Đọc truyện Chờ Ngày Mưa Rơi – Chương 54: Quá khứ là thứ không bao giờ lấy lại được (phần 1)
– Ông…ông đang nói cái gì thế?
Bà Huệ loạng choạng lùi về phía sau tựa như đang đứng trên mặt cầu của trái đất thực sự, mất hết đi khả năng giữ thăng bằng, cho đến khi tấm lưng nhỏ chạm vào bức tường lạnh ngắt, không còn đường lui.
– Bà còn tính giả ngây giả ngốc đến bao giờ? Ngay từ khi bà có thai nó. Tôi đã biết bà dan díu với thằng khác rồi. Trên đời này làm gì có chuyện một người bị bệnh vô sinh như tôi mà lại có khả năng khiến cho vợ mang thai bao giờ? Hahaha.
Lời nói nhạt nhẽo có chút châm biếm và tiếng cười chua chát của ông Sang khiến cho Minh Đăng đứng lặng người trong chốc lát, để rồi đôi môi khẽ nhếch lên thành một đường cong kì dị. Cuối cùng, Minh Đăng cũng có câu trả lời trong suốt mười mấy năm qua. Cuối cùng, anh cũng biết vì sao ông ta đối xử với anh không bằng một con thú cưng như vậy.
Anh tức giận, nhìn người mà mình đã gọi ba suốt hai mươi mốt năm qua bằng những tia ngờ vực.
– Nếu đã biết được tất cả mọi chuyện, tại sao ông lại còn bỏ tiền ra nuôi tôi, để rồi đối xử với tôi tệ bạc không bằng một con thú như vậy?
– Tại sao tao nuôi mày ư? Haha! Lúc mẹ mày sinh mày ra, tao thề là tao đã mừng rớt nước mắt. Lúc đó, tao còn nghĩ mày là món quà mà cuộc đời ban cho tao. Nếu không có thằng con rơi là mày, thì cái tập đoàn kia đã rơi vào tay kẻ khác rồi. Từ trước đến nay, nó luôn được mặc định là sẽ thuộc về đứa cháu trai lớn nhất trong dòng họ. Mặc nỗi, tao lại mắc chứng bệnh quỷ quái kia. Nếu tao không cắn răng chịu đựng để nuôi mày, thì làm sao tập đoàn đó thuộc về tao được?
– Ông… ông…- Bà Huệ thảng thốt, như không thể tin được những lời vừa nghe thấy.
– Chính vì thế, tao đã luôn muốn cuộc đời của mày diễn ra trong sự sắp xếp của tao. Để thay thế cho những công sức mà tao phải bỏ ra để nuôi con thằng khác. Vậy mà mày đâu có biết thân biết phận. Lúc nào cũng ngang ngược làm trái lời tao. Lúc nào cũng muốn chống đối tao. Và đây là hậu quả cho những việc đấy. Nếu tao có chuyện gì, thì mày cũng không thể nào sống yên được đâu.
Đôi lông mày nhướn lên thật đáng sợ. Khuôn mặt tối sầm tựa mây đen giăng kín lối. Và giọng nói lạnh tanh sặc mùi khinh khi được rít qua từng kẽ răng. Tất cả những thứ đó của ông Sang đều khiến cho tất cả những ai chứng kiến cũng đều cảm thấy kinh tởm đến ám ảnh.
Sau khi nghe những lời lẽ với ý đồ hết sức thâm độc ấy, bà Huệ đã không thể nào đứng vững trên đôi chân của mình mà ngã quỵ xuống chiếc giường trắng tinh. Còn Minh Đăng thì xiết chặt bàn tay nhỏ bé của Thiên Thy đang run lên cầm cập trong tay mình. Nghĩ lại, từ nhỏ đến lớn, mặc dù đã rất cố gắng thoát khỏi sự sắp đặt độc đoán ấy rất nhiều lần, nhưng lần nào Minh Đăng cũng thất bại, chỉ vì không nỡ phá hoại gia đình, không nỡ vứt bỏ ông ấy sang một bên để tiếp tục làm những việc mình thích, chỉ vì nghĩ ông ấy là cha. Thế nhưng, từ trước đến nay Minh Đăng đâu thể ngờ rằng mình đã làm những điều vô cùng ngu ngốc rồi.
