Đọc truyện Chuyện Dài Bất Tận – Chương 12: Ông lão núi Di Sơn
Một lô lốc những khối tuyết lở đổ ầm ầm như sấm dậy trên những vách núi nứt nẻ, những cơn bão tuyết ào ào giữa những khối đá cao ngất ngưởng của những chóp núi phủ băng dày cộp để rồi bị chặn lại, gào rú trong các hang động và thung lũng, rồi tiếp tục quét qua những băng hà mênh mông. Đối với vùng này thì đây không phải là thời tiết thất thường gì cả, vì rặng núi Định Mệnh này – đó là tên của nó – to và cao nhất trong toàn vương quốc Tưởng Tượng với đỉnh núi khổng lồ chạm mây xanh.
Trong cái vùng băng giá vĩnh cữu này thì ngay những kẻ leo núi liều lĩnh nhất cũng không dám bén mảng tới. Hay nói đúng hơn; có kẻ đã leo nổi, nhưng vào cái thời xa xưa nào đó lâu lắm rồi nên chẳng còn ai biết nữa. Vì đây là một trong nhiều điều luật không hiểu nổi của vương quốc Tưởng Tượng: chỉ được phép chinh phục rặng núi Định Mệnh sau khi người chinh phục trước đã bị lãng quên hoàn toàn và không còn một tấm bia đá hay sắt nào về người đó nữa. Thành ra bất cứ ai chinh phục nổi ngọn núi này đều là kẻ đầu tiên.
Trên núi này không sinh vật nào sống nổi, ngoại trừ một ít con Kỳ Băng[1] khổng lồ – nếu người ta chịu xếp chúng vào loài sinh vật. Chúng cử động chậm chạp không tưởng tượng nổi, đến mức chúng cần cả năm cho một bước đi duy nhất và hàng thế kỷ cho một chuyến đi dạo ngắn. Thành ra hiển nhiên là chúng chỉ có thể quan hệ với đồng loại, chứ chẳng biết tý gì về sự hiện hữu của vương quốc Tưởng Tượng còn lại. Chúng tưởng mình là những sinh vật duy nhất trong vũ trụ.
[1] Eisbold: một con thú “tưởng tượng” của tác giả. (Eis có nghĩa là băng tuyết, còn bold được ghép vào cuối từ để chỉ người hay làm những chuyện mà người bình thường ít làm). Thí dụ Trunkenbold: kẻ nghiện rượu be bét (der Trunk: sự uống/ sự nghiện rượu).
Cho nên chúng càng sững sờ trố mắt nhìn cái chấm nhỏ li ti phía dưới đang di chuyển trên những rìa đá không đặt chân lên nổi ở những sườn núi dựng đứng đóng băng trơn như mỡ, trên những mép đá sắc như dao và qua những lũng sâu, những khe núi; cái chấm nhỏ kia càng lúc càng tiến gần tới đỉnh.
Đó chính là cái cáng bằng thủy tinh chở Nữ-thiếu-hoàng do bốn thị vệ vô hình khiêng. Nó như lẫn vào khung cảnh chung quanh vì thủy tinh không khác một tảng băng trong, còn áo trắng và mái tóc của Nữ-thiếu-hoàng thật chẳng khác gì màu tuyết.
Bà đi từ đó đến nay đã lâu rồi. Đã nhiều ngày đêm bốn thị vệ của bà khiêng cáng, đội nắng dầm mưa, dù trong đêm tối âm u hay dưới ánh trăng, đi mãi bất cứ đâu, như bà đã ra lệnh. Bà không phân biệt giữa điều dễ chịu đựng hay khó chịu đựng, như bà vẫn coi mọi sự trong vương quốc của bà, tối hay sáng, đẹp hay xấu như nhau hết. Bà sẵn sàng chịu đựng mọi hiểm nguy, vì Ông lão núi Di Sơn có thể ở bất cứ nơi nào mà cũng có thể không ở đâu cả.
Tuy vậy đường đi mà bốn thị vệ vô hình của bà chọn không phải chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên. Hư Không đã nuốt gọn nhiều vùng đất lắm rồi nên càng về sau họ càng chỉ còn ít lối thoát mong manh. Đôi khi là một cây cầu, một hang động hay một cái cổng mà họ chỉ kịp thoát qua, đôi khi là sóng biển mà các thị vệ khiêng chiếc cáng chở Bà Chúa đang ốm nặng vượt qua. Các thị vệ này đi trên nước không khác gì đi trên đất bằng.
