Chó Ngao Độ Hồn

Chương 15: Con chó rừng bị ép đến đường cùng


Đọc truyện Chó Ngao Độ Hồn – Chương 15: Con chó rừng bị ép đến đường cùng

Khi tôi đang đeo súng trên vai, vừa gặm đùi gà vừa rẽ vào khúc quanh trên núi, liền thấy ngay một con chó rừng nhỏ đang đứng bơ vơ bên một gốc cây ven đường. Con chó rừng này vẫn còn đang trong thời kì bú mẹ, lông tơ trên mình nó chỉ mảnh như những cánh hoa bồ công anh.

Tôi vội vàng vứt cái đùi gà mới gặm vài miếng xuống đất, lôi súng ra, lách cách mở chốt an toàn. Tôi biết chó rừng là loài động vật có tình mẫu tử hết sức sâu sắc, chó rừng mẹ luôn luôn cẩn thận canh chừng bên cạnh chó rừng con, một khi phát hiện đứa con yêu của mình bị uy hiếp, nó sẽ xông lên cắn người vô cùng hung dữ.

Tôi cầm súng đợi một lúc lâu nhưng không thấy bóng dáng chó rừng mẹ. Chỉ thấy chó rừng nhỏ ngửi thấy mùi thơm từ chiếc đùi gà nướng, không ngừng rung rung hai cánh mũi, liếm môi liếm mép, điệu bộ thèm rỏ dãi, ngó tôi một cái rồi từ từ đi về phía chiếc đùi gà. Lúc này, tôi mới nhìn rõ, con vật bé nhỏ gầy giơ xương, cái bụng lép kẹp gần như dính sát vào sống lưng, trên người dính đầy lá chua me, trông lôi thôi bẩn thỉu. Xem ra đây là một con chó rừng mồ côi đã mất đi sự chở che của chó rừng mẹ.

Có thể chó rừng mẹ đã giẫm phải bẫy sắt được giấu trong đám cỏ dại; có thể chó rừng mẹ bị sa vào lưới mắc trên cây; có thể một thợ săn nấp sau vách đá đã bắn vỡ sọ chó rừng mẹ bằng viên đạn rực lửa; có thể hổ, báo đã ăn tươi nuốt sống chó rừng mẹ rồi… Rốt cuộc nguyên nhân gì đã khiến chó rừng nhỏ này trở nên mồ côi, tôi chẳng thế nào biết được.

Chiếc đùi gà đã dính đầy đất, tôi không thể ăn được nữa. Tôi thu súng lại, xé nhỏ đùi gà, bày thịt trong lòng bàn tay. Con vật bé nhỏ bò đến, nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng và cảm kích, đôi mắt nó ngây thơ vô tội, trong sáng không một tì vết. Nó lấy lưỡi liếm nhẹ lên ngón tay tôi, sau đó mới bắt đầu ngấu nghiến những miếng thịt trên tay tôi. Chẳng hiểu vì sao trong lòng tôi bỗng dâng lên một thứ tình cảm kì lạ, tôi quyết định sẽ nuôi dưỡng con chó rừng nhỏ này.

Theo phân loại động vật học, chó rừng và chó đều thuộc họ Chó, người dân miền núi nơi đây đều quen gọi chúng là chó rừng. Chó rừng và chó không những hình dáng giống nhau, mà còn gần gũi về cả mặt huyết thống, trước đây trong thôn từng xảy ra chuyện một con chó bị chủ đuổi đã gia nhập đàn chó rừng. Tôi nghĩ, chỉ cần biết cách huấn luyện, có thể cải tạo con chó rừng nhỏ này thành chó săn.