– Ông…là hạng người kinh tởm nhất mà tôi từng gặp. Vậy mà bao nhiêu năm qua tôi đã gọi ông là ba … gọi một người như ông là ba… là điều chết tiệt và ngu ngốc nhất mà tôi từng làm.
Đăng cũng tức giận và rít qua từng kẽ răng hệt như ông Sang lúc nãy. Nhưng tận đáy mắt màu café sâu thẳm chứa đựng cả bầu trời uất ức và sự tiếc nuối cho bản thân, đã vì một người không đáng như ông ta mà đánh mất nửa đời người tự do.
Chẳng biết có phải vì quá đau đớn hay không mà Đăng cũng chẳng còn bận tâm về việc người cha ruột của mình rốt cục là ai. Bây giờ điều đó đối với anh còn gì là quan trọng nữa đâu. Khi mà anh sắp phải đối mặt với những khó khăn không tưởng ở phía trước. Nhìn những giọt nước mắt đau đớn của mẹ mà Đăng thấy lòng thắt quặn lên từng hồi. Rồi cả bàn tay nhỏ bé đang bấu víu lấy tay anh như sợ sẽ phải rời xa thêm một lần nữa của Thiên Thy. Cô ấy đã đứng chôn chân, lặng người bên cạnh Đăng suốt những phút dài đăng đẳng qua. Lòng dấy lên nỗi đau tột cùng, xót xa cho chàng trai cô yêu. Có ai ngờ Thiên Thy đã yêu một chàng trai chịu nhiều thương tổn như thế? Có ai ngờ Minh Đăng của cô lại là một chàng trai bất hạnh đội lốt hoàng tử như thế?
– Tôi nghĩ các vị đã kéo dài quá nhiều thời gian rồi đấy. Bây giờ xin phép cho chúng tôi được dẫn hai người này về đồn làm việc.
Viên cảnh sảnh sát lúc nãy vừa lạnh lùng cất tiếng, vừa đến bên Minh Đăng và lấy chiếc còng số tám ra với ý định còng vào tay anh. Nhưng chưa kịp làm được điều đó, anh ta đã bị đẩy ra bằng một lực rất mạnh từ bà Huệ. Bà đã nhanh chóng chạy đến bảo vệ con trai ngay sau khi nhìn thấy chiếc còng dành cho những tội nhận. Bà như muốn bất chấp tất cả để bảo vệ con. Lúc này, bà mạnh mẽ đến lạ lùng, hét lên trong đau đớn.
– Con tôi đã làm gì sai mà các người phải còng tay nó. Nãy giờ các người đã nghe thấy hết rồi đấy. Tất cả là do ông ta đã hại nó. Tất cả là do ông ta!!!
Thế nhưng trước sự hoảng loạn của bà Huệ, viên cảnh sát vẫn lạnh lùng đáp một cách vô tâm.
– Đó là chuyện của các người. Còn riêng về con bà, anh ấy phải chịu trách nhiệm với công việc và chữ kí của mình. Chúng tôi không thể nào làm trái luật được. Nếu bà còn cố tình cản trở, chúng tôi sẽ phạt bà vì tội cản trở người thi hành công vụ.
Thấy mẹ đau đớn như vậy, Minh Đăng cũng chỉ biết cố nuốt những uất ức, cay đắng vào lòng, cố gặng cười mà đưa tay lau đi những giọt nước mắt chua xót của mẹ đang tuôn rơi. Lúc này, Đăng phải cố tỏ ra bình tĩnh hơn ai hết.
– Mẹ! Sẽ không sao đâu. Con đi rồi về ngay. Mẹ đừng lo lắng quá.
Thế nhưng cử chỉ và lời nói dỗ dành của Minh Đăng chỉ càng làm cho những giọt nước mắt của bà Huệ thêm dàn dụa. Đứa con trai tội nghiệp của bà đã làm gì nên tội cơ chứ? Tất cả mọi chuyện đều là do lỗi lầm của bà kia mà.