Vì thế nên cuối cùng họ leo lên đỉnh núi băng giá của rặng Định Mệnh, leo hoài, leo mãi, không mệt mỏi. Nữ-thiếu-hoàng còn chưa ra lệnh thì họ sẽ còn tiếp tục khiêng bà lên cao nữa. Còn bà nằm trên nệm, mắt nhắm nghiền, không nhúc nhích. Bà nằm như thế lâu rồi. Lời cuối cùng mà bà ra lệnh cho họ là “đi bất cứ đâu” khi tạm biệt Tháp Ngà.
Lúc này cái cáng chuyển dịch qua một khe núi sâu nằm giữa hai vách đá cách nhau không hơn bề ngang cáng mấy tí. Nền đất phủ đầy tuyết xốp dày cả mét, nhưng những người khiêng cáng vô hình không bị lún mà cũng không hề để lại một vết chân. Dưới đáy khe rất tối, vì chỉ có một vạt nhỏ ánh sáng mãi tận trên cao. Đường lên dốc thoai thoải, càng lên cao thì càng gần vạt sáng kia. Rồi, thật bất ngờ, hai vách núi lùi lại phía sau, mở ra trước mắt họ một vùng trắng lóng lánh mênh mông. Đây là nơi cao nhất, vì đỉnh núi Định Mệnh không nhọn như phần lớn núi khác mà chính là cao nguyên này. Nó rộng bằng cả một đất nước.
Ngạc nhiên sao, ngay chính giữa mặt phẳng kia nhô lên một trái núi nhỏ hình thù khác thường. Nó cao, tương tự Tháp Ngà nhưng xanh rực rỡ, gồm nhiều chóp nhọn hình thù kì quái, trông như những nhũ băng khổng lồ đâm ngược lên trời. Ở lưng chừng ngọn núi này có một quả trứng – to bằng cái nhà – tựa trên ba chóp nhọn kia.
Sau lưng quả trứng, theo nửa vòng tròn, nhô lên những nhũ băng ngược lớn hơn màu xanh, trông như những ống của một cây đại phong cầm khổng lồ; đây mới thực sự là đỉnh rặng núi. Quả trứng to kia có một lỗ hổng tròn trông như cửa hay cửa sổ. Một khuôn mặt hiện ra ở đấy nhìn xuống cái cáng đang đi lên.
Nữ-thiếu-hoàng như cảm thấy có người nhìn, bà mở mắt ngó khuôn mặt kia.
– Ngừng lại! Bà nói khẽ.
Những thị vệ vô hình dừng lại.
Nữ-thiếu-hoàng ngồi dậy.
– Ông lão đấy, bà nói tiếp. Nhất thiết ta phải đi một mình đoạn đường cuối cùng này đến với lão. Chờ ta ở đây, dù xảy ra bất cứ chuyện gì.
Khuôn mặt nơi lỗ hổng của quả trứng vụt biến mất.
Nữ-thiếu-hoàng bước xuống cáng, đi qua vùng tuyết mênh mông. Đi mệt lắm, vì bà chân trần mà tuyết lại đông cứng. Cứ mỗi bước đi lại đạp vỡ lớp đá, tuyết cứng như thủy tinh cứa vào đôi chân mảnh dẻ của bà. Gió lạnh buốt xương thốc vào mái tóc trắng và áo bà.
Cuối cùng bà tới chân ngọn núi xanh, đứng trước những nhũ băng trơn láng như thủy tinh.
Từ lỗ hổng tròn tối của quả trứng to kia thòng xuống một cái thang dài – rất dài, dài hơn là quả trứng có đủ chỗ chứa – thang thòng tới chân ngọn núi xanh. Nữ-thiếu-hoàng nắm lấy thang, thấy nó được bện toàn bằng những chữ cái nối vào nhau; mỗi bậc thang là một hàng chữ. Nữ-thiếu-hoàng bắt đầu leo từng bậc thang một, vừa leo vừa đọc:
VỀ ĐI THÔI VỀ ĐI THÔI
KHÔNG BAO GIỜ VÀ KHÔNG Ở ĐU
BÀ ĐƯỢC GẶP LÃO THÔI ĐI MÀ
LÃO PHẢI CỰ TUYỆT
BÀ VÀ CHỈ RIÊNG BÀ THÔI
QUAY VỀ ĐI VÀ HÃY NGHE LÃO KHUYÊN NHỦ
BÀ MÀ GẶP LÃO GIÀ NÀY
THÌ SẼ XẢY RA CHUYỆN KHÔNG THỂ XẢY RA
KHÚC ĐẦU TÌM KHÚC CUỐI
QUAY VỀ ĐI ĐỪNG LEO LÊN NỮA
BẰNG KHÔNG BÀ SẼ CHỈ
HOANG MANG KHÔN XIẾT MÀ THÔI[2]
[2] Cũng theo thể thơ có vần điệu
Bà tạm ngừng leo để lấy sức và ngước nhìn lên. Còn cao lắm. Cho tới giờ bà chưa leo được một nửa.
