Chồng Sói

Chương 21


Bạn đang đọc Chồng Sói – Chương 21


Sau khi mọi người dẫn Thủy Thời về nhà ông Trịnh, cậu được giới thiệu cho làm quen với rất nhiều người cũng như được dân làng nhiệt tình chào đón.
Nhà ông Trịnh có bốn người con trai, trong đó anh cả anh hai đều đã kết hôn, mà nhà họ cũng có của ăn của để và chút ít tiếng tăm nên cưới được phụ nữ, nay đã sinh hạ mấy mụn con trai con gái đủ cả.

Cậu út thì đi học trên thị trấn nên chưa kịp về.
Chẳng qua bên cạnh anh cả còn một cậu lang quân* nữa, xem chừng cậu này có nguyện vọng làm lẽ của anh ta.

Dù là ở nông thôn không nhiều lễ nghĩa rườm rà thì vẫn thấy rõ cậu lang quân không có tiếng nói trong nhà, lúc mọi người dùng cơm với Thủy Thời thì cậu ta phải phục vụ sau bếp, không được phép chung mâm.
(*trong truyện tác giả dùng “lang quân” tương đương với vợ/vợ bé nhưng là ca nhi)
Thủy Thời thầm thở dài, quả nhiên ở đâu cũng có luật lệ riêng, miễn có tập thể người sinh sống là sẽ phân chia tầng lớp, thân phận rõ ràng.
Để ý đến ánh mắt Thủy Thời, vợ ông Trịnh nghĩ cậu bé này cũng là ca nhi, mà giờ chưa được ổn định cuộc sống trong nhà bà nên dễ nảy lòng cảm thông với một ca nhi khác.

Nghĩ đoạn bà liền niềm nở rủ Hoàn ca nhi ngồi vào ăn chung, Hoàn ca nhi chần chừ hồi lâu rồi cũng rụt rè ngồi bên mép bàn, chỉ chiếm một góc giường đất nhỏ.
Thủy Thời giả bộ không biết, không nhìn cậu ta thêm.

Đây là chuyện nhà người khác, người ngoài như cậu không nên can dự vào.
Bữa cơm hôm nay không quá phong phú song vẫn đầy đủ thịt thỏ, khoai tây, lượng thức ăn mỗi món lại nhiều nên hoàn toàn đủ cho mọi người ăn vững bụng.

Mỗi tội Thủy Thời thấy hương vị khá bình thường vì không có nhiều loại gia vị lắm.
Nghĩ đến đây cậu lại nhớ giờ là tháng chạp giá rét mà ai nấy đều phải làm việc quần quật mới có cái ăn, thậm chí ở thôn Viễn Sơn đã có không ít người chết vì đói, rét.

So ra, cuộc sống ở thôn Nhiệt Hà đã ổn định lắm rồi, hơi sức đâu quan tâm đến mùi vị nữa.

Ăn no cái bụng đã là vô cùng may mắn.
Chưa kể có một điểm Thủy Thời thích thú hết nấc ở nơi này, chính là giường sưởi! Dù rằng nó chỉ được trải mấy lớp chiếu rơm và còn vương bụi đất.
Thủy Thời bỗng nhớ tới ổ sói ấm áp trên triền núi.

Nơi đó vừa khô ráo, sạch sẽ, nhiệt độ ổn định quanh năm, vừa có mùi hương khiến người ta an lòng luôn vấn vương đầu mũi…

Thủy Thời đang ngẩn ngơ thì có người gọi vọng vào từ ngoài cửa.

Cậu khẽ giật ngón tay, Đông Sinh lại gọi, “Thủy ca nhi ơi! Ngựa của em về rồi này! Nó không cho anh dắt nên em qua đây xem thử xem sao, kẻo nó lại chạy mất đấy!”
Hóa ra Ngựa Con lẽo đẽo theo sau Thủy Thời đến tận nhà ông Trịnh.

Người anh cả ra đón cứ khen ngựa tốt mãi, còn muốn tự tay tròng dây cho nó.
Tuy nhiên thằng nhóc quen sống tự do chịu thế nào cho được! Nó lập tức đá hậu mấy cú rồi vùng chạy, mà tốc độ của nó thì có giời mới theo nổi.

