Đọc truyện Chùm Nho Phẫn Nộ – Chương 10
hiếc xe tải đã đi khuất, chất nặng đồ đạc dụng cụ nặng, giường và thành giường, mọi thứ đồ đạc có thế bán được, Tom một mình lang thang trong khu nhà. Anh tới mơ màng trong nhà kho, trong các ngăn chuồng ngựa trống trơn và anh luồn xuống dưới chái nhà nơi cất giữ dụng cụ, anh đưa chân đá đá những vật đổ nát còn lại, lấy chân lật một chiếc răng bừa gẫy. Anh đi thăm lại những nơi anh quen biết… cái mô đất đỏ từng là nơi ẩn trú của loài én, cây liễu vươn lên phía trên mái nhà che cho con lợn… Hai con lợn con ủn ỉn và tới nơi sục sạo qua bờ dậu, những con lợn con lông đen đang nằm thoải mái trong nắng. Cuộc hành hương của anh đã xong, anh bèn đến ngồi trên bậc thềm trước cửa vừa được phủ bóng râm mát. Trong bếp, phía sau anh, Mẹ đang bận rộn giặt giũ quần áo trẻ con, đôi cánh tay to lấm chấm những nốt tàn nhang, ướt sũng để nước bẩn chảy từ khuỷu tay xuống. Anh ngồi xuống thì bà ngừng vò sát. Bà nhìn anh rất lâu và lúc anh quay đầu lại để nhìn vào ánh nắng nóng, cái nhìn của bà tiếp tục dán vào gáy anh. Rồi bà lại bắt đầu vò sát.
Bà nói:
– Tom ạ, quí hồ Ở California, mọi sự được ổn thoả.
Anh ngẩng lại nhìn mẹ:
– Có gì khiến Mẹ nghĩ không phải thế?
– Ờ… chả gì cả. Nhưng mẹ thấy chuyện đó hình như quá đẹp. Mẹ thấy các tờ quảng cáo họ phân phát, nào là ở chỗ đó, công việc có ê hề, nào là tiền công lại cao. Mẹ đọc trong báo thấy họ yêu cầu bao nhiêu là người để hái nho, cam, đào. Tom nhỉ, thích thật, hái đào thì thích thật. Ngay dù người ta không cho mình ăn, vẫn có thể thó một quả, quả nhỏ thôi, hơi bị hỏng. Và ngồi dưới cây làm việc trong bóng râm dễ chịu thật! Mẹ thấy tất cả chuyện đó quá đẹp nên mẹ đâm sợ. Mẹ không tin. Mẹ e có cái gì phỉnh phờ ở đâu đó, chắc không đẹp đến thế đâu.
Tom nói:
– Mẹ đừng để cho niềm tin bốc quá cao, Mẹ ạ, kẻo lại phải bò như con giun con dế.
– Đúng, con nói đúng. Trong Sách Kinh có nói thế phải không ?
– Có lẽ thế. Không bao giờ con có thể nhớ kỹ Sách Kinh từ khi con đọc một cuốn sách nhan đề: “Chiến công của Barbara Worth”. Mẹ cười khẽ và nhúng quần áo nhiều lần vào chậu giặt. Rồi bà vắt những quần xanh, những áo lót, gân bắp cánh tay bà nổi cuồn cuộn như dây chão.
– Ông Nội con, suốt ngày dẫn Kinh Thánh, ông cũng lẫn lộn lung tung với Niên lịch của Đôxtơ Miles. Ông cất tiếng sang sảng đọc Niên lịch từ trang đầu tới trang cuối… những thư từ của bọn người bị bệnh mất ngủ, hoặc đau thận. Và về sau, ông đọc cho thiên hạ nghe, nhưng những lời răn, ông nói “Đó là truyện ngụ ngôn của Kinh Thánh”. Bố với chú John thì cười làm ông hơi lo. – Bà chồng đống lên bàn các đồ đã giặt giũ, cái nào cũng xoắn lại như dây cáp. – Này Tom, theo ý con, hai ngàn dặm có xa lắm không? Mẹ nhìn lên bản đồ có những dãy núi cao như in trên bưu thiếp, và phải cắt ngang qua. Đi xa như thế thì mất bao nhiêu lâu, Tommy?
– Con không biết. Mười lăm ngày… có thể mười ngày nếu chúng ta gặp may. Mẹ này, mẹ đừng băn khoăn. Con đã ở nhà trừng giới, nên con có biết một điều, con nói cho mẹ nghe. Đừng bao giờ nghĩ đến cái ngày được tha, vì như thế khiến mình phát điên. Cứ ngày nào biết ngày ấy, rồi nghĩ đến ngày hôm sau, đến buổi đá bóng thứ bảy. Nên làm như thế. Chính những người ở tù quen họ làm như thế. Bọn tù mới đến, chúng cứ cụng đầu vào cửa xà lim. Chúng cứ tự hỏi phải còn ở lại bao lâu nữa. Cớ sao mẹ không làm thế, ngày nào biết ngày nấy, hở mẹ?
– Cách ấy hay đấy, – bà vừa nói, vừa múc nước nóng trên bếp lò đổ đầy vào chậu, bỏ quần áo bẩn vào và bắt đầu nhúng vào nước xà phòng. – Đúng, cách ấy tốt đấy. Nhưng mẹ cứ thích nghĩ là ở California sẽ dễ chịu, có lẽ là tốt. Không bao giờ lạnh. Chỗ nào cũng ngập hoa quả, dân ở đấy họ sống trong những căn nhà nhỏ quét trắng tinh, giữa những vườn cam, mẹ tự nhủ… quí hồ ai cũng có công ăn việc làm… biết đâu… biết đâu trong những ngôi nhà nhỏ trắng tinh ấy lại không có một ngôi nhà của chúng ta nhỉ? Rồi bọn trẻ con đi hái cam, ngồi đâu hái đấy. Cứ ao ước thế là chúng khó mà chịu nổi, chúng cứ reo um lên.
Tom nhìn mẹ làm việc, đôi mắt anh mỉm cười.
– Chỉ cần nghĩ như vậy là tốt cho Mẹ rồi. Con có biết một gã từ California về. Hắn nói khác chúng ta. Theo cung cách của hắn nói thì có thế thấy, hắn từ xa tới. Nhưng hắn nói là bọn người hái quả phải sống trong các lán trại rất bẩn và khó kiếm đủ ăn. Công sá hạ, đó là nếu may ra còn có công sá.
Một bóng mờ lướt qua khuôn mặt bà mẹ.
– Ô! Cái đó không đúng. Bố con đã nhận được một tờ quảng cáo giấy vàng, trên giấy có nói là người ta cần người lao động. Dễ chừng họ đã chẳng phải chuốc lấy khó nhọc nếu không có việc làm ào ạt. In những tờ quảng cáo đó, họ phải mất tiền chứ! Mà cớ sao họ lại nói điêu, chi tiền ra để nói điêu?
Tom lắc đầu:
– Con không biết, Mẹ ạ. Muốn hiểu tại sao chúng làm thế, đâu có phải là chuyện dễ dàng, có lẽ…
Anh nhìn ra ngoài, ánh mặt trời nóng bỏng lấp lánh trên đất đỏ.
– Có lẽ làm sao?
– Có lẽ cũng đẹp như Mẹ nói. Ông đâu hở Mẹ? Ông mục sư nữa, ông ấy đi đâu?
Bà mẹ ra khỏi nhà, tay ôm một đống quần áo cao tướng. Tom né ra cho mẹ đi qua.
– Ông mục sư nói là ông đi dạo một vòng. Ông Nội ngủ trong nhà. Nhiều lúc ban trưa ông ấy vào đấy làm một giấc. – Bà đem mắc trên dây phơi các quần áo xanh, sơ mi xanh và những chiếc áo lót dài.
Tom nghe có tiếng chân bước kéo lê sau anh, anh ngoảnh lại. Ông Nội đang trong buồng đi ra và cũng như hồi sáng, ông sờ soạng khuy cửa quần.
– Tao nghe bọn bay nói lào xào, – ông nói. – Cái bọn chó đẻ này. Không thể để cho một thằng già khốn khổ ngủ yên. Khi nào bọn bay bắt đầu khọm 1 đi rồi chúng bay mới biết để cho một thằng già ngủ yên.
Mãi rồi những ngón tay cáu kỉnh của ông cũng mở được có hai khuy ở cửa quần đã cài khuy. Nhưng tới đó bàn tay của ông tự nhiên quên mất, chẳng biết đang làm gì. Nó thọc vào cửa quần rồi bắt đầu khoan khoái gãi gãi phía dưới hòn dái. Mẹ bước tới, bàn tay ướt dầm, lòng bàn tay nhăn nhúm sưng lên vì nước và xà phòng.
– Con tưởng ông ngủ. Lại đây con cài khuy cho.
Mặc dầu ông nhất định không chịu, Mẹ vẫn nắm lấy ông rồi cài khuy áo lót, áo sơ mi và cửa quần. Rồi mẹ buông ông ra, nói: “Ông đi mà ngắm quanh quẩn một tí”.
Ông ấp úng, giận dữ:
– Đẹp mặt… Một thằng đàn ông đàn ang lại phải để người ta cài khuy cho… Đẹp mặt thật. Tao muốn người ta để mặc tao cài lấy quần của tao.
Mẹ vừa nói vừa đùa:
– Ở California, họ không cho người ta cứ để hở khuy quần mà đi dạo đâu.
– Hả? Mày tưởng thế sao? Được rồi, tao sẽ cho chúng thấy. Chúng tưởng chúng sẽ dạy cho tao phải biết ăn ở như thế nào, hả? Được rồi, thích thì tao sẽ tòi cái của ấy ra, thích thì tao sẽ đeo nó lủng lẳng, làm gì nào?
– E rằng mỗi năm ông ăn nói thêm thô lỗ, – Mẹ nói – Có lẽ, để trộ thiên hạ.
Ông già nhô chiếc cằm râu tua tủa, và ông nhìn Mẹ với đôi mắt ti hí vui vui, ranh ma và ác độc.
– Thế là, – ông nói – chẳng mấy chốc nữa ra đi. Lạy Chúa, ở nơi kia, nho lủng lẳng phía trên đường cái. Chúng bay có biết tao sẽ làm gì không? Tao lấy một cái chậu giặt đựng đầy nho, rồi tao ngồi vào đấy, rồi tao vặn vẹo cho nước nho chảy ròng ròng từ quần lót xuống.
Tom bật cười.
– Lạy chúa, ông có sống đến hai trăm năm nữa thì người ta cũng không trị nổi ông. Vậy cứ đánh bộ đồ như thế là ông sẵn sàng ra đi, phải không ông Nội?
