Bạn đang đọc Chuyện xảy ra trên con tàu tốc hành Phương Đông: Chương 27
VẾT MỠ TRÊN THÔNG HÀNH
Cả ba người ăn cùng bàn. Những hành khách tập trung trong toa ăn đều yên lặng. Ngay cả bà Hubbard nói nhiều cũng biếng mở miệng. Khi ngồi vào bàn, bà lẩm bẩm:
– Tôi chẳng muốn ăn.
Tuy nhiên bà ta ăn hết tất cả thức ăn được dọn lên và cô Greta Ohlson ngồi cạnh, không ngừng săn sóc bà.
Bắt đầu bữa ăn, Poirot đã kéo người hầu trưởng lại và nói thầm với anh ta. Bác sĩ Constantine đoán được những lời dặn dò của Poirot khi trông thấy vợ chồng quận công Andrenyi bao giờ cũng ăn sau những hành khách khác. Cho nên đến cuối bữa ăn họ phải chờ tính tiền và họ là người cuối cùng rời toa ăn.
Khi vợ chồng quận công Andrenyi đứng lên, và đi về phía cửa, Poirot mới nối gót họ.
– Xin lỗi bà, bà đã làm rơi chiếc khắn tay.
Nói xong, Poirot đưa cho bà Andrenyi cái khăn có thêu chữ “H”.
Bà Andrenyi cầm lấy khăn nhìn. Sau đó bà đưa lại và nói:
– Ông nhầm rồi thưa ông, chiếc khăn này không phải của tôi.
– Bà chắc chứ?
– Thưa ông chắc chắn.
– Nhưng nó có thêu tên bà mà. Chữ “H” đây.
Quận công Andrenyii lộ vẻ bực mình, nhưng Poirot không hề chú ý tới, ông nhìn bà Andrenyi chầm chặp.
Không hề nao núng, bà Andrenyi trả lời:
– Thưa ông tên đầu của tôi là “E.A”.
– Xin lỗi bà, tên bà là Helena chứ không phải là Elena… Helena Goldenberg, con gái thứ hai của Linda. Arden Helena Goldenberg, em gái của bà Armtrong.
Một không khí nặng nề bao trùm lấy toa ăn. Vợ chồng quận công Andrenyii tái mặt một lúc, sau Poirot nói bằng một giọng ôn tồn:
– Không cần chối nữa thưa ông bà. Đó là sự thật, phải không thưa bà?
Quận công Andrenyi nhảy chồm lên tức giận.
– Ông có quyền gì…?
Bà Andrenyii đưa tay lên miệng chồng như ngăn lại và nói:
– Em xin anh. Anh Rudolph hãy để em nói. Chối chẳng ít gì? Chàng ta nên ngồi xuống đây nói chuyện.
Quận công Andrenyi im lặng và họ cùng ngồi xuống ghế trước mặt Poirot.
– Thưa ông, tôi chính là Helena Goldenberg. Em gái của bà Armtrong.
– Sáng nay bà đã không nói thế, thưa bà.
– Vâng.
– Nếu thế thì lời khai của ông bà chỉ toàn là dối trá.
– Kìa ông! – Quận công Andrenyi nói to.
– Anh hãy bình tĩnh đi Rudolph. Ông Poirot không khéo nói, nhưng những gì ông ấy nói đều đúng
– Tôi rất mừng là bà đã thành thật. Xin bà vui lòng cho tôi biết tại sao bà lại sửa tên trên thông hành.
– Việc này chỉ liên quan đến tôi thôi. – Quận công Andrenyi nói.
Helena bình tĩnh nói:
– Thưa ông Poirot, ông biết rõ lý do của tôi. Người đàn ông bị giết tối qua là kẻ sát nhân cháu gái tôi…
– Anh chị tôi đã chết vì buồn khổ. Hắn đã lấy đi mất ba người thân thiết nhất của tôi.
Giọng Helena run lên vì xúc động. Bà đúng là con gái của một kịch sĩ nổi tiếng đã làm rơi lệ biết bao nhiêu khán giả!
