Bạn đang đọc Chuyện xảy ra trên con tàu tốc hành Phương Đông: Chương 20
LỜI KHAI CỦA CÔ HẦU PHÒNG NGƯỜI ĐỨC
– Ông bạn ơi, – ông Bouc nói, lần này tôi thật tình không hiểu ông.
– Tôi cố ý tìm một kẽ hở…
– Một kẽ hở ?
– Phải… trong thái độ cô Debenham. Tôi muốn cô ấy mất bình tĩnh. Tôi không hiểu có thành công không? chắc có lẽ cô ta không ngờ đến những câu hỏi của tôi.
– Ông nghi cô Debenham à ? ông Bouc hỏi tại sao ? Cô ta dễ thương đến thế thì không thể nào dính líu đến vụ án được !
– Đó cũng là ý kiến của tôi, bác sĩ Constantine nói… một người lãnh đạm, bình tĩnh như cô Debenham.
– Sẽ lôi kẻ thù của mình ra trước tòa thay vì giết nó.
Poirot thở dài:
– Các ông phải loại bỏ ý nghĩ vụ án xảy ra vì tức giận đột ngột. Về phần cô Debenham thì tôi có hai lý do để nghi ngờ cô ấy. Một là câu chuyện tôi đã nghe lỏm được giữa cô ta và ngài đại tá Arbuthnot.
– Poirot kể lại cho họ nghe câu chuyện ông đã nghe được sau khi tàu khởi hành từ Alep.
– Sự trùng hợp kỳ lạ này và cần phải được giải thích, ông Bouc nói. Tất cả câu chuyện cho thấy họ có thể là đồng lõa.
– Vâng, nhưng những dữ kiện lại trái ngược lại. Thật vậy, nếu hai người này là đồng lõa thì họ phải làm chứng cho nhau chứ. Vậy mà, sự thật chẳng có gì đã xảy ra ? Bà Thụy Điển lại là người làm chứng cho cô Debenham. Ta phải nhớ rằng cô Debenham và bà Ohlson chẳng hề quen biết nhau trước đây. Anh chàng Mac Queen thư ký của nạn nhân lại là người làm chứng cho Arbuthnot. Hai người này cũng không hề quen biết nhau.
– Ông vừa nói đến hai lý do để nghi ngờ cô Debenham vậy lý do thứ hai là gì ? ông Bouc nôn nóng hỏi.
– Lý do thứ hai hoàn toàn có tính cách tâm lý. Vụ án mạng này đã được dự tính và sửa soạn do một bộ óc thông minh, minh mẫn và bình tĩnh. Cô Debenham có tất cả những đức tính này.
– Ông đi lầm đường rồi. Cô gái trẻ người Anh này không có dáng dấp của một tên sát nhân.
– Nào chúng ta hãy hỏi người cuối cùng trong danh sách. Cô bồi phòng Hildegrade Schmidt.
Người hầu trưởng đi gọi cô Hildegrade Schmidt đến. Cô ta vào với thái độ kính cẩn. Poirot mời cô Schmidt ngồi.
Hai tay đặt trên đùi – Hildegrade Schmidt có vẻ đẹp và thông minh.
Cách làm việc của Poirot khác hoàn toàn với cách ông dùng với Mary Debenham, vui vẻ và săn đón, Poirot tạo cho Schmidt một sự thoải mái. Sau khi đã cho cô viết tên và địa chỉ. Poirot hỏi cô ta bằng tiếng Đức.
– Chúng tôi muốn biết về những biến cố đêm qua. Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi không đòi hỏi cô cho biết về vụ án. Nhưng rất có thể cô đã nghe hay thấy một cái gì, dưới mắt cô không đáng chú ý, nhưng lại quan trọng đối với chúng tôi. Chắc cô hiểu ?
Hildegrade Schmidt có vẻ không hiểu. Cô ta nói:
– Thưa ông, tôi không biết gì hết.
– Nào, cô còn nhớ là bà chủ đã gọi cô đêm qua chứ ?
– Vâng, việc đó thì tôi nhớ.
– Khoảng mấy giờ ?
– Tôi chẳng biết, tôi đang ngủ thì nhân viên tàu hỏa đến gọi tôi dậy.
– Chủ cô có hay gọi cô ban đêm không ?
– Từng có. Bà công chúa thường cần đến tôi ban đêm. Bà ấy ít ngủ lắm.
– Như vậy là cô đã dậy, khi nhân viên đến gọi cô. Cô có khoác áo ngoài không ?
– Thưa ông. Tôi đã mặc đồ sẵn. Tôi đâu dám mặc áo khoác trước mặt công chúa.
– Nhưng áo khoác của cô rất đẹp mà, cái áo khoác bằng soa đỏ phải không nhỉ ?
– Xin lỗi ông, áo của tôi bằng len xanh đậm.
– À, thôi, cô cứ tiếp tục đi. Tôi đùa đấy. Cô đã đến phòng công chúa Dragonmiroff. Cô đã làm gì ở đó?
– Tôi xoa bóp cho bà thưa ông. Sau khi tôi đọc sách cho bà nghe. Tôi đọc dở lắm, nhưng công chúa nghĩ rằng như vậy giúp cho bà dễ ngủ hơn. Thấy mình sắp ngủ, công chúa đã cho tôi về phòng.
– Cô biết lúc đó mấy giờ không ?
– Tôi không rõ, thưa ông.
– Cô ở trong phòng công chúa Dragonmiroff bao lâu ?
