Chuyện xảy ra trên con tàu tốc hành Phương Đông

Chương 02


Bạn đang đọc Chuyện xảy ra trên con tàu tốc hành Phương Đông: Chương 02

Khách sạn Tokatlian
Đến khách sạn Tokatlian, Hercule Poirot thuê một phòng có buồng tắm. Sau đó ông hỏi ở quầy hướng dẫn xem có thư từ nào mang tên mình không.
Ba bức thư cùng một bức điện tín đã đợi Poirot ở quầy hướng dẫn. Trông thấy bức điện, Poirot nhíu mày ngạc nhiên. Tuy nhiên Poirot vẫn thông thả mở bức điện và đọc.
– “Vụ Kassnes tiến triển như dự đoán. Yêu cầu về gấp”.
– Thật là bực mình! – Vừa nhìn đồng hồ, Poirot vừa lẩm bẩm.
Quay sang nhân viên quầy hướng dẫn, Poirot nói:
– Tôi phải đi ngay tối nay, chuyến tàu tốc hành Đông Simplon khởi hành mấy giờ?
– Thưa ông, 9 giờ.
– Làm ơn giữ cho tôi một chỗ trong toa nằm.
– Thưa ông vâng, chẳng có gì khó khăn vào mùa này, phần đông, tàu chỉ đầy có một nửa. Ông muốn chỗ hạng nhất hay nhì ạ?
– Hạng nhất.
– Xin tuân lệnh. Ổng đi đâu ạ?
– Đi London!
– Vâng thưa ông. Tôi sẽ mua cho ông một vé đi London và giữ một chỗ trong toa nằm của chuyến Stamboul – Calais.
Poirot lại nhìn đồng hồ.
– 8 giờ kém 10. Tôi còn đủ thì giờ ăn tối không nhỉ?
– Lẽ dĩ nhiêu rồi, thưa ông.
Hercule Poirot đi thẳng đến phòng ăn của khách sạn.
Khi Poirot sắp sửa gọi món ăn với người bồi, thì bỗng một bàn tay đặt trên vai ông:
– Ồ, ông bạn quý, gặp ông ở đây thật quý hóa!
Poirot quay lại và trông thấy một người đàn ông to ngang, khoảng 40, 45 tuổi đang cười với mình:
– Ồ! Ông Bouc.
– Ông Poirot.

Ồng Bouc cũng là người Bỉ, và ông là một trong những giám đốc của công ty quốc tế đường sắt. Đặc biệt phụ trách những toa nằm. Ông Bouc là bạn lâu năm với Poirot.
– Ông đi đâu xa thế, ông bạn?
– À… Một câu chuyện ở Syrie cần giải quyết.
– Bao giờ ông đi lại?
– Ngay tối nay.
– Thế thì hay quá, tôi cũng đi tối nay! Tôi đến Tausaune. Ông đi chuyến tàu tốc hành Đông Simplon chứ?
– Phải, tôi vừa giữ chỗ ở toa nằm xong. Tôi định ở lại đây vài ngày, nhưng lại vừa nhận được bức điện gọi gấp về London.
– Ồ! – Ông Bouc thở dài – Lại công việc, lúc nào cũng công việc, chắc giờ ông đã ở đỉnh vinh quang.
– Ông quá lời, tôi chỉ đạt được vài thành công nhỏ thôi.
Bouc mỉm cười:
– Lát nữa chúng ta gặp lại nhé. Thôi xin chào ông.
Vừa ăn xúp, Poirot vừa cố gắng cho khỏi làm dính bộ ria mép. Vừa ăn, Poirot vẫn để ý quan sát những người xung quanh, (méo mó nghề nghiệp). Trong phòng có khoảng trên chục người nhưng Poirot chỉ chú ý đến hai người đàn ông.
Hai người đàn ông này ngồi ở một bàn cạnh Poirot. Một người trạc độ 30 tuổi, có lẽ là người Mỹ, có vẻ mặt dễ mến. Poirot lại chú ý đến người đàn ông ngồi cùng bàn với anh ta. Người này khoảng 60 đến 65 tuổi, có vẻ đầu hơi hói, cái trán vồ, và nụ cười để lộ hàm răng giả, tạo cho ông ta một vẻ dễ dãi. Chỉ có đôi mắt nhỏ, lanh lợi và xảo quyệt là không hợp với khuôn mặt. Vừa nói chuyện với chàng trai ngồi cùng bản, ông vừa đảo mắt nhìn quanh. Cái nhìn của kẻ đã từng trải, dạn dày kinh nghiệm. Ông ta đứng dậy và nói bằng một giọng khàn khàn:
– Cậu trả tiền đi Hector.
Khi Poirot đến gặp Bouc trong phòng tiếp tân thì hai người đàn ông này đã về khách sạn. Những người bồi đem hành lý của họ xuống dưới sự kiểm soát của người đàn ông trẻ. Anh ta mở cửa ra vào bằng kính và nói:
– Tất cả đã sẵn sàng thưa ông Ratchett.
Người đàn ông lớn tuổi – ông Ratchett – lẩm bẩm điều gì trong miệng và bước ra.
– Sao? – Poirot quay sang ông Bouc và hỏi – Ông nghĩ gì về hai người này?
– Họ là người Mỹ! – ông Bouc nói.
– Điều đó rành rành ra rồi! Tôi muốn nói đến vẻ bề ngoài của họ kia.
– Chàng trai có vẻ dễ chịu.
– Còn, ông già?

