Bạn đang đọc Chuyện cổ tích dành cho người lớn – Chương 11: Cánh đàn ông chúng mình
Cánh Ðàn Ông Chúng Mình
Vợ tôi ấy mà, cô ấy là chúa hay ghen!
Một lần, tôi đi làm vừa về tới nhà, cô hỏi ngay:
– Hồi sáng anh chở ai đi phố vậy?
– Hồi nào? – Tôi giật mình hỏi lại.
– Hồi sáng chớ hồi nào! Tôi gõ tay lên trán:
– À, à, để anh nhớ coi. Hồi sáng hình như anh có chở thằng bạn đi mua sách.
– Không có hình như gì cả. Hồi sáng anh chở một cô gái. Ai vậy? Tôi gật gù như một nhà hiền triết:
– Cô gái hả? Ừ, ừ, có. Cô bạn cùng cơ quan với anh ấy mà. Anh chở cô ta lên ủy ban để chứng giấy tờ cho cơ quan. Ối giào, em để ý làm gì ba cái chuyện lặt vặt đó…
Tôi thở dài một cái, phẩy tay và đi vào phòng thay đồ ra cái điều chuyện không có gì đáng nói.
Ít bữa sau, vợ tôi lại nói:
– Cô gái hôm trước không phải ở cơ quan anh.
Tôi giật bắn người. Chà, thế là đã có một màn điều tra trò rồi! Lập tức tôi nhíu mày:
– Anh có nói cô ta làm chung với anh hồi nào đâu?
– Thôi, anh đừng có chối!
Tôi ngơ ngác:
– Thật mà! Chắc là em nghe nhầm hay sao ấy! Cơ quan cô ấy đóng ở gần chỗ anh. Sẵn anh đi công tác, cổ quá giang lên ủy ban. Trời, ba cái chuyện linh tinh…
Tôi lại thở dài, phẩy tay chán ngán.
Một tuần sau, tôi lại bị vợ khảo:p>
– Hôm nay anh lại đi với cô nào đấy?
Tôi nhún vai:
– Thì cô bữa trước chứ cô nào. Hôm nay cô ta lại quá giang lên quỹ tiết kiệm. Sao em cứ thắc mắc làm gì mấy cái chuyện đó ệt óc!
Vợ tôi hình như rất thích mệt óc, cô ta mím môi lại:
– Anh đừng qua mặt tôi. Cô này không phải là cô hôm trước. Cô này để tóc ngắn.
Tôi gật đầu một cách mau mắn:
– Ðúng rồi! Hôm trước cô ấy để tóc dài nhưng gần đây lại cắt tóc ngắn.
– Nhưng không phải chỉ mái tóc. Mặt cô này gầy hơn cô kia.
Một lần nữa, tôi xác nhận:
– Ðúng, cô ấy mới ốm dậy mà!
– Nhưng cô này cao hơn! – Vợ tôi khăng khăng.
– Vì hôm nay cô ta đi guốc cao gót.
– Anh đừng nói láo! – Vợ tôi hét lên – Em thấy cô ta mang dép rõ ràng, đôi dép thấp tè tè.
Tôi khoát tay:
– Có thể là anh nhầm. Ðể ngày mai anh hỏi lại xem cô ấy mang guốc hay là mang dép, anh sẽ trả lời em sau.
– Không có sau trước gì cả. Anh trả lời ngay bây giờ đi! Cô ấy là cô nào?
Nếu các bạn ở vào địa vị tôi thì các bạn sẽ không thể nào giữ bình tĩnh nổi. Tôi cũng vậy, tôi nổi sùng gắt:
– Nè, cô đừng có ăn nói với tôi bằng cái giọng đó. Ai cho phép cô tra khảo, hoạnh họe tôi? Cô có biết tôn trọng tự do của người khác không?
Mặt vợ tôi méo xệch, giọng lạc hẳn đi:
– Nhưng tôi là vợ anh. Tôi có quyền…
Tôi cắt ngang cái quyền gì đó của cô ta:
– Không có quyền hành gì ở đây hết! Chẳng lẽ sau khi có vợ, tôi không được phép có bạn gái hay sao? Tôi nhấn mạnh: bạn chỉ là bạn thôi! Em đừng lo. Anh biết anh phải làm gì để xứng đáng với em.
Nghe cái giọng đàng hoàng, đứng đắn của tôi, vợ tôi chừng như bớt lo thật. Cô ta nhỏ nhẹ:
– Thì em chỉ hỏi cho biết vậy thôi. Em đâu có cấm anh bạn bè, nhưng anh đừng có nói dối em. Như hôm trước anh bảo cái cô đó là cùng cơ quan…
– Thì anh đã bảo là em nghe nhầm kia mà! Anh đâu có dối em khi nào. Em nên bỏ cái tật ghen tuông đó đi. Ghen tuông chính là người bạn đường phản trắc của tình yêu. Em có nghe câu nói đó không? Em yêu anh thì em hãy tin anh.
