Đọc truyện Chùm Nho Phẫn Nộ – Chương 5
Các điền chủ tới thăm đất đai của họ, hay thường là những đại diện của chủ đất tới. Họ ngồi trong những chiếc xe hơi đóng kín, đưa ngón tay mân mê đất khô và đôi khi họ xuyên những mũi khoan thăm dò để nghiên cứu chất đất. Từ ngưỡng cửa sân cháy bỏng ánh mặt trời các tá điền bứt rứt đứng nhìn khi xe hơi đi dọc các cánh đồng. Và cuối cùng các chủ đất đánh xe vào sân, và ngồi trong xe, họ nói vọng qua các tấm cửa nhỏ. Các tá điền đứng một lát cạnh các xe hơi rồi ngồi nhón gót trên những khúc gỗ; lấy que để vạch vạch dọc ngang trong bụi cát.
Qua những cánh cửa mở, phụ nữ đứng nhìn ra và phía sau họ, là bọn trẻ con da sắc hung như ngô, mắt to chân để trần, ngón chân luôn luôn ngọ nguậy. Đàn bà và trẻ con nhìn cánh đàn ông đang nói chuyện với các ông chủ. Họ lặng im.
Một số người đại diện đầy lòng thương hại bởi vì họ tự biết mình về chuyện họ sắp làm, những kẻ khác giận dữ vì họ không muốn tỏ ra tàn bạo, và những kẻ khác nữa thì khắc nghiệt vì đã từ lâu họ biết rằng không khắc nghiệt thì không trở thành ông chủ được. Và tất cả đều bị vướng mắc vào một cái gì đó quá sức họ. Có những kẻ căm ghét môn tính toán thúc đẩy họ phải hành động như vậy, một số sợ hãi, còn số khác thì sùng kính toán học vì chúng hiến cho họ một chỗ ẩn náu chống lại ý nghĩ và tình cảm của họ. Nếu như đất đã thuộc một ngân hàng hoặc một công ty điền địa thì người đại diện nói: “Ngân hàng hoặc công ty… cần… muốn… nhất thiết… đòi hỏi” làm như thể Ngân hàng hoặc Công ty là những con quái vật bẩm sinh có ý nghĩ tình cảm và chính chúng đã đánh bẫy họ… Những người đó tự bào chữa không nhận trách nhiệm thay cho ngân hàng hay các công ty bởi vì họ là những con người và nô lệ, trong khi các ngân hàng vừa là máy móc vừa là người. Có những đại diện cảm thấy một chút tự hào nào đó được làm nô lệ của những ông chủ, lạnh lùng và có quyền thế đến như vậy. Những tay đại diện ngồi trong xe giải thích. “Các người biết rằng đất đai nghèo. Chúa cũng biết rằng tự bao lâu nay các người đã nai lưng trên đó”.
Những tá điền đang ngồi xổm, tán đồng, suy nghĩ, vẽ vẽ trong cát.. Thì đúng thế, cái đó thì Chúa biết… Có điều, giá như bụi không bay đi, giá như nó đã muốn nằm ở đất, sự tình không đến nỗi tồi tệ đến thế.
Các tay đại diện vẫn tiếp tục để đi vào vấn đề:
– Các người biết đấy, đất ngày càng nghèo đi. Các người biết, bông đã khiến đất thế nào rồi, nó đánh cắp của đất, hút kiệt máu mủ của đất.
Các tá điền tán đồng. Chúa biết cho rằng họ hiểu được cái đó. Giá như họ có thể trồng xen kẽ các vụ, dễ chừng họ có thể đem trở lại máu cho đất đai.
Đúng vậy nhưng muộn quá rồi. Và gã đại diện giảng giải cái cung cách làm việc và suy nghĩ của con quái vật nó mạnh thế hơn chính bản thân họ. Chừng nào còn cái để ăn và nạp thuế người ta còn có thể giữ được đất, đó là điều có thể làm được.
Đúng, y có thể làm điều đó cho tới ngày mùa màng thất bại, lúc đó y phải vay tiền của ngân hàng.
Cố nhiên… có điều, các người hiểu đấy, một ngân hàng hay một công ty không thể làm như vậy, bởi vì đó không phải là những sinh vật cũng hít thở không khí, cũng ăn thịt. Chúng thở bằng tiền lãi, chúng ăn lãi suất của tiền. Nếu không thế, chúng sẽ chết, in hệt như các người đã chết nếu không có không khí, thịt ăn. Nghĩ mà buồn, nhưng sự tình là thế. Không thể làm khác được. Những người đàn ông ngồi xổm, ngước mắt lên để cố hiểu.
