Bạn đang đọc Chuyện xảy ra trên con tàu tốc hành Phương Đông: Chương 31
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác
– Bây giờ, không có cái gì làm tôi ngạc nhiên nữa, – ông Bouc nói. – Nếu tất cả hành khách trên tàu đều là gia đình Armstrong thì cũng không phải là điều gì mới lạ.
– Một nhận xét sâu sắc đấy ông bạn. Ông có muốn biết anh chàng người Ý của ông sẽ nói gì để bào chữa cho anh ta không?
– Ông lại định đưa ra một khám phá độc đáo của ông nữa đấy hẳn?
– Ông đoán đúng đấy.
– Vụ án này rắc rối quá!
– Không, thưa bác sĩ, tất cả đều bình thường thôi.
– Nếu ông gọi là bình thường thì .. – đến đây ông Bouc không biết phải diễn đạt ý nghĩ của mình như thế nào nữa, ông ta đưa tay lên trời tỏ vẻ khổ sở.
Poirot đã ời Antonio Foscarelli đến. anh ta bước vào có vẻ lo lắng:
– Các ông muốn gì? Tôi chẳng có gì để nói, chẳng có gì cả.
Nói rồi anh ta đấm mạnh tay xuống mặt bàn:
– Có chứ, anh có một điều cần phải nói, – Poirot đáp ngay. – Sự thật.
– Sự thật à?
Foscarelli nhìn Poirot mộT cách bối rối.
– Có thể là chúng tôi đã biết cả rồi. Cho nên anh nên khai ra thì tốt hơn.
– Ông nói như cảnh sát Mỹ. Khai! họ chỉ biết nói có chừng đó. Khai đi!
– Nếu vậy anh đã có kinh nghiệm với cảnh sát Mỹ à?
– Đâu có, không bao giờ. Tôi chẳng có gì đáng chê trách cả.
– Anh bị rắc rối lúc thảm kịch xảy ra cho gia đình Armstrong phải không? Anh là tài xế của gia đình phải không?
Poirot nói và nhìn như xoáy vào mặt Foscarelli.
Anh chàng người Ý xìu xuống như trái bóng xì hơi.
– Nếu ông đã biết hết … việc gì phải hỏi tôi.
– Tại sao anh đã nói dối tôi sáng nay?
– Vì lý do cá nhân. Tôi không tin cảnh sát Nam Tư, vì họ ghét dân Ý lắm và họ sẵn sàng buộc tội tôi.
– Sai à?
– Không, không. Tôi chẳng dính líu gì đến vụ án tối qua cả. Tôi không rời phòng tôi ở toa hạng hai. Anh chàng người Anh với bộ mặt dài như một ổ bánh mì sẽ làm chứng cho tôi. Không phải tôi đã giết Ratchett. Tên khốn khiếp. Ông không có một chứng cớ nào buộc tội tôi hết …
Poirot hí hoáy viết trên giấy. Ông nhìn lên và nói một cách chậm rãi:
– Được rồi. Anh có thể về phòng.
Foscarelli do dự, có vẻ không tin:
– Ông hiểu cho là không phải tôi …Tôi không thể dính líu đến …
– Tôi đã nói là anh có thể về phòng.
– Đây là một cái bẫy các ông muốn làm tôi sa lưới, tất cả chỉ vì thằng khốn kiếp, đáng lý nó phải ngồi ghế điện. Tại sao lại để nó chạy trốn? Nếu là tôi thì họ đã không để tôi thoát.
– Nhưng đâu phải là anh … Việc bắt cóc trẻ em này có liên quan gì đến anh.
– Sao? Ông nói gì? Cô bé Daisy là niềm vui của cả nhà! Cô ta gọi là Tonio, leo lên xe, và muốn cầm tay lái bằng đôi tay bé bỏng của mình! Mọi người đều yêu mến cô ấy. Ôi, cô bé đáng yêu.
Nói đến đây, Foscarelli hạ thấp giọng và mắt anh ta long lanh. Bỗng nhiên, anh ta quay ngoắt đi và ra ngoài.
– Pietro! – Poirot gọi.
Anh hầu phòng trưởng chạy lại.
– Anh mời hành khách số 10 … Cô người Thụy Điển.
– Thưa vâng.
– Nữa à? – Ông Bouc nói. – Sao nhiều quá vậy?
– Chúng ta phải đi đến cùng. Cho dù chúng ta có thể tìm ra tất cả những hành khách trên tàu đều có lý do để giết Ratchett. sau đó, chúng ta sẽ tìm ra thủ phạm.
– Tôi bắt đầu chóng mặt đây, – ông Bouc rên rỉ.
Gureta Ohlson bước vào. Cô ta òa lên khóc và ngồi bật xuống ghế trước mặt Poirot.
– Xin cô đừng hốt hoảng, bình tĩnh nào, tôi xin cô. – Vừa nói Poirot vừa vỗ vào vai Gureta.
– Chúng tôi chỉ mong ở cô một chút thành thật thôi. Cô là y tá của daisy Armstrong phải không?
– Vâng …đúng đấy. – Cô Ohlon nức nở nói. – Daisy là một thiên thần…một thiên thần từ trên trời rơi xuống …Cô ấy tốt và rất có tình…Vậy mà con quái vật đó đã cướp mất cô ấy đi … Giết cô ấy. Tội nghiệp cho bà mẹ … Và đức con thứ hai… Nó cũng không sống được! Ông không thể hiểu được. Không , không thể hiểu được? Nếu ông đã được chứng kiến tất cả thảm kịch như tôi …Sáng nay, đáng lý tôi phải nói hết sự thật cho ông về tôi… Nhưng tôi sợ! Vả lại tôi cũng hả dạ về cái chết của con quái vật ấy! Tôi nghĩ là hắn sẽ không làm khổ những đứa trẻ khác .. Ôi, tôi không thể kể tiếp được nữa…- Cô Ohlson nưc nở khóc.
