Đọc truyện Chuỗi Án Mạng A.B.C – Chương 10: Gia đình Barnard
Bố mẹ của Elizabeth Barnard sống trong ngôi nhà gỗ nhỏ, một trong khoảng 50 ngôi nhà do một chủ thầu đầu cơ mới xây lên gần đây ở những vùng giáp ranh thành phố. Vùng này tên là Llandudno. Ông Barnard là người đàn ông to khỏe, tuổi chừng 55 và trông ông có vẻ hoang mang. Ông đã thấy chúng tôi đến và đang đợi ở bậu cửa.
“Mời các ông vào nhà”, ông nói.
Thanh tra Kelsey mở đầu trước.
“Đây là thanh tra Crome từ Scotland Yard, thưa ông. Ông ấy đến đây để giúp chúng tôi giải quyết vụ này”.
“Sở Cảnh sát à?” ông Barnard nói vẻ hy vọng. “Tốt quá. Tên giết người phải bị tống giam vào ngục. Con gái bé bỏng tội nghiệp của tôi…” Mặt ông méo mó đi vì đau khổ.
“Và đây là ông Hercule Poirot, cũng từ Luân Đôn, và à…”
Poirot đỡ lời: “Đại úy Hastings”.
Ông Barnard nói một cách máy móc: “Rất hân hạnh được gặp các ông. Mời các ông vào phòng khách. Tôi không biết liệu bà xã tội nghiệp của tôi có thể dậy gặp các ông không nữa. Bà ấy hoàn toàn suy sụp”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đã ngồi trong phòng khách của căn nhà gỗ thì bà Barnard xuất hiện. Rõ ràng bà đã khóc rất nhiều, mắt bà đỏ ngầu và dáng đi không vững như người mới trải qua một cú sốc lớn.
Ông Barnard an ủi: “Mẹ nó ơi, không sao đâu. Em không sao chứ?”
Ông vỗ vỗ vào vai bà rồi dìu bà ngồi xuống ghế.
“Ông phó cảnh ty rất tốt bụng”, ông Barnard nói. “Sau khi báo tin cho chúng tôi, ông bảo sẽ hỏi chuyện chúng tôi khi nào chúng tôi đã qua cơn sốc ban đầu”.
Bà Barnard vừa nói vừa khóc: “Thật là tàn bạo! Ôi, tàn bạo quá! Đây là điều tàn bạo nhất mà tôi từng biết”.
Giọng bà ngâm nga như hát khiến tôi cứ nghĩ đó là tiếng nước ngoài cho đến khi nhớ tới cái tên được viết ngoài cổng và nhận ra cách nói của bà chứng tỏ bà là người gốc xứ Wales.
“Tôi biết bà đang rất đau khổ”, thanh tra Crome nói. “Và chúng tôi rất thông cảm, nhưng chúng tôi muốn biết tất cả các chứng cứ để có thể bắt tay vào việc điều tra càng sớm càng tốt”.
Ông Barnard gật đầu đồng tình: “Đúng đấy”.
“Theo tôi biết, con gái ông 23 tuổi. Cô ấy sống cùng ông bà tại đây và làm việc ở quán Ginger Cat đúng không ạ?”
“Đúng thế”.
“Đây là chỗ ở mới phải không? Trước đó ông sống ở đâu?”
“Tôi làm trong ngành đồ sắt ở Kennington nhưng đã nghỉ hưu hai năm rồi. Tôi luôn ao ước sống gần biển”.
“Ông có hai cô con gái đúng không ạ?”
“Vâng. Con gái lớn của tôi làm việc văn phòng ở Luân Đôn”.
“Tối qua con gái ông bà không về nhà mà ông bà không lo lắng à?”
Bà Barnard vừa nói vừa khóc: “Vợ chồng tôi không biết cháu nó không về nhà. Bố nó và tôi hay đi ngủ sớm. Khoảng chừng 9 giờ tối. Chúng tôi không biết Betty không về nhà cho tới khi cảnh sát đến và báo… và báo…”
Bà ấy gục xuống.