– Há người ta không thể để chúng tôi tiếp tục hay sao? Năm tới có thể là một năm được mùa. Có Chúa biết năm sau làm ra bao nhiêu bông. Mà cứ chiến tranh thế này thì… có Chúa biết bông sẽ lên giá bao nhiêu. Người ta không làm chất nổ với bông hay sao? Và đồ quân trang? Chỉ cần có đánh nhau, không phải nhiều lắm, bông cũng lên giá vùn vụt, đụng tới trần. Có thể… sang năm.
Họ ngước đôi mắt dò hỏi.
– Chúng tôi không thể dựa vào đó được. Ngân hàng… con quái vật cần đến những món lợi nhuận vững chắc. Nó không thể đợi được. Nó sẽ chết mất. Không được, vẫn phải tiếp tục đóng thuế. Khi con quái vật thôi không phình to ra nữa, nó sẽ chết. Nó không thể cứ đứng ỳ ra đấy.
Những ngón tay mềm thịt bắt đầu vỗ vỗ vào các cánh cửa xe, còn các ngón tay khô ráp quắp chặt lấy những chiếc gậy đang bực tức nghi ngoáy những hình vẽ. Ở ngưỡng cửa các trang trại bị mặt trời thiêu đốt, đàn bà đứng thở dài, đổi chân đứng, ngón chân vẫn ngọ nguậy. Bầy chó tới đánh hơi các xe của bọn đại diện rồi lần lượt ghếch chân đái vào các bánh xe. Đàn gà con nằm trong cát bụi ngập nắng, xù lông xù cánh để cho cát thấm mát vào tận da. Trong những chuồng nhỏ bé, đàn lợn càu nhàu sửng sốt trước những cặn nước rác lầy nhầy.
Bọn đàn ông đang ngồi xổm, lại cúi mặt xuống.
– Các ông còn muốn chúng tôi làm thế nào? Chúng tôi không thể giảm phần thu hoa lợi của chúng tôi được… Chưa làm thế bọn tôi cũng đã đói rã họng ra rồi… Con cái chúng tôi không tài nào ăn được no. Quần áo thì không có, rách bươm. Các láng giềng của chúng tôi cũng xơ mướp in như chúng tôi. Không thế thì khi đi họp mặt với nhau chúng tôi xấu hổ chết đi được.
Cuối cùng bọn đại diện đi thẳng vào sự việc.
– Chế độ tá điền đã hết thời rồi, một người với một chiếc máy cày có thể thay thế mười hai đến mười lăm gia đình. Họ trả lương cho y, còn mùa màng thì họ lấy tất. Chúng tôi buộc phải làm thế. Đấy không phải chuyện thích hay không thích. Việc phải làm là làm. Con quái vật bị bệnh. Nó gặp phải chuyện gì đó.
– Nhưng mà các ông sẽ giết chết đất, giết cả bông nữa.
– Chúng tôi biết. Vậy cho nên chúng tôi phải vội thu hoạch bông, trước khi đất chết. Sau đó, sẽ bán đất. Có khối gia đình ở mạn đông muốn có một khoảnh đất.
Những người tá điền hoảng hốt, ngước mắt lên.
– Nhưng thế thì chúng tôi sẽ ra sao đây? Chúng tôi lấy gì mà ăn?
– Các người phải bỏ đất đai mà đi thôi. Máy cày sắp tới sân nhà các người.
Đến đây thì đám người đàn ông ngồi xổm bèn đứng lên, giận dữ. – Mảnh đất này chính ông cụ tôi đã giành được, mà ông cụ đã phải giết bọn da đỏ, đã phải xua đuổi chúng. Còn cha tôi đã sinh ra trên đất này, đã đốt cỏ dại, giết rắn. Rồi có một năm mất mùa, ông đã phải vay một món tiền nhỏ. Còn bọn tôi đã sinh ra ở đây. Kia, ở cửa kia… con cái chúng tôi đã sinh ra ở đây. Và cha tôi đã buộc phải vay mượn tiền. Lúc đó ngân hàng cũng là ông chủ, nhưng người ta vẫn để chúng tôi ở lại, chúng tôi trồng trọt kiếm chút đồng ra đồng vào.