Ngừng một lúc, Helena tiếp bằng một giọng bình thường.
– Trong tất cả hành khách ở đây, tôi là người có lý do chính đáng nhất để giết hắn.
– Bà không giết hắn chứ, thưa bà?
– Tôi xin thề là không, thưa ông. Chồng tôi đây cũng sẵn sàng thề với tôi. Dù cho tôi có mong muốn làm điều đó. Nhưng tôi không hề chạm vào hắn ta.
– Thưa các ông, tôi xin lấy danh dự bảo đảm là vợ tôi đã không rời phòng tối qua, Andrenyi nói. Như tôi đã nói, Helena đã uống thuốc và ngay sau đó ngủ vùi. Cô ấy hoàn toàn vô tội.
Poirot đưa mắt nhìn 2 vợ chồng Andrenyi.
– Tôi xin thề danh dự, quận công Andrenyi lặp lại một lần nữa.
Poirot gật đầu.
– Ông đã không ngần ngại sửa tên trên thông hành.
– Ông Poirot ạ, – quận công Andrenyi nói. – Ông hãy nghĩ đến địa vị của tôi. Làm sao tôi có thể chấp nhận cha vợ tôi bị đưa ra tòa vì một vụ án mạng được? Tôi biết cô ấy vô tội. Nhưng vì sự liên hệ gia đình Armtrong, chắc chắn cô ấy sẽ bị nghi ngờ – Người ta sẽ hỏi cung, và ai mà biết được? Có khi còn bị bắt nữa! Nếu sự không may đã run rủi cho chúng tôi đi cùng một chuyến tàu với Ratchett thì tôi còn cách quyết định nào khác đâu? Tôi xin thú nhận, thưa ông, tôi đã dối ông… Nhưng tôi xin thề một lần nữa vợ tôi không hề ra khỏi phòng đêm qua!
– Giọng thành khẩn của Andrenyi không thể làm cho sự thành thật của ông bị nghi ngờ.
– Tôi không hề nghi ngờ lời ông, – Poirot nói. – Hình như gia đình ông là gia đình quý tộc. Như vậy nếu vợ ông bị dính líu vào một vụ án thì đó là một điều phiền phức. Nhưng làm thế sao giải thích chiếc khăn tay của bà nhà trong phòng nạn nhân?
– Một lần nữa tôi xin nói, chiếc khăn tay đó không phải của tôi.
– Dù cho nó có thêu chữ H.
– Vâng, thưa ông. Tôi có những khăn tay giống như vậy. Nhưng tôi không có cái nào kiểu như thế. Tôi nghĩ rằng thuyết phục ông cũng vô ích nhưng tôi vẫn cứ nói: Chiếc khăn này không phải của tôi
– Có thể thủ phạm đã vất lại hiện trường cho bà bị nghi ngờ.
Helena Andrenyi mỉm cười:
– Ông cứ muốn nhử tôi khai. Vậy thì đây là lần thứ ba tôi nói là chiếc khăn này không phải của tôi.
– Nếu nó không phải của bà, tại sao bà lại sửa thông hành?
Quận công Andrenyi xen vào:
– Nghe nói đã tìm thấy một chiếc khăn tay có thêu chữ “H” trong phòng Ratchett. Chúng tôi đã bàn cãi với nhau về điều này, tôi đã cho Helena thấy sự nguy hiểm nếu người ta biết là tên cô ấy bắt đầu bằng chữ “H”. Họ sẽ hỏi đủ thứ. Vậy thì dễ nhất là nên đổi Helena thành Elena.
– Thưa quận công, ông có tính khí của một kẻ sát nhân, – Poirot nhận xét. – ông có sự lanh lợi tự nhiên và lương tâm ông không hề sợ trách nhiệm.
– Không, không ông Poirot ạ, chỉ vì tôi nên anh ấy đã phải làm như thế thôi. Tôi sợ, sợ kinh khủng. – Helena nói. – Cứ nghĩ là người ta sẽ khơi lại tất cả dĩ vãng cũng đủ làm cho tôi kinh hãi… Ngoài ra, tôi còn sợ bị liên lụy và bị tù nữa. Ông Poirot bộ ông không hiểu sự lo lắng của tôi sao?