– Lão trượng núi Di Sơn ơi, bà gọi to, nếu quả thực lão không muốn chúng ta gặp nhau thì lão đã chẳng cần phải viết cái thang này cho ta làm gì. Chính vì lão cấm mà ta đã tới đây gặp lão đấy.
Và bà lại tiếp tục leo.
NHỮNG CHUYỆN BÀ TẠO RA VÀ BÀ LÀ GÌ
LÃO, NGƯỜI CHÉP SỬ BIÊN NIÊN, ĐỀU GHI ĐỦ HẾT
MỌI CHUYỆN SỐNG ĐỀU SẼ BIẾN THÀNH
NHỮNG CHỮ CHẾT BẤT DI BẤT DỊCH
NẾU BÀ CỨ CỐ LÊN GẶP LÃO
NHẤT ĐỊNH SẼ SINH ĐẠI HỌA
CU CHUYỆN BÀ KHƠI MÀO SẼ KẾT THÚC NƠI ĐY
NỮ-THIẾU-HOÀNG SẼ KHÔNG BAO GIỜ GIÀ
CHƯA BAO GIỜ LÃO TRẺ NHƯ BÀ
CHUYỆN BÀ KHUẤY ĐỘNG LÃO PHẢI THU XẾP CHO ÊM
SỰ SỐNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP
TỰ THẤY MÌNH TRONG SỰ CHẾT[3]
[3] Sự sống: chuyện sẽ xảy ra: sự chết: chuyện đã xảy ra.
Bà lại phải tạm ngừng để nghỉ.
Lúc này bà đã lên rất cao rồi và chiếc thang đung đưa trong bão tuyết như một cành cây con. Nữ-thiếu-hoàng níu chặt lấy những bậc thang chữ lạnh như đá rồi leo nốt đoạn cuối cùng.
NẾU BÀ KHÔNG CHỊU NGHE LỜI CẢNH BÁO
ĐƯỢC CÁI THANG THÔNG BÁO TỎ TƯỜNG
VÀ NẾU BÀ VẪN MỘT MỰC SẴN SÀNG
LÀM CHUYỆN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP
TRONG KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
THÌ LÃO ĐY KHÔNG NGĂN CẢN ĐƯỢC XIN MỜI BÀ LÊN
Khi đã leo lên hết những bậc cuối cùng này, Nữ-thiếu-hoàng thở nhẹ một hơi dài và rồi nhìn xuống dưới. Áo khoác trắng rộng thùng thình rách bươm vì vướng phải những dấu móc và những cái chốt trên thang chữ. Việc các chữ cái không thiện cảm với bà đâu có gì mới lạ. Có qua có lại mà.
Bà thấy trước mặt mình là quả trứng với lỗ hổng tròn nơi cuối chiếc thang. Bà chui qua lỗ hổng. Tức thì nó khép lại sau lưng bà. Bà đứng không nhúc nhích trong bóng tối om om, chờ đợi.
Mãi chẳng thấy gì hết.
– Ta tới rồi đây, cuối cùng bà hướng vào bóng tối khe khẽ lên tiếng. Tiếng bà vang vọng như trong một đại sảnh trống trơn – hay đó là một tiếng nào khác, trầm hơn nhiều, đã đáp lại y hệt như thế?
