏ, vừa moi lương khô ra nhai, đợi trời tối, vừa vẩn vơ nghĩ về những điều xảy ra trong nửa ngày qua, kể từ khi nó đặt chân đến núi Lưng Chừng. Mặt trời chiếu ngay đỉnh đầu nhưng gió thổi luồn vào từ các khe núi khiến không khí trong thung không quá oi bức.
Bây giờ, khi đã bình tĩnh, Nguyên mới nhận ra có cả đống chuyện nó quên hỏi thầy Akô Nô. Nó quên hỏi làm sao thầy tới được hòn núi này và tới làm gì. Nó nhớ lại, và ngay lập tức nó trả lời được một nửa: Hiển nhiên là thầy tới đây để giúp nó và Kăply, nếu không, việc gì thầy phải cạy cục nhờ cái người mà thầy ghét cay ghét đắng là lão Ôkô Na cứu mạng cho Kăply. Nó chỉ không biết thầy tới đây bằng cách nào thôi. Nguyên nghĩ quanh nghĩ quẩn một hồi, óc chợt lóe lên: Đúng rồi, ngay từ đầu thầy đã biết là mình đến núi Lưng Chừng, chính thầy và bọn Tam phù thủy đã bí mật bám theo sau hai con ngựa bay của Yan Dran để lần được đến đây.
Nguyên dần dần nhớ lại, mắt nó sáng lên từng giây một. Những sự kiện đã trải qua tự động xâu thành chuỗi trong tâm trí nó. Ờ, như vậy là rất nhiều người biết đầu mối dẫn đến núi Lưng Chừng nằm ở họa sĩ Yan Dran. Trùm Bastu và các bộ hạ của hắn không ngừng ép buộc Yan Dran tiết lộ bí quyết vẽ truyền thần dĩ nhiên là nhằm mục đích tạo ra những con phi mã dẫn đường đến hòn núi huyền bí này. Vợ chồng thầy Haifai cũng biết bí mật đó, khi còn là Krazanh và Kim họ đã từng dùng chuyện này để đánh lừa trùm Bastu. Thầy N’Trang Long cũng thế, nếu không thầy đã không nhờ Suku dẫn tụi nó đến chỗ họa sĩ Yan Dran. Cả vợ chồng K’Rahlan – Kaming nữa, khi họ làm một chuyện tréo ngoe là cho con trai mình đến thụ giáo một họa sĩ thuộc giáo phái Madagui hẳn là họ đã tính đến mối lợi này. Và cuối cùng là thầy trò Tam phù thủy – những người được lợi nhất trong chuyến đi của Nguyên.
Nguyên chỉ lấy làm lạ là tại sao không ai chịu hé môi cho nó biết về sự liên quan giữa Yan Dran và núi Lưng Chừng. Ngay cả Tam phù thủy Bạch kỳ lân cũng vậy, khi bị Păng Ting gặng hỏi, họ chỉ nói úp úp mở mở, cứ như thể đó là điều cấm kỵ và họ sẽ bị thụt lưỡi nếu nói thẳng ra. Hổng lẽ đó là quy định của Hội đồng Lang Biang: chiến binh giữ đền phải tự tìm đường đến núi Lưng Chừng?
Nguyên cũng phát giác ra mình quên hỏi thầy Akô Nô về những quả táo vàng và ngạc nhiên là ngay cả thầy cũng quên mất chuyện đó trong khi chính thầy thừa biết những quả táo đó đối với nó và Kăply có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Thế nào rồi mình cũng sẽ gặp lại thầy, tới lúc đó nhất định mình sẽ hỏi. Nguyên nhủ thầm, lúc lắc đầu như cố ghim chặt dự tính đó vào trí nhớ.
Những cây thông lùn vẫn thấp chủn, nhưng lúc này Nguyên thấy những bóng cây trên cỏ đã dài ra gấp đôi. Nó nhìn lại chỗ Kăply nằm, phập phồng không biết bạn mình có sẽ sống lại như thầy Akô Nô nói hay không. Tự nhiên thấy thương bạn, nó bẻ mấy nhánh lá, chạy lại đắp trên người Kăply rồi chạy về chỗ cũ, bó gối ngồi nhìn trời nhìn đất.