Và rồi chuyện gì đến rồi cũng đến, chiếc còng bằng kim loại lạnh ngắt cuối cùng cũng đã chạm đến tay Đăng, vô tình chia cắt hai bàn tay đa đan chặt vào nhau trong hoang hoải đến vô cực. Thiên Thy đã không thể kìm nổi bản thân mà bật khóc đau đớn khi nhìn thấy đôi bàn tay tài hoa ấy, đôi bàn tay đã ôm chọn cô vào lòng suốt đêm qua bị kìm kẹp trong chiếc còng nhỏ bé và lạnh lẽo. Tiếng chiếc chìa khoá tra vào ổ khoá kêu răng rắc khiến lòng ai cũng nhói lên đau đớn.
Theo phản xạ tự nhiên, cô đã níu chặt cánh tay Đăng khi anh định quay bước đi, để lòng anh lại dấy lên những hồi sóng đau đớn như muốn nuốt chửng lấy thân xác. Đăng chậm rãi quay lại, nhẹ nhàng hôn lên vầng chán nhỏ xinh nhưng chất chứa đầy rẫy những đau thương. Dường như nơi khoé mắt anh cũng có một giọt nước mặn đắng chảy dài xuống trán Thy. Nụ hôn rất nhẹ, nhưng đã nói lên tất cả sự tin yêu và nỗi đớn đau của anh lúc này.
– Anh đi rồi sẽ về. Em ở lại chăm sóc mẹ giúp anh… Nhưng mà… Thiên Thy này – Bỗng, Đăng cúi xuống hôn vào vành tai Thy, nói giọng nghẹn ngào đắng cay đến cùng cực và đứt quãng, nhưng rất nhỏ, chỉ đủ cho một mình cô nghe thấy – Nếu như thấy anh lâu về quá… hoặc là ngày anh trở về được… tính bằng năm… Hứa với anh… trong khoảng thời gian đó… em… đừng bao giờ đến thăm anh…dù chỉ một lần. Ngày anh trở về, việc đầu tiên sẽ là tìm em. Nếu được…xin hãy chờ anh. Anh …
Bỗng giọng nói nghẹn ngào của Minh Đăng im bặt khi nói đến đây. Liệu bây giờ anh còn đủ tư cách để nói ba từ thiêng liêng ấy với Thiên Thy? Khi mà đôi tay anh đang bị kìm kẹp bởi chiếc còng lạnh lẽo thê lương này. Khẽ mỉm cười trong nước mắt, Minh Đăng đứng thẳng lên rồi nhanh chóng quay sang mẹ. Anh không đủ can đảm để nhìn vào khuôn mặt đau đớn của cô ấy thêm một chút nào nữa.
– Mẹ! Con đi đây. Mẹ nhớ giữ gìn sức khoẻ. Con sẽ về nhanh thôi.
Sau những lời nói gượng ghịu, Đăng mạnh mẽ bước đi trong sự kìm kẹp của những viên cảnh sát. Mặc cho những tiếng khóc được bật ra đau đớn từ phía sau. Anh cố gắng sải những bước chân dài và nhanh nhất có thể, như sợ trái tim không còn chịu được nữa mà phá tan sự kìm kẹp này để quay lại với hai người phụ nữ mà anh yêu thương nhất trên đời.
Vừa bước ra khỏi cánh cửa của bệnh viện, cả Minh Đăng và ông Sang đã bị cánh phóng viên nhà báo vây chặt lấy như lũ ong tìm được mật ngọt. Quả là trong thời đại thông tin, mọi sự việc quan trọng xảy ra đều được những truyền thông đại chúng bắn đi nhanh như tốc độ ánh sáng. Nhất là những thông tin giật gân như giám đốc công ty kia ngồi tù vì hối lộ, anh chàng nghệ sĩ này bị tóm vì làm những việc trái pháp luật. Trớ trêu thay, tất cả những trường hợp trên đều đổ vào đầu Minh Đăng. Đều đúng với tình cảnh của anh hiện tại. Chắc hẳn vài ngày sau đó, cánh báo chí sẽ vì Đăng mà tốn rất nhiều giấy mực.