– Khoảng nửa tiếng. Rồi sau đó. Vì công chúa lạnh, mặc dù đã có máy sưởi trên toa, tôi đã đi về phòng lấy thêm mền đắp cho bà. Bà đã chúc tôi ngủ ngon. Tôi pha cho bà một ít nước suối, tắt đèn và về phòng.
– Sau đó ?
– Hết rồi, thưa ông. Tôi lên giường và ngủ.
– Cô có gặp ai ở hành lang không ?
– Không thưa ông, chẳng có ai cả.
– Cô không thấy một bà mặc áo choàng đỏ có thêu những con rồng à ?
Hildegrade Schmidt trố mắt nhìn Poirot:
– Không, thưa ông, không có ai ở hành lang, trừ nhân viên tàu hỏa thôi ạ. Mọi người đã ngủ.
– Cô đã trông thấy nhân viên phục vụ à ?
– Thưa vâng.
– Anh ta đang làm gì ?
– Anh ta vừa từ một phòng bước ra, thưa ông.
– Phòng nào ? – ông Bouc hỏi một cách đột ngột.Hildegrade Schmidt tỏ vẻ hoảng sợ, Poirot nhìn ông Bouc đầy trách móc.
– Lẽ dĩ nhiên, – ông nói.- Nhân viên thì phải vào phòng này phòng nọ khi có chuông gọi chứ. Cô có nhớ anh ta vừa ra khỏi phòng nào không? Poirot ôn tồn hỏi.
– Tôi mong cô cố nhớ lại xem.
– Anh ta đã đụng phải tôi, thưa ông. Lúc đó tôi mang cái chăn đến cho bà chủ của tôi.
– Anh ta đi từ một phòng bước ra và đụng nhầm cô. Anh ta đi về hướng nào ?
– Anh ta đi về phía tôi thưa ông. Anh ta nói vài lời xin lỗi rồi tiếp tục đi về toa ăn. Ngay lúc đó, có tiếng chuông vang lên, nhưng hình như anh ta không chạy lại. Ngừng một lát, cô nói tiếp, tôi cũng không hiểu anh ta làm gì cả.
Poirot nói giọng hòa giải.
– Nếu anh ta cứ phải chạy đến mỗi khi có tiếng chuông gọi, một mình anh ta sẽ làm không xuễ ! Tội nghiệp anh ta tối qua bận rộn thật, vừa đánh thức cô, vừa phải chạy đến mỗi khi khách gọi.
– Nhưng nhân viên này đâu phải người đã đánh thức tôi. Đó là một người khác.
– A, một người khác? cô đã thấy anh ta bao giờ chưa ?
– Thưa ông, chưa.
– Cô có thể nhận ra anh ta không ?
– Có thể được.
Poirot nói thầm với ông Bouc, ông ta đứng dậy đi ra ngoài cửa và ra lệnh.
– Poirot vẫn tiếp tục hỏi bằng một giọng đầy thiện cảm: cô đã bao giờ sang Mỹ chưa, cô Schmidt?
– Chưa bao giờ thưa ông. Chắc phải là một nước đẹp lắm.
– Chắc người ta đã cho cô biết người đàn ông bị giết tối nay đã giết chết một trẻ em trước đây?
– Thưa ông có. Thật là một vụ khủng khiếp, ác độc. Thượng đế không thể để cho những chuyện như thế xảy ra ở nước tôi, không có người ác độc như thế đâu. Nói đến đây, mắt cô hầu nhỏ lệ.
– Thật vậy, câu chuyện quá khủng khiếp, Poirot nói.
– Ông kéo từ trong túi ra cái khăn tay nhỏ và đưa cho cô hầu.
– Khăn tay này của cô phải không ?
Cô hầu im lặng nhìn chiếc khăn, một lút sau cô ngẩng đầu lên, mặt hơi ửng hồng.
– Thưa ông không. Cái khăn này không phải của tôi.
– Vì có thêu chữ 3 “H” nên tôi nghĩ là của cô.
– Thưa ông cái khăn đẹp như thế chỉ có thể của người giàu thôi. Nó được thêu bằng tay và có lẽ được mua ở Paris.
– Vậy là cô không biết cái khăn này của ai à?
– Tôi ấy à, thưa không.
Chỉ có mình Poirot nhận ra sự do dự của Schmidt.
Ông Bouc thì thầm với Poirot.
– Bà nhân Viên toa kút sét sẽ đến. Poirot nói với cô Schmidt. Cô sẽ cho chúng tôi biết ai là người cô đã trông thấy đêm qua khi cô mang chăn đến cho bà công chúa.
Cô nhân viên hỏa xa bước vào, Pierre Michel đi đầu, sau đó là nhân viên toa kút sét Athènes – Paris và cuối cùng là nhân viên toa tàu Bucarest.
Hildegrade Schmidt lần lượt nhìn ba người và lắc đầu.
– Thưa ông tôi không trông thấy người đàn ông tối qua.
– Nhưng đó là những nhân viên hỏa xa mà ? Nào, cô hãy nhớ lại xem và nhìn kỹ lại đi.
– Tôi xin thề với ông cả ba người này đều không phải. Tất cả ba người đều to lớn, trong khi người đàn ông tôi trông thấy thì bé, tóc nâu và có ria mép. Khi anh ta xin lỗi tôi, tôi để ý đến giọng nhỏ nhẹ giống một giọng đàn bà. Tôi nhớ rõ lắm thưa ông.