Đọc truyện Chuyện Của Lịch Xuyên FULL – Chương 14
Tôi dồn tất cả tinh lực vào hai bài kiểm tra cuối.
Trong lúc đó tôi vẫn tới tiệm cà phê làm thêm.
Mỗi buổi tối quay lại phòng ngủ, đợi tôi, vẫn là hai bình nước sôi tràn đầy.
Tôi nghĩ chắc do An An lười nên để Tu Nhạc ca ca làm, không ngờ An An nói, là Phùng Tĩnh Nhi lấy hộ tôi.
Tôi biết Phùng Tĩnh Nhi rất ít khi tự mình lấy nước, chủ yếu vẫn do Lộ Tiếp lấy hộ cô ta.
Thừa dịp Phùng Tĩnh Nhi còn chưa đi tự học buổi khuya, tôi đi cảm ơn cô ta.
Mặt cô ta có vẻ mệt mỏi : “Ai, khách sáo gì chứ.
Mỗi ngày cậu đi làm về mệt mỏi như vậy, thời tiết cũng lạnh, không có nước nóng sao được.”
Tôi nói, vậy cảm ơn Lộ Tiệp hộ tôi.
“Lộ Tiệp tham gia một lớp ngoại ngữ nâng cao, không có thời gian rảnh.
Nước của anh ấy còn do tôi lấy hộ nữa là.” Phùng Tĩnh Nhi cười, nụ cười của cô ta luôn lộ vẻ đắc chí tự mãn, nhưng hôm nay, không biết như thế nào, lại có chút cảm giác thê lương : “Chúng tôi vẫn muốn mời Lịch Xuyên ăn cơm, cảm ơn anh ta giúp đỡ.
Thư anh ta sửa hộ Lộ Tiệp rất tốt, có vài trường gửi thư đến.
Chúng tôi chọn Đại học Chicago, họ đồng ý miễn học phí.
Cậu biết mà, loại trường như Đại học Chicago, rất ít khi miễn học phí cho sinh viên.
Lộ Tiệp có người thân ở nước ngoài, có thể bảo đảm cho anh ấy.
Bây giờ, mọi chuyện đều ổn thỏa rồi, chỉ chờ thông báo trúng tuyển thôi.”
“Đây không phải chuyện đúng như mong muốn, mọi người đều vui mừng sao?” tôi vui vẻ thay Phùng Tĩnh Nhi.
“Đúng vậy.” giọng điệu của cô ta thản nhiên.
“Cậu thì sao, tính làm sao bây giờ?”
“Cũng tính thi TOEFL.
Chỉ có điều tôi không có người thân ở nước ngoài, lại học ngành tiếng Anh, không có khả năng cạnh tranh như Lộ Tiệp, có lẽ không dễ lắm.”
“Để Lộ Tiệp xuất ngoại rồi nghĩ cách cho cậu.” tôi nói.
Tôi căn bản không biết xuất ngoại là như thế nào, loại chuyện này đối với tôi mà nói, xa xôi như trong mơ.
Cho nên tôi chỉ đề nghị lung tung.
“Để nói sau.”
Đây là cảm giác nói chuyện với một người chả có tình cảm gì, ấp a ấp úng, giấu đầu giấu đuôi, nghĩ một đằng nói một nẻo.
Tôi và Phùng Tĩnh Nhi không có cảm tình gì với nhau, lại được cô ta lấy nước hộ tôi, tôi vô cùng sợ hãi.
Hơn nữa, là Lịch Xuyên giúp họ, không liên quan gì tới tôi, để tôi nhận ơn của cô ta, thật sự là không dám nhận.
Cho nên nói chuyện với Phùng Tĩnh Nhi xong, tôi lập tức tới quầy tạp hóa mua hai cái bình thủy, sau này buổi trưa một lần lấy 4 bình, như vậy, liền không cần nợ ai.
