Chú bé rắc rối

Chương 11


Đọc truyện Chú bé rắc rối – Chương 11

Tôi tỉnh dậy giữa bóng tối đen kịt. Tôi phải nhấp nháy mắt hai, ba lần để biết đích xác tôi không nằm mơ.
Cùng với bóng tối là một sự im lặng đầy chết chóc. Nỗi kinh hoàng nhanh chóng lan tràn khắp cơ thể tôi. Ngực tôi tức thở như bị dá đè, còn ruột gan thì quặn thắt lại vì sợ. Tôi há miệng tính kêu lên nhưng phát hiện ra miệng mình bị nhét đầy giẻ. Tiếng kêu của tôi biến thành tiếng ú ớ nghèn nghẹt trong cổ họng.
Cùng lúc, tôi nhận ra hai tay tôi bị trói chặt vào người. Cả hai chân cũng vậy.
Tôi cố sức vùng vẫy nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi đành phải ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi như cũ. Mùi đất ẩm và gắt xộc vào mũi khiến tôi muốn nôn mửa.
Dần dần, tôi trấn tĩnh lại và cố đoán xem mình đang ở đâu. Dù sao tôi cũng không thể nhớ ngay được mọi chuyện nhất là cái cảm giác đau buốt sau ót làm tôi không tài nào tập trung được những ý nghĩ lúc nào cũng chực rời ra.
Rõ ràng tôi bị ai đó đánh vào đầu khi tôi đang loay hoay nạy viên gạch dưới nền nhà trong lò thịt. Tên hung thủ là ai? Chắc là một tên đồng bọn với tên đã đi ra ngoài. Hắn nấp ở một xó xỉnh nào đó trong lò thịt nhưng tôi và An lại không phát hiện được. Hắn âm thầm theo dõi hai đứa tôi và khi thấy bí mật của chúng có nguy cơ bị lộ, hắn đã ra tay hành động. Như vậy hẳn đây là một băng cướp hoặc trộm cắp và lò thịt chính là sào huyệt của bọn chúng. Cũng có thể đây là một ổ gián điệp của địch cũng nên.
Đang nghĩ ngợi miên man, tôi bổng giật bắn khi nhớ đến An. Chẳng biết số phận của nó hiện nay ra sao. Khi nãy, lăn qua lăn lại mấy vòng trong “nhà giam”, tôi biết rằng chỉ có một mình tôi bị nhốt ở đây. Còn An chẳng biết bị giam giữ ở đâu.
Tôi chợt nghe nhói trong tim khi nghĩ rằng có thể An đã bị giết chết. Chuyện đó rất có khả năng xảy ra. Bởi An không phải là đứa yếu bóng vía như tôi. Nó bạo dạn, lại to con, gặp bọn cướp, có khi nó vung dao chống cự lại không chừng. Và vì vậy có thể nó đã bị sát hại. Nghĩ đến đó, mặc dù không thể khóc thành tiếng, những giọt nước mắt đã ứa ra nóng bỏng trên đôi má tôi. Tôi nhớ lại những kỷ niệm giữa hai đứa trong thời gian qua, những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Tôi bỗng thấy thương An vô hạn và tôi tự trách mình đã không tận tình giúp đỡ An trong học tập. Nhưng hối hận thì đã muộn. Có thể An chẳng còn trên cõi đời này nữa.
Nhưng biết đâu An còn sống. Biết đâu nó đã chạy thoát khỏi tên khốn kiếp kia . Niềm hy vọng như một tia chớp lóe lên trong óc tôi. Nhưng rồi tia chớp đó vụt tắt ngấm. Bởi vì nếu An chạy thoát mà tôi vẫn còn bị giam giữ ở đây thì hai đứa cũng không gặp lại nhau được.
Tôi lan man nghĩ đến số phận mình. Nếu bọn kia không quay lại thả tôi ra, nếu bọn chúng vô tình hoặc cố ý quên sự có mặt của tôi ở đây hẳn tôi sẽ chết, chết dần mòn vì sợ hãi, vì bóng tối, vì thiếu dưỡng khí hoặc vì đói khát. Tôi chợt kinh hoàng với ý nghĩ đen tối đó. Lần đầu tiên tôi ý thức được tình cảnh nguy kịch của mình. Tôi cố trấn tĩnh suy nghĩ cách thoát thân nhưng vẫn không tài nào tìm ra một mưu kế sáng sủa trong khi đó ruột gan tôi cứ co thắt từng chặp.
Đột nhiên tôi lắng tai nghe. Hình như có tiếng rì rầm phát ra từ trên đầu tôi. Tiếng rì rầm thoạt đầu văng vẳng từ xa, về sau gần lại, rõ dần và tôi nhận ra tiếng hai người đang nói chuyện. Rõ ràng là có hai người đi về phía tôi bị nhốt, họ vừa đi vừa trò chuyện. Tiếng trò chuyện mỗi lúc một gay gắt.
Tôi giật mình khi nhận ra giọng nói của An. Hóa ra nó còn sống. Và đích thị nó đang tìm cách cứu tôi. Nó nói với người kia:
– Anh thả bạn em ra đi!
– Không được! – Tiếng người kia đùng đục, tôi nghe quen quen nhưng chưa nhận ra ai.
– Anh nhốt như vậy nó ngạt thở chết sao?
– Nó không chết đâu mà lo! – Giọng người kia vẫn lạnh lẽo.
Im lặng một lát.
– Anh ác lắm! – Giọng An ấm ức.
– Kệ tao.
– Anh định nhốt nó đến bao giờ?
– Lát nữa tao đi, mày xuống thả nó ra.
Tôi chợt nhận ra giọng người đang nói chuyện với An và tôi như không tin vào chính tai mình. Đó là anh Dự. Điều đó thật là quá sức tưởng tượng của tôi. Hóa ra anh ở trong băng của bọn kia và có lẽ chính anh là người đã nện vào đầu tôi. Hèn gì trước đây anh tỏ ra không hài lòng về chuyện thằng An vào “thám hiểm” trong lò thịt.
Tiếng and Dự lại vang lên:
– Gặp thằng Nghi, mày không được hó hé nghe chưa!
– Không hó hé gì là sao?
– Mày đừng có giả vờ! Mày phải nói là sau khi nó bị đánh, mày hoảng hồn chạy ra ngoài. Chờ một tiếng đồng hồ sau thấy êm êm, mày mới vào cứu nó. Và mày chẳng gặp một ai hết.