Tôi đem con chó rừng nhỏ về nhà, bắt đầu nuôi dưỡng nó theo cách nuôi chó săn. Tôi đặt tên cho nó là Gâu Gâu, một cái tên hoàn toàn mang phong cách của chó; loài chó ăn thức ăn chín, nên để củng cố tính chó của nó, tôi không bao giờ cho nó ăn thức ăn sống; chó rất giỏi kiềm chế bản tính hoang dã của động vật ăn thịt, chung sống hòa bình với các loại gia súc, gia cầm khác, cho nên tôi để Gâu Gâu ở nhà làm bạn cả ngày với bò, dê, gà, vịt, nhằm xóa bỏ bản tính tàn bạo của chó rừng vốn có trong nó; chó thích ngủ ngoài cửa phòng của chủ, tôi bèn làm cho nó một cái chuồng chó trước cửa phong ngủ của tôi… Gâu Gâu nhanh chóng làm quen với cuộc sống của chó, thậm chí còn học được cách sủa gâu gâu như chó.

Mười tháng sau, Gâu Gâu lớn lên trở thành một con chó rừng cái xinh xắn, bốn chân vừa nhỏ vừa dài, thân hình thon thả, sống lưng thẳng, từ eo đến mông hình thành một đường cong mềm mại, lông trên đầu, đuôi và lưng nó vàng óng, lông ngực và bụng đều trắng tinh như tuyết, cái mõm đen nhánh, nom tràn trề sức sống. Nó biết sà vào lòng tôi, nhiệt tình liếm má tôi; biết phát ra những tiếng gầm gừ như chó; biết dùng ánh mắt bình tĩnh nhìn những con gà mái béo mượt đang kiếm ăn ở xung quanh; biết theo lệnh tôi gọi đàn dê đang ăn cỏ trên sườn núi quay về; biết kiên nhẫn ngồi trước cửa hàng tiếng đồng hồ khi tôi làm việc nhà, khiến tôi thấy ngại để rồi phải dẫn nó ra ngoài đi dạo.


Từ tận đáy lòng, tôi tin rằng Gâu Gâu đã được huấn luyện trở thành một con chó săn chân chính, ngoại trừ cái đuôi ra còn trên mọi phương diện nó hoàn toàn chẳng khác gì chó săn.

Đuôi chó rừng to và thô hơn nhiều so với đuôi chó, đồng thời dài hơn, lông lá bù xù, giống như một dòng thác chảy từ sống lưng xuống. Có lẽ chính vì cái đuôi vừa thô, vừa dài, vừa nặng, nên chó rừng chỉ có thể dựng đuôi lên hoặc cụp đuôi xuống, cùng lắm cũng chỉ có thể ve vẩy sang hai bên như cái cần gạt mà thôi, chẳng thể nào làm được như chó, vẫy đuôi theo khắp mọi hướng, vừa linh hoạt đẹp mắt lại vừa thể hiệu được tình cảm thân thiết trong đó. Để phân biệt chó và chó rừng, người dân địa phương chủ yếu nhìn vào cái đuôi.

Chính vì cái đuôi chó rừng rõ rành rành ấy mà trong làng chẳng ai công nhận Gâu Gâu đã được tôi thuần hóa trở thành một con chó săn. Nó đến gần ai, người đó liên dùng chân đá, dùng đất ném, dùng gậy đuổi nó ra xa. Có khi Gâu Gâu nhìn thấy một đám trẻ con đang chơi trốn tìm, nó hứng chí chạy đến định góp vui, nhưng nó chưa kịp đến gần, bọn trẻ đều sợ hãi hét ầm lên rồi bỏ chạy, còn kêu to: “Chó rừng đuôi xù đến kìa, chó rừng đuôi xù đến kìa!” Những đứa nhát gan liền chạy về nhà, thêm mắm thêm muối vào, vừa khóc vừa mách người lớn, những đứa dũng cảm hơn một chút thì dùng súng cao su tấn công Gâu Gâu dữ dội.