Dần dần bà nhìn thấy được trong bóng tối âm u một ánh sáng đỏ yếu ớt tỏa ra từ một quyển sách đang mở, lơ lửng giữa căn phòng hình quả trứng này. Quyển sách nằm nghiêng nên bà nhìn được bìa của nó. Bìa sách bọc lụa màu đồng và, giống như trên tấm bùa bà đang đeo trên cổ, có hình hai con rắn ngậm đuôi nhau thành một hình bầu dục. Trong hình bầu dục này là tên sách:
CHUYỆN DÀI BẤT TẬN
Bastian quá sức hoang mang. Đúng là quyển sách nó đang đọc! Nó nhìn quyển sách lại lần nữa cho chắc. Đúng thế, không còn hồ nghi gì nữa cả, quyển sách kia đúng là quyển sách nó đang cầm trên tay. Nhưng làm sao mà quyển sách này lại xuất hiện trong một câu chuyện về chính nó được?
Nữ-thiếu-hoàng lại gần, bà nhìn thấy phía bên kia quyển sách đang lơ lửng nọ khuôn mặt một ông già được những trang sách mở ra hắt từ dưới lên một màu xanh xanh. Những tia sáng yếu ớt này tỏa ra từ những chữ màu xanh xanh trong quyển sách.
Khuôn mặt lão trông như vỏ cây cổ thụ, hằn những rãnh sâu, với chòm râu bạc dài và đôi mắt sâu hoắm không nhìn thấy được. Lão mặc áo thầy tu màu xanh với chiếc mũ liền đội trên đầu. Lão đang cầm bút viết trên quyển sách, không ngẩng đầu lên.
Nữ-thiếu-hoàng yên lặng đứng nhìn lão hồi lâu. Đúng ra không phải lão đang viết, mà cây bút trong tay lão từ từ lướt trên những trang giấy trắng, tự động biến thành những chữ cái và những từ, như thể chúng hiện ra từ cõi không.
Nữ-thiếu-hoàng đọc những chữ viết trên trang giấy. Chúng đúng y những gì đang xảy ra: “Nữ-thiếu-hoàng đọc những từ viết trên trang giấy…”
– Mọi chuyện xảy ra, bà nói, lão đều viết ra hết à?
– Mọi chuyện lão viết đều xảy ra hết, lão trả lời. Vẫn giọng trầm trầm không rõ mà bà nghe như tiếng vọng của chính mình.
Lạ một điều là Ông lão núi Di Sơn không hề mở miệng. Lão chỉ viết ra những lời của nữ-thiếu-hoàng và của lão, vậy mà bà nghe thấy như chính lão vừa nói ra:
– Lão và ta, bà hỏi, và cả vương quốc Tưởng Tượng… đều ghi chép hết trong quyển sách này ư?
Lão viết mà bà nghe như có tiếng lão trả lời.
– Không phải như thế. Quyển sách này là cả vương quốc Tưởng Tượng với Bà và lão.
– Thế quyển sách ấy đâu?
– Trong quyển sách này đây, đó là câu lão viết trả lời.
– Nghĩa là hình bóng và phản chiếu của hình bóng? Bà hỏi.
Lão viết và bà nghe như lão nói:
– Một tấm gương soi trong một tấm gương khác sẽ cho thấy gì? Bà có biết không, Bà-chúa-mắt-vàng-ròng-của-ước-mơ?
Nữ-thiếu-hoàng im lặng một lúc và lão liền viết ngay rằng bà đang im lặng.
Rồi bà khẽ nói:
– Ta cần được lão giúp.
– Lão biết, lão trả lời bằng chữ viết.
– Phải, bà nói, ta cần được lão giúp. Lão là ký ức của vương quốc Tưởng Tượng, lão biết hết mọi chuyện cho tới giây phút này. Nhưng lão có thể nào lật tới trước để xem chuyện gì sẽ xảy ra không?
– Toàn giấy trắng cả! Đó là câu trả lời. Lão chỉ có thể nhìn lại chuyện đã xảy ra. Lão đọc được khi ghi chép những chuyện ấy. Lão biết những chuyện ấy, vì lão đã đọc rồi. Và lão đã viết, vì những chuyện ấy đã xảy ra. Chuyện dài bất tận tự viết bằng cách ấy – qua bàn tay của lão.
– Nghĩa là lão không biết vì sao ta đến tìm lão?
– Không, bà nghe tiếng trả lời trầm đục trong khi lão viết, và lão ước chi Bà không đến tìm lão. Mọi sự, qua bàn tay lão, sẽ trở thành dứt khoát và bất di bất dịch – kể cả Bà, Bà-chúa-mắt-vàng-ròng-của-ước-mơ. Quả trứng này là quan tài và mộ phần của Bà đấy. Bà đã đi vào trong ký ức của vương quốc Tưởng Tượng rồi. Bà làm sao có thể rời khỏi đây được?
