Đọc truyện Chuyện Đêm Vong Xuyên Đường – Chương 21
Tôi mơ một giấc mơ.
Trong căn phòng đậm chất cổ xưa có một chiếc giường lớn, phía trên có một người đang nằm, qua bức màn trướng, tôi không nhìn rõ đó là nam hay nữ.
Tuy không nhìn rõ người nằm đó là nam hay nữ, nhưng tôi lại bất giác cảm thấy rất đau lòng.
Hình như người nằm đó là một người rất quan trọng với tôi.
Có điều, tại sao lại bắt tôi phải nhìn thấy cảnh tượng này? Thế là có ý gì?
Khi tỉnh lại, đầu tôi đầm đìa mồ hôi, giống như vừa mới chạy tám trăm mét vậy.
Dao ngồi bên cạnh giường, nhìn tôi im lặng.
– Em nhặt thứ gì về đúng không?
Tôi không thể phủ nhận, bởi vì chuỗi hạt đó không biết từ lúc nào đã đeo trên cổ tay tôi.
Dao nhìn tôi, thở dài một tiếng.
– Đến lúc nào em mới chịu nghe lời một chút chút, hả?
Tôi đoán có lẽ mình lại gây ra phiền phức rồi, nên thấy hơi hối lỗi, ngoan ngoãn im lặng, dè dặt nhìn Dao.
– Không được nhìn anh!
Dao hung dữ bịt mắt tôi lại, hồi lâu không nói.
Tôi không nhìn thấy gì, nhưng đột nhiên mỉm cười.
– Sao trông anh như sắp khóc thế?
– Nói bậy, bản thiếu gia sao phải khóc?
– Ai mà biết được.
Tôi không nói gì nữa. Dao cũng im lặng.
Trong không khí im lặng đó, tôi lại chìm vào giấc ngủ.
Lần này tôi chẳng mộng mỵ gì.
Khi trời tối tôi mới tỉnh lại.
Vong Xuyên đường đã mở cửa làm ăn, Dao và Bạch Dạ ngồi trong sảnh, một người nhàn nhã uống trà, một người cuộn mình trong ghế mây, cầm sách đọc.
Không khí có chút gì đó bất an.
Nghe thấy tiếng động, hai người cùng nhìn tôi.
– Cô bé, ngủ ngon chứ?
Bạch Dạ lên tiếng trước.
– Vâng! – Tôi gật đầu với anh ta, rồi kéo một chiếc ghế ngồi xuống cạnh Dao.
– Trong bếp có đồ ăn đấy! – Dao liếc tôi một cái, rồi tiếp tục lật giở cuốn sách trên tay.
– Em không đói.
Tôi hơi tò mò về nội dung của cuốn sách rách nát trong tay Dao, bèn tiến lại gần để xem, nhưng bị anh giơ tay đẩy ra.
– Trẻ con không được xem!
– Này, em đã hơn hai mươi tuổi rồi đấy!
Dao không những không thèm đếm xỉa tới tôi, mà còn kiên quyết xoay người, che chắn cuốn sách thật kỹ, không cho tôi nhìn thấy.
Anh làm ra vẻ như thực sự không muốn cho tôi xem, thấy vậy tôi đành chuyển sự chú ý của mình sang Bạch Dạ.
– Sao hôm nay anh lại có thời gian đến đây thế?
– Vì đột nhiên muốn đến thăm cô bé của tôi! Bạch Dạ làm bộ cười cợt, nói ra những lời vô cùng sến súa.
Con trâu của anh hay con lợn của anh? Anh coi mình là người nuôi gia súc chắc!
Trong đầu tôi tưởng tượng ra cảnh Bạch Dạ đội chiếc mũ rơm, chăn trâu trên sườn núi, chiếc áo khoác da được thay bằng chiếc váy rơm Hawai, cảnh tượng đó đúng là rất ngộ nghĩnh khiến tôi không nhịn được phá lên cười.
– Có gì mà vui thế?
Bạch Dạ không hiểu, còn tưởng có chuyện gì thú vị.
Tôi không chịu nói, chỉ nhìn Bạch Dạ cười hì hì.
– Người sắp chết đến nơi mà còn có thể cười vui vẻ thế, có lẽ cũng chỉ có mình em! – Anh ta nhìn chuỗi hạt trên cổ tay tôi, nói với vẻ chẳng tử tế gì.
– Bạch Dạ! Anh đúng là đồ…
Ánh mắt anh ta khiến tôi chợt sởn gai ốc, đang định hỏi cho rõ thì bên cạnh vang lên câu nói ấy của Dao.
– Tôi nói này mèo nhãi, đừng có chuyện gì cũng muốn tự mình gánh vác. Chuyện lần này, chỉ có tự cô ấy đi mới giải quyết được.
– Không cần anh quan tâm.
– Cậu xem sách đã lâu như vậy, kết quả thế nào?
Dao không nói gì, chỉ bực dọc gấp sách lại, ném sang một bên.
Tôi liếc qua thấy hình như là sách bí pháp gì đó.
Lần này cho dù tôi ngốc đến mấy, cũng biết mình đã lại gây ra phiền phức lớn thế nào rồi.
– Nói cho em biết đi!
Tôi nhìn Dao, anh chỉ cụp mắt xuống, im lặng.
– Nguyên nhân là chuỗi hạt này phải không?
Tôi kéo chuỗi hạt, làn da có cảm giác đau nhói như bị ai véo, nó đang dính chặt vào cổ tay tôi, dường như đã đâm xuyên những chiếc rễ vô hình vào sâu trong da thịt. Tôi nhìn nó đến đờ đẫn, hoàn toàn không nhận ra tay mình nữa.