Thủy Thời bèn bảo mọi người không cần lo lắng, nó đi lát rồi về, nhưng Đông Sinh sợ mất ngựa nên cứ đứng bên ngoài ngóng trông hoài.
Thủy Thời nghe anh gọi thì đáp một tiếng, đoạn vội vàng khoác tấm da thú lên và bước xuống giường.

Vợ ông Trịnh dặn với theo, “Thủy ca nhi cẩn thận kẻo lạnh đấy!” Thủy Thời khoát tay lia lịa, “Bác yên tâm, không sao đâu ạ.” Cậu còn từng ngủ trong đụn tuyết trên núi giữa đêm đông cơ đấy, thân thể giờ khỏe như vâm chứ chẳng đùa.
Thủy Thời vén màn vải, đẩy cửa gỗ, thấy Ngựa Con và Đông Sinh đứng cách xa nhau nhưng vẫn gằm ghè lẫn nhau.

Thủy Thời đi nhanh đến cạnh Ngựa Con, nâng đầu nó, rồi dẫn nó vào chuồng ngựa kín gió.

“Mày đợi ở đây lát nhé, đừng chạy lung tung.” Dưới núi khác trên núi, chưa chắc đã không ai trộm ngựa.
Ngựa Con lúc lắc bím đuôi sam trên cổ, không đi nữa mà cúi đầu uống nước trong máng đã được Đông Sinh đổ đầy.

Thủy Thời tháo sọt trên mình ngựa xuống và nhờ Đông Sinh chuyển giúp vào phòng, bản thân cậu ở bên ngoài chăm sóc Ngựa Con, còn thắt lại bờm cho nó.

Hí hoáy xong xuôi, Ngựa Con hất hất đầu, trông rất chi là đỏm dáng.
Ông Trịnh làm thợ săn nên cũng có hai chú ngựa trong chuồng.

Đúng là không so sánh thì không có đau thương.

Thủy Thời ghé mắt nhìn qua, thấy hai chú ngựa nọ có bộ lông vàng xơ xác và bốn cái chân ngắn ngủn, thô to, dáng vóc gầy mà lùn nữa.


Hai chú ngựa trưởng thành lại chẳng cao bằng Bé Ngựa Đen!
Nhìn bé ngựa xinh đẹp với tứ chi khỏe dài – trong khi chưa trổ mã hết, Thủy Thời bồi hồi nghĩ, sự chênh lệch giữa hai giống ngựa này rõ ràng hơn cả sự khác nhau giữa người với người! Bảo sao anh cả Trịnh lại kích động đến thế.
Nghĩ tới đây Thủy Thời nhíu mày, cột chắc Ngựa Con hơn.

Một là ngựa tốt rất dễ bị cướp mất, hai là thằng nhóc này mới tiếp xúc với xã hội loài người, nhỡ nó gặp chuyện rồi bị đem bán hoặc mổ thịt thì không những khiến Thủy Thời đau xé lòng mà còn không nhìn mặt Vua Ngựa được nữa.
Ngựa Con thồ đồ xuống núi cũng mệt lử, nay thấy Thủy Thời có vẻ sẽ cắm cọc ở cái vùng đất bốc khói này, nó liền yên tâm nằm xuống nghỉ ngơi chốc lát.
Thấy nó ngoan, Thủy Thời lại quay lại chỗ mọi người.
Cơm nước no nê xong, biết Thủy Thời có nơi ở ổn định, các chú các bác mới yên tâm đứng dậy cáo từ.
Thủy Thời rất biết ơn bọn họ, ngẫm nghĩ phút chốc cậu cũng theo họ ra ngoài, rồi chọn mấy tấm da tốt trong sọt tặng họ coi như đền ơn đáp nghĩa.
Tuyết rơi dày thường phong tỏa ngọn núi khiến toán thợ săn phải chật vật qua đông, dù rằng vẫn khá hơn dân làm ruộng do thi thoảng săn được thỏ hay chồn nhờ đặt bẫy, sau đó thuộc da và mang lên thị trấn bán cũng kiếm được một khoản tiền.

Nay thấy Thủy Thời lấy ra toàn da cáo da beo chất lượng cao, toán thợ săn một mực từ chối.

Họ lấy làm cảm động, thấy Thủy ca nhi rất giống anh Lâm ngày trước.
“Ca nhi, mấy cái này tốt, cháu cứ giữ lại đi.