Suốt một hồi lâu, Nguyên chẳng biết làm gì cho bớt sốt ruột. Nó cứ ngồi như vậy, lặng lẽ nhìn nắng, nhìn cây lá, nhìn bóng chiều, lòng bất giác cảm thấy vô cùng tịch mịch.
Trời dần nhạt nắng, sương bắt đầu đùn lên từ mặt cỏ và gió thổi mạnh hơn. Ở bên trên những ngọn núi đá, những đám mây bị gió xô đẩy, tơi ra và gầy rạc hẳn đi so với buổi sáng.
Nguyên và con Chacha thu lu trong bụi cây, nôn nao chờ đêm xuống. Nguyên đã nói chuyện với Chacha rồi, và mặc dù ánh mắt con Chacha nhìn Nguyên với vẻ rất chi là hiểu biết, Nguyên vẫn không chắc con khỉ nghịch ngợm này có hiểu những gì nó nói hay không.
Có lúc Nguyên nhận ra mình vừa ngủ. Nó vội vàng đập hai tay vô má để cho tỉnh táo nhưng một lát sau những làn gió chiều cù mơn man lên lưng lên cổ nó, y như hồi ở làng Ke bà nó vẫn cù như thế để giúp nó dễ ngủ, làm nó thiếp đi lúc nào không hay.
Nguyên lại giật mình mở mắt ra, lại vỗ lên má, lát sau thì véo tai và ngắt lên đùi, để rồi lại chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn, nhiều lần như vậy.
Tới lần không biết thứ bao nhiêu, khi Nguyên mở mắt ra thì bóng đêm đã nhả xuống thung lũng những mảng tối cuối cùng. Nó giật mình đánh mắt về phía vách núi đối diện, thấy lão Ôkô Na đã ngồi trên phiến đá từ hồi nào.
Nguyên ngẩn ra khi thấy những phiến đá chung quanh chỗ lão ngồi đều phát sáng, thứ ánh sáng xanh lè, gây cảm giác lạnh lẽo và rờn rợn. Trong thứ ánh sáng ma quái lập lòe đó, lão Ôkô Na hiện lên như một phiên bản của thần chết. Lão gần như không có thịt, cái đầu lão giống như đầu lâu với hai hốc mắt đen ngòm, xương gò má nhô cao trong khi má lõm vào, hai cánh tay thò ra dưới tay áo thụng của lão rõ ràng là hai khúc xương; nói chung trông lão âm u và tăm tối đến mức nếu trong tay lão là chiếc lưỡi hái của thần chết thì Nguyên cũng không thắc mắc chút nào.
Lẽ ra Nguyên đã ngất đi nếu không biết trước lão là Ôkô Na, người sẽ cứu mạng cho Kăply trong lát nữa. Nhưng cái hình thù gớm ghiếc của lão vẫn khiến Nguyên không dám nhìn lâu, thậm chí có lúc nó phải nhắm mắt lại như thể cầu nguyện cho mình có đủ gan dạ để không hét lên một cách ngu ngốc hoặc bất thần lăn ra xỉu nửa chừng.
Như những bóng ma lướt qua mặt Nguyên, Tam phù thủy Hắc tinh tinh câm nín tiến về phía vách đá từ con đường ban sáng và khi cả ba đứng ngay ngắn trước mặt lão Ôkô Na, bốn thầy trò họ nom giống nhau đến mức trong phút chốc Nguyên như quên cả sợ hãi, chỉ thấy trong bụng đang trồi lên một cảm giác gì đó như là sự buồn cười khiến nó phải trấn áp một cách khổ sở.
– Các con đấy ư?
Tam phù thủy Hắc tinh tinh chưa kịp cất tiếng, lão Ôkô Na đã hỏi, giọng ngọt ngào như phát ra từ một hũ đường.
– Thưa thầy…
Phù thủy đứng giữa nói, giọng nghèn nghẹt như vẫn còn uất ức về chuyện thầy Akô Nô trừng phạt hắn.
– Ta biết. – Lão Ôkô Na hắng giọng. – Nhìn thoáng qua ta đã biết. Chắc lão Akô Nô vừa làm khổ tụi con phải không?
Bọn Hắc tinh tinh không nói gì nhưng vẻ ủ rũ của bọn họ có giá trị còn hơn cả ngàn lần xác nhận.