Ông cụ lôi lại một chiếc hòm và ngồi phịch xuống.
– Đã hẳn, – ông nói. – Vả lại, cũng đã đến lúc rồi. Cách đây bốn mươi năm, anh tao đã đi tới nơi đó. Chả nghe nói gì nữa. Thâm hiểm bậc nhất trần đời đấy, cái gã khốn nạn! Chả ai ưa gì lão. Lão cuốn xéo với chiếc Colt bắn phát một của tao. Lúc nào đó tao gặp lão, hoặc tụi con của lão, là giả thử chúng ở California, tao sẽ đòi lại khẩu Colt. Nhưng cái thứ như lão thì tao biết, lão có con thì cũng là đúc con ở nhà người khác, để mặc cho bọn này nuôi. Đã hẳn là ở đó thì khoái lắm. Tao có ý nghĩ là nhờ thế tao không phải là tao nữa. Ngay lập tức tao sẽ đi hái quả.
Mẹ tán thành:
– Đúng như ông nói. Mới cách đây ba tháng ông còn làm việc, lần cuối thì bị sái hông.
– Hẳn đi chứ lị! Mẹ kiếp! – ông nói.
Ngồi ở bậc thềm, Tom nhìn ra ngoài.
– ông mục sư đang về kia. Ông ta đi vòng phía sau nhà kho.
Mẹ nói:
– Những lời tạ ơn Chúa mà ông ta ban cho nhà ta sáng nay sao mà kỳ quặc đến thế! Mẹ chưa từng nghe. Thậm chí không thể nói đấy là những lời tạ ơn. Toàn nói là nói, nhưng nghe cũng thấy mát ruột mát gan, chẳng khác lời tạ ơn.
– Ông ấy ngộ lắm, – Tom nói. – Nhiều lúc ông ấy nói rất ngộ. Chẳng khác ông ấy nói với chính mình. Ông ấy không có ý khiến người ta tin theo.
– Con nhìn tinh ý trong mắt ông ta mà xem, – Mẹ nói. – Có vẻ như được rửa tội. Ông ta có cái lối nhìn, nói như ai nói. Xuyên thấu suốt. Chắc hẳn ông ta có vẻ đã được rửa tội. Lại cái cách đi đứng nữa, đầu cúi gằm, mắt dán xuống đất mà chả chú tâm tới cái gì. Nếu có kẻ nào đó đã được rửa tội thì chính là ông ta.
Nhưng bà im bặt vì Casy đang ở cạnh bên cửa.
– Ông cứ đi dạo thế khéo không bị say nắng đấy – Tom nói.
Casy nói:
– Ừ hẳn là có thể thế. – Rồi đột nhiên ông nói với bà mẹ, với ông nội và Tom. – Tôi phải đi về miền Tây. Nhất định phải đi. Tôi tự hỏi, không biết liệu có đi cùng với nhà ta được không? – Rồi ông cứ đứng như vậy ngượng ngùng vì chính điều mình nói.
Mẹ nhìn Tom, nhường lời cho anh vì anh là đàn ông, nhưng Tom không lên tiếng. Bà chờ cho anh con sử dụng quyền của mình, rồi bà nói:
– Ồ, sao ông lại hỏi thế, có ông đi với chúng tôi đấy là một vinh dự. Dĩ nhiên, hiện giờ tôi không dám trả lời dứt khoát. Bố nó nói là tối nay, tất cả đàn ông sẽ họp bàn chuyện đi. Tôi thiết nghĩ, tốt nhất là không quyết định gì hết, chờ cho người lớn về đủ đã. Chú John, Bố nó, Noah, Tom, ông Nội, Al và Conni. Nhưng nếu còn chỗ, tôi gần như biết chắc là ai nấy sẽ rất hãnh diện có ông cùng đi.
Ông mục sư thở dài;
– Dẫu thế nào, tôi cũng phải đi, – ông ta nói. – Có nhiều chuyện đã xảy ra. Tôi đã đi xem căn nhà trống rỗng, đất đai này trống rỗng và tất cả xứ này trống rỗng. Tôi không thể ở lại đây được. Tôi sẽ làm việc trên đồng ruộng và có lẽ tôi sẽ sung sướng.
– Và ông không giảng đạo? – Tom hỏi.
– Tôi sẽ không giảng đạo.
– Ông không làm lễ rửa tội? – Mẹ hỏi.
– Tôi sẽ không rửa tội. Tôi lao động trên ruộng đồng, trên những cánh đồng xanh và tôi sẽ ở gần con người. Tôi không cố bày vẽ cho họ cái gì hết, bất cứ gì. Tôi cố thử học hỏi. Tôi học hỏi xem cớ sao con người bước đi trong cỏ, tôi sẽ nghe họ nói chuyện, nghe họ hát. Tôi lắng nghe trẻ con ăn cháo. Tôi lắng nghe các cặp vợ chồng bù khú ban đêm, khiến cho đệm giường rên rỉ. Tôi sẽ ngồi ăn cùng họ, và tôi học hỏi – Đôi mắt của ông ươn ướt long lanh – tôi ăn nằm trên cỏ công khai và lương thiện, với tất cả người nào thích tôi. Tôi muốn nguyền rủa và thề nguyền… và nghe chất thơ trong những cuộc chuyện trò. Chính tất cả điều đó, tất cả điều đó mà tôi không hiểu, mới thiêng liêng. Tất thảy điều đó là những điều tốt lành.
– Amen, – Mẹ nói.
Ông mục sư khiêm nhường ngồi trên cái thớt gần cửa:
– Tôi tự hỏi không biết cuộc sống còn có cái gì cho một con người đơn độc đến thế này.
Tom kín đáo ho.
– Với một người mà không giảng đạo nữa thì… – Tom bắt đầu lên tiếng.
– Ô! Về chuyện ăn nói, tôi chả nhường cái lưỡi cho ai, – Casy nói. – Cái đó thì tôi không tránh khỏi. Nhưng tôi không giảng đạo. Giảng đạo tức là kể chuyện tào lao cho người ta nghe. Tôi hỏi họ. Thế không phải là giảng đạo, sao?
– Tôi biết đâu, – Tom nói. – Giảng đạo có nghĩa là một cách uốn giọng, giảng đạo đức là một cách nhìn sự việc. Giảng đạo tức là làm tốt cho con người chính lúc họ thèm khát muốn giết người. Năm ngoái vào Noel, ở Mac – Alester, đội quân Cứu rỗi đã tới thăm bọn tôi để mang điều lành đến chỗ bọn tôi, họ dành ba tiếng đồng hồ chơi kèn coocnê cho chúng tôi nghe. Họ rất tốt với chúng tôi. Nhưng nếu một đứa trong bọn tôi định lẩn đi, họ vẫn chơi không nghỉ cho tới lúc chúng tôi lỉnh hết. Giảng đạo là thế. Đem lại điều lành cho một gã đang gặp nguy khốn và chưa thể tống cho mình một cái bạt tai. Đấy, ông không phải là tay thuyết giáo. Nhưng ông đừng có hứng lên mà chơi kèn coocnê quanh đây.
Mẹ ném mấy khúc củi vào lò.
– Tôi chuẩn bị làm chút gì để ăn, nhưng chả có là bao.
Ông Nội kéo chiếc hòm ra ngoài, ngồi lên và tựa lưng vào tường, Tom và Casy cũng làm theo. Bóng râm buổi chiều xế lan xa dần.
Đến chiều, chiếc xe tải quay về, lúc la lúc lắc trong bụi, sàn xe phủ một lớp bụi, mui xe mất dạng dưới bụi, và đôi đèn pha xỉn lại dưới một lớp bụi đỏ. Mặt trời đang lặn lúc chiếc xe quay về trong ánh nắng sắp tàn, mặt đất nhuốm màu máu. Al cúi mình trên tay lái, kiêu hãnh, nghiêm nghị, tự tin về vai trò của mình, Bố và chú John xứng đáng với vai trò thủ lĩnh bộ lạc, chiếm hai chỗ danh dự cạnh chú tài. Những người khác đều đứng trong xe, đang bám chặt vào thành xe. Con Ruthie mười hai tuổi, thằng Winfield mười tuổi, mặt nhem nhuốc man rợ, đôi mắt mệt mỏi nhưng kích động, ngón tay và khoé miệng đen xì nước cam thảo mà lúc ở phố ông bố đã mua cho chúng để dỗ chúng khỏi khóc nhai nhải. Ruthie mặc chiếc áo dài bằng mút màu hồng buông quá đầu gối, cố làm ra vẻ quan trọng vì ta đây đã là cô gái. Nhưng thằng Winfield vẫn là đứa còn thò lò nước mũi, hay hờn dỗi, cằn nhằn, quen thói nhặt hút các mẩu thuốc lá thừa. Trong khi Ruthie ý thức được sức mạnh, trách nhiệm và sự trang nghiêm mà bộ ngực đang nở nang dành cho nó, thì thằng Winfield vẫn còn là thằng mất nết, hiếu động. Ở gần chúng, Rosashan khéo léo nắm lấy các song sắt, người lắc lư, bàn chân đu đưa, để cho đầu gối và khuỷu tay chịu những cú sóc dọc đường. Chả là Rosashan đã có ngén nên phải cẩn thận. Đám tóc tết tạo nên một chiếc vành khăn sắc hung nhạt. Khuôn mặt dịu dàng và tròn, cách đây mấy tháng còn hấp dẫn và gợi khoái lạc, nay đã mang cái rào chắn của sự thai nghén. Nụ cười tự mãn và qua cái nhìn của cô người ta thấy cô ý thức được sự hoàn hảo của mình, cái thân hình phây phây, đôi vú nhô lên và mềm, bụng, hông, mông rắn chắc, nân nân và khêu gợi, khiến ai nhìn cũng muốn vuốt ve hoặc đưa tay vỗ vỗ. Cả thân hình của cô đã trở nên kín đáo và nghiêm trang. Tất cả mọi suy nghĩ, tất cả mọi hành động của cô đều hướng về bên trong, về đứa trẻ nằm trong bụng. Với cô, cả trái đất này đang có chửa; trong suy nghĩ của cô, đâu đâu cũng là sự tái sinh, sự sinh đẻ.