– Mỗi quả trứng, Nữ-thiếu-hoàng đáp, là khởi đầu của một cuộc đời mới.
– Đúng thế, lão đáp qua viết, nhưng chỉ khi nào vỏ trứng nứt ra.
– Lão mở được vỏ trứng, Nữ-thiếu-hoàng đáp, vì lão đã để cho ta vào.
Lão lắc đầu viết:
– Đó là do sức của Bà đã khiến cho nó mở ra. Bây giờ Bà đã ở bên trong rồi thì Bà không còn cái sức kia nữa. Chúng ta vĩnh viễn bị giam trong này. Lẽ ra Bà đừng nên tới! Chuyện dài bất tận chấm dứt ở đây.
Nữ-thiếu-hoàng mỉm cười chứ không hề tỏ vẻ lo ngại.
– Lão và ta, bà nói, không bắt đầu câu chuyện nổi nữa rồi. Nhưng có một kẻ làm nổi.
– Chỉ có một con người, lão viết, mới bắt đầu lại được.
– Phải, bà nói, một con người.
Lần đầu tiên Ông lão núi Di Sơn từ từ ngước nhìn Nữ-thiếu-hoàng. Đôi mắt lão chẳng khác nào đến từ bên kia vũ trụ xa xăm và tăm tối. Đôi mắt vàng ròng của bà nhìn lại lão chứ không quay đi. Cứ như một cuộc đọ sức âm thầm và bất động. Cuối cùng lão cúi xuống viết vào quyển sách:
– Hãy tôn trọng biên giới được đặt ra cho cả Bà!
– Ta sẽ tôn trọng, bà đáp, nhưng kẻ ta đang nói tới và đang chờ đợi đã vượt qua biên giới từ lâu rồi. Y đang đọc trong quyển sách lão đang viết và thấu hiểu mọi lời chúng ta trao đổi. Có nghĩa là y đang có mặt bên cạnh chúng ta.
– Đúng thế, bà nghe tiếng lão trong lúc lão viết, ngay cả y cũng đã dứt khoát thuộc về Chuyện dài bất tận rồi, vì đó chính là câu chuyện của y.
– Lão hãy kể chuyện đó cho ta nghe! Nữ-thiếu-hoàng ra lệnh. Hỡi ký ức của vương quốc Tưởng Tượng, lão đã ghi chép như thế nào thì hãy kể cho ta nghe từ đầu và không được sót chữ nào!
Bàn tay đang viết của lão bỗng run run.
– Nếu lão kể theo lệnh của Bà thì lão cũng phải ghi chép lại từ đầu. Và những điều lão viết sẽ xảy ra.
– Đành vậy! Nữ-thiếu-hoàng nói.
Bastian cảm thấy băn khoăn!
Nữ-thiếu-hoàng toan tính gì đây? Có chuyện gì đấy liên quan đến nó. Một khi ngay cả bàn tay Ông lão núi Di Sơn cũng đâm ra run rẩy thì…
Ông lão lên tiếng kể – bằng chữ viết:
– Nếu Chuyện dài bất tận
không tiếp tục nữa,
thì thế giới trong quyển sách này
sẽ bị hủy diệt!
Nữ-thiếu-hoàng đáp:
– Nhưng nếu người anh hùng
nhập cuộc với chúng ta,
thì cuộc sống mới sẽ nẩy lộc đơm hoa.
Y phải quyết định ngay bây giờ!
– Quả đúng là Bà đáng sợ thật, ông lão nói – viết, như thế có nghĩa là kết cuộc mà không kết thúc. Chúng ta sẽ vào trong vòng luân hồi không bao giờ dứt. Không thoát ra được.
– Không có lối thoát cho chúng ta, bà đáp. Giọng bà không dịu dàng nữa mà cứng rắn và rõ ràng như kim cương, và cho chính y nữa… trừ phi y cứu hết thảy chúng ta.
– Có thật Bà định đặt tất cả vào tay một con người không?
– Thật.
Rồi bà khẽ hỏi:
– Hay lão khuyên ta làm gì khác?
Im lặng một hồi lâu rồi mới nghe giọng nói trầm trầm của ông lão:
– Không.
Lão cúi gập người trên quyển sách đang viết, cái mũ liền che khuất gương mặt lão.
– Vậy lão hãy làm như ta yêu cầu!