Một lần làng tổ chức hoạt động tế thần núi rất rầm rộ, tất cả trai gái già trẻ trong làng đều được huy động tham gia. Sau khi nghi thức tế lễ kết thúc, liền đến phần nấu cơm dã ngoại, nấu được một nồi lớn đầy thịt bò măng chua, trước tiên mỗi người được một bát to, sau đó mỗi con chó được một muôi lớn. Đến lượt Gâu Gâu, người cầm muôi là Nham Tung liền giơ muôi lên gõ chan chát vào đầu Gâu Gâu, lơn tiếng quát: “Con chó rừng đuôi xù kia, cút ngay! Tao chưa lột tấm da chó rừng của mày, rút gân chó rừng của mày, ăn thịt chó rừng của mày đã là may cho mày lắm rồi, mày lại còn đòi ăn thịt bò nữa à, đừng hòng!”

Trong đàn chó, cảnh ngộ của Gâu Gâu lại càng thảm hại hơn. Chẳng có con chó nào chịu kết bạn với nó, mặc dù nó xinh xắn đáng yêu, lại chưa từng có bạn tình, nhưng ngay cả trong thời kì động đực, cũng chẳng có bất kì con chó đực nào tỏ ra thân thiết hay có cảm tình với nó. Tất cả lũ chó dường như đều ghét nó, nói chính xác là ghét cái đuôi to tướng bù xù của nó.

Có lần, lũ chó phát hiện ra một con chồn ở chỗ máy lọc nước, liền tập trung thành bầy để tấn công, mở một cuộc truy đuổi gay gắt. Gâu Gâu đứng xem mà lòng như lửa đốt, cũng sủa lên rồi gia nhập vào đội chó săn, cùng đuổi theo con chồn. Lũ chó sau khi phát hiện ra, chẳng những mặc kệ không đuổi theo con chồn nữa, mà còn thay đổi mục tiêu, quay lại cắn Gâu Gâu. Hai con chó chạy phía trước rất quái dị, cứ nhìn chằm chặp vào cái đuôi của Gâu Gâu. Nếu tôi không kịp thời chạy đến nơi, chắc Gâu Gâu thành chó rừng cụt đuôi rồi.

Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn, đến mức sau này chỉ cần Gâu Gâu bước ra khỏi cửa, lập tức sẽ bị lũ chó tấn công.

Tôi rất buồn phiền, Gâu Gâu cũng rất buồn phiền, tôi không biết phải làm thế nào mới phải.


Hôm đó, tôi đang ngồi cắt cỏ trong sân, lưỡi liềm sắc lẻm cứ đều đều cắt những bó rơm to thành từng đoạn dài chừng một thước. Gâu Gâu ngồi xổm trước mặt tôi, mắt nhìn chăm chăm vào cái liềm, dường như rất hứng thù với thứ công cụ có thể cắt rơm ngọt xớt này.

Tôi cầm chuôi liềm, cánh tay cứ đưa lưỡi liềm chuyển động từ trên xuống dưới như một cái máy. Bỗng nhiên, Gâu Gâu vui mừng khẽ sủa lên một tiếng, hai mắt phát sáng, như thể gặp được chuyện gì vui mừng, tôi nhìn quanh bốn phía, chẳng thấy có bất kì điều gì khác thường đáng chú ý cả. Khi tôi đưa mắt nhìn quanh, hai tay vẫn không ngừng làm việc, vẫn tiếp tục cắt cỏ đều đều.

Đột nhiên, tôi chợt liếc thấy một thứ màu vàng óng lướt qua, rồi có thứ gì đó được đặt dưới lưỡi dao. Tôi muốn dừng tay lại, nhưng đã không kịp nữa, chỉ nghe thấy tiếng kêu răng rắc, cổ tay tôi rung lên vì lưỡi dao chém phải vật gì cưng cứng. Cái đuôi xù của Gâu Gâu rơi xuống đất, nó đau đớn giãy lên giữa đám cỏ; tôi giật mình kêu lên một tiếng, thấy vừa có lỗi, vừa thương, vừa xót vì trót lỡ tay làm bị thương con chó yêu quý của mình.