Connie, anh chồng mười chín tuổi lấy cô hồi cô còn là đứa con gái bạo dạn như con trai, nõn nà, ham khoái lạc, giờ đây anh ta còn hoảng sợ, kinh ngạc trước sự thay đổi này, vì không còn những lần làm tình, ôm ghì lấy nhau, cắn nhau, cấu véo nhau giữa những giọt nước mắt. Giờ đây trước mặt y chỉ còn là một con người cân bằng, thận trọng và khôn ngoan, mỉm cười rụt rè nhưng cương quyết khi y tới gần. Connie lấy làm tự hào và có hơi ngại Rosashan. Mỗi lần có thể, y đặt tay lên người cô hoặc đứng sát bên làm sao cho hai thân xác đụng vai, đụng hông nhau. Qua đó, y muốn gìn giữ một sự chung đụng mà nếu khác đi thì có cơ bị lỏng lẻo. Y là một anh chàng gầy, nét mặt xương xương có cái gì đó giống như người vùng Texas, và đôi mắt xanh biếc của y đôi khi nom nguy hiểm, đôi khi thân ái, đôi khi khiếp sợ nữa. Y là một tay lao động, sẽ là người chồng tốt. Y uống vừa đủ, không bao giờ quá chén. Khi cần thì đánh nhau nhưng không khoác lác. Giữa đám đông, y ngồi trầm lặng, nhưng xoay xở làm sao để thiên hạ biết y có mặt ở đấy và để khẳng định tư cách của y.
Chú John đã quá năm mươi tuổi và lẽ dĩ nhiên chú là một trong những người chủ gia đình, giá không phải như thế, chú đã không ưa chiếm chỗ ngồi danh dự cạnh anh tài xế. Chú muốn Rosashan ngồi vào chỗ đấy. Nhưng chuyện đó đâu có được, vì cô là thân đàn bà con gái, lại trẻ. Nhưng chú John thấy không yên tâm, đôi mắt bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn lộ vẻ băn khoăn, còn cái thân người mảnh và tráng kiện vẫn rụt lại. Hầu như mãi mãi, sự cô đơn đặt một rào chắn giữa chú John với mọi người, giữa chú John và những đam mê. Chú ăn ít, không uống bất cứ rượu gì và sống độc thân. Nhưng ngấm ngầm phía dưới cái hình hài đó, những dục vọng có cơ căng phình lên đến nổ tung. Lúc đó thì chú ăn lấy ăn để đủ thứ mà chú khát khao, ăn đến nỗi bội thực, hoặc giả chú uống uytki đến nỗi chỉ là kẻ thân tàn ma dại run lẩy bẩy, mắt đỏ ngầu và đầm đìa nước mắt, hoặc giả chú vực mình lăn lê trong sự trác táng với con đĩ nào đó ở Sallisaw. Người ta kể rằng có một lần chú mò tới tận Shawnee, chú thuê ba con đĩ nhét vào chung một giường và trong cơn điên dâm dục, suốt một tiếng đồng hồ, chú vừa khụt khịt, vừa lăn xả vào mấy cái thân hình trơ trơ của bọn chúng. Nhưng khi đã chán chê chú lại trở nên buồn bã, xấu hổ và cô đơn. Chú tránh né mọi người, và cố gắng dùng quà cáp để được xoá tội. Chính lúc đó chú lần vào các nhà, nhét kẹo cao su vào dưới gối lũ trẻ con, chính lúc đó chú chặt củi cho thiên hạ mà không chịu lấy công. Chính vì thế mà có gì là của chú, chú đem cho tất: một yên ngựa, một con ngựa, một đôi giày mới. Vào những thời gian đó, người ta không thể nói chuyện với chú, bởi vì chú trốn mọi người, mà nếu không làm được thế, chú rút vào vỏ ốc và chỉ hé một con mắt hoảng sợ để nhìn ra ngoài. Cái chết của vợ chú; tiếp theo sau là những tháng dài cô độc đã đem lại cho chú một mặc cảm về tội lỗi và sỉ nhục, hòa lẫn với một nỗi cô đơn khôn nguôi đè nặng lên chú.
Nhưng thật éo le, có những việc mà chú không trốn tránh dược. Đã là một trong những ông chủ gia đình, chú phải buông giầm cầm chèo mà hiện giờ là phải ngồi vào chỗ danh dự ở phía trước.
Ba người đàn ông đã ngồi ở ghế trước, nom buồn bã ủ ê khi trở về nhà trên con đường bụi bẩn. Cúi xuống tay lái Al hết nhìn con đường cái và cảnh vật một bên đường, vừa lái vừa phải trông coi kim ampe kế đang nẩy lên một cách đáng lo, vừa trông coi mức dầu và cái nhiệt độ kế… Trí óc của hắn ghi nhận những điểm yếu hoặc những chi tiết đáng ngờ của chiếc xe. Hắn lắng nghe cái tiếng rên rỉ có thể do cái cầu phía sau thiếu tra mỡ, bị khô, lắng nghe tiếng pitông nâng lên hạ xuống, để tay lên cái cần gạt tốc độ dò xem sự hoạt động của các trục, và hắn đã nhả máy hãm để thử sự xê xích của hợp lò xo. Có thể, chốc chốc cả người hắn rừng rực như con cừu đực động cỡn nhưng lần này thì không, trách nhiệm của hắn đã bị ràng buộc với chiếc xe, với việc bảo quản nó. Nếu xảy ra hỏng hóc thì là lỗi tại hắn, và ngay dù không ai hề đả động đến, nhưng mọi người, nhất là Al, đều biết là lỗi tại hắn. Bởi thế hắn sờ soạng chiếc máy của hắn, trông coi nó, lắng nghe nó. Và khuôn mặt của hắn biểu lộ một ý thức trách nhiệm nghiêm túc. Và ai ai cũng vì nể hắn, hắn và trách nhiệm hắn đảm đương. Ngay cả Bố, là người chủ, cũng cầm lấy lắc lê khi Al trao nó cho ông và ông làm theo lệnh hắn.
Ngồi trong xe, ai cũng mệt mỏi. Ruthie và Winfield mệt mỏi vì đã thấy quá nhiều sự di chuyển, quá nhiều khuôn mặt, và đã xoay xở quá nhiều để có được những dây cam thảo, mệt mỏi do bực bội với chú John vì chú cứ mải lén lút nhét kẹo cao su vào túi chúng. Những người ngồi phía trước thì chán nản, bực tức và buồn bã vì họ bán tất cả đồ gỗ mà chỉ được vẻn vẹn có mười tám đôla. Họ đã quần khách mua, rát cổ họng vì tranh cãi nhưng họ đã thua khi tay mua có vẻ chả thiết, khi lão nói rằng có cho không, lão cũng chả thiết. Chính họ bị thua ở điểm đó. Vì tin lão nói thật họ phải chịu thiệt hai đô la do với giá lão trả lúc ban đầu. Bây giờ họ chán ngán và hoảng sợ vì đã đối đầu với một phương thức mà họ không hiểu và bị nó đánh bại. Họ biết, ngựa và xe giá cao hơn thế nhiều. Họ biết, tay mua sẽ kiếm được thêm nhưng họ không biết cách xoay xở. Họ mù tịt những bí quyết lắt léo của sự mặc cả buôn bán.
Al mắt hết nhìn đường cái lại nhìn bảng số trên xe nói:
– Cái lão ấy, chả phải người ở đây. Lão không nói tiếng vùng ta, mà ăn mặc cũng không như người vùng ta.
Bố nói rõ thêm:
– Lúc tao ở nhà lão chủ hiệu ngũ kim, tao có nói chuyện với mấy người tao quen. Theo họ nói thì có những thằng cha như vậy đấy, chúng tới đây cố tình mua tất tật những gì mà bọn tá điền như chúng ta phải bám để có thể ra đi. Đâu chúng không phải xứ này, chúng hốt tiền trên lưng trên cổ bọn ta. Nhưng chúng ta chịu bó tay, biết thế mà chả làm gì được. Nhẽ ra thằng Tom phải đi cùng. Biết đâu hắn lại không biết cách làm ăn hơn ta.
John nói:
– Nhưng cái thằng cha ấy, nó có thiết quái gì đâu. Chả nhẽ lại mang trở về.
– Những kẻ mà tao biết cũng bảo như vậy đấy. – Bố nói – Họ nói cái bọn đi mua kia lúc nào cũng làm như vậy. Mánh lới của chúng là khiến người ta đâm hoảng. Có điều rõ, là bọn ta không biết cách xoay xở, thế thôi. Mẹ mày sẽ thất vọng. Thất vọng và bực dọc.
Al nói:
– Theo Bố thì bao giờ đi được?
– Chưa biết. Tối nay sẽ bàn và sẽ quyết định. Có điều là Tommy đã trở về, thế 1à tao ưng rồi. Khỏi canh cánh trong lòng. Tommy nó biết thương nhà lắm.
Al nói:
– Bố ạ, có những đứa chúng nói về anh Tom, theo chúng thì Tom đã được tha vì đã hứa, mà như thế có nghĩa là anh ấy không được rời khỏi Bang. Nếu anh ấy đi, họ sẽ bắt lại và sẽ dẫn về nơi kia giam ba năm.
Bố sững sờ.
– Chúng nói thế hả? Thật sự chúng biết chuyện này? Hay chỉ là chuyện ba láp?
– Con không biết. – Al nói. – Họ chỉ trò chuyện thế thôi, con không nói cho họ biết đó là anh con. Con nán lại đấy để nghe.
– Trời ơi là trời! Tao mong là họ chỉ nói vớ vẩn thôi. Chứ chúng ta cần đến Tom. Tao sẽ hỏi sự thể ra sao. Như thế này cũng đã đủ khổ lắm rồi. – Cần thì phải có ma quỉ đuổi sau đít nữa. Tao mong là không đúng. Sẽ phải bàn bạc xem cho biết rõ.
Chú John nói:
– Như thế nào thì Tom nó biết.
Họ im bặt, còn chiếc xe cà tàng kỳ cục tiếp tục hành trình. Động cơ ầm ĩ, chứa đầy những tiếng ken két, lích kích và cần hãm lách cách không ngừng. Báng xe rên rỉ và một tia hơi nước phọt ra từ một lỗ của chiếc nút bộ tản nhiệt. Chiếc xe cuốn lên một đám bụi đỏ mịt mù phía sau nó. Họ leo lên sườn dốc thấp cuối cùng trong khi một nửa mặt trời còn nằm phía trên chân trời, và nó vừa lặn hẳn thì họ lao thẳng xuống phía nhà. Phanh xe ken két lúc họ dừng lại, tiếng kêu đó lập tức in đậm vào trí óc Al, bộ hãm thế là đi đứt.
Ruthie và Winfield vừa lao qua thành xe vừa la hét và nhảy thịch xuống đất. Chúng kêu toáng lên.
– Anh ấy đâu? Anh Tom đâu?
Thấy anh đứng gần cửa, chúng đứng sững lại, bẽn lẽn, rồi chúng chậm rãi bước lại gần anh, và rụt rè nhìn anh.