– Biết, bọn ta biết cả. Nhưng không phải bọn ta, mà là ngân hàng, một ngân hàng không phải như con người. Cũng như vậy mỗi ông điền chủ năm mươi ngàn acre, không phải là một con người. Chính là con quái vật.
– Đồng ý thế, – tá điền kêu lên – nhưng đất là đất của chúng tôi. Chính chúng tôi đã đo đạc, đã khai hoang. Chúng tôi đã sinh ra ở đây. Cho dầu nó chả có ích gì nữa, nó vẫn mãi mãi là của chúng tôi. Là của chúng tôi, vì… chúng tôi đã sinh ra ở đây, để làm ăn ở đây, có mồ mả cha ông ở đây… Chính do đó mà chúng tôi có quyền sở hữu, chứ đâu phải vì một mảnh giấy với vài ba con số ghi lằng nhằng trên đó.
– Chúng tôi lấy làm buồn phiền. Đâu phải tại chúng tôi. Chính con quái vật. Ngân hàng không phải như con người.
– Đúng, nhưng ngân hàng chỉ gồm toàn người là người.
– Không, chính các người nhầm ở chỗ đó… nhầm hoàn toàn. Ngân hàng không giống như con người. Mỗi con người sống trong ngân hàng ghét những gì nó làm, ấy thế mà ngân hàng vẫn làm. Tôi nhắc lại với các người, ngân hàng là cái gì hơn con người. Đó là con quái vật. Chính con người tạo ra nó, nhưng bất lực không sai khiến được nó.
Bọn tá điền kêu lên:
– Ông cụ đã giết bọn da đen. Cha đã giết rắn cho đất đai này yên ổn. Dễ chừng chúng tôi có thể giết chết các ngân hàng cũng nên. Nó tệ hơn bọn da đen, độc hơn loài rắn. Có lẽ phải đánh nhau để cứu đất ruộng của chúng ta, như ông và cha đã làm.
Bây giờ thì những người đại diện nổi khùng:
– Các người phải đi.
– Nhưng là của chúng tôi. Bọn tôi…
– Không. Chính ngân hàng, con quái vật, mới là chủ. Phải đi.
– Chúng tôi sẽ cầm súng như ông cha chúng tôi xưa kia, khi bọn da đen tới. Lúc đó thì sao nào?
– Thì… trước hết là ông cảnh sát trưởng, rồi quân đội sẽ tới. Các người sẽ là bọn trộm cắp nếu cố ở lại và là sát nhân nếu giết người để ở lại. Con quái vật không phải là con người, nhưng nó muốn làm gì con người thì tuỳ nó.
– Nhưng nếu phải đi, thì chúng tôi đi đâu? Làm sao đi được? Chúng tôi không có tiền.
– Chúng tôi lấy làm tiếc, – bọn đại diện nói. – Ngân hàng, ông chủ của năm mươi ngàn mẫu, không thể bị coi như phải chịu trách nhiệm. Các người đang ở trên mảnh đất không thuộc các người. Đi rồi, có lẽ các người tìm được việc hái bông vào mùa thu. Có lẽ các người nhận được sự cứu trợ của quỹ thất nghiệp. Tại sao các người không đi về miền Tây, sang California? Ở đó có công ăn việc làm, ở đó không bao giờ lạnh. Vào mùa này, ở đấy chỗ nào cũng có cam, chỉ cần giơ tay ra mà hái. Chưa hết, ở chỗ đó, bao giờ cũng có sẵn một vụ thu hoạch. Sao các người không tới đó?
Nói xong, bọn đại diện vù xe chạy rồi biến hút.
Các tá điền lại ngồi xổm xuống và lại bắt đầu đưa đầu gậy vẽ lên đất, dáng suy tư, lưỡng lự. Khuôn mặt rám nắng của họ nom ảm đạm, đôi mắt cháy bỏng nóng sáng lên. Phụ nữ rón rén rời bỏ ngưỡng cửa lại gần chồng con của họ, bọn trẻ con rón rén bước theo sau mẹ chúng, sẵn sàng chạy trốn. Bọn trai nhớn ngồi chồm hổm cạnh bố, bởi vì làm như thế chúng trở thành như người lớn.
Một lát sau, mấy bà hỏi:
– Họ muốn gì vậy?
Đàn ông thoáng ngước mắt lên, và trong đáy mắt của họ, hiện lên nỗi đau khổ.