Tôi nghĩ, Gâu Gâu chắc là đau quá nên mới nhảy lên như thế, cứ nhìn tôi mà gầm gừ. Nhưng hoàn toàn trái ngược với dự liệu của tôi, Gâu Gâu nhìn cái đuôi bị dao cắt đứt, trong mắt không hề tỏ vẻ gì đau đớn hay buồn rầu, cũng chẳng hề trách móc hay oán giận gì tôi; nó không cầm được nước mắt, nhưng hai tai vẫn dựng lên, tỏ vẻ vui mừng. Thấy tôi vội vàng nhặt cái đuôi lên, nó chạy lại dịu dàng liếm tay tôi, rồi ngoạm lấy chiếc đuôi, kiên quyết rút ra khỏi tay tôi, đem vứt vào trong đống rác ở góc phòng.

Trái tim tôi chợt run lên, tôi đã hiểu, là tự nó muốn cắt đứt cái đuôi của mình! Nó hiểu rằng cái đuôi xù không biết vẫy của nó khiến người ta căm ghét, cũng là nguyên nhân cơ bản khiến đàn chó đuổi đánh nó, nó cắt đứt chiếc đuôi của mình, quyết tâm làm một con chó ngoan được mọi người yêu quý.

Một con vật mới thông minh làm sao? Mắt tôi thấy hơi ươn ướt, tôi ôm nó vào lòng, dùng bàn tay run rẩy vuốt ve sống lưng nó. Nó thè lưỡi ra, không ngừng liếm vào mi mắt tôi. Chà, nó lại còn an ủi tôi nữa.

Tôi đi hái rau má chuyên dùng để chữa vết thương, giã nhỏ, đắp lên chỗ đuôi của Gâu Gâu. Nửa tháng sau, vết thương của nó mới hoàn toàn lành lặn.


Tôi mãi mãi không thể quên được tình cảnh lần đầu tiên Gâu Gâu ra khỏi cửa sau khi chữa khỏi vết thương. Nó nhảy nhót, sà vào lòng tôi, chân sau đứng thẳng, chân trước đặt lên lưng tôi, thè lưỡi ra, hết sức đòi liếm mặt tôi. Tôi xoa trán nó, thấy nó hồi hộp đến mức run bắn lên. Nó nghĩ một cách đương nhiên rằng, nó đã cắt đuôi đi rồi, đã thay da đổi thịt mà trở thành một con chó chân chính, từ này sẽ không còn bị mọi người ghét bỏ, bị đàn chó đuổi đánh nữa. Tôi cũng thấy vui mừng cho nó, nó đã chọn cách tự hi sinh để tiếp nhận thách thức của số phận, cái đuôi của nó đã đứt rồi, tuy vẻ ngoài có xấu đi đôi chút nhưng niềm tin kiên định vào việc xây dựng một hình tượng mới cho bản thân của nó là vô cùng cao đẹp.

Tôi mừng rỡ dắt nó đi ra sân tuốt lúa ở giữa trại. Một đàn chó đang tranh nhau khúc xương, Gâu Gâu hứng chí sủa một tiếng, chui vào giữa đàn chó, muốn tham gia trò chơi tranh giành khúc xương này. Khi nó vừa mới đến gần, đàn chó đang tranh giành nảy lửa bỗng sững cả lại như thế gặp ma, trợn mắt lên nhìn, nghiến răng ken két lộ hết vẻ hung dữ ra ngoài. Gâu Gâu vẫn không lùi bước, nó bình tĩnh quay lưng về phía đàn chó, giơ mông cho chúng xem, lắc mạnh cái hông, cất tiếng sủa gâu gâu. Nó ngẩng cao đầu, tiếng kêu lanh lảnh, đầy vẻ kiêu hãnh và tự tin. Tất cả những ngôn ngữ cử chỉ của nó đều đã quá rõ ràng, đó là tuyên bố quy thuận, là tuyên ngôn đầu hàng, nó đang dùng ngôn ngữ của loài chó để nói với lũ chó còn đang mang ý đối địch với nó rằng: Các cậu đừng nhìn tôi bằng con mắt cũ nữa, hãy nhìn phần đuôi của tôi mà xem, cái đuôi khiến các cậu căm ghét kia đã không còn nữa rồi! Tôi đã trở thành một con chó chân chính, là đồng loại của các cậu, các cậu đừng coi tôi là kẻ khác loài nữa!