“Con gái ông bà có hay… ờ… về nhà muộn không?”
Ông Barnard đáp: “Ông biết con gái thời nay rồi đó, ông thanh tra. Bọn chúng rất độc lập. Vào những tối mùa hè như thế này bọn chúng ít chịu về nhà sớm lắm. Tối nào cũng thế, Betty thường về nhà vào khoảng 11 giờ đêm”.
“Làm sao cô ấy vào nhà? Cửa mở ạ?”
“Chúng tôi luôn giấu chìa khóa dưới tấm thảm chùi chân”.
“Tôi nghe người ta đồn con gái ông bà đã đính hôn và sắp cưới đúng không ạ?”
Ông Barnard trả lời: “Thời nay, bọn trẻ không nói về chuyện đó trang trọng đến thế”.
“Tên cậu con trai đó là Donald Fraser và tôi thích cậu ta lắm”, bà Barnard nói. “Tôi rất thích cậu ta. Tội nghiệp thằng nhỏ, tin này sẽ khiến nó đau khổ lắm. Tôi không biết nó đã biết chưa nữa?”
“Theo tôi biết thì cậu ấy làm việc ở Court & Brunskill đúng không ạ?”
“Vâng, đó là công ty môi giới bất động sản”.
“Cậu ấy có hay gặp con gái ông bà vào mỗi chiều tối sau giờ làm việc không ạ?”
“Con bé không kể với chúng tôi. Betty hiếm khi nói nó làm gì hay ở đâu lắm. Nhưng Betty là một đứa ngoan, ôi, tôi không thể tin được…”
Bà Barnard lại nức nở khóc.
Ông chồng khuyên can: “Bình tĩnh nào, bà ơi. Cố gắng can đảm lên, mẹ nó. Chúng ta phải tìm ra sự thật của vụ này”.
Bà Barnard khóc lớn: “Tôi chắc chắn Donald không bao giờ… không bao giờ…”
Ông Barbard lặp lại: “Can đảm lên nào em”.
“Tôi ước giá tôi có thể giúp các ông nhưng sự thật là tôi chẳng biết chút gì, chẳng có chút manh mối nào để giúp các ông tìm ra tên côn đồ đê tiện đã gây ra việc này. Betty là con bé vui vẻ, hạnh phúc khi ở bên cạnh chàng trai tử tế đó. Ừm, chúng tôi hay nói hai đứa nó nhắc chúng tôi nhớ đến những ngày xưa của vợ chồng tôi. Tôi không tài nào hiểu nổi vì sao người ta lại muốn giết hại con bé”.
“Ông gần tìm ra sự thật rồi, ông Barnard à”, Crome nói. “Tôi muốn xem qua phòng của cô Barnard. Có thể sẽ có thư từ hay nhật ký”.
“Xin cứ tự nhiên xem xét”, ông Barnard nói và đứng dậy.
Ông dẫn đường. Crome theo sau rồi đến Poirot và Kelsey, còn tôi đi chót cùng.
Tôi dừng một chốc để cột lại dây giày và đúng lúc đó thì có chiếc taxi đỗ trước nhà rồi một cô gái nhảy ra khỏi xe. Cô trả tiền và vội vàng đi vào nhà xách theo chiếc va li nhỏ. Khi cô bước qua ngưỡng cửa, thấy tôi, cô đứng như trời trồng.
Cái kiểu cô đột ngột dừng lại khiến tôi tò mò.
Cô hỏi: “Ông là ai?”
Tôi bước xuống vài bước. Tôi ngượng ngùng không biết phải trả lời thế nào. Tôi có nên giới thiệu tên mình? Hay nói là tôi đến đây với cảnh sát? Tuy nhiên, cô gái không đợi câu trả lời.
Cô nói: “Ôi chào, tôi có thể đoán được”.