– Em bị chuỗi hạt ly biệt chọn trúng rồi.
Hồi lâu, Bạch Dạ mới lên tiếng.
Chuỗi hạt ly biệt không phải là tên của một chuỗi hạt, mà là do hai chuỗi hạt được chế tác từ gỗ cây lê hợp thành. Thực ra hai chuỗi hạt này căn bản không có gì đặc biệt, chỉ là tuyệt đối không thể tách rời chúng. Hễ một trong hai chuỗi bị tách ra, lần lượt thuộc về những người khác nhau, thì hai người đó sẽ khá là đen đủi.
Bởi vì tách ra quá lâu, nên sự oán hận do nỗi ly biệt của hai chuỗi hạt sẽ dần dần xâm nhập vào người chủ nhân, lâu ngày, những người giữ chuỗi hạt này sẽ chết, chuỗi hạt lại tiếp tục đi tìm chủ nhân tiếp theo. Trước khi trùng phùng với chuỗi hạt còn lại, nó sẽ không ngừng phát ra nguồn năng lượng oán hận.
Chỉ đến khi một chủ nhân nào đó có thể thay nó hoàn thành tâm nguyện, tìm được chuỗi hạt còn lại để ghép hai chuỗi lại với nhau, thì chuyện này mới kết thúc.
Cũng có nghĩa là, tôi đã “may mắn” được chuỗi hạt ly biệt chọn trúng.
Nếu như tôi không giúp nó tìm chuỗi hạt còn lại thì chắc chắn tôi sẽ chết, và càng đáng ghét hơn nữa là, chủ nhân chuỗi hạt này còn lại cũng sẽ chết.
Vấn đề là, thiên hạ rộng lớn thế này, biết đi đâu để tìm một chuỗi hạt nhỏ nhoi đây?
– Nó cũng ghê gớm quá nhỉ?
Tôi vuốt ve cổ tay, không muốn nhìn những chiếc rễ ghê tởm đó.
Bạch dạ cười, kể tôi nghe một câu chuyện.
Nghe nói nhiều năm về trước, có gia đình nọ sinh sống trong một ngọn núi lớn. Hai anh em từ nhỏ đã rất quấn quýt lấy nhau, tình cảm vô cùng thắm thiết. Nhưng vì gia đình quá nghèo nên người cha chẳng còn cách nào khác, đành phải bán người anh cho một nhà địa chủ làm người ở, như thế dù sao cũng bớt được một miệng ăn, mà cả nhà lại có thêm một con đường sống.
Vừa nghe nói cha sẽ đem anh mình bán đi, đứa em không chịu, khóc váng trời váng đất. Người cha chẳng còn cách nào khác, đành nhân lúc nó ra ngoài gánh nước, đem bán đứa con lớn đi.
Đứa anh rất hiểu chuyện, biết nhà mình nghèo nên chẳng nói một lời, theo cha đi đến nhà địa chủ, đứa em gánh nước trở về, không thấy anh đâu liền khóc đuổi theo. Một hồi lâu sau nó mới đuổi kịp anh trai ở lưng chừng núi, do đường núi hiểm trở, lại quá gấp gáp nên kết quả là nó sảy chân bước hụt mà ngã chết. Đứa anh nhìn thấy em vì đuổi theo mình mà bỏ mạng, lòng đau khôn xiết nên cũng nhảy xuống chết theo. Thi thể của chúng trôi theo dòng nước dưới núi, cuối cùng được một hòa thượng vớt lên, hợp táng ở bên cạnh chùa. Năm sau, trên mộ phần của chúng mọc lên một cây lê.
Nhiều năm trôi qua, cây lê đã trở thành đại thụ cao chót vót.
Một người thợ mộc tình cờ qua đây, nằm dưới tán cây đánh một giấc và mơ thấy hai anh em nọ. Tỉnh dậy ông liền chặt một khúc gỗ, làm ra rất nhiều chuỗi tràng hạt tặng cho người đi đường.
Những người nhận được tất cả các chuỗi tràng hạt đó dần dần đều chết một cách rất lạ lùng. Người ta bắt đầu điều tra, sau đó có một cao nhân phát hiện ra nguyên nhân, và đã tốn công thiêu hủy gần hết số chuỗi tràng hạt, chỉ có hai chuỗi là trốn được kiếp nạn, lưu lạc trong nhân gian. Chúng còn được mang một cái tên tao nhã là “Chuỗi hạt ly biệt”.
Đương nhiên, thứ tôi đang đeo trên tay chính là một trong hai chuỗi hạt đó.
Số tôi đúng là đen đủi, ngay đến chuyện hy hữu mà cũng gặp phải.
– Ý anh là, em không có lựa chọn nào khác? – Tôi liếc mắt nhìn Bạch Dạ.
– Không có! – Bạch Dạ rất dứt khoát.
Tôi nhào sang phía Dao.
– Vì tình cảm đã có từ trước tới nay giữa chúng ta, mỗi khi năm hết tết đên, anh nhất định phải đốt chút vàng mã cho em đấy! Nhớ đốt cả nhà cho em, em thích biệt thự đó! À, còn phải đốt cả một anh hình nhân đẹp trai nữa nhé!
– Nói vớ vẩn gì thế!
Dao không đẩy tôi ra, chỉ quay sang Bạch Dạ:
– Cậu đừng dọa cô ấy nữa!
– Tôi đâu có dọa, tin hay không là tùy cậu! – Bạch Dạ phẩy phẩy tay, tỏ vẻ rất vô tội.
“Bộp”! Dao ném quyển sách vào mặt anh ta.
Tôi một mình chạy đến sân sau ngồi, nơi đây là chốn yên tĩnh nhất trong ngôi nhà này.