Ánh mắt của cả bầy chó đều tập trung nhìn vào cái đuôi của Gâu Gâu, chẳng con nào sủa, cũng chẳng con nào động đậy, cứ như một lũ tượng đất hay tượng gỗ vậy. Đứng đầu đàn chó là một con chó đen có tên Ô Long của nhà trưởng thôn, mất một lúc, Ô Long mới cẩn thận tiến đến gần Gâu Gâu, rung rung cánh mũi, bắt đầu ngửi. Tôi đứng một bên quan sát, thấy vẻ mặt của Ô Long thay đổi liên tục, từ ngạc nhiên, nghi hoặc đến tức giận. Đột nhiên, lông gáy của Ô Long dựng đứng cả lên, nó gâu gâu sủa lên một tràng, giống như đang thông báo cho cả đàn chó, nó đã kiểm nghiệm xong con vật cụt đuôi đang đứng trước mắt không phải là chó, mà là chó rừng! Chớp mặt cả đàn chó tỉnh mộng, con nào con nấy ánh mắt nảy lửa căm thù, sủa ầm ĩ xông về phía Gâu Gâu.

Gâu Gâu rối rít lắc hông, mong có thể thay đổi tình hình, nhưng vô ích. Đàn chó đua nhau xông tới, cắn xé nó, nó một mình không thể chống lại được số đông, nghẹn ngào bỏ chạy về bên cạnh tôi, nhìn tôi sủa ấm ức. Ôi, tôi cũng chẳng thể làm gì được!

Khó khăn lắm tôi mới đuổi được đàn chó hung hãn kia đi, đưa Gâu Gâu rời khỏi sân tuốt lúa, rẽ qua chỗ giếng nước mang tên Dấu Chân Tiên ở trong trang trại, vừa hay gặp mấy người thợ săn đang ngồi cạnh giếng chia nhau một con hươu mới săn được, tiếng người nói, tiếng chó sủa ầm ĩ váng cả một góc. Gâu Gâu tiến về phía những người thợ săn, bước đi nặng nề, như đang nhấc từng bước trong đống bùn, đi một cách khó khăn, có thể thấy trong lòng nó đã đề phòng, e rằng sẽ lại bị tấn công, nó rụt rè, chậm rãi đến trước mắt đám thợ săn, khẽ sủa lên một tiếng như đang thở dài, tiếng “gâu” nghe thật thê lương, lộ ra vẻ đau khổ tột cùng.

Một người đàn ông trung niên tên là Nham Tùng ngẩng đầu nhìn Gâu Gâu, bức mình vung tay xua đuổi: “Cút, cút ra chỗ khác, cái con chó rừng đội lốt chó này, cứ nhìn thấy mày là tao khó chịu!”

Gâu Gâu lại quay lưng về phía đám thợ săn, giơ cái đuôi đã bị cắt cụt ra. Lần này, nó không còn kiêu hãnh và tự tin nữa, cứ rụt rè như kẻ có tội; tiếng kêu của nó không còn lanh lảnh, mà khàn khàn như bị sốt; mắt nó long lanh ngấn nước, vừa giơ mông lên vừa gục xuống dưới chân, nhìn ra phía sau, trong mắt đầy vể khẩn cầu sự thương xót.