Tiếng An lầm bầm:
– Đồ nói láo!
– Mày bảo ai nói láo? – Giọng anh Dự hằm hè.
– Anh chứ ai! – An gầm lên.
Tô tưởng anh Dự sẽ đánh An. Nhưng giọng anh cố kiềm chế:
– Kệ tao.
Dường như bây giờ anh cảm thấy không còn uy quyền trước mặt An nữa.
Giọng An vẫn chua chát:
– Anh nói láo đủ thứ!
Anh Dự im lặng.
– Tổ hợp nhựa của anh đây hả? – An chì chiết.
Anh Dự vẫn không trả lời.
An thút thít khóc. Nó nói với vẻ tức tối:
– Em về méc má cho coi!
Giọng anh Dự rít lên:
– Mày mà hở chuyện ra với ai là tao “thịt” mày liền!
– Em thách anh đó!
– Đừng có thách! Khôn hồn thì câm mồm! – Giọng anh Dự đầy vẻ đe dọa.
– Anh thả bạn em ra đi! – An lại năn nỉ.
– Thì tao đã bảo là lát nữa.
– Nhưng mà nó chết mất.
Anh Dự gằn giọng:
– Chết sao được mà chết!
– Khi nãy anh đánh nó một cú mạnh quá trời! – Giọng An có vẻ trách móc.
Anh Dự khịt mũi:
– Tao đánh nhẹ nhẹ thôi.