– Thật tình mà nói, tôi không thích ông ấy. Ông ấy có vẻ như thế nào ấy. Ông thấy sao?
Sau một lúc suy nghĩ, Poirot trả lời:
– Khi ông ta đi qua chỗ tôi ngồi, trong phòng ăn, tôi có cảm tưởng như một con thú dữ…
– Người Mỹ có vẻ quý tộc ấy à?
– Phải, người Mỹ có vẻ quỹ tộc!
– Có lẽ ông có lý đấy, – ông Bouc nói – có bao nhiêu kẻ ác trên quả đất này!
Ngay lúc đó, nhân viên phòng tiếp tân đẩy cửa bước vào, vẻ mặt ái ngại.
– Thưa ông, – anh ta nói với Poirot. – Tôi chẳng hiểu gì cả, không còn một chỗ nào trên toa tàu nằm hạng nhất.
– Sao, – ông Bouc thốt lên, – vào mùa này à? Chắc hẳn lại là một nhóm phóng viên hay các chính khách đã giữ chỗ hết rồi chứ gì?
– Thưa ông, tôi cũng không biết. – Nhân viên tiếp tân quay sang ông Bouc nói một cách kính cẩn. – Nhưng người ta cho tôi biết đã hết chỗ rồi ông ạ!
– Thôi được rồi, – ông Bouc nói với Poirot. – Để tôi giải quyết vậy. Trên tàu luôn luôn có một chỗ trong toa nằm trống, số 16. Tài xế bao giờ cũng giữ chỗ này đến phút cuối cùng! – Nhìn đồng hồ, ông nói tiếp – Chúng ta đi thôi!
Khi họ đến ga, người tài xế toa nằm, trong bộ đồng phục màu nâu, vội chạy đến tiếp ông Bouc một cách nồng nhiệt.
– Xin kính chào ông, chúng tôi đã dành cho ông toa số 1.
Nói xong, anh ta gọi những người phu khuân vác đến đem hành lý của họ lên toa xe mang bảng Constantinople Trieste – Calais.
– Hình như hết chỗ rồi thì phải?
– Thật khó tin, thưa ông! Hình như mọi người hẹn nhau cùng đi du lịch tối nay!
– Dù sao anh cũng phải tìm cho ông bạn tôi đây – Ông Bouc chỉ Poirot – một chỗ. Hãy dành cho ông ta toa số 16.
– Thưa ông, chỗ này đã được mua rồi!
– Sao? Toa số 16 à?
– Vâng thưa ông. Như tôi đã bảo, tất cả các chỗ đều có người rồi.
– Có chuyện gì vậy? – Ông Bouc hỏi. – Người ta tổ chức hội nghị ở đâu à?