Vợ tôi xem chừng ân hận. Cô ta xúc động vùi đầu vào bộ ngực lép xẹp của tôi. Từ lồng ngực, tôi nghe có tiếng nói: “Em tin anh”.
Thế đấy các bạn! Hừ, tôi đã bảo mà, cái bọn đàn bà là chúa ghen. Thật chả ra làm sao! Cánh đàn ông chúng ta thì thèm vào ghen với tuông! Ghen tuông là những tình cảm hoàn toàn xa lạ với chúng ta.p>
Bỗng tôi chợt nhớ ra một điều và lạnh toát cả người. Tôi cố gắng nắm hai vai vợ thật là nhẹ nhàng và đẩy ra. Tôi nhìn sâu vào mắt cô ta và hỏi dịu dàng, thật dịu dàng:
– Chiều hôm qua em về thăm ngoại phải không?
– Vâng, em đã nói trước với anh rồi mà!
– Ừ, thì nói trước, anh có nói gì đâu! Nhưng em đi bằng xe buýt chứ?
Vợ tôi tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời:
– Thì xe buýt!
– Xe buýt chắc chật chội lắm hả em?
Vợ tôi rõ ràng không hiểu tôi định dẫn dắt câu chuyện đi đến đâu, cô ta vẫn thật thà đáp:
– Vâng, xe đông người lắm.
– Thế khi về, xe có đông không?
Vợ tôi cúi đầu:
– Không, khi về em không đi xe buýt.
Hà hà, khi phạm tội, người ta thường cúi đầu, không dám ngẩn mặt lên. Tôi tiếp tục hỏi môi nhếch một nụ cười hiểm độc:
– Thế chắc em đi xe lam?
– Không, em đi xe đạp.
– Em mượn xe của ngoại à?
Vợ tôi lắc đầu:
– Ðâu có! Anh Luyến chở em về.
Tốt lắm, khá thành thật! Nhưng dù sao cũng lòi đuôi rồi. Tôi xốc lại cổ áo, đổi giọng:
– May mà cô nói thật. Nếu cô không nói thì tôi cũng thừa biết. Hôm qua tôi đã thấy hết rồi. Bây giờ cô hãy cho tôi biết, cái thằng cha Luyến ấy là ai? Hắn quen cô ở đâu và từ hồi nào? Ðã chở nhau đi chơi cả thảy bao nhiêu lần rồi? Phải khai cho trung thực, không được giấu nửa câu!
– Ơ, cái anh này lạ chưa! – Vợ tôi la lên – Anh Luyến mà anh không biết hả? Con cậu Tư đó! Lại dám gọi anh Luyến là thằng cha nữa, anh ăn nói nghe buồn cười chưa!
Tôi bán tín bán nghi, nhíu mày suy nghĩ:
– Anh Luyến nào? Con cậu Tư sao anh không biết?
Vợ tôi reo lên:
– À, phải rồi! Anh Luyến đi nghĩa vụ quân sự mấy năm nay, hèn gì mà anh không biết!
Tôi nhìn thẳng bào mặt vợ tôi, thăm dò, y hệt như những nhà khoa học đang nghiên cứu những chỗ lõm trên mặt trăng. Khuôn mặt cô ta rất thành thật, không có một dấu hiệu nào chứng tỏ sự sa sút về đạo đức. Nhưng dù sao cũng không nên xem mặt mà bắt hình dong. Tôi lạnh lùng:
– Luyến láy gì đó tôi không cần biết. Nhưng đã là phụ nữ có chồng thì không được đi với bất kỳ người con trai nào.
– Nhưng đây là con cậu Tư mà!
– Con cậu Tư hay không phải con cậu Tư làm sao tôi biết được!
Vợ tôi nhăn mặt:
– Nếu anh không tin thì ngày mai ghé ngoại! Gặp ảnh, anh sẽ biết liền!
Tôi nhún vai:p>
– Không cần! Tôi không phải là đứa ghen tuông bậy bạ, hở một tí là đi xác minh lý lịch người ta. Mà dù có đi với con cậu Tư đi nữa thì cô cũng phải báo cáo trước với tôi chứ không được tự tung tự tác như thế. Ðã là con gái có chồng thì phải tỏ ra đứng đắn, giữ ý giữ tứ với thiên hạ.
Nói một hơi hả dạ, tôi quay lưng đi thẳng một mạch, tiếng giày gõ côm cốp xuống nền nhà, mặc cho vợ tôi khóc tức tưởi sau lưng. Hừ, khóc với chả khóc!
Thế đấy các bạn! Các bà các cô đúng là lộn xộn, đi đứng linh tinh! Có chồng có con rồi mà ra đường còn dám đi với người khác, không sợ thiên hạ dị nghị. Con cậu Tư hay không con cậu Tư, ai người ta biết cho! Hừ, nói hoài mà chẳng chịu bỏ vào tai điều hay lẽ phải. Thật chả bì với cánh đàn ông chúng mình! Cánh đàn ông chúng mình thì… thì… thì…
– 1984 –