Đang nói, tự nhiên giọng anh Dự đâm ra hốt hoảng:
– Mày nghe thấy gì không?
Anh Dự hỏi An nhưng tôi cũng dỏng tai nghe ngóng. Nhưng tôi chẳng nghe thấy gì. Bây giờ thì tôi đã biết tôi bị nhốt dưới căn hầm do chính tôi và An phát hiện khi nãy. Căn hầm bị cách với bên ngoài bằng một lớp đất nên những tiếng động từ xa khó mà vọng tới.
Tôi nghe tiếng An.
– Hình như mọi người đi tìm tụi em.
Giọng anh Dự rõ ràng thiếu bình tĩnh:
– Người ta sắp tới đây rồi đó. Tao với mày chuồn lẹ lên.
An trù trừ:
– Nhưng còn bạn em?
Anh Dự gắt:
– Thì cứ để nó đấỵ Khi nào người ta rút đi, mày quay lại lôi nó lên.
– Không được! Nó chết mất!
– Tao đã bảo …
An ngắt lời:
– Không bảo gì hết! Anh đi đi, em ở lại đây.
– Mày ở lại làm gì? Rủi mọi người bắt gặp thì sao?
– Không sao cả! Em bảo là đi em với Nghi đi chơi. Tới đây tự nhiên Nghi biến mất. Thế là em đi tìm.
– Mày nói vậy ai mà tin được. Rồi mày định chỉ căn hầm này cho người ta cứu nó ra chắc?
– Chứ sao nữa!
Tiếng anh Dự rít qua kẽ răng:
– Không được! Không thể để lộ căn hầm của tụi tao được!
Giọng An bướng bỉnh:
– Kệ anh.
– Thế thì tao nhốt cả mày luôn.
– Tôi thách anh !

– Khỏi thách!
Anh Dự vừa nói xong, tôi nghe một tiếng “huỵch”. Có lẽ anh vật An xuống đất. Tôi điếng hồn. Tưởng anh nói chơi ai dè anh làm thật.
Nghe ầm ầm trên đầu, đất cát rơi rào rào khắp người, tôi biết hai anh em đang vật lộn, vùng vẫy tứ chiếng phía trên. Hình như An đang chống cự kịch liệt. Tôi hồi hộp theo dõi trận đấu bằng tai, trong bụng thầm mong An thắng.
Thình lình, anh Dự la lên:
– Tao bẻ răng mày bây giờ, đồ chó!
Đang thấp thỏm, tôi cũng đâm tức cười. Chắc An đang giở đòn “cẩu xực” để sát thương đối thủ.
– Anh mới là đồ chó ! – Tiếng An gầm gừ.
Liền đó, tôi nghe một tiếng “bốp” và sau đó tiếng An im bặt. Có lẽ nó đã bị nhét giẻ vào mồm, hệt như tôi.
Tiếng vùng vẫy yếu dần, yếu dần. Tôi hiểu là An đã bị khống chế.
Nắp hầm trên đầu tôi bắt đầu rụt rịch. Tiếng các viên gạch bị xê dịch. Ánh đèn pin nháng lên khiến tôi vội vàng nhắm mắt lại.
Rồi một thân người rơi phịch xuống cạnh tôi. Thế là An cũng cùng chung một số phận như mình, tôi buồn bã nghĩ thầm.
Trước khi đậy nắp hầm lại, anh Dự nói vọng xuống:
– Tạm thời mày ở đó với bạn mày, lát nữa tao trở lại.
Phải thú thật là thấy An bị nhốt, tôi vừa buồn lại vừa vui, mặc dù tôi biết như vậy là không đúng. Nhưng rõ ràng là từ khi có nó bên cạnh, tôi cảm thấy nỗi sợ hãi và lo lắng giảm đi rất nhiều, dù nó cũng đang bị trói gô lại như tôi. Căn hầm lạnh lẽo tự nhiên ấm áp hẳn lên.
Không thể trò chuyện hay sờ soạng gì được, tôi lăn người đụng An một cái thay cho lời “chào hỏi”.
Đáp lại, An “đụng” tôi hai, ba cái liền, tỏ vẻ mừng rỡ. Tôi biết nó mừng vì thấy tôi còn sống, chưa có “ngạt thở chết” như nó vẫn lo.
Nhưng hai đứa tôi chẳng trao đổi được gì ngoài chuyện “đụng” nhau. “Đụng” qua “đụng” lại một hồi cũng chán, hai đứa bèn ngồi yên, thấp thỏm chờ đợi.
Lúc này, chúng tôi đã nghe những tiếng rầm rì phía trên. Hẳn mọi người đã vào trong lò thịt.
– An ơi! Con ở đâu?
– Nghi ơi Nghi!
Chúng tôi nghe văng vẳng những tiếng kêu. Hình như đó là tiếng của má An và má tôi. Tôi nghe nhói trong ngực, không biết làm sao đáp lại những tiếng kêu thảm thiết kia. Giờ này có lẽ đã khuya lắm. Nếu không, mọi người chẳng cất công đi tìm như vậy.
Chợt có tiếng nói ngay trên đầu chúng tôi:
– Chẳng hiểu hai thằng nhỏ biến đi đâu. Rõ ràng có người thấy tụi nó đi về hướng lò thịt mà.
Tôi nhận ra đó là tiếng bác Pha, tổ trưởng tổ dân phố. Có tiếng ba tôi đáp:
– Lúc tám giờ tôi đã không thấy nó đâu. Bây giờ là mười hai giờ hơn rồi. Chẳng biết chuyện gì đã xả ra cho tụi nó! Khổ thật.
Tiếng hai người nhỏ dần rồi không nghe thấy nữa. Họ đã rời đi chỗ khác. Tôi cảm thấy một nỗi tuyệt vọng pha lẫn hờn giận dâng lên trong lòng. Đã đứng ngay trên nắp hầm mà không chú ý gì hết! Tôi nghĩ thầm, với tất cả cay đắng và ấm ức.
An “đụng” nhẹ vào người tôi như để chia sẻ sự không may đó.
Thình lình có tiếng kêu phát ra ngay phía trên:
– Ôi, xem mấy viên gạch kìa!
Tôi mừng rỡ nhận ra tiếng chú Thuần, thợ hớt tóc ở kế nhà tôi. Có lẽ chú phát hiện ra những dấu vết mà tôi và An đã thấy. Có tiếng chân rậm rịch của nhiều người đổ xô lại.