Nghe tiếng: “Nhóc con, chào các em, thế nào, khoẻ không?” chúng nhỏ nhẹ đáp:
– Chào anh, khoẻ lắm!
Và chúng đứng tránh ra, trộm lén nhìn kỹ thằng anh đã từng giết người và đã bị bỏ tù. Chúng nhớ lại trò chơi bỏ tù trong chuồng gà và chúng đã đánh nhau như thế nào vì muốn bắt đứa nào làm tên tù.
Connie Rives nâng tấm ván phía sau xe lên rồi bước xuống để đỡ Rosashan. Cô chấp nhận sự giúp đỡ với vẻ quí phái, coi đó như một sự quan tâm tôn kính, đồng thời cô mỉm cười với vẻ thông hiểu, thoả mãn, khoé miệng hơi nhếch lên thoáng một chút hợm hĩnh.
Tom nói:
– Ơ kìa, Rasasharn, tưởng là ai. Anh không biết là em cũng đến đây.
– Bọn em đi bộ. Gặp xe lên luôn. – Rồi cô thêm. Em giới thiệu với anh, Connie, chồng em. – Và khi nói như vậy, nom cô thật trang trọng.
Hai chàng trai vừa xiết tay nhau, vừa đánh giá lẫn nhau, soi mói nhìn nhau, một lúc sau họ tự cho là đã được thoả mãn, Tom nói:
– Anh thấy chúng mày biết tranh thủ thời gian!
Cô cúi mặt:
– Đã thấy gì đâu, chưa đâu.
– Chính mẹ nói anh biết. Bao giờ ấy nhỉ?
– Ô! Còn lâu, không trước mùa đông được.
Tom cười:
– Em muốn đứa trẻ sinh ra dưới bóng cây cam, đúng không? Trong một ngôi nhà trắng, xung quanh toàn cam.
Rosasharn đưa cả hai tay sờ bụng.
– Còn non tháng, – cô nói, và cô cười với vẻ thoả mãn rồi đi vào nhà. Buổi chiều nóng bức, ánh sáng còn đỏ rực ở phía tây. Như theo một tín hiệu, cả gia đình nhóm lại quanh chiếc xe và thế là nghị viện, chính phủ gia đình mở đầu buổi họp.
Trong ánh hoàng hôn, đất đỏ nom trong suốt và do đó sâu thẳm, mênh mông thêm, và hình dáng đường nét các đồ vật cũng sắc cạnh thêm. Một phiến đá, một cái cọc, một ngôi nhà đi vào bề sâu nhiều hơn, đậm đặc hơn là trong ánh ban ngày. Và những cảnh vật đó trở nên những thứ mang hồn riêng biệt một cách lạ lùng – cái cọc bây giờ mới thực chất là cái cọc, nó tách rời khỏi đất đai mà nó được trồng xuống, và tách khỏi cánh đồng ngô trên đó bóng nó đang in dài. Cây cỏ cũng mang hồn riêng, thôi không còn là thứ đem lại mùa màng, cây liễu buông xõa tóc là là, thanh thoát, tự nó gỡ ra khỏi các cây liễu khác. Đất đai góp phần vào ánh chiều. Mặt phía trước ngôi nhà xám không quét vôi, bây giờ nhuốm ánh trăng xanh phơn phớt. Chiếc xe màu xám phủ bụi ở trước cổng sân, nổi bật lên trong vùng ánh sáng huyền ảo như trong cảnh sắc của một chiếc kính lập thể.
Buổi chiều tối cũng làm cho con người thay đổi khiến họ bình tĩnh hơn. Hình như họ là thành phần trong một tổ chức cái vô thức. Họ tuân theo những xung lực mà đầu óc họ chỉ ghi nhận một cách mơ hồ. Đôi mắt họ hướng về nội tâm, êm ả, và đôi mắt của họ cũng sáng long lanh trong không khí buổi tối, long lanh trên các khuôn mặt lấm bụi.
Cả gia đình tụ họp gần bên chiếc xe là chỗ quan trọng nhất. Ngôi nhà đã chết, cánh đồng đã chết, nhưng chiếc xe này vẫn hoạt động, là nguyên lý sống. Chiếc Hudson cổ xưa với tấm chắn bộ tản nhiệt méo vênh và nổi u, với những cục mỡ tròn lấm tấm bụi đọng lại bên rìa mòn của tất cả các bộ. Chính chiếc xe đó, – nửa – xe du lịch – nửa xe tải, với các cạnh cong vênh, nom thật khó coi – bây giờ đã trở thành bếp lửa mới, trung tâm sống động của gia đình.
Bố đi vòng quanh chiếc xe, nhìn nó rồi ngồi xổm trong cát bụi, tìm được một cái que để vạch vạch trên cát. Một bên bàn chân tì bệt xuống đất, bàn chân kia hơi rụt lại gần như nhón lên, cho nên một đầu gối cao hơn đầu gối kia. Cẳng tay trái tựa vào cái đầu gối phải, còn nắm tay phải chống cằm. Bố ngồi xổm, mắt dán vào chiếc xe, cằm tì vào nắm tay. Chú John lại gần ông và ngồi xổm bên cạnh. Đôi mắt họ suy tư. Ông nội ở trong nhà bước ra, thấy cả hai người đang ngồi xổm bên nhau. Chân bước lập cập, ông lại gần và ngồi ở bậc lên của chiếc xe đối diện với họ. Ba người làm hạt nhân. Tom, Connie và Noah tới nơi, ngồi xổm xuống thành một hình cung mà ông Nội là trung tâm. Đến lượt bà mẹ từ trong nhà đi ra cùng bà Nội, Rosasharn thận trọng bước theo sau. Họ đến đứng chống nạnh phía sau đám đàn ông. Còn bọn trẻ con, Ruthie và Winfield đứng bên cạnh đám phụ nữ, lấy ngón chân cái sục sạo trong đất đỏ nhưng không dám làm ồn. Chỉ thiếu ông mục sư. Là một mục sư tốt bụng, ông biết rõ việc gia đình nên ông giữ ý ngồi ở phía sau nhà.
Ánh sáng buổi tối dịu đi, gia đình lặng im trong một chốc. Tiếp đó, trước đông đủ cả nhóm, Bố bắt đầu thuật lại sự việc.
– Chúng ta đã bị lừa gạt khi bán đồ đạc. Cái thằng cha ấy hắn buộc chúng ta phải bán, hắn biết chúng ta đang vội nên chúng ta chỉ bán được mười tám đôla.
Mẹ bồn chồn cựa quạy, nhưng giữ được bình tĩnh.
Anh cả Noah nói:
– Gộp tất cả, nhà mình có bao nhiêu?
Bố vẽ vẽ những con số trên cát và lẩm bẩm một mình.
– Trăm năm mươi tư đô. Nhưng thằng Al nói ta phải có lốp mới. Hắn nói là những chiếc lốp có sẵn kia chả kéo dài được lâu.
Lần đầu tiên Al tham dự hội nghị. Cho đến giờ, hắn cứ đứng phía sau với đám phụ nữ, bây giờ hắn phải trình bày rõ sự việc. Hắn nói một cách đĩnh đạc:
– Xe đã cũ và xấu xí. Trước khi mua, con đã xem xét kỹ khắp các bộ phận. Cái thằng đứng bán kể lể lải nhải rằng đó là món hời, nhưng con chả thèm nghe. Con đã thọc ngón tay vào bộ vi sai, không thấy có mạt cưa. Con mở hộp số, cũng không thấy có mạt cưa. Con đã thử tốc độ và thử đổi hướng. Con luồn xuống nằm phía dưới, khung gầm không bị vát, bị vẹo, chưa bao giờ nó gặp tai nạn. Con thấy có chút nứt nẻ ở bộ phát điện, và đã nói với hắn thay cho con cái mới. Lốp thì gần như đi đứt rồi, nhưng thuộc cỡ phổ biến. Dễ kiếm. Máy có những chỗ không ổn nhưng dầu không rỉ ra. Lý do con mua nó là vì nó thông dụng. Nghĩa địa ô tô đầy những Hudson Super – six và các bộ phận thay thế không đắt. Với giá đó, con có thể mua một chiếc lớn hơn, chạy nhanh hơn, nhưng phụ tùng khó kiếm vả lại đắt. Đấy, tóm lại, con suy tính như thế.
Với kết luận như vậy, hắn phó mặc cho gia đình đánh giá. Hắn im bặt, chờ đợi ý kiến chung.
Về danh nghĩa, ông Nội vẫn là chủ, nhưng cụ không quản nữa. Địa vị của cụ chỉ có tính cách hoàn toàn danh dự, một chuyện theo tập quán. Nhưng cụ có quyền đưa ý kiến ra trước tiên, cho dầu nó cũng ngớ ngẩn như cái đầu óc già nua của cụ. Kẻ ngồi xổm người đứng, ai nấy đều chờ cụ lên tiếng.
– Mày khá lắm, cháu Al ạ. Hồi còn trẻ, tao cũng như mày cùng là thằng oắt con ngạo nghễ. Như con dê động rồ 2 chỉ biết đến chuyện cưa gái và làm chuyện bậy bạ. Tiếng thế chứ, việc đến tay là có tao. Càng nhớn mày càng khôn ra.
Ông kết thúc với giọng ban phúc, và Al thích thú đến đỏ mặt. Bố nói:
– Theo tao, suy tính thế là đúng. Giá như phải chuyện ngựa nghẽo, thì không nên giao trách nhiệm cho Al. Nhưng về ô tô ở đây chỉ có hắn biết.
– Con cũng biết chút ít, – Tom nói. – Con đã lái mấy lần ở Mac – Alester. Al nói đúng. Hắn làm thế là phải.
Bây giờ thì Al đỏ dừ trước lời khen ngợi. Tom nói tiếp:
– Ý con muốn nói là… à, ông mục sư kia… ông ta muốn đi cùng chúng ta.
Rồi anh nín thinh. Tiếng anh nói rơi tõm xuống nhóm, cả nhóm im lặng.
– Ông ấy tốt bụng, – Tom tiếp tục. – Nhà ta quen biết ông ấy đã lâu. Nhiều lúc ông ăn nói hơi ngồ ngộ nhưng ông ấy nói những điều phải chăng.
Anh chỉ nói thế, rồi còn để cả gia đình định liệu.
Ánh sáng mờ dần. Mẹ rời nhóm đi vào nhà và người ta nghe những vòng sắt của bếp lò kêu lách cách. Một lát sau đó, bà trở lại đứng vào chỗ cũ trong hội đồng, tại đây, ai cũng đang đăm chiêu trù tính.
Ông Nội nói:
– Có hai cách suy nghĩ. Có những kẻ tin rằng các ông mục sư, họ mang đến điều xúi quẩy.