Chuyện Lịch Xuyên mua áo khoác cho tôi, trải qua sự giải thích sinh động như thật của Tiêu Nhị, truyền khắp tầng phòng ngủ của tôi.
Tôi thành nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích.
Đương nhiên những kịch bản được lưu hành phổ biến nhất là, A : tôi chẳng qua chỉ là một em gái được công tử nhà giàu nào đó bao, tự mình tôi cho là thật tình.
B : sau giờ học tôi làm gái ở một khu ăn chơi nào đó, để kiếm tiền thu nhập thêm, câu được một người giàu có.
Tiếng xấu của khoa tiếng Anh và khoa Âm nhạc ở trong trường tôi vô cùng rõ ràng, bởi vì có một lần cảnh sát đột nhiên hành động, bắt được 7 người làm gái nhảy ở một sàn nhảy, toàn bộ bị trường học đuổi học.
Trong đó có một sinh viên nữ khoa tiếng Anh chịu không nổi sự nhục nhã đó, thắt cổ tự tử, chết trong một phòng nào đó trong ký túc xá này.
Đây là thói đời gì vậy, văn nhân thiện tắc nghi chi, văn nhân ác tắc tín chi, lời đồn đãi như hổ, người người đầy sát khí.
(Văn nhân thiện tắc nghi chi, văn nhân ác tắc tín chi : ý chỉ nhìn vấn đề một cách phiến diện, chuyện tốt thì chẳng ai tín, tiếng xấu thì tin sái cổ)
Đúng là tôi chỉ có 17 tuổi, nhưng tôi cũng không cho rằng tôi phải đợi tới khi mình 37 tuổi, mới có thể chân chính hiểu biết một người đàn ông, hiểu biết Lịch Xuyên.
Ngoại trừ hai ngày thi kia, mỗi ngày Lịch Xuyên gọi điện thoại cho tôi một lần, có thể thấy được anh bận bịu nhiều việc, phải đi xem công trường, phải đi ăn với người khác, phải tự chuẩn bị tài liệu, phải sửa chữa bản vẽ, lịch trình xếp dày đặc.
Gọi điện thoại đường dài, hiệu quả không tốt, nói đứt quãng, hai câu chúng tôi nói nhiều nhất là : “Anh/em vừa nói cái gì? Nói lại lần nữa, em/anh không có nghe.” ngoài ra tôi còn sợ tiền điện thoại rất mắc, không chịu nói nhiều.
Thăm hỏi lẫn nhau ân cần vài câu liền gác máy.
Thi xong, tôi ở trong phòng ngủ ngủ bù vài ngày, sau đó tới ga xếp hàng mua vé tàu lửa về Vân Nam.
Sắp tới Tết, ngay quầy vé xếp từng hàng người dài.
Ga Bắc Kinh bình thường bắt đầu bán vé lúc 8 giờ, bán tới 5 giờ chiều.
Bình thường đều là ô bán vé vừa mở ra, chưa tới 10 phút, vé hôm đó liền bán hết.
Ngày đầu tiên, tôi không biết điều đó, buổi sáng đi, không mua được.
Sau khi nghe ngóng, biết được mua được vé đều là xếp hàng từ tối hôm qua.
Trong ga đám đông chen lấn, gợi lên nỗi nhớ nhà trong tôi.
Tôi lập tức về phòng ngủ lấy nước uống và đồ khô đầy đủ, lấy quyển “Ánh trăng và đồng 6 xu” mà Tu Nhạc tặng tôi, gia nhập đội ngũ những người xếp hàng.
Tôi xếp hàng suốt đêm, gắng gượng tới hừng đông, ô bán vé mở ra, những người xếp trước tôi, mỗi người đều mua vài vé, mắt thấy còn không tới 10 người sẽ tới phiên tôi, ô cửa “xoạch” một tiếng đóng lại.
Một tấm bảng được treo lên “Vé hôm nay đã bán hết.” tôi học hỏi kinh nghiệm của một ông bác trung niên.
Bác ấy nói : “Xếp hàng một ngày sao mà đủ? Bác xếp ba ngày rồi.