Nhìn chuỗi hạt ly biệt, tôi thấy rễ của chúng không những không khác ban nãy chút nào, mà dường như còn càng lúc càng vươn rộng hơn, những chiếc rễ gần với da thịt đã biến thành màu đỏ nhàn nhạt. Tôi khẽ chạm vào, một cảm giác đau nhói ập đến.
Nếu tôi nói không sợ thì chỉ là nói cứng, nhưng phải đi tìm một chuỗi hạt còn lại, liệu có dễ dàng không?
Tôi thở dài, chợt nghe thấy một giọng nói nhí nhảnh vang lên:
– Tuổi còn trẻ, thở dài cái gì chứ?
Tôi ngẩng đầu lên, thấy một thiếu nữ áo đỏ ngồi vắt vẻo trên tường, khi cười để lộ hai lúm đồng tiền, dung mạo và khí chất đều xinh đẹp khác thường.
– Nếu cô biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, chẳng mấy nữa sẽ chết thì có thở dài không?
Thiếu nữ nhìn tôi từ đầu đến chân:
– Nhưng cô làm gì có bệnh!
Cũng chẳng khác gì nhau, sống chẳng được mấy lúc nữa! – Tôi chán đời giơ cổ tay có chuỗi hạt cho cô ấy xem.
Cô ấy nhìn một lát rồi lại cười.
Tôi hơi bực:
– Có gì đáng cười lắm sao?
– Cô có thời gian ngồi đây phản bác tôi, thì chẳng thà tiết kiệm sức lực mà đi tìm chuỗi hạt kia còn hơn!
Tôi nhìn cô ấy:
– Cô cũng biết câu chuyện về chuỗi hạt ly biệt sao?
– Tôi không chỉ biết câu chuyện về chuỗi hạt ly biệt, mà đến tung tích của chuỗi còn lại tôi cũng biết, cô muốn biết không? – Cô ấy ngồi trên tường đung đưa đôi chân nhỏ, nhàn nhã ung dung nhìn tôi.
– Tôi phải trả giá thế nào? – Đương nhiên tôi không ngốc đến nỗi cho rằng người khác vô duyên vô cớ giúp tôi không công.
– Khi nào cô tìm thấy chuỗi hạt còn lại thì đưa cả hai cho tôi, thế nào?
– Đồng ý.
Khi tôi trở vào trong cửa hàng thì Bạch Dạ đã đi mất, Dao đang bận rộn trong bếp, hình như anh đang chuẩn bị nấu cơm. Tôi bèn đeo một chiếc túi nhỏ rồi rón rén chuồn đi.
Nhà ga luôn là một nơi ồn ã, người qua kẻ lại với những gương mặt xa lạ, cử chỉ vội vã. Do không phải là ngày nghỉ lễ, cho nên tôi rất dễ dàng mua được tấm vé tàu đi Trùng Khánh.
Hành trình dài mười mấy tiếng đồng hồ, vì thế với tôi, phẩm chất của bạn đồng hành như thế nào đương nhiên rất quan trọng.
Tôi mua vé giường nằm, toa của tôi là toa cuối cùng nên tôi phải chạy tới chạy lui mới tìm thấy cửa soát vé.
Người trong toa không đông lắm, các ghế ngồi chỉ kín hơn một nửa. Trong phòng của tôi, giường dưới phía đối diện là một cậu trai có dáng dấp như học sinh, da dẻ trắng mịn, nhìn qua cũng biết là đánh phấn, lông mày cắt tỉa rất mảnh, nói năng nhẹ nhàng, hòa nhã.
Nam sinh giường trên có lẽ là bạn học của cậu ta, vẻ ngoài hoàn toàn ngược lại, cậu ta là một nam sinh miền Bắc cao to vạm vỡ, nói rất to, hay nói hay cười.
Nam sinh mặt trắng không hề che giấu thiện cảm đối với nam sinh giường trên, vừa lên tàu đã bày ra một đống đồ ăn vặt, vô cùng ân cần mời mọc cậu bạn giường trên.
Vé của tôi nằm giường trên, giường dưới là một phụ nữ ngoài ba mươi, vẽ mắt đen, tô son đỏ, dáng đẫy đà, áo trễ cổ, trên người toát ra một mùi nước hoa nhức mũi.
Sau khi tôi nhìn qua một lượt mấy người này thì tàu bắt đầu chuyển bánh.
Người phụ nữ giường dưới vừa yên vị, liền bắt đầu nói chuyện phiếm với hai cậu nam sinh đối diện, chẳng bảo lâu đã chuyện trò rôm rả.
Tàu đang vận hành có tiết tấu đặc trưng khiến cho người ta nhanh chóng cảm thấy buồn ngủ. Tôi dựa vào giường, lơ đãng nghe họ nói chuyện, một lát sau ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh lại thì trên tàu đã tắt đèn, xung quanh tối đen như mực, rèm cửa kéo kín mít, một chút ánh sáng cũng không có. Sờ sờ túi tôi mới nhớ ra, vì đi quá vội nên tôi đã quên mang theo điện thoại, trong lòng cảm thấy hơi hối hận.
Không biết là ai đang nghe đài, âm lượng rất nhỏ, đó là tiếng một cô gái đang ngân nga khúc hát: “Chốn thâm u có người nào tới, sương trắng điểm đài xanh lạnh lẽo. Cách song cửa ho khan một tiếng…”.
Tôi tỉnh như sáo, chầm chậm trèo xuống giường, định ra ngồi lên một lát. Hé một góc rèm cửa sổ, quả nhiên trời đã tối, nơi tàu đang đi qua hình như là vùng núi, một vùng tối đen, chỉ dăm ba căn nhà còn sáng đèn.