Chật vật một hồi lâu, Minh Đăng và ông Sang cuối cùng cũng được đưa vào xe cảnh sát. Chiếc xe nhanh chóng lao đi trong sự truy đuổi của cánh phóng viên nhà báo.
Nhưng chẳng ai biết được ngoài cánh báo giới ra, vẫn còn một cô gái nhỏ nhắn cũng đang cố gắng chạy theo chiếc xe vô tình ấy với hai hàng nước mắt lăn dài. Để rồi vấp ngã đau đớn trên mặt đường xám sần sùi lạnh lẽo, cánh tay cũng vì thế mà trượt một đường dài để rồi những giọt máu được bật ra khỏi những thớ thịt hao gầy.
Thiên Thy bất lực nhìn chiếc xe và đám người phóng viên đang mờ dần qua màng nước mỏng. Như đứa trẻ con hoảng sợ khi bị lạc đường, cô ngồi ôm gối khóc nấc lên ngay tại nơi đôi chân cô quỵ xuống. Tại sao chuyện này lại xảy ra với Minh Đăng. Tại sao bây giờ Thy mới biết người con trai cô yêu có nhiều nỗi khổ tâm như thế? Và… tại sao cô lại phải sống xa anh thêm một lần nữa. Cả anh và cô mới chỉ được gần gũi nhau vào đêm qua thôi mà.
Từng câu hỏi trách móc “tại sao” cứ thi nhau ùa về, hoà quyện với nỗi đau có sẵn không ngừng dày vò Thy. Tiếng khóc cũng vì thế mà càng lúc càng trở nên uất ức, tức tưởi. Như bị lạc vào chốn đau thương không lối thoát, Thiên Thy thực sự không biết bây giờ phải làm gì và nên làm gì.
Trong khi đó, ngoài cánh cửa phòng bệnh 108, có hai chàng trai đang đứng thất thần tại đó suốt hai tiếng qua. Cũng như Tiến Hào và Bảo Duy, hoá ra Minh Đăng cũng chỉ là nạn nhân, là con cờ sống trong danh nghĩa là con trai của lão cáo già ấy. Vậy mà Bảo Duy đã hại lầm người. Còn Tiến Hào cũng không thể ngờ kế hoạch trả thù ông Sang của anh lại liên luỵ đến một người tốt. Cả hai chàng trai đều đứng lặng yên để mặc cho sự im lặng nuốt chửng con người mình với nỗi lo lắng. Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, nếu Minh Đăng phải ngồi tù, thì Thiên Thy sẽ phải làm sao đây?
Tối hôm ấy, Thiên Thy về nhà với bộ dạng thê thảm nhất có thể. Ngôi biệt thự trắng vẫn cứ thế. Vẫn cứ nằm đơn độc trên bãi cỏ xanh. Không khí trong nhà rất yên tĩnh. Nhưng Thiên Thy nào còn tâm trí đâu mà để ý đến những điều xung quanh. Cô cũng chẳng màng tới người đàn ông trung niên đang ngồi trầm tư nơi phòng khách để rồi bỗng giật mình vì tiếng gọi, khi thất thểu đi ngang qua.
– Thiên Thy! Con lại đi qua đêm rồi. Con chẳng xem lời ai ra gì cả.
Lời trách móc kèm theo tiếng thở dài của ông Cường khiến Thiên Thy mệt mỏi quay lại với đôi mắt đờ đẫn.
– Bây giờ con mệt lắm. Ông biết không? Con chỉ muốn đi ngủ thôi.
– Thiên Thy! Gọi… ba là…ba…Ba là ba của con.
Sự chân thành và có chút bối rối của ông Cường khiến Thy bất ngờ trong giây lát rồi bật khóc. Một tiếng “ba” của ông sao mà muộn màng quá, sao ông không chịu dùng đại từ thiêng liêng ấy với cô sớm hơn. Để cô không phải lúc nào cũng gồng mình lên mà chịu đựng tất cả suốt từ thời thơ ấu cho đến bây giờ.