Tiếng bác Pha reo lên:
– Ừa hén! Nạy thử lên coi!
Tiếng lịch kịch nổi lên.
Tôi ngước mắt lên, nín thở theo dõi.
Một lát sau nắp hầm đã được mở. Ba, bốn vệt đèn pin quét xuống hầm. Cùng lúc là những tiếng reo:
– Hai đứa nhỏ đây nè!
Một luồng sáng dừng ngay trên mặt tôi khiến tôi chớp mắt hai, ba cái.
Chú Thuần mừng rỡ.
– Còn sống! Còn sống!
Và chú nhảy ngay xuống hầm bế hai đứa tôi lên.
Giẻ trong miệng tôi và An được lôi ra. Những sợi dây trói quanh người nhanh chóng được cắt đứt.
Má tôi ôm chầm lấy tôi, lo âu hỏi:
– Sao vậy con? Ai nhốt tụi con vậy ?
Tôi lưỡng lự một thoáng rồi lắc đầu liếc sang An:
– Con không biết!
Đằng kia, má thằng An cũng đang hỏi nó rối rít.
Nhưng cũng như tôi, An giấu nhẹm mọi chuyện.
Nó nói:
– Tụi con đi ngang qua đây, thấy trong lò thịt có bóng người, liền bước vào xem thử ai đang làm gì. Không dè bước qua khỏi cửa, tụi con bị vật xuống, nhét giẻ vào miệng và bị trói lại, nhốt xuống hầm. Tối quá, tụi con chẳng biết ai vô ai!
Lúc nãy, hai con dao và cây đèn pin của tụi tôi đã bị anh Dự lấy đi nên không ai nghi ngờ gì lời kể của thằng An.
Sau khi đưa hai đứa tôi ra khỏi hầm, chú Thuần còn leo xuống đó dò xét một lần nữa. Khi trở lên, chú chép miệng:
– Chẳng có gì ngoài cái lỗ thông hơi!
Mọi người còn đi lục lạo khắp các ngõ ngách trong lò thịt một hồi nữa mới chịu rút.
Trên đường về, ba tôi nói:
– Chắc đây là sào huyệt của bọn làm ăn phi pháp.
Bác Pha gật gù:
– Có thể là nơi bọn chúng giấu “hàng”.
Ngày mai tôi sẽ báo công an.
Trong khi mọi người trao đổi thì tôi lẽo đẽo theo sau như một tên tội phạm, không dám hó hé một tiếng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.