Sao các chú lấy đồ của cháu được, cho cháu đồ còn không đủ nữa là.”
Thủy Thời vội lắc đầu, chẳng qua cậu ăn nói vụng về quá, “Không không, cháu vẫn còn mà.

Mấy cái này là để tặng các chú, là ấy…!tấm lòng của cháu ấy.”
Các chú chỉ xoa đầu Thủy Thời, “Bọn chú toàn là thợ săn nên đều trữ ít da thú rồi, cháu cứ giữ lại mà đem lên thị trấn bán lấy tiền làm vốn, coi như giúp mọi người đỡ phải lo cho cháu!”
Trên thực tế toán thợ săn bọn họ chỉ săn được con mồi nhỏ, vì không dám tiến vào Đông Sơn nên chưa từng có bộ da tuyệt hảo thế bao giờ.

Tuy nhiên họ vẫn lừa Thủy Thời vốn không biết giá cả thị trường để cậu yên tâm.
Mọi người khăng khăng không nhận khiến Thủy Thời không biết làm sao, cuối cùng đành giữ da và âm thầm dúi ít hạt cho mọi người, bấy giờ các chú mới nhận lấy, còn dặn dò ông Trịnh với Đông Sinh chăm sóc Thủy Thời cẩn thận.
“Các anh em yên tâm, từ nay về sau Thủy ca nhi cũng là người nhà tôi, sao bọn tôi xử tệ với thằng bé được chứ.” Ông Trịnh dứt lời lại rầy Đông Sinh.
“Mày nói gì đi chứ thằng ba!” Ông đá cho Đông Sinh một cước, thế mà tên ngốc này chỉ biết cười đần rồi đỏ mặt gãi đầu.

Thủy Thời đã hai mươi, lại được nền văn minh hiện đại hun đúc.

Tuy tàn tật nên thường không ra khỏi phòng, nhưng Thủy Thời vẫn hiểu biết và nhạy bén hơn nguyên chủ rất nhiều.

Bởi thế, nay mường tượng lại những chi tiết đã qua, cậu lập tức nhận ra vấn đề, lòng nhủ để vậy thì không ổn!
Thủy Thời nghĩ tới nghĩ lui, sau đó một bên tiễn mọi người, một bên đã ra xong quyết định: không thể nán lại nhà ông Trịnh lâu.
Ban đêm, Thủy Thời nằm trong căn phòng vốn là của cậu út họ Trịnh và đắp tấm da thú tự mình mang tới.

Nhà ông Trịnh lo nửa đêm cậu lạnh nên cố tình chèn nhiều củi dưới giường đất hơn.

Cuối cùng lại thành ra Thủy Thời nóng quá, nằm thao thức mãi, không sao ngủ nổi.
Cái nóng làm họng Thủy Thời khô khốc, sau đó không chịu được nữa thì cậu mới ngồi dậy, khoác tấm da cáo trắng ngần rồi lẳng lặng ngắm trăng bên cửa sổ.
Vầng trăng khuyết một mảnh tròn, Thủy Thời nghĩ bụng, chẳng hay anh ấy có đang nhìn cùng vầng trăng sáng với mình không.
*
Cùng thời gian, dưới ánh trăng ở Đông Sơn, giữa tiếng tru của bầy sói.
Vua Sói đã khỏe, nó dẫn bầy đi săn, nay thắng lợi trở về.

Con mồi của chúng – hươu và dê tươi ngon lần lượt bị kéo lên gò cao.

Nhưng sau đó, chờ đợi mãi mà không thấy Phù Ly lại chung vui, chúng lũ lượt quay đầu nhìn Vua Sói.
Vua Sói liếm máu tươi dính trên khóe miệng và hướng cặp mắt xanh thẳm nhìn ngó xung quanh.

Đoạn, nó nhảy phốc lên cái gò cao nhất trên lưng núi.

Địa hình nơi này mang đến cảm giác như được gần ánh trăng hơn.
Phù Ly nằm ngửa mặt lên trời, bên cạnh là Bé Sói Trắng cuộn tròn với bộ mặt đưa đám.

Thằng nhóc thấy cha tới cũng kệ thây, nó ỷ có chỗ dựa là Phù Ly nên còn làm ra điệu bộ tinh tướng.
Vua Sói đứng cạnh Phù Ly một hồi, thấy anh cả ngó lơ mình, nó hắt xì rồi không tiến lên thêm.