– Nói đi, những ngày qua có chuyện gì xảy ra với con phải không?
Từ nhỏ đến lớn, Thiên Thy vẫn luôn là đứa trẻ lầm lì, không nói không rằng, nhưng vẫn luôn mạnh mẽ và chưa bao giờ tàn tạ ủ rũ không có sức sống như thế này. Đây là lần đầu tiên ông Cường thấy cô con gái mạnh mẽ bước đi mà như muốn ngã quỵ xuống bất kì lúc nào.
Như không thể chịu đựng khuôn mặt ủ rũ và sự buồn bã đang ngày càng ăn mòn con gái mình thêm được nữa. Ông Cường tiến lại gần cô con gái nhỏ bé hao gầy, cố gắng chạm tay vào khuôn mặt mà suốt mười mấy năm qua, ông không đủ can đảm để chạm đến. Và… cuối cùng, ông cũng đã chạm được vào người con bé. Ông Cường quả thực đang rất vui mừng vì mình đã chiến thắng được sự yếu đuối và sợ hãi của bản thân. Vậy mà con gái ông lại đón chào điều đó bằng một nỗi buồn khôn xiết gần như là vô hạn.
Mặc dù vẫn cố đứng thẳng, vẫn cố trụ trên đôi chân nhỏ bé như muốn sụp xuống bất cứa lúc nào, nhưng Thiên Thy đã không còn ý thức được mình đang nói gì với ba nữa. Những lời nói cứ tuôn ra một cách vô thức và ngây dại trong đau đớn và nước mắt.
– Những ngày qua, con làm sao vậy?
– B…ba! Bây giờ con biết phải làm sao để cứu Minh Đăng đây? Làm cách nào để cứu anh ấy đây?
Một khi người ta đau đớn đến cùng cực, họ sẽ nói ra những điều từ tận đáy tâm can họ mà không cần biết đối phương có hiểu hay không. Thiên Thy bây giờ cũng thế, cô luôn miệng nhắc đến tên Minh Đăng mà chẳng cần biết ba mình có biết người đó là ai hay không.
Còn ông Cường khi thấy con gái mình đau đớn như thế cũng cảm thấy lòng quặn thắt lây. Bản tính của một người cha đã điều khiển ông đến bên Thy và ôm trọn cô vào lòng. Mặc dù không biết Minh Đăng là ai, nhưng chắc hẳn đó phải là một chàng trai cực kì đặc biệt đối với con gái ông. Bao nhiêu năm qua, ông đã quá vô tâm với Thiên Thy rồi. Vô tâm đến nỗi, con gái ông biết yêu và biết đau vì một người con trai từ khi nào ông cũng không biết. Chắc hẳn người vợ yêu dấu của ông nơi thiên đường sẽ trách ông nhiều lắm đây.
…
Ngâm mình dưới làn nước lạnh thấu da, Thiên Thy khẽ nhắm mắt cố gắng thả trôi tất cả những gì cô chứng kiến vào sáng nay. Từ những lời nói vô cảm của ông Sang cho đến cảnh Minh Đăng bị còng tay. Từng chi tiết cặn kẽ tựa như từng sợi len, dệt vào tâm trí Thy một tấm màn đen ám ảnh dai dẳng.
Nếu như điều tồi tệ nhất xảy ra, nếu như ngày trở về của Minh Đăng được tính bằng năm như anh lường trước. Lúc ấy, cô sẽ phải làm gì đây? Thy không biết! Thy thực sự không biết và cũng không muốn nghĩ đến. Nhưng chắc chắn cô sẽ không thể yếu đuối như thế này mãi được. Thy cần làm một điều gì đó, hoặc ít ra sẽ không để ba lo lắng cho cô như thời gian qua nữa. Chẳng phải từ nhỏ đến lớn Thiên Thy vẫn mong ba sẽ yêu thương cô như bao đứa trẻ khác sao? Bây giờ Thy được rồi đấy. Nhưng mà khi nghĩ đến tình phụ tử… cô lại cảm thấy đau đớn thay cho chàng trai cô yêu.