Poirot lại dỗ dành cô ta:
– Tôi hiểu, tôi hiểu tình cảm của cô. Như thế là tôi đã hỏi cô xong rồi, chỉ cần cô xác nhận những gì tôi đã biết rồi. Vâng, vâng, tôi hiểu cô.
Không thể nói thêm tiếng gì ngoài tiếng nức nở, Gureta Ohlson đứng lên và lần mò ra cửa như người mù. Ra cửa, cô đụng phải một người đàn ông, Masterman, anh hầu phòng.
Anh ta đi thẳng đến Poirot và nói:
– Tôi mong rằng không làm phiền ông, nhưng tôi nghĩ là nên đến nói cho ông biết sự thật. Trong chiến tranh tôi đã là người lính dưới quyền đại tá Armstrong. Sau đó đại tá đã mướn tôi làm hầu phòng cho ông ở New York. Tôi xin lỗi đã không cho ông biết điều này. Tôi mong rằng ông sẽ không nghi ngờ cho Tonio. Anh ta không làm hại đến một con muỗi. Và tôi thề là anh ta đã không rời phòng suốt đêm. Anh ta không thể giết Ratchett. Đúng là Tonio là người Ý nhưng tính khí của anh ta không giống những bọn vô lại trong tiểu thuyết đâu.
Đến đây, anh ta ngừng lại. Poirot chăm chú nhìn anh ta.
– Anh chỉ có từng đó để nói thôi à?
– Thưa ông hết rồi ạ.
Một thoáng im lặng. Poirot không nói gì. Materman gật đầu chào và lặng lẽ ra khỏi toa ăn.
– Cứ như là truyện trinh thám. – Bác sĩ Constantine nói.
– Tôi cũng nghĩ thế, – ông Bouc nói. – Trong số 12 hành khách trên tàu thì 9 đã dính líu vào vụ Armstrong. Chúng ta sẽ biết thêm gì nữa đây?
– Để trã lời cho câu hỏi của ông, ông Hardman. – Poirot nói.
– Không lẽ ông ta đến tự thú?
Trước khi Poirot có thể trả lời cho ông Bouc, Hardmanđã vào phòng, ngồi xuống ghế và nói:
– Chuyện gì đã xảy ra trên tàu vậy? Cứ như nhà thương điên.
Poirot nheo mắt.
– Ông có chắc là mình không phải là người làm vườn cho nhà Armstrong không?
– Họ không có vườn.
– Hay là hầu trưởng.
– Tôi không phải là người có thể làm được công việc đó. Không, tôi không hề ở nhà Armstrong… Và hình như tôi là một trường hợp ngoại lệ trên tàu này thì phải. Ông hãy giải thích hộ tôi chuyện này xem!
– Lạ thật, – vừa nói Poirot vừa mỉm cười!
– Hãy nói là không thể tin được. – Ông Bouc nói.
– Ông có một nhận xét riêng nào về cái chết của Ratchett không?
– Không, tôi thú thật là tôi chẳng hiểu gì. Và lẽ dĩ nhiên là tất cả những người trên tàu không thể là thủ phạm hết. Nhưng nếu bảo tôi tìm ra thủ phạm trong bọn họ thì khó đấy. Làm sao ông đã tìm ra là họ có dính líu đến vợ Armstrong vậy ?
– Tôi chỉ cần suy nghĩ thôi.
– Ông là một người rất tinh.
Hardman ngã người ra sau để ngắm Poirot.
– Xin lỗi nhé, nhìn ông thì không ai nghĩ như thế đâu!
– Ông tử tế quá ông Hardman à.
– Không đâu. Tôi nghiêng mình trước sự thông minh của ông.
– Vụ này đã xong hoàn toàn đâu, – Poirot nói. – Chúng ta chưa tóm được tên sát nhân.
– Tuy nhiên, những điều ông tìm ra làm tôi phục lăn. Không kể tôi, còn hai người trên tàu mà ông chưa đoán ra danh tánh. Ba người Mỹ lớn tuổi và cô hầu phòng. Hay là họ nằm ngoài sự nghi ngờ của ông ?
– Hay là họ là những người giặt quần áo hoặc làm bếp cho gia đình Armstrong.
– Chẳng có gì có thể làm tôi ngạc nhiên nữa! – Hardman nói. – Hình như tôi đang sống giữa những người điên!
– Ôi, ông bạn, ông nói đùa hơi quá đấy. – ông Bouc nói.
Poirot quay sang Hardman và nói:
– Ông không hiểu gì à ? Nào hãy nói cho tôi biết ông có biết ai giết Ratchett không ?
– Còn ông, ông có biết không ? – ông Bouc nói.
– Có, – Poirot nói. – Tôi biết từ một lúc rồi. Rất đơn giản thôi. Tôi rất ngạc nhiên là các ông không trông thấy thôi. Còn ông, ông Hardman ?
Hardman lắc đầu.
– Không, thú thật là tôi không biết. Tôi không thể nói ai là thủ phạm.
Sau một lúc im lặng, Poirot quay sang nói với Hardman.
– Ông bạn làm ơn mời tất cả những hành khách tập trung ở đây. Tôi có hai giải pháp, và tôi muốn trình bày ọi người.