– Lão đó thiệt chẳng ra gì, chỉ được mỗi cái thù vặt. Mà thiệt ra các con cũng có gây ra chuyện gì phiền phức đâu. – Ôkô Na cười khảy, càng nói càng cao giọng, đến câu cuối cùng thì gần như lão hét lên. – Lẽ ra lão phải khen thưởng tụi con mới phải chớ!
– Thầy Akô Nô trách tụi con không làm gì được Tứ bất tử…
– Lão thiệt là bá láp. – Lão Ôkô Na hừ mũi, bất bình. – Tứ bất tử đâu phải là thứ dễ xơi.
Tam phù thủy Bạch kỳ lân xuất hiện ngay vào lúc lão Ôkô Na đang nổi quạu. Và khi bọn họ bước đến trước phiến đá lão ngồi thì cả bọn tá hỏa hứng lấy một cơn bão những lời rủa xả đột ngột dội xuống đầu:
– Mấy thằng khốn kiếp này, tụi bay đi đâu mà bây giờ mới vác mặt tới hả? Hừm, áo đỏ khăn trắng, bảnh bao gớm! Lại còn đeo chuỗi ngọc nữa chớ! Nói thiệt, tụi bay chẳng làm chuyện gì ra trò ngoài chuyện làm ta xốn mắt kinh khủng.
– Thưa thầy… tụi con…
Thủ lĩnh Masari bối rối nói, trong khi Pila và Karăm rúm người lại.
– Ba đứa bay thiệt chẳng ra gì. – Như không nghe Masari, hoặc nghe mà không thèm hiểu, lão Ôkô Na tiếp tục phun ra những lời đao búa, trông lão hằn học đến mức Nguyên tự hỏi tại sao lão không phun lửa ra quách cho rồi. – Nói thiệt, lão Akô Nô chỉ đào tạo ra toàn đồ cóc nhái. Hừ, Bạch kỳ lân, cái biệt hiệu hay ho gớm! Bạch kỳ lân mà để cho tên nhãi nhép Baltalon đánh văng tuốt lên mây như những cái lông vịt. Thiệt tình!
Masari cười khổ:
– Hắn đã luyện được thần chú Phân thân, thưa thầy.
– Phân thân là cái quái gì chớ! Học trò của Ôkô Na mà sợ loại thần chú lôm côm đó sao! – Đầu lão Ôkô Na lắc lư đầy giận dữ, người yếu bóng vía có thể phát hoảng nghĩ lão là một hài cốt từ dưới mộ đang cựa quậy chui lên và cái cách lão nhe gần đủ ba mươi hai chiếc răng trắng nhởn nom ấn tượng đến nỗi Nguyên phát run lên đằng sau bụi cây.
Lão Ôkô Na tiếp tục hành hạ Bạch kỳ lân, theo kiểu cách mà xét cho cùng thì giống một cách đáng kinh ngạc với thái độ ác cảm mà thầy Akô Nô dành cho bọn Hắc tinh tinh lúc ban ngày:
– Cả lão Tứ bất tử nhăng nhít kia mà tụi bay cũng đánh không lại nghĩa là sao?
Masari khẽ liếc Tam phù thủy Hắc tinh tinh, liếm môi với vẻ chịu đựng:
– Thưa thầy, Tứ bất tử đã luyện bốn con vật đến độ xuất thần…
Một lần nữa lão Ôkô Na không để Masari nói hết câu. Lão nhanh nhẩu cướp lời, cái cách chặn họng đầy sốt sắng của lão cho thấy lão không hề chờ đợi các chàng trai Bạch kỳ lân trả lời, lão chỉ dựng lên câu hỏi như người ta dựng một chiếc bục sân khấu để từ trên đó lão trút xuống đầu các tên đệ tử bất cứ lời lẽ cay độc nào mà lão chợt nghĩ ra:
– Xuất thần cái đầu tụi bay. Mấy con vật nhí nhố đó mà tụi bay đánh không lại thì còn mong gì đối đầu với ai. – Lão nghếch mặt nhìn Tam phù thủy Bạch kỳ lân, từ trong bụi cây ngó ra Nguyên nghĩ là lão đang nheo mắt nhưng đôi mắt của lão chỉ là hai cái hốc nên nó chỉ có thể phỏng đoán qua cái nghiêng đầu khinh khỉnh của lão. – Ta không đến nỗi quá khắt khe nhưng thiệt sự là ta thấy tụi bay giống y chang ba con gà trống.