Tom nói:
– Ông nói ông không còn là mục sư nữa.
Ông Nội khoát tay:
– Đã là mục sư thì bao giờ cũng là mục sư. Đâu có phải là điều dễ gì mà rũ sạch được. Có những kẻ cho rằng theo ý chúng, thì đưa một mục sư đi cùng là điều hay, đáng kể. Ai chết, đã có ông mục sư ở đấy để chôn cất. Đến mùa cưới xin hay cưới xin đã qua, đã có ông mục sư; nếu có đứa bé ra đời, đã có người để nhập đạo cho nó liền ngay. Tao, tao luôn luôn từng nói, mục sư thì cũng có năm bảy loại. Tao, tao thích ông đó. Ông ta không lên mặt ta đây.
Bố cắm chiếc gậy vào bụi cát, lấy ngón tay xoay xoay mãi tới lúc đào được một cái lỗ nhỏ.
– Chuyện không phải là tìm xem ông ta mang hoạ hay mang phúc gì tới, hoặc tốt xấu. Nên nhìn kỹ hơn. Nhìn kỹ hơn thì kể cũng đáng buồn. Xem thử nào. Ông và Bà, hai người. Chú John, mẹ chúng bay và tao, là năm. Noah, Tommy và Al… là tám. Rosasharn với Connie là mười, Ruthie với Winfieid, mười hai. Phải đưa mấy con chó đi, không thì làm thế nào với chúng? Không thể giết những con chó khôn, mà đem cho thì cho ai bây giờ? Vị chi mười bốn.
– Chưa kể đàn gà con còn lại và hai con lợn. – Noah nói.
Bố nói:
– Tao có ý kiến, lợn thì đem giết ướp muối để dọc đường có cái ăn. Ta phải có thịt, ta đem thùng ướp muối đi cùng. Nhưng thử hỏi, liệu có thể cả nhà nhét vào xe tải, thêm ông mục sư nữa. Và liệu có thể nuôi thêm một miệng ăn không? – Không quay đầu lại, bố hỏi – Có thể được không mẹ nó?
Bà mẹ đằng hắng rồi nói:
– Không nên nói có thể hay không có thể mà phải nói muốn hay không muốn – bà nói cương quyết. Có thể hay không ư? Chúng ta chả có thể làm được gì hết, thậm chí không thể không đi California, hoàn toàn không, nhưng có muốn hay không muốn thì thế này, chúng ta muốn làm gì, chúng ta làm nấy. Lại nữa, muốn hay không muốn ư? Gia đình nhà ta ở đây và ở miền Đông, đã lâu rồi, thế mà tôi chưa từng nghe nói họ Joad cũng như họ Hazlett đã từ chối miếng ăn, chỗ ở hoặc cho đi nhờ xe, đối với bất cứ ai. Nhà Joad có những người xấu bụng, nhưng đâu có xấu đến mức tồi tệ thế.
Bố xen ngang:
– Nhưng dẫu sao, không đủ chỗ thì sao? Ông đã quay vẹo cả cổ lại để nhìn bà; và ông đâm xấu hổ. Giọng nói của bà làm ông xấu hổ – cứ giả dụ là không thể nhét hết vào xe được thì sao?
– Ngay bây giờ đã không được rồi, – bà nói – Không đủ chỗ cho sáu người, ấy thế mà chắc chắn đã có mười hai người đi. Thêm một người, có hại gì quá lắm đâu, mà lại là một người khoẻ mạnh, thế thì chả bao giờ có chuyện phiền hà, khó xử. Với lại, một khi đang có con lợn, với trên trăm đô, mà cứ băn khoăn chẳng biết có nuôi thêm được một miệng ăn hay không…
Mẹ ngừng bặt, Bố quay đầu lại, đau buốt sau cái đòn gay gắt đó. Bà Nội nói:
– Có một ông mục sư ở với mình là điều hay. Sáng nay ông ta đã nói những lời tạ ơn tốt lành.
Bố nhìn mỗi khuôn mặt để xem có ai phản đối gì không, rồi ông nói:
– Đi tìm ông ta, Tommy. Nếu ông ta phải đi cùng chúng ta, thì ông ta nên tới đây. Tommy đứng lên, vừa rẽ về phía sau ngôi nhà vừa gọi to:
– Casy… ơi! Ông Casy.
Một tiếng nghẹn ngào đáp lại từ phía sau ngôi nhà. Tom rẽ về phía đó và trông thấy ông mục sư ngồi tựa lưng vào tường, mắt dán vào ngôi sao hôm lấp lánh trên bầu trời tái nhợt.
– Mày gọi tao? – Casy hỏi.
– Đúng. Ý nhà tôi là nếu ông đi với chúng tôi, ông phải đến để bàn xem nên thế nào.
Casy đứng lên, ông hiểu việc quản lý gia đình, ông biết mình vừa được chấp nhận vào gia đình, thậm chí còn có địa vị cao là đằng khác, bởi vì chú John né sang bên, dành cho ông một chỗ giữa chú và Bố. Casy cũng ngồi xổm như những người khác, đối diện với ông Nội ngồi trên bậc xe như ông vua trên ngai vàng…
Mẹ trở lại vào nhà. Nghe rõ tiếng chao đèn ken két rồi một ánh sáng màu vàng chiếu bắn vào trong bếp. Khi bà nâng nắp chiếc thùng to lên, mùi thịt lợn hầm và bắp cải theo từng luồng hơi phun ra cửa. Cả nhà nhìn vào cái sân tối sầm, chờ bà trở lại, vì bà có uy lực trong nhóm.
Bố nói:
– Phải quyết định khi nào lên đường. Càng sớm càng tốt. Điều phải làm trước khi đi, là giết lợn, ướp muối, chất các đồ đạc lên xe rồi tếch thẳng. Càng sớm càng tốt.
Noah tán thành:
– Nếu làm đi một lèo, thì ngày mai đã sẵn sàng, và đúng ngày kia là đi.
Chú John cãi lại:
– Gặp nắng nóng ban ngày, thịt không lạnh lại được. Giết lợn vào mùa này là không phải lúc. Nếu không lạnh lại, thịt sẽ mền nhũn ra.
– Đã thế, ta làm tối nay. Đêm nay nó sẽ lạnh lại, được chăng hay chớ. Không thể lạnh hơn được. Mẹ nó có muối không?
Mẹ đáp:
– Ờ muối thì tha hồ. Tôi cũng có hai thùng để ướp muối.
– Được, thế thì bắt tay vào việc thôi. – Tom nói.
Ông Nội bắt đầu cựa quậy, sờ soạng tìm chỗ tựa để đứng lên.
– Bắt đầu tối rồi, – ông nói, – mà tôi bắt đầu thấy đói. Đợi lúc tới California, lúc nào tao cũng có một chùm nho trong tay, mà mẹ kiếp, cả ngày tao chỉ ngồi nhấm nhót.
Ông đứng dậy, và ai nấy đều đứng cả lên.
Ruthie và Winfield, háo hức nhảy trong bụi cát như lũ trẻ điên. Ruthie rỉ vào tai Winfield với tiếng khàn khàn:
– Nhà giết lợn rồi đi California… Nhà giết lợn rồi đi California… tất cả cùng một lúc.
Và Winfield rơi vào trạng thái như điên thật sự. Nó đặt ngón tay lên cố họng, nhăn nhó một cái nom thật khủng khiếp rồi bắt đầu chạy lảo đảo và vừa thét lên những tiếng kêu eng éc.
– Tao là con lợn già. Nhìn xem? Tao là con lợn già. Nhìn xem máu này, Ruthiet – Rồi nó chệnh choạng, ngã lăn xuống đất, tay chân giãy giụa, như sắp chết.
Nhưng Ruthie nhớn tuổi hơn, nó nhận biết được sự quan trọng kỳ lạ của giờ phút này.
– Và nhà ta đi California, – nó nhắc lại. Nó biết rằng đây là lúc quan trọng nhất trong đời nó.
Mấy người lớn đi xa dần trong bóng tối, tiến về phía căn nhà bếp có đèn. Mẹ dọn cho họ ăn những lá rau xanh và thịt trong các đĩa thiếc. Nhưng trước lúc ăn, bà đặt cái chậu to lên lò và quạt lửa, xách những xô đầy nước đặt khắp xung quanh các chậu gỗ. Căn nhà bếp thực sự trở thành một phòng tắm Thổ Nhĩ Kỳ, cả nhà ăn vội rồi đến ngồi ở ngưỡng cửa chờ đợi cho nước nóng. Họ nhìn vào đêm tối, ngắm cái vùng ánh sáng mà ngọn đèn từ nhà bếp rọi xuống đất qua cánh cửa mở, có bóng khom khom của ông Nội ở giữa. Noah cẩn thận xỉa răng với một cọng chổi. Mẹ và Rosasharn rửa bát đĩa và chồng lên bàn.
Rồi đột nhiên, cả nhà bắt đầu hoạt động. Bố đứng lên thắp một chiếc đèn lồng khác. Noah vào bếp lôi ở hòm ra con dao hàng thịt ngắn lưỡi và mài lại. Rồi anh đặt cái nạo trên cái thớt cạnh con dao. Bố đem tới hai khúc gỗ dài ba bộ, lấy cái rìu vạc nhọn một đầu gỗ, rồi buộc thắt nút hai chiếc giây thừng ở giữa mỗi chiếc gậy.
Ông cằn nhằn:
– Nhẽ ra không nên bán cái cần gỗ thắng ngựa… không nên bán hết.
Nước trong các chậu bốc hơi rồi sùng sục.
Noah hỏi:
– Đưa nước xuống dưới kia hay là khênh lợn lên đây?
– Cho lợn lên. – Bố nói, – Dội nước sôi cho lợn đâu có như dùng nước lã. Không khéo lại bị bỏng. Nước sắp được chưa?
– Gần được. – Mẹ đáp.
– Tốt. Noah con hãy đi với Tom và Al. Tao xách đèn. Ta giết chúng ở dưới kia rồi khênh lên đây.
Noah cầm con dao, xách rìu và cả bốn người đi về phía chái nuôi lợn. Ánh đèn chập chờn luẩn quẩn ở cẳng họ. Ruthie và Winfied vừa đi theo họ, vừa nhảy nhót. Tới chuồng lợn. Bố xách đèn, cúi người luồn qua bờ rào. Những con lợn con còn ngủ say bèn đứng dậy miệng kêu ủn ỉn nghi ngại. Chú John và ông mục sư xuống đỡ một tay.
– Được rồi, – Bố nói – Làm thôi. Ta sẽ chọc tiết trước rồi đem lên nhà, dội nước sôi.