– Chúng ta phải cuốn xéo. Một máy cày với một tay giám thị sẽ tới đây, chẳng khác ở nhà máy.
– Chúng ta đi đâu?
– Không biết… Chẳng biết đi đâu.
Các phụ nữ nhanh chóng lặng lẽ trở vào nhà, đẩy bọn trẻ con đi trước. Họ biết, một con người mà bị nhục mạ và sửng sốt đến mức ấy có thể trút cơn giận dữ vào những kẻ mà y thương yêu. Họ để cho đàn ông ngồi một mình suy nghĩ và vạch vạch trên cát.
Đến một lúc sau, người tá điền nhìn xung quanh y… chiếc máy bơm y đã lắp lên mười năm về trước, với một chiếc cán cổ ngỗng và những bông hoa kim khí ở lỗ miệng, y nhìn những cái thớt mà trên đó có hàng ngàn con gà đã bị giết thịt, nhìn chiếc cày trong nhà kho, cái giường cũi treo sờ sờ trên rui nhả. Bọn trẻ con tụ tập quanh đám phụ nữ.
– Mẹ ơi, chúng ta làm gì bây giờ? Chúng ta đi đâu?
Các bà nói:
– Chúng ta còn chưa biết. Đi chơi đi. Nhưng chúng mày liều liệu đấy, đừng có lại gần bố. Chúng mày mà lảng vảng đến gần thì bố có thể đánh đòn đấy.
Và họ lại bắt tay vào công việc, nhưng vẫn để mắt theo dõi những người đàn ông ngồi xổm trong bụi, sững sờ, đăm chiêu.
Những chiếc máy cày kéo tới trên các đường cái, đi sâu vào các cánh đồng, nom chẳng khác những loài bò sát to lớn cử động như những loài côn trùng, cũng với sức mạnh khôn tả của loài côn trùng. Chúng bò trên đất, vạch các con đường mòn trên đó chúng lăn đi rồi cày vỡ đất ra. Những máy cày Diesel lúc nghỉ thì kêu ọc ọc, rồi chuyển bánh trong tiếng ầm ầm sấm sét dần dần biến thành một tiếng o o nặng nề. Những con quái vật thấp và bẹt vừa ủi đất, vừa thọc sâu mõm vào đất, đi xuống các cánh đồng, cắt ngang, cắt dọc, lộn trở lại thúc qua các hàng rào, qua các sân, xuyên sâu vào các khe, theo một đường thẳng. Chúng không lăn trên đất mà lăn trên con đường của riêng chúng. Chúng không biết đến sườn đồi và khe suối, bờ dậu, nhà cửa, chúng chỉ biết bò đi, quay lộn lại.
Cái gã ngồi trên chiếc ghế sắt không có cái vẻ bề ngoài của con người. Bao tay, kính, mặt nạ cao su trên mũi và miệng, y thuộc về con quái vật. Một người máy trên ghế. Tiếng sấm sét của trục lăn làm rung chuyển đồng quê hoà vào làm một với không khí và đất, đến nỗi đất và không khí run rẩy theo những rung động như vậy. Người lái bất lực không làm chủ được nó… nó đâm thẳng vào đồng quê, nó cắt ngang một tá các trang trại, rồi nó quay ngược trở lại. Một cú tay lái tưởng đã có thể khiến cho chiếc xe xích lệch hướng, nhưng bàn tay của người lái không thể giật mạnh được bởi vì con quái vật đã xây dựng chiếc máy cày, con quái vật đã thả xổng cho máy cày được tự do, đã tìm được cách thâm nhập vào bàn tay, vào khối óc, vào cơ bắp của người lái, đã bịt mắt y bằng cặp kính bảo hộ và đã khoá miệng y… làm tê liệt trí óc của y, đã khoá lưỡi y, đã làm tê liệt cảm thức của y, đã khoá những phản kháng của y. Y không thể nhìn thấy đất đai đúng như đất đai thực tế, y không thể ngửi thấy mùi đất đai đúng như cái mùi nó bốc ra, đôi bàn chân của y không thể dày đạp lên các mô đất mà cũng không cảm nhận thấy hơi nóng và sức mạnh của đất. Y ngồi trên một chiếc ghế bằng sắt, chân giẫm lên những bàn đạp bằng sắt. Y không thể khích lệ, đánh đập, nguyền rủa hoặc cổ vũ phạm vi quyền lực của y, và vì nguyên cớ đó, y cũng không thể tự khích lệ tự quất mình, tự nguyền rủa, tự mình cổ vũ mình. Y không biết đất, không sở hữu đất, không cầu khẩn đất, không có niềm tin vào đất. Một hạt gieo xuống không mọc mầm, điều đó chẳng can hệ. Nếu những cây non tàn héo sau trận hạn hán hoặc bị nhấn chìm bởi các trận mưa lũ, người lái chẳng hề lo lắng, cũng như chiếc máy cày vậy.