Ông lão núi Di Sơn tuân theo ý muốn của Nữ-thiếu-hoàng, kể Chuyện dài bất tận từ đầu.
Ngay lúc ấy ánh sáng tỏa ra từ những trang sách liền đổi màu. Nó trở nên đo đỏ như những nét chữ viết ra dưới ngòi bút của lão. Cả cái áo thầy tu với mũ bây giờ cũng hung đỏ màu đồng. Giọng trầm của lão cất lên theo chữ lão viết.
Bastian cũng nghe thấy rất rõ.
Tuy nhiên nó không hiểu những chữ đầu tiên lão nói. Nghe như là ũc hcás uệih rednaerok darnok Irak nâhn ủhc[4].
[4] Người dịch không chú thích, để các bạn đọc trẻ tự tìm câu trả lời.
Lạ thật, Bastian nghĩ, sao bỗng dưng lão lại nói tiếng ngoại quốc thế này? Hay đó là một câu thần chú?
Lão tiếp tục nói nên Bastian phải lắng nghe theo.
– Dòng chữ này viết trên cửa kính một cửa hiệu nhỏ, nhưng người ta chỉ có thể đọc được như bình thường khi đứng trong căn phòng sáng nhập nhoạng nhìn ra ngoài đường qua lớp kính.
Hôm ấy vào buổi sáng tháng Mười một u ám và lạnh lẽo, trời mưa như trút. Nước mưa chảy ròng ròng trên những chữ cái loằng ngoằng. Tất cả những gì người ta có thể thấy được qua cửa kính là một bức tường loang lổ ướt bên kia đường.
Cái này mình đâu có biết, Bastian hơi thất vọng nghĩ, hoàn toàn không thấy trong những gì mình đã đọc tới giờ. Chà, té ra từ hồi nào tới giờ mình lầm tuốt. Mình cứ đinh ninh lão sẽ kể câu Chuyện dài bất tận từ đầu chứ.
Thình lình cánh cửa bị giật mạnh đến nỗi một chùm chuông nhỏ bằng đồng thau treo trên cửa bật rung inh ỏi, mãi một lúc mới dứt.
Kẻ gây ra sự om sòm này là một đứa nhỏ mập ú độ mười hay mười một tuổi. Mái tóc này thẫm bết nước lòa xòa trên mặt nó, nước nhỏ giọt từ chiếc áo măng-tô ướt nhẹp, trên vai nó khoác một cái cặp. Mặt nó hơi tái và nó thở hổn hển, nhưng ngược hẳn với vẻ hối hả vừa mới rồi nó đứng như trời trồng nơi cánh cửa đang mở ngỏ…
Trong lúc Bastian đọc đoạn này đồng thời nghe giọng trầm trầm của Ông lão núi di sơn thì tai nó chợt ù lên, mắt thấy đom đóm.
Chuyện đang kể kia chính là chuyện của nó! Thế mà lại viết trong Chuyện dài bất tận. Nó, Bastian, là nhân vật trong quyển sách. Thế mà cho đến lúc này nó cứ nghĩ mình chỉ là người đọc thôi! Ai biết còn có người nào khác nữa lúc này đang đọc chính mình trong ấy mà cũng ngỡ mình chỉ là người đọc thôi – và cứ tiếp tục như thế đến bất tận!
Bastian chợt thấy sợ. Bỗng dưng nó thấy khó thở. Nó cảm thấy như bị giam hãm trong một nhà tù vô hình.
Nó muốn ngừng, không tiếp tục đọc nữa.
Nhưng giọng trầm trầm của Ông lão núi Di Sơn vẫn tiếp tục kể,
Mà Bastian không làm gì được để lão đừng kể tiếp nữa. Nó bịt tai, nhưng không ăn thua, vì cái tiếng kia vang bên trong tai nó. Tuy đã biết từ lâu rằng sự trùng hợp với chuyện của chính nó không phải là một sự ngẫu nhiên kỳ quặc nhưng nó vẫn cứ bám víu vào ý nghĩ rằng có lẽ đó chỉ là ngẫu nhiên thôi,
nhưng cái giọng trầm trầm kia vẫn cứ kiên quyết tiếp tục
và nó nghe rất rõ:
– … Tư cách mày không đáng năm xu, nếu không thì ít ra mày cũng tự biết cách giới thiệu rồi.