Noah và Tom nhảy qua rào. Thoắt một cái. Tom khéo léo trở sống rìu giáng hai nhát và Noah, cúi xuống hai con lợn bị hạ đưa mũi dao sục sạo tìm động mạch lớn rồi thọc mũi dao vào, máu phun ra như suối. Rồi họ bước qua rào với những con lợn đang gào rú. Ông mục sư và chú John nắm chân sau một con lôi đi, còn Tom và Noah cáng đáng lấy con kia. Bố xách đèn đi theo, máu dây ra vạch hai vệt đen thẫm trong đất bụi.
Lợn đã được lôi lên nhà, Noah lách con dao vào giữa bẹn và xương cẳng sau. Hai chiếc gậy nhọn giữ cho chân giạng ra, và cả hai thân lợn được treo lên xà nhà. Người ta mang nước sôi tới lên thân lợn đen. Noah mổ bụng và để cho lòng lợn rơi xuống đất. Bố vát nhọn hai khúc gỗ khác để giữ cho mình lợn phơi ra gió, còn Tom với một cái nạo và Mẹ với một con dao cùn, hai người cạo lông. Al đi tìm một cái chậu, nháo nhào tùa lòng ruột vào một chậu rồi đem đổ ra khá xa. Hai con mèo vừa đi theo Al, vừa ầm ĩ meo meo, còn sau nữa là hai con chó vừa đi vừa gầm gừ khe khẽ.
Bố ngồi ở ngưỡng cửa nhìn mấy con lợn treo lủng lẳng trong ánh sáng chiếc đèn lồng. Lông đã làm xong, chỉ có vài giọt máu từ thân lợn nhỏ xuống vũng nước đen dưới đất. Bố đứng lên lại gần mấy con lợn, sờ sờ nắn nắn, rồi lại ngồi xuống. Ông Nội tay xách chiếc đèn cắm nến cùng bà Nội tiến lại nhà kho để đi ngủ. Những người còn lại bình thản ngồi trước cửa, Connie, Al và Tom thì ngồi dưới đất lưng tựa vào tường nhà. Chú John chễm chệ trên một cái hòm và Bố thì đứng ở khung cửa. Chỉ có Mẹ và Rosasharn là cứ tiếp tục loay hoay đi lại. Ruthie và Winfleld đang cố chống lại cơn buồn ngủ; Noah và ông mục sư ngồi xổm cạnh nhau, nhìn ngôi nhà. Bố gãi gãi một cách bứt rứt, cất mũ rồi đưa tay vò đầu.
– Ngày mai thật sớm ta sẽ ướp muối con lợn này, rồi chất đồ đạc lên xe, tất tật, trừ mấy cái giường, rồi sáng ngày kia, hốp! Ra đi. Chẳng cần phải mất đến một ngày, – Ông nói, vẻ rầu rầu.
Tom xen vào:
– Thế là loay hoay cả ngày mà chẳng biết làm gì.
Cả nhóm xôn xao, bứt rứt.
– Có thể đến rạng sáng đã sẵn sàng rồi, ta đi thôi – Tom gợi ý. Bố xoa xoa đầu gối. Sự bứt rứt của ông lây lan sang mọi người khác.
Noah nói:
– Ơ�ớp muối thịt ngay lập tức đi thôi, chắc chắn là chả có sợ nó thiu thối. Chỉ việc cắt miếng ra, nó càng chóng lạnh.
Chú John không nén được lâu nữa, chú nắm ngay lấy cái khó khăn để giải quyết.
– Chần chừ thì ích gì. Chi bằng chấm dứt quách. Đã đến nước phải đi, thì sao không đi ngay?
Sự quay ngoắt ý kiến này lây lan sang người khác.
– Tại sao lại không đi ngay nhỉ? Sẽ ngủ dọc đường.
Và bỗng dưng một cảm giác vội vã râm ran trong người họ.
Bố nói:
– Hình như phải đi hai ngàn dặm. Một đoạn đường xa cực đấy. Tốt nhất là ra đi thôi. Noah, con có thể cắt khúc cả hai con lợn rồi chất cả lên xe.
Mẹ ló đầu qua cửa:
– Tối tăm thế này, chả nhìn thấy gì, nhỡ quên cái này cái nọ, thì sao?
– Lúc nào trời sáng, chỉ cần nhìn khắp một lượt là được thôi, – Noah nói.
Rồi tất cả im bặt, ngồi suy nghĩ. Nhưng được một lúc, Noah đứng lên, mài lại con dao lưỡi cong trên hòn đá mài.
– Mẹ ơi, – anh nói – Mẹ dẹp cái bàn này ra cho con. Rồi anh lại gần con lợn, xẻ một đường dọc sống lưng và bắt đầu róc thịt ở sườn.
Bố đứng ngồi không yên:
– Phải nhặt tất. Nào, các con!
Giờ đây, một khi họ đã dứt khoát lên đường, ai nấy đâm ra vội vội vàng vàng. Noah mang những miếng thịt vào bếp cắt nó ra thành những miếng vuông nhỏ để ướp muối. Mẹ lấy muối phủ lên chúng, xếp lần lần từng miếng một trong thùng ướp sau khi đã thận trọng không để miếng nọ đụng miếng kia, bà đặt các tảng thịt như xếp gạch và lấp muối vào các khe hở. Rồi Noah cắt sườn, chặt cẳng. Trong lúc Noah róc hết thịt ở sườn, xương sống và xương cẳng thì Mẹ giữ cho lửa cháy đều, rồi bỏ xương vào lò nướng để gặm sau.
Trong sân và trong nhà kho, các vũng tròn của ánh đèn lồng chờn vờn chỗ này chỗ nọ. Đàn ông chồng chất vào một chỗ tất cả những gì phải mang đi, rồi tải hết lên xe. Rosasharn mang tới tất thảy những áo quần mà gia đình có: quần áo xanh lao động, giày to đế, ủng cao su, những thứ quần áo thường dùng tốt nhất, áo len và những áo vét da cừu. Cô lèn chúng thật chặt vào một cái hòm, trèo vào trong và lấy chân nén thật chặt. Rồi cô lại mang tới những áo dài bằng vải in cành lá, khăn choàng, tất bông đen và quần áo trẻ con – quần yếm, áo trúc bâu rẻ tiền – cô bỏ tất cả vào hòm lấy chân dận xuống.
Tom đi vào chái cất dụng cụ, lấy ra tất cả các dụng cụ cần phải mang đi, một chiếc cưa tay, một chùm lắc lê, một chiếc búa với một hộp đinh vừa cỡ, một đôi kìm, một chiếc giũa bẹt và một bộ giũa tròn nhỏ.
Còn Rosasharn thì mang lại một miếng vải to tẩm hắc ín rồi trải ra phía sau xe. Qua cánh cửa, cô dang tay nắm miệng kéo mấy tấm đệm lên, ba tấm to, một tấm nhỏ. Cô đặt chúng lên trên tấm vải và mang tới thêm từng ôm các tấm chăn cũ mà cô trải chồng lên trên.
Mẹ và Noah bận rộn xung quanh các bộ xương lợn. Mùi xương cháy từ lò bốc ra. Đêm đã khuya. Cuối cùng thì hai đứa trẻ con không chịu đựng được nữa, Winfield nằm trên đất bụi trước cửa còn Ruthie ngồi trên một chiếc hòm trong bếp để xem làm thịt lợn, đã ngoẹo cổ ra sau mà ngủ, đầu đụng vào tường. Nó thở êm ả và để lộ hàm răng qua đôi môi hé mở.
Tom đã xoay xở xong với các dụng cụ, anh cầm đèn lồng bước vào bếp, theo sau là ông mục sư.
– Mẹ kiếp! – Anh nói, – ông thử ngửi mùi thịt xem. Nghe xem, nó đang nổ lách tách.
Mẹ đặt các vuông thịt vào thùng, rắc muối khắp các mặt, phủ lên phía trên một lớp muối rồi lèn chặt. Bà ngước mắt nhìn Tom, hơi mỉm cười với anh, nhưng cái nhìn của bà nghiêm trang và mệt mỏi. Bà nói:
– Có được xương ăn sáng là ngon lắm.
Ông mục sư lại gần bà.
– Để tôi ướp muối chỗ thịt kia cho, – ông nói. – Tôi có thể làm được. Bà có khối việc khác phải làm.
Bà ngừng công việc, nhìn ông ta một cách ngộ nghĩnh, như thể ông ta đã đề nghị với bà một cái gì lạ lùng. Đôi bàn tay của bà muối phủ trắng và đỏ lòm máu tươi.
– Đây là việc của đàn bà, – cuối cùng bà nói.
– Việc đàn bà hay việc khác, cũng là thế thôi. Công việc ngập đầu thế này thì cần gì phải bận tâm đâu là việc đàn bà, đâu là việc đàn ông. Chẳng phải ở đây bà mới có việc để làm. Để tôi muối chỗ thịt này cho.
Bà còn nhìn dò xét ông ta một lúc nữa, rồi mới đổ nước ở xô vào chậu thau và rửa tay. Ông mục sư lấy các miếng thịt, rắc muối lên trên trong khi bà quan sát ông ta. Rồi ông đặt thịt vào các thùng ướp muối như bà đã làm. Bà chỉ tỏ ra ưng ý khi ông đã xếp xong một lớp và phủ muối lên. Bà lau khô đôi tay nhợt nhạt và phồng rộp.
Tom nói:
– Mẹ à, ta mang thứ gì ở đây đi?
Bà nhanh chóng nhìn khắp căn nhà bếp. Bà đáp:
– Cái xô. Tất cả mọi thứ cho bữa ăn: đĩa, tách, cùi dìa, dao, nĩa. Bỏ tất cả thảy vào ngăn kéo này, mang luôn đi. Cái chảo to, chiếc nồi to, bình cà phê. Lấy cái vỉ nướng chả trong lò ra khi nó đã nguội. Mẹ muốn đưa cái chậu giặt nhưng mẹ e không còn chỗ nữa. Dùng xô để giặt cũng được. Những thứ linh tinh chả được ích gì. Có thể nấu các thứ lặt vặt trong các chảo lớn, nhưng dùng chảo nhỏ mà nấu các thứ to tát, không ổn. Hãy lấy cả cái cối xay bánh, tất tật. Xếp chúng lại với nhau như chồng bát đĩa ấy. – Bà đứng xem xét nhà bếp – Chỉ việc lấy những thứ mẹ dặn thôi, Tom ạ. Còn lại, để mẹ lo, hộp hạt tiêu, muối, đậu khấu, cái nạo. Thứ đó, bao giờ xong, Mẹ sẽ lấy sau.
Bà xách chiếc đèn lên, nặng nề bước vào buồng ngủ, đôi chân để trần không mảy may gây tiếng động.