Có điều liếc nhìn thằng ranh con bất động, nó bỗng lộn hết cả mề.


Mình không trị được vị trước mắt mà chẳng lẽ còn không xử được thằng nhãi kia à!
Và thế là Bé Sói Trắng mất cả quyền lợi được nằm buồn, nó bị Vua Sói cắn gáy rồi tha đến trước xác hươu trong tư thế cứng đơ.

Kế đó, Vua Sói xé rách bụng hươu, đè đầu sói con xuống.

Bẹp, cái đầu nhỏ vùi vào đống nội tạng, máu me be bét khắp mặt sói con.
Vua Sói nhìn thằng nhãi cứ ngày một kén ăn, còn thằng nhãi thì đạp đạp cái chân xù lông của mình, lòng đặc biệt nhớ nhung con thú “hai chân” luôn dịu dàng làm đồ ăn cho nó.
Chỉ có Phù Ly là một mình nán lại dưới làn gió nhẹ, mặc cho ánh trăng lặng lẽ rải đầy lên bóng hình mình.
*
Sáng sớm ngày kế tiếp.
Sau khi hứng gió lạnh giữa đêm rồi về nằm trên chiếc giường lò nóng bức, Thủy Thời bị nhiệt, cổ họng sưng vù và thậm chí là chảy máu mũi.

Chị vợ anh cả vội vàng vắt khăn để lau máu mũi cho Thủy Thời.
Đứng trước một Thủy Thời bé nhỏ ngoan ngoãn đáng yêu, chị ta vừa lau vừa nghĩ bụng, nhìn bé ca nhi yêu kiều này đi, nhìn khuôn mặt trắng trẻo xinh xẻo này nữa, hai nàng dâu các chị và thêm cả cậu Hoàn cũng không dễ thương được như thế!
Chị dâu cả xem điệu bộ của cha mẹ chồng là đoán ra ngay, về sau bé ca nhi sẽ trở thành người một nhà với họ! Tuy nhiên do nốt ruồi thai của Thủy Thời nhạt màu, nghĩa là tương lai gia đình cậu ba sẽ phải cậy nhờ vào các chị, nên chị cũng không tỵ nạnh gì mà trái lại còn thấy có thể chung sống hòa thuận với Thủy Thời.
Thủy Thời cúi đầu lau máu mũi xong thì ngỏ lời cảm ơn bằng giọng ồm ồm: “Cảm ơn chị ạ.”
Chị dâu cả là người hào sảng, chị cứ liên mồm bảo khách sáo làm chi.

Sau đó thấy Thủy Thời đã ổn thì chị bảo cậu ra nhà chính ăn cơm.

Kết thúc bữa sáng giản dị cùng gia đình ông Trịnh trong bầu không khí chan hòa, cậu phụ mọi người dọn dẹp bát đũa, xong xuôi mới đi cho Bé Ngựa Đen ăn.
Lúc ra ngoài cậu thấy ngựa ta một mình chiếm trọn một bên máng, lại còn chọn ăn mỗi bã đậu nành.

Một nhãi ngựa vị thành niên như nó mà có thể dọa dẫm khiến cho hai chú ngựa vàng trưởng thành phải dạt sang một bên khác.

Thủy Thời tiến đến nhéo nhéo cái tai mềm của nó: “Mình đang ở nhà người khác đấy, mày đúng là đồ quân phiệt!”
Sau lưng Thủy Thời, ông Trịnh khập khiễng bước tới với túi bã đậu nành xách trong tay, rồi ông đặc biệt đổ cho Bé Ngựa Đen đồ ăn ưa thích của nó: “Hôm qua mất ngủ hả cháu? Chú nghe vợ thằng cả bảo cháu bị nhiệt.”
Thủy Thời lắc đầu, “Không sao đâu ạ, cái này khỏi nhanh ấy mà.” Hai chú cháu tán gẫu hồi lâu, chủ yếu là ông Trịnh hỏi thăm sức khỏe Thủy Thời.

Thủy Thời rất biết ơn ông nhưng đã quyết định rồi, bởi thế nên cuối cùng cậu hỏi.
“Chú ơi, nhà cháu ngày xưa có còn không ạ? Cháu muốn về thăm nhà mà cũng muốn lo việc thờ cúng cho cha mẹ cháu.”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.