Những giọt nước mắt lại lăn dài từ khoé mi xuống mặt nước lạnh lẽo trong bồn tắm. Trái tim lại nhói lên đau đớn nhưng trong tâm tư vẫn luôn giữ vững một sự mạnh mẽ cố định. Thiên Thy nhắm mắt, thả người mình chìm ngập vào làn nước lạnh thấu tâm can.
“Minh Đăng! Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra. Nếu ngày anh trở về được tính bằng năm như anh lo lắng. Em ở ngoài này sẽ thay anh làm tất cả”
…
Những ngày sau đó, Thiên Thy như một chú ốc sống trong vỏ bọc cứng rắn quen thuộc của chính mình. Ban ngày cô vùi đầu vào sách vở vì kì thi tốt nghiệp đã cận kề. Chiều đến, Thy luôn có mặt tại nhà riêng của mẹ Minh Đăng để xoa dịu đi phần nào nỗi thương nhớ, lo lắng khôn xiết của bà. Kể từ ngày biết được Minh Đăng là đứa cháu rơi không có chung dòng máu, cả gia đình chồng đã hắt hủi, xua đuổi bà Huệ ra khỏi nhà một cách không thương tiếc và có phần ác tâm. Nếu lúc trước bà là một phu nhân quyền quý sống trong biệt thự nguy nga, thì bây giờ bà chỉ là goá phụ trắng tay sống trong một phòng trọ chật chội tồi tàn. Cuộc đời người phụ nữ thời hiện đại có lúc vẫn phải phụ thuộc vào người đời như thế đấy. Nhưng cũng may bà vẫn còn một cô bé cùng chung chí hướng, cùng dành cho con trai bà một tình yêu hết mực để yên ủi bầu bạn vào những lúc tưởng chừng như cả thế giới đang quay lưng lại với bà. Bà cũng cảm thấy thương thay và cảm phục Thiên Thy. Cùng mang thân phận người phụ nữ, người con gái giống bà nhưng cô bé lúc nào cũng mạnh mẽ và ngoan cường, chẳng bao giờ yếu đuối đìu hiu như bà lúc này đây.
Một ngày của Thiên Thy luôn có từng ấy việc. Sáng đi học, chiều đến thăm mẹ Minh Đăng và tối đến về nhà cô lại bù đầu vào bài vở ôn thi cho đến hai, ba giờ sáng. Giờ đây cô như một chiếc chong chóng, bị cơn lốc công việc và học tập vần xoay và vắt kiệt sức lực. Và Thy muốn thế.
Nhưng mọi thứ cũng đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi khoảng cách giữa cô và ba ngày càng được lấp đầy bằng những quan tâm chân thành, nhỏ nhặt mà ông dành cho cô, mặc kệ cho bà Mỹ càng ngày càng trở nên ganh ghét, khó ưa Thiên Thy ra mặt khi mà cả Tiến Hào và Bảo Duy đều dành cho cô những quan tâm hết mực với danh nghĩa là những người cùng chung mái nhà. Họ vẫn chưa cảm thấy nguôi ngoai đi phần nào sự tội lỗi khi vô tình đem đến cho Thy và Đăng những trái đắng trong thầm lặng.
Cứ như thế, rồi một tuần cũng đã trôi qua. Cuối cùng cũng đến ngày Thy và bà Huệ mong mỏi nhất. Ngày diễn ra phiên toà xử phạt Minh Đăng và ông Sang.
Ngày Đăng ra hầu toà, Thiên Thy không khỏi xót xa khi thấy tấm thân cao ráo bây giờ trở nên gầy rộc. Đôi mắt café đa sầu giờ đây sâu hút tựa chiếc dòng sông không đáy. Khuôn mặt thanh tú bây giờ hốc hác xương cạnh như chẳng còn chút sức sống. Chỉ mới một tuần không gặp mà Minh Đăng dường như đã biến thành một chàng trai hoàn toàn khác với ngày trước.
Bà Huệ thấy con trai tàn tạ như thế thì khóc lên xỉu xuống, để rồi suýt ngất đi khi luật sư bào chữa cho Minh Đăng chịu thua trước sức nặng của phiên toà.