Hôm nay còn xém chút nữa sẽ mua được.”
Tôi thuộc loại người như thế này, lấy khổ làm vui, càng đánh càng hăng.
Tới quầy tạp hóa mua một ly cà phê Nestlé, uống một hơi hết sạch, lấy khăn mặt và bàn chải đánh răng ra, đến toilet rửa mặt, sau đó tinh thần phấn khởi tới ô bán vé, bắt đầu một vòng xếp hàng mới.
Chỉ trong vòng 10 phút tôi đi toilet kia, trước mặt tôi lại có thêm hai mươi mấy người đồng hương.
Tôi choáng váng.
Ngay trong thời gian tôi xếp hàng này, tôi đã đọc xong quyển “Ánh trăng và đồng 6 xu” kia.
Trong vài tờ cuối, có kẹp một thẻ kẹp sách, trên đó ghi một đoạn lời bài hát :
Bao năm qua cô đơn một người
Gió cũng thổi, mưa cũng rơi
Từng có nước mắt, từng có sai lầm
Vẫn nhớ rõ kiên trì điều gì
Có yêu rồi mới biết
Sẽ cô đơn sẽ quay đầu
Cuối cùng cũng sẽ có ước mơ, cuối cùng cũng sẽ có người nào đó ở trong tim
Bầu bạn trên suốt đường đời
Hôm nay lại không hề có
Một câu nói một cuộc đời
Tình nghĩa cả đời một chén rượu
Có bạn bè chưa từng biết cô đơn
Một tiếng bạn bè anh sẽ biết
Còn có thương còn có đau
Còn muốn đi thì còn có tôi
Tu Nhạc viết thư pháp rất đẹp, hạng nhất trong kì tranh tài thư pháp.
Anh ta nói, lúc anh ta đi làm thêm tính đi tới tiệm cà phê làm, lại không ai nhận, đành phải đi dạy thư pháp ở đại học dành cho người già.
Ai, anh ta thở dài, nói người già học tập rất nhiệt tình, anh ta hy vọng chính mình cũng sẽ có ngày như vậy, cũng là đi học đại học, nhưng không vì tiền, không vì kế sinh nhai, không vì cái gì hết.
Ngoại trừ Vương Phi, tôi chỉ thích Chu Hoa Kiện, thật ra tôi rất thích bài này, nhưng Tu Nhạc lại nghiêm trang dùng những chữ nhỏ như vậy chép cho tôi, làm cho tôi thấy có chút dốc lòng dốc sức.
Mặc dù tôi còn nhỏ tuổi, nhưng lại không có hứng thú với kiểu yêu đương che che giấu giấu của học sinh.
Nhớ rõ có một lần xem phim nhật “Thư tình” với các ca ca phòng 301, mấy tiếng đồng hồ thật dài, ai xem đều rơi nước mắt lã chã, không thì thổn thức, chỉ có tôi là thờ ơ.
Chỉ có đàn ông nhát gan mới làm loại chuyện phải tính toán đủ kiểu này.
Tình yêu là thì tiếp diễn, không phải thì quá khứ.
Là câu cầu khiến, không phải câu cảm thán.
Đèn neon mãnh liệt trong nhà ga chiếu suốt 24 giờ, làm cho tôi giống như đi vào vũ trụ, không phân biệt được ngày đêm.
Buổi chiều ăn một cái bánh bao, nhờ ông bác ngồi sau trông chỗ hộ tôi, tôi ngồi ở hàng ghế bên cạnh chợp mắt một lát.
Đến buổi tối, tinh thần tôi không được tỉnh táo lắm, đành phải liều mạng uống cà phê.
Ông bác kia hỏi tôi : “Cháu nhỏ, nhà cháu ở đâu? Ở Côn Minh à?”
“Cái Cữ.”
“Vậy không phải xuống xe lửa rồi còn phải đi ôtô sao?”
“Dạ.”