Mở chai nước mua lúc ở nhà ga, tôi nhấp một ngụm làm mát dịu cổ họng khô rát. Hành trình vẫn còn rất dài.
Tôi có chút tiếc nuối vì đã ngủ quá sớm, ban đêm trên tàu thật vô vị, cũng chẳng nhìn thấy phong cảnh bên ngoài. Lúc này có lẽ Dao đã phát hiện ra sự biến mất của tôi. Tôi lén bỏ đi cũng là có lỗi, nhưng nếu nói cho anh biết, nhất định anh sẽ đi cùng, mà tôi thì không muốn như vậy.
Lần này nếu tìm thấy chuỗi hạt đó đương nhiên là tốt, còn nếu không tìm thấy thì chết ở bên ngoài cũng được. Cho dù thế nào đi nữa, tôi cũng không muốn anh nhìn thấy cảnh mình trút hơi thở cuối cùng.
Bởi tôi đã nợ anh quá nhiều, nên tôi muốn anh quên tôi đi. Anh xứng đáng có được cuộc đời của riêng mình mà không phải lãng phí vô ích vì tôi.
Tàu vẫn chạy như bay về phía trước. Tôi đứng dậy, định đến đoạn nối toa để hóng gió, nhân tiện hỏi nhân viên trực tàu xem mấy giờ rồi.
Phòng quản lý tàu tối om, có lẽ họ đã đi sang toa khác để tuần tra rồi.
Chỗ nối toa rất thoáng đãng, một người đàn ông đang dựa cửa hút thuốc. Qua tấm kính trên cửa có thể nhìn thấy, tàu vẫn đang chạy trong vùng núi hẻo lánh.
Tôi đứng bên cửa, cố gắng mở mắt nhìn ra ngoài nhưng chẳng nhìn thấy gì, trời và đất là một khối đen sì. Liếc thấy người đàn ông hình như có đeo một chiếc đồng hồ trên cổ tay, tôi liền hỏi anh ta:
– Anh ơi, xin hỏi bây giờ mấy giờ rồi?
Người đó chăm chú nhìn chiếc đồng hồ trên tay rồi trả lời tôi:
– Mười một giờ ba mươi ba phút, không, đã là mười một giờ ba mươi tư phút rồi.
Tôi cảm ơn anh ta, rồi lại đi vòng vòng quanh chỗ nối toa, muốn tìm xem có lịch trình của tàu không, nhưng phát hiện ra chỗ nối toa này và toa tiếp theo bị đóng kín, cửa bị khóa. Lay một hai cái mà không thấy suy suyển gì, tôi đành bỏ cuộc. Người đàn ông nhìn thấy tôi ngó nghiêng, bèn hỏi:
– Cô tìm gì thế?
– Tôi muốn tìm xem có lịch trình không, không biết ga sau dừng ở đâu?
Anh ta lắc đầu.
– Thứ đó chẳng ích gì, đoàn tàu này chỉ có một điểm dừng thôi.
– Đi thẳng tới Trùng Khánh à?
– Không, đi thẳng tới Phong Đô[1].
[1] Phong Đô: Thành Phông Đô – thánh chính dưới âm phủ. Ở Trùng Khánh cũng có huyện Phong Đô – một địa danh du lịch nổi tiếng. Ở đây nhân vật “tôi” tưởng là địa điểm Phong Đô ở Trùng Khánh. (ND)
Phong Đô làm gì có nhà ga.
Khi ở nhà ga tôi đã hỏi kỹ nhân viên bán vé, vì Phong Đô không mở đường sắt nên muốn đến đó thì phải đến Trùng Khánh hoặc Thành Đô trước, rồi mới chuyển sang đi ô tô. Huống hồ, vé tàu mà tôi mua rõ ràng là đi Trùng Khánh.
Tôi bình tĩnh rút chiếc vé từ trong túi áo ra, hai chữ “Trùng Khánh” trên đó quả nhiên đã biến thành “Phong Đô”.
Xem ra tôi đã cực kỳ may mắn khi đáp được chuyến tàu đến Quỷ Thành.
Vậy thì cái người đang đứng đối diện này, và cả những hành khách trên tàu, có lẽ đều không phải là người bình thường.
Tôi lén quan sát, lúc này mới nhận thấy chiếc đồng hồ trên tay anh ta đã vỡ nát, mặt kính rơi mất từ bao giờ, còn bên gò má có những vết thương chằng chịt, có cái còn chưa liền miệng, không ngừng chảy máu, trên ngực cũng có một vết thương rất sâu, xem ra là vết thương chí mạng.
Nhưng lạ lùng là, dáng vẻ anh ta tuy có chút đáng sợ, nhưng chắc chắn không phải là hồn ma.
Tôi có thể cảm nhận được trên người anh ta còn le lói chút sinh khí, tồn tại ở một nơi nào đó trong cơ thể, có lẽ vẫn chưa chết hẳn.
Anh ta có lẽ là một sinh hồn[2], nếu như có thể kịp thời phát hiện tình cảnh của mình, biết đâu vẫn còn có cơ hội sống sót. Tôi bình thản nói chuyện với anh ta:
[2] Sinh hồn: Hồn người còn sống. (ND)
– Anh này, anh là người ở đâu?
– Tôi là người Lạc Dương.
– Lạc Dương, là ở Hà Nam mà. Phong Đô cách đó rất xa đấy…
– Ừ, đúng là rất xa.
– Anh đi Phong Đô công tác à?
– Không.
– Vậy đến đó làm gì?
– Rốt cuộc là để làm gì nhỉ?… Tôi cũng không biết nữa… – Anh ta ngoẹo đầu, trên mặt hiện rõ vẻ khổ não.