Helena bào chữa ình bằng một giọng ấm trầm bỗng, giọng nói của nữ kịch sĩ nổi tiếng Linda Arden.
Poirot nhìn Helena có vẻ ái ngại.
– Nếu bà muốn tôi tin, và tôi cũng muốn tin bà lắm, thì bà phải giúp tôi.
– Tôi giúp ông?
– Phải, nguyên nhân của vụ án nằm ở dĩ vãng, ở thảm kịch đã làm tan nát gia đình bà và vẫn đục thời thơ ấu của bà. Bà hãy cho tôi biết về dĩ vàng đó để tôi có thể tìm ra sự liên hệ với vụ án này!
– Nói gì bây giờ? tất cả những nhân chứng đều đã chết, chết hết: Robert Sonia, và cháu gái Daisy yêu dấu của tôi. Nó xinh xắn làm sao với những lọn tóc vàng! Tất cả chúng tôi đều yêu nó.
– Có một nạn nhân nữa, thưa bà, chúng ta có thể gọi đó là một nạn nhân gián tiếp.
– Phải, tội nghiệp cho Suzanne. Tôi quên mất cô ta. Cảnh sát đã hỏi cung cô ta. Pháp luật cứ một mực nghi cô ta đã cung cấp tin cho bọn khốn khiếp, ít ra cũng là vô tình. Hình như cô ấy đã nói chuyện và biết giờ giấc những cuộc đi dạo chơi của Daisy. Suzanne đã hốt hoảng lên, cô ấy nghĩ lại người ta đổ trách nhiệm ình về cái chết của Daisy. Thật kinh khủng!
Đến đây; Helena lấy tay bưng mặt vì quá xúc động.
– Cô Suzanne thuộc quốc tịch nào?
– Cô ấy người Pháp.
– Tên họ gia đình cô là gì?
– Thật ra, tôi lại không nhớ …Chúng tôi đều gọi cô ấy là Suzanne. Một cô gái tươi tắn, rất yêu quí Daisy.
– Cô giữ nhiệm vụ giữ trẻ phải không?
– Thưa phải.
– Cô y tá là ai? (1)
– Một cô y tá ở bệnh viện tên là Stigelberg. Cô ta săn sóc Daisy và chị tôi rất chu đáo.
– Bà hãy nghĩ kỹ trước khi trả lời câu hỏi này: Bà có thấy trên tàu một người quen nào không?
Helena nhìn thẳng vào mặt Poirot:
– Tôi ấy à? Không chẳng có ai quen trên tàu cả.
– Vậy còn công chúa Dragomiroff thì sao?
– Bà ta à? Tôi đâu có quen bà ấy. Tôi tưởng ông muốn nhắc đến một người quen lúc thảm kịch xảy ra chứ.
– Thưa bà vâng, bà hãy nghĩ kỹ. Năm tháng đã trôi qua, con người có thể thay đổi; hình dáng, khuôn mặt …
Helena trầm ngâm suy nghĩ một lúc và nói:
– Không …không có ai hết!
– Ngay bà, lúc bấy giờ chắc cũng còn nhỏ. Có ai giúp bà trong việc học hay chăm sóc bà không?
_ Ồ, có chứ! Một bà vừa chăm sóc tôi, vừa là thư ký của Sonia…Một người đàn bà có mái tóc đỏ.
– Bà ta tên gì?
– Cô Freebody.
– Trẻ hay già?
– Tôi thấy bà ta già lắm nhưng chắc bà ấy không quá 35 tuổi đâu.
– Còn ai khác trong nhà không?
– Chỉ có những gia nhân.
– Và bà chắc chắn, hoàn toàn chắc chắn là không nhận ra một ai quen trên tàu này chứ?
– Vâng, thưa ông, hoàn toàn chắc chắn.
Chú thích:
[1] Trong những gia đình quý tộc Anh thường mướn y tá để chăm sóc sức khỏe đứa bé.