Nhưng nếu là một người có tầm nhìn sâu rộng và nhạy cảm, chắc chắn sẽ dễ dàng nhận ra đây là một phiên toà được sắp xếp theo ý muốn của một thế lực mạnh mẽ nào đó đứng sau tất cả. Hình phạt cũng vì thế mà trở nên vô lí và bất công đến mức không thể chấp nhận. Khi gán cho Minh Đăng án phạt bốn năm tù vì bắt anh chịu trách nhiệm hoàn toàn khi kí tên vào những bản hợp đồng mang tính lừa gạt. Còn ông Sang phạt một năm tù vì chỉ là người giao dịch không hơn không kém.
Nhưng suy cho cùng thì cũng phải thôi, dù gì đi nữa, đứng sau ông Sang vẫn là một tập đoàn Hoàng Minh vững chắc, còn Minh Đăng lúc này chỉ là một đứa con, một đứa cháu rơi trắng tay bị đá văng ra khỏi tập đoàn, mặc dù cho một tháng trước anh vẫn còn ngồi vào chiếc ghế thừa kế. Kết quả bất công này, chính Minh Đăng cũng lường trước được.
Phiên toà kết thúc, tất cả mọi người chứng kiến đều cảm thấy đau thương thay cho bà mẹ có đứa con trai bất hạnh. Như một nụ hoa héo tàn vì bị hút hết mật, bà Huệ khóc nấc lên rồi lịm đi vì quá mệt mỏi đau thương. Lúc ấy, chỉ có Thiên Thy là điểm tựa duy nhất để bà ngả người vào. Trong khi đó, bên kia hàng ghế, ông chủ tịch của tập đoàn Hoàng Minh vẫn ngồi yên vị như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Đôi lúc, lòng dạ con người ta lại lạnh lẽo và vô cảm tựa như cục đá như thế đấy.
Mọi sự đau thương vẫn chưa dừng lại ở đó, mà nó còn dâng lên đến cùng cực khi Minh Đăng bị chính thức đưa đến trại giam trong sự kìm kẹp của những viên cảnh sát. Khi đi ngang qua người mẹ đau đớn và cô gái lúc nào cũng gắng gượng đứng vững trước những nỗi đau của mình, Minh Đăng đắng đót cố gắng nhắm mắt lại một cách vô tình mới có đủ can đảm để tiếp tục bước đi. Trong thâm tâm anh đau nhói như bị hàng ngàn mũi dao đâm, rạch khắp cơ thể…
Nhưng dường như một khi con người ta bị đẩy vào đường cùng, họ sẽ khao khát được làm lại tất cả. Minh Đăng cũng thế, dù bàn chân bước đi trong sự bất lực nhưng tâm trí anh đang cháy lên ngọn lửa hận thù. Một ngày nào đó, Minh Đăng sẽ lật ngược lại ván cờ. Một ngày nào đó, anh sẽ bắt những kẻ dùng cuộc đời anh như một trò chơi phải quỳ luỵ dưới chân anh. Nhưng điều Minh Đăng lo sợ nhất trong lúc bị giam cầm, chính là mẹ và Thiên Thy. Liệu hai người ấy có thể vượt qua nỗi cay đắng này không?
Nhìn bóng dáng Minh Đăng leo lên chiếc xe chở tội nhân rồi lao thẳng đi trong nghìn bụi dặm khơi, Thiên Thy không thể nào kìm lòng mà bật khóc nấc lên. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, cô vẫn không thể nào can ngăn dòng nước mắt trực trào.
Nỗi đau này, cay đắng này biết bao giờ mới nguôi ngoai? Sự bất công và xã hội nhơ nhớp này biết bao giờ mới được trong sạch công bằng?
– Đây là cái giá phải trả cho sự lừa dối đấy, cô Huệ.
Bỗng, giọng nói khàn khàn lãnh đạm từ phía sau vang lên chi phối những giọt nước mắt của cả bà Huệ và Thiên Thy. Ông chủ tịch của Hoàng Minh đã đến bên hai người tự lúc nào.