Xem ra anh ta đã hơi nghi hoặc.
Tôi vẫn giữ nguyên nét mặt, tiếp tục dẫn dắt:
– Anh này, trước khi lên tàu, vào buổi chiều ấy, anh làm gì?
– Giống như bình thường, lái xe đi làm.
– Trên đường đi làm, có gặp phải chuyện gì không?
– Là… gặp phải một tên trộm, có người hô bắt trộm. Hắn đang chạy qua phía tôi, nên tôi cản hắn lại.
– Sau đó thì sao? Anh có cảm thấy đau ở đâu không?
– Hình như có hơi đau… Tôi nhớ rồi, hình như có người đưa tôi đến bệnh viện.
– Bác sĩ nói gì?
– Bác sĩ cấp cứu, để cho tôi an tâm nghỉ ngơi…
– Vậy giờ anh đang làm gì?
– Tôi… đang đi tàu.
– Anh thử nghĩ một chút xem mình đang làm gì? Lúc này đáng nhẽ anh nên tĩnh dưỡng ở bệnh viện, đúng không?
– Đúng, đáng nhẽ tôi phải ở bệnh viện tĩnh dưỡng, đáng nhẽ tôi phải ở bệnh viện tĩnh dưỡng… – Anh ta gãi gãi đầu – Tại sao tôi lại ở đây?
– Anh nên quay về đi…
– Tôi nên quay về, nếu không con trai tôi sẽ lo lắm.
Cánh cửa tàu bỗng đột ngột mở ra không một tiếng động, anh ta cười với tôi rồi đi thẳng, đầu không ngoảnh lại, cứ thế nhảy ra khỏi đoàn tàu.
Tàu vẫn tiếp tục lao về phía trước, tôi nhìn đăm đăm ra bóng đêm ngoài cửa sổ rồi quay về toa của mình.
Đám hành khách đều đang ngủ say. Trên chuyến tàu kỳ lạ này, thu hút sự chú ý của kẻ khác chắc chắn không phải là hành động khôn ngoan. Tôi cũng trèo lên giường, nằm im lặng, giả vờ như đang ngủ, nhưng chẳng ngờ giả vờ thành thật, tôi đã thực sự thiếp đi.
Đến nửa đêm, một trận rung lắc làm tôi giật mình thức giấc.
Tôi mở mắt, nhưng không ngồi dậy, chỉ trở mình, tầm mắt vừa hay nhìn thẳng sang chiếc giường phía đối diện.
Sau khi mắt đã quen với bóng tối, tôi bắt đầu nhìn rõ mọi vật.
Giường trên phía đối diện trống không, chiếc chăn bị kéo xộc xệch, xem ra chủ nhân chỉ vừa mới xuống giường.
Chắc là đi vệ sinh thôi, tôi nghĩ thầm. Nhưng tiếng động sau đó khiến tôi buộc lòng phải phủ nhận suy đoán này.
Từ dưới giường của tôi truyền đến một trận rung lắc, trong đó có lẫn cả tiếng nam nữ thở hổn hển. Xem ra trong thời gian tôi chợp mắt, ở đây vừa mới sinh ra một cặp “vợ chồng chớp nhoáng”.
Tàu hỏa đúng là một chốn hẹn hò lý tưởng.
Tiếng động mà bọn họ gây ra không nhỏ chút nào, nam sinh mặt trắng có lẽ đã bị đánh thức. Nhớ lại vẻ mặt chân tình của cậu ta lúc trước, tôi đột nhiên muốn xem biểu cảm của cậu ta lúc này như thế nào.
Từ góc của tôi nằm rất thuận tiện để quan sát giường đối diện phía dưới. Cậu ta đang nằm, nhưng đôi mắt không nhắm, mở trừng trừng nhìn vào nơi mà tôi không nhìn được – chính là nơi đang diễn màn xuân cung sống động kia.
Tôi không tài nào “ngâm cứu” ra được ánh mắt kia rốt cuộc là thứ cảm xúc gì, hơn nữa cũng chẳng hứng thú gì với đôi nam nữ giường dưới. Cổ tay tôi khẽ cử động, chẳng may va phải thành giường, đau nhói.
Tay của cậu thiếu niên giường dưới kia chắc hẳn phải đau hơn tôi? Nó đang không ngừng chảy máu, chảy đến nỗi chăn đệm trên giường đều thấm đẫm máu tươi.
Cửa ải tình này, cho dù là nam hay nữ cũng đều rất khó vượt qua.
Chỉ là, sự thực đã từng xảy ra thì không ai có thể thay đổi được nữa.
Tôi trở mình, quyết định nhắm mắt tiếp tục ngủ, nhưng lúc này chẳng còn buồn ngủ nữa.
Tôi đột nhiên nhớ tới một người.
Tuy không biết anh đang ở đâu, nhưng tôi biết anh vẫn còn sống, vì dấu mặt trăng đỏ trong lòng bàn tay tôi vẫn còn tươi thắm.
Kiếp trước không màng tới nữa, chỉ cần quan tâm tới kiếp này thôi.
Tôi đã không còn cảm thấy hứng thú với những chuyện đã từng xảy ra, cho dù chuyện ấy có thực sự xảy ra với tôi đi nữa thì tôi cũng chẳng thể nào thể nghiệm được.
Thứ lưu lại duy nhất, chỉ có tình cảm.
Chỉ có nó là không biết dối lừa.
Động tĩnh của giường dưới dần dần lắng lại, chợt người nữ hoảng hốt kêu “á” một tiếng. Tiếng kêu xé rách màn đêm đen đặc trong toa tàu. Tiếng những bước chân vội vã vang lên, chẳng bao lâu sau, một ánh đèn sáng rực chiếu vào toa, hóa ra là nhân viên tàu hỏa đã đến.