“Thêm một chuyến nữa, ít nhất cũng phải tốn 800 tệ đi?”
“Đúng vậy.”
“Sao lại đi học xa vậy?” ông bác nhìn bộ dạng sinh viên của tôi.
“Không còn cách nào khác, thành tích rất tốt.” tôi nói.
Ông bác đó đang tính nói chuyện tiếp, điện thoại của tôi reo.
Vừa nhìn thời gian, đã là 9 giờ rưỡi tối, lại một ngày nữa trôi qua.
“Hi, Tiểu Thu” Lịch Xuyên nói “Em ngủ chưa?”
“Không có, em đang học khuya.” Tôi không muốn nói chuyện đi mua vé cho anh, đỡ khiến anh lo lắng.
Nhưng radio của ga cố tình lại vang lên lúc này : “Đoàn tàu số 1394 từ Thành Đô tới Bắc Kinh đã tới ga, dừng ở đường ray số 5, dừng ở đường ray số 5.”
“Ồn ào như vậy, đó là chỗ em học khuya sao?” ở đầu bên kia, quả nhiên anh nghi ngờ.
Tôi vội vàng đổi đề tài : “Ai, anh có khỏe không? Hôm nay có bận lắm không?”
“Cũng tàm tạm.
Hôm nay giao bản vẽ cuối cùng, kết quả máy tính của Tiểu Trương nhiễm virus, tốn một buổi trưa để cậu ấy khôi phục dữ liệu.
Bây giờ có thể thở phào một hơi.”
Radio lại vang lên, là thông báo tìm người “Bố mẹ của Đào Tiểu Hoa, nghe được thông báo này xin mời tới chỗ bảo vệ ở ga chờ.
Con của anh chị đang tìm anh chị.”
Tôi vội vàng hỏi : “Ai là Tiểu Trương?”
“Cố vấn thiết kế của anh.”
“Ai, Lịch Xuyên, chỗ anh ở có sữa không?”
“Không có.
Nhưng có một siêu thị ở cách đó không xa.
Anh mua vài bình bỏ trong tủ lạnh rồi.”
“Đừng mua nhiều quá trong một lần, chú ý nhìn hạn sử dụng.
Sữa quá hạn không uống được.”
“Nhớ rồi.”
Lúc này radio của ga lại vang lên, anh rốt cuộc nói “Tiểu Thu, rốt cuộc thì em đang ở đâu vậy?”
“Nhà ga.
Xếp hàng mua vé.”
“Trễ như vậy còn bán vé à?”
“Không bán nữa, nhưng em phải xếp hàng, nếu không sáng mai tới mua không được.”
“Cái gì?” anh nói “Phải xếp hàng nguyên một buổi tối?”
“Sợ gì? Em hay xem phim suốt đêm.
Hơn nữa, trên tay em còn có một quyển tiểu thuyết rất hay, thời gian trôi qua rất nhanh.”
“Tiểu Thu.” Anh nói “Bây giờ em về trường ngay lập tức.
Anh sẽ kêu thư ký gọi điện thoại, đặt vé máy bay cho em ngay.”
“Đừng!” tôi kêu to “Em đã xếp hàng hai buổi tối rồi, sắp tới lượt em rồi, ai làm em thất bại trong gang tấc là không xong với em đâu!”
“Nếu em kiên trì muốn đi tàu lửa, anh sẽ kêu thư ký đặt vé tàu cho em.”
“Đặt ở đâu bây giờ, ngay cả vé cũng không có.”
“Đặt không được? Anh không tin.” Anh nói “Em để anh thử xem, được không? Đi Côn Minh, đúng không?”
“OK,” tôi thấy phiền “Bạn Lịch Xuyên, ngừng ngay lập tức.
Em không muốn anh tốn tiền vì em.
Mua vé là chuyện của em.
Còn nữa,” tôi nhớ tới chiếc áo khoác 8000 tệ kia, lại nói thêm một câu “Sau này không cho anh mua bất cứ thứ gì vượt quá 50 tệ cho em!”