– Cháu tên là Bastian, thằng bé nói, Bastian Balthasar Bux.
Tức thì Bastian rút ra được một kinh nghiệm xác đáng: người ta có thể cứ yên trí ước mơ điều gì đó – trong nhiều năm dài cũng được – khi còn chưa đạt được. Nhưng tới khi mơ có khả năng biến thành thực thì người ta lại chỉ ước mơ một điều thôi: chưa hề mơ ước.
Bastian ở trong hoàn cảnh như thế đấy.
Lúc này, khi tình thế cực kỳ nguy ngập, thì nó chỉ muốn chạy trốn. Nhưng trong trường hợp này, vì không thể trốn đi đâu được nữa nên nó làm một việc hoàn toàn chẳng ích lợi gì cho nó cả: bắt chước một con bọ hung nằm quay bụng lên giả chết. Nó nằm im thin thít và thu mình lại cho thật nhỏ – như thể không có nó.
Ông lão núi Di Sơn vừa tiếp tục đọc vừa viết lại việc Bastian đã ăn cắp cuốn sách như thế nào, trốn lên phòng chứa đồ của trường học rồi ngồi đó đọc sách ra làm sao. Rồi một lần nữa chuyện Atréju đi tìm bà cố Morla, gặp Fuchur trong lưới của Ygramul tại Vực Thẳm, nơi gã nghe tiếng rú khiếp đảm của Bastian. Một lần nữa gã được bà già lùn Urgl chữa lành vết thương và được ông lùn Engywuck chỉ dẫn. Atréju qua được ba Cổng thần rồi đi vào trong hình của Bastian, rồi trò chuyện với Uyulala. Tiếp tới chuyện bốn thần gió, Thành phố bị quỷ ám, gặp người-sói Gmork, chuyện Atréju được cứu quay về Tháp Ngà. Xen giữa những chuyện kia có cả những chuyện Bastian đã trải qua: nó thắp nến, nó thấy Nữ-thiếu-hoàng như thế nào và bà tuyệt vọng chờ nó tới. Rồi một lần nữa chuyện bà lên đường tìm Ông lão núi Di Sơn, một lần nữa bà leo cầu thang tết bằng những chữ cái, bước vào trong quả trứng và một lần nữa cuộc trò chuyện của họ, từng lời một, những gì họ đã nói với nhau và kết thúc ở đoạn Ông lão núi Di Sơn bắt đầu viết và kể câu Chuyện dài bất tận.
Và mọi chuyện lại bắt đầu từ đầu, không thay đổi, không thêm bớt và lại kết thúc ở đoạn Nữ-thiếu-hoàng gặp Ông lão núi Di Sơn, Ông lão lại bắt đầu viết và kể câu Chuyện dài bất tận.
…và có lẽ sẽ cứ tiếp tục như thế không bao giờ dứt, vì hoàn toàn không thể nào thay đổi chút gì trong trình tự câu chuyện. Chì một mình nó, Bastian, là có thể can thiệp vào được. Và nó phải can thiệp thôi nếu không muốn bị hãm trong cái vòng luẩn quẩn này. Nó thấy như là câu chuyện đã lặp đi lặp lại cả nghìn lần rồi, không, như thể câu chuyện không có gì còn gọi là trước đó hay sau đó, mà mãi mãi xảy ra cùng lúc. Bây giờ nó hiểu tại sao bàn tay lão run run. Cái vòng luân hồi vĩnh cửu là kết thúc mà không có kết thúc!
Bastian không biết rằng mặt nó đã đầm đìa nước mắt. Đột nhiên nó hét to như không tự kiềm chế được:
– Nguyệt Nhi ơi! Tôi tới đây!
Nhiều chuyện đã xảy ra trong cùng lúc ấy.
Vỏ quả trứng to kia bị một sức mạnh khủng khiếp phá nát vụn, đồng thời tiếng sấm trầm đục vang rền. Rồi một cơn bão từ xa ào tới.
và cơn bão từ những trang sách đang đặt trên đầu gối Bastian thổi bung ra, khiến chúng kêu lật phật. Bastian cảm thấy bão thốc vào tóc vào mặt khiến nó ngộp thở, những ngọn lửa trên cái giá cắm nến bảy nhánh nhảy nhót rồi dạt ngang. Rồi một cơn bão thứ hai mạnh hơn nữa lại thổi vào trong sách làm tắt nến.
Tháp đồng hồ điểm mười hai tiếng.