Y không yêu mến đất, cũng như ngân hàng không yêu mến đất, y có thể ca ngợi chiếc máy… những bề mặt nhẵn bóng của nó, sức mạnh của đà vươn tới, tiếng gầm gào của những ống xilanh nổ ầm ầm, nhưng đó không phải là máy cày của y. Phía sau máy cày, những chiếc đĩa quay rộng lấp lánh, lưỡi đĩa sắc lấp lánh cắt sẻ đất – như kiểu giải phẫu chứ không phải cày bừa – gạt đất cắt sang phía phải để cho hàng đĩa thứ hai cắt và đẩy nó sang trái. Rồi, kéo theo sau đĩa là những cái bừa răng bằng thép cào đất đến nỗi các mô đất vụn tơi ra và đất được san bằng. Sau những chiếc bừa là máy gieo hạt… mười hai cái dương v*t bằng sắt uốn cong trở vào, được luyện cứng 1 ở lò đúc, được khởi động các đòn bẩy, đang hãm hiếp đất một cách có phương pháp, một cách lạnh lùng.
Người lái ngồi ở chiếc ghế sắt và y đang hãnh diện về những đường thẳng y vạch ra tuy ý muốn của y không can thiệp vào; y tự hào về chiếc máy cày không thuộc của y mà y cũng chẳng ưa, tự hào về cái sức mạnh mà y không thể kiểm soát. Và khi mùa màng kia mọc lên và được gặt hái, không một ai lấy lòng bàn tay bóp nát những cục đất nóng hâm hấp và để cho đất chảy qua các kẽ ngón tay.
Không một ai sờ mó tới hạt, cũng không thiết tha cầu khẩn cho nó trưởng thành. Con người ăn những gì họ không sản xuất ra, không có gì trói buộc họ vào miếng bánh ăn. Đất sinh con đẻ cái với sắt thép và chết dần chết mòn dưới sắt thép, bởi lẽ đất không được ai yêu, không bị ai ghét, nó không phải là đối tượng cầu khẩn hay nguyền rủa.
Thỉnh thoảng vào buổi trưa, người lái máy cày dừng lại trước một ngôi nhà ở ấp và chuẩn bị ăn trưa. Xăngđích gói trong giấy lạnh, bánh trắng, dưa chuột bao tử phomát, Xpani 2, miếng mứt có đóng dấu như một cỗ máy. Y ăn một cách uể oải. Và các tá điền mà còn chưa ra đi tò mò nhìn y trong khi y bỏ kính và chiếc mặt nạ cao su, để lộ những vòng trắng quanh mắt và một vòng trắng to xung quanh mũi và miệng. Ống thoát hơi của chiếc máy cày vẫn xả hơi, bởi lẽ dầu xăng rẻ thối cho nên thà không tắt máy còn hơn làm lại từ đầu, phải làm cho máy khởi động một lần nữa. Bọn trẻ con tò mò, bọn trẻ con rách rưới vây quanh y, vừa ăn thứ bột rán vừa nhìn y với đôi mắt háu đói, chúng nhìn y mở gói xăngđích và những cái mũi bị cơn đói kích thích hít món dưa hộp, phomát và xpani. Chúng không nói chuyện với gã lái máy cày. Chúng nhìn tay y đưa thức ăn lên miệng. Chúng không nhìn y nhai, đôi mắt chúng theo dõi bàn tay cầm miếng xăngđích.
Một lát sau người tá điền mà đã không ra đi được, tới ngồi trong bóng chiếc máy cày:
– Ơ này, anh là con của Joe Davis.
– Thì đúng vậy, – gã lái nói.
– Thế, sao anh lại đang tay làm cái thứ công việc này để… chống lại anh em?