“Tàu lửa đi Côn Minh tốn hơn 39 tiếng, máy bay chỉ cần hơn 3 tiếng rưỡi.” anh căn bản không để ý tới tôi, vừa gọi điện thoại vừa lên mạng.
“NO.”
“Em có biết ở Bắc Kinh có bao nhiêu kẻ buôn người sao? Nữ nghiên cứu sinh còn bị bọn họ bắt đi bán về miền núi kìa.”
“No means no.”
Tôi gác máy, tôi tắt điện thoại.
Thái độ coi tiền không ra gì kia của Lịch Xuyên làm tôi tức giận.
Lịch Xuyên, anh có tiền, làm gì cũng được, đúng không? Em không muốn tiền của anh.
Tôi mở máy nghe nhạc ra, bỏ CD của Vương Phi vào.
Tôi không biết vì sao mình lại thích Vương Phi, giọng hát của cô ấy thanh thản như vậy, ung dung như vậy, thoải mái như vậy, từng chút từng chút một, đều là tâm sự và khát khao tình cảm của người phụ nữ.
Chỉ miêu tả bằng một câu thôi, giọng hát của cô tràn ngập hơi thở đô thị.
Tôi nhàm chán chờ đợi trong tiếng hát của Vương Phi.
Không có gì để làm, tôi đành phải đọc “Ánh trăng và đồng 6 xu” lại một lần nữa, vẫn đọc tới hừng đông.
Sau đó tôi phát hiện tôi đối với Maugham, tác giả quyển sách này, càng ngày càng thấy ghét.
Ông bác Côn Minh kia nói với tôi, “Cháu gái, cháu đọc truyện gì hay vậy, kể cho bác nghe một chút.
Bác thật sự buồn ngủ chịu không nổi.”
“Bác ơi, bác nghe thử đoạn này đi, xem tác giả nói có đúng hay không?”
Tôi dịch cho ông bác nghe : “Nếu một cô gái yêu bạn, trừ phi ngay cả linh hồn của bạn cô ta cũng được nắm giữ, nếu không cô ta sẽ không thấy thỏa mãn.
Bởi vì đàn bà rất yếu đuối, cho nên bọn họ có ý muốn thống trị vô cùng mạnh mẽ, không khống chế bạn hoàn toàn thì sẽ không cam lòng.
Bụng dạ đàn bà rất hẹp hòi, vô cùng phản cảm đối với những gì trừu tượng mà họ không giải thích được.
Trong đầu bọn họ chỉ nghĩ tới những thứ vật chất, cho nên vô cùng đố kỵ với tinh thần và lý tưởng.
Linh hồn của đàn ông ngao du ở những nơi xa xôi nhất của vũ trụ, đàn bà lại muốn giam cầm nó ở nhà để tính toán tiền bạc…đối với người rơi vào lưới tình mà nói, chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là : đàn bà có thể yêu đương cả ngày cả đêm, mà đàn ông chỉ nghĩ tới nó khi làm tình.”
“Má ơi, nói rất đúng, vợ bác chính là như vậy đó.
Đây là sách gì vậy, đều nói tới những quan điểm mấu chốt trong lòng bác.” Ông bác vội vàng nói.
Tôi tức giận nhìn bác ta, buồn bực.
Nhà ga rất tốt, cung cấp nước nóng 24 giờ.
Trời sáng tôi phải đi toilet đánh răng rửa mặt, lại pha một ly cà phê cho mình.
Soi gương trong toilet, tôi thấy tóc mình rối bời, vẻ mặt xám xịt, làn da mờ mờ không sáng, lại còn hơi xanh xanh, giống nữ quỷ trong truyện Liêu trai.
Ông bác kia cũng nâng cao tinh thần, đọc tờ Nhân dân nhật báo hôm nay.
“Cháu gái, nói gì đó để bác nâng cao tinh thần đi.