Có người cắt động mạch tự sát rồi.
Đây đâu phải là chuyện nhỏ, vậy mà nhân viên trên tàu lại không hề tỏ ra kinh ngạc sợ hãi, cứ như chẳng có chuyện gì to tát vậy, chỉ sờ thử mũi người đó một cách qua loa rồi quyết định không cứu nữa, gọi nam sinh giường trên cùng anh ta bê thi thể sang căn buồng ở chỗ nối toa.
Tôi cho rằng đây chẳng qua chỉ là tái diễn lại cảnh một linh hồn tự sát nhưng trong lòng không cam tâm, thường cứ mãi quẩn quanh trong khoảng khắc mà mình chết đi, không thể giải thoát. Nhưng nhân viên tàu hỏa mà tôi vừa nhìn thấy có gì đó khang khác.
Cho dù xét từ phương diện nào đi nữa thì người đó rõ ràng vẫn là một người còn đang sống sờ sờ.
Nhưng “khang khác” cũng chính ở điểm này. Nếu chỉ là một nhân viên bình thường thì khi nhìn thấy phát sinh chuyện như thế, tại sao anh ta lại có phản ứng đó? Thái độ của anh ra, cứ như thể chuyện ấy chỉ hơi phiền phức như khi con của khách tè dầm lên giường mà thôi.
Hơn nữa, chuyến tàu đi đến Phong Đô không hề tồn tại.
Chuyến tàu không tồn tại, nhân viên tàu không tồn tại.
Rất nhanh sau đó, tay nhân viên cùng với nam sinh giường trên đã quay trở lại.
Anh ta cuộn chiếc chăn đẫm máu lại và đem đi.
Mấy người xung quanh cũng tục tục tản ra.
Người phụ nữ dưới giường rõ ràng rất sợ hãi, không dám ở lại trên giường mình, dứt khoát trèo lên giường trên phía đối diện, ngang nhiên cùng nam sinh đó quấn lấy nhau.
Tôi cười nhạt một tiếng, bạn bè vừa mới chết, xương cốt còn chưa lạnh, vậy mà cậu ta có thể bình tĩnh như vậy.
“Chàng vì nàng trong mộng thành đôi, tỉnh dậy một mình, quên ăn quên ngủ. Áo khăn chẳng màng năm canh lạnh, sầu vô hạn, âm thầm lệ lã chã tuôn rơi” – Giọng nữ trong đài phát thanh vẫn nỉ non ai oán không ngừng.
“Nàng xoa mặt phấn cho Hà lang, chàng tự vẽ nét mày dài. Vô tình mà hóa tình sâu đậm, mặt khô mà tim tình không cạn, hối hận đã từng ôm lòng trộm ngọc lấy hương, vứt hết những lời âu yếm bên nhau…”
Nam sinh rùng mình một cái, ôm chặt lấy người con gái bên cạnh, khóe mắt khẽ liếc sang tôi ở giường đối diện. Dường như cậu ta có chút ngại ngùng nên khẽ buông tay ra.
– Chị này, chị ngủ suốt thế.
– Ừ, ngủ suốt.
– Tàu đi chậm thật đấy, đi lâu như thế mà chưa thấy dừng, không biết ga sau đến đâu?
– Bây giờ mấy giờ rồi?
– Mười một giờ ba mươi lăm phút.
Cậu ta nhìn điện thoại.
Xảy ra bao nhiêu chuyện như thế, vậy mà mới chỉ có một phút trôi qua.
– Chị ơi, chị không lạnh à? Em thấy điều hòa ở trong toa hình như mở quá lạnh thì phải.
Tôi nhìn người phụ nữ đang ngủ phục trên mình cậu ta, chỉ lộ ra nửa khuôn mặt bình tĩnh đáp:
– Ừ, cũng hơi lạnh.
– Chị xuống ga nào?
– Ga cuối.
Tôi ngáp một cái, không buồn nhìn vẻ mặt như đang muốn nói tiếp chuyện gì đó của cậu ta, quyết định không để ý đến họ nữa.
Có lẽ khi tỉnh lại, người này cũng không còn tồn tại nữa rồi.
Thời gian trôi qua quá chậm, cứ tiếp tục thế này, không biết bao giờ mới đến ga cuối cùng. Bên tai là tiếng bánh tàu lăn trên đường ray xình xịch xình xịch, tôi lăn qua lăn lại hồi lâu, cuối cùng bò dậy, định tìm nhân viên tàu lửa để hỏi.
“Trời cao xanh ngắt, đất trải hoa vàng, gió tây gay gắt. Nhạn bắc về nam. Sớm mai ai người nhiễm sương say ngất giữa rừng? Vẫn là nước mắt kẻ chia ly…”
Tôi bước ra ngoài, khi đó mới biết hóa ra tiếng hát ấy không phải là trên đài phát thanh, mà là có một cô gái đang ngồi hát bên cửa sổ.
Nhìn sau lưng thì hình như cô ta hãy còn trẻ. Cô ta cầm chiếc khăn tay, thân hình rất đẹp, cứ hát mãi một khúc ca đó.
Nếu như tôi không nhớ nhầm thì điệu hát này là Tây sương ký[3].
[3] Tây sương ký còn có tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Truyện về Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), là vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297 – 1307) đời Nguyên Thành Tông (1295 – 1307), miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Về kết thúc của truyện, có nhiều dị bản và thay đổi khác nhau. (ND)
Kết thúc của điệu hát là Trương Sinh đỗ trạng nguyên, về quê cưới Thôi Oanh Oanh, đó là kết cục đoàn viên luôn được người đời ưa chuộng. Đương nhiên, kết cục đoàn viên chỉ là nguyện vọng tốt đẹp của người đời sau mà thôi. Trong bản Oanh Oanh truyện đầu tiên, vì tội danh vô lý là quá đẹp, Oanh Oanh đã bị Trương Sinh đạo mạo phụ bạc.