Nếu cuộc đối thoại này diễn ra ban ngày và nếu không nấp xa quá, Nguyên tin rằng nó sẽ thấy gương mặt của các chàng trai Bạch kỳ lân đang chuyển màu gạch cua. Điều đó càng dễ tin hơn khi một trong ba phù thủy Hắc tinh tinh đột ngột “híc” lên một tiếng, một dấu hiệu cho biết nếu không vất vả kiềm chế hắn đã phá ra cười trước so sánh đầy nhạo báng của lão Ôkô Na.
Tam phù thủy Bạch kỳ lân đứng im như tượng, vẻ biết thân biết phận. Nhưng lão Ôkô Na vẫn không để yên. Những cái mũi lệch của đám đệ tử thân yêu phơi ra trước mặt, hễ lão không nhìn thì thôi, cứ mỗi lần chạm mắt vào bộ mặt dị dạng của bọn họ, lão như bị đánh thuốc độc.
– Tụi bay sử dụng mấy câu thần chú mèo quào của tụi bay cho ta coi thử nào! – Lão đột ngột rít lên, cánh tay khẳng khiu trỏ vào Bạch kỳ lân như sẵn sàng đâm thủng bụng lũ học trò.
Masari tính hỏi lại nhưng không dám. Anh vung cây gậy sừng hươu vào tảng đá bên cạnh, những luồng ánh sáng chói lọi từ đầu gậy phụt ra, chạm vào tảng đá kêu đánh “bùng” một tiếng; trong tích tắc khi luồng sáng lịm đi, Nguyên nhìn rõ tảng đá đã tan thành bụi.
– Cái đó kêu là thần chú gì? – Lão Ôkô Na nhếch mép, mặt không lộ cảm xúc, mà nếu có thì không ai có thể nhận ra trên khuôn mặt như ác quỷ của lão.
Masari lí nhí:. – Vàng hoa cúc, thưa thầy.
– Pila. – Lão Ôkô Na hất hàm. – Tới phiên ngươi múa may đi.
Một chùm tia sáng tím lóng lánh từ đầu gậy của Pila bắn ra, chói lòa, rực rỡ và cũng như luồng sáng của Masari trước đó, trong nháy mắt đã làm biến mất một tảng đá lớn trên vách núi.
Lão Ôkô Na cười khảy, nghe giọng cười đó Nguyên tin nếu lão có một khuôn mặt bình thường như mọi người chắc chắn nó đã thấy môi lão trề ra:
– Cái này là cái gì?
Pila rụt rè:
– Dạ, thần chú Tím hoa cà, thưa thầy.
Cây gậy trên tay Karăm khẽ rung động, rõ ràng anh đang hồi hộp chờ lão Ôkô Na kêu đến mình. Nhưng lão không thèm liếc mắt đến Karăm. Lão ngửa mặt lên trời, cười ha hả:
– Thiệt là chưa từng thấy. Phải nói là lão Akô Nô dạy học trò hay thiệt… Ha ha ha…
Lão chợt ngưng cười, ánh mắt rớt bộp xuống bọn Bạch kỳ lân, mắc lại ở những khuôn mặt đang giần giật vì lo lắng, nói giọng khinh miệt:
– Hừ, Vàng hoa cúc, Tím hoa cà! Đúng là thần chú của lũ gà trống! Còn gì nữa hả tụi bay? Chắc thế nào cũng có ba cái tên õng ẹo như Trắng cọng mây, Xanh cọng cỏ chớ hả?
Lão thình lình vỗ mạnh tay lên chỗ ngồi làm tảng đá xịt khói tùm lum và mẻ mất một miếng lớn, cất tiếng mắng:
– Tụi bay ăn mặc thì đỏm dáng, thần chú thì ủy mị, gậy phép cũng bày đặt màu mè, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ra đòn phải đẹp, tên gọi phải kêu, ba cái thứ nhố nhăng đó chỉ hữu dụng để đi tán gái chứ đánh đấm cái cóc khô gì. Hừ, tụi bay thiệt giống lão Akô Nô quá sức. Thầy thì lãng mạn, trò thì chải chuốt, đúng là một lũ vừa hâm vừa ngớ ngẩn.