– Thưa ông không. Chỉ là ngẫu nhiên, nếu tất cả mọi người rủ nhau cùng đi du lịch đêm nay thôi!
Ông Bouc tỏ ra bực mình.
– Đến Belgrade – ông nói, – sẽ nối thêm toa tàu đến từ Athènes và đến Wincovisi sẽ nối thêm toa tàu từ Bucarest… Nhưng chúng ta chỉ đến Belgrade vào tối mai mà thôi. Tối nay giải quyết sao bây giờ? Không còn ghế nào ở toa hạng nhì à?
– Thưa ông còn một chỗ…
– Vậy thì…
– Nhưng đã có người ở cùng toa đó rồi. Cô bồi phòng của một bà ở toa hạng nhất.
– Thật khó xử, – ông Bouc thốt lên.
– Xin ông đừng quá bận tâm, tôi sẽ cố gắng thích nghi với tình huống này thôi, – Poirot nói.
– Không thể nào được! – Quay sang người tài xế, ông Bouc nói tiếp:
– Mọi người đã đến chưa?
– Thưa ông, còn thiếu một hành khách.
– Sao bây giờ anh mới nói, số nào?
– Thưa ông toa nằm số 7 ở toa hạng nhì, ông khách chưa đến mà tàu sắp khởi hành vài phút nữa thôi.
– Hành khách đó là ai?
– Một người Anh, – người lái xế cúi xuống xem bảng danh sách – Ông Harris.
– Điều may đấy, – Poirot nói. – Tôi đã đọc Dickens[1]. Ông Harris sẽ không đến.
– Anh hãy đem hành lý của ông Poirot đến toa số 7. Nếu ông Harris đến, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết sau.
– Xin tuân lệnh! Thưa ông.
Ông Bouc lui lại phía sau để nhường bước cho Poirot bước lên tàu, ông nói:
– Ở cuối dãy này, toa gần cuối!
Khó nhọc lắm Poirot mới qua được dãy hành lang vì tất cả hành khách đều ra đứng ở cửa sổ. Cuối cùng Poirot cũng đến được toa nằm dành ình. Anh chàng người Mỹ trẻ mà Poirot đã gặp ở phòng ăn khách sạn Tokatlian đang ngồi ở đó. Anh ta đang với tay lấy chiếc vali trên giá đựng hành lý.
Anh hơi nhíu mày khi trông thấy Poirot.
– Xin lỗi, chắc ông nhầm! – Anh ta nói bằng tiếng Pháp.
Poirot hỏi anh ta bằng tiếng Anh:
– Ông là ông Harris à?
– Thưa không, tên tôi là Mac Queen. Tôi…

Người soát vé của toa tàu nằm đỡ lời:
– Không còn chỗ nằm nào hết thưa ông. Tôi phải dành cho ông đây – anh ta chỉ Poirot – chỗ này.
Nói rồi anh ta xếp hành lý của Poirot vào toa.
Poirot hơi buồn cười khi nghe giọng nói trân trọng của gã soát vé với anh chàng Mac Queen. Chắc hẳn gã đã nhận một số tiền pourboire khá lớn để không nhận thêm một hành khách nào khác ngồi cùng chỗ với Mac Queen. Nhưng dù số tiền pourboire có lớn đến đâu đi nữa thì cũng vô hiệu khi có ông giám đốc (ông Bouc) đi cùng tàu!
Gã soát vé ra khỏi toa khi đã đặt vali của Poirot lên giá đựng hành lý.
– Thưa ông như thế là ổn cả rồi, ông sẽ nằm kút-sét (couchette)[2] trên mang số 17. Vài phút nữa tàu sẽ khởi hành. – Nói rồi gã đi ra, Poirot bước vào toa.
– Một điều lạ đấy, – Poirot nhận xét một cách vui vẻ. – Một người soát vé tàu nằm lại đi thu xếp vali. Thật chưa bao giờ thấy!
Người bạn đồng hành của Poirot mỉm cười. Chắc hẳn anh ta thấy rằng nên tỏ ra hòa nhã hơn là bực mình vì điều trái ý vừa qua.
Một giọng nói vang lên dưới sân ga:
– Lên tàu!
– Chúng ta sắp khởi hành, – Mac Queen nói.
Con tàu vẫn chưa chuyển bánh, một hồi còi rít lên. Bỗng Mac Queen nói:
– Nếu ông thích nằm kút-sét dưới, xin ông cứ tự nhiên.
“Anh chàng này thật dễ thương!” – Poirot tự nhủ.
– Không! Không! – Poirot phản đối. – Tôi không muốn làm phiền ông.
– Tôi hoàn toàn không bận tâm về chuyện đó.
– Ổng thật tử tế… Nhưng tôi chỉ ngủ ở đây đêm nay thôi. Ở Belgrade…
– Vậy, ông xuống ga Belgrade à?
– Cũng không hẳn thế, thưa ông.
Một chấn động. Hai người đàn ông quay về phía cửa sổ toa tàu. Sân ga rực sáng đèn đang lướt qua trước mắt họ.
Chuyến tàu tốc hành Đông Simplon bắt đầu cuộc hành trình dài ba ngày qua châu Âu.
Chú thích :
(1) Liên hệ đến một nhân vật trong tác phẩm của Dickens, văn hào Anh, nhân vật này không bao giờ có mặt khi cần thiết.
(2) kút-sét (couchette) : Toa tàu có giường để nằm ngủ trong những chuyến tàu đi ban đêm hoặc đi nhiều ngày.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.