– Ba đôla một ngày. Tôi đã chán ngấy khi phải luồn cúi để kiếm miếng ăn – mà nào có được. Tôi có vợ, có đàn con. Phải có cái bỏ vào miệng chứ chả nhẽ? Mỗi ngày ba đôla, cứ thế mà xơi.
– Đúng thế thật, – người tá điền nói – nhưng chỉ vì ba đôla mỗi ngày của anh mà mười lăm hay hai mươi gia đình không có gì để ăn. Đã có gần một trăm người buộc phải đi tha phương cầu thực vì ba đôla mỗi ngày của anh đúng không nào?
Gã lái máy đáp:
– Đúng hay không, tôi cũng chẳng buồn nghĩ đến. Tôi phải nghĩ đến con tôi. Một ngày ba đôla, mà ngày nào cũng xơi đều. Thời thế đã thay đổi rồi, bác ơi, bác không biết sao? Giờ đây, ai lại có thể sống nhờ vào mảnh đất của mình, trừ phi có được hai, năm, mười ngàn mẫu với một chiếc máy cày. Trồng trọt, cái đó đâu dành cho những trại chủ nhỏ như bọn ta. Chỉ vì không phải là một ông Ford hoặc Công ty Điện Tín mà cứ tru tréo lên, thế thì chẳng phải. Việc trồng trọt bây giờ là thế – không thể làm gì được đâu. Hãy cố một chút thử đi nơi khác kiếm cho được ba đôla. Chỉ có cách đó thôi.
Người tá điền ngẫm nghĩ:
– Dẫu sao chuyện đời cũng kỳ cục. Nếu một người có một ít đất, đất đó là của y, gắn bó với y, giống như y. Nếu hắn có đất kha khá để có thể đi dạo ở đấy, để có thể bận tâm vì nó, buồn bã khi nó không sinh lợi, vui mừng khi mưa bắt đầu rơi xuống, thì mảnh đất ấy là bản thân y, và theo một ý nghĩa nào đó, nhờ nó mà y quan trọng hơn, vì y là chủ. Ngay dù y không đạt kết quả, y cũng đâm ra quan trọng nhờ đất ruộng của y. Sự đời là thế.
Và người tá điền suy ngẫm xa hơn:
– Nhưng khi một con người có những ruộng đất mà hắn không trông thấy, hoặc hắn không có thì giờ tính đến, hoặc không thể đi dạo ở đấy… lúc đó, chính ruộng đất trở thành con người. Y không thể muốn làm gì thì làm, không thể muốn nghĩ gì thì nghĩ. Chính ruộng đất là con người, mạnh hơn con người. Và y bé nhỏ chứ chả lớn lao gì. Chỉ có ruộng đất của y là lớn lao… y là đày tớ của nó. Sự đời cũng là thế nữa.
Người lái máy nhai miếng bánh nướng có đóng dấu.
– Thời thế đã đổi thay, bác phải biết thế. Không phải cứ ngồi nghĩ đến những chuyện như vậy mà kiếm được miếng bánh ăn cho bọn nhóc của bác đâu. Hãy làm sao mỗi ngày kiếm cho được ba đôla để nuôi vợ nuôi con. Bác chẳng có lý do gì để bận tâm đến lũ trẻ nhà người khác, hãy lo đến con cái mình. Nếu bác cứ ăn nói cái kiểu đó thì sẽ chuốc lấy phiền hà, mà chẳng bao giờ kiếm được ba đôla. Các ông chủ không bao giờ cho bác mỗi ngày ba đôla nếu như bác cứ bận tâm đến chuyện khác hơn là lo kiếm ba đôla kia.
– Gần một trăm con người phải lang thang trên các ngả đường chỉ vì ba đồng đôla của anh. Bọn ta biết đi đâu?
– Mà này, – gã lái máy nói nốt – tốt nhất là đi ngay đi thôi, đừng nấn ná. Ăn trưa xong, tôi sẽ lái máy đi qua sân nhà bác.
– Thì sáng nay, anh đã lấp giếng.
– Tôi biết. Tôi phải cày thẳng hàng. Nhưng tôi sẽ đi qua sân nhà bác, sau bữa ăn trưa. Tôi phải theo hàng thẳng. Mà… ô! Chả là bác biết bố tôi, Joe Davis, thì tôi có thể nói bác biết. Tôi đã nhận được lệnh, trong trường hợp các gia đình không đi… Nếu tôi gặp chuyện bất trắc… bác biết không, nếu tôi đi qua gần nhà, sát thềm một tí rồi tôi ngoắc phải nó… thì thế nào? Tôi có thể được thêm một hai đôla. Mà cái thằng út nhà tôi chưa bao giờ có giày đi.