– Ba…ba…
– Đừng gọi tôi là ba! Và cũng đừng để tôi biết được ba ruột của nó là ai. Tốt nhất là từ giờ trở đi đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi nữa.
Sau lời nói điềm đạm, ông chủ tịch già chống gậy bước đi với dáng vẻ khoan thai như chẳng có điều gì làm xoay chuyển được cái thế giới ông đang nắm giữ. Sự việc lần này đã đem đến cho công ty một tổn thất nghiêm trọng nhưng chắc hẳn chỉ trong một thời gian nhất định nào đó mà thôi. Muốn lật đổ cả công ty, phải lật đổ kẻ đứng đầu gạo cội chính là ông. Nhưng liệu Tiến Hào và Bảo Duy có đủ sức làm chuyện đó?
o0o
Con đường về nhà hôm nay sao bỗng trở nên dài đến vô tận, khi mà đôi chân cô độc của Thiên Thy cứ bước đi mãi mà chẳng đến nơi. Con sông Hàn vẫn cứ yên ả chở đầy gió. Vỉa hè vắng lặng vẫn sáng toả bóng đèn vàng. Riêng chỉ có mình cô là vẫn cứ lẻ loi bước đi một mình. Con đường dài rộng như thế, biết đến khi nào mới bước tới cuối nỗi buồn đau?
Bỗng chốc, hình ảnh gầy gò tàn tạ của Minh Đăng vào buổi sáng nay lại hiện về trong tâm trí Thy, khiến cho trái tim lại nhói lên tựa như hàng ngàn vết cắt trong đấy vừa mới được liền miệng giờ đây lại một lần nữa rách toạc ra, rỉ từng giọt máu.
Cho đến bây giờ, Thiên Thy mới thực sự hiểu ra vì sao một tháng trước Đăng hắt hủi cô, xem cô như một món đồ chơi trong bàn tay anh. Tất cả điều đó, chỉ là để bảo vệ cô trước móng vuốt nhọn hoắt của những con người nguy hiểm mà cô chưa bao giờ biết đến. Nếu ông Sang là một con cáo già khôn ranh thì ngài chủ tịch già nua kia lại chính là người cha dạy cho ông ta tất cả. Vậy mà Thiên Thy ngu ngơ chẳng biết gì, lại còn khờ khạo oán trách anh. Quăng cho anh những lời lẽ cay độc không thể tổn thương hơn. Và cuối cùng, là khiến Đăng mất đi cả ước mơ chỉ vì liều sống còn để bảo vệ cô.
Có lẽ, cuộc đời này luôn luôn là thế, con người ta luôn nhận ra lỗi lầm của mình vào những thời điểm muộn màng, để rồi bị dày vò bởi những cơn hối hận khôn nguôi.
Bốn năm! Trong bốn năm tiếp theo, Thiên Thy biết làm gì để cho nguôi ngoai đi sự dằn vặt tựa con sóng, lúc nào cũng muốn nuốt chửng cô đây?
Đôi chân vẫn cứ tiếp tục bước đi trong vô thức, chậm rãi và nặng nề, nên về đến nhà lúc nào Thiên Thy cũng không hay biết. Chỉ biết rằng cô đã buộc phải dừng chân lại khi nhìn thấy một cảnh tượng rất khó tin và khó chấp nhận ngay trước mặt. Đôi mắt buồn bỗng loé lên những tia bất ngờ và hoang hoải đến cùng cực, để rồi đôi môi vô thức thốt ra tiếng gọi gãy khúc.
– Bảo… Duy! Em và hắn… quen nhau sao?
Thiên Thy dường như không thể tin vào mắt mình khi mà trước mặt cô là cảnh tượng Bảo Duy đang đứng nói chuyện với một người mà có lẽ suốt cuộc đời này cô không bao giờ quên hắn được. Là hắn đã cướp đi một nửa cuộc sống của Minh Đăng. Là hắn đã khiến cô ám ảnh khi giở trò đồi bại với cô không thành. Là hắn. Tên nghiện.