Ông mục sư nhận xét:
– Mẹ mày có vẻ mệt mỏi.
– Phụ nữ bao giờ chả mệt mỏi, – Tom nói. – Phụ nữ đều thế cả, trừ lúc thỉnh thoảng có nhóm họp.
– Đúng, nhưng mệt hơn thế. Mệt thật sự. Nhoài ra.
Vừa vặn, bà mẹ bước qua ngưỡng cửa và nghe được những tiếng đó. Khuôn mặt bải hoải của bà cứng rắn lại và các nếp nhăn biến mất. Đôi mắt bà lại ánh lên, đôi vai thôi không sụp xuống nữa. Bà nhìn khắp xung quanh căn buồng đã được dọn gần sạch ngoét. Chỉ còn lại những thứ không có giá trị. Những chiếc đệm nằm bừa bộn trên đất đã biến mất. Những chiếc tủ đã bán rồi. Dưới đất có một chiếc lược gãy, một hộp bột talc rỗng, và đây đó rải rác ít phân chuột. Bà đặt chiếc đèn lồng xuống đất. Từ phía sau một chiếc hòm từng dùng làm ghế, bà lấy ra một hộp giấy đựng đồ văn phòng – một chiếc hộp cũ đã gãy góc. Bà ngồi xuống lôi ra các bức thư, đôi hoa tai, một chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng, và một dây chuyền đồng hồ bằng tóc bện, đầu mút có cài móc vàng. Bà đưa đầu ngón tay sờ sờ vào các bức thư, rất nhẹ nhàng, rồi bà miết miết một mảnh cắt ở một tờ báo trong đó có đăng biên bản vụ án xử Tom. Rất lâu, bà nhìn chiếc hộp bà đang cầm trong tay, ngón tay bà xáo trộn các bức thư rồi xếp chúng lại ngăn nắp như cũ. Bà cắn môi dưới, nghĩ ngợi, trăn trở những kỷ niệm. Cuối cùng bà đi đến một quyết định. Bà cầm lấy chiếc nhẫn, dây chuyền, đôi hoa tai, lục lọi tận đáy hộp và tìm thấy một chiếc khuy ống áo bằng vàng. Bà rút một bức thư ra khỏi phong bì rồi bỏ các đồ nữ trang vào phong bì. Bà gấp phong bì lại, luồn nó vào trong túi áo. Nhẹ nhàng, thân thương bà đậy nắp hộp, đưa ngón tay cẩn thận vuốt thật phẳng. Đôi môi bà hé mở. Rồi bà đứng lên, xách đèn và trở vào bếp. Bà nâng cái vành tròn của lò bếp lên, nhẹ nhàng đặt chiếc hộp trên than hồng. Sức nóng nhanh chóng đốt xém vỏ giấy, một ngọn lửa loé lên, liếm vào chiếc hộp. Bà lại đặt chiếc vòng sắt lại như cũ, và trong phút chốc lửa hắt ra một tiếng thở dài, lan toả và nuốt chửng chiếc hộp.
Ở bên ngoài trong sân tối mịt ánh sáng chiếc đèn soi sáng cho Bố và Al chất đồ lên xe. Các dụng cụ sửa chữa nằm ở đáy nhưng đúng tầm với, ngộ nhỡ xe bị hỏng hóc. Tiếp đó là các hòm quần áo, và các dụng cụ nhà bếp đựng trong một cái túi bằng vải thô. Bộ đồ ăn và đĩa xếp trong ngăn kéo. Rồi chiếc xô buộc ở sau. Hai bố con cố làm sao cho phía đáy được bằng phẳng và nhét kín các khe hở giữa các hòm xiểng bằng những cái chăn cuộn tròn. Phía trên, họ đặt các tấm đệm, và chiếc xe chất đầy vẫn nhô ra một bề mặt phẳng phiu. Sau rốt, họ trải tấm vải bạt tấm hắc ín lên trên tất cả đồ đạc và ở các mép, cứ cách hai bộ, Al lại dùi một lỗ và qua đó luồn những dây thừng mà hắn buộc chặt xuống hai bên thành xe.
– Bao giờ trời mưa, ta buộc nó thành chắn phía trên và ngồi xuống dưới trú mưa. Ngồi phía trước chúng ta không bị ướt lắm đâu.
Bố tán thành.
– Ý kiến đó hay đấy.
– Chưa hết đâu. – Al nói. – Có dịp con sẽ kiếm một chiếc sào dài, làm một cột buồm chống vải bạt lên. Như thế sẽ có một cái như cái lều, ai nấy sẽ tránh được nắng.
Bố đồng ý.
– Ý kiến hay lắm. Thế sao mày không nghĩ ra sớm hơn?
– Con không có thì giờ.
– Không thì giờ? Xem nào, Al, mày có thì giờ chạy rông khắp vùng, có Chúa biết hai tuần lễ nay mày ở đâu.
– Khi rời quê hương người ta có hàng đống việc phải làm, – Al nói. Nói xong thì hắn phần nào mất tự tin. – Bố này, phải ra đi, Bố có ưng ý không?
– Hở… ờ… ưng chứ, hẳn là ưng rồi. Ở đây sống gay go lắm. Nơi kia cố nhiên sẽ không như thế này… Có ối việc làm, cái gì cũng đẹp cũng xanh, giữa những vườn cam bao quanh là những ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng.
– Chỗ nào cũng có cam hay sao?
– Ồ, có thể không phải khắp nơi, nhưng nhiều nơi.
Ánh sáng âm u đầu tiên của bình minh xuất hiện trên bầu trời. Công việc đã xong… thùng ướp muối lợn đã sẵn sàng, lồng gà sắp sẵn để được kéo lên cao tít. Bà mẹ mở lò lấy ra cái đống xương nướng giòn còn dính nhiều thịt. Ruthie mở mắt nửa thức nửa ngủ, tuột từ trên hòm xuống và ngủ lại. Những người lớn đứng ở gần cửa, khẽ rung rung và gặm thịt lợn giòn. Tom nói:
– Ý con nên đánh thức Ông và Bà dậy. Chẳng mấy chốc nữa trời sáng.
Mẹ nói:
– Mẹ không ưng… hãy chờ sát nút đã. Ông Bà cần phải ngủ. Ruthie và Winfield hầu như cũng không được nghỉ ngơi.
– Ồ! Chúng có thể ngủ trên nóc đồ đạc, – Bố nói – ở đấy chắc chắn và thoả mái lắm rồi.
Đột nhiên mấy con chó đang nằm trong bụi bèn đứng lên và vểnh tai. Rồi với một tiếng sủa giận dữ, chúng xông vào bóng tối.
– Quái quỷ, có thể là ai nhỉ? – Bố hỏi.
Một lát sau, họ nghe có tiếng người đang cố xoa dịu lũ chó, và những tiếng sủa không còn hung dữ nữa. Rồi nghe tiếng chân bước và một người tới gần. Chính là Muley Graves, chiếc mũ kéo sụp tận mắt.
Y tiến lại một cách rụt rè.
– Chào cả nhà, – Y nói.
– Ờ! Ra là Muley! – Bố vung vung khúc xương cầm ở tay. – Vào đi, có phần thịt cho mày đấy, Muley ạ.
– Ồ! Thôi, thôi. Đúng ra thì cháu không đói mà.
– Ồ, cứ tự nhiên, Muley! Đây! – Và bố vào nhà đem sườn lợn ra cho y.
– Chẳng phải cháu có ý đến ké vào thức ăn dự trữ của các bác đâu. – Y nói. – Chỉ là cháu tạt qua rồi tự nhủ các bác sắp ra đi, dễ chừng cháu có thể đến từ biệt các bác.
– Chút nữa là đi thôi, – Bố nói. – Nếu mày đến muộn một tiếng thì nhỡ, không gặp được bọn tao. Mày trông kia kìa, đã xếp lên xe tất tật rồi.
Xếp tất tật, – Muley nhìn chiếc xe. – Nhiều lúc cháu như tiếc là không ra đi để tìm người nhà.
– Cháu có tin gì ở California không? – Mẹ hỏi.
– Không. Cháu không nghe nói gì về họ. Nhưng cháu chưa hề đến bưu điện. Có lẽ một ngày gần đây cháu sẽ tới đó một chuyến.
– Al ơi, – Bố gọi – mày vào đánh thức Ông, Bà dậy đi. Mời Ông, Bà tới ăn sáng. Sắp đi rồi – Và trong khi Al đi về phía nhà kho – Muley này, mày có muốn cả nhà ngồi chét vào để có chỗ cho mày đi cùng không? Bọn tao sẽ cố xếp cho mày một chỗ.
Muley cắn cắn một đầu khúc sườn và nhai.
– Nhiều lúc cháu tự nhủ có lẽ phải đi. Nhưng trong thâm tâm cháu biết mình sẽ không làm thế. Cháu biết quá rõ, đến phút cuối cùng cháu sẽ cuốn xéo rồi đi tìm chỗ nấp như một con ma chết tiệt ở nghĩa địa ấy.
Noah nói:
– Một ngày nào đó, mày sẽ chết ngoài đồng ruộng.
– Tao biết lắm. Tao đã nghĩ đến chuyện đó. Nhiều lúc tao cảm thấy quá cô đơn, nhưng nhiều lúc cũng dễ chịu, và có khi lại thấy hay hay nữa. Cái đó chả quan trọng. Nhưng nếu các bác có gặp gia đình cháu, ở California ấy – cháu đến đây chính để nhờ các bác – bác nhắn cho họ biết là cháu vẫn khoẻ. Nói với họ là cháu xoay xở được. Nhất là đừng cho họ biết cháu sống như thế này. Nói với họ, chẳng mấy chốc cháu sẽ tìm đến họ. Khi nào cháu có tiền kha khá.
Mẹ hỏi:
– Mà cháu đi thật chứ?
– Không, – Muley khẽ trả lời – Không, cháu không đi. Cháu không thể đi được. Cháu ở lại. Thật ra thì cách đây không lâu, cháu đã định thế. Nhưng giờ thì không. Càng cố suy nghĩ, người ta càng thêm hiểu biết. Không bao giờ cháu đi nữa!
Ánh bình minh bây giờ đã tỏ hơn, các ánh đèn hơi nhạt đi. Al quay trở lại cùng với ông Nội, ông nặng nề bước đi cà nhắc.
– Ông không ngủ, – Al nói. – ông ngồi ở phía sau nhà kho kia. Có cái gì không ổn.
Cái nhìn của ông Nội sầm lại, ánh mắt tinh quái lấp lánh xưa kia nay đã tắt.
– Chả có gì sất, – cụ nói – Có điều là tao không muốn đi.