Nghe lão Ôkô Na mắng sa sả như tát nước, Tam phù thủy Bạch kỳ lân ngậm tăm không dám nói, cũng không cả thở. Nhưng khi lão nói đến câu cuối cùng thì Masari ngẩng phắt lên:
– Thầy chửi tụi con te tua thế nào cũng được, xin thầy đừng nói động đến thầy Akô Nô.
– Ha ha ha… – Phản ứng bất ngờ của Masari khiến lão Ôkô Na giận đến mức chỉ biết bật ra một tràng cười dài, những khớp xương trong người lão kêu lên cót két như tấm ván bị uốn cong. – Hay lắm! Hay lắm! Thầy trò bênh nhau, đúng là cùng một giuộc. Bộ ta không phải là thầy tụi bay chắc?
Lão Ôkô Na vung tay áo thụng lên, hoàn toàn không báo trước:
– Hỗn láo nè!
Một luồng khói đen từ tay áo lão phụt ra, đập thẳng vào mặt Tam phù thủy Bạch kỳ lân. Nguyên giật mình nghe các chàng trai kêu lên một tiếng đau đớn và bắn tung ra xa, ngã chổng gọng trên cỏ như những con diều đứt dây, gậy trên tay văng mỗi nơi một chiếc.
Khi Tam phù thủy Bạch kỳ lân lóp ngóp bò dậy, Nguyên hoảng hồn thấy trên mặt họ máu trào ra như suối từ hai lỗ mũi.
– Hà hà, – lão Ôkô Na cười sằng sặc – Tím hoa cà thì được tích sự gì! Ta cho tụi bay thấy thế nào là Trào máu mũi nè.
Bây giờ Nguyên mới hiểu tại sao Tam phù thủy Bạch kỳ lân lộ vẻ lo lắng khi thấy thầy Akô Nô trừng phạt Hắc tinh tinh. Hẳn họ biết thế nào thầy Ôkô Na cũng sẽ điên lên mà trút giận lên đầu họ.
– Tụi bay còn đứng xớ rớ ở đó hả? – Lão Ôkô Na gầm lên. – Lượm mấy cây gậy đánh chó của tụi bay lên rồi xéo đi cho rảnh!
Như chỉ chờ có thế, các chàng trai Bạch kỳ lân vội vàng nhặt nhạnh những chiếc gậy sừng hươu vương vãi trên cỏ, cúi đầu chào lão Ôkô Na rồi quay mình rảo bước, điệu bộ hấp tấp như cố chạy xa một bãi mìn sắp nổ.
Lão Ôkô Na nhìn theo những chàng trai Bạch kỳ lân, phun một bãi nước bọt rồi quay sang bọn Hắc tinh tinh nãy giờ vẫn im lìm theo dõi mọi diễn biến, giọng hài lòng:
– Ta ra tay như vậy là còn nể mặt lão Akô Nô lắm đó.
Phù thủy Hắc tinh tinh đứng bên trái đưa tay mân mó chiếc mũi lệch, bất bình nói:
– Con nghĩ hình phạt thầy dành cho Bạch kỳ lân chưa tương xứng với những gì tụi con nhận lãnh ở thầy Akô Nô.
– Tại tụi con chưa biết đó thôi. – Lão Ôkô Na an ủi học trò bằng thứ giọng người ta thường dùng để dỗ trẻ con. – Tụi con bị vẹo mũi chỉ là chuyện vặt. Hơn nữa, dù mũi tụi con có thẳng thớm thì ta nghĩ cũng không nhờ thế mà tụi con trở nên đẹp trai hơn.
Lão bật cười hiểm độc:
– Còn bọn Bạch kỳ lân sau khi bị ta dùng thần chú đánh trào máu mũi, tụi nó sẽ mất đi khoảng một phần mười năng lượng pháp thuật. Cái đó mới đáng gọi là trừng phạt.
Lão lại bật cười khan một hồi; nhìn vẻ hoan hỉ của lão Nguyên nghĩ chắc là lão đang tự cho mình điểm mười về cái âm mưu thâm hiểm vừa rồi.
– Nói cho chính xác thì trình độ của tụi con so với Bạch kỳ lân thì ai hơn ai kém? – Lão chợt hỏi, giọng trở lại nghiêm trang.
– Con không biết, thưa thầy. – Phù thủy đứng giữa trầm ngâm đáp.
– Con nghĩ chắc là ngang nhau. – Phù thủy đứng bên phải dè dặt bổ sung.