Không biết khúc cô ấy hát là khúc Oanh Oanh nào?
Nhân viên tàu đứng ở cửa toa, xem ra đang rất nhàn nhã.
Tôi qua đó đứng cạnh anh ta, làm như không có chuyện gì, bắt chuyện vu vơ:
– Ga sau đến đâu anh nhỉ?
– Phong Đô.
– Có tàu đến Phong Đô từ bao giờ thế nhỉ? Sao tôi không biết?
Anh ta vẫn không ngẩng đầu, đáp lại lời tôi:
– Mấy chục năm trước đã có rồi.
– Mấy giờ tới?
– Đúng mười hai giờ.
– Bây giờ mấy giờ rồi?
– Mười một giờ ba mươi sáu phút.
Thời gian quả thật trôi qua quá chậm chạp.
– Nửa ngày trước tôi đã hỏi giờ người khác, khi ấy là mười một giờ ba mươi tư phút, lâu thế mà mới chỉ hai phút trôi qua thôi ư?
Cuối cùng anh ta cũng ngẩng đầu lên, nhìn tôi một cái rồi nói:
– Tôi cũng không có cách nào khác, điều đó chỉ dựa vào chính họ.
– Nghĩa là sao?
– Không phải cô cũng muốn chết giống họ sao?
Nghe anh ta nói vậy, tôi chợt bừng tỉnh. Trong tiềm thức của mình, đúng là tôi có ý định tìm đến cái chết. Đây chính là nguyên nhân khiến tôi đi trên chuyến tàu này chăng?
Ý của anh ta là khi tất cả đều chết thì chuyến tàu mới đến ga cuối?
– Tôi không muốn chết, chỉ muốn đi Phong Đô thôi! – Tôi mỉm cười nhìn anh ta.
– Người sống sẽ không tới được Phong Đô.
Anh ta chậm rãi kéo cửa toa tàu ra, gió bên ngoài cửa thổi ập vào, mạnh đến mức khiến tôi loạng choạng đứng không vững.
Tôi đã bị anh ta đẩy xuống như vậy đó.
Bên tai chỉ kịp nghe thấy câu nói cuối cùng:
– Cô đáp nhầm tàu rồi.
Tôi ngửi thấy mùi đặc trưng của đoàn tàu, pha trộn đủ mùi, mùi cơ thể người, mùi kim loại, mùi mồ hôi, mùi chăn đệm, rồi những tiếng ồn ào huyên náo gọi nhau, tiếng thu dọn hành lý, tiếng đài phát thanh trên tàu.
– Hành khách chú ý, tàu sắp đến ga Trùng Khánh.
Tôi giật mình, ngồi phắt dậy, đến lúc ấy mới hay những người xung quanh đã đang thu dọn đồ đạc, chuẩn bị xuống tàu. Thấy tôi dậy, ông chú ở giường đối diện cười hì hì, nói:
– Cháu gái, cháu ngủ giỏi thật đấy, ngủ suốt mấy mươi tiếng đồng hồ liền.
Tôi miễn cưỡng nặn ra một nụ cười, lúc này mới nhớ ra, giường đối diện tôi đúng là một chú trung niên, còn giường dưới ông ta là một phụ nữ trung niên mang theo con nhỏ, chẳng có nam sinh trẻ tuổi nào. Giường dưới tôi là một cô gái trẻ, suốt dọc đường đều nghe headphone, cực kỳ yên tĩnh.
Vậy là tôi đã trở về từ chuyến tàu đi Quỷ Thành rồi sao?
Di động trong túi áo đổ chuông, tôi lôi ra xem, là tin nhắn của Dao.
“Đi đường bình an, đợi em trở về”.
“Vâng”. Tôi chỉ nhắn lại một chữ ngắn gọn rồi xem lại giờ trước khi bỏ di động vào túi áo, mười giờ hai mươi lăm phút sáng.
Đã đến ga Trùng Khánh rồi.
Phong Đô là địa điểm du lịch nổi tiếng. Ra khỏi nhà ga, tôi dễ dàng tìm được xe, sau hai tiếng rưỡi là có thể đặt chân đến đó.
Xe khá đông người, sau khi tôi lên xe, vừa tìm được chỗ ngồi xuống thì tài xế lập tức khởi hành.
Trên tàu tôi đã ngủ suốt nên khi lên xe, tôi không thể chợp mắt nổi. Cũng may tôi được ngồi cạnh cửa sổ, tôi bèn lấy ra bản đồ Phong Đô mới mua ở nhà ga ra, nghiên cứu tỉ mỉ.
Địa điểm tôi định đến khá hẻo lánh, xem ra đó là một con đường rất nhỏ, đến bản đồ cũng không có chú thích về nó. Thôi để lúc nào đến nơi sẽ từ từ tìm vậy, tôi thở dài rồi gấp bản đồ lại.
Từ lúc xe bắt đầu đến giờ, tôi luôn cảm thấy bồn chồn, có lẽ là do ngồi xe quá lâu nên không thoải mái.
May mà xe đi rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến nơi. Sau khi xuống xe, tôi nhìn đường phố Phong Đô thấy khắp nơi đều là những tòa kiến trúc tân thời, nên quyết định tìm một khách sạn để nghỉ ngơi, buổi tối lại đi tiếp.
Sự thật chứng minh, quyết định này của tôi là vô cùng sáng suốt.