Nó cầu xin những người thợ săn kia có thể nể tình nó đã tự cắt đuôi mà tha thứ cho xuất thân của nó, có thể bố thí cho nó một chút tình thân.

Tim tôi đau nhói như bị kim châm.


Đám thợ săn đều ngẩng đầu nhìn Gâu Gâu để xem chuyện lạ. Trên mặt Nham Tùng lộ ra một nụ cười bí hiểm, hắn nhổ toẹt vào Gâu Gâu, quát: “Con chó rừng khốn kiếp, mày tưởng mất cái đuôi rồi thì mọi người sẽ không nhận ra mày là cái giống gì nữa hay sao, đúng là đồ ngu! Đừng nói là mày chỉ cắt cái đuôi đi, cho dù mày có lột da chăng nữa, thì vẫn cứ là một con chó rừng đáng ghét!”

Nham Tùng vừa quát mắt vừa nhặt một cục đất lên ném về phía Gâu Gâu, trúng ngay vào chỗ cái đuôi cụt của nó. Công bằng mà nói, cái ném này không gây thương tổn gì trên người Gâu Gâu, cục đất rất mềm, thậm chí còn chẳng trầy da. Nhưng Gâu Gâu bị giật điện, hai mắt đờ đẫn, toàn thân run rẩy, nằm phục xuống đất, mãi mà không động đậy gì.

Bỗng nhiên, nó ngẩng đầu lên, hướng về những đám mây trắng đang trôi trên nền trời xanh mà hú dài một tiếng, nghe như tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh, khiến người ta phải dựng tóc gáy. Tôi nuôi nó đã được gần một năm nay, lần đầu tiên mới nghe thấy nó phát ra tiếng kêu ảo não như thế. Đó là tiếng hú của một con chó rừng đích thực. Tôi muốn ôm nó về nhà, nhưng nó vùng vẫy giằng ra khỏi vòng tay tôi, chạy như điên ra khỏi trại, mất hút trong cánh rừng xanh.

Tôi tìm mất mấy ngày, vẫn không thấy Gâu Gâu đâu cả.

Hai tháng sau, làng Man Quảng Lộng xảy ra nạn chó rừng, một đàn chó rừng hung dữ tấn công bò dê chăn thả trên núi, còn cắn chết mấy con chó chăn dê. Có một lần, đàn chó rừng to gan này còn xông vào giữa trại ban ngày, quét sạch đàn gà hai mươi mấy còn của nhà Nham Tùng. Thợ săn trong trại đã tổ chức mấy đợt phục kích, giăng lưới và lên núi đi săn, nhưng đàn chó rừng rất tinh khôn, luôn luôn trốn thoát khỏi sự truy đuổi của họ.

Điều kì lạ nhất là, trong trại hầu như gia cầm, gia súc của nhà nào cũng đều bị đàn chó rừng tấn công, chỉ có mỗi hai con lợn và đàn gà nhà tôi, cả ngày đều thả rông ở ngoài mà chẳng hề hấn gì; nhà tôi chỉ là căn nhà dột nát lung tung, nhưng cũng chưa từng bị chó rừng phá hoại.

Một hôm, trưởng thôn đã trực tiếp đối mặt với đàn chó rừng ấy trong khe núi phía sau trại, ông nhìn thấy rất rõ ràng, con chó đầu đàn không có đuôi.

Tin tức truyền ra, nhà nào nhà nấy trong trại liền mời tôi đến ăn cơm, cố ép tôi ăn thật nhiều canh gà, rồi dùng nước tiểu của tôi tưới lên hàng rào quanh nhà mình. Suốt nửa tháng trời, nước tiểu của tôi rất đắt hàng, tôi cũng thành cái máy đi tiểu, đến khắp nơi phân phát mùi nước tiểu.

Kể cũng lạ, từ đó về sau, đàn chó sói rừng ấy không còn đến gây rắc rối cho trại Man Quảng Lộng nữa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.