Cô giở cái mũ len nhỏ màu trắng đang đội trên đầu và ném nó xuống sàn nhà. Giờ thì tôi thấy cô rõ hơn khi cô xoay người một chút về hướng có ánh sáng.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là cô giống mấy con búp bê Hà Lan mà các chị em gái của tôi hay chơi thời thơ ấu. Tóc cô màu đen, ngắn quá vai và cô để tóc mái. Cô có đôi gò má cao và thân hình có nét xương xương kỳ lạ và không mấy gợi cảm. Cô không đẹp, bình thường là đằng khác, nhưng cô có cái gì đó mạnh mẽ – một sức mạnh khiến người ta không thể không chú ý.
“Cô là cô Barnard à?” tôi hỏi.
“Tôi là Megan Barnard. Tôi đoán ông ở chỗ cảnh sát tới?”
Tôi đáp: “Ừm, không hẳn thế…”
Cô cắt ngang lời tôi.
“Tôi nghĩ tôi không có gì để nói với ông cả. Em gái tôi là một đứa thông minh, hiền lành và chưa có bạn trai. Chào ông”.
Cô ta vừa nói vừa cười và nhìn tôi thách thức.
“Tôi nghĩ cụm từ đó đúng phải không ạ?” Cô tiếp tục.
“Tôi không phải là phóng viên nếu đó là điều cô muốn biết”.
“Vậy ông là ai?” Cô ta nhìn quanh. “Bố mẹ tôi đâu rồi?”
“Bố cô đang chỉ cho cảnh sát phòng ngủ của em gái cô. Mẹ cô cũng ở đó. Bà ấy rất đau khổ”.
Cô gái quyết định.
“Mời ông vào đây”.
Cô ta kéo cửa và đi qua. Tôi theo cô vào một căn bếp nhỏ, gọn gàng.
Tôi định đóng cửa thì thấy cửa bị níu lại. Poirot lặng lẽ đi vào bếp và đóng cửa.
Ông nhanh nhẹn cúi chào: “Cô Barnard phải không ạ?”
“Đây là ông Hercule Poirot” tôi nói.
Megan Barnard liếc ông thật nhanh dò xét.
“Tôi có nghe về ông”, cô nói. “Ông là thám tử tư ăn mặc rất thời trang đúng không ạ?”
“Cô miêu tả tôi không hay ho lắm nhưng đầy đủ thông tin rồi đó”, Poirot trả lời.
Cô gái ngồi lên mép bàn ăn. Cô mò trong túi xách của mình để tìm thuốc lá. Cô ngậm điếu thuốc trên môi, đốt thuốc và vừa phì phèo vừa nói:
“Không hiểu sao tôi chẳng thấy có gì mà ông Hercule Poirot phải bận tâm với vụ án vặt vãnh này”.
“Thưa cô”, Poirot đáp. “Những gì cô không thấy và những gì tôi không thấy có lẽ sẽ bổ sung cho nhau. Nhưng tất cả những điều đó đều không quan trọng. Điều quan trọng là điều không dễ tìm ra”.
“Điều gì vậy ạ?”
“Thưa cô, đáng tiếc là cái chết gây ra thành kiến. Thành kiến có lợi cho người đã chết. Tôi đã nghe những gì cô vừa nói với ông bạn Hastings của tôi. ‘Một cô gái thông minh, hiền lành và chưa có bạn trai’. Cô nói vậy để nhại báo chí. Và điều đó hoàn toàn đúng, khi một cô gái trẻ chết, người ta hay nói như thế. Cô ấy thông minh. Cô ấy hạnh phúc. Cô ấy rất đáng yêu. Cô sống trong một thế giới vô lo. Cô không có mối quan hệ nào phiền phức. Người ta thường tỏ ra độ lượng với người đã khuất. Cô có biết bây giờ tôi thích gì không? Đáng lẽ tôi phải tìm ai đó quen Elizabeth Barnard nhưng không biết cô ấy đã chết! Vậy tôi mới có thể nghe được điều ích lợi – là sự thật!”
Megan Barnard vừa hút thuốc vừa nhìn ông một vài phút trong yên lặng. Cuối cùng cô nói. Những lời cô thốt ra khiến tôi giật mình.
“Betty là một con ngốc!”