Phong Đô về đêm đã biến thành cái thành phố nhỏ âm u mà tôi đã từng gặp lần trước.
Trên phố thắp những ngọn đèn xanh, dăm ba người qua lại vẻ mặt đờ đẫn vô hồn.
Tôi bước đi vô định trên con đường lát đá xanh. Bản thân dường như đang bị thứ gì kêu gọi, hết rẽ trái lại rẽ phải, tôi hoàn toàn không cần nghĩ ngợi gì. Hẳn là do tác dụng của chuỗi hạt ly biệt.
Cảm giác trong lòng càng lúc càng thôi thúc mạnh mẽ. Tôi nghĩ, chuỗi hạt còn lại có lẽ đang ở một nơi không xa.
Không biết đã đi bao nhiêu lâu, cuối cùng tôi dừng lại trước cổng một tòa nhà lớn.
Nói là tòa nhà lớn, thực ra là rất lớn, không thể nhìn thấy ranh giới tường bao, cánh cửa lớn đóng im ỉm, không nhìn được thứ gì bên trong.
Người tôi cần tìm ở trong này.
Trái tim của tôi đang nhảy nhót điên cuồng “thịch, thịch, thịch”.
Không chờ tôi gọi cửa, cánh cửa lớn chợt mở ra không một tiếng động.
Trong khoảng sân rộng rãi, có một người đang đứng quay lưng về phía tôi.
– Em đến rồi! – Là tiếng của Vị Minh.
Nhìn thấy anh ấy, tôi không cảm thấy lạ lẫm chút nào. Nơi đây là Quỷ Thành, việc gặp phán quan cũng là điều bình thường, chỉ có điều anh ấy ở đây thì cũng có nghĩa là người tôi cần tìm e rằng cũng không phải là người bình thường.
– Người tôi cần tìm đã chết chưa?
Anh ấy lắc đầu.
– Đi theo tôi.
Tòa nhà này còn rộng hơn phủ phán quan rất nhiều, tôi đi theo anh ấy đến mức mụ mẫm cả đầu óc, đang lúc nghĩ thầm sao đi mãi mà vẫn chưa tới thì chúng tôi dừng lại trước một căn phòng ở mé Tây.
Tuy là một phòng đơn, nhưng trang trí không hề sơ sài, xà ngang ở mái thềm điêu khắc sống động như thật, những bức vẽ màu trên cột nhà cũng tinh tế sắc nét, xem ra chủ nhân của căn nhà là một người rất tinh tế, cầu kỳ.
– Vào đi.
Anh ấy khẽ đẩy tôi vào phòng.
Trong phòng thắp đèn, ánh sáng rất đẹp, có một người ngồi ở đó, nhìn thấy tôi bước vào liền đứng dậy. Cô ấy không được khỏe, chỉ đứng dậy thôi đã thở dốc.
Tôi ngây ra một lát, bởi vì tôi nhận ra người này.
Trong ký ức mà cuốn sách mộng gối đầu đó cho tôi biết, cô ấy chính là nhạc sư từng được thượng đế sủng ái. Đồng thời, cũng là nguồn cơn của tất cả.
Tôi, Thanh Minh, Dao, hết kiếp này đến kiếp khác, tất cả mọi chuyện đều bắt nguồn từ cây đàn của Minh Quân.
Cảnh tượng trong giấc mơ trước đây không có cảm giác chân thực, nhưng giờ đây người vẫn sống sờ sờ và đang đứng trước mặt tôi, xinh đẹp mê hồn. Tôi nhất thời lúng túng không biết phải làm thế nào.
Minh Quân cầm tay tôi rồi nhìn tôi, nói:
– Em gái, cuối cùng em đã đến rồi.
Đợi đã, cô ấy gọi tôi là gì?
Tôi nghĩ, bộ dạng của mình lúc này hẳn rất ngốc nghếch, bởi vì cô ấy đang cười rất rạng rỡ.
– Chị đợi em rất lâu.
Cô ấy nắm chặt tay tôi, không may chạm phải cổ tay, nhưng tôi không cảm thấy đau nữa. Cúi đầu nhìn xuống, trên tay cô ấy cũng đeo một chuỗi hạt giống y như tạc.
Chủ nhân của chuỗi hạt ly biệt còn lại là Minh Quân ư?
Tôi có chút nghi hoặc.
Minh Quân dịu dàng nhìn tôi.
– Ngồi xuống trước đã, rồi chị sẽ từ từ kể cho em nghe.
Người bên cạnh đem tới một chiếc ghế, tôi cảm ơn, nhưng chợt nghe thấy một tiếng đáp lại thật trầm:
– Không cần cảm ơn.
Tôi ngẩng phắt đầu lên!
Là Thanh Minh!
Hình như anh ấy gầy hơn một chút, toàn thân mặc đồ trắng, ánh mắt lạnh nhạt nhìn tôi.
Đôi mắt anh bình lặng như mặt nước hồ, tôi tìm rất lâu trong đó nhưng chẳng thấy một gợn sóng.
Tôi cứ tưởng mình sẽ khóc, nhưng lại không rơi nổi giọt nước mắt nào.
Tôi từng mơ tưởng rất nhiều đến cảnh trùng phùng, nhưng tình cảnh như thế này thì tuyệt nhiên chưa từng nghĩ đến.
Hóa ra anh luôn ở đây.
Ngây ra nhìn anh hồi lâu, sau đó tôi quay đầu lại nghe Minh Quân kể chuyện.
Giọng của cô ấy uyển chuyển êm ái khiến cho người ta nghe say sưa. Nếu là ngày nay thì cô ấy rất thích hợp làm MC đài truyền hình.