Đúng rồi, không phải cháu học khoa tiếng Anh sao, đọc một câu thơ tiếng Anh cho bác đi.”
Tôi hết hồn, nhìn một túi hành lý to đùng bác ấy mang theo : “Bác đang làm công tác văn hóa đó nha!”
“Nhìn không ra đúng không.
Bác là kế toán đó.”
“Vậy cháu đọc cho bác hai câu thơ đi.” tôi đọc tiếng Anh trước, sau đó đọc một câu dịch thơ của một vị nhà văn cho ông bác nghe.
“Ngày hội tình nhân ngay tại ngày mai, tôi phải dậy sớm,
Rửa mặt chải đầu chỉnh tề, tới trước cửa sổ phòng em, đến làm người yêu của em.
Tôi xuống giường mặc quần áo, mở cửa phòng.
Khi nàng đi vào là một cô gái, đi ra lại là người có chồng.”
Ông bác cười ha ha, nói cháu gái rất hay, rất vui tính.
Tôi dũng cảm hơn, lại đọc cho ông bác một đoạn :
“Trương Tam Lý Tứ đi đầy đường.
Ngươi là tình lang của ai?
Đầu đội mũ chiên tay cầm trượng,
Chân mang một đôi giầy rơm.”
Ông bác cười to hơn, nói “Cháu gái cháu thật hay, còn ngâm thơ được nữa chứ.
Cháu ngâm người kia đúng không!”
Ông bác chỉa chỉa sau lưng tôi.
Tôi vừa quay đầu lại, thấy một người thanh niên anh tuấn, đứng cách tôi không xa.
Đội mũ, cầm gậy chống, chỉ có điều không mang giầy rơm.
Ông bác nói “Ai, cháu gái, tăng thêm tri thức cho bác đi, bài thơ kia ai viết? Sao lại có tình thú như vậy? Chỉ nghe cháu đọc một lần là bác nhớ liền.
Lần sau lấy nó ra đọc cho người ta nghe chơi.”
Tôi không mở miệng, thấy một giọng nói quen thuộc trả lời hộ tôi.
“Shakespeare.”
Lịch Xuyên.
Nhìn bộ dạng của Lịch Xuyên, tôi cảm thấy hơi chột dạ.
Anh mặc đồ bình thường, đội mũ rơm, một bộ dạng giống như mới trở về sau kì nghỉ ở Hawaii.
Không biết có phải do ảo giác của tôi hay không, thật ra Lịch Xuyên tàn tật rất nghiêm trọng, lại nhìn luôn luôn ngăn nắp, luôn thong dong như vậy.
“Sao anh về nhanh vậy?” tôi biết rõ còn cố hỏi.
Hiển nhiên bay chuyến bay sớm sáng nay.
“Gọi điện thoại cho em, em tắt máy.” Anh lạnh lùng nói “Biết anh lo lắng cỡ nào không?”
“Không thể nào, anh hai.”
“Hai ngày nay em ngủ ở đây?” anh nhìn lướt qua bốn phía, đám người lộn xộn, đông đảo.
Một bà cô nhà quê đang nhìn gương xỉa răng, một cô vợ trẻ khác đang vạch ngực ra cho con bú, không hề băn khoăn.
“Chợp mắt vài lần mà thôi.” Tôi nói “Xếp hàng thoải mái hơn thi cử nhiều.”
“Em chờ, anh đi mua điểm tâm cho em.” Anh bỏ túi xuống, xoay người tính đi.
“Ai ai, nếu không anh xếp hàng hộ em, em đi mua.
Địa hình ở đây rất phức tạp.” tôi ngăn anh lại.
Nhà ga lộn xộn, không có phương tiện gì dành cho người tàn tật, ai cũng kéo hành lý đi lại, lỡ may đụng phải làm anh bị thương, liền phiền toái.
“Nếu không chúng ta cùng đi ăn đi.” anh đi đến một chị đang xếp hàng phía trước, dùng giọng nói êm tai xin chị ấy trông hộ chúng tôi một chút.