– Không đi sao? – Bố hỏi. – Nói thế là thế nào? Đấy, mọi thứ đã xếp lên xe, sẵn sàng cả rồi. Phải đi thôi. Ở lại thì ở vào đâu?
– Tao có bảo bọn bay ở lại đâu. Chúng mày cứ việc đi. Tao… tao ở lại. Suốt đêm, gần suốt đêm, tao suy nghĩ kỹ điều đó. Quê hương tao ở đây. Chỗ của tao ở đây. Tao đếch cần cam, nho, cho dầu nó có mọc tới tận giường tao. Tao không đi. Cái xứ này chả còn tốt đẹp gì, nhưng là quê hương của tao. Không, đi đi, chúng mày đi đi. Tao, tao ở lại. Chỗ của tao là ở đây.
Cả nhà chen chúc quanh ông:
– Không thể thế được, ông ạ, – Bố nói. – Đất đai ở đây máy cày đã đào xới. Ai nấu cho ông ăn? Ông sống làm sao? Ông không thể ở đây được. Xem chẳng có ai chăm sóc ông, chết đói mất.
Ông Nội hét lên:
– Mẹ kiếp! Tao đã già nhưng còn có thể xoay xở được. Thằng Muley, hắn làm thế nào? Tao có thể xoay xở được kém gì hắn. Tao không đi, đã bảo mà. Chúng mày cứ nhét vào cái sọ chúng mày như vậy, nhét chặt vào 3. Đưa bà đi, nếu chúng mày muốn. Còn tao, chúng bay không đưa đi được. Xong!
Bố lúng túng:
– Nào, ông nghe con nói. Nghe con một chút thôi.
– Tao không nghe. Tao đã nói sẽ làm gì rồi mà.
Tom đặt tay lên vai Bố.
– Bố, vào nhà, con nói chuyện này. – Lúc hai bố con đi về phía ngôi nhà, anh gọi: – Mẹ ơi, mẹ đến đây một chút, được không?
Trong nhà bếp, có thắp một chiếc đèn lồng, xương lợn đang chất chồng trên mâm. Tom nói.
– Bố mẹ nghe con, con biết là ông Nội có quyền nói ông Nội không muốn đi, nhưng không thể để ông ở lại. Cái đó, ai cũng biết.
– Hẳn rồi, ông không thể ở lại được. – Bố nói.
– Thế thì thế này. Nếu ép ông, trói ông lại thì ông sẽ bị đau, rồi ông giận dữ nổi điên lên có thể phá phách cái gì đó. Mặt khác, không thể bàn bạc với ông được. Nếu có thể, đổ rượu cho ông say là ổn nhất. Bố có whisky không?
– Không, – Bố nói – Nhà chả có lấy một giọt. Mà chú John cũng không có. Chú không thích uống thì chả bao giờ chú có.
Mẹ nói:
– Mẹ có nửa chai thuốc an thần, mua cho Winfield hồi nó đau tai, con nghĩ cái đó có được việc không?
– Có thể, – Tom nói – Mẹ kiếm đi. Cứ cố thử xem.
– Mẹ đã vứt nó trên đống rác.
Mẹ xách đèn đi ra, và một lát sau, bà trở lại với một cái chai đầy gần một nửa một thứ chất lỏng đen.
Tom cầm lấy và nếm.
– Không tồi đâu. Mẹ làm cho ông một tách cà phê rõ đặc vào. Để xem nào… đây có ghi: một thìa cà phê. Tốt hơn là bỏ nhiều vào, hai thìa xúp.
Mẹ mở nắp lò, đặt thẳng bình cà phê lên than hồng rồi rót nước với cà phê vào.
– Phải cho ông uống trong một vỏ đồ hộp, – Mẹ nói – cốc chén gói đưa lên xe rồi.
Tom và Bố lại trở ra.
– Thiết nghĩ, người ta được tự do nói ra những gì người ta muốn làm, – Ông nội nói. – Ê, đứa nào ăn sườn lợn thế?
– Cả nhà ăn rồi, – Tom nói, – Để mẹ làm cà phê cho ông, với một ít thịt lợn.
Ông đi vào nhà, uống cà phê và ăn thịt.
Đứng bên ngoài, qua ánh sáng đang rạng dần, nhóm gia đình lặng lẽ quan sát ông qua lỗ cửa. Họ thấy ông ngáp ngáp, loạng choạng, chống khuỷu tay lên bàn, gục đầu lên cánh tay và ngủ thiếp.
– Hơn nữa, ông đang mệt mỏi, – Tom nói, – Để ông nghỉ.
Bây giờ họ đã sẵn sàng. Bà Nội ngơ ngác hỏi như người trong mơ. – Có chuyện gì vậy? Chúng mày lục đục gì sớm vậy?
Nhưng Bà đã mặc quần áo và rất vui. Còn Ruthie và Winfield đã được đánh thức dậy nhưng còn mệt mỏi và nửa tỉnh nửa ngủ nên chúng lặng yên. ánh sáng thấm nhanh trên đồng quê. Và cả nhà ngừng hoạt động. Họ đứng chôn chân tại đấy, ngại ngùng không dám nhúc nhích tỏ ý ra đi. Bây giờ đã tới lúc lên đường thì họ lại sợ… họ sợ cũng như ông Nội đã sợ. Họ thấy cái đèn lồng tái nhợt đi và quầng ánh sáng nhờ nhờ tắt ngấm. Phía tây các ngôi sao lần lượt tắt. Còn gia đình vẫn đứng lặng như một nhóm người mắc bệnh mộng du đưa mắt ôm lấy toàn cảnh vật dường như không nhận ra một chi tiết nào nhưng chỉ liếc một cái đã thâu tóm cả rạng đông cả đất đai ruộng đồng, cả địa hình, cấu trúc của xứ sở quê hương.
Duy chỉ có Muley là đi lăng xăng tới chỗ này, chỗ nọ không mệt mỏi, ngắm nhìn qua song sắt của chiếc xe, ngón tay cái mân mê bộ lốp thay thế treo ở phía sau. Cuối cùng Muley tới gặp Tom:
– Mày sắp vượt biên giới Bang hả? – Y nói – Mày không giữ lời hứa sao.
Và Tom lay rũ sự tê liệt của mình:
– Mẹ kiếp! Mặt trời sắp lên rồi, – Anh nói to – Phải lên đường thôi.
Và ai nấy thoát ra khỏi trạng thái đờ đẫn, tiến về phía chiếc xe tải.
– Lên đi thôi, – Tom nói, đưa ông Nội lên xe.
Bố và chú John, Al và Tom đi vào nhà bếp, tại đây ông Nội đang ngủ, khuỷu tay chống bàn, bên cạnh một vệt cà phê đang khô dần. Họ xốc nách ông, dựng ông đứng lên, ông vẫn càu nhàu chửi rủa, tiếng líu ríu như người say rượu. Ra đến ngoài, họ vừa dúi vừa đẩy ông đi và lúc tới bên xe, Tom và Al leo lên trước rồi cúi xuống, luồn tay dưới nách ông, cẩn thận nâng ông lên và đặt ông nằm dài trên nóc đống đồ vật. Al gỡ chiếc bạt xuống đắp lên người ông, rồi đặt một chiếc hòm gần bên ông để đỡ cho cái bạt khỏi đè lên người ông.
Al hỏi:
– Phải làm một cái sào mới được. Chiều nay lúc nào dừng lại nghỉ, con sẽ làm.
Ông Nội làu bàu, cố uể oải chống lại cơn thức giấc và khi đã nằm yên chỗ thì ông ngủ li bì.
Bố nói:
– Mẹ mày và Bà ngồi lên phía trước với Al một lúc. Sẽ lần lượt đổi chỗ cho nhau, như vậy sẽ dễ dàng hơn, mẹ mày với bà lên trước đi.
Hai người lên ngồi ở góc trên còn những người khác ngồi chồng chất trên các hòm đồ, Connie với Rosasharn, Bố và chú John, Ruthie và Winfield, Tom và ông mục sư. Đứng ở dưới đất, Noah nhìn tất cả cái đống người ngất nghểu trên nóc xe.
Al đi vòng quanh xe một lượt, kiểm tra lại các lò xo.
– Trời ơi, cái lò xo này đã dẹp lép, may mà con đã gá vào một lá thép đỡ.
– Con chó đâu, Bố? – Noah hỏi.
– Tao quên khuấy mấy con chó.
Ông ráng sức huýt sáo gọi, chỉ có một con vừa chạy tới vừa nhảy lồng, Noah chộp lấy nó, ném nó lên nóc xe, nó ngồi cứng đơ, run rẩy, choáng váng.
– Phải bỏ hai con kia lại thôi.
Bố kêu to.
– Muley, mày trông nom hộ hai con chó, được không? Làm sao đừng để chúng nó chết nhé.
– Được ạ, – Muley nói. – Có được hai con chó cháu thích lắm. Được! Cháu nhận.
– Lấy nốt cả mấy con gà choai nữa.
Al ngồi vào tay lái. Máy nổ kêu vù vù, ngừng lại, rồi lại nổ vù vù. Tiếp đó là tiếng ầm ầm của sau xylanh rồi một đám khói xanh từ phía sau bốc lên.
– Từ biệt, Muley, – Al nói.
Al sang số một, chiếc xe rùng mình và chạy qua sân một cách nặng nhọc. Al chuyển sang số hai. Họ leo lên sườn dốc thấp, bụi đỏ tung lên phía sau họ.
– Trời ơi! Chở nặng thế này! – Al nói. – Rồi sẽ mất khối thời gian.
Mẹ cố nhìn ra phía sau, nhưng cái thân xe lù lù che khuất mắt. Bà nghển đầu lên dán mắt thẳng về phía trước trên con đường đất. Và một nỗi mệt mỏi mênh mông tràn ngập đôi mắt bà.
Tất cả những người ngồi trên nóc xe quay đầu lại. Họ nom thấy ngôi nhà, nhà kho và một ngọn khói nhỏ đang còn bốc lên ở ống khói. Họ nom thấy những cửa sổ đang còn đỏ rực trước những ánh mặt trời đầu tiên. Họ thấy Myley đang đứng lẻ loi trong sân đưa mắt dõi theo họ. Rồi ngọn đồi chắn mất tầm mắt. Những cánh đồng bông nằm ở hai bên con đường cái. Chiếc xe tải chậm rãi tiến lên trong cát bụi về phía con đường cao tốc dẫn tới miền Tây xa vời vợi.
Chú thích
1. Không non choẹt nữa.
2. Nguyên văn: con chó đực chỉ biết đánh rắm lung tung.
3. Nguyên văn: phải chịu đựng, ngậm đắng nuốt cay.