– Nhà tôi tự tay tôi xây dựng lên. Tôi đã nắn các đinh cũ để giữ vững mái. Rui mè buộc chặt vào đòn tay bằng dây thép. Nó là của tôi. Chính tôi đã làm ra nó, anh thử thúc đổ xem, rồi anh sẽ thấy, tôi đứng ở cửa sổ, với một khẩu súng. Cứ thử nhích lại tí nữa là tôi sẽ hạ anh như hạ con thỏ.
– Mắc mớ gì đến tôi. Tôi chẳng thể làm gì được. Tôi không làm như vậy thì tôi mất việc. Rồi sau đó cứ cho là bác nổ một phát súng và tôi bị giết. Người ta sẽ treo cổ bác, mà chưa kịp treo thì đã có một thằng cha khác dẫn xác đến trên chiếc máy cày rồi hắn ta sẽ hất nhào nhà của bác xuống đất. Đứa nào đáng giết thì bác không giết.
– Đúng thế, – bác tá điền nói. – Ai ra lệnh cho anh? Nói xem. Rồi tôi sẽ đến tìm hắn. Giết chết hắn.
– Thế chẳng đúng chút nào. Hắn nhận lệnh từ Ngân hàng. Chính Ngân hàng nói với hắn: “Tống cổ cái bọn đó ra ngoài. Không thế thì anh phải xéo”.
– Cái ngân hàng ấy chắc phải có một chủ tịch với một hội đồng quản trị. Tôi sẽ lấy súng, nhét đầy đạn vào rồi tôi sẽ đến Ngân hàng.
Tay lái máy đáp:
– Có một thằng cha, hắn nói ngân hàng nhận chỉ thị của miền Đông. Lệnh thế này: “Hãy tiến hành làm cho đất đai sinh lợi. Nếu không, chúng tôi sẽ đóng cửa Ngân hàng”.
– Cứ loanh quanh, hết chỗ này đến nơi nọ, vậy tới đâu thì thôi? Giết ai được bây giờ? Mà, chưa giết được cái đứa bắt tôi chết đói thì tôi chưa đành chịu chết đói.
– Tôi không biết. Rất có thể chả có ai mà giết. Như bác nói đấy, dễ chừng chính ruộng đất gây nên chuyện. Dẫu sao, tôi phải làm gì, tôi đã nói với bác rồi đấy nhé. Có gì, bác chớ có trách.
– Tôi phải nghĩ đã. Ai cũng phải suy nghĩ tất. Chắc chắn sẽ có cách ngăn chặn chuyện đó. Đâu có phải như sấm sét, động đất mà chịu bó tay? Trong chuyện này có gì đó xấu xa, do con người gây nên. Mẹ kiếp, con người gây nên thì nó phải thay đổi chứ hả?
Người tá điền ngồi trên ngưỡng cửa nhà mình. Gã lái máy cho máy khởi động, đi xa dần, vạch luống rồi đi vòng, rồi những răng bừa cào sâu đất, các dương v*t của máy gieo hạt xuyên sâu vào đất.
Chiếc máy cày cắt ngang sân, đất từng bị giẫm giẽ cứng dưới các bàn chân, bây giờ đã biến thành ruộng gieo giống, và chiếc máy cày lộn trở lại để cắt ngang qua. Khoảng trống chưa bị cày xới chỉ còn rộng mười bộ. Máy lộn lại. Cái chắn bùn bằng sắt cắm vào góc nhà, phá đổ tường, giật ngôi nhà bật khỏi móng rồi lật nó đổ nghiêng bẹp nát như một con bọ dừa. Tay lái mắt đeo kính, mũi và miệng chùm kín dưới chiếc mặt nạ bằng cao su. Chiếc máy cày tiếp tục vạch đường thẳng, không khí và mặt đất rung lên trong tiếng động sấm sét. Súng lăm lăm trong tay, người tá điền đưa mắt lừ lừ nhìn y… Vợ bác đứng gần bên, bọn trẻ lặng câm đứng phía sau. Tất cả mọi con mắt nhìn chằm chằm theo chiếc máy cày.
Chú thích
1. Nguyên văn: cương (erected).
2. Một thứ giăm bông.