Chị gái kia không nháy mắt nhìn anh chằm chằm, liều mạng gật đầu, cơ hồ sắp si mê luôn rồi.
Tôi nói thầm trong lòng, Lịch Xuyên ca ca, cầu xin anh đừng phóng điện nữa, được không.
Anh kéo tôi đi, đi thang máy lên tầng 2, tìm một tiệm cà phê, gọi một món điểm tâm ngọt cho tôi.
Tôi nói với người phục vụ “Làm phiền, cho ly cà phê đắng nhất.”
Anh nhìn tôi, thật lâu sau, thở dài một hơi : “Tiểu Thu, anh phục em rồi.”
“Sắp tới lượt em rồi, thật đó! Nhất định hôm nay em sẽ mua được vé.
Em rất có cảm giác thành tựu!”
“Nếu hôm nay em vẫn không mua vé được, phải nghe anh, đi máy bay về.” anh nói dỗi.
“No!” tôi vẫn mạnh miệng, cả người lại mềm như sợi mỳ, dựa vào người anh, anh ôm tôi, nhỏ giọng nói : “Ở chỗ công cộng, chúng mình có cần chú ý chút không?”
“Tại sao anh lúc nào cũng thơm ngào ngạt vậy?” anh gác cằm lên trán tôi, tôi ngửi gáy anh, bộ dạng vô cùng háo sắc.
“Chắc là mùi nước cạo râu.”
“Mùi gì vậy?” tôi mơ mơ màng màng hỏi.
“Lavender (hoa oải hương).
Tiếng Trung nói như thế nào?”
“Có một cái tên rất cổ điển, Đỗ Nhược.
Có phải rất đẹp không?”
“Ừ, lại thêm học vài chữ mới.
Nói chuyện với em sao tăng thêm nhiều học vấn thế nhỉ.” anh sờ sờ mũi tôi.
“Anh cũng đọc Shakespeare à?”
“Ngay cả loại sách như “Hồi ức cuốn theo dòng nước” anh cũng đọc rồi, có thể thấy được bác rèn luyện văn học rất sâu đúng không.” anh tự hào nói.
“Vậy em đọc một đoạn này cho anh nghe, xem xem anh có biết xuất xứ của nó không.” Tôi huýt sáo một tiếng, giả vờ giọng Bắc Kinh “Anh nghe nha, “Tôi thấy anh sốt ruột, sơ ý còn làm anh quýnh lên.
Không giữ được khuôn mặt tươi cười mi thanh mục tú của anh nữa, chỉ lo ôm ấp tôi, giọng nói nhẹ nhàng ngọt ngào, chỉ lo nói; chỉ để ý tới tình cảm dịu dàng, chỉ lo dán người lên.
Lửa trong tim mạnh hơn một phần, tình dục cũng tăng thêm một mớ.””
Hơi thở ấm áp dào dạt thổi lên gáy anh, anh hơi đỏ mặt : “Đây là câu trong tiểu thuyết gợi tình đi.”
“Tiểu thuyết tài tử giai nhân, có phải không thể so được với Shakespeare không?”
“Nói không sai, nếu không, chiều nay tụi mình liền theo câu đó mây mưa một phen đi.” anh rốt cuộc không để ý ảnh hưởng, nhẹ nhàng hôn tôi một chút.
“Đừng có mơ.”
Ăn điểm tâm xong chúng tôi cùng nhau về lại chỗ xếp hàng.
Lần này rốt cuộc đến phiên tôi : “Tiểu thư, xin cho tôi một vé tới Côn Minh K471.”
“K471 bán hết rồi, chỉ có T61, điều hòa tốc hành.”
“Được rồi, tôi muốn ghế cứng.”
“Không có ghế cứng.” bên trong cửa sổ là khuôn mặt lạnh lùng không có biểu tình gì “Có giường cứng, tầng trên, 558 tệ.
Có giường mềm 890 tệ.”
Còn mắc hơn ghế cứng tận 200, tôi do dự.
“Có mua không, thưa chị?” người bán vé không kiên nhẫn “Không mua thì gọi người tiếp theo.”
“Mua, mua.” Tôi móc ví ra, sờ một cái, mồ hôi lạnh tuôn ra.
“Ví tiền của tôi!” tôi cơ hồ sắp khóc “Ví tiền của tôi mất rồi!”
Nghĩ lại, buổi sáng lúc đi rửa mặt, bị một người đàn ông nhỏ con đụng phải, người kia cũng không xin lỗi, vội vàng bỏ đi.
Lịch Xuyên đứng cạnh, nhìn tôi, trong nụ cười có chút ý tứ trả thù : “Tạ tiểu thư, có phải em mất ví tiền rồi không?”
“Người ta trộm rồi!” tôi trợn mắt nhìn anh.
“Như vậy, tấm vé này có cần anh bỏ tiền ra mua không?”
“Anh cho em mượn tiền, em trả lại cho anh.”
Lịch Xuyên đi tới ô bán vé, nói với cô bán vé : “Thật xin lỗi, tiểu thư, làm tốn thời gian của cô, thật ngượng ngùng.
Là như vậy, cô ấy bị mất ví, không thể mua vé được.”
Cô bán vé kia không ngờ lại nở nụ cười : “Đừng lo, như vậy đi, xếp hàng không dễ dàng.
Để cô ấy về nhà lấy tiền rồi lại tới, tôi giữ vé lại cho cô ấy? Anh thấy thế nào?”
“Cô thật tốt, cảm ơn, không cần, chúng tôi sẽ nghĩ cách khác.” Anh túm tôi ra từ đám người.
Lấy di động ra, bấm số :
“Tiểu Đinh?
–là tôi, Vương Lịch Xuyên.
–tôi cần một vé máy bay đi Côn Minh.
Ngày mai xuất phát.
–đúng.
–không phải tôi, tên là Tạ Tiểu Thu.
Tạ trong cảm ơn, Tiểu trong lớn nhỏ, Thu trong mùa thu.
–tôi ngồi khoang nào thì cô ấy ngồi khoang đó.
–thời gian trở về, tự quyết định trong vòng 3 tháng đi.
–số chứng minh thư?
Tôi nói số chứng minh thư cho anh, anh nói lại vào điện thoại.
–làm phiền cậu buổi chiều đưa vé máy bay tới nhà tôi, được không?
–không cần đi lên, giao cho bảo vệ là được.
–đúng vậy, tôi tạm thời trở về, chiều mai trở lại Hạ Môn.
–tạm biệt.
Anh gác máy, nhìn tôi.
Tôi còn đang tìm ví tiền, sờ đông sờ tây, vẫn sờ tới khi tôi tin rằng mình mất ví rồi mới thôi.
“Em mất bao nhiêu tiền?” anh hỏi.
“Không nói cho anh.”
“Tiền bạc là vật ngoài thân, không mất người là được rồi.” anh dùng lực ôm vai tôi, xem như an ủi.
Chúng tôi ngồi taxi quay về trường, tôi lại rút tiền từ thẻ ATM một lần nữa, sau đó, dùng tốc độ nhanh nhất thu dọn hành lý, cùng anh trở lại Hoa viên Long Trạch.
Tôi ngủ quên trong xe taxi.
Đến tòa nhà kia, tôi miễn cưỡng tỉnh lại, bị Lịch Xuyên kéo vào thang máy, sau đó, tôi vội vàng nhào lên giường anh.
“Lịch Xuyên, em mệt quá.
Nếu anh muốn mây mưa liền tự mình nhào lên đi.” tôi nhướn mí mắt lên nói.
Anh cởi giầy hộ tôi, cởi từng chiếc quần áo, sau đó nhét tôi vào trong chăn.
“Ngủ đi, mai anh đưa em ra sân bay.”
Giọng nói của anh dịu dàng vô hạn.